Sáng tác

Cây gạo ở chợ chiều. Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào

Cầm Thị Đào
Truyện
09:00 | 18/08/2024
Baovannghe.vn - Từ xa đã thấy màu đỏ ối một góc trời, toàn bộ vòm hoa tạo thành một chiếc vương miện khổng lồ, sặc sỡ. Ai ngược xuôi qua đều bất giác ngước lên,
aa
Cây gạo ở chợ chiều. Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào
Minh hoạ Đỗ Dũng
Tôi về giỗ chị Trinh, chạm vào thành phố bằng màu hoa gạo đỏ thắm.

Từ rất xa đã thấy màu đỏ ối một góc trời, toàn bộ vòm hoa tạo thành một chiếc vương miện khổng lồ, sặc sỡ. Ai ngược xuôi qua vùng này đều bất giác ngước lên, ngắm mãi những tán hoa cho đến khi không thể ngoái nhìn lại nữa. Những người con của đất này mỗi khi đi xa về, gặp tháng ba, trông thấy cây gạo là thấy nhà, thân thương vô hạn, trong lòng khẽ reo vui: đến nhà rồi. Những người ra đi cũng nhớ nhung loài hoa thôn dã ấy hơn bất kỳ thứ hoa cỏ nào khác.

Tôi đã yêu hoa gạo bằng tình yêu đơn thuần của một đứa trẻ, cho đến năm chị Trinh bỏ tôi đi. Tôi vẫn sẵn một lòng yêu hoa nhưng đã thêm phần ai oán.

Cây gạo mọc trên đất vườn nhà tôi. Không biết nó có từ bao giờ, hình như từ thời ông bà cụ kị. Bố tôi bảo ngày bé bố đã chơi ô ăn quan, chơi đu với chúng bạn dưới gốc cây gạo. Bà nội thì bảo, bà về làm dâu đã thấy tháng ba hoa gạo rụng la liệt quanh nhà. Mùa đông, cây trơ cành, giống như người hoạ sĩ ngoạc vài nét cọ lên nền trời xám bạc. Những nét vẽ gân guốc, bạo tay, khi đậm, khi nhạt. Những ngày cuối xuân đầu hạ, tôi chứng kiến lộc non nảy lên từ thân cành khoẻ mạnh, vạm vỡ, chỉ một vài tuần sau, tán lá đã bao quanh nhà tôi, trùm sang cả mé đường bên kia quốc lộ. Đó là cây gạo to cao nhất vùng, lừng lững như cây cột chống trời, giữ liên lạc giữa trời và đất.

Với tôi, cây gạo là người canh cửa. Kiên cường. Bình thản. Có hai thế giới gần như tách bạch. Từ cây gạo trở ra quốc lộ, bụi bặm, ồn ào, cộ xe tấp nập, con người mải miết với những hành trình mỏi mệt, có khi đớn đau, có khi ớn lạnh, lại có khi huy hoàng. Từ cây gạo trở vào làng là thế giới của tĩnh lặng, tự tại, bàng bạc u buồn. Chẳng biết có phải vì lẽ ấy mà làng có tên Yên Bình hay không, chỉ thấy mỗi khi đi từ làng ra phố tôi cảm nhận rõ rệt sự đổi khác của hai thế giới đó.

*

Hồi bé, tôi và chị Trinh vẫn thường chơi đủ trò dưới gốc cây gạo.

Chị Trinh là chị họ của tôi. Nhà tôi và nhà chị ngay sát cạnh nhau, cùng chung một khu vườn rộng mênh mông. Trong vườn ấy trĩu trịt cây ăn trái. Bà trồng trọt quanh nhà, mùa nào rau ấy, quả ấy. Cây gạo ở cuối vườn, xa hẳn về phía quốc lộ.

Theo cách nói của bọn trẻ trong làng, chị Trinh là đứa con hoang, vì không có bố. Nhưng ai mà chẳng có bố. Chỉ khác rằng bố chị là một bí mật đối với những người xung quanh, với cả chị nữa. Mẹ chị khi lỡ có bầu, đã định bỏ đi đứa con mới hoài thai. Bà nội tôi, cũng là ngoại bà chị, khóc lên khóc xuống cùng con gái, thương con xót cháu, nó có tội tình gì. Bà bảo đời có nhân có quả, bỏ đứa con đầu lòng sau này không có con nữa thì sao?

Chị Trinh chào đời trong nỗi lo âu khoắc khoải cùng niềm tủi hổ khôn nguôi. Khi chị lên năm, mẹ chị đi lấy chồng, một người đàn ông goá vợ, nhiều tiền. Từ đó, chị sống cùng bà ngoại.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn sang nhà bà học cùng chị rồi ngủ lại luôn. Một phần vì chị Trinh học giỏi, tôi có thể nhờ chị những bài khó nhưng quan trọng là được ngủ chung với bà và chị, nghe bà kể đủ chuyện trên đời, từ chuyện cổ tích đến chuyện ông bà mình chống Pháp, chống Mỹ. Những chuyện cõi âm, ma quái khiến chị em tôi sợ không chợp nổi mắt, nhưng nghe nhiều thành nghiện. Biết bao câu chuyện rời rạc của bà cứ như thế lọt vào trí nhớ, khiến chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Rồi lại nghĩ, thời buổi này, làm gì có ma. Nhưng lũ trẻ con hay kháo nhau rằng, cây gạo có ma thật. Những đêm khuya khoắt, vẫn có bóng người áo trắng trên ngọn cây. Hay nửa đêm đi ngang qua cây gạo thường nghe thấy tiếng hát véo von nào đó. Đến khi sáng bảnh mắt ngó lên, chỉ thấy gió kéo lá xào xạc, chả thấy ma đâu.

Tôi trộm nghĩ, có khi nào cây gạo bị oan không, nó đẹp thế kia mà.

Một hôm, chị Trinh kéo tôi ra sau gốc gạo, khẽ vạch áo lên, tôi nhìn thấy một vết bớt đỏ trên khuôn ngực dậy thì của chị. Chị thầm thì: “Không hiểu sao càng ngày nó càng loang rộng ra, trước kia chỉ bằng hạt đỗ, giờ đã bằng đốt ngón tay”. “Em thấy đẹp mà”. “Chị sợ lắm”. “Sao sợ ?” “Nếu nó cứ tiếp tục lan mãi, lên cổ, lên mặt chị thì sao? Eo ôi”. “Ừ nhỉ ? Bà có biết không ?”. “Không”.

Hôm sau, bà gặp tôi, phàn nàn:

- Mấy đứa chơi trò gì mà con Trinh về nói mớ suốt đêm.

- Vẫn mấy trò cũ ấy bà: chơi chuyền, nhảy nụ xoè hoa…

- Đừng chơi trốn tìm chỗ chỗ gốc gạo nữa, buổi tối chỉ ở trong nhà, nhớ chưa?

- Sao vậy bà?

- Ma nó giấu.

- Thật không ạ? - Tôi vừa hỏi vừa sợ.

Bà cười:

- Cha bố cô, cứ liệu hồn. Nơi đây xưa kia rừng thiêng nước độc. Dãy núi Tam Điệp ngăn cách hai miền Thanh Hoá nội và Thanh Hoá ngoại, muốn qua vùng Đồng Giao phải đi thành từng đoàn, vì trộm cướp, thú dữ nhiều vô kể. Rất nhiều người chết, hồn vất vưởng, trở thành ma trành.

- Ma trành là gì vậy bà?

- Những người bị hổ ăn thịt, hồn phải nương vào mình hổ và bảo vệ cho hổ, gọi là ma trành. Vì ma trành chỉ biết bám vào đuôi hổ nên nếu hổ chết hoặc bị mất đuôi, ma trành không còn chỗ nương náu, sẽ trú ngụ trên cây gạo.

Tôi bắt đầu tin rằng, trên cây gạo có rất nhiều ma.

Năm chị Trinh học lớp 9, da thịt bắt đầu mỡ màng. Tóc đen mượt như bóng đêm. Chị miệt mài ôn thi vào lớp 10, có những hôm thức khuya đến tận một giờ sáng. Thỉnh thoảng tôi tỉnh giấc vẫn thấy bóng chị như tượng tạc trên tường, cả bóng và người đều đen thẫm. Chị ngồi im lặng rất lâu, tôi tưởng chị ngủ ngồi liền gọi giật: “Chị Trinh, đi ngủ đi”. Lúc ấy chị mới giật mình, tắt đèn đi ngủ. Lại có hôm, tôi đang mơ màng chợt nghe tiếng hát: “Đi đâu đào liễu một mình, i i i, hai vai gánh nặng nhập trình đường xa…”. “Chị Trinh, chị hát à ?”. “Không”. Chị quay người lại, tôi suýt hét toáng lên vì ánh nhìn trừng trừng của chị.

Sáng ra, tôi thậm thụt với bà:

- Dạo này chị Trinh lạ lắm bà ạ!

Bà đang ngồi vò mấy lá trà xanh, liền dừng tay.

- Sao?

- Nhiều lúc cháu sang cứ thấy chị ấy ngồi trong góc nhà, cháu gọi mãi mới thưa, mà người như mất hồn. Lại còn hay hát, cái gì mà “đào liễu có một mình….”. Trước giờ có thấy chị hát đâu.

Cách vài hôm, bà lật đật sang tìm bố tôi.

- Có khi cái Trinh nó bị ma rủ!

- Mẹ nói cụ thể xem nào?

- Sáng hôm qua, mẹ dậy thấy cửa không cài, mẹ đã ngờ ngợ, chả nhẽ hai bà cháu đi ngủ không chốt cửa, hỏi thì cái Trinh chắc chắn là chốt rồi. Sáng nay mẹ tỉnh dậy, thấy chân cái Trinh đầy bùn đất, tay còn bị lá dứa cào xước xát ngang dọc. Trông rõ thương. Nhìn cửa để mở, mẹ đoán có khi đêm nó mộng du. Ra vườn quả nhiên thấy vết chân còn trên luống rau. Nó bảo không nhớ gì.

Bố tôi trầm ngâm một hồi rồi bảo:

- Nhất vàng tâm, nhì gỗ gạo. Hay là chặt cây gạo?

Bà gạt đi.

- Kiêng. Phải tội. “Thần cây đa, ma cây gạo”.

Huống chi cây gạo gắn bó với nhà mình bao thế hệ. Củ gạo đã nuôi sống người nghèo trong lúc cái đói hoành hành, đệm bông gạo giúp ông bà mình qua được những ngày đông giá rét. Cây gạo còn là chứng tích chiến tranh và biểu tượng tinh thần bất khuất của người dân các làng Yên Bình, Quyết Thắng. Thời kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong sự kiểm soát gắt gao của địch. Có rất nhiều du kích địa phương đã bị địch bắt, tra tấn dã man, mổ bụng, róc xương, treo ngược thân lên cây gạo. Máu của họ đẫm quanh gốc. Đến khi chống Mỹ, vì cây gạo to cao, hoa lại rực rỡ nên nó trở thành toạ độ đánh bom. Đường tàu, quốc lộ và cả ngôi làng bị cày xới. Năm tháng qua đi, những vết thương trên thân cây lành lại, cây chuyển mình, cành lá sinh sôi mạnh mẽ. Nó đẹp một cách đau đớn và kiêu hãnh như thế, phải giữ lại.

Hoá ra, cây gạo và làng tôi không yên bình như cái tên của nó.

Nghe bà kể, tôi càng mê cây gạo. Hoa của nó đỏ hơn hoa những cây gạo khác, ở những vùng khác. Lạ lùng là mỗi năm màu hoa lại có sự biến đổi, khi đỏ thâm như máu ở vết thương lâu ngày, khi đỏ tươi như dòng máu tứa ra từ động mạnh nóng hổi, có năm nó đỏ tấy tựa da thịt đang mưng mủ, lại có năm hồng hào như son môi thiếu nữ. Nhiều lần, tôi thốt lên: “Hoa gạo đẹp quá!”. Bà tôi thở dài: “Không tốt, đỏ quá”. “Đỏ thì sao ạ ?”. Tôi thắc mắc. “Sẽ lại có nhiều người chết trẻ, gái ạ”.

Tôi rùng mình nghĩ đến bát hương được đặt sâu trong lòng cây gạo. Chẳng biết nó có từ bao giờ, loại bát hương rẻ tiền, viền quanh bằng men xanh lơ cũ kỹ. Hằng tháng, bà tôi vẫn lên hương ở đó. Người ta sợ cô hồn quấy quả, bà lại bảo, cô hồn đáng thương, với cả chết rồi còn phân biệt cô hồn, oan hồn hay linh hồn làm gì. Đều hồn cả. Cần được đoái thương. Nhưng chuyện những người trẻ chết oan vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi.

Rất lâu sau, có đoàn người đi ngang qua cây gạo, tiến về phía núi Vàng. Họ đem theo rất nhiều dụng cụ đo đạc, dò tìm, có người địu cả ba lô bản đồ. Những chiếc máy xúc, máy ủi lịch xịch kéo qua ngõ nhà tôi. Cả làng tôi đứng nhìn theo, vừa tò mò vừa hoan hỉ:

- Họ đi đâu thế nhỉ?

- Thấy bảo đi tìm kho báu!

Mấy tháng sau, đoàn người trở ra, ngồi nghỉ chân ở quán nước. Trông ai cũng mệt mỏi, phờ phạc. Tôi dỏng tai nghe họ nói chuyện:

- Mất bao nhiêu công sức dò tìm, chả được cái nước mẹ gì!

- Ai đời lại đi tin vào truyền thuyết.

- Vàng đâu chả thấy, chỉ thấy toàn xương cốt, phát kinh lên được!

Khi họ đi rồi, tôi sốt sắng hỏi bà:

- Những người kia làm gì vậy bà?

- À, người của nhà nước, đi đào vàng. Nghe nói từ thời vua Lê chúa Trịnh, chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên. Vua Lê trước khi trốn sang Trung Quốc cầu viện có sai người chôn rất nhiều của cải châu báu ở vùng Yên Mô, dưới một ngọn núi. Vậy nên họ mới đào cả núi Vàng lên.

- Thảo nào mà cái núi ấy có tên là núi Vàng. Thế sao núi Vàng lại không có vàng nhỉ? - Tôi vừa nói vừa tiếc rẻ ngẩn ngơ.

- Để giữ của, người ta chôn sống những cô gái đồng trinh. Thế thì làm sao mà tìm được.

- Khiếp, thật thế ạ?

- Ừ, vậy nên những oan hồn của các cô gái đó vẫn còn lang thang ở chốn này, không siêu thoát được. Oan hồn bắt lấy linh hồn. Để cho muôn kiếp dây oan nối dài.

- Trên cây gạo hẳn là có oan hồn của những cô gái ấy bà nhỉ- Có nhẽ vậy. Trong số những người đã từng bị chôn sống ấy, có cô gái người trong gánh hát rong. Cô hát rất hay nhưng vì trên mặt có một vết bớt đỏ nên mỗi khi hầu khách đều dùng mạng che kín, không ai biết khuôn mặt thật của cô cả.

Nghe bà nói, tôi run lẩy bẩy, đem chuyện cái bớt của chị Trinh kể cho bà. Bà nín lặng. Ngày hôm sau, bà chuẩn bị lễ lạt lên đền Dâu, dắt theo chị Trinh.

Từ đấy về sau, tôi không còn thấy chị Trinh bị mộng du nữa.

*

Chợ Chiều. Tôi xuống xe.

Chỗ xuống xe là một ngã ba, nơi giao nhau giữa hai quốc lộ, lại có một cái chợ mọc lên nên có tên ngã ba chợ Chiều, người vùng này đặt tên của những chợ chính theo thời gian họp chợ. Nơi đây là nút thắt cổ chai, vào Nam ra Bắc trên quốc lộ 1A đều phải qua chợ Chiều, đường hẹp, xe lưu thông nhiều nên hầu như ngày nào cũng có va chạm, rất nhiều tai nạn thương tâm. Người vào kẻ ra, người đi ngược kẻ về xuôi đều gặp nhau, lên xuống ở đấy. Bà tôi bảo, đó là chốn âm dương hỗn loạn. Khi lối tắt chưa bị rào lại, bà tôi dựng một lều quán dưới gốc cây gạo. Mọi người vẫn thường đứng đợi xe dưới bóng cây, nhất là mùa hè, bóng toả rộng rãi, nhân tiện họ vào hàng nước bà ngồi. Quán chỉ cách đường tàu ba mét, quốc lộ thêm mấy bước chân. Không có rào chắn phía cây gạo, chỉ có một rào thấp nằm giữa quốc lộ và đường tàu nhưng để hở một khoảng để lấy lối đi lại. Quán nước của bà trở thành một nơi hội tụ của những câu chuyện, chuyện người chuyện ma, chuyện vui chuyện buồn, vừa thực vừa ảo.

Năm nay, mùa xuân đến sớm. Mới tháng trước trời vẫn còn nồm ẩm, lất phất mưa bụi. Bây giờ, cỏ dại đã mọc mỡ màng ven các lối đi, màu xanh lấp dần những vùng đất cằn cỗi, bạc màu. Dọc theo đường tàu, hoa ngũ sắc, hoa xuyến chi nảy lên từ những bãi đá răm trăng trắng, vàng vàng. Cây gạo đứng lặng bên đường, hình như cây đang hút vào thân mình những tinh nhuỵ của đất trời.

Tháng ba.

Cây gạo ra hoa. Lộng lẫy. Kiều diễm. Đỏ buốt bát.

Mỗi bông hoa gạo như những phễu máu tươi. Mặt đất lan tràn sắc đỏ trinh nguyên. Hoa không thối rữa trên cành, nó rụng xuống khi còn nhan sắc. Trông thì thích mà nghĩ thì sợ. Vì hình như nó trái qui luật tự nhiên. Khi hoa gạo nở, những cành hoa vươn dài ra phía quốc lộ. Hoa rụng bồm bộp trên mặt đường. Xe cộ qua lại nghiến tan nát. Trông thật xót xa.

Từ nghĩa địa trông về phía quốc lộ vẫn thấy rõ vòm hoa đỏ.

Tôi thắp vài nén hương trước mộ chị Trinh, đặt lên một bông hoa gạo.

Cũng tầm này năm ấy, tôi xếp hoa lên váy cưới chị Trinh. Lòng tôi nghẹn lại.

Hôm đó, chị Trinh về, dẫn theo người yêu. Chị thẹn thùng, hạnh phúc. Hai nhà chuẩn bị dạm ngõ. Chị nói với anh, chị thích một bộ ảnh cưới dã ngoại, chụp cùng hoa gạo. Nghĩ đến một bộ ảnh cưới dưới những gốc gạo đang bung hoa, ai mà chẳng ao ước. Anh chiều chị nên cả hai sắp xếp, về đúng hôm hoa gạo đỏ thắm.

Tôi theo anh chị ra đường tàu. Những cây gạo nối nhau đứng thành hàng chạy dọc, không thể tả hết vẻ đẹp của nó, chỉ biết những khoảnh khắc đóng khung trong máy ảnh có thể làm tan chảy bất cứ trái tim khô khan cằn cỗi nào.

- Anh chị ơi, bên này này!

Tôi vẫy tay gọi hai người bước qua đường ray. Chị Trinh trang điểm lộng lẫy, những đường nét trên khuôn mặt chị trở nên sắc sảo. Nhìn chị hạnh phúc bên anh, tôi cũng vui lây. Rất nhiều người đến chụp ảnh hoa gạo, cả khu bỗng chốc trở nên xôn xao.

Tôi giúp chị Trinh xách váy. Chiếc váy cưới trắng muốt xoè rộng, nơi chân váy mọc lên những trái tim xếp bằng hoa gạo do chính tay tôi tỉ mẩn hàng tiếng đồng hồ.

Khi chị Trinh xúng xính tạo dáng thì tàu đến. Có thể nghe thấy tiếng còi và nhìn thấy đoàn tàu từ xa, mọi người đều tránh khỏi đường ray. Tôi vác đồ trên vai nên khuất tầm nhìn, lại không nghe rõ tiếng còi tàu, nó lẫn vào còi xe ở đường quốc lộ. Chị Trinh chỉ kịp đẩy tôi ra khỏi đường ray. Tàu lao dốc không phanh kịp. Còn chị, vì đi dép cao gót, lại áo cưới chùng chình... Tôi ngã cách đó một đoạn ngắn, chỉ kịp cảm thấy máu văng lên mặt mình, rồi ngất lịm đi. Tôi mơ hồ nghe thấy bà khóc:

- Ối con ơi là con ơi! Đến hò hẹn người ta còn tránh xa cây gạo, ma xui quỷ khiến gì lại đi chụp ảnh cưới. Thương quá! Con ơi…!

Tỉnh dậy, tôi cứng miệng, không khóc được, cảm thấy tức ngực, khó thở. Hình ảnh chị mồn một trong tâm trí tôi. Khuôn ngực phập phồng vết bớt hình bông gạo. Máu chị đỏ tươi như những bông hoa gạo chính mùa.

Hoa gạo kiều diễm, tan nát dưới những bánh xe.

*

Từ ngày chị Trinh mất, bà bỏ nhai trầu, bà bảo thấy nước trầu bà sợ. Thỉnh thoảng bà nhầm tôi với chị Trinh, khi nhớ ra bà khóc, nước mắt rỉ xuống khoé miệng bợt bạt khô khốc.

Hôm thu dọn đồ đạc, tôi vô tình thấy cuốn nhật ký của chị Trinh. Những điều chị thổ lộ khiến tôi bàng hoàng, đau xót.

“Hẳn là mình giống bố, vì mình khác mẹ quá. Tóc mẹ nâu vàng, người thoảng mùi nước hoa. Mình quen với mùi cỏ dại quanh nhà và khói bếp vương trên quần áo bà hơn”.

“Mẹ bảo khi mình đủ lớn, sẽ dẫn mình đi gặp bố. Chắc bố đã có gia đình riêng, giống như mẹ. Chỉ có mình, không thuộc về nơi nào cả”

“Truyền thuyết kể rằng, muốn có được điều gì trong cuộc sống, hãy đem xương cốt tổ tiên cùng những điều mong ước chôn dưới gốc cây gạo, sẽ rất linh nghiệm. Mình chỉ chôn ước nguyện, vì chả dám đụng đến mồ mả ông cha, với cả đó chỉ là truyền thuyết”.

Trang nhật kí trước khi mất chị viết:

“Cuối cùng mình cũng biết bố ở đâu. Hoá ra, bố cũng như mình, rất cô đơn. Mẹ bảo bố mất khi truy đuổi tội phạm ma tuý, yên nghỉ tại một nghĩa trang biên giới. Mình sẽ lên thăm bố trước khi tổ chức đám cưới”.

Tôi ra góc vườn, bần thần tìm quanh gốc gạo chỗ chị Trinh đánh dấu. Đã lâu lắm tôi không đến gần cây gạo.

Cầm chiếc cuốc trên tay, trạo đi lớp cỏ trên mặt đất, tôi bắt đầu cuốc. Tôi cuốc cật lực. Chị ơi, chị sống khôn chết thiêng, ở bên kia chị có nhớ chỗ này không. Nước mắt tôi lã chã rơi. Những giọt nóng hổi thấm nhanh trên mặt đất. Đào sâu khoảng nửa mét, lộ ra một lọ thuỷ tinh.

Tôi lần mở, những nét chữ tươi tắn của chị xếp hàng gọn gàng:

“Nếu sau này mình gặp được người yêu mình thật lòng, mình sẽ yêu người đó mãi mãi!”

Tôi oà khóc thảm thiết. Chị ơi!

Chị Trinh đã không biết phần còn lại của truyền thuyết, đó là dù không chôn cùng xương cốt tổ tiên, ước nguyện vẫn có thể trở thành hiện thực nhưng phải trả giá. Lẽ nào, nó vận vào cuộc đời chị?

*

Tôi đứng nhìn những làn xe vun vút phía xa xa. Đường cao tốc chạy qua thành phố đã làm xong. Đường cách xa quốc lộ một đoạn, xe cộ không còn dồn ứ lại trên trục đường 1A nữa.

Thành phố cho rào lại chỗ đường tắt từ làng ra quốc lộ. Quán nước của bà được dỡ đi. Dưới gốc cây gạo bắt đầu um tùm cỏ dại. Cây gạo vẫn nở hoa đón tháng ba về, hoa gạo vẫy gọi người đi xa, nhắc nhớ mỗi người về những vùng trời không thể lãng quên.

Cả những vùng tươi rói nỗi đau.

Cầm Thị Đào | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Thềm sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Ngày biển động - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn Búa nước - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn