Đây là tập thơ đầu lòng của Tố Hữu. Tập thơ 10 năm: 1037-1946. Mười năm thơ của mười năm hoạt động cách mạng. Thơ của một người thanh niên cộng sản, từ năm mười bảy tuổi.
Tập thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu đang trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam - Ảnh: BTVHVN |
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim...
Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.
Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách mạng từ trước đến sau. Vinh dự của thi sĩ là đã ghi được một thành công chắc chắn cho văn học của Nhà nước, cho văn học cách mạng, văn học xây dựng theo nguyên tắc của Đảng.
Thơ trước hết vẫn là tiếng nói của tình cảm. Nhưng tình cảm trong thơ Tố Hữu là một tình cảm lành mạnh, tình cảm của một giai cấp đang tiến lên. Tình cảm trong thơ Tố Hữu là tình cảm của một chiến sĩ cộng sản, luôn luôn đứng trên lập trường của Đảng mà đấu tranh, suy nghĩ, cảm xúc.
Với Tố Hữu, nghệ thuật không hề mâu thuẫn với đời sống; con người làm thơ với con người hành động chỉ là một. Sống là hành động, thơ cũng hành động. Thơ, với Tố Hữu, là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng, của sự sống.
Thơ Tố Hữu, trong thời kỳ đầu này, cốt yếu thuộc về dòng lãng mạn cách mạng. Danh từ này, theo định nghĩa của Goóc-ki, là "chủ nghĩa lãng mạn tích cực, nó nhằm tăng cường cái ý chí sống của con người, thức tỉnh trong tâm hồn con người cái quyết tâm phản kháng với hiện thực, với mọi áp bức của hiện thực"...
Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng, ba phần trong tập thơ là công trình sáng tác kết tinh trên cả một quá trình đấu tranh, một thời kỳ, ba giai đoạn, trong hoạt động cách mạng của thi sĩ.
Tập thứ nhất, Máu lửa viết vào khoảng từ cuối 1937 đến đầu 1939. Đây là thời kỳ Đảng lãnh đạo công cuộc đấu tranh công khai theo cương lĩnh Mặt trận dân chủ... Thời kỳ đấu tranh ở các nhà máy, ở nông thôn, ở thành thị... Thời kỳ truyền bá học quốc ngữ, mở báo chí, phổ biến sách báo tiến bộ, chống chủ nghĩa duy tân trong lĩnh vực tư tưởng cũng như trong lĩnh vực nghệ thuật. Thời kỳ này cũng là thời kỳ cao trào đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít khắp nơi trên thế giới...
Trên bối cảnh lịch sử đó, thơ Tố Hữu cũng là phản ánh của một thời đại. Tinh thần nhân đạo chủ nghĩa tích cực, mối đồng tình với những người bị hắt hủi trên cuộc đời, với tất cả các dân tộc bị áp bức; lòng căm hờn đối với đời sống dâm ô của lũ người ăn bám ích kỷ, với lũ quân phiệt hống hách, với bao nhiêu cảnh trái ngược trên đời, đối với tinh thần đồi trụy, quan niệm nhân sinh, nghệ thuật yếu đuối của cả một thế hệ; và cuối cùng, tình gắn bó ruột thịt với giai cấp cần lao, với những chiến sĩ cách mạng và lòng tin tưởng sắt đá vào tiền đồ của cách mạng, vào tiền đồ của nhân loại, bấy nhiêu tình cảm cao cả là đề tài trong phần đầu của tập thơ.
Một thứ lạc quan chủ nghĩa cách mạng lan tràn trên bấy nhiêu vần thơ, khi véo von, khi hùng tráng của một người cộng sản trẻ tuổi, đang dạn bước trên trường tranh đấu. Ấy chính là vì được ánh sáng của nhân sinh quan Mác - Lênin rọi đường, Tố Hữu đã đứng trên lập trường giai cấp chính xác từ giờ đầu, và đã nhìn thấy con đường biện chứng lịch sử: Thắng lợi tất nhiên của cách mạng dân tộc, cách mạng thế giới. Đứng về phương diện ý thức mà nói, tập Máu lửa cũng có thể đội cái tiêu đề: Giác ngộ.
Thế nhưng, mâu thuẫn nội bộ trong xã hội tư bản đã phát triển đến một trình độ gay gắt... Mấy năm ấy cũng là mấy năm hết sức đen tối trong lịch sử nước nhà. Chiến tranh vừa bắt đầu bùng nổ thì bọn thực dân đã nhân ngay cơ hội để tiến hành cuộc khủng bố. Một lần nữa, các nhà tù Sơn La, Lao Bảo, Côn Lôn, các trại tập trung khắp nơi lại chật ních những tù chính trị. Những anh chị em lọt khỏi lưới sắt quân thù đều phải thoát ly, đi vào xây dựng căn cứ bí mật. Cách mạng một lần nữa lại lẩn vào bóng tối.
Tố Hữu đã được lũ giặc dành cho cái vinh dự bắt cầm tù mấy tháng trước ngày chiến tranh bùng nổ. Qua tập Xiềng xích, bạn đọc có thể theo dõi bước đường lưu ly của một đảng viên kiên trung trên bước đường thử thách gian khổ, giữa mũi súng, lưỡi lê, roi vọt, xiềng xích, mọi hình thức dã man hết chỗ nói của chế độ tù ngục thực dân. Từ lao Thừa Thiên (1939-1940), lên Lao Bảo (1940-1941), rồi về Quy Nhơn (1941-1942), rồi lại đi đày lên tận chốn rừng xa núi thẳm:
Đường lên xứ lạ Kontum...
... Đường lên Đak sut, Dak pao...
Và... Đường lên đỉnh núi Đăk lay...
Phất phơ gió lạnh, sương dày vắng chim...
Thơ ca viết trong thời gian ba năm đó khác với tập trước ở chỗ nó tập trung hơn về đề tài, về tư tưởng, tập trung vào tâm trạng của người chiến sĩ không còn điều kiện hoạt động nữa. Kể ra cũng đã có nhiều thi sĩ xưa nay làm thơ trong nhà tù... Nhưng... thơ của Tố Hữu hồi này vẫn là thơ tranh đấu, thơ hành động. Khi anh nằm lắng nghe sau tầng cửa sắt những tiếng dội thưa thớt của đời sống hằng ngày bên ngoài: "Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về", khi anh nỉ non những lời tâm huyết với những người "đồng chí", khi anh bâng khuâng "nhớ người" và "nhớ đồng", hoặc khi anh thét lên cái ý chí đấu tranh trong một cuộc biểu tình, trong những ngày tuyệt thực, hay khi anh "thề trước bóng dáng thiêng liêng" của những người đồng chí "đi trước", thi sĩ trước sau cũng vẫn ấp ủ mối tình cảm vĩ đại đó: tình cảm cách mạng, tình yêu đất nước quê hương, nhân loại và chí căm thù đối với lũ cướp nước đã chất chứa "tám mươi năm tội ác trên đầu"...
Xiềng xích là thơ của người chiến sĩ lòng dặn lòng quyết không bao giờ nản chí, khuất phục trước quân thù. Nhưng trên bước đường chịu đựng đó, thái độ và tiếng nói của người chiến sĩ đối với những đồng chí và bạn bè cùng chung số phận cũng đã có tác dụng nhắc nhở mọi người hẵng giữ vững tinh thần và tiếp tục đấu tranh.
Trên đường "phát vãng" từ Thừa Thiên đi Lao Bảo rồi lại giở vào, qua Quy Nhơn, để đầy lên Tây Nguyên, khi vừa tới Đắk-lây, Tố Hữu đã nghĩ đến chuyện vượt ngục. Thi sĩ đã cất tiếng hỏi cảnh vật:
Núi hỡi, từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?
Trong nhà lao của bọn thực dân, giữ vững tinh thần cách mạng yêu cầu ở người chiến sĩ một nghị lực khác thường. Phải có nghị lực hơn nữa, mới dám nghĩ đến chuyện vượt ngục, mới dám thực hiện kế hoạch vượt ngục. Tố Hữu đã dám "trốn" và trốn đã thoát. Đó cũng là một kỳ tích trong đời sống của một chiến sĩ trên đường đời.
"Mấy ý nghĩ" là nhan đề bài nhà văn Đặng Thai Mai viết về nhà thơ Tố Hữu và tập thơ "Từ ấy" - Ảnh: BTVHVN |
Cuộc đời gian khổ của chiến sĩ vẫn kéo dài. Chiến tranh thế giới đã bước vào giai đoạn ác liệt. Trong nước, chính sách khủng bố của quân thù đối với các đảng viên cộng sản càng dã man hơn bao giờ hết. Ba năm ròng, đời sống của người chiến sĩ là một cuộc "hú tim" một chết một sống đầu lưỡi gươm, mũi súng của bọn thực dân. Con đường "trốn chui" từ Đăk-lây xuống đồng bằng là con đường nguy hiểm. Nguy hiểm hơn nữa là đời hoạt động của một anh chính trị phạm "tại đảo", lén lút từ tỉnh này sang tỉnh khác, để tập hợp những đồng chí cũ, thành lập cơ sở mới, bắt liên lạc với Trung ương Đảng, tổ chức lực lượng vũ trang, thực hiện kế hoạch cướp chính quyền do Đảng đề ra, ngay ở giữa chỗ đầu não của triều đình Huế... Phải nói rằng: Mấy năm đó, đời sống cách mạng có những giờ khá hồi hộp. Nhưng đấu tranh trong hàng ngũ nhân dân, Tố Hữu đã vượt mọi nguy hiểm. Và đã thắng lợi trong thắng lợi chung của dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh cho chế độ dân chủ cộng hòa của nước Việt Nam. Nhưng tiếp theo liền đó, lũ thực dân Pháp, theo gót quân đội đế quốc Anh, lại bắt đầu gây chiến tranh ở miền Nam. Một năm sau, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Cách mạng dân tộc bước vào giai đoạn mới...
Trong những trường hợp kịch liệt với bao nhiêu biến cố trọng đại, bao nhiêu công tác dồn dập như vậy, chúng ta hiểu vì sao sáng tác của Tố Hữu trong hai năm này không được nhiều lắm. Thơ Tố Hữu chưa hề nói cùng bạn đọc tất cả những nỗi gian khổ trên bước đường vượt ngục. Cũng chưa nói hết những cảnh nguy hiểm trong nhưng ngày hoạt động bí mật.
Nội dung tư tưởng cũng như kỹ thuật biểu hiện của tập Giải phóng đã có nhiều nét khác với hai tập trên. Mười mấy bài thơ trong phần này khai thác cả một mạch thơ trữ tình phong phú. Trên con đường thoát ly, người chiến sĩ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh muốn như tưng bừng:
Chân trời lui mãi lan lan rộng
Hy vọng tràn lên đồng mênh mông...
Và sau đó là những ngày tháng đấu tranh hăng hái quên mình bên cạnh nhân dân.
Sống và hoạt động trong tinh thần đùm bọc của quần chúng, thi sĩ đã tôi luyện tâm hồn thành hẳn một khối với những con người lao động:
Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn
Rách rưới lều che tạm gió sương
Hiểu nhau rồi, hiểu nhau lắm bạn ơi!
Tình yêu giai cấp, lòng yêu nước, lòng tin tưởng đối với nhân dân, đối với cách mạng, bấy nhiêu đề tài đã được biểu hiện vào trong những thể thơ, những hình ảnh va những lời nói giản dị hơn gần với nhân dân hơn. Tố Hữu ca ngợi quần chúng, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi cách mạng với nhiệt tình của người chiến sĩ đã góp phần hơi sức xứng đáng vào thắng lợi chung và đang chuẩn bị xuất phát để tham gia vào một chiến dịch sắp mở.
Ngọn lửa chiến tranh còn chưa tắt, nền độc lập vừa xây dựng đã bị đe dọa, cuộc cách mạng vẫn tiếp tục, có phần gay go hơn nữa. Nhưng một "mùa xuân mới" của dân tộc, của nhân loại, vui vẻ hơn tất cả các mùa xuân trước - trong tập thơ - đã hé mở sau màn sương của một thời dĩ vãng đang tan dần.
Nghệ thuật của Tố Hữu trong mấy bài thơ cuối của phần này đã có xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa rõ rệt. Trước thực tế to tát của thời đại, thi sĩ đã cảm thấy cần phải "kết hợp chủ nghĩa lãng mạn với chủ nghĩa hiện thực và đem những màu sắc xán lạn hơn mô tả cái hiện thực vĩ đại và phong phú" của cách mạng trong một giai đoạn mới.
Đời sống của con người là cả một công trình tổng quát hết sức phức tạp. Nhân cách của một người nghệ sĩ vẫn tự đào luyện trực tiếp trong đấu tranh hằng ngày. Nhưng một mặt nữa nó cũng là kết quả của cả một quá trình bồi dưỡng rất công phu từ gia đình, học hiệu, cho đến truyền thống lịch sử...
Khi Tố Hữu bắt đầu cuộc "hành trình" đi vào lĩnh vực thơ, thì hòm xiểng của nhà thi sĩ thanh niên đã có một cái vốn "tích lũy" trên cơ sở giáo dục gia đình, xã hội và của truyền thống văn chương...
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2020) - Ảnh: Tư liệu |
Thơ Tố Hữu là "bó hoa lửa" lộng lẫy, nồng nàn kết tinh trên cơ sở của một hiện thực vĩ đại: Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong mười năm, dưới ánh sáng của Đảng, của tư tưởng Mác - Lênin. Trên lập trường tư tưởng đó, nhà thơ chiến sĩ đã gạt bỏ mọi ý nghĩ, tình cảm cá nhân chủ nghĩa về vui, buồn, sướng, khổ, sống, thác ra ngoài tầm tính toán hằng ngày, để đem tất cả mà hiến cho Đảng.
Tình yêu của con người đối với con người, đối với tự nhiên, với sự sống, tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu cái đẹp, yêu lý tưởng với Tố Hữu, đã được giải quyết theo tinh thần mới. Cũng chính vì Tố Hữu đã dứt khoát trên lập trường tư tưởng, nên câu thơ của Tố Hữu đã thích hợp ngay với khẩu vị của quân chúng cách mạng. Tố Hữu không hề bị vướng víu bởi hình thức chủ nghĩa. Khi đời sống tư tưởng, tình cảm của thi sĩ đã hòa hợp thành một khối với nhân dân thì từ ngữ, hình tượng, âm điệu cũng tự nhiên thành của chung nhân dân.
Thơ Tố Hữu đã ghi một thành công vẻ vang trong văn học hiện đại Việt Nam. Ấy là vì ngay từ giờ đầu, nhà thơ đã được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng theo đường lối của Đảng. Anh không hề có ý đem thơ ca để biểu hiện cái tư thế hoặc tâm tình riêng của mình. Anh đã tìm tòi trong ngọn nguồn văn học truyền thống của nước nhà, đã thu hút một phần những yếu tố lành mạnh trong văn học thế giới, để nói lên cái tinh thần nhân đạo tích cực cùng với cái ý chí bất khuất của nhân dân Việt Nam. Qua những ngày ảm đạm nhất trong lịch sử, thi sĩ đã báo trước cho mọi người một "tin lành": Cơn giông đang nhóm lên ở chân trời lịch sử, rồi đây, sẽ quét sạch cái không khí oi ả của thế giới cũ và thế giới tương lai, thế giới của nhân dân lao động sẽ thấy thắng lợi của chính nghĩa, sẽ thấy một "ngày mai huy hoàng". Lòng tin của Tố Hữu dưới ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin không hề có ý vị ảo tưởng...
Sau mười năm đó, khi cách mạng Việt Nam chuyển vào một giai đoạn mới, tập thơ Việt Bắc sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp thơ ca của thi sĩ. Anh sẽ càng tắm mình vào đời sống chiến đấu lao động hằng ngày của quần chúng, và tiếng nói của anh sẽ càng đượm hơi ấm của quần chúng. Lời thơ, ý thơ sẽ phát triển tới giai đoạn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng nền móng chắc chắn thực sự đã được xây đắp... Từ ấy.
Bài Mấy ý nghĩ được nhà văn Đặng Thai Mai viết vào tháng 4 năm 1959, trải qua nhiều năm, những nhận định sâu sắc ấy vẫn thấm đượm tình cảm, sự đánh giá cao của ông về nhà thơ Tố Hữu và tập thơ Từ ấy. Tư liệu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. |
Theo Bảo tàng Văn học Việt Nam
------------
Bài viết cùng chuyên mục: