Sáng tác

Mộng là chiêm bao. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên

Nhụy Nguyên
Truyện
15:00 | 23/08/2024
Baovannghe.vn- Nàng có gì đó hút hồn. Ở đây tôi cũng gặp nhiều khuôn mặt giấy có hồn, rất rõ ràng là có hồn. Và nàng còn phả vào chúng những sắc thái riêng, đó là yếu quyết không chỉ bàn tay giỏi mà được.
aa

Thường vào cuối chiều thì tôi mới cuốc bộ đến nhà nàng, là lúc gia đình thợ mã và người làm thuê sắp sửa nghỉ ngơi. Nhiều lúc tôi đến sớm hơn khoảng nửa tiếng hoặc hơn, còn lúc họ gắng làm cho hết những hình nộm dở dang thì có khi chập choạng vẫn chưa thể thu dọn. Nàng thong thả hơn, bởi nàng là con gái duy nhất trong gia đình thợ mã này. Họ có bí quyết nghề chỉ truyền cho con, không cho người ngoài. Thợ học đã làm được hầu hết các sản phẩm ở đây, dẫu không sắc sảo, đặc biệt với những hình nộm, hình nhân; tôi đã nhiều lần ngồi bên nàng và thấy rõ điều này. Có lần tôi nhìn nàng dán bộ áo giấy, rồi vô tình quay sang phải, giật mình thấy các hình nộm cha nàng vừa làm xong dựng đó lúc nào. Những khuôn mặt như động đậy, như sắp nói hoặc chúng đang cố diễn tả mật ngôn với tôi.

Mộng là chiêm bao. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên
Minh hoạ Đỗ Dũng

Nàng có gì đó hút hồn. Ở đây tôi cũng gặp nhiều khuôn mặt giấy có hồn, rất rõ ràng là có hồn. Và nàng còn phả vào chúng những sắc thái riêng, đó là yếu quyết không chỉ bàn tay giỏi mà được. Khoảnh khắc tôi chau mày chợn rợn khi bắt gặp số hình nộm phía sau, nàng đã nhìn lén, theo dõi từng cử chỉ, cũng không ngần ngại khi tôi gặp ánh mắt đó; nàng không nói gì thêm, lại cúi dán giấy.

- Anh biết sao không…

Tôi đợi nàng nói tiếp, nhưng không. Nàng vẫn dán giấy điềm nhiên và xem như đã nói hết câu. Hoặc là tôi phải tự đoán lấy ẩn nghĩa của chừng ấy âm tiết buông ra từ đôi môi ướt mọng; nàng buộc tôi phải động não, bởi tôi là nhà văn. Vâng, tôi đã mang danh ấy, dẫu muốn hay không. Khi tác phẩm đã công khai, được người ta nhớ dẫu nhàn nhạt, liền họ cho tôi mượn tấm áo danh vị nhà văn để khoác. Tôi nhớ có hôm cùng đi ra trạm điện, thấy nàng xo ro tôi đã khoác tấm áo đó lên. Nàng bảo rất ấm, tuy có cái bất an. Đoạn nàng nói, hẳn nơi đây hồi chiến tranh người chết nhiều và chôn không được gọn, giờ hồn vất vưởng. Nói chung tôi nghe nàng ít khi chăm chú, vì nàng thường nói lấp lửng và đảo chiều câu chuyện, lờ qua rất nhanh, cứ thế theo dõi cử chỉ của tôi. Nói chung nàng khá tinh tường; cũng phần nào đó tác động vào tư duy tôi sắc bén hơn chút xíu chăng? Sự sắc sảo của nàng (mà tôi thường làu bàu là “đồ xắc xảo”) không ai biết, tôi tự hào phát hiện điều này. Tôi còn thấy ở nàng ngoài sự khiêm tốn, ẩn giấu sau công việc bình thường còn là gương mặt đẹp. Thế đấy, mặt thì ai cũng thấy và tôi vẫn mê đắm nét cao sang với khuôn cằm sắc nét như một kiểu mẫu, dĩ nhiên đó là tiêu chuẩn của riêng tôi. Từng ước tôi sẽ đưa nàng đi khỏi mớ đồ mã về một hơn khác lạ, bắt đầu từ đó nàng sẽ điểm thêm chút son phấn, tỉa lại lọn tóc cùng phối gam màu quần áo rồi bước ra đời như một mảng trầm mang mùi hương của nỗi hoang dại vào phố thị. Lúc đó hẳn độc giả của tôi sẽ phỏng vấn rất nhiều. Vẫn là mơ ước. Bởi tôi vẫn giấu hết những vết mộng ấy, mà chỉ nhìn nàng như hàng xóm cùng bao người vẫn thấy nàng lấm lem, ngập trong những hàng mã. Tôi từng ém nàng vào một truyện ngắn, rồi đưa nàng đọc. Tay họa sĩ khá tinh, vẽ một cô gái đổ bóng vào những hình nộm xếp phía sau. Nàng rất hiền; tôi thật sự rung cảm điều này. Cười, rồi nàng bảo không giống em. Anh chỉ miêu tả trộm cái bề ngoài em thôi; còn lệch nữa, nhưng… mà vui. Rồi nàng xin tôi thêm tờ báo đăng cái truyện đó. Tôi nghĩ nàng sẽ giữ làm kỷ niệm; mà không. Lại một lần khiến tôi sửng sốt. (Đồ xắc xảo ấy). Vẫn là cuối chiều nhập nhoạng, mặt trời đỏ ối cả vệt mây dài phía trước nhà nàng nhìn lên. Tôi đến ngồi bên xem nàng cùng vài người thợ đang tạo khuôn hình nộm bằng lạt tre. Rất khéo, rất dẻo. Tôi nhìn mãi đôi tay nàng. Thật ra tôi lại nghĩ nàng không cần điểm gì thêm, không cần khoác bất cứ trang sức áo quần hay danh vị mỹ từ gì; với tôi nàng thật đáng ngưỡng vọng, tuy ý nghĩ này tôi thề sẽ giấu xuống mồ. Tôi chưa hề khen nàng đẹp hay đại loại tương tự, chỉ thích, nàng biết vậy. Và. Cũng một động tác thường tình. Nàng nhìn tôi, khẽ môi cười, rồi quài tay dựng dậy một hình nộm vào hàng. Trời. Tôi trợn mắt, nếu không có ai đã thốt lên, hét lên hay đấm yêu mãnh liệt vào nàng. Thế đấy. Nàng đã dán một cách tuyệt mỹ trang báo in cái truyện của tôi có minh họa lên thân của hình nộm. Nữ trinh. Cô hình nộm mới được nàng dựng dậy như vô tình trước mắt tôi ấy.

- Nhân vật của anh.

Nàng không nói thêm chữ “đó” ở câu này. Chấm hết. Tôi đứng dậy bước khỏi cổng nhà thợ mã. Không quên quay lại nhìn nàng. Tôi chắc chắn khẳng định trong lòng rằng, nàng, không ai khác, chỉ có thể là của tôi, của tôi.

Trở về lều. Nó không phải nhà, tôi nhắc lại với mình, lều thôi. Lều văn. Sườn lều bằng tre già, mái lợp tranh tro, đều đã được ngâm trong ao nước mặn kỹ. Người ta bảo cái lều như vậy trăm năm chưa mối mọt. Nguyên liệu do tôi phát hiện trong xóm, có một ông già đã ngâm những thứ này trong hố bom cạnh nhà ông. Ngâm mãi đến gần như quên, từ khi con trai ông trúng số, phá ngôi nhà cũ để xây lầu mới; tôi tình cờ ghé uống trà với ông, nghe câu chuyện, tò mò ra xem, rồi hỏi mua. Ông hứng chí bán, bởi giờ ông có muốn làm thì con cháu vốn đã giàu không quan tâm nữa. Gia tài của tôi chính là những trang viết khá đều hàng ngày. Lều văn tọa dưới gốc cây đa lừng lững, mùa mưa tránh được bão bùng, mùa nắng có tàng cây tỏa mát. Cái xẹo đất của tôi mua lại cũng từ một ông già khác trong xóm. Nguyên là bụi tre gần đường, ông phá bụi tre đó thành lô đất bé xíu, trồng rau khoai muôi con lợn như bỏ ống tiền lẻ. Hồi tôi đến trọ xóm này, ông nói có ai mua thì để lại cho, tau ở bên bếp nhà thờ đủ rồi. Hồi đó đất khai phá thành của ông, không cần giấy tờ, nhưng sau này được quy hoạch thì không dễ dàng tự có như vậy.

Ở cuối đường thôn có vị quan. Ông cầm trịch dự án mở rộng con đường qua ngõ lều tôi. Được đền bù thỏa đáng, dân cũng mừng. Mãi lúc giải phóng mặt bằng tôi mới hay, vị quan mở đường, thêm mục đích là cây đa. Ông xem bói, thầy phán nên lấy cây đa kia, sẽ tiếp tục phát. Tin này tôi nghe trong xóm, chứ không biết thực hư bao phần, dẫu vẫn đáng giá lắm. Cây đa được bứng về trồng bên trong cổng nhà vị quan. Đúng vào mùa nắng, lều văn của tôi thiếu chừng bốc hỏa. Cả ngày tôi chỉ dích dắc viết được khoảng vài trang vào tảng sáng. Nhớ bóng cây đa, nhiều khuya tôi cứ ngơ ngẩn cuốc bộ tới cuối đường. Còn cây đa hẳn chưa hết choáng váng bàng hoàng. Cơn sốc nặng khiến nó trụi lá, trơ cành gân guốc tợ bàn tay già nua người khổng lồ tiền sử. Nó từng được chuyên gia về cây cử đến lo việc trồng và chăm bón; những cành còn lại, lá rụng trụi, rồi sau cũng đâm chồi non.

Tôi vẫn ngại ngồi lê ở nhà nàng, song rất muốn ngồi đó thật lâu. Còn ao ước là tôi có thể ngồi đó uống trà và thỉnh thoảng làm cút rượu nhìn mặt trời về chiều với ráng mây rực rỡ lụi dần. Tôi đã quen đến đây, ai cũng biết tôi mến nàng. Thanh niên vùng này nhiều, dân giàu cũng có, nhất là con vị quan đại gia; mà điều này để sau. Ban đầu tôi đến đây, nàng gọi tôi bằng chú, trong lúc tôi vốn thích phụ nữ gọi khác đi cho trẻ trung hơn. Xét ra thì tôi lửng lơ giữa chú và anh so với nàng, ít nhất là vẻ lăn lộn với đời. Dịp đó sắp đến ngày lễ tâm linh đặc biệt của vùng, đồ mã làm không kịp, tôi đến như một ký giả viết báo về sản phẩm tâm linh. Gặp nàng, tôi lặng lẽ tìm hiểu nàng kỹ hơn là so với những hình nộm và nhiều thứ hàng mã khác. Có một điều sau này tôi mới biết từ ông già trong xóm qua cuộc trà, là nàng kén lắm. Nàng khá lệch khi ghép với dạng thanh niên nào đó. Ở đây không hề liên quan đến trí thức hay danh vị này nọ, chỉ là nàng như có sẵn những kỹ năng làm người chín chắn, dẫu rất khó phát hiện. Trên tôi có nói nàng như bông hoa đẹp rỡ ràng trong núi, tuy không phải người ta không thấy để hái đi. Vậy sao nàng còn đó, chưa hề qua lứa cũng không còn non nữa. Thanh niên có đến không? Có. Nhưng không nhiều, hoặc là không lâu. Khi họ hiểu nhiều hơn về nàng, hay đúng hơn là nàng hiểu thêm chút ít về họ. Điều các bậc có tuổi nói ít nhưng lộ điều quan trọng với tôi, là giữa nàng và họ có một khoảng cách về không gian tâm linh này nọ.

Nếu tính ra nghề thợ mã gia truyền như nhà nàng giàu không thua kém vị quan đã bứng cây đa về kia. Cái nghề được ví von hốt bạc này đúng nghĩa với trước đây, nay chỉ còn ăn vét ngày xưa. Tiền đã vào thì còn đó. Xóm làng họ nói, với cha mẹ nàng, vàng chỉ có đem đấu mà lường. Điều này không sai đâu. Nhưng vấn đề nằm ở khía cạnh khác, tức một mặt nào đó hướng về tâm linh. Đứa em trai của nàng nhác làm nghề này, mà nó cũng chẳng ưa nghề gì ngoài việc chơi bời. Rồi có ngày nó trốn biệt, cha mẹ nàng hoảng hốt nghĩ đến việc chắc nó nợ nần cờ bạc cá độ lớn lắm không trả nổi nên chạy làng. Tính đến việc phải dùng số tiền dự trữ thì, chao ôi. Bạn sẽ không tin điều này đâu. Cha mẹ nàng từ xưa đã làm một cái hố đặc biệt dưới nền giường trong buồng tối, chỉ chừa khe nhỏ rồi ngụy trang với đủ thứ đáng vứt đi; cái khe đó là mỗi lần làm một chỉ vàng, mẹ nàng thả xuống, nhiều đến mức không thể nhớ nổi nữa. Mà giờ, bằng cách nào đó dưới nền giường vẫn như nguyên vẹn mà hố giở ra thì sạch trơn. Sạch sẽ một cách kinh ngạc.

Tất cả câu chuyện tôi biết này hẳn nàng chưa hề biết tôi biết. Nàng rất khác, như một người thợ ăn lương bình thường trong ngôi nhà này. Không quá sang trọng khi nàng vẫn diện chút và ngồi trên chiếc xe máy hạng sang ít ai trong xóm này có. Nàng không tỏ ra giàu sang gì, đó là tôi quan sát khuôn mặt nàng đến nhập tâm và nhận ra. Với nàng gia sản của cha mẹ từng giàu sang hay giờ đã trở thành bình thường gần như không liên quan đến số phận mình. Nàng cũng không bị lời nhắc nhở lấy chồng của ai đó tác động. Họ nói con gái như nàng từ nhỏ gắn với nghề làm hình nộm rất dễ người âm gần. Thanh niên thích nàng, thích phát điên đi được mà không muốn là vợ, kiểu như mơ ước nàng chỉ đơn giản như bồ như người tình, hãnh diện ở đâu đó. Một mơ ước dĩ nhiên chỉ là ảo tưởng. Nàng không thuộc típ đó. Người ta lại nói gia đình nàng phá sản là có lý. Những phiêu linh đã gá vào đứa con trai, xúi nó dốc sạch hố của gia đình vào cuộc phiêu lưu dật dờ như chúng.

Tôi thì không ngại, dẫu tôi tin và biết nhiều về thế giới mình chưa được bước vào. Chỉ là tôi không ngại ngần khấn vái khi đến một khoảng đêm mù mịt đâu đó, tin lúc đó họ ở bên mình. Trừ những lúc say. Trong lều văn, tôi ngủ vùi với bóng tối và bất chấp ai âm ai dương. Nàng đã ghé lều tôi chưa. Có đấy. Song điều này tôi chưa muốn miêu tả. Mùa mưa đến. Tôi co ro trong lều dột. Cơn bão nhẫn tâm giựt phăng một phần mái giữa lúc tôi chưa chuẩn bị tinh thần chào đón gió bấc mưa dầm. Nhìn cái lều xiêu vẹo, tôi đã gom nhuận bút bán lúa non, quyết định xóa lều xây một ngôi nhà nhỏ. Tập bản thảo của tôi chưa dày thêm. Càng chán tôi lại ước đến ngồi bên nàng uống rượu. Nàng làm việc rất đều, phần để đủ lượng hàng cung cấp cho người đặt. Giờ trong nhà nàng không còn thuê thợ nữa. Nhà chỉ đặt khung tre của các loại hàng lúc gấp, còn nàng là thợ chính để dán giấy và tạo khuôn hình; đây là điều khẳng định tay thợ chính. Riêng về việc dán, tô điểm tạo khuôn mặt hình nộm, như đã nói, nó đôi lúc khiến tôi liên tưởng ấy như những con - người - âm thật.

Những mẩu chuyện trên xuất hiện như trong mơ và khi tôi tỉnh dậy sau một đêm giông gió. Tôi thấy mình từ đất khách xa xôi, về quê, tha thẩn trước ngôi biệt thự có cây đa dềnh dàng. Tôi lại thấy mình ngồi nhớ, rằng trước đây cây đa nằm trong khuôn viên nhà vị quan, đến đời con ông (cũng là quan) thì nó bị đẩy ra đứng ngoài tường bao. Cây đa hẳn khó sống lâu nữa. Nó sầu. Gốc thối lộng ruột. Những lúc bước qua, tôi có thói quen kì quặc là nhìn vào chỗ lộng đó của gốc đa, lúc thấy dĩa bánh, gói kẹo, lúc thấy miếng thịt luộc trắng hếu; tất thảy đều biến mất vào hôm sau bởi lũ chuột hay ai đó. Có lần tôi còn thấy một bức tượng trang nghiêm, rồi cũng biết mất; tôi không đặt thêm nghi vấn cho mình, đơn giản là cũng có những người nghèo kiết đến mức chưa mua nổi một bức tượng thờ đặt vào am trong vườn, hoặc dễ hiểu hơn nữa là nó biến mất, chấm hết. Như nàng hay chấm hết như vậy ngoại trừ mối quan hệ với tôi.

Từ ngày tôi ghé vào gian hàng mã, chưa hề nàng hỏi về chuyện cúng bái, chưa hề giới thiệu một sản phẩm từ tay nàng làm ra. Tôi cũng không hỏi nhiều về nàng, tôi thích lặng lẽ quan sát hơn. Đôi lúc tôi vẫn nhìn vào bên trong nhà, nghe rằng mẹ nàng mang bệnh, dăm năm nay chỉ nằm ở giường có cánh cửa sổ thông vườn sau. Cha nàng cũng ít nói, ông ốm hóp xương xẩu, thường chỉ cúi làm việc và ít để ý khách, đến mức tôi vẫn nghĩ ông chỉ là thợ làm thuê. Có lẽ ông cũng không dành được thời gian uống trà với ai. Con người ấy giờ chỉ có công việc là tạo hình các sản vật bằng tre, phần còn lại nàng làm. Ông đã truyền những công đoạn quan trọng bí yếu cho con cái, riêng nàng đã vượt xa ông về nghệ thuật, về sự thật ở phía khác. Người ta vẫn nói gần nói xa nàng về chuyện chồng con; rồi nữa là chỉ đàn ông là nên làm nghề này, phụ nữ nhận công đoạn phụ, hoặc chỉ nên gắn bó với nghề một thời gian nào đó thôi. Nàng hầu như không phản ứng gì. Nàng dường như là một người khá tự do với ý nghĩ của mình. Nàng không xem thường việc cúng bái, đốt vàng mã và hình nộm, tuy không đề cao nó. Nàng không cố để bán cho được sản phẩm kiếm nhiều lời. Tôi vẫn nghĩ đến em trai nàng đã mang lại một cú sốc lớn về sự vô thường cho gia đình, tuy vẫn nghĩ nàng ở ngoài những chuyện này. Một gia đình bình thường tính tuổi nàng cho đến giờ tức là lùi rất xa vào quá vãng, mà vẫn chỉ sinh có một trai một gái, kiểu như mẫu gia đình trí thức thời nay. Tôi vốn dân viết lách lăng nhăng nên trong đầu cứ hiện lên đủ thứ chuyện đôi khi chẳng liên quan đến điều mình muốn tích lũy. Tôi vẫn đến nhà nàng khá đều, bởi ở đây đang là không gian viết. Thi thoảng vẫn xuất hiện những nhân vật mới. Chẳng hạn đó là con của vị quan lớn, có lần đã dựng ô tô trước nhà nàng vào mua một lô hàng mã. Điều này xem ra khá vui, bởi việc mua đồ cúng này phần nhiều là do vợ của vị quan. Bà ta cùng chồng mê tín và thờ tâm linh rất cẩn trọng, hơn nhiều vẻ bề ngoài của chồng và con.

Một chạng vạng, tình cờ tôi chứng kiến con vị quan lớn kia đặt mâm cúng thịnh soạn kê sát gốc đa. Tôi lướt qua như không để ý nhiều, song khi họ cúng xong, đưa hết đồ đoàn vào, cửa ngõ cũng đóng rồi, tôi mới tản bộ đến xem. Đồ mã chưa đốt, trong đó đáng chú ý là những hình nộm, ở ngực chúng đều ghi tên. Tôi lại đến uống trà với những ông già trong xóm như thường, rồi bộ hỏi vẩn vơ vòng vèo liên quan, cho đến lúc các ông tự nói lên điều mà tôi muốn biết, rằng con của vị quan thường mơ thấy nhóm người chui ra từ hốc cây đa xưng tên tuổi…

Tôi thấy lạ song cũng không quá bận tâm, cho tới dịp một nhà xuất bản đề nghị tổ chức bản thảo tuyển tập cho bác họ tôi. Bác ở đây hồi còn chiến tranh loạn lạc; là một tác giả có truyện và thơ in từ ngày nhà in còn xếp chữ thủ công. Đọc toàn bộ di cảo, tôi toát mồ hôi lạnh: Những cái tên được viết trên hình nộm bữa cúng dưới cây đa chính là nhân vật của bác họ tôi. Có cả tên tôi, hẳn nhiên đây chắc là ai đó trùng tên thôi. Tôi tính sẽ kiểm chứng hết những cái tên đó thực tế là ai trong xóm trong làng này hoặc vùng lân cận quanh cuộc sống của bác họ. Qua một số nhân vật mà tôi đã biết được, có thể suy thảy toàn là người thực ngoài đời, khi đưa vào truyện, bác họ đã bóp méo thân phận… Bủn rủn tay chân. Tôi cố gắng lần theo dấu những nhân vật. Nếu như họ không bị đẩy vào bi kịch, nếu họ được sắp đặt một lối khác thì không thể có những tác phẩm để đời như này. Sự biến đổi của bác họ qua sự giúp sức của vị quan lớn đã khiến kịch bản những số phận trở nên phức tạp và dẫu ác hay thiện đều hấp dẫn lạ kỳ.

Ngay hôm sau trời đẹp, tôi nảy ý mua một cây đa trồng sau hồi nhà. Tôi xem như một trò chơi, bởi không ai tuổi như tôi lại đi trồng cây đa để chờ mong nó tỏa bóng cổ thụ cả. Vậy mà, bạn biết không, nàng biết không, có đêm tôi đã mơ thấy nó lớn dềnh dàng, rồi già cỗi, rỗng ruột. Tôi còn nghe thấy tiếng kêu của những linh hồn bị o ép cho vừa trang văn đầy mộng tưởng của bác họ, để rồi mắc kẹt trong mê cung của lớp lớp ngôn từ được đánh bóng. Tôi vùng dậy dắt nàng ra đứng ngẩn trước cây đa lừng lẫy như một nỗi bi hùng. Chợt thấy mình bị đẩy ra giữa sân khấu chẳng khác tên hề nghiệp dư khiến khán giả thẹn thùng hơn là cười mỉa; thấy mình, như một tội đồ từ lâu ẩn trong bóng tối và bất ngờ ánh sáng bật lên khi tôi chưa kịp che lấp những khiếm khuyết. Thấy, nàng vẫn cố vùng chạy khỏi tay tôi…

Cây đa mới trồng lớn dần. Những trang viết của tôi đã có bề. Tôi viết về những con người quanh xóm; không trừ vị quan con nay đang mất dần vị thế, nghe đâu bị khui một dự án khủng trong quá khứ có liên đới đời cha. Nhưng tôi lại nặn méo hình hài của gã. Tôi cho gã một vai mang án oan, rồi uất ức mà chết (trong lúc gã sống sờ đó). Gã bơ vơ quanh quẩn bên gốc đa tôi trồng. Gã cứ đứng đó suốt ngày đêm. Bằng uy lực của người cha vốn là quan lớn, gã đuổi ráo riết những ai dám bén mảng đến hòng chiếm vị thế độc tôn dưới gốc đa. Viết đến đây tự nhiên tôi cụt hứng, khi nhớ nàng. Ờ, đáng lẽ ngược lại, giờ lại trở nên bế tắc. Tôi cố xóa nàng khỏi trang viết để tiếp tục sáng tác, nhưng nó khiến rối nghĩa và nhạt. Tôi bỏ bút, khoác áo bước xuống nhà nàng.

Vắng. Quán tạp hóa bên cạnh chiều nay cũng đóng. Tiếp đó là quán sửa xe, thằng chồng đi đâu chứ cô vợ đang phun nước mù trời với việc rửa xe chỉ nên dành cho đàn ông. Bên kia đường là quán bánh canh và mì ổ, bán vào buổi sáng, non trưa thì sạch. Dưới nữa mới đến quán nhậu đồ nướng rồi cạnh là cái chợ xép. Nói chung nhà nàng khá xa sự náo nhiệt. Chỉ có nắng là đầy. Tôi thích không gian này vào cả sáng sớm, lúc chiều tàn. Bây giờ thì nhà vắng hết. Mà đồ mã vẫn để nguyên, như họ vừa tạm nghỉ tay xuống chợ ăn một dĩa bánh bèo nậm lọc gì đó. Một số hình nộm và các loại tiện nghi kể cả siêu xe được bọc ni lông treo trên mái dự phòng người cần gấp. Những hình nộm đang nhìn xuống tôi. Họ đang nói bằng ánh mắt. Tôi đọc thêm trên nét mặt giấy. Vừa lội giữa các đồ hàng mã tôi vừa suy ngẫm, phán đoán ẩn ngữ. Tôi ngắm những hình nộm kỹ hơn, kiểu như tôi muốn nói rằng tôi không nhút nhát, không ngần ngại đối mặt với người âm. Mẹ nàng vẫn nằm trong giường sâu nhất của nhà, cánh cửa sổ chỉ hé. Tôi không thấy bà bởi bà nhòa đi trong một màu đen xám với gian phòng nhỏ đó. Tôi chỉ thấy đôi mắt bà lúc nhìn vào khá lâu, và khi mắt tôi bớt nhòe, khuôn mặt bà mới dần lộ ra, mới biết bà đã nhìn tôi từ nãy. Tôi bước vào, lần đầu tiên tôi vào trong gian nhà này, lần đầu tiên tôi ngồi bên bà. Bà nói, rất nhỏ với lượng hơi ít ỏi còn lại sự sống tích cóp từng ngày: “Nó đưa cha đi cấp cứu rồi”. Tôi ù tai, quay nhìn ra. Rõ rồi, cái khoảng sân với những hàng mã bị dẫm đạp, ngổn ngang lẫn lộn, vài con hình nộm nghiêng ngả giờ tôi mới nhận ra… Hàng xóm mách tôi biết thằng con ông vị quan đã nhanh chóng về lấy ô tô chở ông thợ mã cấp cứu gấp. Tôi không muốn biết thêm, ù xe lên với nàng.

Bản thảo tác phẩm của tôi được chào đón, in sách bán chạy và ảnh hưởng ngoài biên độ xóm làng. Cây đa lớn nhanh bởi được thúc đẩy bởi phân hóa học. Để cho ra dáng nhà này nọ, ban đầu tôi tính xây một ngôi bằng đá cổ dưới gốc đa. Sau đó đồng nghiệp góp ý như vậy chưa thật nho nhã, nên dựng cái lều, tôi nghĩ có lý. Những bản thảo mới ra đời sau suốt những đêm. Gã quan con làm xiếc trong tác phẩm của tôi. Gã nhảy cả vào trong giấc mơ tôi, nhưng không phải để báo mộng đẹp hay mách lới cho hướng mở đang bế tắc của cái kết. Mà, đêm ấy, gã xộc vào chiêm bao tôi ú ớ, gào lên không thành nghĩa. Tôi tái mặt nhìn gã, nhìn gã đang vừa nhìn tôi vừa chỉ về phía sau. Giật mình! Những nhân vật của bác họ tôi đang ùa đến, với tôi hay với gã. Thật sự thì tôi có nhờ các nhân vật ấy làm mọi cách không ngần ngại ngăn cản gã đến gần nàng.

Tôi bung dậy trong màn tối. Cây đa đã to lớn ngần ấy. Nó bị quật ngã bởi một tiếng thở dài.

Khoảng trời lộ ra từ mái lều. Nắng sớm trong veo rọi xuống góc giường làm hồng lên một khoảng thân mềm trắng mướt. Nàng chống tay lên thái dương nhìn tôi đang đối ẩm với nỗi cô đơn lộng lẫy, mãi mới nói: “Em vừa mơ thấy mình thoát được khỏi vai nhân vật, để được yêu anh như là…”.

Nhụy Nguyên | Báo Văn nghệ

Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Cây gạo ở chợ chiều. Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Ở một giấc mơ khác - Truyện ngắn dự thi của Hồ Loan Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Phế thải. Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn