Sự kiện & Bình luận

Made In Vietnam

Nguyễn Bình Phương
Tiếng nói nhà văn
14:00 | 04/11/2024
Baovannghe.vn - Biên giới của Made In Vietnam vươn tới đâu? Trong những cuốn sách cổ kính nhất không thấy câu trả lời, ngay cả các bản sấm ký cũng chẳng hé lộ chút gì. Chỉ biết rằng, tổ tiên của chúng ta, với sức sáng tạo lãng mạn tuyệt trần đã cài cắm “nhân sự” của mình tới nhiều nơi, cả trên trần gian lẫn ngoài thế gian.
aa

Biên giới quốc gia, không còn đơn giản chỉ là những hàng rào cứng, mà ngày càng mềm đi, linh hoạt hơn, thậm chí là đan cài lồng vào nhau. Nói thẳng ra thì công dân quốc gia nào ở đâu thì biên giới của quốc gia ấy ở đó.

Tư duy nghệ thuật đại diện cho kích thước của một dân tộc, bởi nó là phương tiện duy nhất để dân tộc đó điều “nhân sự” của mình tới những nơi xa nhất trong ý nghĩ.

Made In Vietnam
Bên bờ hồ Gươm, thế kỷ 17 - Họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Tranh minh họa cho triển lãm Kẻ Chợ> Phố Cổ (trưng bày cố định tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) . Cộng tác cùng họa sĩ (KTS) Romain Orfeuvre.

Khi thoát khỏi tầng bình lưu để bay vòng quanh trái đất, trong niềm kiêu hãnh đến ngợp thở, Yuri Gagarin nhìn về trái đất và đột nhiên ông ta cảm thấy nỗi cô đơn không kém gì niềm kiêu hãnh, cũng rất… ngợp thở. Tuy nhiên điều ấy không duy trì được lâu. Thoạt tiên Gagarin nghĩ mình bị ảo giác khi bắt gặp những đám mây hệt như các tòa lầu vàng son, trùng điệp. Trong đầu ông ta ngay lập tức phác ra bản báo cáo sẽ trình với trung tâm về hiện tượng ảo giác này, coi đó như một trải nghiệm vô tiền khoáng hậu đầy ân sủng. Nhưng rõ ràng những tòa lầu dọc ngang kia là thực, bởi vì Gagarin đọc được dòng chữ khắc chìm trên mỗi viên ngói của những vạt ngói đã phần nào gợn rêu, thứ rêu cũng óng vàng như mật ong rót quá tay: Made In Vietnam. Để củng cố thêm tính xác thực, ngay lập tức một đôi nam nữ bước từ tòa lâu đài kia ra, xởi lởi vẫy tay: “Chào Gagarin, gớm nữa, vợ chồng tôi ngóng dài cả cổ.” Đó là Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Họ đã rời đầm Nhất Dạ để lên định cư ở đây quả thực là lâu, rất lâu rồi, theo mệnh lệnh dân tộc. Phi hành gia của Liên bang Xô Viết gần như không cất nổi lời đáp lại cặp vợ chồng nức tiếng vì tình yêu sét đánh kia. Nhiều năm sau, trải nghiệm nhuốm chút bẽ bàng của Gagarin còn được lặp lại với viên phi công lái chiếc Concorde siêu thanh trứ danh của Pháp. Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, với vẻ tự mãn, viên phi công nghiêng đầu ngó sang bên để nhìn mọi thứ đang rớt lại thảm hại sau mình và anh ta choáng váng. Một người tóc búi, mắt một mí, mình trần, đóng khố ngồi thênh thênh trên lưng con ngựa sắt đỏ rực mũi luôn xì khói, đang sải những bước song song bên cửa sổ chiếc Concorde. “Này, ta là Gióng”, người cưỡi ngựa hồ hởi giới thiệu, và dĩ nhiên ngay lập tức viên phi công thấy ở hông trái con ngựa sắt có dòng chữ khiêm tốn Made In Vietnam.

Chưa dừng lại, Made In Vietnam còn được “yểm” tiếp, ở nơi xa xôi hơn.

Năm 1969, phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng và Armstrong thận trọng mở cửa bước ra trước sự nín thở của cả một thời đại. Mùi đầu tiên phi hành gia ấy ngửi thấy ở mặt trăng là mùi gì? Phần lớn nhân loại không biết, còn Armstrong, với sự tế nhị hóm hỉnh, cũng chẳng hé răng cho các nhà khoa học. Nhưng người Việt thì biết, biết mười mươi trước hàng vài thế kỷ. Thoạt tiên, Armstrong sẽ ngửi thấy mùi đặc trưng của vũ trụ, là mùi khói khét, liền sau đó anh ta sẽ ngửi thấy một mùi nữa, khiến anh ta thấy mọi sự xa lạ biến mất, chỉ còn lại cảm giác như đang ở trái đất, ấy là mùi nước tiểu nồng nã đầy sức sống của vợ chú Cuội. Nếu người Trung Quốc có cãi rằng mùi phi hành gia trứ danh kia ngửi thấy đầu tiên là mùi nước hoa thang thảng của nàng Hằng Nga thì cũng chẳng sao, đó là quyền của họ. Dù gì thì với mùi nước tiểu nồng nã hồn nhiên của vợ chú Cuội, Made In Vietnam cũng đã được hiện diện trên cung trăng từ xửa xưa.

Sẽ có nhiều nhà tiên phong nữa tiếp tục ngồi kể lể tức tưởi về những cuộc gặp đầy bất ngờ, những cuộc gặp khiến cho niềm kiêu hãnh có thể trở nên xỉn màu, nhạt nhẽo, nhưng bù lại nó sẽ cung hiến cái cảm giác gần gụi, đỡ cô lẻ. Con người dù đi tới chốn nào, cõi nào rồi cũng lại gặp chính con người. Đó chưa hẳn là hạnh phúc, cũng chưa hẳn là tai hoạ, nhưng đó chắc chắn là chân lí duy nhất đúng. Made In Vietnam chứng minh thế. Made In Vietnam cũng chứng minh kẻ tân tiến nhất chưa hẳn là kẻ có mặt đầu tiên, và kẻ quê kiểng, dù có chút ngượng nghịu, yếm thế thì đôi khi lại ngự trị sẵn ở những đỉnh khó ngờ nhất. Những thuỷ thủ đoàn trong các con tàu ngầm hiện đại, ngạo mạn cũng không nên hốt hoảng nếu như ở độ sâu nhất của đại dương màn ra đa của họ quét được hình ảnh An Dương Vương ngồi la đà uống rượu, bên cạnh là chiếc sừng văn tê rực sáng đầy phẫn uất. Họ cần phải làm quen với điều này, cũng như các nhà vật lí không gian cần phải làm quen với việc khi khám phá ra cánh cửa mở vào chiều không gian khác thì họ sẽ bắt gặp ở đó một nàng cô phụ chờ sẵn để hỏi thăm về anh chồng gàn dở, thất thần có tên là Từ Thức.

Biên giới của Made In Vietnam vươn tới đâu? Trong những cuốn sách cổ kính nhất không thấy câu trả lời, ngay cả các bản sấm ký cũng chẳng hé lộ chút gì. Chỉ biết rằng, tổ tiên của chúng ta, với sức sáng tạo lãng mạn tuyệt trần đã cài cắm “nhân sự” của mình tới nhiều nơi, cả trên trần gian lẫn ngoài thế gian. Cùng với sự tự hào, ngưỡng mộ, liền ngay sau đó là nỗi phân vân rằng, sao ngày nay chúng ta lại đánh mất quyền năng, sức vóc điều “nhân sự” vươn tới những nơi khác để mở rộng địa giới dân tộc mình như cha ông đã từng làm?

Nguyễn Bình Phương | Báo Văn nghệ

Phỏng vấn một gia sư trẻ - Trần Thị Vui Vẻ

Phỏng vấn một gia sư trẻ - Trần Thị Vui Vẻ

Baovannghe.vn - Trong đám đông hỏi lấy một người
Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với công trình “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” - bước ngoặt trước đổi mới phê bình văn học

Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với công trình “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” - bước ngoặt trước đổi mới phê bình văn học

Baovannghe.vn - Năm 2024 này là tròn 100 năm ngày sinh giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu, một bậc sư biểu của giới nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lớn như bộ Từ điển Văn học (chủ biên), Giáo trình lịch sử văn học Pháp, Đổi mới phê bình văn học, Đổi mới đọc và bình văn, Thi pháp học hiện đại… Trong số những công trình nghiên cứu của ông, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh có một vị trí đặc biệt.
Tọa đàm 80 năm “Linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng”

Tọa đàm 80 năm “Linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng”

Baovannghe.vn - Sáng 5-11, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 80 năm “Linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng”
Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn miễn phí vở "Thiếu phụ Nam Xương"

Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn miễn phí vở "Thiếu phụ Nam Xương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ mở cửa tự do chào đón tất cả khán giả đến với sân khấu tuồng Thiếu phụ Nam Xương vào 9 giờ 30 ngày 7/11/2024 tại rạp Hồng Hà.
Mưa thu - Tản văn của Trần Việt Hoàng

Mưa thu - Tản văn của Trần Việt Hoàng

Baovannghe.vn - Mưa thu mang một giai điệu rất riêng, giai điệu ấy luôn mang đến cho mỗi người những rung ngân hết sức đặc biệt.