Nén đã ba lần chết hụt vì đuối nước. Lần một trong ao Thiệm, cạnh làng, lần hai ở con sông Chém, rộng thênh thênh nhưng cộc, lần thứ ba ngoài biển, sau này. Lần đuối nước ở biển là đáng kể nhất. Không hiểu sao lúc dấn ngang lưng xuống chân mấy con sóng lừng trên bãi tắm có cái tên mĩ miều bắt nguồn từ một chòm sao - Thủy Bình, Nén lại đãng trí, cứ đằm mình phá nước đến khi chân mỏi, tay mỏi, lưng cứng, cổ đờ, cố ngoái nhìn lại chỉ thấy vệt bờ xanh xa thẳm một hàng thông reo và lố nhố đen kịt những người là người trong quái chiều nắng xế. Cũng may đội cứu hộ bãi tắm hôm ấy có vị không nhãng việc, giương ống nhòm lên thì vấp mắt ngay chấm đen như một con ruồi đang trồi sụt.
Sự đặc biệt tiếp theo là Nén đã hai lần đại diện gia đình ở tòa án quận Xuân Quang cho nhạc phụ đại nhân hắn li dị vợ. Hi hữu và hiếm có. Cấp độ Guinness thế giới cũng nên. Ông bố vợ hắn là loại nóc đại lệch - nói không ngoa. Nóc lệch, nóc chùm, nóc nát. Đủ bộ huy chương... miệng. Vợ Nén cũng gọi hắn “nóc vờ ơi”. Đó là cái nóc nhà, nóc của gia đình. Chí ít lúc Nén còn chui gầm chạn, chưa ra nước ngoài học cách “may vá” những con tàu biển...
*
“Cua nó đi, mẹ cho cái gian trái ở phố Rội. Ôi dào, bắt rể.” Mẹ vợ Nén buông câu cho con gái hồi Nén còn người dưng và hắn được bắt thật. “Tôi thường bị vợ phang cán chổi.” Tưởng Nén kể đùa với đội thợ ruột, sam nhau từ đận choai choai ở nhà máy đóng tàu Nhiêu Khúc. Khi chứng kiến lưng Nén lằn nan đót thì cùng khắp nhóm lắp đặt khoang hàng hoảng hồn. Lại có lần, Nén đưa lương về nhà thiếu vì gặp lũ bạn đồng niên ở quê xúm ra đãi đằng bọn chúng chầu bia cỏ. Vợ Nén điên tiết, lên gối Nén một hự phải đi cấp cứu ở bệnh viện Gia Liên cạnh cái chợ Gò, bán buôn đồ phế thải từ tàu lớn xuống đến ca nô… đập bét ra. Thương quá. Việc gì trong nhà tất tật vợ Nén đều ra chỉ lệnh. Xưa, mua nửa chỉ vàng vợ quyết. Bây giờ, mâm ngũ quả ngày tết ba hay bảy loại cũng do vợ. Trang phục Nén từ quần cộc đến bộ diện bên ngoài, com lê, tất tật phải vợ mang về. Thuốc đánh răng loại gì. Hột tiêu cho vào phở sáng nhiều hay ít, đều cữ. “Anh là nóc vờ ấy nhỉ. Tên thì đúng là Nén. Chẳng mấy khi bật lò xo. Nén mà nhũn nhèo như bún.” Vợ Nén tủm tỉm cười rồi đổ đĩa hành lá thái nhỏ vào chảo đậu rán và nhìn xéo hắn. Bát đũa xô, tới bữa chỉ cần có món đậu tẩm hành là y rằng tối ấy Nén lăn qua thẽ thọt làm lành. Đậu tẩm hành. Hay thế. Ngược đời thế chứ.
Phế thải - Truyện ngắn của Phan Đình Minh. Họa sĩ minh họa: Đỗ Dũng |
… Nhớ, ngày ở trời Âu về, có dịp ông bố vợ Nén làm trợ lí cho giám đốc nhà máy đóng tàu Nhiêu Khúc. Đi với sếp, đến đâu ông cũng “bị” bắt tay trước. Tây còn nhầm ông là sếp. Sếp lại thấy hay hay vì ông cao to đẹp như tượng mà phải cắp cặp. Ông là một trong vài kĩ sư đầu tiên của tổng cục đường bộ và đường sông cơ ngơi mươi nhà máy đóng tàu. Oách và độc đắc. Thời, cuối những năm 70 đầu 80 thế kỉ trước ông ăn phomai, bánh mì tây đẫy mười năm. Đường bệ, đĩnh đạc, y phục văn minh. Chỉ kiên gan một tí, sửa tính một tí chắc chóng thôi ông sẽ là sếp thật chứ không cắp cặp và được bắt tay trước sếp thế này. Lâu lâu một lần, thú vị, chứ thường xuyên khó coi và nhạt. Kiên gan một tí sửa tính một tí, tức là chờ thời, chờ cái ông trưởng phòng chuyên ngành thiết kế âu tàu. “Sủ” liền kề,lên nữa. Ông cứ sùng sục khinh người trên ra mặt. Ngứa mồm. Vài ngày lại nhổ nước bọt lên trời. Sửa tính một tí, đó là ông quen tật ăn ngon. Người ta ăn xôi sáng ăn cơm nguội ở nhà, cái thời khó khăn bao cấp ông chén phở bà Lý béo rệ cổng nhà máy tì tì, tự nhích mình xa đám thợ cùng phân xưởng, tuy là xài tiền túi. Đẹp mã nên đàn bà trong nhà máy hay liếc. Ông tưởng bở, nghĩ đặc quyền. Ai, ông cũng thả lời ong bướm nên có tháng ông bị tát ba lần, cùng một chỗ với ba bà. Đận, cả năm trời đi khảo sát đường sông mấy nước Đông Nam Á, hoàn thiện chiến lược phủ sóng bán tàu kín thập niên của Bộ. Nhà có cái xe đạp mi-pha ông xích ngay vào chân giường, để vợ con ngắm nghía. Cái thời khó khăn đất nước thiếu vải mua bằng phiếu bằng ô, ông có mười bốn cái áo trắng, mười bốn cái áo màu, lận mười bốn cái quần Tây. Thời gian nhảng như gió vờn ngọn liễu. Ông về hưu lúc nào không hay khi chế độ riêng chỉ ngấp nghé đứa gọi là chú là bác bởi cứ gần đến kì tăng lương ông lại xì căng đan tình ái hoặc choảng bô đựng bã chè vào đầu quản đốc. Nay ông chẳng ở nhà, theo bà khác mà bà này thứ ba rồi. Năm tháng dặm dài đường chiều trước mặt... Có lần hàng xóm thấy vợ ông than: “Nóc nhà tôi nát lâu rồi”, còn Nén thì bắt gặp vẻ mặt thui thủi của nhạc mẫu đại nhân đúng ngày hắn đăng kí hộ khẩu nhà vợ sau khi vào nhà máy đóng tàu được hai năm. Cơm sống tại vung hay nồi. Mọi lẽ lao lung trong cái chạn chỉ nửa tuần trăng là rỡ ràng phơ phớ hối Nén không thể kéo dài thân phận chú Giôn… Nén tự nhắc lòng. Bằng mọi giá phải xuất cảnh khi dịp tới nhà máy nhặt mỗi phân xưởng mươi người sang nhờ bạn cầm tay chỉ việc cời bằng ra tốp gà nòi nên thợ lắp ghép tàu biển, cột giường. Và thứ hồi môn quan trọng nhất nhạc phụ đại nhân để lại là chút tiếng chút nể có cha làm việc lâu niên trong nhà máy. Gá chân, giúp Nén phát huy sở trường - sở đoản - mánh lới - chật chịa - sày vảy từ tốp gà nòi lên được đội trưởng, quản đốc rồi phó giám đốc sau mười năm chạy, nhảy, luồn, bò…
*
Một chiều trong bệnh viện, Nén sờ tay lên cổ. Ui chao. Bốn cái kim chờ. Bác sĩ nói “Truyền động mạch cảnh cho gần để thuốc chóng lên, não nhanh hồi phục.” Can cớ Nén tịch tàng nằm bệnh viện mươi ngày mới tỉnh cũng vì thói quen nhổ lông mũi trên đường cao tốc lúc lái xe. Quắn ngón tay trỏ thật chắc. Nhăn mặt. Găng cơ. Thình lình giật sang phía tả… nhoằng. Lần này không ổn. Túm lông chắc tựa dây rừng. Cổ Nén nghiêng. Cái hàm bạnh ra và vô lăng lái vẹo đi. Hai bánh trước chiếc xe nguệch 90 độ. Hắn nhận ra giải phân cách cứng sầm sập lao tới đầu xe. Dù sáu túi khí bung cùng lúc mà thân thể Nén vẫn te le sứt mẻ khi con xe bán tải gắn lô gô Biển Lớn choán cửa xe, chổng vó, trượt nóc trên mặt đường láng coóng. Thật may, quốc lộ giữa trưa không có xe container nào rồ tới. Điều đáng nói là sau tai nạn Nén tăng cân vùn vụt. Béo trục béo tròn. “Giống con phốc nhà mày thôi. Tiểu đường, huyết áp, suy thận.” Thằng bạn vong niên chì chiết. “Ờ, cái thời đến chó xét nghiệm máu, người ta cũng phiên ra vô chừng bệnh tật.” Mặt vợ Nén tựa mo cau nhúng nước. Bí dị. Đứng hình. Không muốn than thở câu nào với ông bác sĩ thú y trằn sì chữa chó.
Rồi cái cách hắn đấm vẹo mũi cấp phó cùng phân xưởng ụ khô khi gã kia nhổ nước bọt vào người ăn xin không trúng lại tẹt mặt Nén lúc hai đứa nhoai lên chiếc ô tô đón chuyến… hạ cánh xuống đường. Đấy là lần tai nạn thứ hai sau chín tháng ba ngày cú vặt lông mũi bất thành trên cao tốc. Việc đầu tiên khi hai thằng vùng đứng dậy là quang cảnh âu tàu như chiếc chuồng bò nát, đang được nhóm người lạ hoắc dựng hàng rào bên cạnh nhà máy đóng tàu Nhiêu Khúc, hiện lờ mờ trước mặt. Bao kí ức sống dậy tháng năm - ngày nào cũng phải ôm Tây hôn hít trong cái xưởng trời Âu, mồn một từ tâm khảm. Viễn cảnh huy hoàng về nhà máy mấy chục ngàn công nhân với hàng đống thiết bị hiện đại, phởn phơ ngời ngời hiện ra bất kể mặt mũi Nén đang ròng ròng máu chảy. Sau này, những cuộc say lộn dạ dày ra miệng, nhớ cơn, Nén ta lại vỗ bàn tay to bè, bộp bộp lên cái trán ngắn choằn, tẹt dí… Một cơ ngơi hoành tráng của xưởng đóng tàu tầm cỡ khu vực với trăm hecta đất đai rộng rãi trồi lên sau đấy vài năm. Hiềm, nhà máy lại nằm cạnh một khu chung cư như mấy hộp diêm khổng lồ ngất ngưởng chứ không căn cơ tựa cái xưởng Nén học việc ở trời Âu, bên cây cầu vòi vọi. Y tranh thủy mặc. Dòng sông và những âu tàu trám hồ mây núi. “Gara vĩ đại tút tát máy bay. Hề.” Đám thợ gà nòi ngơ ngác, chép miệng. Ôi, còn bây giờ đứng dưới chân khu nhà cận cảnh đại công trường ở tương lai, thấy vô vàn góc tối. Cay mắt bóc vỏ hành. Đòi hỏi quan trọng mỗi xưởng tàu là khu vực dành các âu tàu - ụ khô - Drydock, thì kẹo, tin hin quá. Tận biển cùng sông. Ba bờ đê và mấy hộp diêm khổng lồ sừng sững cứ xéo ngược con mắt người nhìn. Ngày ấy Nén cũng rõi ra nhưng cảm giác thăng thiên khi sắp vào vai chủ doanh nghiệp bán cổ phần khiến hắn chỉ thấy những vui cùng sướng. Trăng đến rằm trăng phải tròn. Đãi đằng nghìn sự nhà máy đóng tàu Biển Lớn “cạp” từ Nhiêu Khúc cũng tấm món hình hài. Khu xưởng, khu âu tàu, khu tập kết vật liệu đại công trường lại cứ sóng lên đồi... Ông địa, ông bùi rau, ông thần sông ở đây đang đà hảo tâm phù trợ. Đất mé sâu bờ cỗi cằn không canh tác được tự dưng có người gợi ý rồi rộng thừng đo đạc… “Nghĩ bực. Ba âu tàu như đường giao thông bị thắt cổ chai.” Đêm về, đầu óc Nén nháo nhào ngẫm ngợi. Mình trở như cá vật. Đến khi con tàu HZ84 đen sì được hẩy về chắn dọc, cức nước, cức sóng… choán như cờ bí, Nén ta mới thực sự ngán ngẩm thở hắt xuồi xuồi.
*
Nhớ lại hồi cuối thập kỉ 80, đổi tiền đắt thật. Hơn ngàn đồng là mua được chỉ vàng. Người khá giả có phong trào đi dự đám cưới hay đút tờ năm trăm đo đỏ vào túi áo ngực, hiện lờ mờ ra bên ngoài. Ngẫm, cười cứng bụng, hệt như thời những năm 70 đàn ông đeo đài O-ri-ông-tông, đội nón, mặc áo pô-pơ-lin trắng phóng xe đạp Phượng hoàng nhâng nhâng ngoài đường. Đài thì bật to hết cỡ. Oách. Cứ tính quy đổi ra vàng mà tiền không mất giá, một tháng lương công nhân bây giờ có mà mua ngót trăm “cây”. Khủng quá. Kể là sau đấy, lúc gạo lên ba trăm đồng một kí lô. Nén đến chơi nhà bác già mới nghỉ hưu. Trước đây ông lo lắng mọi nhẽ cho đám gà nòi của Nén đi Tây. Chuyện loanh quanh, khi nhắc giá cả thị trường thì mặt ông bỗng hốt hoảng, giọng thều thào. “Nói thật với anh, nếu giá gạo tăng năm trăm đồng một cân thì mất nước là cái chắc.” Miệng Nén vừa hớp ngụm trà bồm trong chiếc chén tống Hoa Hồng. Khục khục. Hắn ho một tràng khi tai hứng trọn thanh âm ông già vừa phà câu: Mất nước… Ôi chao. “Khe khẽ cái miệng bác ơi.”
Và rồi nửa đêm. Đầu Nén bỗng vằng vằng nhớ lại câu chuyện hồi còn công tác ở đội tiêu chuẩn đo lường mớm nước thân tàu. Nén và ông sếp, bây giờ là cựu giáo sư trong bộ, chuyên giảng góp đó đây một bài về lịch sử ngành đóng tàu trong nước và thế giới. Đang đi trên đường Cống Trắng mé ngoài ba âu tàu, gần khu nhà lở lói. “Sao 09h00 mà thằng Cúc vẫn lang thang chưa tới xưởng điều chế sơn vỏ nhỉ?” Ừ, chi nhánh nhà máy nó tận ngoài Phà Sáng cách mươi cây số. Nhìn kính trước Nén thấy anh bạn đồng niên vừa đi vừa ngúc ngắc đầu, huýt sáo miệng. Cái xe Vespa màu bã trầu không lẫn với ai. “A lô. Cúc, em đang đâu đấy?” Ông sếp rút điện thoại ra bấm. “Dạ, chào sếp. Em ở xưởng sơn lót ạ.” Cúc ta hí hoáy. Không thấy ngúc ngoắc đầu và huýt sáo miệng nữa. “Qua phòng anh. Có việc nhé.” “Vâng, em sang luôn ạ.” Ha ha. Nén và ông sếp cùng cười. “Một lúc sao lâu thế, Cúc ơi.” “Em lên ngay. Đang dở soạn cái văn bản - can cớ quẳng vỡ chai sâm banh khi khai phóng những con tàu. Em đóng máy đây ạ.” “Luôn nhé.” “Dạ sếp. Dí on - ọp rồi.” Ha ha. “Tắt máy vi tính hay tắt cái Vespa đang chạy đằng trước xe tôi đây?” “Ối giời, sếp.” Ông bạn Cúc ngoái lại, ngã bò toài xuống mặt đường nhong nhoanh nắng.
Nén nói dối như cuội, nói dối như đúng rồi và bây giờ trước cơ quan kiểm toán cấp trên khi thông số kĩ thuật con tàu HZ84 được nhập về rõ ràng cũ kĩ mà hắn cứ cãi sống cãi chết còn hạn sử dụng mươi năm. Thép tấm thân vỏ rất là chất lượng. Thế đấy. Y hệt như thằng bạn nối khố đang huýt sáo miệng, phóng chiếc Vespa màu bã trầu ngày nào. Và có dịp chiếm diễn đàn, Nén ta lại chém tung trời “Nếu xã hội bị trì trệ, rối loạn; kinh tế đất nước tăng trưởng rùa bò; định hướng thị trường tựa diều quẩn gió, nguyên do không bởi giá gạo tăng đột biến. Căn cớ là từ những anh chàng lười nhác chân ngoài chân trong phơi phơi ở thập niên D; G; F cặn lắng, lộ cộ, đầy nơi công sở. Vậy nên nhà máy chúng ta phải đổi màu thích ứng đậm đà với mọi cơ hội cơ chế thị trường. Nhanh như gió lốc.”
Tức là, việc chiếc tàu cũ kĩ HZ84 sau khi Nén sao y bản thiết kế bởi nhiều lập trình ma mãnh bỗng chốc trở thành hàng hoá, thứ tốt, đồ hiếm, long lanh chỉ trong một nốt “nhạc” .
Kịch bản cụ thể là: Nén ta dẫn một đội cánh hẩu ra ngay nước ngoài sau khi gã có quyết định tạm quyền giám đốc nhà máy đóng tàu Biển Lớn. Mua một con tàu lớn, “đồ đạc” nhàu nhĩ, date sử dụng lắc lơ... Dựng bộ hồ sơ giống hệt hồ sơ HZ84 nhưng mốc dấu thời gian gần hiện tại. Xong, áp phe với một cơ quan kiểm toán độc lập của nước xuất xứ HZ84 - cấy vào, certificate(*)… sau nữa cậm cạch bê tàu về, huy động toàn lực sửa chữa, vôi ve như tàu mới rồi nhoáng nhoàng thuê đăng kiểm - cũng nước thứ ba, “nên hồ”, cấp giấy khai sinh toanh toành toành… đóng logo 3D, đẹp hết nước chấm cho HZ84. Khi chai sâm banh lủng liểng buông sát thân tàu, vừa rơi vừa vỡ. Cổ chai ngắn tù tịt, dính dây. “Điềm lành không thể lành hơn nhé.” Tiếng của Nén choa chóa trong chiếc loa 1500w.
HZ84 trượt thảnh thang xuống âu tàu om cức, hướng mũi loằn ngoằn ra biển.
… Nén hối cánh vè đi khắp mọi nơi tìm doanh nghiệp chào mua HZ84. CHỈ CHUYỂN KHOẢN KHI KHÁCH HÀNG HÀI LÒNG - băng rôn chiếm trọn thân tàu, kèm điều khoản bảo hành chu đáo thân thương. Tính trừ chi phí đến lúc trao tay HZ84, Nén thu lời khủng. Ôi chao. Không biết bằng phép thuật gì mà Nén trôi qua được mấy chục kiểm định viên biển hiệu quốc tế giang giang đeo trước ngực, sát sạt từng hạng mục con tàu 70 ngàn tấn lúc sắp kí bàn giao, chọn đúng ngày hoàng đạo.
“Trước đây thôi, thừng vấn hững hờ. Cái thời chỉ cần chuyển tiếp thủ tục giấy tờ đơn giản. Triện lờ mờ. Mộc nọ đội mộc kia… nay, có mà làm xiếc được với cơ quan giám sát. Chặt chẽ từ thiết bị hàng hải đến sống vỏ, thân tàu, máy móc động cơ, về tời về đấu.” Lại cái ông chuyên viên ki-lô-gam gạo, năm trăm.
Nén cười nửa miệng, nhớ bận nghe xuyên 6 bàn tiệc nhân sự kiện mời các tiền bối ngành đóng tàu, có mặt cả nhạc phụ đại nhân hắn.
*
…, đêm xế ánh trăng cũng mờ nhanh.
Tàu lớn nổ được hai chuyến biển, vận đơn lỏng lẻo chủ yếu là đưa hình dạng HZ84 ra quốc tế ý định tiếp tục chào hàng, nhượng nữa… HZ85; HZ87… HZ84 sụp máy, ruỗng khoang, bong vách, mạn khô bung tróc chỉ sau ba năm hoạt động. Công suất máy chính hụt giảm bất thường V(hl/h) tụt sát mức trung bình, không rõ nguyên nhân. Con tàu ngót trăm ngàn tấn giong dắt về nằm chềnh ềnh cửa nhà máy Biển Lớn sau tam tứ phen bị dồn đuổi vất vưởng trên các dòng sông. Ba năm rưỡi, tức là thời gian HZ84 xuống cấp đồng loạt còn nhanh hơn việc mông má lúc Nén cùng tốp “chuyên gia” mua nó ở nước ngoài. Chủ tàu điếng người phóng đơn kêu cứu. HZ84 không đủ điều kiện kĩ thuật chạy các vùng biển lân cận, chưa nói gì quốc tế.
Trả tàu về nơi sản xuất.
Biển Lớn có đền bù những tổn hao hỏng hóc ở các chặng đường mà đội bảo hành nhà máy không thể đến? Ban giám đốc họp đứng họp ngồi, bận như đầu cá úi, tìm kịch bản giải nguy. Tàu lớn giống người già lắm bệnh, xuống sức mỗi ngày không cơ hội chữa lành, vươn khơi. Nén sợ bóng sợ gió. Sợ từ tiếng nói cười bi bô của lũ trẻ thơ khi hắn đi ngang qua lớp mầm non phía sân sau… Sợ những ánh mắt nửa tin nửa ngờ níu cầu hi vọng của hơn nghìn công nhân đang nghỉ không lương.
Rồi ý nghĩ lại vằng trong đầu Nén giữa khuya. “Bằng mọi giá HZ84 phải biến mất. Cứ lù lù nhìn từ mươi cây số như u tật thế này. Mình cũng mù con mắt.”
“Việc kiểm định HZ84 để đưa vào sử dụng, gian truân. Chứ biến con tàu đang nổ máy thành phế thải thì vô cùng dễ. Moi ra vài trọng bệnh như máy cái xuống cấp mất gia cường, không phụ tùng thay thế; thượng tầng mũi, thượng tầng đuôi sụp vách; đà ngang hẫng nửa gang tay; hầm trục chân vịt rung lắc không định vị… là nó coi như tịch.”
Câu chuyện sức khỏe HZ84 ở đâu cũng bị khơi ra phán xét - mổ xẻ - gièm cho chết, bất kể các cuộc tụ tập cơm bụi hay bia hơi bên trong bên ngoài nhà máy.
*
Buổi sáng, 1200 công nhân đóng tàu Biển Lớn đi làm đúng giờ, nhận ca đúng giờ, điểm danh đúng giờ. Lúc ấy ai ai cũng vui vì từ nay có việc làm rồi. Không khoán mà công nhật hẳn hoi. Một ngày công là trăm ba mươi ngàn. Ai làm nửa ngày thì bảy mươi sáu ngàn. Chỉ có điều không phải tu sửa, nạo, sơn bả thân tàu. Đánh bóng từng con ốc vít bu lông mà là cắt, phá, cưa, dời. Lường thân thể HZ84 từ boong mũi, lầu giữa, mạn giả, khoang lái, khoang hàng… Nếu may mắn xưởng nào gắp phiếu trúng vách sóng, đáy đôi, tôn mạn thì coi như dễ ăn trúng “ục” còn vớ ô sống mũi, sống đuôi, cầu lái, xương hàng thì sày vảy. Cắt đôi, cắt ba, cắt năm cũng nhược người. Tổn phí ngày công.
Con tàu lừng lững mấy hồi bị rời ra, thành sắt vụn. Cũng may HZ84 không phải loại chở dầu hay hóa chất độc hại, nhà máy bớt được khoản hoa hồng công đoạn kiểm duyệt môi trường. Tàu chỉ đơn thuần chở hàng khô Cargo ship - 70 ngàn tấn. Công nhân chia ca sáng chiều dồn sức mà bóc, phá. Kĩ sư đưa bản vẽ rồi. Thợ lâu niên chỉ ngắm bề dọc, bề ngang tàu là lượng số tiền công được hưởng. Khẩn trương lựa dụng cụ búa - đục - xà beng, tới việc. Chỉ một tháng, hai tháng HZ84 sẽ bét be vụn vỡ, không nhận ra đâu boong chính, lầu giữa, hầm hàng. Tất cả bị cắt miếng, nghiền nát, xếp đặt đâu ra đấy. Những công nhân từng nắn nót sửa sang, biến HZ84 từ con vịt xấu xí thành hoa hậu mĩ miều, giờ nhận chỉ lệnh giám đốc Trần Văn Nén: “HZ84 phải khai tử thật nhanh” là hơn ngàn con người bước tới.
Dịp này nhà máy đóng tàu Biển Lớn có câu chuyện loan truyền người người hay ở lại âu tàu rất lâu vào lúc tan tầm, ngắm HZ84 trong nắng xế. Ai cũng thấy con tàu run run rùng mình như đang khóc.
… Bao bàn tay khéo léo thật thà chân chất bỗng hóa nhẫn tâm. Thợ phay, thợ hàn “nên vảy cá” ra sức đêm ngày chọc roi hàn, cắt rời tim gan ruột phổi con tàu. Tháo xương, cưa cụt, vo viên đà ngang đà dọc bánh lái HZ84. Tất cả rối rắm buồn phiền chứa chất nơi bụng tàu bị đục toang hoang.
Chiều nào cũng có từng nhóm công nhân ngồi bần thần ngược nắng trông HZ84 rùng mình khóc bên bờ sông cái.
- Bị cáo Nén được phép nghe điện thoại.
Bỗng vị chánh án phiên tòa yêu cầu can phạm chính tòa đang cúi đầu ngẫm ngợi điều gì. Nén ta giật mình hớt hải đứng lên: “Dạ thưa. Điện thoại ở đâu gọi bị cáo ạ?” “Từ tòa án quận Xuân Quang, yêu cầu liên đới.” “Vâng. Bị cáo nghe.” “Lần đầu tiên nền tư pháp quận Lê Châm có câu chuyện hi hữu cho phép bị can được đàm thoại trong phiên sơ thẩm. Bị cáo Nén có 8 phút trao đổi việc gia đình liên quan với tòa án Xuân Quang.” “Dạ, xin vâng.” Đầu óc Nén bỗng rối beng. Đôi mắt như màn che chăm chú nhìn bồi thẩm đoàn ai nấy mặc áo choàng đỏ thắm, hình những neo tàu. Tay Nén run run cầm chiếc điện thoại kéo dài do nhân viên phục vụ tòa đưa đến. Bật loa ngoài. “A lô. Tôi, Trần Văn Nén nghe đây.” “Ôi chao. Con đang ở đâu đấy.” “Hô hô. Sao bố gọi được vào đây?” “Con ơi. Tòa Xuân Quang lại yêu cầu phải có đại diện gia đình làm chứng việc ly hôn lần thứ ba của bố.” “Ôi. Cụ Nóc nát ơi.” Ông chánh án và bao nhiêu người tại phiên tòa Lê Châm bỗng trố mắt nhìn Trần Văn Nén. “Bị can xin lỗi mọi người.” Tiếng Nén nghèn nghẹn trong chiếc loa 500w. Không khí phiên tòa căng thẳng rồi cộm cạo trên ghế bồi thẩm đoàn. Ông chánh án vung búa gõ phiến gỗ cạch một tiếng. “Bị cáo Nén còn 2 phút đồng hồ.” Trần Văn Nén ngước đôi mắt đỏ ké óng ánh dòng lệ chảy dài, lên vị quan toà đang nghiêm khắc chiếu ánh nhìn về phía hắn.
- Nhạc phụ đại nhân ơi. Lần này thì con không thể đại diện gia đình cho cha ly dị vợ được nữa. Con mất tư cách công dân. Là phế thải rồi.
Nói xong Trần Văn Nén run run đưa vội chiếc điện thoại cho người chấp pháp rồi ngồi thụp xuống sàn tòa, ôm mặt ồ ề khóc tướng lên.
Hình ảnh con tàu HZ84 từng ngày bị cắt rời đau đớn nằm khóc bên bờ sông cái khiến Nén không thể cầm lòng?! Quan toà và bồi thẩm đoàn không hiểu và lí giải được những cơn khóc ồ ề sường sượng nửa trẻ thơ nửa người lớn của gã thanh niên đang trắng tay bết bát, bệt người xuống sàn toà án kia. Vị chánh toà có mái tóc đỏ như ruột quả nâu tươi biết rõ ràng một điều lúc này gã người đáng tuổi con của ông đang tan nát cõi lòng, vì thất bại. Ông kín đáo đưa góc khăn mùi soa định chấm lên khoé mắt cay cay thì kịp dừng tay lại. Lòng ông dậy niềm trắc ẩn. Không biết ông thương hại cho bị cáo còn xanh non hay thương xót thân phận bao con tàu đang nằm khóc rì rầm bên những dòng sông...
(*) Chứng nhận.
Phan Đình Minh | Báo Văn nghệ