Tôi đọc bộ tiểu thuyết Hồ Chí Minh gồm 3 tập với gần 2000 trang của Hoàng Quảng Uyên không lâu thì lại được đọc tập truyện ký Theo dấu chân Người dày gần 600 trang của anh Trình Quang Phú. Tôi vốn dĩ thích đọc Trình Quang Phú vì dù viết ngắn hay dài, dù khảo cứu hay ký sự, tác phẩm nào của anh cũng đem đến cho tôi một cái gì mới. Nếu như bộ 3 tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên dựng lại một cách sinh động và vô cùng phong phú hành trình cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác từ năm 1911 đến chiến dịch Biên giới cuối năm 1950 thì tác phẩm của anh Trình Quang Phú chỉ tái hiện các hoạt động yêu nước và cách mạng của Bác từ năm 1911 đến năm 1941, lúc Bác trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Như vậy toàn bộ tác phẩm Theo dấu chân Người (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trình Quang Phú chỉ giới hạn quá trình tìm đường cứu nước và các hoạt động cách mạng của Bác ở nước ngoài, gói trọn trong 3 thập kỷ (1911-1941)
Phải thú nhận rằng, khi đọc xong bộ 3 tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên tôi đã thầm nghĩ rằng sẽ còn lâu mới có thể có tác phẩm vượt qua được mức độ đồ sộ và bề thế về hệ thống các sự kiện hoạt động cách mạng của Bác như tác giả này đã làm được. Nhưng khi đọc xong Theo dấu chân Người của Trình Quang Phú thì tôi cảm thấy ý nghĩ đó là hơi có vẻ vội vã. Trong khi viết những dòng này, tôi luôn luôn tâm niệm rằng, trong văn học, cái hay của thể loại hư cấu và thể loại phi hư cấu là hoàn toàn khác nhau tuy cùng viết về sự kiện và nhân vật giống nhau.
|
Trong Theo dấu chân Người có những sự kiện, nhân vật, thời gian, không gian mà chúng ta đã từng bắt gặp ở nhiều tác phẩm trước đó. Trình Quang Phú không ngần ngại nhắc lại điều đó. Cùng một tư liệu lịch sử nhưng dưới ngòi bút của mỗi người nó lại được tái sinh với những xúc động, tình cảm ánh sáng và dấu ấn khác nhau. Đó là sáng tạo của nhà văn.
Thành công quan trọng nhất qua gần 600 trang sách của Theo dấu chân Người là Trình Quang Phú đã dựng lên chân dung Bác từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản và lãnh tụ thiên tài của Việt Nam như thế nào. Để làm được công việc khó khăn này, tác giả đã cùng đồng thời làm hai công việc của nhà sử học và nhà văn. Với tư cách là một nhà sử học, anh cố gắng trình bày sự việc một cách khách quan, khoa học như nó vốn có. Với tư cách một nhà văn, anh miêu tả một cách sinh động những chuyến đi điền dã với những ghi chép rất tỉ mỉ và xúc động trước mỗi mảnh đất, mỗi hiện vật, mỗi con người được xem là những nhân chứng của lịch sử. Đó là một cách viết mới, theo thủ pháp đồng hiện nhằm kết hợp hai dòng chảy giữa quá khứ và hiện tại, tự sự và trữ tình, làm tăng thêm sự truyền cảm qua từng trang sách.
Sau Thế chiến thứ nhất, nước Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Mất mùa, lạm phát, giá cả tăng vọt. Đời sống người dân, đặc biệt là tầng lớp nghèo khổ bị đẩy vào tình trạng bần cùng hóa. Kiếm được việc làm đủ sống ở mức tối thiểu đã rất khó khăn. Bác chẳng những phải làm đủ mọi việc để đủ nuôi thân, còn phải dành thời gian để học ngoại ngữ, đọc sách báo và tìm hiểu các xu hướng chính trị, xã hội của nước Pháp. Điều đó cho thấy sức làm việc và cường độ làm việc của Bác nặng nề và gắng gỏi như thế nào. Sau 6 năm đi vòng quanh thế giới, vừa kiếm sống vừa tiến hành khảo sát tìm hiểu cuộc sống ở các nước tư bản phát triển và các nước thuộc địa, Bác trở lại Paris vào giữa năm 1917. Trong 6 năm sống tại Pháp, Bác đã làm được các việc lớn sau đây:
- Tìm hiểu đời sống cộng đồng người Việt tại Pháp và tập hợp họ lại bằng một tổ chức mới.
- Tham gia Đảng Xã hội Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
- Tham gia dự thảo và trực tiếp đưa yêu sách 8 điểm của các nước thuộc địa tới Hội nghị Véc xây.
- Tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Liên hiệp thuộc địa - tổ chức quốc tế đầu tiên mà Bác tham gia hoạt động và lãnh đạo.
- Ra báo Người cùng khổ, và là linh hồn của tờ báo này.
- Tìm đọc luận cương của Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và dứt khoát đi theo con đường cách mạng do Lê Nin vạch ra.
Như thế là, trong 6 năm đi tìm đường cứu nước, từ một người yêu nước, Bác trở thành một chiến sĩ cộng sản, một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một chính khách có uy tín và sức hấp dẫn lạ thường. Đó là những việc làm đòi hỏi biết bao công sức và lòng dũng cảm phi thường vì nó được diễn ra ngay trong lòng nước Pháp, giữa trái tim của một cường quốc thực dân. Trình Quang Phú đã viết về quá trình này với một bút pháp chân thực và xúc động, vừa bao quát được cả quá trình vừa rọi ánh sáng làm nổi bật những sự kiện quan trọng nhất.
Lễ ra mắt sách Theo dấu chân Người tại NXB Hội Nhà văn. |
Bên cạnh những sự kiện được xem là những cái mốc lịch sử trong đời hoạt động cách mạng, trong 6 năm ở Pháp, Bác đã có những việc làm, tuy chỉ được tác giả phác qua nhưng đã để lại ấn tượng rất sâu sắc làm bật lên những vẻ đẹp nội tâm của Bác, nói lên sự kết hợp tuyệt đẹp giữa một người anh hùng với một người bình thường. Những chi tiết đó là:
- Sau 3 tháng rời cảng Sài Gòn, con tàu Aminal Lalonche Tré ville trở lại Bến Nhà Rồng và dừng lại ở đó mấy hôm. Nhưng Bác chỉ xin phép lên bờ vào bưu điện gửi 15 phăng cho cha rồi quay lại ngay, dứt khoát không gặp Út Huệ vì sẽ khó lúc chia tay lần 2. Điều đó nói lên quyết tâm ra đi của Bác dù phải hy sinh tình cảm cá nhân.
- Vừa đến Paris, Bác đã quyết tâm đi thăm hai ông vua yêu nước bị lưu đày tại đảo Re’uinon là vua Thành Thái và vua Duy Tân. Dù đường đi rất khó khăn và cần phải “có nhiều tiền”.
- Năm 1946, trong chuyến thăm Paris với tư cách là thượng khách Chính phủ Pháp, Bác đã dành thời gian để thắp hương viếng mộ ông Khánh Ký, người đã truyền nghề làm ảnh cho Bác và giúp Bác những ngày mới đến Paris.
Những chi tiết đó nói lên rất nhiều vẻ đẹp tâm hồn và cốt cách phương Đông của Bác.
Theo sự trình bày chặt chẽ của Trình Quang Phú, chúng ta biết ngày 30.6.1923 Bác từ Pháp đến Moscow và đến cuối tháng 11 năm 1924 thì trở về Trung Quốc với tư cách ủy viên Cục Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế cộng sản. Đặt chân lên đất nước của Lê Nin, Bác như con chim tung cánh, tham gia các hoạt động đầy hào hứng và sôi nổi, ngày càng tỏ rõ tài năng và trí tuệ mẫn tiệp của một cán bộ trẻ đầy triển vọng của Quốc tế cộng sản. Từ Triển lãm quốc tế nông nghiệp đến Đại hội quốc tế nông dân, từ những học tập tại trường Đại học Phương Đông đến Đại hội quốc tế cộng sản lần thứ V, ở đâu tiếng nói của Bác cũng vang lên khát vọng cháy bỏng của các dân tộc thuộc địa nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng để tự giải phóng khỏi sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người đại diện xuất sắc cho phong trào cách mạng của thế giới thứ ba.
Đặc biệt đối với Lê Nin, Bác đã thể hiện sự kính trọng, niềm tin và sự trung thành tuyệt đối đối với Người. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Lê Nin rồi sẽ được tái sinh trong bản lĩnh, tầm vóc thiên tài Hồ Chí Minh. Trong các tài liệu của Quốc tế cộng sản mà chúng ta còn có được và qua sự trình bày của Trình Quang Phú chúng ta thấy nguyện vọng trở về Tổ quốc của Bác nóng bỏng và tha thiết biết chừng nào.
Từ cuối những năm 1924 đến đầu năm 1930, không kể những năm gián đoạn 1927-1929, Bác phải trở lại Moscow do cái chết của Tôn Trung Sơn, chỉ trong 2 năm ở Trung Quốc và Hồng Kông, Bác đã làm được những việc hết sức quan trọng góp phần quyết định vào việc chấm dứt thời kì khủng hoảng đường lối cách mạng ở Việt Nam. Đó là việc Bác lên Hàng Châu gặp gỡ Phan Bội Châu để giải thể Quang Phục Hội thành tâm xã với sự nòng cốt của Hội thanh niên cách mạng đồng chí. Tiếp đó là việc ra đời tờ báo Thanh niên, cơ quan của Hội thanh niên cách mạng đồng chí vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, sau này được chọn làm ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng tại Quảng Châu, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác đã tổ chức được 3 lớp đào tạo cán bộ của Đảng với 100 đồng chí, trong đó hai phần ba học viên đã trở về nước hoạt động, một số học viên được Bác cử sang Liên Xô tiếp tục học sâu thêm ở trường Đại học Phương Đông. Một số đồng chí khác thì vào học tại trường Quân sự Hoàng Phố. Tất cả những hoạt động đó đã đưa đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác chủ trì vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Đó là sự kiện lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam.
Ngày 6 tháng 6 năm 1931 Bác bị cảnh sát Hồng Kông bắt. Sau 3 năm đấu tranh thắng lợi với sự giúp đỡ của Quốc tế đỏ và luật sư Lodoby, ngày 1 tháng 1 năm 1933 Bác thoát tù trở lại Hồng Kông. Trình Quang Phú đã viết về vụ án Hồng Kông với một thứ văn khúc chiết, hùng hồn, đầy kịch tính, hết sức rõ ràng, phơi bày dã tâm vô cùng thâm độc của mật thám nhằm hãm hại Bác. Pháp cấu kết với mật thám và toà án Hồng Kông và sau bao nhiêu cam go, hiểm nghèo, Bác đã được luật sư Lodoby và các đồng chí của Người trong Quốc tế cộng sản và bà Tống Khánh Linh cứu thoát. Đây là một trong những trang hay nhất trong Theo dấu chân Người của Trình Quang Phú.
Ta cứ tưởng sau những ngày đen tối, nghìn cân treo sợi tóc đó thì Bác được dang rộng đôi cánh trở về phong trào cách mạng, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Trình Quang Phú viết: “Tiếp sau đó là những ngày “gạo đem vào giã”. Do một vài cá nhân có tư tưởng cực đoan dẫn đến sự nghi ngờ của Quốc tế cộng sản đối với Bác. Họ đặt câu hỏi vì sao Bác được ra tù và được tha bổng dễ dàng như vậy. Có uẩn khúc gì không? Tại sao khi lập Đảng Cộng sản Bác lại có chủ trương tập hợp cả nhân sĩ, trí thức, tiểu tư sản và địa chủ yêu nước. Bác đã phải giải trình và trả lời thẩm vấn. Bác đã bình tĩnh, bình tĩnh phân giải và chấp nhận. Và sự tin tưởng trung thành với lý tưởng của Đảng là yếu tố cốt lõi giúp Bác làm sáng tỏ các vấn đề”… “Một tổ điều tra xác minh của Quốc tế cộng sản đã được thành lập và làm việc hết sức thận trọng, khách quan, nghiêm túc. Cuối cùng Ban Bí thư Quốc tế cộng sản do Georgt Dimitrop đã tổ chức cuộc họp bí mật với Ban Thường trực Quốc tế cộng sản và quyết định cử Bác tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đông Dương, đồng ý để Bác lên đường về Việt Nam tham gia lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quốc tế cộng sản giao cho Ban Phương Đông có trách nhiệm thu xếp bố trí để Bác Hồ trở về”.
Về vấn đề này không phải đến nay (2024) qua những trang viết của Trình Quang Phú chúng ta mới được biết đến những ngày tháng không vui của Bác trong khoảng thời gian 1934 đến 1938. Trước đó, qua những tư liệu được đính kèm trong tác phẩm, chúng ta được biết đến giáo sư, tiến sĩ Mạch Quang Thắng, tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, tiến sĩ Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, dù xa dù gần đã trực tiếp làm rõ sự kiện này và đều thống nhất nhận định công lao trời biển của Bác với cách mạng Việt Nam. Sự trung thành tuyệt đối của Bác với Đảng, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết.
Nhân đây tôi xin nhắc lại nguyên văn ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương mở đầu tập hồi ức Chiến đấu trong vòng vây do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1995. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc mà chúng ta đã biết đến đều gắn với sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng các dân tộc thuộc địa. Ngày nay, chúng ta nhận thấy một số luận điểm của Nguyễn Ái Quốc là những phát kiến quan trọng có tầm vóc lịch sử. Nhưng vào thời đó, Nguyễn không hẳn là một người lữ hành cô đơn thì cũng gặp không ít khó khăn. Chính cương Đảng cộng sản cũng như tên Đảng do Người soạn thảo và lựa chọn không được chấp nhận. Trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chỉ có mặt những ngày cuối với tư cách một đại biểu tư vấn. Có thời gian, Người làm công việc rất bình thường là duy trì mối liên hệ giữa Quốc tế cộng sản với các đồng chí trong nước. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản Người thành một cán bộ xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế và tiếp tục con đường giải phóng dân tộc của mình”.
Những ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giúp chúng ta hiểu thêm những đóng góp của Trình Quang Phú trong tác phẩm Theo dấu chân Người. Xin chúc mừng anh.
Hữu Thỉnh | Báo Văn nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục