Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt - ba người bạn, ba nghệ sĩ với ba lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau cùng bước vào một hành trình tìm sâu về văn hoá và con người, kiến trúc và di sản của Hà Nội, thành phố gắn liền với thăng trầm cuộc đời cũng như linh hồn nghệ thuật của họ.
Nguyễn Việt Hà bảo, đã là bạn thì thường chiều nhau, nhiều lúc còn nâng niu lấy nhau. Lỡ bị bạn ép uổng thứ gì đó cũng không sao bởi chơi cùng bạn luôn là niềm vui khôn tả, dù là bất cứ trò gì. Những người bạn mà nhà văn nói đến là hoạ sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, đều là những nghệ sĩ gắn liền với Hà Nội. Đám đàn ông bị "giời hành" làm nghệ thuật, Nguyễn Việt Hà nói vậy, nhưng được bạn rủ chơi cùng luôn là một niềm hạnh phúc vô biên. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói thêm vào, “Ông văn, ông tượng, ông hoạ - vì thế mà "bền chuyện", mới gắn kết cả ba làm bạn lâu năm”.
Sau ba thập kỷ làm bạn bè với những thăng trầm trong cuộc sống cũng như hoạt động nghệ thuật, sau những hạnh phúc cũng như hoạn nạn, sau cả những cuộc chè tam rượu tứ, Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đã nhìn thấy… mặt nhau. Thế rồi, ba người nghệ sĩ cùng nhìn vào… mặt khác. Họ thấy Hà Nội - vùng đất mà họ sinh ra và lớn lên, vùng đất mà họ nâng niu trân trọng - và quyết định thực hiện một “cuộc chơi” nghệ thuật có tên Mặt Khác (Otherwise).
Cùng sinh ra ở phố cổ, ba người theo đuổi những con đường nghệ thuật riêng, nhưng chia sẻ chung tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Mảnh đất này đã gắn kết họ trong suốt ba thập kỷ qua. Người đưa vào những trang tiểu thuyết, những tạp văn về Hà Nội của riêng mình. Người khơi gợi nên tinh thần qua những nét vẽ, hay những ô vuông đầy màu sắc (như là ruộng đồng nhìn từ trên cao) vào các hoạ phẩm, tác phẩm điêu khắc. Sau ba mươi năm, ba người bạn quyết định thực hiện triển lãm nghệ thuật chung đầu tiên cùng nhau, một cuộc chơi thứ thiệt của ba người đàn ông phố cổ.
Theo nhà văn Nguyễn Việt Hà, triển lãm ban đầu được lấy tên là Vỉa Hè. Nhưng một vài điều vướng mắc, nên cái tên Mặt Khác mới ra đời. Ba người nghệ sĩ tập trung vào tác phẩm là những chiếc mặt nạ, do nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tạo hình trên những chất liệu quen thuộc như giấy bồi, gốm, sơn ta, vàng lá… Khoảng 150 mặt nạ lấp đầy không gian xưởng nghệ thuật nằm bên bờ sông Hồng của Đinh Công Đạt đang chờ được chuyển đến địa điểm trưng bày. Dù chưa nằm trong không gian triển lãm chính thức, những tác phẩm là những chiếc mặt nạ cũng đã bày ra những mặt khác, đã kể câu chuyện Hà Nội.
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Trong Hội Quán Đông Tây (22 Hàng Buồm, Hà Nội), những chiếc mặt nạ được giăng mắc khắp mọi nơi. Đó là những Mặt Phố, Mặt Chùa, Mặt Chợ; là những “mặt khác” của Hà Nội đến từ ba người bạn, ba người nghệ sĩ. Cuộc chơi nghệ thuật này không nhằm tìm ra những phương thức biểu đạt mới mà đến từ thái độ của người Hà Nội. Cách họ nhìn ngắm và ngẫm nghĩ cùng những suy tư về văn hoá, di sản, kiến trúc, nghệ - nghiệp, con người của thành phố này. Thái độ của họ đối với Hà Nội chính là nguồn cơn để họ cùng tổ chức triển lãm lần này. Họ cũng đã bắt đầu dự án bằng cách thể hiện thái độ sống của người Hà Nội, chứ không phải là hình thức biểu đạt nghệ thuật để khởi đầu công việc chung.
Lê Thiết Cương có một sự gắn bó mật thiết với đình chùa miếu mạo của Hà Nội. Chủ đề Mặt Chùa (mà anh lựa chọn trong triển lãm lần này) như một lẽ tự nhiên bởi sự gần gũi với Phật giáo, thứ đức tin ảnh hưởng sâu sắc đến con người và câu chuyện nghệ thuật của người hoạ sĩ. Lê Thiết Cương dùng hai chất liệu là giấy bồi và gốm để tạo nên Mặt Chùa. Trên những chiếc mặt nạ gốm, hoạ sĩ ghi các câu kinh điển của nhà Phật. Trên mặt nạ giấy bồi, Lê Thiết Cương lại dùng những câu thơ nổi tiếng của các thiền sư, nhà thơ thời Lý Trần để viết lên mặt nạ. Nhìn ngắm những tác phẩm của Lê Thiết Cương, người thưởng lãm vẫn thấy được “chữ ký” trong phong cách hội hoạ đã làm nên tên tuổi hoạ sĩ, nhưng đồng thời cũng cảm được “tướng mạo” của con người, của Thủ đô.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà lại khai thác chủ đề Mặt Phố. Là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tạp văn viết về Hà Nội như Con Giai Phố Cổ, Tuyệt Không Giấu Vết, Thị Dân Tiểu Thuyết, Giọng Của Phố… nên triển lãm này, với riêng Nguyễn Việt Hà, có thể là một cách “kể chuyện” mới về Hà Nội. Là một người không viết gì khác ngoài Hà Nội, Nguyễn Việt Hà đã có sẵn những chất liệu khi triển khai chủ đề này. Vì thế, trên khoảng ba mươi mặt nạ, nhà văn viết lại những câu trong các tập tạp văn của mình. Sự khác biệt ở đây về mặt thưởng lãm, không phải là trang sách hay trên mặt nạ, mà như một sự tái khẳng định về những giá trị văn hoá, con người Hà Nội luôn hiện diện, bất cứ ở đâu và lúc nào.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt lại khác hơn. Anh lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, ghi khắc bầu không khí thân quen, vừa rất đời trong sự náo nhiệt nhưng cũng đầy phức tạp, hỗn loạn của phố cổ. Đối với Đinh Công Đạt, tất cả mọi thứ, từ những con phố, những món ăn đều là “nguyên liệu” cho nghệ thuật. Tên người không chỉ gắn tên bố mẹ mà còn là nghề nghiệp của gia đình hay tên những con phố. Những tay chơi nổi tiếng cũng gắn với những Hàng Đồng, Hàng Vải, Hàng Chiếu. Hay những món ngon Hà Nội cũng gắn với Bát Đàn, Bát Sứ. Vì thế, dù chất liệu gì đi nữa, những ô vuông đủ màu đã thành “mã nhận biết” trong các tác phẩm của mình, Đinh Công Đạt vẫn tạo ra được Mặt Chợ đầy sống động trên những chiếc mặt nạ trong triển lãm lần này.
Hình ảnh tại triển lãm Mặt Khác. Ảnh: Thuần Thư |
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cũng đã chia sẻ, những người “sinh ra và lớn lên ở phố, được ăn lộc phố rồi đến lúc phải trả nợ những con phố đã ‘dung dưỡng’ họ”. Triển lãm Mặt Khác, ngoài là “cuộc chơi nghệ thuật” của những gã đàn ông phố cổ bị “giời hành” làm nghệ thuật, còn truyền đi những thông điệp, những mã văn hoá rất Hà Nội, rất Việt Nam. Giữa những ngày lễ Trung thu, nhìn ngắm và tự tay làm ra những chiếc mặt nạ trong workshop đi cùng triển lãm mới thấy được sự kết nối xưa - nay và những nguồn mạch văn hoá. Thậm chí, Đinh Công Đạt còn chuẩn bị sẵn những chiếc khuôn đúc để tặng lại các gia đình muốn biến mặt nạ thành một mặt hàng thủ công tinh tế, giàu thẩm mỹ.
Điều thú vị nhất ở đây là, khi bước ra khỏi Hội quán Đông Tây, bước ra khỏi triển lãm Mặt Khác, công chúng sẽ ngay lập tức nhìn thấy những Mặt Chùa, Mặt Chợ, Mặt Phố của Hà Nội. Chỉ vài bước chân đi qua những con phố như Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Mã Mây…, khán giả sẽ được nhìn thấy và cảm nhận được “những khuôn mặt phố” như trong bài hát Những Mùa Đông Yêu Dấu của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Thế mới nói, Hà Nội đa diện và nhiều cảm hứng đến nhường nào, dù là được phản chiếu trong tác phẩm hay đi giữa những con phố thực.
Ý Nhi | Báo Văn nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: