Sáng tác

Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Phan Ngọc Chính
Truyện
08:39 | 26/08/2024
Baovannhe.vn- Trợ lí nghệ thuật, thực ra là chân giúp việc, cụ thể ở đây là giúp việc cho biên kịch kiêm đạo diễn trưởng. Trần Sinh. Sếp. Người trực tiếp quản lí tôi là một nhà biên kịch và đạo diễn có tiếng.
aa

Bảy năm trước, tình cờ, tôi được về đầu quân cho một đoàn kịch. Chức danh trợ lí nghệ thuật nghe qua khá mơ hồ. Ấy là bữa vô tình gặp nhóm bạn đại học, khi biết tôi đang có ý nhảy việc, Lệ, đứa bạn xưa ở phòng kế bên mở lời. “Tao có một cơ hội...” Tôi tròn mắt sau một hồi Lệ cố gắng mô tả sự đặc thù của công việc mà nó định giới thiệu. “Rất vui nếu được về làm cùng mày.” Lệ nhăn mặt. “Không. Là mày thế chân tao...” “Mày chẳng nói giỡn đấy chứ?” “Nghiêm túc trăm phần trăm.” Vẻ mặt Lệ không đổi. “Vậy tại sao mày lại rời đi?” “Tao... không chịu đựng nổi!” Lệ nhăn mặt. Tôi bật cười ngỡ ngàng. “Vậy mà mày lại cố tình đẩy cái cục nợ đó sang tao?” “Biết đâu nó phù hợp với mày. Mà nếu không thì...” Lệ bỏ lửng, đứng dậy cùng nhóm bạn.

Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
Minh hoạ Công Quốc Hà

Trợ lí nghệ thuật, thực ra là chân giúp việc, cụ thể ở đây là giúp việc cho biên kịch kiêm đạo diễn trưởng. Trần Sinh. Sếp. Người trực tiếp quản lí tôi là một nhà biên kịch và đạo diễn có tiếng. Ai gặp Trần Sinh lần đầu hẳn bị ấn tượng khá mạnh bởi kiểu đầu đinh ba phân, bộ râu dài nửa gang khiến khuôn mặt nam tính đỡ đi nét khắc khổ góc cạnh. Ngoại hình vị đạo diễn còn nổi bật ở cặp mày rậm, đôi mắt sáng nhưng luôn mơ màng như thể chìm đắm trong thế giới nào đó.

Vậy nhưng con người đậm chất phong trần kia đã chẳng thèm đáp lời khi tôi tiến lại chào anh ta một cách lễ phép.

Lặng lẽ quay vào phòng, Trần Sinh mở tủ, đẩy về phía tôi một xấp những tập quyển dày quỵch. “Cô hãy tập trung đọc... Sau một tuần trở lại đây gặp tôi.”

Đúng hẹn, tôi trở lại đoàn. Hôm đó, Trần Sinh đang hướng dẫn đám diễn viên trẻ tập một hoạt cảnh nhỏ. Tôi chạm mặt sếp đúng vào lúc anh ta lắc đầu, thở hắt, bước ra ngồi phệt ở một bên cánh gà, điếu thuốc trên môi bập bùng. Trên sàn tập, mấy diễn viên nam nữ kẻ đứng người ngồi, mồ hôi nhễ nhại. Những ánh mắt nhìn về phía đạo diễn nửa kính trọng xen lẫn nể sợ. “Ây dà. Tôi đang định phôn cho cô.” Như thói quen, Trần Sinh rít thêm một hơi thuốc dài, dụi lửa, ném vèo cái đầu lọc vào thùng rác. “Phải. Rác. Rác hết. Đôi khi, ta vẫn phải chấp nhận những thứ rác rưởi. Cô hiểu không?”

Tôi đặt xấp bản thảo đã tự mình phân loại lên bàn. Thưa đạo diễn, chiếm nhiều nhất trong số này là những kịch bản từ trung bình đến khá... Mắt Trần Sinh trợn tròn. Tóm lại là? Dạ, nó ở dạng chấp nhận được. Theo em, kịch bản hay chưa có. Và đây là nhóm dở.

Đạo diễn gật gù. Ừ. Cô có thể đi làm từ ngày mai.

*

Công việc thường nhật ở đoàn kịch của tôi là lên lịch tập, lịch diễn, sắp đặt, thông báo các đầu việc, kiểm tra nhân sự, trang phục, kiêm thêm chân quay phim, ghi hình từng phân cảnh, đôi khi trọn vẹn các vở diễn. Thi thoảng tôi được giao thêm những việc lặt vặt, như liên hệ với vài ba cơ sở làm gấp một vài đạo cụ gì đó. Tóm lại, tôi là cánh tay nối dài của Trần Sinh, là nơi ghi lại đề nghị cả góp ý lẫn tâm tư của cánh diễn viên chuyển ngược lại cho sếp. Đồng lương so với vài ba chỗ tôi đã trải qua không cao hơn, bù lại nó cho tôi hòa mình vào một lĩnh vực mang đậm tính sáng tạo. Nó áp lực, ẩn chứa hấp lực và cả sự lí thú.

Buổi làm việc đầu tiên, tôi chứng kiến Trần Sinh đưa ra yêu cầu với một nữ diễn viên trẻ đầy hứa hẹn, được xem là hoa khôi của đoàn.

“Em phải cắt hết mái tóc, cạo nhẵn. Có thể cả đời làm nghề của em chỉ “ăn” duy nhất một vai ni-cô này.”

Cô bé phụng phịu. “Nếu vậy, em làm sao còn có thể vào các vai khác?” “Tôi đã “đo ni đóng giày” vai diễn này cho em. Hãy sống chết cùng nó.” “Anh ơi, sao em không thể dùng khăn nâu bít đầu như các đoàn khác vẫn làm?” “Vậy thì em nên chuyển việc. Cái tôi cần là từ bóng tối bước ra, ni-cô là một nữ tu đúng nghĩa. Khoảnh khắc đó sẽ lập tức găm sâu vào trí nhớ khán giả…” “Nhưng tháng sau, em dự định kết hôn.” “Vậy thì tốt nhất, em nên giải nghệ lấy chồng…” Cô diễn viên trẻ sụt sịt. “Em còn mấy cái hợp đồng dở dang…” Trần Sinh rít lên. “Vậy thì biến đi. Biến ngay đi với mấy cái hợp đồng quảng cáo của cô. Thật rác rưởi!”

Lần nọ, đoàn kết thúc buổi duyệt một vở “đinh” khiến ai cũng hài lòng. Hội đồng nghệ thuật phấn khởi vỗ tay. Mọi người nhao lên chúc mừng. Riêng Trần Sinh đứng một góc suy tư. Anh ta đột ngột quay phắt lại. “Phân cảnh trọng tâm phải thay thế, làm khác. Trợ lí nghệ thuật đâu, tôi cần bổ sung gấp một chiếc chậu nhựa trắng. Kiểu trắng trong suốt. Nhớ phải trong suốt.” Anh ta nhắc lại.

Vậy là hôm sau, dù vào ngày nghỉ, tôi vẫn phải lang thang qua hàng chục cửa hàng đồ nhựa, cuối cùng cũng đưa về được ba cái chậu có độ trắng cao nhất. Mặt Trần Sinh thuỗn ra. Cô hãy xuống hàng ghế cuối cùng dưới kia và nhìn lên đây. Ánh sáng đâu, bật lên. Nào, hãy trả lời tôi, cô thấy gì trong đáy chậu nước này? Trần Sinh cầm một chiếc chậu, bỏ vào đáy một mớ những vật gì đó lóng lánh rồi đổ đầy nước, đoạn đặt lên một chiếc ghế gỗ. Đạo diễn cầm gáo múc nước trong chậu, làm điệu bộ uống hết hớp này tới hớp khác, đầu lắc khẽ vẻ buồn bã, ngao ngán. Đoạn, anh ta buông gáo, vẫy tôi lên. Làm sao có thể nhận ra những cái huân huy chương này dưới đáy chậu, đúng không? Đây là cảnh diễn tả xã hội thời hậu chiến, người cựu binh trở về phải đối diện với muôn vàn khốn khó, cả sự quan tâm nhạt nhẽo của xã hội như thứ nước lã này. Tôi cần một cái chậu nhựa trong suốt để khán giả xa nhất cũng nhận ra dưới đáy chậu xếp chật những tấm huân huy chương kia.

Vậy là tôi buộc phải tìm tới một cơ sở sản xuất đồ nhựa nài nỉ họ làm riêng chỉ chiếc chậu duy nhất, đúng ý của đạo diễn. Chẳng còn cách nào khác.

*

Qua đôi ba ví dụ kể trên, hẳn bạn đọc đã phần nào hiểu được những yêu cầu xoay quanh thứ nghệ thuật kĩ lưỡng, tuyệt đối mà Trần Sinh đưa ra. Nó bắt tất cả phải chạy theo mỗi khi cái đầu không ngừng nghĩ của anh ta bật ra một ý tưởng mới. Nó giống như một tôn giáo mà anh ta ở vị trí giáo chủ. Bởi vậy, ý tưởng của đạo diễn rơi vào ai, cơ bản người đó phải thực hiện dù miễn cưỡng, khó nhọc.

Nhưng mọi người không ghét anh bởi ngoài yêu cầu rất cao trong nghề, ở những khía cạnh khác, Trần Sinh là một người tử tế và rộng lòng. Anh luôn tạo điều kiện tối đa cho các cộng sự về vật chất, tinh thần, từ danh hiệu, giải thưởng đến cả những bình xét, xếp loại. Ngay sự tôn vinh cá nhân, anh cũng chỉ chịu nhận nếu nó đem tới lợi ích chung cho đoàn. Ngược lại, Trần Sinh luôn chủ động che đỡ, nhận về sự phê phán, chỉ trích từ lãnh đạo hay dư luận nếu có. Anh kiên trì khích lệ, chia sẻ mọi khó khăn với đồng nghiệp nếu nhận thấy họ đã thực sự cố gắng. Gần như tránh né các cuộc tụ tập nhậu nhẹt, Trần Sinh chọn lối sống cô độc, khổ hạnh. Cuối ngày, khi chúng tôi rời đoàn, anh vẫn ở lại lúi húi đọc, tra cứu hoặc ghi chép, tẩy xoá gì đó. Sáng ra, khi chúng tôi đến, đã thấy Trần Sinh có mặt tự khi nào rồi. Anh mê đắm với nghề khiến chúng tôi ngờ rằng kịch nghệ với anh như khí thở. Và anh sẽ ngừng thở thật sự nếu bị tách ra khỏi các buổi tập, đêm diễn.

*

Dạo đó, đoàn chúng tôi chuẩn bị tham dự một liên hoan nghệ thuật lớn. Buổi chuẩn bị cuối cùng trước khi lên đường, Trần Sinh nhìn dàn diễn viên đã thấm mệt, gương mặt anh như thể có sương phủ. Bất chợt, giọng anh vút cao. Chúng ta đã rất cố gắng và ít nhiều hài lòng. Nhưng tôi chưa yên tâm hoàn toàn. Vở diễn của chúng ta vẫn thiếu một cái gì đó. Cái gì nhỉ? Một hai phân cảnh độc nhất và khác biệt thật sự. Thôi, stop. Đạo diễn quay sang tôi. Cô hãy mang tập kịch bản dạo trước ra đây. Dạ, mang ra tất cả? Không. Cô hãy cất kĩ, thật kĩ những bản thảo trung bình, kể cả khá. Tôi khẳng định chắc chắn sẽ không bao giờ nhòm đến chúng nữa. Tôi căm ghét thứ kịch nghệ tầm tầm, vì nó thực ra chẳng có gì đáng để nhắc tới cả. Vậy em sẽ mang cho anh nhóm kịch bản dở? Đúng. Trần Sinh tỉnh bơ đáp.

Nhận tập kịch bản từ tôi, rất nhanh, đạo diễn lật lật rồi nhặt lên một tập quyển ngắm nghía. Dở. Số đông đều cho là dở. Nhưng đôi khi ta đừng tin ở số đông. Tôi nhìn ra trong bùn đất, cát sỏi, thậm chí là rác rưởi vẫn bám dính ít sa khoáng bụi vàng. Nó ở đây, nơi khó ngờ nhất. Nó lạ, nó mới, dĩ nhiên. Từ nguyên liệu thô này, sứ mệnh của chúng ta là gạn lọc ra chút ít, có thể chỉ rất ít vảy vàng, thứ vàng của riêng chúng ta.

Trần Sinh gấp vài trang gần cuối tập quyển, chứng tỏ trước đó, anh đã đọc chúng rất kĩ.

*

Thời gian trôi đi. Tự khi nào, tôi bị cuốn vào nhiệm vụ, công việc của đoàn kịch và không khí sáng tạo như thế. Khi đã làm việc đủ lâu, “chịu đựng” được Trần Sinh và trở nên gần gũi, thân thiết với anh hơn, lần đó, như một sự giải tỏa, tôi đã thẳng thắn hỏi đạo diễn mà như thể cật vấn. “Khi dựng các phân cảnh chính, sao anh luôn khía vào những ẩn ức của cá nhân con người?”

Đạo diễn trầm tư rồi bất chợt hỏi lại.

“Đâu là tận cùng bản ngã? Thiên thần. Ác quỷ. Tăm tối. Cao thượng. Với tôi, chúng đan xen, đẹp và ý nghĩa như nhau.”

“Cả những rối mù và ngun ngút bí hiểm?”

“Chẳng sao. Tôi tin là trong hoàn cảnh nào đó, nó có thể thức tỉnh, xoa dịu, chữa lành và hóa giải cả thù hận, tăm tối.”

“Em hỏi thật, nếu thiên hạ bảo anh chỉ tài khi đào sâu thứ kịch nghệ gắn với cái xấu, cái ác…”

“Tôi sẽ rất tự hào.”

Trần Sinh gõ nhẹ mấy ngón tay lên đầu mình.

“Tất cả những gì thuộc về con người. Đừng giáo điều và thần thánh nó. Không xa đâu. Nó ở ngay đây thôi.”

Cuộc nói chuyện thú vị khiến tôi không “buông tha”.

“Không giấu anh, em rất sợ thế giới vô thức mà anh tạo ra.”

Trần Sinh bật cười. “Còn tôi, sợ ngày nào đấy mình sẽ bị các nhân vật quây chặt: ông mổ xẻ thế giới trong tôi rất tệ. Tôi khùng điên, thiện lương, xấu xa, tốt đẹp hơn ông tưởng vạn lần.”

Lần khác, khi đoàn trở về sau một đợt lưu diễn dài ngày, đợt lưu diễn mà tất cả những yêu cầu Trần Sinh đưa ra, tôi đều đáp ứng nhanh và chất lượng nhất, đạo diễn trìu mến nhìn tôi.

“Cảm ơn em đã chịu đựng... Tự tôi còn thấy đôi khi mình thật khùng và quá thể đáng!” (thời gian này, khi nói chuyện với tôi, Trần Sinh đã chuyển từ “cô” sang “em”).

Tôi chau mày, dù ít nhiều phấn khích:

“Em không cần lời khen. Chỉ mong “lửa” từ anh sẽ “thiêu cháy” khán giả, dù rất có thể...”

Tôi tế nhị bỏ lửng. Nhưng Trần Sinh đã tinh tế nháy mắt.

“Tôi không bất ngờ khi ai đó nói vở diễn “lạc nhịp” với “khẩu vị” số đông, có thể cả em nữa!” Đạo diễn vuốt râu, đoạn bật lửa châm thuốc.

“Nếu như cho em nói thật...”

Trần Sinh nhún vai. “Sẵn sàng.”

“Cảm nhận cá nhân là em ghét nó. Dường như càng ngày anh càng “nâng trình” lôi kéo khán giả vào thế giới của rối rắm, khó hiểu.”

Đạo diễn rít thuốc, nhả khói, vẻ mặt bừng sáng, không hề vương chút nào của tự ái, khó chịu.

“Với tôi, sự ghét ở em cũng rất giá trị. Nó như một lời khen.”

“Nhưng nếu như số người ghét cứ tăng lên mỗi ngày...”

“Tôi vẫn rất cảm ơn họ...”

“Anh có sợ khi nhìn lại, mình sẽ không được ghi nhận, đánh giá xứng đáng?”

“Đừng toan tính khi làm nghề. Nếu được, tôi sẵn sàng dựng những vở chỉ cho rất ít khán giả. Những công chúng đó, tôi muốn họ hãy cùng các nghệ sĩ tham gia một cuộc chinh phục, khám phá. Khám phá chính bản thân họ.”

Lần nọ, sau khi chứng kiến tôi ngược xuôi quay cuồng với mấy đầu việc khó, đầy gấp gáp, áp lực, nhìn phút giây tôi đứng thở, rút khăn giấy chấm mồ hôi, giọng Trần Sinh như chùng lại.

“Trước em, đã có vài người rời đi. Biết sao được. Bất cứ khi nào muốn dừng lại, em hãy cứ nói.”

Tôi thở hắt.

“Em vẫn muốn ở lại. Là bởi em tin biết đâu có ngày anh sẽ tạo ra những sê-ri bi kịch lôi kéo khán giả đến kín rạp, như đã từng.”

Trả lời xong, tự nhiên một sự ân hận dâng lên trong tôi. Liệu mình có lỡ lời không? Chả gì, cụm từ “sê-ri bi kịch” trong hoàn cảnh này vẫn khá nhạy cảm. Nó từng liên quan tới một chuyện rất tế nhị. Trong quá khứ, khi tôi chưa về đoàn, nhà hát này từng có vô số đêm sáng đèn nhờ sê-ri các vở bi ngắn mà Trần Sinh đóng vai trò hết sức đặc biệt.

*

Về làm việc ở đoàn, thi thoảng tôi vẫn được nghe mọi người ôn lại thời kì hoàng kim đó. Oái oăm thay, nó lại gắn liền với chuyện tình của vị biên kịch, đạo diễn và nữ nghệ sĩ nổi danh và tài sắc nhất đoàn. Sở dĩ sê-ri bi kịch ngắn thời kì này thành công bởi một chuyện ngỡ như… trong tiểu thuyết. Một chuyện tình bi ai.

Mọi người trong đoàn kể lại, cặp đôi tiên đồng - ngọc nữ Trần Sinh - Tuyết Hà yêu nhau đắm say như một lẽ tự nhiên. Bỗng ngày nọ, họ lặng lẽ chia tay nhau. Không ai hiểu điều gì xảy ra. Rất nhanh, Trần Sinh kết hôn với một người phụ nữ hơn anh năm tuổi. Lễ cưới bí mật và không thành viên nào trong đoàn được mời. Tuyết Hà chết điếng. Nữ diễn viên đào chính chỉ còn thiếu mỗi nước uống thuốc ngủ tự tử. Cô gắng gượng trở lại. Họ như hai cái bóng và kì lạ là vẫn làm việc, phối hợp cùng nhau, kẻ viết kịch, dựng vở, người đào chính, thể hiện.

Kể từ thời điểm đó, diễn xuất của Tuyết Hà đột ngột thăng hoa. Mỗi động tác, câu thoại của cô trong các “xen” bi như dứt từng tế bào sống, như bùng cháy những xúc cảm tuyệt vọng. Cô diễn như lên đồng. Khán giả ùn ùn kéo tới rạp. Trong vai đào thương, Tuyết Hà như con chim kiêu hãnh đón mũi tên xuyên ức, cất tiếng hót lần cuối. Vai diễn của Tuyết Hà lấy không biết bao nhiêu là nước mắt. Nhà hát ăn nên làm ra. Đó cũng là những ngày sự nghiệp của Trần Sinh thăng tiến vượt bậc. Anh liên tục viết vở, dựng vở. Nhưng anh trầm tư, khó tính tới cực đoan.

Sau này, thiên hạ đồn rằng, chuyện tình của Trần Sinh - Tuyết Hà ban đầu vốn chỉ xuất hiện một hiểu lầm tạo vết rạn nho nhỏ. Họ hoàn toàn có thể nối lại. Nhưng rồi chính Trần Sinh đã quyết đóng chặt cánh cửa. Không thể tin nổi!

Tôi nhiều lần lan man tự hỏi nếu họ về chung một nhà với hạnh phúc viên mãn thì sẽ thế nào nhỉ. Có thể họ sẽ nhạt nhẽo sống, sẽ sinh con đẻ cái đầy đàn, sẽ ung dung đủ đầy hoặc vật vã với cơm áo gạo tiền như cả triệu cặp đôi ở đời. Nhưng về phương diện nghệ thuật, rất có thể họ sẽ chỉ là những nghệ sĩ tầm tầm, chẳng tạo nên điều gì đó đặc biệt. Hình như xưa nay, khổ đau, bất hạnh luôn là đất để nghệ thuật phát tiết, toả sáng?!

Có khi nào Trần Sinh lựa chọn hi sinh hạnh phúc, tình yêu, nhận về nỗi đau để nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo? Nếu vậy, anh hẳn thật điên rồ! Tôi không đủ trải nghiệm và tư cách để phán xét, kết luận. Nhưng với một người tôn thờ kịch nghệ, lấy sáng tạo làm lẽ sống, điều đó là không thể loại trừ.

Cũng mọi người kể lại, ngày nọ Tuyết Hà bỏ đi sau một đêm diễn mà cô đã ngất xỉu trên sân khấu. Vào giây phút cao trào nhất của một vai bi, khi khán giả đứng cả dậy vỗ tay thì Tuyết Hà khuỵu ngã. Người ta hối hả đưa cô vào viện. Sáng hôm sau, nơi Tuyết Hà nằm chỉ là chiếc giường phủ ga trống trơn.

Sự biến mất bí ẩn của Tuyết Hà là dấu chấm hết cho sự thịnh vượng của nhà hát giai đoạn này. Không còn gì đáng xem. Không ai có thể thay thế được cô. Có người suy đoán cô chủ động chạy trốn, không muốn ở lại chứng kiến cuộc đời làm nghề suy tàn khi ngọn đèn đã cháy đến giọt dầu cuối cùng. Cũng có thể sau đêm diễn để đời, cô đã rút cạn sinh lực, mất trí, hóa điên, bỏ viện đi lang thang.

Khác với vài ba đồn đoán, Trần Sinh vẫn ở lại.

Anh được giao trách nhiệm tìm hướng đi mới cho đoàn. Nhưng không còn đối tác phối hợp ăn ý khiến anh gặp một số thất bại. Thật trùng hợp, thời gian này lãnh đạo đoàn có những thay đổi. Vị trưởng đoàn cũ luân chuyển, trưởng đoàn mới yêu cầu đưa về một loạt kịch bản theo hướng chiều thị hiếu đám đông. Nhà hát dần phải theo hướng đi mới. Mâu thuẫn giữa Trần Sinh và trưởng đoàn cũng lớn dần từ đây. Và tôi về làm việc ở đoàn đúng vào giai đoạn nhạy cảm này.

*

“Thế nào, anh có chịu sửa kịch bản không?”

Một chiều muộn, tôi vô tình chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt của Trần Sinh với vị trưởng đoàn mới. “Nếu tôi nói không thì sao?” “Thì tôi sẽ sa thải anh.” “Vâng. Đó là quyền của ông. Ông cứ việc.” Trần Sinh không thèm ngước nhìn khuôn mặt vành vạnh đỏ gay của ông trưởng đoàn đầy quyền lực. Anh chăm chú kiểm tra nhóm đạo cụ cho vở diễn mà đoàn đang tập các phân cảnh cuối. Vở diễn bao ngày anh trăn trở suy ngẫm đến gầy rộc. Nó sẽ làm nổi bật một ý tưởng mà có thể chỉ anh mới cảm, mới hiểu mục đích hướng tới. “Anh gan lì và bướng bỉnh quá thể!” Ông trưởng đoàn bỏ đi. Tên tuổi và đóng góp của Trần Sinh xưa nay khiến ông ta phải nhượng bộ. Trần Sinh trầm giọng nói với ekip. “Nếu chúng ta không thử một lần thì là ai? Tại sao không dám tự đặt viên gạch đầu tiên cho những cách tân tận cùng?”

Rồi thì ngày công diễn vở kịch mà Trần Sinh kì vọng cũng đến.

Chúng tôi nín thở chờ đợi. Đêm đầu tiên khép lại. Rồi đêm thứ hai, thứ ba... Vài ba tờ báo đăng bài thăm dò. Rồi một loạt bài báo lên tiếng mạnh mẽ. Họ không ủng hộ. Sự phê phán bắt đầu xuất hiện với cấp độ ngày càng tăng dần. Cho tới ngày nọ, một nhóm các nhà quản lí, phê bình uy tín xông đến nhà hát. “Anh là một kẻ phá hoại. Một kẻ phản nghệ thuật…”

Nhà phê bình lớn tiếng. Vị đại diện quản lí nói với ông trưởng đoàn. “Anh ta phủ định tất cả những giá trị đã được thừa nhận…” Mặt ông trưởng đoàn tái đi.

Đáp lại phản ứng dữ dội nói trên, Trần Sinh không hề nao núng. Dường như anh đã lường tính tất cả. Anh im lặng, âm thầm miệt mài chỉnh sửa kĩ các phân cảnh, chi tiết, âm vực lời thoại nhằm đạt sự hoàn hảo nhất cho một liên hoan nghệ thuật ngoài nước. Nhưng lần này, như một cái cớ, làm sao ông trưởng đoàn còn có thể nhượng bộ anh.

“Mọi thứ phải dừng lại. Anh đang phá hủy cái nhà hát này!”

Trưởng đoàn phẫn nộ hét lên.

*

Tôi rời công việc ở nhà hát sau khi Trần Sinh ra đi một ngày. Nhiều người lục tục nghỉ việc. Một phần im lặng lựa chọn ở lại, đơn giản vì họ cần công việc, sự mưu sinh cho cá nhân, gia đình. Đoàn kịch ít lâu sau cũng sáng đèn bởi các vở diễn cũ. Qua vài ba đồng nghiệp bám đoàn, tôi được biết cách làm này cũng chẳng thể kéo được khán giả tới rạp. Dường như ngày suy tàn thực sự của đoàn bắt đầu.

Tôi đi làm cho một cơ quan khác rồi vài ba lần nhảy việc. Kí ức những ngày ở đoàn kịch sẽ mờ dần nếu như không có một sự kiện được báo chí đăng tải. Ngày kia, một nhóm người đi rừng lấy củi vô tình nhặt được trên bờ của một con thác tuyệt đẹp ẩn tít sâu trong rừng ba lô, giày, đồ dùng cá nhân, một quyển sổ ghi chi chít những phân cảnh, phối cảnh các vở diễn. Giấy tờ tùy thân cho biết tên người là Trần Sinh.

Gần như ngay tức khắc, các báo có bài về vị đạo diễn tài hoa, kì dị. Người ta tìm lại những tác phẩm của anh. Người ta mổ xẻ rồi tôn vinh kẻ bạc mệnh, xấu số. Họ ngợi khen anh như lên đồng. Bắt được hiệu ứng, ông trưởng đoàn kịch tôi từng làm việc khi xưa vội đưa ra công diễn lại vở kịch cuối cùng của Trần Sinh tưởng đã vĩnh viễn bị xếp xó. Một cuộc tranh cãi dữ dội nổ ra giữa các nhà chuyên môn. Dù là khen - chê, thậm chí cả phỉ báng nhau giữa hai phe, nhưng ai cũng phải thừa nhận Trần Sinh dựng nên thứ kịch nghệ đặc sắc, khai phá một “miền đất” xưa nay chưa ai đặt chân tới. Dĩ nhiên, khán giả lại ùn ùn tới rạp, dù nhiều người thừa nhận, đã xem ba buổi diễn, chỉ thấy bị cuốn hút, lôi kéo mà không hiểu hết những điều đạo diễn muốn gửi gắm.

Về phần Trần Sinh, chẳng ai biết số phận của anh ra sao. Vài ba người lạc quan, mơ về một kết thúc viên mãn, có hậu. Đó là Trần Sinh tái ngộ Tuyết Hà và đang lặng lẽ sống ở một nơi nào đó.

Riêng tôi, một người từng là cộng sự của anh, dù rất mong, nhưng tôi chỉ dám kì vọng vào điều đó một nửa.

Tôi và vài đồng nghiệp thân thiết của anh khi xưa sẽ tìm về những nơi Trần Sinh từng cư trú sau ngày rời đoàn. Chúng tôi sẽ sưu tầm các di cảo (cứ tạm gọi thế) do Trần Sinh để lại. Biết đâu, chúng tôi sẽ tìm được vài ba tác phẩm hoặc có thể chỉ một tác phẩm kì vĩ, rất đặc biệt nào đó.

Với một người mà sáng tạo như khí thở, chúng tôi tin những năm tháng cô đơn tận cùng chắc chắn là chất xúc tác bùng cháy sự tận hiến nơi anh. Và với một tín đồ của thứ nghệ thuật mà chúng tôi tạm đặt tên là “nghệ thuật khắc kỉ”, rất có thể trong một phút giây thăng hoa, một ý tưởng kì lạ chợt đến hoặc khoảnh khắc đánh dấu sự hoàn thành một tác phẩm đặc biệt, anh đã hóa thân vào nhân vật của vở diễn, tung mình bay trên ngọn thác tuyệt đẹp nằm giữa rừng sâu kia, dù thực lòng, tôi và những người yêu mến anh chẳng bao giờ muốn điều đó xảy đến...

Phan Ngọc Chính | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Ký ức đồng vọng - Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Mộng là chiêm bao. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Xin lỗi Hungary - Truyện ngắn dự thi của Yen Platz
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn