Chuyên đề

Nỗi lo tiếng mẹ đẻ

Nguyễn Thông
Văn học nhà trường
16:00 | 03/11/2024
Baovannghe.vn- Mấy chục năm qua, nước ta nhiều đổi thay, phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Bức tranh đất nước đẹp hơn, nhiều sắc màu hơn, con người sống hạnh phúc, đầy đủ, văn minh hơn so với trước.
aa

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có ngôn ngữ của riêng mình. Gọi nôm na là tiếng mẹ đẻ. Dù trong cuộc sống hằng ngày ở đủ mọi lĩnh vực, con người ta có sử dụng bao nhiêu ngoại ngữ, tiếng nước ngoài đi chăng nữa, nhất là khó cưỡng ở xu thế hội nhập, thì tiếng mẹ đẻ vẫn là ngôn ngữ chủ đạo, chính thống, được phát triển, giữ gìn, bảo vệ.

Nỗi lo tiếng mẹ đẻ

Mấy chục năm qua, nước ta nhiều đổi thay, phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Bức tranh đất nước đẹp hơn, nhiều sắc màu hơn, con người sống hạnh phúc, đầy đủ, văn minh hơn so với trước. Cuộc sống tinh thần, văn hóa ngày càng giàu có, phong phú; những giá trị cổ truyền và giá trị thời đại hòa quyện, sinh sắc càng tạo thêm phấn chấn trên con đường đi tới.

Nhưng, vẫn ẩn chứa chữ “nhưng”, trong niềm vui sướng ấy còn không ít điều khiến người ta băn khoăn, lo ngại, thậm chí giận dữ. Ở đây, trong phạm vi đang bàn, chúng tôi muốn đề cập tới nỗi lo về việc dùng tiếng Việt, tức tiếng mẹ đẻ được coi là quốc túy quốc hồn. Càng tìm hiểu kỹ, ngó kỹ, chứng kiến những điều đang diễn ra, không thể không lo, thậm chí rất lo.

Trong sự phát triển như vũ bão của truyền thông, chẳng hạn báo giấy, báo điện tử, báo hình, đài phát thanh, mạng xã hội, tiếng Việt được khai thác, sử dụng tối đa, kịp thời, mở mang, thay đổi chóng mặt. Âu cũng là lẽ của sự phát triển, hợp quy luật. Nhưng người ta để đạt mục đích đã quên hẳn điều cơ bản, rằng gì thì gì, phải tôn trọng, bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt trước bao cơn lũ dữ, bị tàn phá bởi cả sự cố ý lẫn vô tình, cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày tới trên mặt báo, trong các văn bản của Nhà nước. Nếu được góp ý, người ta sẵn sàng nêu lý do về sự phát triển, về tính thời đại, độ mở của ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng để bảo vệ… cái sai. Thậm chí còn có cả kiểu lý luận nay sai thì mai sẽ đúng, cái sai dùng mãi cũng được chấp nhận, có chi mà ngại.

Thời cách đây chưa xa lắm, tiền nhân luôn có ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, trong từng việc cụ thể như dùng từ, đặt câu, diễn đạt, dấu câu… sao cho thật chính xác. Chẳng nói đâu xa, ta cứ đọc những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… thấy lời văn thật trong sáng, câu cú chuẩn mực, từ ngữ rõ ràng dễ hiểu, cả cái dấu chấm dấu phẩy cũng đúng vị trí, không có kiểu lộn xộn xô bồ, “phá cách” tùy tiện. Thời thuộc Pháp, mặc dù tiếng Pháp rất phổ biến, như ngôn ngữ thông dụng thứ hai trong đời sống nhưng các trí thức, văn nghệ sĩ, và cả người lao động bình thường luôn đặt tiếng Việt lên hàng đầu, chăm chút sử dụng ngôn ngữ dân tộc rất cẩn trọng, không để nó bị pha tạp, lai căng.

Những người nặng lòng với tiếng mẹ đẻ đều biết từ năm 1966 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng trăn trở và kêu gọi, vừa tha thiết vừa như mệnh lệnh: “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!” Khi người đứng đầu Chính phủ phải đặt vấn đề như vậy tức là đã lo ngại, ít nhiều nhận ra những mối nguy cho tiếng Việt. Phải thực sự yêu mến, tôn trọng, bảo vệ di sản đặc biệt này của cha ông mới sâu sắc được thế. Phải như nhà thơ Lưu Quang Vũ Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình (Tiếng Việt) thì mới biết “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cần thiết đến mức nào.

Phải nêu mà không sợ sai rằng sự dùng tiếng Việt thời nay rất linh tinh, lộn xộn, bừa bãi, cẩu thả, bất cần quy tắc. Cứ mạnh ai nấy làm, theo ý mình. Chẳng hạn, người ta thoải mái chêm tiếng nước ngoài vào văn viết, không cần biết ngôn ngữ mẹ đẻ đã có đủ từ để dùng, dễ hiểu, thậm chí hay hơn. Ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, rất cần thiết thời buổi này, nhưng bệnh sính chen tiếng Anh vào tiếng Việt nhiều khi không làm cho hay hơn mà chỉ gây lố lăng kệch cỡm… Ông bạn tôi nhận xét bệnh này là thứ bệnh mạn tính, tức càng ngày càng nặng, không kê đơn bắt mạch cho thuốc thì sẽ vô phương cứu chữa.

Nỗi lo tiếng mẹ đẻ

Ngay trong chính tiếng Việt, trên các văn bản, báo chí, sách vở, người ta đã tự động “phát triển ngôn ngữ” theo những cách rất tùy tiện, duy ý chí, lấy được, áp đặt, bắt số đông phải tuân theo. Bắt được tên trộm, người ta gọi nó là đối tượng. Chiếc xe chạy trên đường, các cụ xưa gọi ngắn gọn là xe cộ, ai cũng hiểu, bị tãi thành cụm từ “phương tiện giao thông”, đi lại thành “tham gia giao thông”, người đi thi chỉ cần dùng từ “thí sinh” là đã đầy đủ, rõ nghĩa nhưng ngay văn bản của Bộ cũng rườm rà thừa thãi thành “thí sinh đi thi”, v.v..

Còn nhiều lắm những trường hợp làm hỏng tiếng Việt, phá chuẩn mực về ngôn ngữ. Rất nhiều văn bản của Nhà nước, nhất là các bộ ngành, chỉ cốt thông báo nội dung chứ không hề tôn trọng quy tắc đặt câu. Những “câu” què, cụt, thiếu thành phần cơ bản (để được gọi là câu) nhan nhản trong nghị quyết, nghị định, thông báo. Viết hoa cũng vậy, dù đã có quy tắc được cộng đồng thống nhất thực hiện nhưng mạnh ai nấy viết, mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi người mỗi kiểu, cứ loạn cả lên.

Đối với bất kỳ đứa trẻ nào thế hệ tôi (sinh thập niên 50) khi lớp 1, lớp 2 học tiếng Việt, điều đầu tiên phải viết đúng chính tả, sau đó là biết đặt câu. Trước đó một chút, bọn ranh con đã được học qua lớp i tờ và tập chép, còn gọi là lớp vỡ lòng (anh tôi nói đùa là vỡ thình, thình là cái bọng cứt của con chim, con chim non trong tổ ăn mồi mẹ nó tha về mớm cho nhưng phân cứ tồn trong bụng, khi nào ị được, vỡ thình, thì mới chính thức “vào đời”), nắm tiếng Việt đã khá rành rọt, phân biệt được chữ thường, chữ in, chữ viết thường, chữ viết hoa, các dấu câu, mỗi dấu có tác dụng gì…

Phải nói thẳng rằng bọn ranh i tờ, lớp 1 lớp 2 hồi đó trình độ chuẩn tiếng Việt còn hơn khá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, nhà báo, nhà văn, nhà khoa học bây giờ. Tôi biết có nhà báo trình độ đại học nhưng không nắm được quy tắc sau dấu chấm câu phải có khoảng trắng rồi mới viết câu tiếp theo, cứ từ đầu tới cuối viết liền tù tì, sát sàn sạt. Lại có nhà khoa học bằng tiến sĩ đàng hoàng không biết dùng dấu 3 chấm, cứ trước dấu 3 chấm là đặt dấu phẩy, thậm chí còn sáng tạo ra dấu 4 chấm, 5 chấm, hoặc dùng v.v.. rồi vẫn phết thêm 3 chấm. Làm nghề chữ nghĩa mà còn thế, trách chi những người học tiếng Việt không đến nơi đến chốn.

Tiếng Việt của chúng ta đẹp là thế, giàu là thế, bị rơi vào tình cảnh như hiện nay, thật đáng buồn. Phát triển là lẽ đương nhiên nhưng đừng phá vỡ, đừng làm cho nó hỏng, nghèo đi. Gặp cái hay thì tiếp thu, thấy điều sai thì sửa, đó mới thực sự biết yêu tiếng Việt.


Tôi, cũng như rất nhiều người, thỉnh thoảng nhắc chuyện xưa kia, rằng thuở ấy trên báo Văn nghệ mỗi kỳ đều có mục “Dọn vườn” thật hay, bổ ích, không chỉ cho người đọc mà cho chính tiếng Việt. Tiếc là đã lâu nó vắng bặt, để lại những ngậm ngùi và ao ước “bao giờ trở lại ngày xưa”.

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá