Giấc phù vân - truyện ngắn của Lưu Sơn Minh |
Bà quay sang ả cung nữ: "Nhà ngươi có nghe trong cung xì xào gì về chuyện hôm mười sáu vừa rồi không?" Cung nữ cúi đầu: "Dạ, con cũng không thấy ai dám nói gì đâu ạ", rồi vội vã liếc trộm bà hoàng một cái, chừng như muốn nói gì mà không dám. Bữa nay chẳng hiểu vì sao chiều đã xuống Thái hậu không cho thắp đèn nến gì mà cứ im lặng ngồi trong bóng tối. Chuyện hôm mười sáu chính là việc đem ra tru di ba họ nhà Hành khiển Nguyễn Trãi. Mọi việc đã xong xuôi cả rồi mà ngay bà cũng chưa dám tin hẳn sẽ có một ngày như thế. Con người đã từng đứng bên cạnh Thái Tổ trong những ngày gian khó, đã từng một mình vào Đông Quan thuyết phục Vương Thống lại có phen mắc vào tay bà dễ đến như vậy ư. Bỏ được cái gai trong lòng thật là một sự mừng lớn. Chỉ có điều mà bà vẫn tiếc là vì chuyện ấy mà Trung thu năm nay kém vui. Đành là trong triều đang có tang, nhưng lẽ ra thị cũng phải lo vài mâm bánh trái để bà và đức vua mới - con trai bà - vừa bước sang tuổi thứ hai ngắm trăng. Nhưng hôm sau là ngày hành hình Nguyễn Trãi. Chẳng còn ai đủ gan mà lo việc ngắm trăng vào đêm trước của một ngày như thế. Đám cung nhân trước đây vẫn thường theo đòi học hỏi bà Lộ thì âm thầm tiếc thương cho người phụ nữ tài hoa mà bất hạnh ấy, nhưng cũng chỉ dám thở vắn than dài một mình thế thôi chứ đâu có dám hở ra với ai. Trong cung bây giờ lắm tai mắt nào phải chuyện chơi... Vô phúc Thái hậu biết được thì tức khắc sẽ bị khép mình vào tội "đồng mưu loạn thần" có mà trời cũng không minh oan cho nổi. Còn những kẻ vốn từ trước đến nay sẵn mang hiềm khích với vợ chồng quan Hành khiển thì cả đêm chỉ mong cho chóng đến sáng, bao giờ ông Trãi nằm xuống rồi thì chúng mới yên tâm. Thành thử đêm trung thu năm Nhâm Tuất (3) trong cung chẳng thấy ai vui được cả...
Đêm ấy trong dân cũng có thấy nhà nào vui nổi đâu. Người ta âm thầm đóng cửa vào rồi thắp hương mà tế sống ông Trãi. Mai mới là ngày hành hình nhưng hôm nay họ cử làm lễ tế quan Hành khiển. Đã qua rồi cái ngày trời sai kiến đục lá thành lời sấm "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần". Đức Thái Tổ thì đã mất chín năm nay. Thực ra, khi sinh thời Thái Tổ cũng đã giết khá nhiều công thần, trong đó có anh họ ngoại ông Trãi là ông Trần Nguyên Hãn. Nhưng dù có thăng giáng ông Trãi tới bao phen nhưng chưa hề tới mức phải đem con người này ra mà chém cả ba họ như vua mới, mà đúng hơn là Thái hậu nhiếp chính Nguyễn Thị Anh đã làm.
Đêm trăng tròn ngột ngạt như những ngày trước bão. Lũ hoạn quan đi đi lại lại, thì thì thào thào tựa bọn ăn cắp. Kinh thành im lặng chìm dần vào một cái màn bằng bạc dệt bằng những ánh trăng như chưa hề là một đêm hội mà lũ trẻ hằng mong đợi... Trong cung, bà Thái hậu vẫn ngồi như một pho tượng màu trắng. Cả khuôn mặt bà cũng trắng bệch như màu ánh trăng đang vung vãi ngoài kia. Hai đứa cung nữ đội đèn mắt trừng trừng nhìn nhau không chớp. Hồi chiều Thái hậu không đồng ý cho tháp đèn nến, bà cứ ngồi im trong bóng chiều tàn. Nhưng rồi khi sực tỉnh ra thấy quanh mình là một bóng tối dày đặc, Thái hậu nổi giận quát gọi đám hoạn quan lôi mấy đứa cung nữ chuyên lo việc đèn nến đi đâu không rõ. Chỉ thấy chúng lôi xềnh xệch những người không may ấy đi ra phía vườn sau...
Thái hậu không thể nào ngăn nổi ý nghĩ của mình về những người ngày mai sẽ bị đem ra chém. Chỉ một khoảnh khắc thôi, họ sẽ thành ma không đầu. Nguyễn Trãi ơi Nguyễn Trãi, nhà ngươi tài giỏi nhường ấy, Thái Tổ tin dùng ngươi nhường ấy, vậy ngươi có liệu định được cái cảnh này không. Ai xui khiến gì mà nhà ngươi suốt đời chống đối lại ý ta, suốt đời ngươi muốn làm cái gai trong mắt ta? Năm xưa, nếu vợ chồng ngươi đừng động chạm vào việc của ta, thì có phải bây giờ ta còn lo gì mẹ con ả Ngọc Giao nữa?
Thái hậu chợt nghe hình như có tiếng hô: "Đức vua tới." Hừ giờ này mà mấy con ranh cung nữ cũng không để con ta ăn cơm lại còn kéo nó tới đây làm gì? Thế rồi đến tiếng nhạc mà bà không sao nhớ nổi đã từng nghe ở đâu nữa. Chẳng lẽ, thôi đúng rồi, bà vừa mới nghe tiếng nhạc này trong ngày giỗ Đức Thái Tổ và ông Lê Lai. Thảo nào thấy quen quen..., nhưng mà ai cho phép tấu khúc nhạc ấy vào lúc này nhỉ, đây có phải nhạc rước vua đi chơi đâu, bà bắt được đứa nào làm liều bà nghiêm trị ngay... Nguyễn Thị Anh chợt giật bắn mình, có một người bỗng vụt đứng trước mặt bà. Lạ thật, người này không hề giống bộ dạng một tên thái giám nào cả. Tại sao lại có kẻ nào to gan dám vào nội cung như vậy? Mà kìa, trời ơi... đó là Thái Tông, đúng, chính Thái Tông chứ chẳng phải ai khác. Bà chợt thoáng hiểu ra vì sao vừa rồi bà nghe thấy bản nhạc ấy. Nhưng,... rõ ràng Thái Tông đã băng ở Lệ Chi Viên gần một tháng nay rồi cơ mà (4). Bà choáng người và kêu lên một tiếng...
Ả cung nữ đứng bên cạnh Thái hậu đột nhiên thấy bà gần như gục xuống khỏi chiếc ghế đang ngồi, miệng lẩm bẩm không ngớt "Bệ hạ, bệ hạ..." Ả vội vã đỡ bà dậy nhưng linh cảm của một kẻ theo hầu Thái hậu đã lâu mách cho ả biết không nên hô hoán ầm lên. Ả chỉ lay nhẹ và gọi: "Thái hậu, Thái hậu." Lâu không thấy bà tỉnh lại, ả mới dám chạy đi sai một cung nữ khác gọi ngự y. Khi bê vội chiếc đèn trong tay một thái giám quay về thì ả cung nữ đã thấy Thái hậu ngồi dậy. Đôi mắt bà có vẻ tỉnh táo lạ, thậm chí còn hơn cả lúc bình thường. Thái hậu nhìn trừng trừng vào ả, bà cất tiếng hỏi: "Nhà ngươi chạy đi đâu mà như ma đuổi thế?" Rồi không cần nghe câu trả lời, bà nói luôn: "Vừa rồi ta mệt quá thiếp đi lại gặp ác mộng. Ta cố gọi cứu mà chẳng thấy ai - trên miệng bà đột nhiên có một cái gì đó tựa như một nụ cười - mà lúc ấy nhà ngươi đâu nhỉ, sao không chạy tới giúp ta?" Ả cung nữ cúi gằm xuống, khẽ trả lời: "Bẩm Thái hậu, con chạy đi sai chúng nó gọi ngự y. Con cứ nghĩ Thái hậu bị cảm." Thái hậu nhẹ giọng: "Vậy nhà ngươi ra bảo ngự y thôi không cần tới nữa, ta không sao đâu." Nói rồi bà đứng dậy: "Nhớ gọi một đứa lên hầu ta, thôi đi đi..." Ả cung nữ cúi đầu rồi quay ra, ra tới cửa, đột nhiên ả vụt bước nhanh rồi vùng chạy, thỉnh thoảng lại ngoái ra đằng sau cứ như đang bị ai đuổi vậy...
Thật ra chuyện mà con cung nữ không dám nói ra Thái hậu cũng đã biết rồi. Chỉ có điều bà mới biết đến câu chuyện này trong khi nó đã lan rộng khắp cung đã lâu. Người ta kể rằng Nguyễn Thị Lộ là một con rắn trắng thành tinh muốn báo oán nên hóa thành người để lấy ông Trãi rồi chờ dịp giết vua mà kết oan vào quan Thừa chỉ. Thái hậu không hề tin chuyện này bởi thật ra trong cung bà vẫn có bảo vật là một viên ngọc rắn. Khi dâng tặng Thái hậu, gã lái buôn xứ Chiêm Thành kể rằng trong dãy núi cao nhất Chiêm Thành có một con rắn thành tinh. Khi công quả tu luyện sắp thành thì nó bị một đứa bé đi qua đạp chết. Nếu như khi khác thì ắt hẳn đứa bé đã trúng độc còn tinh rắn thì chẳng hề hấn gì. Nhưng lúc ấy con rắn dương vận hết khí nhật nguyệt hấp thụ bấy lâu để xảo đoạt công lao của Tạo hóa nên toàn thân mềm nhũn, chỉ cái đạp của đứa bé con cũng chết. Sau đó một đạo sĩ đang đêm đi qua đã nhìn thấy viên ngọc sáng trắng lên mới nhặt về. Gã lái buôn đã phải cậy cục đem ra cả một cuốn cẩm phổ cực hiếm mua từ Trung Nguyên để đổi lấy viên ngọc ấy. Chẳng thấy tay đạo sĩ này bị cái gì báo oán mà chỉ biết hắn giàu ức vạn nhờ bán cuốn cầm phổ cho một đại quan Xiêm La. Mà, thật ra Thái hậu cũng không hiểu nổi gã lái Chiêm Thành. Giá như bây giờ đây, khi bà đã trở thành người trông coi chính sự, thì chuyện dâng tặng đã đành một nhẽ. Đằng này, hồi ấy bà cũng chỉ là một người đàn bà trong hậu cung chẳng có chút quyền hành gì mấy. Dẫu bà có sinh ra Thái tử, nhưng nào ai biết liệu Đức vua có còn thay ngôi Thái tử nữa hay thôi. Càng nghĩ càng thấy khó hiểu..., mải ưu tư, Thái hậu quên phắt chuyện rắn trắng thành tinh. Thật là thứ điên rồ của mấy gã đồ gàn rỗi việc...
Mấy hôm nay bọn cung nữ cứ xì xào là trong cung có ma. Có đứa quả quyết đã trông thấy Đinh Phúc và Đinh Thắng bá vai nhau vừa đi vừa cười. Hai viên hoạn quan này đã bị đem ra "chính pháp" vì tội "tư thông phản thần mưu giết vua". Thật ra sau khi chém ông Trãi, viên quan coi ngục nằng nặc xin được gặp Thái hậu để "bẩm việc cơ mật, ảnh hưởng sự tồn vong của nước nhà." Khi được gặp Thái hậu, hắn tố cáo đêm trước hôm bị hành hình, Nguyễn Trãi có than rằng tiếc không nghe lời họ Đinh khuyên bảo. Thế là đến ngày mồng 9 tháng 9, Đinh Phúc, Đinh Thắng chỉ vì một lời tâu xằng chưa rõ thực hư cũng bị chém đầu. Mấy viên thái giám cùng vào cung một đợt với hai gã họ Đinh khẽ bảo nhau: "Cái này chắc là mưu của ai để trừ hai người này chứ nào ai lạ gì ông Trãi. Người khác thì còn phải ngờ, chứ ông Trãi tôi cứ xin cả quyết rằng ông ấy chẳng bao giờ nói gì hại đến người thường, nữa là ví dụ như hai bác kia quả có khuyên bảo ông ấy thật. "Cũng chỉ là ghé vào tai nhau mà nói, chứ chẳng ai biết hơi đâu mà lần. Bây giờ bọn cung nữ nói là trông thấy Đinh Phúc, Đinh Thắng thì đám thái giám kia lại tụ nhau vào thì thào: "Có lẽ hai bác ấy chết oan thật, thành thử hồn phách không tan mới đi lang thang trong cung. Bọn mình buổi tối nhớ có phải đi ra ngoài cứ đi cho rõ đông là hơn." Gã thái giám họ Tô lúc đầu nghe cung nữ nói thì không tin, nhưng rồi sau mấy lần Đinh Phúc nhòm vào tận cửa phòng mà gọi: "Bác trông thấy thế này có còn không tin nữa thôi?" Tô há hốc mồm ú ớ không sao kêu nổi, Đinh Phúc đi từ lúc nào cũng không biết. Về sau khi Thái hậu gọi vào hỏi, họ Tô dường như vẫn chưa hoàn hồn, gã hổn hển: "Bẩm Thái hậu, thần không dám nói sai, quả tình mắt thần trông thấy Đinh Phúc đứng ở cạnh cửa phòng nói chuyện với thần..." Thái hậu lẩm bẩm: "Lại còn nói chuyện nữa cơ à ?" Rồi bà quay lại: "Thế gã nói gì với nhà ngươi?" "Dạ cũng chỉ hỏi thần trông thấy thế này đã tin chưa thôi ạ." Thái hậu vừa khẽ khoát tay, họ Tô đã vội đi giật lùi ra phía cửa, hai mắt láo liên. May mà vừa rồi Thái hậu không hạch hỏi vì sao gã nói về Đinh Phúc lại cứ nói trống không như vậy. Quả thật, trước mặt Thái hậu gã không dám gọi họ Đinh bằng ông, thế nhưng gọi bằng thằng, hắn, nó hay gì gì đó thì gã cũng chờn, chả gì bây giờ người ta trông thấy mình, người ta biết mình nghĩ gì, làm gì... Đằng này mình thì lại mù tịt chẳng biết đường nào mà tránh. Đến như đức Khổng Tử còn dạy phàm đối với quỷ thần thì phải "kính nhi viễn chi" đó sao?...
Được mấy hôm, mọi chuyện tưởng đã yên yên. Cho đến một đêm cung nữ Yến Hoa mang cháo yến tới cửa phòng Thái hậu thì bị đổ. Lũ thái giám lôi xềnh xệch ả cung nữ vào trước mặt Nguyễn Thị Anh. Nhìn vẻ mặt mất hết thần sắc của Yến Hoa, Thái hậu khẽ nhếch mép cười rồi hỏi "Nhà người có biết thế là tội gì không?" Yến Hoa bất ngờ lăn ra đất òa khóc: “Tâu Thái hậu, con quả có không thắp đèn, nhưng chính là ý Thái hậu không muốn chúng con làm thế chứ con nào có tội gì đâu, oan con quá Thái hậu ơi!" Thái hậu choáng người, bà không thể ngờ mọi sự lại nên nông nỗi này. Nhìn tận mắt thấy oan hồn kêu khóc trong thân xác kia bà mới tin hết mọi chuyện là có thật. Lần mộng thấy Thái Tông, bà chỉ nghĩ vị Tiên đế mới băng nên bà chưa quen ngay được thành thử sinh ra chiêm bao. Đằng này, mắt thấy tai nghe. Mà đâu phải chỉ mình bà. Xung quanh kia còn có cả một lũ thái giám tín cẩn nữa chứ. Thái hậu quát: “Nhà ngươi có oan ức gì mau nói rõ ra ta sẽ lo cho." Oan hồn càng khóc uất lên: "Con bị họ Bùi kia làm hại, nay đội ơn Thái hậu cho phép con xin trả thù nó." Tự nhiên thái giám họ Bùi ngã vật ra đất, mép úa máu tươi, mọi người đổ vào xem thì mắt đã mất hết thần khí rồi. Ngoảnh lại nhìn, cung nữ Yến Hoa cũng đang nằm mê man bất tỉnh Thái hầu thở dài: "Các ngươi mau đem cái xác đi cho ta. Còn Yến Hoa thì đưa về phòng, nó không biết chuyện này đâu."
Qua ngày hôm sau, Thái hậu lệnh cho tất thảy trong cung suốt đêm phải thắp đèn, kẻ nào trái lệnh sẽ bị chém đầu. Bà không nhắc gì tới chuyện ma quỷ mà nói tránh ra làm thế để đề phòng gian nhân. Từ hôm ấy, suốt đêm trong cung đèn sáng như ban ngày. Các quan thấy chuyện lạ mắt nhưng cũng chẳng dám nói gì. Quả tình cái uy của Thái hậu cũng khiến người ta khiếp vía. Bẵng đi mấy ngày, mấy tháng, lâu dần không rõ vì sao chẳng còn ai nhìn thấy chuyện gì quái lạ, mà Thái hậu cũng không nhắc gì về ma quỷ nữa. Thế nhưng cái lệ thắp đèn đêm thì Thái hậu không sao bỏ được dù bà đã quên dần chuyện cũ. Thật ra Thái hậu quên chuyện trong cung một phần cũng vì mải theo dõi những bước đi đang cứng cáp dần lên của cậu con trai. Con trai bà, nhưng là vua của muôn dân Đại Việt cũng đã qua tuổi thứ ba...
... Đêm mất ngủ yên tĩnh quá chừng, một sự yên tĩnh kinh khủng. Tiếng ri rỉ của một con dế ở nơi nào đó nghe thật xa xôi. Bà chuyển suy nghĩ sang tiếng nhỏ giọt của cái đồng hồ. Cái thứ tiếng động đều đều tưởng chừng như chẳng cần để ý này thật ra càng làm cho người ta tỉnh táo hơn, khó ngủ hơn. Thấm thoắt mới đêm Trung thu năm nào chuẩn bị chém Nguyễn Trãi thế mà đã được ba năm. Các tỉnh đều đã tâu về là không còn sót bất cứ một kẻ nào trong họ nhà Nguyễn Trãi chưa bị chém. Lẽ ra như thế bà có thể "kê cao gối mà ngủ". Nhưng mà trớ trêu thay, Thái hậu vẫn chưa một đêm nào an giấc nổi. Thường bà thức rất khuya nhưng tới chừng nửa đêm về sáng là tỉnh lại không sao nhắm mắt được nữa. Bà cứ nằm nghĩ vơ vẩn, chuyện con bà - Đức vua trẻ vẫn còn mải chơi chẳng chịu học trong khi Bình Nguyên vương Tư Thành từ hồi về kinh sư học hành đi đúng đường hoàng được nhiều kẻ nể phục - cũng là một điều không phải không đáng lo. Vẩn vẩn vơ vơ thế nào rồi cũng lại nghĩ về chuyện năm xưa. Thái hậu sức nhớ lời Đinh Thắng nhập vào hoạn quan họ Tô trong lần bà sai gọi thầy phù thủy vào trừ tà trong cung. Lần ấy cũng phải làm rất kín đáo vì bà ngại các quan trong triều can gián. Tự nhiên họ Tô nhảy dựng lên: "Thái hậu có biết kẻ tôi tớ này là ai không? Họ Đinh chúng ta làm gì nên tội mà phải chém. Trả mạng cho ta...” Lời Đinh Thắng tới đây thì tắt vụt vì thầy phù thủy đã vung kiếm phép lên. Họ Tô ngã lăn xuống thềm rồi tỉnh ngay lại nhưng hai mắt còn trợn ngược, mồm ú ớ không nói ra câu... Thái hậu chưa hết bàng hoàng thì thầy phủ thủy đã thu kiếm lại. Ông ta quỳ xuống. "Tâu Thái hậu, hai gã họ Đinh chết oan lại phạm vào giờ xấu nên bây giờ tác quái. Cần đuổi được chúng nó ra khỏi cung nhưng e rằng chúng còn làm chết một hai người nữa mới thôi." Chưa dứt lời đã nghe bên ngoài có tiếng xôn xao rồi một con cung nữ hộc tốc chạy vào báo thái giám Nguyễn Hỏa và gã quan coi ngục Nguyễn Xung đang ngồi uống rượu thì trúng gió chết cả, không kịp nói một lời nào. Bây giờ đã là năm Thái Hòa thứ ba (5) mà ngay cả bà cũng vẫn còn chưa thấy "thái hòa" đâu...
Tháng 9 năm Đinh Sửu, sứ thần nhà Minh là bọn Hàn lâm viện thị độc Hoàng Gián sang báo tin Minh Anh Tông trở lại ngôi. Bữa tiệc tiếp đón ở sứ quán, họ Hoàng làm cho viên quan đại sứ giật mình vì nhất định đòi gặp Á quân hầu Nguyễn Xí và Đinh Liệt. Rồi gã lại đòi gặp Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường. Vua Nhân Tông phải vội vã vào hỏi Thái hậu nên chiều theo ý hắn hay thôi. Thái hậu ngồi im rất lâu rồi mới nói "Nguyễn Xí và Đinh Liệt thì đừng cho gặp. Cứ lấy cớ cả hai già yếu nói năng có gì sơ thất e mạo phạm tới thiên sứ. Còn Trịnh Thiết Tường, Bệ hạ cho gặp cũng được, kẻ này ứng đối lanh lợi chắc không đến nỗi làm nhục quốc thể đâu." Nhân Tông cứ y lời mẹ, chỉ cho Trịnh Thiết Trường ra tiếp sứ...
Vừa mới gặp nhau, phân ngôi chủ khách xong, Hoàng Gián đã nói ngay. "Tôi biết thế nào cũng được tiếp kiến Trịnh tiên sinh. Hạnh ngộ hôm nay tôi xin tiên sinh cứ lấy lẽ hàn nho mà đãi nhau, đừng câu nệ chuyện khách khí làm gì." Trò chuyện đã lâu, đột nhiên Hoàng nhìn chằm chằm vào mặt Trịnh Thiết Trường: "Tôi có một điều này riêng hỏi Trịnh tiên sinh... Chẳng hay tiên sinh có rõ vì sao tôi lại xin gặp hai vị thần huân cựu hay không. Ấy thật ra chỉ vì kẻ này cũng muốn diện kiến hai vị để hỏi xem thuở Chí Linh sơn hay giờ đây, khi những kẻ tụ hội ngày đầu chỉ còn có họ, mọi sự dễ dàng hơn...?” Thiết Trường giật mình không thể ngờ kẻ người Bắc này lại rõ nội tình phương Nam đến như vậy, quả thật, những người theo Thái Tổ dựng cơ thuở Hội thề Lũng Nhai giờ chỉ còn ông Xí với ông Liệt là dũng tướng. Đám Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo thì Thái Tổ nghi ngờ có ý làm loạn nên giết đi. Còn bọn Lê Sát, Lê Ngân cũng bị Thái Tông giết cả. Rồi thì như chuyện năm Nhâm Tuất (6) khi Nhân Tông vừa mới lên ngôi... Dường như không để ý tới thái độ của Thiết Trường, Hoàng Gián lại tiếp tục: "Hẳn tiên sinh ngạc nhiên vì tôi quá hiểu chuyện nước ngài. Chẳng qua khi còn nhỏ có kẻ thầy tướng đoán về sau ắt phải đi sứ về phía Nam, không phải sang đây thì còn đi đâu nữa? Cho nên tôi mới chuyên tâm mà đọc sách, lại tìm hỏi thêm những kẻ đi theo họ Vương, họ Liêu (7) để biết thêm về phong thổ chờ sau có khi dụng đến"...
Trời đã xế chiều mà chuyện hai người vẫn đang hồi say sưa tưởng chừng không thể dứt ra được Hoàng Gián kinh ngạc trước lối biện luận sắc bén của Trịnh Thiết Trường còn Thiết Trường càng lúc càng nhìn ra những góc cạnh khác nhau trong một con người Hoàng Gián.
Họ chia tay nhau khi trăng đã lên cao. Bữa cơm chiều mang lên không một ai động đũa, chỉ có mấy vò rượu là hết cả. Trước lúc trở vào, Hoàng Gián khẽ nói nhỏ với Trịnh Thiết Trường "Nói thật với tiên sinh, tối qua xem thiên văn tôi thấy trong thành có độc khí bốc lên nhưng không tỏa mà lại có vẻ cô quẩn lắm..." Không rõ vẻ mặt Thiết Trường ra sao nhưng Hoàng Gián lại nói thêm "Ngày sau tiên sinh ắt phải đi xa, chỉ xin nhớ một điều: gỗ đá cũng có khi hữu dụng." Lúc ấy, họ Hoàng lại giống hệt như một tay xem thiên văn đã lỗi thời...
Thái hậu và vua Nhân Tông ban thưởng cho Trịnh Thiết Trường vì từ sau hôm nói chuyện ở sứ quán ít thấy Hoáng Gián hạch hỏi chuyện gì. Sứ bộ lần này sang cũng không chuyện bán tơ lụa cho triều đình, bắt phải mua với giá thật đắt như mọi khi. Khi Hoàng Gián quay về, Nhân Tông sai Trịnh Thiết Trường làm phó sứ theo giúp chính sử Lê Hy Cát sang mừng việc trở lại lên ngôi của Minh Anh Tông cũng là từ chuyện Thái hậu tín nhiệm họ Trịnh trong lần tiếp sứ. Về sau những gì xảy ra trong bữa rượu với Hoàng Gián ấy, cũng không thấy Trịnh Thiết Trường kể với ai...
Mùa thu năm Kỷ Mão (8) trời đất không yên. Mưa chẳng ra mưa, gió chẳng ra gió, mà sắc trời lúc nào cũng tưởng đang cơn giận dữ. Lúa mấy vụ không được chút nào. Dân phải rủ nhau đi đào củ để kiếm cái ăn. Đêm Trung thu trời đổ mưa đã chỉ một chút là tạnh nhưng mây đen kéo đặc kín chẳng còn nhìn thấy trăng đâu. Không biết nghe ai dạy mà lũ trẻ chăn trâu ở Lam Kinh cứ ngồi ngoài bờ ruộng ôm cái bụng đói ê a hát:
"Giời thì đã vậy
Giăng bỏ đi đâu
Nghi nghi hoặc hoặc
Núi trước nhà sau
Chẳng chạy cho mau
Nửa đêm thì tới..."
Có kẻ tâu về triều, Thái hậu không hiểu gì nhưng cũng lo lắm. Sai người tìm bọn trẻ thì chúng nói có người dạy chúng hát xong thì bỏ đi ngay, rõ ràng không phải dân vùng này... Lại những đêm không ngủ trôi qua. Rồi mỗi sáng khi trở dậy, Nguyễn Thị Anh nhìn thấy trong gương tóc mình ngày qua như vừa thêm vài sợi bạc. Có những hôm gặp phải ác mộng, tỉnh ra mồ hôi đầm đìa như tắm. Thế rồi Thái hậu cứ nằm miên man nghĩ, lạ thật, tất cả những kẻ bị bà giết đều đã hiện hồn đòi mạng: nào Đinh Phúc, Đinh Thắng, nào mấy con cung nữ...; bà đã gặp cả Thái Tông, tuy Tiên đế không nói gì nhưng khuôn mặt đầy vẻ trách cứ. Chỉ duy có một người mà chưa bao giờ bà phải đối mặt: Nguyễn Trãi. Nhưng những đêm mất ngủ bà lại nghe vang vẳng hai câu thơ:
"Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung"(9)
Câu thơ của Úc Trai! Ngày trước bà cũng đã từng nghe được Nguyễn Thị Lộ ngâm khe khẽ câu này khi vào dạy trong cung. Thuở ấy bà phi Nguyễn Thị Anh nghĩ câu thơ mới giả dối làm sao. Còn bây giờ, bà không thể tự dối lòng được nữa. Mười mấy năm lo việc nước mới khiến bà chợt hiểu ra cái đau đáu của câu thơ. Mười mấy năm qua chính bà ra lệnh truy lùng và hủy hết văn chương Nguyễn Trãi, vậy mà Thái hậu không ngờ lại có ngày ngay cả bà cũng phải tìm nỗi lòng mình trong câu thơ của con người đó.
... Rồi thì cũng qua được mùa thu năm ấy. Nhưng đến cuối tháng 9 và mấy ngày đầu tháng 10 trời rét lạ. Bầu trời xám ngắt như chì. Trong triều ngoại nội ai nấy đều xuýt xoa vì lạnh. Có điều những ngày này Thái hậu lại ngủ yên giấc. Bà không còn thức dậy hằng đêm vì tiếng nhỏ giọt của đồng hồ, tiếng dế cũng chẳng hề gợi vẻ cô tịch như ngày xưa. Thái hậu thấy những cơn mơ không còn chống lại bà nữa, và giấc ngủ mới thân thương làm sao. Kể từ hôm trời trở lạnh cứ đêm đêm viên ngọc rắn lại sáng lên một màu trắng đục tựa như một ngọn đèn nhỏ. Nhìn vào cái ánh sáng ấy Thái hậu sực nhớ ra gã lái buôn Chiêm Thành đã lâu không lại. Hồi trước gã cứ than rằng không có duyên để được trông thấy ngọc quý tỏa sáng.
Thái hậu khẽ trở mình. Ngoài kia gió vừa thổi qua những hàng cây và có một chút khí lạnh ùa vào trong phòng làm ngọn nến trên bàn lay lay. Chỉ thoáng như thế rồi tất cả lại trở nên tĩnh lặng. Chẳng còn một chút âm thanh nào nữa. Không hiểu sao Thái hậu cứ tin rằng ngày mai, khi trời sáng ngoài triều thế nào cũng có người dâng biểu tâu Hoàng đế con bà, năm nay dân đang mừng mùa đông đến sớm...
...Kỷ Mão (Diên Ninh năm thứ 6). Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, Lạng Sơn Vương Nghi Dân đang đêm bắc thang, chia làm ba đường, trèo thành vào cửa Đông, lẻn vào cung cấm. Vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu (10) đều bị hại...
...Canh Thìn (Quảng Thuận năm thứ 1). Mùa hạ,.., tháng 6, ngày mồng 6, các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa diệt bọn phản nghịch Đồn, Ban, Giáng Nghi Dân xuống tước hầu. Đón Gia vương (11) lên ngôi Hoàng đế (12)...(Đại Việt sử ký toàn thư)
Năm Giáp Thân (13) (Quang Thuận thứ 5) vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Nhà vua truy phong ông chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu tước Tám trù bá và phong cho người con cuối cùng của Nguyễn Trãi trốn thoát nạn tru di làm tri huyện. Lê Thánh Tông đã viết về Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”(14). Nhưng có một điều ít người được biết, một đêm ngắm thiên văn, đương lúc ngâm câu thơ ấy, Lê Thánh Tông chợt nhận ra sao Khuê thật sáng nhưng nó cũng thật cô đơn trên bầu trời sao vô tận nhường kia...
Tháng 6 năm Đinh Dậu
-------------------------
(3) : Năm 1442
(4) : Lê Thánh Tông chết ngày mồng 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất - Đại Bảo thứ 3 (1442)
(5) : 1445. Thái Hòa là niên hiệu của vua Lê Nhân Tông.
(6) : Chỉ vụ án Lệ Chi viên
(7) : Họ Vương : Tổng binh Vương Thông
Họ Liễu: Liễu Thăng, kẻ cầm quân sang tiếp viện cho Vương Thông.
(8): 1459
(9) : Thuật hứng (bài 23)
(10) : Tức Lê Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh
(11) : Tức Bình Nguyên vương Tư Thành. Gia vương là tước do Nghi Dân sau khi cướp ngôi phong cho Tư Thành
(12) : Tức Lê Thánh Tông
(13): 1464
(14) : Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê
--------------
Bài viết cùng chuyên mục: