Tiếng sét nổ thình lình thoạt đầu nghe xa lắc, như ở đâu đó phía bên kia xứ sở. Tuy vậy sau đó, nhìn thấy đường nét ngoằn ngoèo như rễ cỏ của tia lửa điện hiện hình trên nền mây đen thẳm nơi chân trời, mọi người liền nhận ra, cuộc biến động thời tiết đã gần kề và sứ giả đầu tiên của nó là gió.
Gió từng cơn lớn lao hoang dại thốc đến ngay cùng tiếng trống chiêng sấm sét liên hoàn rung trời đất. Cơn kinh giật đất trời khởi sự có hình vẻ một chấn động tâm thần. Theo cùng luồng gió hú những âm thanh dài từ xa tới là những hạt mưa lớn, nặng, xiên chéo như mũi tên bắn, nổ gọn như tiếng vỡ của kim loại, tòe toẹt hình ngôi sao nhiều cánh trên đá sỏi. Đã tan biến tất cả cái thực tại phồn tạp nóng nổi, chỉ còn lại một thế giới tràn đầy hình tượng được trực giác cảm nhận đơn thuần và mát rượi.
Tua đã bật dậy ngay khi một hơi gió đẫm hơi nước, trong suốt, vi vút vượt qua. Y như Tua là tù nhân vừa nhận được một năng lượng để giải thoát mình ra khỏi cảnh tù đầy chật hẹp. Y như một khối lượng tinh thần to lớn vô biên của Tua vừa được ra khỏi cái vỏ chật chội, hữu hạn của cơ thể, để không còn bận tâm đến cái lợi lộc vụn vặt hằng ngày, để trước hết nhận ra cơn dông gió chiều nay đã hóa thân thành một cảnh tượng hoành tráng vô cùng.
Tua nhìn về phía xuất hành của cơn dông chiều. Tóc Tua bết lại, cháy khét vì nắng nôi cả năm trời, giờ được gió chải lật, tơi ra từng sợi và dựng ngược như lúa thời kết đòng. Gió ràn rạt thổi sạt qua sườn Tua, thổi qua thân thể Tua lúc này đã hóa thành trống rỗng, kéo đi từng vệt dài trên vùng đất sỏi đá cằn cỗi lưa thưa đây đó đôi nét chấm phá cố tình và lạc lõng những bụi mua còi, khóm cây keo tai trâu và những vạt thông non xơ xác, thoi thóp tự khẳng định.
Sau cái sơ ngộ là một giây ngưng thần hòa tan bản thể với ngoại vật, ngoại cảnh dữ dội có tầm vóc vô định, một cơn điên rồ can đảm đã hình thành và Tua phút chốc đã trở thành một hình nhân ở trạng thái xuất thần. Vẫn bộ quần áo xanh bạc phếch của thợ làm đường sắt dầm mưa dãi nắng, Tua đâm bổ ra sân, rồi cứ thế băng ra con đường đơn độc hai thanh sắt nhỏ nhoi hoăn hoắt chạy về hai phía xuôi ngược. Tua chạy đi đón cơn dông. Trên đầu Tua, những đám mây vằn đen như khói của đám cháy rừng bay tới tấp giữa tiếng sấm lục ục sâu trầm tức ngực và tiếng sét nổ oành oành, vỡ óc inh tai.
Đây là cảnh chiến trận xung thiên. Đây là cuộc đấu quyết tử. Đây là cơn rung chuyển để sinh thành ra một cái gì đó khác thường, để biến cải cả Tua, Tua đã không còn là Tua thường khi. Tua thường khi là cung trưởng Cung đường 580. Cao một mét bảy mươi lăm, hai mươi tám tuổi. Đen cháy, sắt seo, sản phẩm đích thực của một miền đất cằn khô, khắc nghiệt. Vô cảm như ao không cá, như đá không màu, lì ra, như không thèm biết đến thời gian, hoàn cảnh. Dầm mình trong nắng lửa, trong gió cát, khô hạn. Chài chãi trong công việc nặng nhọc. Hậm hụi suốt ngày suốt tuần, cơm ăn, nước uống, thậm chí đến cả nghỉ ngơi tý chút cũng không màng.
Giờ thì cơn dông gió xoáy đảo đất trời chiếm trọn hồn Tua. Giờ thì chính Tua đã biến thành cơn hưng phấn có kích tấc khổng lồ nọ. Tưởng như Tua có thể cứ nguyên vẹn như thế, với nỗi hoan lạc thần bí không giải thích được, phăm phăm như ngựa băm vó, ngược xuôi trên con đường tàu xuyên Việt chạy qua dải đất miền Trung dằng dặc này, cho đến kỳ đứt hơi thì thôi.
Cho đến lúc cơn say cuồng đất trời đã ngả tà tà, thay cho bầu trời vần vũ những tảng mây sũng nước là một trần mây biêng biếc màu lông chim gáy và một cảnh giới kỳ lạ đột ngột hiện ra ở lưng trời. Lặng lẽ và oai nghiêm, một vòng cung ngũ sắc như một phép lạ êm đềm, trong phút chốc ngắn ngủi đã nối dài và biến thành một chiếc cổng tráng lệ, chia đôi cõi thế, với nửa bên kia huyền bí như một niềm thiên khải.
Cảnh tượng diễm ảo ở ngoài tầm khí chất khiến Tua bị choáng ngợp. Tua dừng lại, giơ cao hai cánh tay gầy, mắt rỡ ràng tia sáng hân hoan đón chào. Cùng lúc ấy, mười một chàng trai dưới quyền Tua, thuần trai đồng quê mới lớn, tâm trí khô cằn, cả một đoạn đời thiếu niên, chưa hề chú mục quan chiêm đến cảnh trí thiên nhiên đã gọi nhau ra sân, ngước nhìn chiếc cầu vồng vẽ giữa trời cao, với một niềm thích thú và thiêng liêng lạ lùng.
Cơn dông chiều giải nồng xua tan oi nực, buồn bực, bứt rứt tích tụ cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả đời người. Mặt ai nấy đều bừng dậy hoan hỉ. Và Tua đã trở về, áo phanh ngực lép, gầy gùa và thanh nhã, đứng ở giữa sân, vọng về cái bếp nhỏ vừa lên khói một giọng nói trong vắt khác thường:
- Cậu nào hôm này nấu cơm đó? Dọn lên bàn đá ở ngoài hành lang ăn uống cho đàng hoàng nghe!
- Có việc gì mà long trọng thế, cung trưởng?
Ló ra ngoài cửa bếp một mái đầu tổ quạ và một cái mặt tròn mảnh như đồng xu với hai con mắt rắn cùng với một câu hỏi nhiễm chút khó chịu.
Tua sải những bước dài đi tới, kìm một tiếng gắt:
- Ông ngại hả, Hợi?
- Đâu có. Nhưng vì lý do gì? Ơ kìa, lại có cả bia. Ông lấy ở đâu về mà bợm thế? A! Thì ra cung trưởng đã cất giấu từ lâu rồi. Kín tiếng thế. Chắc là có khách?
- Người nhà thôi!
- Người nhà nào mà sang vậy?
- Người nhà mới phải sang trọng, lịch sự. Này, ông Hợi, cắt tóc đi. Các ông Tần, Tuyền, Nhượng, Triệu, Hàn... nữa. Sửa sang lại tóc tai đi. Cam chịu không có nghĩa là tùy tiện. Càng gian khó càng phải ra con người!
- Ha ha...
Cái sân rạng rỡ ánh sáng huyền ảo của chiếc cầu vồng cùng lúc đã ùa ra cả một đám người. Và tất cả như vừa bước ra khỏi cái vỏ bơ thờ, u oải thần trí bỗng trở nên quang minh sáng láng, cùng rổn rảng nói cười. Tua đứng ở giữa sân mỉm cười, vui mênh mang, nghe khúc hỗn tấu của những âm thanh đối nghịch: tiếng nước giội òa òa ở bể nước, tiếng quả bóng rơi lịch bịch, tiếng hát lẫn lộn các giọng điệu của các bạn bè lúc chiều buông.
*
Giờ khắc như được vuốt dài ra. Ánh sáng trở nên thuần khiết hơn, mỡ màng hơn, dịu dàng hơn và lạ lùng hơn. Dường như đó là hoang ảnh ảo mộng của khoảnh khắc thần tiên đã xuất hiện vào buổi chiều dông gió bất ngờ nọ còn lưu lại trong cảm xúc mọi người.
Cuối cùng thì chính những con người lao động chất phác khổ hạnh ở cung đường nọ cũng đã không còn phân biệt được là hư hay thực, là phép lạ hay chỉ là thường lệ, hoặc có cả hai yếu tố đó trong một cánh bướm vừa hiện diện ở đây lúc chiều tà.
Một con bướm đã bay tới với họ! Con bướm vàng, cánh nhung điểm những chấm tròn đen láy, không hiểu từ cõi hoàn vũ nào đã tới đây bằng cách nào, cứ mỗi nhịp vỗ đôi cánh lớn như hai chiếc lá đa, lại tỏa ra một làn hào quang sáng dậng.
Ánh vàng nọ thoạt tiên vẽ một vòng tròn đơn giản như một nét bút con trẻ. Tiếp đó, nó thực hiện một vũ điệu làn sóng điều hòa ở trên cái mặt bằng rải sỏi nâu mới kẻ những đường thẳng bằng nước vôi để làm thành cái sân bóng chuyền. Lát sau, nó chơi trò ú tim ở giữa sân. Những đường nét rối rít tài hoa của nó dẫn con người vào một chiêm bao rực rỡ ánh vàng. Cuối cùng, con bướm liệng ra góc sân, ở đây căng chéo cánh sẻ một chiếc dây phơi; ở đây con bướm múa vũ khúc cung đình nghiêm trang và mực thước, nó sà xuống rồi lại nhấc mình lên, đều đặn những động tác nhịp nhàng và say đắm.
Sợi dây phơi căng chéo một góc sân, nơi đón được nhiều ánh nắng nhất. Níu hai đầu vào hai thanh tà vẹt chôn sâu dưới lòng đất, sợi thép hai li căng như dây đàn thường ngày chịu sức nặng của mười hai bộ quần áo bảo hộ vải dày như vải bạt, bê bết bụi cát mồ hôi, to sều, nặng trịch, không hề động đậy theo hơi gió. Hôm nay, ở cuối sợi dây phơi nọ, khiêm nhường lất phất mấy vệt vải màu mềm mại, mong manh như sương khói.
Con bướm bay từ đầu kia của sợi dây phơi, nơi căng bộ quần áo lao động của Tua, tới đầu này thì dừng lại, vẩn vơ một nét phấp phới phiêu bồng, rồi nhẹ nhàng dang rộng đôi cánh lớn, nhón chân hạ xuống. Ở đó, một chiếc may ô con gái màu hồng mở khép nép bên cạnh chiếc quần phụ nữ tỏa bóng đen tuyền lấn át khiến chiếc quần lót mỏng mảnh xinh xinh màu hạt dẻ chỉ còn lấp ló và nhè nhẹ đung đưa theo cảm hứng hoan lạc của chiếc nịt ngực phổng phao hai vầng tròn mẩy mang màu trắng tuyết, ngát thơm như hoa.
- Hà!
Tua bật tiếng reo thầm sau cả một chặng dài nín thở dõi theo đường bay của con bướm, như một linh hồn xa lạ vừa tạo nên cảnh tượng siêu thường. Tua bừng dậy, lâng lâng. Tua sung sướng. Tua sẽ lại như kẻ nhập đồng khi cơn dông gió nổi chiều qua. Nếu như lúc đó vừa ló đầu ra sân, Tua không nghe thấy tiếng Hợi gọi và sau đó Hợi cười khành khạch rất thô lỗ: “Cung trưởng Tua ơi! Con bướm ranh ma quỷ quái. Tôi cam đoan với ông, nó đích thị là con bướm đực”. Thì ra đã tồn tại một trạng thái đối đầu ngấm ngầm giữa Tua và anh chàng ba mươi tuổi, cao niên nhất đám thợ ở cung đường này.
*
Thật tình là cuộc sống đã ở trên mức khổ cực!
Khổ cực đến cái mức không bao giờ dám ước ao có được một người phụ nữ đến đây cùng ăn ở, làm việc với mình; không bao giờ. Chiến tranh đã qua. Nhưng ngay thời chiến trận cũng vậy thôi. Thấy các chị em là bộ đội, là thanh niên xung phong, đối mặt với hiểm nguy chết chóc, thương lắm. Mẹ cha thằng giặc, vì mày mà các em các chị phải ra trận. Chứ xông pha hòn tên mũi đạn, chịu chết chóc què cụt ốm đau là nghĩa vụ của thằng đàn ông chúng tôi. Huống hồ bây giờ đã là hòa bình, và thời gian đã đủ để sinh ra cả một thế hệ con trai để chúng thay thế anh em lập kỳ tích. Vả chăng làm mẹ làm vợ, là một hạnh phúc tuyệt vời, nhưng cũng là một khổ ải nhân thế người phụ nữ phải đơn độc gánh vác suốt một đời người rồi!
Bởi vậy, cung đường này chỉ nên có rặt con trai, tuổi cao nhất cũng chỉ nên như Hợi là cùng thôi. Cuộc sống còn nhọc nhằn. Chiến tranh đã xa rồi, nhưng di hại của nó thì còn dai dẳng và đời sống thì không thể chốc lát biến cải. Nơi đây, thời chiến là bãi giao đấu, phân tranh khốc liệt. Giờ đây, đâu đâu cũng là tha ma nghĩa địa. Hài cốt người táng ở đây không hao. Nơi đây, thuận với người chết, nhưng không thuận cho người sống. Đất đá cát sỏi lại thiếu mưa, thiếu sông ngòi. Sống sót chỉ còn là sim mua hoang dại và ít cây thông nhựa cùng keo tai trâu người mới trồng gắng gượng. Nhưng, cây cối thì có thể không mọc, cư dân có thể không tụ họp thành xóm thôn, mà con đường thì vẫn cứ phải dòng dòng sự sống đi qua. Con đường vẫn phải có mặt như ở bất cứ một vùng quê trù phú nào. Và Tua cùng anh em, do vậy, không thể vắng mặt ở nơi này. Càng không thể vắng mặt vì đoạn đường mười sáu cây số dài dằng dặc qua cung đường này lại là đoạn đường xấu nhất trên tuyến đường. Nó xấu vì người thi công ẩu, vì chạy theo thành tích, vì tâm lý méo mó có hơn không, vì khi đặt đường ai cũng muốn làm quáng quàng cho xong, vì ở đây buồn quá, khổ quá, vì thói quen ăn xổi ở thì, làm việc không nghĩ tới hậu họa lâu dài.
Vậy thì phải cắn răng lại mà chịu đựng! Chịu đựng để làm việc, để bảo vệ sự sống của đoạn đường mười sáu kilômét mà tính sơ sơ cũng đã có tới năm ngàn thanh tà vẹt gỗ mục, lại có chỗ còn nguyên đinh tăm-pông bằng tre của thời mới đặt đường vừa ngây dại vừa khinh suất. Ở đây, chỗ cây số 494, độ dốc sáu độ ba, lơ là một tý là xô ray, bung đường liền. Ở đây, chỗ cây số 510, hãy coi chừng vì mưa một chập đất núi hai bên sẽ sẵn sàng đổ sụp. Ở đây, xóc lắc là hiện tượng tàu nào đi qua cũng than vãn, vì chẳng những đường bị bọn người bất lương moi đá, tháo cóc, lấy lập-lách, mà ngay khi mới làm, nhiều đoạn nền đường cũng chỉ là bùn nhão, hoặc đá đã hết độ đàn hồi. Rút, tỉa, luồn, chèn từng thanh tà vẹt, chống xô ray, vệ sinh mặt đường, chống sụt lở, vất vả vậy mà gian khổ xem ra vẫn chưa bằng trần mình trong nắng nung, chống chọi với gió cát. Gió ở đây là gió hoang dại, nó bốc cả một núi cát lớn, bay mù mịt phủ kín mít từng đoạn đường dài. Nắng hoang mạc cháy khét đến cả không khí, còn thịt da thì bị thiêu đốt đến mức không còn phân biệt được đâu là cái nóng bên ngoài, đâu là cái nóng bên trong. Ngày đã vậy, đêm lại oi nồng. Giấc ngủ chập chờn đến, đi giữa tiếng rên rỉ, khoái trá hoặc giật thét kinh hoàng của bọn côn trùng, rắn rết săn đuổi ăn thịt nhau, hay cuồng hoan trong lạc thú dục tình.
Vậy thì hãy nghiến răng lại mà sống mà làm việc, hỡi anh em!
Người xác xơ, kiệt cằn, cặn mồ hôi mặn chát muối biển. Mũi khoan sâu bốn mươi lăm mét phụt lên luồng nước tanh mùi gỉ sắt. Khát cháy họng, cầm bát nước không muốn ghé môi mà vẫn phải uống. Đói lử lả, miếng cơm cứng nhắc cũng cứ phải nuốt. Bởi không thể rời xa công việc. Bởi khắc khoải trong mơ vẫn là nỗi kinh sợ con tàu gặp nạn. Bởi sự sống của con đường đã trở thành danh dự, lương tâm. Vì danh dự và lương tâm mà chấp nhận một đời sống xa cách mọi nhu cầu tối thiểu và thời thượng. Karaoke là gì không biết. Đĩa CD là cái chi không hay. Bãi biển, ngày hè, quán nhậu là thế giới ngoài ta. Hội hè, lễ Tết, không. Cả năm không một tấm ảnh chụp. Báo chí không. Liên hệ với cộng đồng chỉ là một chiếc đài nhỏ chạy pin. Chợ xa quá, con cá đem được về đã ươn thối, miếng thịt đem được về đã ôi oai. Một tuần, trên chiếu cố cho tàu đỗ lại năm phút vào hồi mười hai giờ trưa ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy, vừa đủ quăng xuống mấy bì gạo nhờ mua và nguyên vật liệu sửa đường. Một đời sống không lời khích lệ. Một đời sống không ân cần, nuông nịnh. Không sinh thú. Không khoái lạc. Không tu hành mà tự nguyện kiềm thúc, kiềm chế tối đa. Nhân cách đo bằng sự nhẫn nhịn, được duy trì không phải bằng thói khát muốn đồng tiền, cũng không phải bằng thứ chủ nghĩa anh hùng lửa rơm, mà bằng chất men say âm thầm bền bỉ.
Vậy là đã xảy ra một biến thể để lộ ra sau cái đời sống nhìn thấy là chốn thăm thẳm của bản thể bị phong bế. Con người luôn có khả năng biến thành kẻ khác với chính nó. Tua là vậy, kể từ buổi chiều dông gió nọ. Một linh hồn xa lạ từ đâu đó đã nhập vào thể xác khô cằn héo hắt của Tua, khiến Tua bỗng như cây cỏ gặp cơn mưa móc trở nên tươi nhuần.
Và không chỉ có Tua. Ký ức bừng sáng, Tần, Tuyền, Nhượng, Triệu, Hàn, An, Hợi... lần lượt trở thành kẻ xa lạ với chính mình. Hóa ra bọn họ đều là trai tơ. Nhận ra điều đó, tất cả bỗng trở nên vui vẻ, tươi mưởi, rộng rãi khác thường. Một chiều đi làm về sớm, mọi người nhất loạt thanh toán hết lũ râu tóc vô kỷ luật. Lược in vết trên mái tóc ngắn có đường ngôi thẳng trắng hếu. Cái sân bóng chuyền ồn ĩ, chia hai bên thi đấu, vừa đủ mỗi bên sáu, cùng loạt may ô trắng quần đùi xanh, không còn ai thừa để làm trọng tài mà Hợi ta lại là thằng đã hay ăn gian lại lắm lý sự cùn. Lần đầu tiên trong đời, các đấu thủ ở đây chơi bóng không chỉ là vui mà còn để người khác xem. Người này là người mới đến. Vì người này mà từ nay chấm dứt hẳn việc ăn cơm lúi xùi ở trong bếp, hoặc mỗi anh một cặp lồng ngồi ăn ở bất cứ chỗ nào và ăn xong thì bát đũa, cặp lồng, tất thảy đút vào gậm giường để sắp đến bữa sau mới lôi ra lau rửa. Thức ăn, dẫu chỉ có rau dưa, củ lạc, con cá khô cũng dọn thành hai mâm đặt ngay ngắn trên một chiếc bàn đá dài. Nồi cơm lớn để ở đầu bàn, cơm trắng đánh tơi, thơm phức. Lần đầu tiên, người ngồi ăn tất thảy đều áo quần tinh tươm sạch sẽ, trịnh trọng đón bát cơm xới, lại ý tứ nhìn về phía đầu nồi như có ý cám ơn.
Ngồi đầu nồi là một phụ nữ tầm thước, mặt trái xoan tươi hồng, vai thon, ngực tròn, eo thắt, hông nở, đầy đặn nữ tính. Tay cầm cái quạt nan, như người mẹ, như người chị, như em gái nhỏ, người nọ phẩy hơi mát cho tất cả mọi người. Vui sướng tràn trề trong cặp mắt đen láy, vẻ tần tảo hiện hình ở lớp mồ hôi rịn nơi chân tóc, ở hai bả vai áo ướt đầm nổi hằn đường nét duyên dáng bí ẩn của vệt dây đỡ chiếc nịt ngực, người phụ nữ đưa đôi tay nhỏ nhắn đón đỡ kịp thời mỗi chiếc bát và thoát ra từ đôi môi xinh một tiếng nói hậu tình: “Để em xới ạ”.
Thốt nhiên, Tua thấy cay cay cánh mũi. Đưa mắt nhìn, anh nhận ra bạn bè đều chung một trạng thái rưng rưng: ôi, hạnh phúc, đó là những cử chỉ thân ái, nhân hậu nho nhỏ hợp thành, xa lạ và quen thuộc biết bao!
- Ơ! Con ruồi! - Đột ngột, Hợi đặt bát cơm, vung tay chỉ một chấm đen vừa đậu xuống chiếc nút lá chuối ở chai rượu đặt giữa bàn - Ông Tua, tôi cam đoan với ông, nó chính là con ruồi đực hôm rồi.
Bất giác, Tua đặt bát cơm, ngực hẫng một nhịp tim. May thay, con ruồi bẩn thỉu từ đâu bay tới đang mân mê chiếc nút chai rượu cất cánh bay vù lên. Nó bay lên cùng tiếng cười khoái trá của Hợi và câu chuyện tiếu lâm Hợi kể tiếp sau đó. Nhìn vòng bay của con ruồi, Tua đưa tâm trí trở lại đường bay kỳ ảo của con bướm vàng hôm rồi.
- Cô Thoa! Bữa nay cô cho chúng tôi món ăn rau sắn ướp chua xào tỏi, đặc biệt quá!
Lát sau, nhướng cặp mắt hai mí mở to về phía người phụ nữ đang đánh cháy rìa nồi, Tua cất tiếng. Và thấy chị nhỏn nhẻn cười, Tua liền kêu to:
- Kìa, cô cũng phải ăn đi chứ. Sao cứ ngồi xới cho chúng tôi mãi thế?
- Anh mặc em. Em ăn sau.
Người phụ nữ đáp khẽ, môi thoáng một nét cười hoa, nhặt một miếng xém ở rìa nồi, nắm thành một nắm chim chim đặt lên chiếc đĩa trên mặt bàn.
- Em đi xuôi theo đường sắt xuống cách đây hai cây số, thấy một vạt đất mọc toàn sắn vàng. Hình như trước đây ở đó có một công trường. Em thấy có vườn rau. Em vun được mấy luống rau muống. Có cả một cây me già to tướng.
- Trước có một đơn vị bộ đội tham gia làm đường sắt ở đấy.
- Em thấy có một cái ao cạn.
- Hôm nào ta đi tát đi, anh Tua!
- Phải đấy, hôm nào anh em mình đi tát cá đi!
Những tiếng nói hào hứng rộ lên quanh Tua. Tua đón bát cơm người phụ nữ đưa, đặt xuống, bỗng thấy má trái vướng vướng một ánh nhìn mềm mại, liền quay lại và ho hó cái miệng tròn ngạc nhiên không nói nên lời. Một khuôn trăng đầy đặn vừa nhô lên sau những trảng cát trắng dịu, như một người khách lạ đang ngó nghiêng ngoài cửa, ánh mắt thật trìu mến, rụt rè.
- Thoa này! - Bỗng nhiên Tua nhìn người phụ nữ, giọng hạ xuống, trầm dịu xôn xang - Tôi nhớ hồi tôi còn bé, bố tôi bế tôi đi chơi trong xóm, một chiều ông chỉ tay lên trời bảo tôi: “Ông trăng kia kìa, con”. Tôi nhìn lên, thấy một khối vàng tròn đầy, lơ lửng, liền tụt khỏi tay bố, chạy tọt về nhà.
- Anh sợ à, anh Tua?
- Không hiểu! Bây giờ cũng vậy, lúc ấy cũng thế. Không hiểu tại sao tôi lại bỏ chạy!
- Đa cảm quá đấy!
Mặc Hợi bình phán và cười phá lên thô lỗ, người phụ nữ như dịch lại bên Tua, hai con mắt đẹp, thân thiết đậu lại như mãi mãi trên gương mặt gầy gùa của Tua và khẽ khàng:
- Anh ăn đi chứ, anh Tua.
*
Chiều lồng lộng diệu cảnh cơn dông gió. Đêm mơ màng trong ánh trăng ngưng. Ngày đi qua ăm ắp sự kiện và ấn tượng. Một bữa cơm quây quần. Một hơi quạt phất. Một câu chuyện thời thơ ấu. Những tiếng gà lích rích ngoài hàng rào quây luống đất mới gieo hạt rau cải. Mảnh sân phong quang lụp bụp tiếng bóng rơi. Bóng hình người phụ nữ óng ả vào ra. Đời sống bỗng nhiên trở nên lạ lùng và khó hiểu, vì thực cảnh trộn lẫn với chiêm bao.
Người phụ nữ, cho đến giờ, vẫn là một hư ảnh nhòe mờ giữa hiện thực và ảo thể. Chưa một ai trong bọn họ, kể cả Tua trong vai cung trưởng, nhìn rõ gương mặt đẹp của chị. Người phụ nữ từ đâu đến, do ai giới thiệu đến, tất cả đều có câu trả lời chính xác, mà vẫn cứ mu mơ, lờ mờ. Nhập vào đời sống cần lao của những người lao động khốn khổ ở cung đường này, chị biến hóa thành một bà mẹ, một người chị, một cô em gái, và cuối cùng kết tinh thành hình tượng một người đàn bà đẹp, có sức biến cải hoàn cảnh, khiến cả tá con người lao động như bừng tỉnh, nhận ra mình là những kẻ độc thân trẻ tuổi bấy lâu nay vẫn âm ỉ trong mình những khát vọng sống mà tự mình không biết. Suốt sáu tháng liền đoạn đường sắt tồi tệ không xảy ra một sự cố, dù là nhỏ nhoi. Mười hai người thợ đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Nhưng trên thực tế, họ đã trở thành những dũng sĩ, thiên thần lập những công tích kỳ lạ. Họ biến đổi âm thầm, tự mình không hay.
Nhưng cuối cùng thế là đã xảy ra một bước nhảy ngắt quãng. Một ngày nọ, tỉnh dậy lúc tinh mơ, mọi người nhận ra ở ngoài sân có cuộc cãi cọ gay gắt giữa Tua cung trưởng và gã con trai quá lứa tên Hợi:
- Tua ạ, nó là con đàn bà thì tôi mơ ngủ với nó cũng là lẽ thường tình. Chứ sao ông lại trách tôi?
- Ông Hợi ạ! Có những điều nói ra thì lập tức là thô bỉ.
- Nhưng ông có hiểu gốc gác lai lịch của nó không?
- Tôi không cần biết. Tôi chỉ cần biết, đó là Thoa.
- Hừ!
- Phải! Đó là Thoa. Thoa của chúng ta!
Gọi tên người phụ nữ, Tua cất cao giọng. Mọi người đều trở dậy bước ra sân và nhận ra, Tua như đang trở lại cơn cảm hứng xuất thần chiều dông gió nọ, như đang thấy lại cảnh tượng huy hoàng, niềm cao quý thiêng liêng của năm sắc cầu vồng và cái đẹp huyễn hoặc được hóa thân thành một cánh bướm vàng.
*
Một ngày kia, con bướm vàng lại xuất hiện trong điệu vũ tung tăng, huyền ảo. Đến bây giờ thì mọi người đã biết rõ lai lịch, nguồn gốc của nó. Nó sinh trưởng ở chân núi Hoàng Liên Sơn. Nó là một giống bướm rừng xứ lạnh hiếm hoi vì độ lớn và sắc màu. Nó đã lọt vào vợt của một nhà côn trùng học và nằm khô cứng trong bộ sưu tập bướm rừng xứ lạnh của ông. Nhà côn trùng học nọ đáp tàu vào Nam. Tàu qua vùng này, ông mở hộp kính ép xác con bướm nọ ra xem. Tái sinh trong chốc lát nhờ một phép lạ, con bướm vẫy cánh ra khỏi hộp kính và bay thẳng đến với những người ở cung đường này.
Hôm nay, con bướm vàng theo thói quen lướt theo chiều dài của sợi dây phơi, nhưng nó không tìm được nơi đậu. Chỉ có mười hai bộ quần áo đàn ông, xanh bạc, cứng quèo, sặc mùi mồ hôi, tuyệt không một thoáng hương thơm.
Chiều đó, bữa cơm vắng Hợi và Tua. Tận tối mịt mới thấy họ trở về, quần áo cả hai đều tơi tả và mặt mày họ đều hằm hè dữ tợn. Họ đã mắng mỏ chửi rủa nhau. Vì lý do gì? Mọi người xì xầm đoán chừng. Có lẽ sự thể liên quan tới việc mất biến chiếc nịt vú và bộ quần áo của người phụ nữ. Chiều hôm sau, sự việc lại lặp lại. Đi làm về, hai người gọi nhau ra bãi sim mua sau nhà và trở về với hai thân hình in rõ dấu vết của một cuộc ẩu đả dữ dội. Má Hợi tím bầm. Mắt trái Tua sưng u.
Cả hai đều nhận từ đối phương những miếng đòn đau. Cả hai đều lử lả. Nhưng ngồi vào mâm cơm phần, vừa hết bát cơm thứ nhất, Tua đã vứt tạch đôi đũa, dựng dậy cả tấm thân lòng khòng, sườn nổi từng dẻ xương, chống nạnh, quăng quắc hai con mắt:
- Tôi yêu cầu chấm dứt trò thô lỗ hạ đẳng ấy. Đó là bệnh hoạn, chứ yêu đương cái gì. Trả quần áo cho người ta!
Nheo nheo con mắt đỏ ké thèm muốn nhục thể, Hợi từ từ đứng lên, nhếch mép:
- Chuột chù đòi có xạ hương, hả?
- Ông nói cái gì?
- Nói trắng ra, hạng ấy giỏi lắm cũng chỉ là cave hoặc gái bia ôm.
- Im đi!
- Thấy đỏ ngỡ là chín, hả? Mày nên nhớ loại ấy ở quanh các ga xe hỏa có hàng vốc. Bọn phò phạch, bọn đĩ điếm đó, hiểu chưa?
- Câm ngay cái mồm mày lại!
- Mày sợ sự thật à?
- Tao cấm mày làm nhục cô ta. Mày đã làm cô ấy khóc, cô ấy đòi bỏ đi.
- Hứ, đĩ khóc, tù van, hàng xáo kêu lỗ, thế gian sự thường. Còn nó đòi bỏ đi mày có biết là vì sao không? Vì công an người ta cử người đi truy nã.
- Câm!
Xô ngay tới, tay trái túm cổ áo gã trai bợm bãi, cùng với tiếng thét như vỡ họng, Tua vung nắm đấm. Nắm đấm chắc nịch, dồn tích ở mỗi ngón tay co toàn bộ khí lực; nỗi căm hận, lòng tự trọng và tinh thần bảo toàn danh dự đã biến thành một năng lượng trừng phạt.
Cúi xuống, nhổ ra hai cái răng cửa gãy và những hạt cơm chưa nuốt hết, ngẩng lên, môi miệng Hợi mếu xệch nhoe nhoét máu.
*
Bữa cơm dọn sau một ngày nắng chảng. Gió lồng lộng đem cát bỏng đến vùi lấp cả một đoạn đường sắt dài hơn cây số. Cả đội mệt rã rời vì công việc, vì cái nóng lửa lò, vì bỗng nhiên thấy người cứ như bã nhủn ra, không còn hơi sức. Trên cái bàn đá rộng chỉ có một nồi cơm cháy lên tận mép nồi và một đĩa cá khô nướng, con nào cũng ngoác miệng như quái vật. Nồi cơm không có người đánh tơi. Mỗi người cầm bát tới, vục vào nồi, khoét một vầng, rồi gắp một con cá, đoạn ngồi xây lưng lại bàn ăn, nhìn ra ngoài.
Bốn bề trơ trống như thiếu hụt nơi hội tụ. Cái dây phơi thưa thớt mấy chiếc áo, mấy cái quần đàn ông vắt xiêu vẹo, chăng chớ, ướt sũng nước.
Miếng cơm nhai trệu trạo trong miệng. Tua lừ lừ con mắt nhìn quanh. Tua đã chẳng còn là Tua hôm qua và bạn đồng nghiệp, những kẻ dưới quyền y cũng hoàn toàn giống y, kể cả Hợi, gã con trai hư đốn. Tuổi trẻ bỗng nhiên như rời bỏ họ, một sớm mai trở dậy, tất cả đều rậm rì râu ria, già sọm hẳn đi. Ngày vui như một ánh chớp ngắn ngủi, như một cơn dông hạ nhiệt thoáng qua. Giấc mơ đã có ý tưởng, cuộc sống đã được đánh thức, nhưng đã buột ra khỏi tay nắm. Tất cả đều là thật mà không sao nắm bắt được, vì đó là ánh sáng, là ngọn gió, là cái vô hình vô ảnh. Khúc đứt gãy phũ phàng làm lộ toẹt cái hiện trạng bị che lấp bao lâu nay, khiến con người rơi vào trạng thái chưng hửng bẽ bàng và tủi hổ; sự mỉa mai giễu cợt với những số phận bị đóng đinh vào hẩm hiu sao mà quái ác vậy!
Bỏ bát cơm, Tua ngồi như như hóa đá, đen thui một khúc xương khô gộc ghệch. Tách ra khỏi tất cả, đóng kín các cánh cửa giao tiếp, Tua hoàn toàn biệt lập. Giờ đây, Tua mới nhận ra nỗi thống khổ đối với sự mất mát một hy vọng, sự thiếu vắng niềm vui giao tiếp với cái đẹp, còn muôn lần dai dẳng, đớn đau hơn, nếu so với cơn đói khát của dạ dày, cơn mệt mọc của cơ bắp. Giờ đây, y nhận ra sâu sắc hơn bao giờ hết, cái đời sống bọn y phải cam chịu, một đời sống nghèo nàn, không ấn tượng, không gia đình, không tình yêu, trong chế dục, tưởng là im lìm vô cảm, nhưng hóa ra luôn ở sát làn ranh của những cơn rối loạn tâm thần!
Cuối cùng, Tua đã đứng dậy, nhìn quanh. Tua nhận ra, không trừ ai, tất cả bạn bè Tua cũng đều đang bối rối như Tua. Hóa ra cuộc sống luôn là sự thức tỉnh và chẳng có gì là mất đi, dù là một ánh chớp nhỏ. Nhưng, hình như Tua không quan tâm lắm đến điều ấy. Hai con mắt y đỏ bầm như vừa bị ăn đấm. Y vung tay và giọng y bỗng trở nên hung dữ, cộc cằn vô cùng.
- Này, nghe đây. Có đúng là lúc các cậu về nghỉ trưa đã không thấy cô ấy không? Sao, vẫn thấy quần áo cô ấy phơi? Thế ai trực nhật nấu ăn? Có đúng là người của bên công an huyện đến hỏi không? Hừ! Hừ! Không thể như thế được! Không thể như thế được! Như thế là vô lý hết sức! Vô lý hết sức!
Lử lử đi đi lại lại, Tua tiếp tục quát tháo, rồi đột ngột tiến đến sát người này, người nọ, khiến họ phải im thít và giật lùi, vì trông mặt y hung dữ thế, thì bất cứ ai lúc này cũng có thể bị y coi là thằng Hợi bệnh hoạn chưa biết chừng.
- Ai, kẻ nào nói cô ấy là con bớp? Là điếm trốn cải tạo? Là đứa con gái chuyên nghề chôm chỉa? Ai? Ai? Có giỏi thì ra đây đối chất với tôi. Ai? Ai?
Hất cái cằm nhọn như một mũi thương lên, y nghiến răng kèn kẹt, rồi sáp mặt vào người này, người khác, y gầm ghì:
- Tôi cấm! Tôi cấm không được nói xấu người ta! Ai không nghe tôi, tôi không để yên đâu. Nhất định tôi không để yên đâu!
Rồi giữa cái im lặng của mọi người, y lệt xệt đôi chân trần trên sỏi đá, một mình đi giữa khoảng sân rộng. Đưa hai con mắt ra bốn bề mênh mông, bỗng như nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng dông gió chiều nào, y giơ hai cánh tay gầy lên cao, cất tiếng gào thật lớn, thật ai oán, não nề:
- Các người có mắt mà không có con ngươi! Các người mù lòa cả rồi! Mù lòa hết cả rồi! Mù lòa hết cả rồi!