Sự kiện & Bình luận

Mông Cổ: Những rung động từ một thoáng thảo nguyên xanh*

Nguyên Thảo
Bút ký phóng sự
15:31 | 09/07/2024
Người Mông Cổ tự hào về Chingis Khan . Nhân vật lịch sử này có mặt ở khắp nơi: Sân bay quốc tế Ulanbator, quảng trường lớn nhất, bức phù điều hoành tráng nhất,
aa
Mông Cổ: Những rung động từ một thoáng thảo nguyên xanh*

ĐƯỜNG PHỐ

Người Mông Cổ vốn là dân du mục, họ quen đi đây đi đó. Ngày trước, tuyển xe lửa liên vạn quốc tế đi xuyên qua đất nước này. Bây giờ thì không ai đến Mông Cổ bằng tàu hỏa nữa mà đi máy bay. Có 2 tuyến bay chính đến Ulanbator là từ Bắc Kinh (Air China) và từ Seoul (Korea Airlines). Tôi đến Ulanbator vào buổi tối 28-6 nên sáng hôm sau mới có dịp nhìn ngắm thành phố này sau ngần ấy năm chưa một lần trở lại. Mọi thứ đã thay đổi trừ dãy núi bao quanh thành phố và nhà ga xe lửa (bây giờ chỉ còn sử dụng để vận tải hàng hoá). Ulanbator là một thành phố nhỏ nằm lọt trong một thung lũng xanh, ở trung tâm thành phố người ta có thể nhìn thấy kiến trúc đặc trưng kiểu Nga với những toà nhà hình hộp vuông vức, chắc chắn và nặng nề, có ít nhà cao tầng và còn nhiều khoảng đất trống.

Ở đây cũng thấy ít cây cối, dọc hai bên đường trồng những cây họ thông và thuỳ dương - những giống cây hợp với khí hậu lạnh. Ngoài đường chỉ thấy xe du lịch và xe bus, rất hiếm khi gặp xe mô tô hay xe đạp, mật độ giao thông cũng khá thưa, người ta bảo chưa bao giờ kẹt xe. Các bảng hiệu, bảng quảng cáo ở đây đều bằng tiếng Mông Cổ có ký tự y như tiếng Nga nhưng không đọc được và khó đoán ý nghĩa. Những người Mông Cổ lớn tuổi đều biết tiếng Nga nhưng bọn trẻ thì không. Ra ngoại ô một chút là một khung cảnh hoàn toàn khác. Chỉ cách trung tâm thành phố độ 6 - 7 km là cảnh vật đã khác hẳn, người dân xây những chiếc nhà nhỏ, chen chúc nhau và hình như họ còn rất luyến tiếc cuộc sống du mục trước đây mà gần như nhà nào cũng làm cho mình một, có khi là vài cái lều theo phong cách truyền thống. Cũng có thể bởi không đắt lắm, và việc dựng lều cũng khá đơn giản. Nhà của những người dẫn càng nghèo càng xa thành phố, lan mãi đến sườn núi.

Sân bay nằm trong thung lũng, rất gần núi cả 3 phía, có lẽ vì thế mà khi thời tiết xấu có nhiều chuyến bay bị huỷ hay trễ giờ vì không hạ cánh được.

MÓN ĂN

Người Mông Cổ vốn là dân du mục, họ quen đi đây đi đó nên việc trồng trọt không được chú ý. Hàng ngàn đời nay họ đã quen với các món ăn có rau xanh. Món ưa thích của họ thịt bò, thịt cừu và sữa ngựa. Tôi không thể nào quen được với các món có thịt cừu vì mùi hôi đặc trưng của nó mặc dù họ chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như súp, nhân bánh kẹp, hầm cà ri, sủi cảo hay nướng (không thể so sánh với món saxlức trứ danh của người Trung Đông). Giá mà người ta xử lý được mùi hôi của cừu thì tuyệt.

Ăn uống ở Mông Cổ không rẻ, có lẽ là rất nhiều thứ phải nhập khẩu: một bữa cơm bình thường giá 10$, xiên thịt nướng + chai bia giá 8$, gói kẹo bình thường cũng 3 - 4$. Tuy nhiên, người Mông Cổ rất thích uống bia, uống là chính, không nhậu. Cứ sau giờ làm, rất nhiều người cả nam lẫn nữ đa phần là trẻ (từ 15 đến 40 tuổi) lại đến các quán ven đường để uống bia và tâm sự, mỗi người cũng làm vài chai rồi mới về. Bia có nhiều loại, chủ yếu là bia nội, bia Nga, Tiger và Heiniken. Mỗi chai giá khoảng 2,5 - 3$.

Vì không quen với thức ăn Mông Cổ nên khi nghe nói ở trung tâm thành phố có một tiệm ăn Việt Nam, tôi tìm đến, một là để thưởng thức món ăn quê hương ở nơi xa xôi này, hai là để thăm hỏi người đồng hương. Đó là một tiệm ăn sang trọng nằm ở tầng 3 trong một toà nhà cao tầng, sáng sủa, sạch sẽ, nhưng người phục vụ đều là Mông Cổ. Khi nghe tôi hỏi thăm về ông chủ người Việt vì tôi là người Việt, người phục vụ dẫn tôi đến bàn một người đàn ông nhỏ thó đang dùng cơm chiều. Anh ta bắt tay tôi và nói “Chào anh”, giọng lơ lớ. Rõ ràng là không phải người Việt vì người nước ngoài đến Mông Cổ làm ăn chỉ trong vòng dưới 20 năm trở lại đây thì làm sao quên được tiếng mẹ đẻ nhanh thế. Tôi chuyển qua tiếng Anh để có thể trao đổi dễ dàng hơn. Ô, thì ra anh ta là người Hàn Quốc, trước đây có sang Việt Nam và vì rất mê món phở bờ nên anh ta đã tìm học cách nấu, ghi chép lại cẩn thận để khi nào về Hàn thì nấu chiêu đãi gia đình. Khi sang Mông Cổ tìm cơ hội làm ăn, anh ta nhận thấy ngay là người Mông Cổ quen ăn thịt và các món khô, không có tiệm nào bán món nước, vì thế anh ta thử giới thiệu món phở bò và được hoan nghênh ngay lập tức, nhiều nhất là những người nước ngoài tại Ulanbator và khách du lịch. Anh ta mở tiệm ăn gọi món chủ lực là “Pho bo”. Không ai hiểu, lại khó giải thích, anh ta liền đổi thành Vietnamese restaurant - tiệm ăn Việt Nam! Tôi gọi một tô phở bỏ và một chai Tiger, phiếu thanh toán ghi phở bò 10$, bia 3,75$. Tôi kẹp 14$ vào sổ rồi chào ông bạn Hàn ra về, với suy nghĩ nếu mấy bác bán phở chính thống Hà Nội mà sang đây kinh doanh hẳn là phất nhanh!

THIÊN NHIÊN

Cứ tưởng vùng thảo nguyên mênh mông này chỉ toàn cỏ và súc vật nuôi ăn cỏ như ngựa, bò, cừu, hoá ra bản đồ động vật hoang dã của Mông Cổ lại rất phong phú, nhất là các loài chim lớn như thiên nga, hạc, sếu,... Thì ra, chính đồng cỏ mênh mông và dân cư thưa thớt, có những nơi rộng đến hàng ngàn km không có người ở là thiên đường cho các loài chim, đặc biệt là loài di cư. Mùa hè là mùa đẹp nhất ở Mông Cổ, cây cỏ tốt tươi, nguồn nước dồi dào, nhiều thức ăn là những điều kiện rất tốt cho bọn chim mới ra đời vào mùa xuân vừa qua phát triển thật nhanh để đủ sức cùng bầy bay về phương Nam tránh rét trước khi mùa đông đến. Loài chim mà nhiều người Mông Cổ yêu thích là thiên nga, đó là loài lớn, có dáng vẻ mềm mại và kiểu bay rất sang trọng. Đây mới chính là quê hương của chúng, chúng được sinh ra và lớn lên ở đây chỉ đến mùa đông chúng mới bay về phương Nam để tránh cái rét khắc nghiệt. Mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới 40 độ âm. Mùa hè cũng là lúc câu cá tuyệt vời nhất ở Mông Cổ. Đất nước rộng lớn này nằm lọt giữa Nga và Trung Quốc nên không có biển, đổi lại, thảo nguyên mênh mông lại có rất nhiều sông, suối, hồ và đầm lầy nên có một lượng cá phong phú. Ở Mông Cổ ít thấy người đi câu. Có một dòng sông nhỏ chảy dọc thung lũng, xuyên qua thành phố, phình ra ở phía sân bay và nhỏ dần khi xuôi về thành phố.

Mặc dù nắng ấm chan hoà, trời rất đẹp mà không thấy một ai đi câu. Người ta bảo muốn thì phải lái xe đi hàng chục đến hàng trăm km, tìm đến những đầm, hồ hay sông lớn nơi có nhiều cá. Thú vui ấy không dành cho người nghèo, chỉ giới trung lưu có ô tô riêng khá giả. Thầm nghĩ Hiệp hội thể thao câu cá Hoa Kỳ cử hai cha con ông Jonathan sang Mông Cổ để hướng dẫn phương pháp fly của Mỹ thì chắc là vui.

Cũng vì quan tâm đến câu cá nên tôi tìm đến siêu thị lớn nhất ở trung tâm thành phố để xem có bán đồ câu không. Tầng trên cùng bán đồ thể thao và thật buồn là tổng cộng chỉ có đúng... 2 chiếc cần và một cái máy câu dọc mang nhãn hiệu Trung Quốc đặt chung với gậy đánh bi-a.

TRẺ EM MÔNG CỔ

Chúng tôi đến thăm khu trại hè dành cho trẻ em Mông Cổ ở ngoại ô Ulanbator cách trung tâm độ 15 km. Đó là một phức hợp đẹp đẽ nằm bên một sườn núi có nhiều cây lớn nhìn xuống thung lũng, có rất nhiều cỏ và hoa, những ngôi nhà xinh xắn là nơi nghỉ hè, cắm trại của bọn trẻ. Ở đây có đầy đủ tiện nghi cho chúng từ hội trường, phòng tập thể thao, nhà ăn, bể bơi, Internet… Bọn trẻ rất sáng sủa, hiếu động và được giáo dục tốt. Chúng tôi đã dùng bữa trưa cùng đám trẻ đáng yêu đó trong một phòng ăn rộng mang đặc phong cách “Liên Xô” cũ, từ cách xếp hàng lấy khay đựng thức ăn, được chia phần theo món từ những bà cấp dưỡng và tự mang ra bàn ăn đến các món ăn: Xúp rau cải, xà lách Nga, cơm, bánh mì, thịt bò hầm, khoai tây nghiền nhuyễn và sữa chua. Trên 40 năm trước thì đó là món ăn hàng ngày của chúng tôi - những lưu học sinh Việt Nam ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

NGHỆ THUẬT

Chiều tối ngày 30-6 đoàn chúng tôi được mời đến nhà hát thành phố Ulanbator để xem đoàn nghệ thuật quốc gia. Các nghệ sỹ Mông Cổ ăn mặc rất đẹp, nhạc cụ chủ yếu là bộ dây với cây đàn dân tộc trông như sự se duyên giữa đàn nhị và viola, âm thanh giống viola hơn, cũng có đàn gõ và kèn. Những điệu múa của Mông Cổ đều gắn liền với ngựa và thảo nguyên, động tác nhanh, mạnh, tươi vui. Ngược lại, giọng hát, tiết tấu và âm nhạc lại rền rĩ, kéo dài mênh mang như tiếng dội lại từ thảo nguyên bao la. Chúng gợi tôi nhớ đến tiếng nhạc và giọng hát rất buồn của người Azerbaidzan tôi đã nghe ở Bacu, cũng có cái gì đó rất gần với âm nhạc của các vùng Uzơbếch, Takigistan, Kirgistan…

CHINGIS KHAN

Người Mông Cổ vô cùng tự hào về Chingis Khan (ta gọi là Thành Cát Tư Hãn). Hình như nhân vật lịch sử này có mặt ở khắp nơi: Sân bay quốc tế Ulanbator, quảng trường lớn nhất, bức phù điều hoành tráng nhất, bức tượng lớn và đẹp nhất, nhà băng lớn nhất…

Người anh hùng dân tộc đó có mặt trên mọi đồng tiền Mông Cổ.

Trên đường phố, cỗ xe chở chiếc lều di động của các lãnh chúa ngày xưa vẫn như đang đồng hành với thế hệ ngày nay.

Đó là chiếc xe lớn chở nguyên một chiếc lều hình tròn, có khung gỗ, vách bằng da thú cửa lều hướng về phía trước, trên đỉnh có lỗ thông hơi và thoát khói, dọc vách lều bố trí các vật dụng trong nhà, người ta ngồi ăn và nằm ngủ ngay cạnh bếp lò. Ngày trước, những chiếc lều di động này do hàm chục con bò khoẻ mạnh kéo khắp các vùng thảo nguyên rộng lớn của Mông Cổ.

Ở Ulanbator có khá nhiều bản đồ giới thiệu về “Đêm Nguyên Mông” trên đầu những mũi tên ra khắp thành thị. Người Trung Quốc xem bản đồ trong im lặng (hẳn là họ bực bội trong lòng mà không muốn nói ra), người Trung Á, Nam Á và một phần châu Âu nhìn bản đồ với nỗi khiếp sợ, vì cha ông của họ đã bị vùi dập dưới vó ngựa Mông Cổ ngày xa xưa, người Mỹ nhìn bản đồ này với sự ngạc nhiên xen lẫn thán phục, vì lúc đó vẫn chưa có nước Mỹ. Còn tôi, tôi xem và cười. Không ai hiểu vì sao tôi lại cười, nhất là người Mông Cổ, có nói ra họ cũng không tin, cũng không tiện giải thích, tôi cười thầm rằng “Ông tổ nhà tao đã oánh cho lão Chingis nhà mày tét đít". Thôi, quá khứ là quá khứ, không quên là được rồi. Kể ra thì người Mông Cổ không được khôn ngoan lắm, trong một thế giới hội nhập, phô trương chiến tích chinh phục thế giới ngày xưa quả là không hợp thời vì như thế sẽ khó hoà đồng hơn.

Toà nhà chính phủ nằm đối diện với quảng trường ở giữa trung tâm. Ở lối vào là bức tượng Chingis Khan bằng đồng to lớn, oai vệ, toạ ở sảnh trung tâm, hai bên là các tướng lĩnh của ông. Thoạt trông cứ tưởng là bảo tàng lịch sử, đến khi định vào thăm, lính bảo vệ chặn lại mới biết là nơi làm việc của các cơ quan Chính phủ.

Đối diện phía bên kia là một toà nhà kính có kiến trúc hiện đại nhất Ulanbator, nhưng lại trong tình trạng hư hỏng nặng. Không hiểu sao tôi lại liên tưởng sự phát triển hiện tại của Mông Cổ với toà nhà này. Còn cái gì đó dở dang, chưa hoàn thiện, lưng chừng.

Văn nghệ, số 3,16/1/2016

*Tên bài viết do Vannghe online đặt

Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Baovannghe.vn - Sáng 4/10, tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech).
Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Baovannghe,vn - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”
Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Baovannghe.vn - Tính vậy mà không được vậy… Mới đặt tấm vạt tre đã thấy nước xâm xấp rồi. Lại ngồi dậy, lại chuyển… Riết chuyển 4-5 đám chân ruộng cao hơn mà nước vẫn dâng theo
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…