Văn hóa nghệ thuật

Hiểu thêm về Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Hân My
Sách
08:25 | 30/07/2024
Baovannghe.vn - Thông qua cuốn sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền đã dẫn dắt độc giả từng bước đi sâu vào thế giới đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của nghệ thuật Ca trù. Từ đó, hiểu được nguyên do loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
aa

Ca trù là loại hình nghệ thuật gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng và triết lý sống của người Việt, phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Có thể nói, Ả đào/Cô đầu là một trong những đề tài nổi trội, đã đi vào văn chương với tư cách một thể loại bao trùm đời sống xã hội từ thành thị tới nông thôn. Có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng như Chiếc lư đồng mắt cua, Đới Roi, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân; Đứa con người cô đầu của Kim Lân; Giai thoại một chầu hát không tiền khoáng hậu - Thạch Lam thẩm âm của Đinh Hùng...

Trước khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 1/10/2009, có lẽ không nhiều người biết hoặc quan tâm đến Ca trù - một loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Cũng không mấy ai biết rằng Ca trù vốn có tên là Ả đào, Cô đầu, Hát Ca công, Hát nhà tơ... và trong cung vua phủ chúa, nó được gọi là Hát cửa quyền.

Ca trù Việt Nam
Giáo phường ả đào ngày xưa - Ảnh: Tư liệu

Trong những năm nửa đầu thế kỷ 20, Ca trù là thể cổ nhạc chuyên nghiệp ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp, bao phủ khắp các vùng từ miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang đến cuối thế kỷ 20, giáo phường Ả đào trên khắp các vùng miền giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thành thị cũng buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích... Và theo sự biến thiên của lịch sử, Ả đảo dần dần biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội.

Những nghệ nhân cao tuổi nhận định rằng, đào kép trẻ theo Ca trù hiện nay phần lớn đều "đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ". Có nghĩa là giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát chưa theo chuẩn mực của Ca trù cổ truyền. Do đó, cần phải có những nghiên cứu sâu sắc, không chỉ nhìn Ca trù từ góc độ lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, mà còn cần mở rộng, đi sâu vào các khía cạnh về không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình nghệ thuật cổ truyền này.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: "Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào qua cuốn sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật. Hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Và như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa".

Ca trù Việt Nam
Cuốn sách "Ả Đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật" - Ảnh: Omega+

Cuốn sách gồm 7 phần. Trong đó, phần 1 nghiên cứu không gian văn hóa, chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật Ả đào, từ đó đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi này; phần 2 nghiên cứu khổ phách và khổ đàn, nhằm làm sáng tỏ những khuôn thước trong bài bản vẫn được xem là bí truyền của nghề, với những minh họa bằng các đoạn nhạc ký âm chi tiết; phần 3 nghiên cứu cung điệu nhạc Ả đào: Với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc, từ đó xác định các cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào... Đây là một trong những phát hiện mới mẻ, quan trọng của công trình; phần 4 nghiên cứu hình thức - cấu trúc bài bản, giúp tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng, khoa học, cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc Ả đào; Phần 5 nghiên cứu nghệ thuật trống chầu: Căn cứ theo lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu vang, tác giả đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên Ả đào; phần 6 nghiên cứu về nhà hát Cô đầu dưới góc nhìn lịch sử văn hóa, từ đó đưa ra cách nhìn nhân văn hơn về nhà hát Cô đầu và thế hệ những nghệ sĩ Ả đào - một phần của lịch sử văn hóa dân tộc; phần 7 là phụ lục 14 trang ảnh tư liệu đào kép thế kỷ 20.

Thông qua cuốn sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật (NXB Văn học, 2024), nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền đã dẫn dắt độc giả từng bước đi sâu vào thế giới đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của nghệ thuật Ca trù. Từ đó, hiểu được nguyên do loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền sinh năm 1966, nguyên là giảng viên dạy các môn Nhạc lý cơ bản và Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ năm 1996 đến nay, ông công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Ông là người có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong hành trình nghiên cứu và tìm tòi khám phá những ngóc ngách bí ẩn của lịch sử âm nhạc dân tộc, ông đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là đối với Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên - cả hai đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ngoài Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, tác giả Bùi Trọng Hiền từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên (NXB Văn hóa dân tộc, 2021).

Hân My - Báo Văn nghệ Online

Ca trù và duyên phận Vang và bóng của một thời Hành trình đưa âm nhạc dân tộc hội nhập quốc tế Trăm năm biểu diễn nhạc cổ điển Việt Nam Hồn điệu của người Nùng Xuân Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn