Văn hóa nghệ thuật

70 năm vang mãi bài ca “Tiến về Hà Nội”

Ý Nhi
Âm nhạc
09:39 | 10/10/2024
Baovannghe.vn- Hà Nội là mảnh đất lịch sử, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, bao gồm các nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ... Với âm nhạc, Hà Nội mang những hình ảnh gắn liền với tính thời đại, thời cuộc
aa

1.

Giữa năm 1949, tại Việt Bắc, nhạc sĩ Văn Cao lúc đó đang công tác tại báo Văn nghệ, cùng một số văn nghệ sĩ dự một cuộc họp do hai đồng chí Trường Chinh và Tố Hữu chủ trì nhằm phổ biến tình hình chiến sự. Trong buổi họp này, nhạc sĩ Văn Cao đã hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Sau đó, trên đường trở lại Khu 3 công tác và phổ biến chủ trương cho mọi người, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác liền hai bài hát Tổng tiến công (Tổng phản công) và Tiến về Hà Nội.

70 năm vang mãi bài ca “Tiến về Hà Nội”
Ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Trong một đêm thu trong vắt, nhạc sĩ Văn Cao hoàn thành ca khúc Tiến về Hà Nội. Ông gọi mọi người thức dậy để lắng nghe ngay sau khi viết xong bài hát. Lúc đó, ngôi nhà mà nhạc sĩ Văn Cao ở gần với nhà của hoạ sĩ Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái, vì thế hai hoạ sĩ chính là những khán giả đầu tiên lắng nghe ca khúc này. Những lời ca về ngày khải hoàn vang lên đầy hào hùng và xúc động, dù chưa được dàn dựng và hoà thanh hoàn chỉnh. Con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao là hoạ sĩ Văn Thao kể lại rằng, “đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài Tiến về Hà Nội, phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương. Cũng vì thế, bài hát lan nhanh khắp mọi nơi”.

Theo trí nhớ của nhạc sĩ Văn Cao, ông viết ca khúc Tiến về Hà Nội vào mùa xuân năm 1949, sau đó được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô. Hình ảnh về ngày giải phóng Thủ đô và ngày cách mạng chiến thắng đã luôn nằm trong tâm hồn của nhạc sĩ Trường ca sông Lô trước khi sự kiện diễn ra 5 năm (10/10/1954). Một bài hát về Hà Nội đầy tình cảm luôn là mơ ước của người dân Thủ đô. Nhưng cuối năm 1949, Pháp đã mở các cuộc càn quét lớn vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tình hình thực tế căng thẳng khiến cho những lời ca nhìn thấy trước tương lai của Tiến về Hà Nội bị xem là “lạc quan tếu” và không được phổ biến rộng rãi. Ca khúc bị cất đi vì chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Không được hát nữa nhưng Tiến về Hà Nội vẫn ngấm ngầm lan tỏa trong nhân dân. Hình ảnh hào hùng của bài hát đã nói lên ước mơ âm ỉ trong lòng mọi người, là niềm tin quyết thắng.

2.

Trong những ngày đầu tháng 10/1954 lịch sử, tất cả các công tác tiếp quản đã diễn ra một cách khẩn trương, bài bản và chặt chẽ. Theo báo Nhân dân, ngày 30/9/1954, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội đã được ký kết sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt. Từ ngày 2/10/1954, tại Uỷ ban liên hợp đình chiến Trung ương và tiếp sau đó, Chính phủ phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội chuẩn bị việc tiếp quản. Sáng 8/10/1954, theo kế hoạch đã định, các đơn vị quân đội chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành. Đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.

Cuốn sách ảnh Hà Nội ngày tiếp quản (UBND thành phố Hà Nội) đã kể lại hình ảnh hạnh phúc vỡ oà, khi những người lính Pháp cuối cùng trên đường phố Hàng Bông, hình ảnh “Anh em nhiếp ảnh thành Hà Nội” tuần hành chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô với lá cờ giương cao phấp phới, cùng các băng rôn khẩu hiệu, xe phóng thanh tuyên truyền thông báo kế hoạch đón quân ta trở về, hình ảnh học sinh tập hợp trên đường phố Hàng Đào chờ đón bộ đội tiến về tiếp quản... là những hình ảnh sinh động, vừa tự hào, vừa vỡ oà hạnh phúc của mọi người.

Lần dở những trang sách ảnh Hà Nội ngày tiếp quản càng cảm nhận được rõ những lời ca trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Lời ca với hình ảnh Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố khớp với hình ảnh thực tế, từ 5 cửa ô tiến vào Hà Nội. Hình ảnh các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào phố Hàng Đào, đi qua khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với hai bên đường phố là người dân vỗ tay, chúc mừng lại càng cảm nhận được lời ca “tiên tri” mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết ra trước đó 5 năm. Tiến về Hà Nội từng bị xem là ca khúc “lạc quan tếu”, đã trở thành khúc ca “tiên tri” về ngày giải phóng Thủ đô.

3.

Nhạc sĩ Huy Hoàng từng chia sẻ với báo Dân trí rằng, Tiến về Hà Nội là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng cũng là một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. “Một lời tiên tri đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời”, nhạc sĩ Huy Hoàng nói. Lời hứa của nhạc sĩ Văn Cao viết một ca khúc về Hà Nội đã thành hiện thực. Đó là một ca khúc hay hào hùng và xúc động, một ca khúc mãi vang lên mỗi dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô.

Hà Nội là mảnh đất lịch sử, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, bao gồm các nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ sáng tác. Với âm nhạc, Hà Nội luôn mang những hình ảnh gắn liền với thời đại, thời cuộc, mà ở mỗi thời khắc lịch sử lại có những bài hát khác nhau về Thủ đô. Đó là Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, hay Hà Nội đêm trở gió của nhạc sĩ Trọng Đại... Những thế hệ nhạc sĩ tiếp theo, sống giữa thời bình, lại tiếp tục được mảnh đất này truyền cảm hứng để viết ra những giai điệu và lời ca đầy say mê, tươi mới như Gọi tôi Hà Nội của Trịnh Minh Hiền, hay Hà Nội 12 mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Sol. Nhưng ca khúc nói về sự kiện trọng đại của Hà Nội, ngày giải phóng Thủ đô thì Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao vẫn xuất sắc nhất.

Có một điều đáng tiếc là nhạc sĩ Văn Cao đã không được chứng kiến tận mắt ngày “đoàn quân như sóng tiến về”, ngày Thủ đô vỡ oà hạnh phúc. Bởi từ giữa năm 1954, nhạc sĩ Văn Cao nằm trong phái đoàn Văn hoá cứu quốc do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu cùng một số nghệ sĩ khác đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ. Tiến về Hà Nội luôn vang lên vào những ngày tháng 10 lịch sử, ngày giải phóng Thủ đô. Không chỉ vậy, Tiến về Hà Nội cũng luôn là một trong những bài hát hay nhất về Thủ đô ngàn năm yêu dấu, một thời đạn bom một thời hoà bình.

Ý Nhi | Báo Văn nghệ

-----

Bài viết cùng chuyên mục

Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.