Sáng tác

Đá dăm trắng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú
Danh tác văn học
10:00 | 20/07/2024
Mới sang tháng Tư mà trời sao đã nắng nóng, cái xe đạp của tôi đi chậm chạp, tiếng xích khô dầu kêu vang. Tôi về đến chỗ làm việc thì đúng giữa trưa. Cả tổ đang nghỉ, ngồi ăn cơm dưới bóng cây bên một đống đá dăm trắng trông như hòn núi nhỏ...
aa

Tôi dừng lại trước khung cửa hẹp có lối đi nhỏ dẫn đến chân cầu thang. Tôi đi qua một gian phòng lớn có những thùng hòm, bao bì xếp chồng chất. Mùi gỗ thông, mùi đường và mùi xà phòng lẫn lộn làm tôi hắt hơi liền mấy tiếng. Tôi lấy khăn lau mặt, sửa lại tóc, xem xét quần áo, rút phong bì trong túi ra cầm sẵn ở tay.

“Tầng hai, phòng bên phải!” - Tôi nhớ lời Chiêm dặn và bước nhanh lên cầu thang. Có mấy người từ trên gác đi xuống người nào cũng tay ôm bọc, tay xách túi, nét mặt hớn hở. Chắc lúc nữa tôi cũng ôm xách và hớn hở như thế kia. Tôi đi có một mình nên có thể phải mang nặng hơn họ. Không sao, trong túi tôi đã có sẵn cuộn dây, nếu cần tôi sẽ buộc lại thành bó, thành gói để vác hoặc gánh. Nặng sao bằng gánh đất gánh đá. Tôi nghĩ và tránh sang một bên nhường lối cho họ.

Mấy người mang hàng vừa đi khỏi thì lại có mấy người khác đi xuống tiếp. Những người này đi không hoặc cũng cầm túi ở tay như tôi. Người đi đầu là một bà ngoài năm mươi tuổi, cao lớn, bệ vệ, có khuôn mặt vuông nghiêm nghị, nước da mai mái, và đôi mắt có cái nhìn phẳng lặng, bước đi chậm rãi. Đằng sau bà là bảy, tám người phụ nữ nữa vây bọc và cười nói xôn xao như một đám rước nhỏ. Người nào cũng muốn đi ngang hoặc nhích lên phía trước để nói vào tai bà một câu gì đó.

Nhưng bà đâu có nghe, có nhìn những thứ lao xao ấy. Tay cầm chùm chìa khóa, mắt lơ đãng nhìn vào một cái gì đó vô hình ở trước mắt chỉ riêng mình bà biết, tai bà vẫn nghe nhưng không phải là những tiếng nói chung quanh, đầu bà gật gù hoặc lắc nhè nhẹ cũng không phải vì những điều đang xảy ra ở chung quanh. Nhưng những người đi phía sau lại thiếu biểu lộ tình cảm, cần nói, cần tỏ những cử chỉ săn đón vồn vã kể cả những nụ cười tươi ở phía sau lưng nữa.

Bà đi xuống chân cầu thang, nhìn quanh, quan sát khắp nơi, nói một vài câu với người ngồi gác kho rồi lại đi lên. Lúc này, những người đi sau bà trở thành đi trước. Tất cả dừng lại trước cửa phòng. Khi bà tra chìa khóa vào ổ và cảnh cửa vừa từ từ mở thì đám người này đã nhanh chóng vào ngồi một lượt trên cái ghế dài và những cuốn sổ, những tờ giấy xếp thành chồng trên mặt bàn.

“Cửa hàng trưởng, người mà mình cần gặp đây ư?” Tôi nghĩ và bỗng thấy hồi hộp, đứng nép vào một bên cửa. Thế là đã muộn rồi, tôi không biết phải xếp chiếc phong bì của tôi lên trên hay xuống dưới. Hai người thanh niên mới đến vừa lau mồ hôi vừa đưa ra những quyển sổ. Tiện tay tôi cầm lấy tất cả và để xuống bàn cạnh chồng giấy, sổ của mọi người.

Bà cửa hàng trưởng mở ngăn kéo lấy khăn lau bàn, kéo ghế ngồi, lấy kính ra đeo mắt, rót nước uống. Bà làm tất cả mọi động tác một cách khoan thai, đều đặn, tuy chỉ nhìn thấy một lần nhưng cũng cho ta ý nghĩ ngày nào những việc ấy cũng được lặp lại giống như thế.

- Trên hay dưới trước đây?

- Dạ, thưa cô, từ trên xuống ạ!

Một cô gái trẻ tươi cười nói rồi rất nhanh, cô trườn đến đứng sát bên bàn, cầm quyển sổ đầu tiên để lại trước mặt cửa hàng trưởng.

- Xin gì thế? - Cửa hàng trưởng hỏi và cẩm quyển sổ lên.

- Dạ thưa cô, em xin cô duyệt cho em được mua mấy thứ, cô đã hẹn em hôm trước, chữ của cô đây ạ!...

Cửa hàng trưởng nhìn vào quyển sổ, đọc mấy chữ, viết mấy chữ rồi gấp lại đưa trả cho cô gái. Cô gái cười, rồi ngoẹo đầu chào cửa hàng trưởng và đi ra. Một chị khác đã đứng thay vào chỗ ấy ngay lập tức:

- Chị hẹn em hôm qua nhưng hôm qua em đến chị lại vắng. Em chờ mãi không thấy chị, em lại về. Sáng hôm nay em lại đến, lâu quá mới được gặp chị.

- Hôm qua tôi đi họp trên Sở Thương nghiệp, mới lại hôm qua không phải là ngày duyệt hàng.

- Dạ, vâng ạ! Hôm nay chị cố gắng duyệt cho chúng em xin nốt nhé!

- Ờ, có chẳng cho thì để làm gì? - Cửa hàng trưởng nói và cầm bút viết những chữ gì đó vào trong quyển sổ rồi lia ra bàn.

- Ông xã về chưa?

- Dạ, chưa ạ! Nếu về thì em đã bắt đến trình diện chị ngay rồi chứ!

- Nhớ cái ấy nhé!

- Xin vâng!

- Gì thế này? - Cửa hàng trưởng giở quyển số tiếp theo giọng hơi gắt. - Sổ sách gì mà nhàu nhĩ thế?

- Dạ, báo cáo chị, hôm nọ đem sổ đi duyệt hàng về bị mưa... chị cho em xin mua nốt số khăn mặt còn lại và xà phòng kem ạ.

- Lấy một nửa trước đã nhé.

- Chị ôi, chị cho em luôn cả đi, em ở xa quá, đi về mất nhiều thời gian lắm, chị ạ!

- Thế sao được, mọi thứ phải có dự trù, kế hoạch từ trước chứ!

Một người con gái trẻ, rực rỡ trong chiếc áo có những bông hoa to bằng cái bát, may rất cầu kỳ, vai đeo túi da, từ ngoài đi vào, không xếp hàng, không xếp sổ, không ngồi chờ, cũng không chào hỏi, đi thẳng đến trước mặt cửa hàng trưởng, rút túi đưa ra một tờ giấy:

- Anh gì ở trên phòng gửi chị đây.

Bà cửa hàng trưởng ngẩng lên, nhìn thấy cô gái thì tươi cười gật đầu chào và cầm vội lấy tờ giấy, đọc ngay.

- Sao nhiều thế này?

- Tùy chị thôi! Em chỉ là người liên lạc chứ chẳng ăn nhằm gì vào đấy.

- Anh ấy có bảo gì nữa không?

- Chị còn muốn anh ấy bảo thêm gì nữa ư?

Cô gái trề môi nói rồi vủng viểng cười. Cô ta có thái độ khác hẳn mọi người và cử chỉ, giọng nói của bà cửa hàng trưởng cũng thật đặc biệt. Bà ta cắm cúi viết vào tờ giấy khá nhiều chữ rồi đưa lại cho cô gái:

- Hết mức rồi đấy nhé!

- Được rồi! Nhiệt tình của chị thế nào, các anh ấy biết chứ!

Cô gái đọc tờ giấy, vẻ hài lòng hiện lên trên nét mặt. Cô ta cho tờ giấy vào túi rồi nhoẻn cười và đi ra.

Vài tiếng xì xầm chúng quanh tôi: “Cán bộ trên phòng đấy!” Đúng là con vua, vua yêu, con triều, triều dấu, con châu chấu thì châu chấu yêu!”

- Đề nghị gì thế này? Anh là công nhân à? Nhà máy nào thế?

Anh công nhân cùng xếp sổ với tôi lúc này, vội đứng lên chạy lại, giọng oang oang:

- Báo cáo chị, chúng tôi có sổ mua hàng đấy ạ!...

- Những thứ hàng này hết mất rồi. Thuốc lá thì chỉ còn có Sa Pa thôi.

- Sa Pa nặng lắm, chị còn Sông Cầu vậy!

- Làm gì còn loại ấy! - Cửa hàng trưởng trả lời, vẻ bực bội - Có cái gì hút cái ấy, chứ ai cũng cứ đòi hỏi thế này thì Nhà nước lấy đâu phục vụ cho được!

“Lúc này tôi vừa thấy người ta mua Sông Cầu mà, các anh ấy là công nhân phải ưu tiên cho các anh ấy chứ?” Suýt nữa thì tôi buột miệng nói như thế, nhưng rồi tôi ghìm lại được. Anh công nhận có vẻ tần ngần, cầm quyển sổ lên rồi nói:

- Còn những thứ hàng kia thì sao, hả chị?

- Không có đâu anh ạ!

- Thế thì gay nhỉ? - Anh công nhân nói rồi lấy khăn lau mồ hôi trán, cầm sổ đi ra.

- Cái gì thế này? - Cửa hàng trưởng hỏi khi cầm cái phong bì của tôi giơ lên.

- Dạ, thưa... - Tôi đứng lên, ấp úng. Tôi không biết phải xưng hô như thế nào cho đúng và không hiểu sao những điều tôi chuẩn bị từ trước bỗng nhiên quên hết. Hơn thế nữa, tôi ngạc nhiên nhận thấy trong phòng lúc này chỉ còn có hai người, tôi và cửa hàng trưởng:

- Thưa chị, em ở Công ty Sửa chữa Cầu đường...

- Đề nghị gì?

- Dạ đề nghị với chị, cho chúng em được mua một số mặt hàng về làm phần thưởng cho chị em. Trong thời gian vừa qua chị em đã có rất nhiều thành tích trong lao động. chị em đã làm tăng năng suất...

- Ở đây không có gì để làm phần thưởng cho chị được cả đâu nhé! Vừa qua ở đây cũng có thành tích còn phải đi xin phần thưởng ở những nơi khác kia.

- Dạ, thưa chị, em nghe nói là cửa hàng ta có những mặt hàng dành riêng cho phụ nữ, những thứ nho nhỏ như quần áo lót, khăn mặt, khăn quàng ba đồng rưỡi... Em cũng xin nói để chị rõ, chúng em làm công ty tuy đơn giản nhưng rất khó khăn, vất vả lắm, mùa hè thì nắng nung, mùa đông rét buốt, còn bụi thì ôi thôi là bụi, bụi quanh năm bốn mùa... ấy thế nhưng chị em đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành vượt mức kế hoạch. Những con đường mà chị vẫn đi qua hằng ngày...

- Công tác nào mà chẳng có khó khăn. Hoàn thành vượt mức kế hoạc thì nơi nào chẳng hoàn thành! Chị làm ở đâu nhỉ? - Cửa hàng trưởng hỏi và nhìn thẳng vào mặt tôi, với vẻ tò mò.

“Có thể ăn thua đây”. Tôi nghĩ và thấy trong lòng bừng bừng một niềm hy vọng.

- Chúng em là ở Công ty Sửa chữa Cầu đường, nhiệm vụ của chúng em là sửa chữa những con đường cũ và làm thêm những đoạn đường mới. Nơi làm việc của chúng em luôn luôn di chuyển, trên đầu của chúng em chỉ có cái nón để che nắng che mưa, nhà của chúng me là một cái xe hòm, một cái bụng ô tô vận tải hỏng có mái che...

Không hiểu cái gì đã làm tôi nói năng lưu loát và hay ho như thế. Tôi nói về mùa đông khắc nghiệt vừa qua chúng tôi đã phải chịu đựng những gì để sửa chữa những con đường cũ trong thành phố và đã hoàn thành kế hoạch như thế nào. Bây giờ mùa hè sắp tới rồi, mưa gió sẽ phá phách những con đường và nhiệm vụ của chúng sẽ còn vất vả hơn nữa...

Đôi mắt cửa hàng trưởng chớp chớp, hàng mi thưa thớt rung lên nhè nhẹ, da mặt thoáng ửng đỏ. Rõ ràng bà đang xúc động và hơi bối rối vì những câu nói của tôi. Tôi lại hào hứng nói tiếp. Tôi nói về những đứa trẻ nhỏ, con em chúng tôi. Chúng cũng vất vả lây vì mẹ của chúng lúc nào cũng lam lũ và sau mỗi ngày làm việc về nhà người mệt bã, ít có thì giờ chơi đùa, chăm sóc chúng.

- Ở chỗ các chị cũng có sổ căng-tin chứ? - Cửa hàng trưởng ngắt lời tôi.

- Dạ có. Nhưng sổ căng-tin mua được chẳng là bao, mà những khó khăn của chị em thì nhiều. Chị em lao động suốt ngày, quần áo rất chóng rách vì ngày nào cũng phải tắm giặt. Vừa qua chị em có được một số tiền thưởng, chị biết đấy, giá cả thị trường bây giờ đắt đỏ, chúng em lại ít tiền mua được gì? Cho nên, em thay mặt chị me đến đây trình bày với chị. Chị có thể cho chúng em được mua những thứ hàng kém phẩm chất mà các chị đã thanh lý, như những mảnh vải lẻ...

- Chị về lấy sổ căng-tin đem đến đây tôi bán cho. Cứ bảy người một chiếc khăn lụa ba đồng rưỡi. Khăn mặt thì bán theo phiếu vải, cửa hàng có thì bán, không thì thôi. Ngoài ra chẳng có gì khác. - Cửa hàng trưởng nói, giọng gọn ghẽ, lạnh lùng. Tôi thấy lại đôi mắt phẳng lặng chăm chú mà thờ ơ. Bà ta nhìn tôi nhưng tôi biết bà ta không thấy gì. Còn những điều tôi vừa lải nhải nói chắc là chỉ có thể làm động lòng bà ta trong phút giây. Nhưng cũng chỉ sau giây phút thôi, bà ta lại trở về với con người nghiêm nghị mẫu mực, một vị quản lý hàng trăm nhân viên với nhiều kho hàng, tài sản của Nhà nước.

Tôi như người bước hụt nhưng cái phao hy vọng vẫn phập phồng chưa chịu chìm hẳn trước mắt.

- Thưa chị, ở đây chắc có bát đĩa, cốc chén phế phẩm hoặc những mặt hàng kém phẩm chất, chị cho chúng em mua cũng được ạ!

- Làm gì có! Cốc chén trang bị cho các phòng của cửa hàng còn thiếu, chúng tôi chưa biết mua ở đâu nữa kia!

Tôi ngồi thừ, mặt nóng lên. Tôi nhìn đăm đăm cái mặt bàn rộng, nơi hai bàn tay của bà cửa hàng trưởng với những ngón tròn múp míp và chiếc nhẫn mặt đá đỏ lấp lánh. Đôi bàn tay đẹp đẽ và oai quyền biết bao! Nếu như bàn tay ấy cầm bút viết vào tờ giấy giới thiệu của tôi mấy chữ, chỉ mấy chữ thôi, thì cuộc sống của chúng tôi sẽ bớt đi một ít nhọc nhằn. Nhưng hai bàn tay ấy lại nắm vào nhau, ngón nọ xoắn xuýt ngón kia như giữ chúng đừng có ngón nào làm việc gì khác ý của bà. Và, chính từ bàn tay nắm chặt đó, niềm vui, hy vọng của tôi đã tuột rơi đi mất. Còn tôi, chẳng hiểu sao lúc đó còn cố níu kéo một cái gì mà chính tôi cũng thấy nó trở nên vô lý:

- Công việc của chúng em là suốt ngày ở ngoài đường cho nên chúng em không có thì giờ để đi xếp hàng chờ đợi, em xin đề nghị đơn vị em sẽ tập trung phiếu đường của chị em rồi của một người đến đây, chị cho chúng em được mua chung và mua đường trắng. Kể ra đường vàng hay trắng cũng được thôi, nhưng đường trắng pha nước giải khát tốt hơn, mà em nghe nói cửa hàng của chị vừa về một tấn rưỡi đường trắng.

- Ai nói với chị như thế? - Cửa hàng trưởng cau mặt nhìn tôi, giọng hơi nặng và đanh lại.

- Em nghe những người xếp hàng mua đường ở dưới kia nói như thế ạ. - Tôi biết nếu bảo là nghe người bán hàng ở đây nói thì câu nói của tôi sẽ có giá trị hơn nhiều, nhưng tôi phải bảo vệ Chiêm chứ không thể làm hại nó.

- Chị là công nhân sao chị lại đi nghe và tin những lời đồn đại? Con phe nhan nhản hằng ngày tung tin đồn nhảm, sao chị lại tin? Bây giờ thiếu gì những tin đồn nhảm. Chị cứ đem phiếu ra xếp hàng, có đường gì mua đường ấy. Thế thôi nhé!

- Dạ!

Tôi giơ tay cầm lấy chiếc phong bì và tờ giấy giới thiệu rồi từ từ đứng lên. Cửa hàng trưởng cũng đứng lên cầm chùm chìa khóa và đi ra ngoài, nét mặt bình thản, êm dịu. Dừng ở cầu thang, bà nhìn tôi vẻ ái ngại:

- Chị thông cảm nhé, khó khăn chung cả mà.

*

Chiêm đón tôi ở cổng sau và nhìn tôi chăm chăm:

- Thế nào?

- Mày hại tao! Mất toi cả buổi sáng! Bây giờ về biết nói với chị em như thế nào? - Tôi nói và tưởng thuật lại cuộc gặp gỡ vừa qua cho Chiêm nghe.

- Sao lại tệ thế nhỉ? Tao không ngờ đấy! - Chiêm kêu lên, hai tay đập vào nhau, mặt đỏ lên rồi tái đi, mồ hôi vã ra trên trán, hai mắt long lanh, giận dữ.

- Hay là mày nhầm? Hàng hóa hết rồi mà mày không biết?

- Có bao giờ mặt đường hết đá rải mà mày lại tưởng là còn không? Tao làm ở đây ngày nào tao cũng sờ mó vào hàng hóa, tao đếm, tao khuân mà tao lại không biết hay sao?

Hàng cũ, hàng mới, hàng nội, hàng ngoại, hàng có phiếu, hàng không phiếu biết bao nhiêu mà kể, và mỗi người chúng tao một năm trung bình được mua hơn hai chục cái quần áo và đủ các thứ đồ dùng gia đình như ấm chén, bát đĩa, phích, chậu...

- Chắc là hàng kém phẩm chất hoặc mảnh lẻ chứ gì?

- Kém phẩm chất là do ai đánh giá? Họ chứ ai! Cái quần ta-tăng tao đang mặc cũng thuộc hàng kém phẩm chất đây, nhưng tao mặc hơn hai năm rồi chưa rách! Còn mảnh lẻ là như thế nào? Mảnh lẻ của họ là đủ áo, đủ quần nhưng không đủ phiếu! Nhiều lúc được mua hàng mà ruột mình cứ xót cả lên, nghĩ cũng thương các cậu...

- Thế thì không mua nữa có được không?

- Sao được! Không mua tức là mình không tán thành cách thức của họ chứ gì? Họ sẽ nghi ngờ và đặt vấn đề tại sao. Ở đây, nếu như mình làm điều gì trái lại với mọi người tức là mình làm “mất đoàn kết nội bộ”.

- Ở đây nội bộ đoàn kết lắm à?

- Rất “đoàn kết”, “trên dưới một lòng”, tất cả mọi thứ khép kín như một vòng tròn.

- Thế thì gay nhỉ?

- Mỗi khi có mặt hàng mới về, họ lăn vào xem xét, lựa chọn. Nếu là quần áo may sẵn và đẹp thì mỗi đứa một bộ mặc vào người rồi đi lại vung vẩy múa may trong phòng, rồi kêu lên: “Tớ cưa cái này! Tớ xí cái nọ!” Có người cứ thế là bỏ vào túi đem về, trả tiền sau. Những lúc ấy, mình cứ muốn nhắm mắt, bịt tai lại. Mình nghĩ giá như mình không bị thương và có sức khỏe thì mình đã bay đi khỏi nơi này rồi. - Chiêm nói và thở dài, nhìn tôi.

Tôi hỏi trong tiếng thở dài:

- Những chuyện ấy nói với ai bây giờ được nhỉ? Làm sao cho cấp trên biết được những chuyện này nhỉ?

- Thôi mày về đi. Đừng nói gì với chị em chuyện này cả. Cứ bảo họ là còn phải chờ. Để tao thăm dò xem có cách gì không, chứ thế này tức lắm! Nói thật với mày, tao hoàn toàn không ngờ!

Nó còn định nói với tôi điều gì nữa, nhưng từ trong cửa hàng có tiếng gọi, nó giơ tay chào tôi rồi chạy vụt đi.

*

Tôi trở về. Không làm được việc gì nhưng người lại rất mệt mỏi. Mới sang tháng Tư mà trời sao đã nắng nóng, cái xe đạp của tôi đi chậm chạp, tiếng xích khô dầu kêu vang. Tôi về đến chỗ làm việc thì đúng giữa trưa. Cả tổ đang nghỉ, ngồi ăn cơm dưới bóng cây bên một đống đá dăm trắng trông như hòn núi nhỏ. Cái xe lu đứng im lìm trên mặt đường mới đầm nhẵn phẳng. Xẻng xếp một lượt bên cạnh những cái xe ba gác dựng ngược trông như những khẩu súng trường dựng bên những khẩu pháo. Tít xa, thùng nhựa đường đang sôi, khói đen cuộn lên. Trong không khí nắng nung nồng lên mùi nhựa đường và mùi bụi.

- A! Tổ trưởng đã về! Sao nhẹ nhàng thế kia?

- “Pheo huyền” mất rồi! Thế mà chúng tớ bảo nhau ăn cơm no để lấy sức mà đi đón cậu!

- Cơm nước gì chưa mà đi lê mê thế?

Tiếng nói cười nhôn nhao. Những khuôn mặt lấm lem bụi khói, những bàn tay thô nháp nắm lấy tay tôi.

- Họ bảo còn phải chờ xét duyệt đã!

Tôi nói và ngồi xuống, đỡ ca nước từ tay một người nào đưa đến, uống liền một hơi.

- Sáng nay có công việc gì đặc biệt không? - Tôi hỏi.

- Chẳng có gì ngoài sốt ruột, có thấy ai đạp xe đèo cái gì ở đâu đi đến là chị em lại reo lên...

- Tớ cũng muốn mua được nhiều hàng đem về để chị em mừng nhưng còn phải chờ. - Tôi nói.

- Thôi được, chúng ta sẽ chờ! Được chờ cũng là tốt rồi!

- Từ sáng đến giờ, chị em rất phấn khởi, làm hăng hái, cậu nhìn xem.

Trong nắng, đoạn đường mới mở chạy dài. Những lớp đá trải đã nén chặt, phẳng lì sau bánh xe lu. Đó là đoạn đường hẹp, chúng tôi có nhiệm vụ mở thành đường đôi. Công việc san ủi, xếp biên, trải đá và đầm nén đã xong. Chiều nay, chúng tôi sẽ đổ nhựa phủ đá dăm trắng và cát nữa là xong. Xong đoạn đường này, chúng tôi sẽ vào chữa lại đoạn đường trục chính trong thành phố, dọc theo đường tàu điện ra các ngoại ô có biết bao nhiêu đoạn đường cũ hỏng cần sửa chữa và đường hẹp cần nới rộng chờ đợi chúng tôi. Mùa hè đã tới rồi. Những cơn mưa và nước lũ đang đe dọa chúng tôi.

- Găng tay của tớ đâu? - Tôi nói.

- Hẵng nghỉ đã, làm gì mà vội thế?

Tôi đeo găng, trùm khăn, đội nón và lại ra mặt đường. Tôi di chuyển đống đá dăm chuẩn bị cho việc đổ nhựa. Chưa lúc nào tôi thấy cần làm việc như lúc này. Công việc sẽ làm tôi quên đi tất cả những ý kiến buồn phiền đang đè nặng trong lòng. Trong bụi và khói, tôi cảm thấy người nhẹ đi. Nếu không cứ ngồi dưới bóng cây mát giữa chị em và nhìn những bàn tay chai sạm, những vai áo bạc vá, chắc tôi sẽ nói lại tất cả câu chuyện giữa tôi và bà cửa hàng trưởng sáng nay. Bà ta và tôi vốn rất bình đẳng, cả hai cùng đi làm và hưởng lương Nhà nước, tại sao bà ta lại có uy quyền và tôi lại khúm núm sợ hãi trước mặt bà ta như thế? Tại sao tôi lại phải năn nỉ xin xỏ, trong khi, về phương diện những người chủ đất nước bà ta cũng như tôi? Phải chăng cái khác nhau giữa tôi và bà ta ở chỗ trong tay bà ta có hàng hóa còn trong tay tôi chỉ có cuốc xẻng, đá to và đá bé?

Tất cả đã ra mặt đường.

Cái Tý Còi (cái biệt hiệu thật ngược đời) đã lên xe lu. Nó ngồi chật cả cái ghế sắt, cánh tay áo xắn cao thò ra ngoài tròn như một khoanh giò. Cái mũ vải xanh trùm lên mái tóc làm khuôn mặt tròn xoe của nó cứ hồng rực lên. Tiếng nó hát:

Em thân yêu ơi, giờ nơi đâu?

Nhắn giúp cho ta, mây ơi

Nhắn giúp cho ta, chim ơi!

Thảo nguyên mênh mông đem giấu em ta nơi nào?...

Tôi nhìn Tý. Nó là một trong cái bộ ba gắn bó với nhau từ những ngày ở Trường Sơn. Tôi, Chiêm và Tý Còi - ba đứa ba quê nhưng ghép vào trong một tổ lại thân thiết nhau nhanh chóng. Mỗi đứa một tính nết. Cái Chiêm nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chăm chỉ, nhiệt tình. Cái Tý Còi - tròn quay, mạnh bạo, sôi nổi, giống một thanh niên hơn một phụ nữ. Còn tôi, có lẽ tôi ở giữa, dung hòa cả hai.

- Mẹ tớ bảo, lúc mới đẻ tớ cân nặng có một cân chín lạng rưỡi, không biết bú tý. Lớn lên tớ bé hơn tất cả những đứa cùng tuổi. Bỗng nhiên, đùng một cái, tớ thành một cái thùng phuy.

- Sao lại có chuyện “đùng một cái” nhỉ? - Chiêm thắc mắc.

Chúng tôi lăn ra cười.

Ai cũng nghĩ Tý khó lấy chồng, thế mà nó lại là người sớm sủa nhất trong ba đứa. Chồng nó lại là anh chàng đẹp trai, có học. Anh là bộ đội chốt ở Trường Sơn bảo vệ đường ống dẫn đầu. Hai người cưới nhau sau ngày giải phóng, anh phục viên và vào trường đại học. Còn Tý trở về với cầu đường.

- Mày buộc người giỏi đấy, sinh viên là tình tang lắm, không buộc chặt thế là mất như không!

- Ngược lại! Chính tao là người bị buộc! Anh chàng ghen ơi là ghen. - Tý Còi nói.

Có lẽ đúng, vì cứ ngày nào được nghỉ là anh ta lại đến đây đón Tý, có khi anh ta còn đến sớm để làm đỡ Tý một công việc gì đó. Mối tình ấy đã nâng giá trị nhan sắc của Tý lên rất nhiều trước mắt chúng tôi.

Chúng tôi nhận thấy Tý có duyên hơn trước và giọng hát trầm trầm của nó quả là hiếm có. Sôi nổi, nhiệt tình thì ít ai bằng, chính nó đã hai lần cứu tôi thoát khỏi những hiểm nguy trong chiến tranh.

Bây giờ, nó nhìn tôi đăm đăm:

- Mày có chuyện gì thế? Khai ra!

- Có gì đâu, tao mệt!

- Nhìn mặt mày cứ thộn ra tao biết, mày nói dối tao.

- Nhưng mày phải hứa là tuyệt đối bí mật.

- Hứa! - Nó ngoắc tay tôi.

Tôi đành nói sự thật...

- Trời đất! Sao mày không nói với tao ngay để tao đến tận nơi chất vấn bà ta. Ờ, mà sao mày không bảo tao đi cùng mày? Ở đời này không thể lành quá được đâu! - Nó nói ta và nắm tay lại, giơ lên.

- Đừng nóng nảy. Cái Chiêm bảo chờ nó thăm dò xem thế nào đã. Cái Chiêm làm ở đó, mình không nên làm phiền nó.

Tý nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Được! Để xem sao!

Một lúc sau, tôi lại nghe tiếng nó hát:

Thảo nguyên bát ngát, người giấu em ta nơi nào?...

*

Tối hôm ấy, tôi vừa ăn cơm xong đang ngồi chơi với con thì Chiêm đến. Nét mặt nó có vẻ nghĩ ngợi.

- Anh Nhân đâu? - Câu đầu tiên nó hỏi tôi.

- Đi dạy học thêm. - Tôi đáp và nhìn nó. - Có việc gì thế?

Chiêm không trả lời, ngồi xuống thế, nét mặt mệt mỏi, phờ phạc. Tôi pha nước chè đường mời bạn. Nó uống nước một cách chậm rãi, giọng thấp xuống:

- Mình vừa đến nhà bà cửa hàng trưởng. Mình định đến chất vấn thẳng bà ấy về việc của cậu. Mình nghĩ đến những điều xấu có thể xảy ra cho mình vì mình đã tiết lộ những bí mật của cửa hàng. Nhưng mình không sợ, vì nếu việc mình làm là đúng. Nhưng rồi cuối cùng mình đã không nói được gì cả, mà chỉ có làm cho bà ta hiểu là mình đến chơi thăm vì lòng quý mến bà ta.

- Sao vậy? Bà ta không tiếp cậu à?

- Bà ta tiếp mình rất niềm nở. Bà ta còn pha nước chanh đem kẹo bánh ra mời mình rồi nói chuyện rất vui vẻ. Bà ta nói: “Em ạ, chị bây giờ đã có tuổi, chỉ vài năm nữa là về hưu, mọi việc trông cậy vào lực lượng trẻ. Em đã qua thử thách ở chiến trường, có văn hóa, thông minh, chị đang đề nghị với cấp trên mạnh dạn bồi dưỡng các em để thay thế chị!” Giọng bà ta thật ngọt ngào, chắc trong một hoàn cảnh khác mình cũng cảm động, như tiếc thay mình nghe câu ấy hàng chục lần và không phải bà ấy chỉ nói với một mình mình như thế.

- Điều ấy đã làm cậu ngại ngần?

- Không phải. Cái chính là mình bỗng cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực trong ngôi nhà ấy. Khó nói quá. Bao nhiêu điều định nói ở nhà, đến đấy như quên hết.

- Cái gì đã làm cậu như vậy nhỉ?

- Nhiều thứ lắm: nhà bà ta có một cái gì như bí mật, mình gõ cửa rất lâu cửa mới mở. Sau khi có một đôi mắt quan sát mình qua ô cửa mắt cáo ở phía trên. Trong lúc bà ta nói chuyện với mình, tiếng chuông điện thoại luôn luôn kêu vang - nhiều nơi gọi đến trao đổi những công việc gì đó. Mình chợt nhớ câu “Nhà thủ kho to hơn nhà thủ trưởng, vào nhà thủ trưởng tưởng nhà kho”. Những hòm tủ, hàng hóa la liệt, toàn những thứ sang trọng của nước ngoài, rất ít thứ cửa hàng có. Cậu có lúc nào cảm thấy một nỗi lo sợ vô hình chưa?

- Sáng nay, trong lúc chờ đợi và tiếp xúc với bà ta, mình hồi hộp và lo lắng khác thường. - Tôi đáp.

- Ấy là cậu còn ở ngoài “tổ chức” của bà ta. Còn tớ, tớ ở trong tay bà ta. Bà ấy có quyền và có cách chuyển đổi, sa thải bất cứ ai nếu như họ phạm sai lầm khuyết điểm gì đó, hoặc tỏ ra chống đối những việc làm sai trái trong guồng máy của bà. Hoặc giả bà ta làm cho không thể nào ngóc đầu lên được.

- Cậu đã sợ sao còn bày đặt ra chuyện này làm gì? Mình đâu có muốn dính vào những chuyện phiền phức thế!

Tôi nói và cố nén bực bội. Cái gì đã làm cho một con người dũng cảm không sợ bom đạn và cái chết, bây giờ lại sợ cả những giả thuyết về một quyền lực bé bỏng. Đã sợ thì tại sao mỗi ngày đi làm về nó không giấu biến đi lại còn khoe với tôi hết cái này đến cái nọ nó được mua, được phát? Khi mà miếng vải, bộ quần áo, lúc hộp xà phòng, cái quần “mảnh lẻ”. Nhiều hôm, Chiêm đã phải vay tiền tôi để mua hàng, cũng có thứ Chiêm để lại cho tôi. Tôi vẫn thầm biết ơn Chiêm vì những thứ ấy vì nếu Chiêm đem bán ra ngoài tỳ sẽ thu về số tiền gấp hai, gấp ba số tiền tôi trả lại cho Chiêm. Cách đây mấy ngày, Chiêm đem về nhà mất cái khăn lụa hoa và bảo tôi:

- Hàng viện trợ rất nhiều, tao sắp được mua mấy cái áo sơ mi và bộ đồ ngủ, những cái khăn này tao gửi về quê biếu bà cụ, cứ hai chiếc may được cái áo cộc tay. Để cho mày một đôi đấy.

Tôi cầm cái khăn và nghĩ đến những người trong tổ, nghĩ đến Tý Còi:

- Có cái khăn này mà trùm đầu che nắng thì tuyệt. - Tôi nói.

- Mày làm giấy đến xin mua đi, tao tin chắc là sẽ được mua nhiều thứ, nhiều hàng đẹp lắm, mày ạ!

Tôi đem chuyện ấy nói lại với chị em, ai cũng phấn khởi và chúng tôi quyết định dùng tiền thưởng vượt kế hoạch để mua hàng về làm phần thưởng cho chị em. Và vì thế mới có sự việc sáng hôm nay. Tôi biết Chiêm rất tốt nhưng Chiêm không hiểu được những móc nối ngoắt ngoéo của không ít người như bà cửa hàng trưởng của nó, nhất là thời buổi còn nhiều khó khăn này. Loại người đầu họ nghĩ cách tay họ đục khoét lôi kéo tài sản của Nhà nước nhưng với những người lao động chân chính. Vả lại nghĩ cho cùng ra, nó sợ là rất đúng. Một chỗ làm việc dễ chịu như thế, không mưa nắng vất vả, một đồng tiền của nó có giá trị bằng mười đồng tiền của tôi.

- Cậu đừng hiểu lầm mình. Cậu không nên nghĩ xấu về mình. - Chiêm nói và nhìn thẳng vào tôi. Tôi có cảm giác như nó đọc được những ý nghĩ của tôi. - Mình sẵn sàng chuyển đến làm với cậu nếu như mình đấu tranh thắng lợi. Nhưng mình e rằng vô ích...

Nét mặt Chiêm lộ vẻ suy nghĩ căng thẳng. Tôi bế thằng Hiếu đặt vào tay Chiêm và nói lảng sang chuyện khác. Tôi không muốn tình bạn giữa chúng tôi bị sứt mẻ vì những chuyện vô ích.

- Ngày còn bé mình sống ở nhà quê, thường đi chăn trâu cắt cỏ. - Chiêm nói và không nhìn tôi, hai bàn tay đùa với thằng bé. - Mình vẫn nhớ mấy đứa bạn trai mỗi khi cưỡi trâu dong qua sông, hoặc cho đầm dưới vũng lầy, lúc lên mỗi con trâu lại có vài con đỉa bám, những con đỉa hút no máu trâu to tròn như quả chuối mắn. Chúng nó bắt đỉa cho vào ống bơ đốt lửa luộc chín rồi lấy dao khía ra lấy một cục tiết chia nhau ăn một cách ngon lành.

- Cậu nói chuyện ấy làm gì nghe khiếp quá! - Tôi kêu lên.

- Khiếp quá chứ! Những lúc ấy, mình rú lên ôm mặt, bỏ chạy. Nhưng lâu dần cũng quen rồi, đi chơi với nhau. Lớn lên mỗi đứa mỗi nơi và quên hẳn chuyện ấy đi. Nhưng từ lúc đến nhà cửa hàng trưởng, mình bỗng nhớ lại và có một ý định...

- Mình không hiểu cậu định nói cái gì?

Chiêm cười, lặng thinh một lát rồi nói:

- Ban nãy trong lúc ngồi nói chuyện với mình, bà cửa hàng trưởng không ngớt lo lắng về cậu con trai út - bà ta chỉ có mình cậu là trai, còn hai cô gái hiện đang học và lao động ở nước ngoài. Cậu ta năm nay học lớp Mười, cậu học không khá vì ham chơi, đua đòi bạn bè ăn diện và nghe nhạc suốt ngày. Bà lo cậu sẽ lại bị đúp một năm nữa mặc dù bà đã bỏ ra một tháng hàng mấy trăm bạc để thuê người đến tận nhà dạy cậu học thêm, cũng có thể cậu sẽ tốt nghiệp nhưng không vào đại học thì cậu ta phải đi làm hoặc vào trung cấp. Bà ta có ý định tìm người nâng đỡ, giúp cậu ta được vào đại học: “Mất gì chị cũng cố lo cho em nó nên người, không được đi nước ngoài thì phải học đại học trong nước chứ dứt khoát không trung cấp được!” Nghe bà ta nói vậy, mình liền nghĩ đến anh Nhân nhà cậu. Nếu như anh ấy giúp được thì chúng ta sẽ có phận nhờ nhiều lắm! Bà ta là người rất “sòng phẳng” và cậu biết đấy, bà ta rất có quyền. Tuy lương bà ta thấp thôi, nhưng bao nhiêu tài sản của Nhà nước trong tay, muốn gì chẳng được. Cậu biết không, bưu điện đến tận nhà mắc điện thoại cho bà ấy, thủ trưởng cấp cao của cậu đã được như thế chưa?

- Cũng là một cách hay, nhưng không biết chồng mình có làm được không?

- Hòn bấc ném đi, hòn chì quăng đi, trong lúc khó khăn này chả tội gì! Vả lại, việc ấy có thất đức gì đâu mà sợ? - Chiêm nói và vuốt tai tôi.

Chiêm về một lúc thì Nhân về. Vừa vào đến cửa, Nhân đã tươi cười rút chiếc phong bì trong túi áo ra đưa cho tôi:

- Anh lĩnh tiền thù lao dạy học thêm rồi đây, em đem sang trả nợ chị Nhài ngay đi, còn thì để mai mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho con, dạo này anh thấy da nó hơi xanh.

Tôi đi pha nước và đem mấy quả chuối Chiêm vào lúc nãy cho Nhân, rồi lại ngồi bên anh, đếm tiền chia ra thành từng món để ngày mai trang trải.

- Hôm nay có công việc gì đặc biệt không, em? - Nhân vừa hỏi và vừa ăn chuối vừa mở màn đứng nhìn thằng Hiếu nằm ngủ.

Tôi kể lại câu chuyện buổi sáng với bà cửa hàng trưởng và buổi tối với Chiêm. Nhân nghe rất chăm chú rồi đứng lên, vươn vai nói liền:

- Anh chịu đấy! Việc ấy ngoài khả năng của anh.

- Em vẫn biết là khó nhưng nếu anh để tâm và bớt chút thì giờ chắc cũng làm được. Nếu chưa làm được thì anh cứ hứa hẹn cho một vài lời cũng tốt cho em lắm. - Tôi nói.

Nhân nhìn tôi đăm đăm với nét mặt nghiêm nghị và trầm lặng khác thường. Tôi nhìn thấy những nếp nhăn trên trán anh.

- Nói thật với em, việc ấy không khó đâu, anh có thể làm được hoặc nhờ bè bạn giúp. Nhưng không bao giờ anh làm như thế. Nếu em muốn thì anh sẽ làm nhưng anh làm theo cách của anh.

- Anh làm thế nào cũng được, miễn là đạt yêu cầu như em muốn. - Tôi nói và hồi hộp nhìn nhân.

- Anh không biết có đạt yêu cầu như em muốn hay không, nhưng anh sẽ làm như thế này: trước tiên anh sẽ nghiên cứu kỹ về toàn bộ hoạt động của người đàn bà ấy rồi công khai mọi chuyện trước dư luận. Chúng ta có quyền đòi hỏi công bằng. Chúng ta không cần gì cái thứ máu trâu trong bụng đỉa như thế? Bẩn thỉu lắm!

- Nhưng còn Chiêm? - Tôi hoảng hốt nhìn Nhân. - Phiền cho Chiêm lắm và cũng rất mất thì giờ...

- Chính vì nhiều người ngại phiền và sợ mất thì giờ cho nên bọn xấu mới ít bị vạch mặt. Em cũng đừng sợ phiền đến Chiêm vì khi mà chúng ta đã công khai mọi chuyện thì vấn đề không còn là giữa Chiêm và bà cửa hàng trưởng nữa, mà giữa bà ta với pháp luật, với dư luận. Em có bằng lòng anh làm như thế không?

- Để em suy nghĩ và bàn thêm với Chiêm đã.

Nhân không nói gì thêm, mở cặp lấy xấp bài để ra bàn. Như vậy là Nhân lại còn phải chấm bài rồi mới ngủ.

Tôi đi ngủ trước. Chỉ khi nằm xuống bên con, người tôi mới hoàn toàn được nghỉ ngơi thư thái. Qua cánh màn mỏng, tôi nhìn thấy khuôn mặt của Nhân đang cúi xuống chồng bài. Nhân không đẹp nhưng giỏi. Trước khi lấy nhau, Nhân là thầy giáo của tôi ở lớp bổ túc buổi tối. Trước đó nữa, anh là bộ đội. Tôi yêu anh vì tìm thấy ở nơi anh sự trong trẻo, vững vàng, không hề có một dao động nào trước những khó khăn va vấp ở cuộc đời. Ở bên anh, tôi luôn thấy sự thanh thản. Như lúc này đây, tôi cảm thấy người nhẹ nhõm. Đầu tôi chìm xuống. Tôi ngửi thấy mùi mát nhẹ của lá non cây cành bàng trước cửa sổ.

... Tôi thấy mình đang ở giữa một đoạn đường gồ ghề, vỡ nát. Chung quanh tôi, đất đá ngổn ngang. Tôi đang cầm cuốc chim bổ xuống phá lớp nhựa cũ thì Chiêm đến.

- Đi đâu thế Chiêm? - Tôi chạy lại, ngạc nhiên hỏi.

- Mình đến để làm việc với cậu. Mình không được làm việc ở cửa hàng nữa rồi. Từ bây giờ, chúng mình sẽ lại cùng làm việc với nhau, mọi vui buồn, sướng khổ có nhau!

- Vì sao lại thế này, hả Chiêm?

- Vì mình đã nói thẳng! Nhưng thế này lại hóa hay, mình thích hơn, gian khổ nhưng đầu óc nhẹ nhàng, trong sạch lương tâm yên ổn. Nào, đưa cuốc đây cho mình.

Chiêm nói và cười với tôi.

Tôi bị tiếng cười ấy chi phối, vội vã đi lấy cuốc chim đem đến.

Bàn tay giơ ra đón cái cuốc trắng trẻo mũm mĩm có cái nhẫn mặt đá đỏ óng ánh ở ngón tay áp út. Đâu phải bàn tay của Chiêm? Bàn tay Chiêm xanh gầy và rám nắng. Đất đá và những năm tháng Trường Sơn còn in lại biết bao nhiêu dấu vết.

Tôi ngẩng lên và giật mình, lùi lại.

Trước mắt tôi không phải là Chiêm mà là bà cửa hàng trưởng! Bà tươi cười, nhìn tôi, bàn tay bà giơ ra nắm tay tôi, giọng ngọt ngào:

- Em đừng hiểu lầm chị. Chị bao giờ cũng rất quý trọng những người lao động. Chị vẫn nói với chị em là mọi thứ phải ưu tiên cho người lao động trước. Các em vất vả lắm, chị biết chứ, nhưng hoàn cảnh chung còn khó khăn, thiếu thốn lắm em ạ!

Tôi đứng lặng, bàng hoàng, không biết nên nói ra sao thì Tý Còi từ đâu đi đến, nhìn chằm chằm vào mặt bà ta rồi hét lên:

- Thôi im đi, đồ giả dối! Ở đây không ai tin mồm bà nữa đâu!

- Em làm sao mà la lên thế? Khổ quá, suốt ngày làm việc mệt nhọc, đêm về lại nghĩ ngợi nhiều, ngủ không yên, khổ quá! - Bàn tay Nhân lay vai tôi và khuôn mặt bình thản của anh cúi xuống tôi. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Bé Hiếu hãy còn ngủ nhưng trời đã sáng.

- Anh thức cả đêm qua hay sao? - Tôi hỏi.

- Không, Anh ngủ vừa mới dậy, nấu được nồi cơm, chờ em dậy làm thức ăn. Em mơ gì mà sợ ghê thế?

- Mơ thấy ma quỷ! - Tôi nói và cười, nhảy xuống đất.

- Kể cho anh nghe xem mà quỷ nó như thế nào mà làm em sợ quá như thế?

- Em quên mất rồi!

Tôi nói và chạy ra sân tập thể dục rồi vào bếp nhặt rau, nấu canh.

Thực ra tôi không quên. Giấc mơ vẫn hiện trước mắt tôi rõ từng nét từng chi tiết một. Tôi nóng ruột lo âu không biết có sự gì đang xảy ra cho Chiêm, cho Tý Còi, vì trong giấc mơ tôi có nhìn thấy chúng nó. Một nỗi lo sợ chờn vờn. Nỗi lo sợ đó ám ảnh tôi suốt trên đường đến chỗ làm việc. Đến khi nhìn thấy những đống đá dăm trắng, cuốc xẻng và chị em đầy đủ trên mặt đường loảng nắng thì tôi mới thấy lòng yên ổn trở lại. Nhưng rồi khi bắt đầu yên ổn thì tôi lại nghĩ đến Nhân và thấy anh có lý.

Hà Nội, ngày 1 tháng 5 năm 1980

Con đường của mẹ con A Sử - Truyện ngắn của nhà văn Mạc Phi Lặng lẽ Sa Pa - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long Vườn hoa cổng ô - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Phan Hách Ruộng xấu - Truyện ngắn của nhà văn Y Ban Người đi xa để lại - Truyện ngắn của nhà văn Đào Vũ
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt