Ngoài sáu mươi tuổi, nhưng ông còn tráng kiện, mặc dù đời ông chưa một lúc thanh nhàn. Ông đã từng bươn chải khắp mọi miền đất nước, suốt hai cuộc chiến. Vậy mà tới giờ mới lên được Tây Nguyên! Tôi thân với ông vì họa sĩ Phạm Hòa, con trai ông, là bạn tôi từ bé. Thêm nữa, ông rất mê những câu chuyện về vùng rừng núi của tôi. Cách đây hơn mười năm, có lần bốc lên trong tiệc rượu, tôi múa, tôi hát những bài dân vũ Bah Nar, khiến ông cũng bốc lên bắt tôi hứa khi nào có dịp, phải đưa ông đi một chuyến, rồi chết cũng được.
Lời hứa chừng ấy năm trời nay mới thực hiện được!
Tôi phải kể thêm về ông để bạn đọc đỡ ngỡ ngàng, rằng ông tự làm đơn xin nghỉ hưu, xin thôi mọi sinh hoạt cách đây hơn hai chục năm, không rõ lý do, khiến đồng nghiệp nhiều người khó chịu, nhiều người tiếc cho ông, tiếc cho một tài năng sớm tắt! Nhưng nào ông có tắt được! Ông rút về nhà, cặm cụi vẽ bằng đồng tiền ky cóp của bà vợ hiền, quanh năm suốt tháng với cái chõng tre bán nước chè chén vỉa hè. Anh Hòa lớn lên trong sự nuông chiều của mẹ và sự kèm cặp thái quá của cha. Thấy anh có khiếu vẽ, ông quyết rèn cho anh thành đạt. Nhưng anh Hòa lại luôn tìm cách chống đối, trêu chọc ông. Càng hy vọng ở anh, ông càng tỏ ra cứng rắn và nghiêm khắc. Ông tin vào ý chí của mình. Và điều ấy tưởng đã đạt được, khi anh Hòa thi đỗ điểm cao, được tuyển đi du học nước ngoài.
Sau năm năm vượt ra khỏi vòng tay của ông, anh Hòa từ Ba Lan về nghỉ hè. Niềm vui gặp mặt mới chớm thì cuộc đụng độ giữa hai cha con đã bắt đầu. Ông nhắc anh ra ngoài, học gì thì học, nhưng phải giữ được cái gốc của mình. Câu nhắc nhở ấy sẽ rất đúng, rất bổ ích cho người khác, nhưng vì lá thư nào ông cũng nhắc anh rồi, giờ đây nhắc lại, khiến anh Hòa phản ứng. Anh lấy cuốn tạp chí hội họa nước ngoài in ba bức tranh “khủng khiếp” mới vẽ của anh, cho ông và tôi coi. Anh dịch những lời phê bình khiến ông tái mặt. Thực tình, tôi chẳng hiểu gì, đành ngậm tăm. Còn ông đột nhiên vò nát cuốn tạp chí, nói cục cằn: “Đồ ăn hại!”
Những ngày hè còn lại, anh Hòa vẽ được hàng chục bức tranh. Báo chí lăng xê ầm ĩ. Riêng ông, nhận ra sự hợm hĩnh của con mình, và ông bất lực. Cuộc chia tay nhạt nhẽo ở sân bay, chỉ có bà Huệ là khóc. Lưng bà ngày càng còng xuống gánh nỗi bất hòa của cha con ông, đến khi nhận thư anh Hòa báo không về, bà ngã bệnh, rồi qua đời. Cái duyên, cái nghĩa khiến tôi không rời được ông. Tôi thu dọn lại căn nhà, xếp những bức tranh của ông lên gác xép, bảo quản chúng như bảo quản mọi vật dụng bình thường khác, thậm chí tôi còn nghi ngờ về giá trị của chúng. Có điều, tôi rất trọng ông ở cái đức làm việc kiên nhẫn phi thường. Hồi anh Hòa mới đi học, tôi đã thường nghỉ lại nhà ông, có lần nửa đêm sực tỉnh, thấy ông khoác tấm chăn chiên, ngồi vò võ trước giá vẽ hàng tiếng đồng hồ. Bỗng dưng ông vung bút như múa, rồi lại lặng im. Bà Huệ chờ đúng thời điểm ấy rón rén bưng bát cháo, mấy con quẩy và cút rượu đặt lên cái ghế nhỏ cạnh đó, rồi âm thầm lui.
Mấy năm gần đây có sự cởi mở, tôi tới Hội Nghệ sĩ tạo hình mách với vài người bạn họa sĩ, cũng là hy vọng mặc may, rằng ông có rất nhiều tranh, và theo tôi là rất đẹp. Các bạn tôi tới nhà xem. Ông lặng lẽ sai tôi lấy tranh xuống. Tôi được chứng kiến sự sửng sốt của bạn bè. Có anh còn quỳ mọp, chắp tay bái phục ông, khiến tôi hoang mang. Thế là cuộc triển lãm tranh của ông được rầm rộ tiến hành. Tôi không thể tả được niềm vui và niềm tự hào đến phát khóc lên, trong những ngày bận rộn mê hoặc ấy. Người ta công kênh ông lên, cả tôi nữa, tôi cũng được hưởng lây khi hàng chục cái máy quay phim, máy ảnh chõ vào ông. Trong suốt một tuần lễ, tờ báo nào cũng in ảnh ông. Ti vi dành cả chương trình nghệ thuật giới thiệu phòng tranh của ông. Tên tuổi ông bặt đi mấy chục năm, nay bỗng cồn lên đến ngột thở. Còn ông, đêm nào về cũng ngồi rũ trước bức chân dung bà Huệ. Ông không hề tỏ ra vui mừng. Trước đám đông, nom ông thảm hại như một tù binh. Tôi chợt nhận ra niềm vui ngu dốt của mình khi ông nói rằng, tiền mà làm gì khi bà ấy không còn, khi những bức tranh ấy không còn! Và ông bảo tôi khóa trái cửa, không tiếp khách.
Cái cảnh cô đơn lặng phắc của ông làm tôi thêm lo sợ. Tôi nhớ tới lời hứa của mình là sẽ kéo ông đi Tây Nguyên, và nhắc ông. Ông đồng ý ngay. Tôi tự khen mình biết tìm ra lối thoát, rằng chuyến này ông sẽ nguôi ngoai. Rằng tôi quyết tạo cho ông niềm phấn khích mới, vừa độc đáo vừa tươi nguyên, hy vọng ông sẽ làm việc được.
*
Về làng Bung, tôi đưa ông tới ở chung với thằng Kơ Tít. Nó là con trai của bạn tôi, anh BTàu. Chúng tôi ngập chìm trong những ché rượu cần và những làn điệu dân ca. Ông ngơ ngác nhìn những đàn ong khổng lồ chao qua sườn núi. Ông ngấu nghiến ăn cả tảng ong do thằng Kơ Tít bửa cho. Ông thuỗn mặt xem lũ trẻ nít múa hát. Tôi dẫn ông lên thác Kơ Piar, một con thác lớn chỉ cách làng mười phút leo dốc. Ông không tự kiềm chế được mình trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, đến mức, ông gào lên vì sung sướng. Ngày xưa ở với thác với rừng, tôi chẳng thấy gì độc đáo, mới lạ. Giờ đây có ông tôi mới nhận ra sự hấp dẫn cao vời của nó. Tôi tự mãn nhìn ông tha thẩn trên đỉnh thác và thầm bảo ông: “Hãy đợi đấy, bố già! Còn nhiều cái hấp dẫn lắm”. Tôi dẫn ông xuống triền thung. Dọc theo con suối Đak Kơ Piar, hoa rừng nở ríu rít. Những vạt bướm như những tấm thảm lớn chớp sáng trên bãi cát sát mép nước, làm cho họa sĩ ngẩn ngơ. Những tốp trai làng gái làng rủ nhau đi tát cá, trai thì đóng khố cởi trần, gái thì mặc váy và áo ló hở ngực. Họ hú, họ la, họ cười, họ nhào vào thiên nhiên ồn ào suốt ngày đêm. Chúng tôi vào trong lán lá, đốt lửa, nướng ốc, ăn các món ăn cùng với họ. Họa sĩ già của tôi dường như trẻ lại. Ông tập phóng lao, bắn ná, cười nói hồn nhiên. Tôi làm phiên dịch cho ông. Cánh trai làng Bung rất hiếu khách, nhất là những người khách không nề hà gì như tôi và ông. Cuộc đi săn thú sắp được tổ chức khiến ông cũng náo nức. Bầy chó săn của làng Bung nổi tiếng từ thời xưa, giờ đây càng đông đúc và thiện chiến. Khoảng hơn chục tay lao, hơn chục tay ná cùng toàn bộ dân làng, nào chinh chiêng, trống, mõ, dưới sự chỉ huy của già Bim tập dượt ba ngày, ba đêm dưới chân núi Kon Từng. Núi rừng sống lại thời nguyên sơ cùng với những tiếng reo tiếng hú, tiếng chó sủa và ánh đuốc, gợi cho ta cảm hứng tuyệt vời về cuộc sống tự nhiên, đẩy ta tới niềm phấn khích, muốn lao ngay vào cuộc, quên hết mọi nhọc nhằn, quên hết những gì đây cho ta phiền muộn. Tôi được già Bim cho một dây khố và một cây ná, với ống tên tẩm thuốc độc cùng ba cây lao. Phạm Luận cũng đòi đóng khố, cởi trần, nhưng chỉ mới được vài giờ ông không chịu nổi, vì ngứa và vì cứ chạy là nó tuột ra! Ông đành mặc áo may ô và quần đùi. Ông già tráng kiện dễ thương gần như quên mình là một danh họa. Chúng tôi nhảy nhót cùng lũ thanh niên, con gái quanh đống lửa suốt đêm, rồi hát, rồi đánh đàn đinh goong, đàn ghi ta. Phạm Luận chơi ghi ta rất khá, mặc dù cây ghi ta của thanh niên làng chẳng còn đủ dây. Chúng tôi uống rượu cần say tít mù. Sáng sớm, sau ngày tập dượt, dân làng tụ họp đông đủ. Các dũng sĩ và bầy chó, trong đó có tôi, được già Bim cho lệnh tiến lên trước một bãi đất bằng. Sương mù bảng lảng. Sau tiếng hú phát lệnh vọng ra các vách núi và tiếng hò la và tiếng chó sủa ran. Chúng tôi chia làm nhiều mũi lao vào cánh rừng Kor Tack. Năm nay làng săn ở dãy núi này. Họa sĩ Phạm Luận cầm rựa theo tôi và tốp trai làng được nửa ngày thì rớt lại với đám đàn bà con gái. Có tới ba, bốn năm rồi, nay tôi mới trở lại làng, trở lại đúng mùa vui hội hè, thành thử rất ham. Tôi không biết tả thế nào cho hết cái thú vui của săn bắt. Thêm nữa, chuyện tả săn bắn đã nhiều người tả rồi. Nhưng ở đây, một cuộc đi săn chỉ lấy vui làm gốc, cái máu ham săn bắn được không khí ấy kích động khiến tôi và các trai làng quên đói, quên cả mệt. Chúng tôi lao vào cuộc với một khí thế hào hứng đến mức, tôi la hú khản cả cổ. Bầy chó cũng được chia ra làm tốt theo chúng tôi. Chúng gần như chỉ chờ tới ngày đi săn này để được đền ơn chủ. Không. Chúng không nghĩ như thế đâu. Chúng cũng ham săn bắt với cái bản năng được kích động dây chuyền. Vòng vây được khép kín dần, nhỏ dần, chỉ để khoảng trống xuống sông Đak Xút, một nhánh lớn của Đak Krông Pa. Năm ngày, năm đêm hào hển và quyết liệt, chúng tôi được chứng kiến bầy heo rừng bị dồn xuống triền sông, và những cây lao những mũi tên từ trên những giàn săn làm sẵn phóng xuống. Tiếng heo éc, cùng với tạp âm của săn bắt náo động cả một vùng. Hồi còn chiến tranh, đôi ba lần làng tổ chức săn, nhưng với quy mô nhỏ. Tôi không biết mình có bắn trúng con heo nào không, nhưng ba cây lao của tôi, tôi phóng trúng lưng một con choai choai. Cái cảm giác khi cây lao phóng xuống lưng con vật thật kỳ quái. Nó vừa mang khoái cảm man dã, vừa chùn lại khiến tôi khụyu xuống. Trong khoảnh khắc ấy, trên giàn săn cùng tôi là thằng Kơ Tít. Nó uốn cong người, cây lao bật ra như tia chớp cùng với tiếng “hự” của nó là tiếng “éc” rùng rợn của một con heo lớn đang hồng hộc lao tới. Tiếng éc khựng lại. Bầy chó nhào vô sửa nhặng xị khi con heo bật ngửa. Cây lao phóng trúng nách. Kơ Tít cũng khụyu xuống. Tôi và nó thoáng nhìn nhau. Lũ làng khua chiêng trống ầm ĩ. Những đống củi được chuẩn bị sẵn đốt rừng rực tạo thành vòng vây. Cuộc đi săn ngớt dần, ngớt dần, và trên bờ sông, từng tốp người thu gom xác thú. Tôi hoàn toàn bị mất tiếng sau cuộc đi săn. Nhưng không hề gì. Tôi cảm thấy trong cơn say săn bắt có cái gì đấy chuếnh choáng, khi nhìn những vết máu heo loang lổ chảy theo dòng nước, và những con heo tử thương ghếch đầu lên bờ. Bốn chục năm sống ở trên đời, năm ngày đi săn ấy là năm ngày cao hứng nhất, quên mình nhất của tôi.
- Mày còn được khá đấy con ạ.
Già Bim khen khi tôi ôm con heo choai choai xuống bãi sông nộp cho dân làng, cùng với đống heo hơn chục con, kết quả cuộc đi săn. Họa sĩ Phạm Luận cùng đám dân làng hò la tới sau những ghè rượu cần, xoong nồi, gạo muối và chinh chiêng. Con sông Krông Pa, dòng Đak Xút, tức là nước mật, giờ đây hội tụ tất cả niềm vui của dân làng. Không có một gương mặt buồn nào tồn tại ở nơi này. Bầy chó nằm nhoài trên bãi cát. Một vài con cùng lũ trẻ nít xăng xái đùa giỡn. Bận nhất là các bà, các cô. Những cánh váy hoa nhiều tua cùng với những khuôn ngực rắn chắc, săn mẩy tất bật gùi nước, gùi củi, gùi niềm vui ào ào quanh những đống lửa. Đội chinh chiêng xếp vòng quanh già Bim. Già ngồi trên tảng đá, cùng với các già làng so chiêng. Lúc này già là nhạc trưởng, một nhạc trưởng hung dữ và kỳ tài khiến các nhạc công kẻ đứng, người ngồi thảy đều bặm môi, tập trung tư tưởng để cho già nghe tiếng chinh chiêng của mình có đúng không. Họa sĩ Phạm Luận há hốc mồm đứng nhìn cảnh so chiêng. Lúc ấy mặt trời xuống núi. Không khí trang nghiêm đến nỗi, tôi cảm thấy run run khi nhìn cánh tay ai đó giơ lên, gõ vào núm chiêng, gặp cái khoát tay nặng nền đầy uy lực của già.
Thế rồi bữa tối được bày ra trên bãi cát. Những tàu lá chuối, những tấm ni lông trải làm mâm. Đám người làm thịt heo chỉ cho ăn lòng, còn thịt heo sáng mai sẽ được gùi về làng ăn mừng nhà rông mới một phần, một phần chia cho các bếp. Tôi ôm cây đàn đinh goong nhảy múa cùng với đám trai trẻ. Họa sĩ Phạm Luận ngồi uống rượu với các già làng. Triền sông bập bùng những đống lửa và ánh đuốc, bập bùng tiếng chinh chiêng, tạo nên không khí hân hoan hoang dã đến ngây ngất. Tôi uống, tôi ăn, tôi gảy đàn, tôi điên lên vì vui thú, dù cái họng rát bỏng! Tôi ưng nhảy nhót suốt đêm. Tôi chợt nhận ra thằng Kơ Tít nằm cuộn khoanh bên đống lửa. Tôi vừa gảy đàn đinh goong vừa nhảy quanh nó, với cái giọng khàn đặc, tôi hát bài hát ngợi ca người dũng sĩ trẻ và ghè rượu cần. Nó ọ ẹ ngóc cổ dậy, thấy tôi trêu tức, thằng Kơ Tít nhoẻn miệng cười, ư ử hát theo. Chúng tôi cùng vít cần rượu. Đám con gái cười ré đùa giỡn từng tốp, từng tốp quanh những đống lửa.
- Chân mình đau muốn chết!
Thằng Kơ Tít giơ bắp chân bị đá hoặc cây đâm toác ra cho tôi coi. Nó lấy nước mật trong ống nứa đổ vào, vết thương nom nhầy nhụa dễ sợ. Tôi xé áo may ô của họa sĩ Phạm Luận băng cho nó.
Đêm rừng già sâu hút, nếu không có những đống lửa và niềm vui của dân làng, hẳn chốn này kinh dị và thâm nghiêm lắm. Tôi và thằng Kơ Tít nằm bên ghè rượu ngủ tự lúc nào...
*
Họa sĩ Phạm Luận lại thêm một lần nữa ngạc nhiên đến sững sờ khi tôi dẫn ông ra khu nhà mồ. Rừng già heo hút và ẩm thấp. Chúng tôi lần lượt tới từng ngôi mộ. Tôi nhớ đây là ngôi mộ Book Pin, kia Book Phới, những già làng đã cùng tôi vận động trai làng đi làm anh giải phóng. Tông bứt một bó hoa rừng trải lên mộ của một già làng, và giờ đây ngồi trước những pho tượng gỗ cùng những cây nêu, rủ xuống là những chùm ống nứa, gió khua loong đoong, chợt nhận ra cái gùi của mí Ngươn treo trên cây cọc. Cái gùi ấy gùi biết bao nhiêu gạo ra chiến trường. Tôi quên mất ông bạn già đang tha thẩn trong nghĩa địa. Lòng tôi xao lên biết bao kỷ niệm về những người đã từng cùng tôi một thời bom đạn. Cô Ngươn, con của mí Ngươn giờ đây đã lấy chồng, có con ngoài thị xã. Mí Ngươn đã mất rồi ư? Tôi lượm cái ống coóng đen nhẻm để bên ống nứa thông xuống mộ, nơi bỏ đồ ăn thức uống cho người chết, nhận ra nét chữ khắc trên đó của anh Hùng, người yêu cô Ngươn. Đó là một tặng vật quý thời chiến tranh. Anh Hùng và Ngươn yêu nhau, vượt qua mọi phong tục, mọi điều tiếng và cả kỷ luật của đơn vị. Anh bị hạ chức trung đội trưởng xuống tiểu đội trưởng vì mối tình với cô du kích Ba Na, nhưng rồi anh vẫn được đồng đội hiểu và thương, khi anh tự nhận mọi hình phạt. Hùng đã hy sinh hồi đánh đồn Chè và cô Ngươn được rút về căn cứ...
Chúng tôi bị đánh thức khi tiếng chinh chiêng của dân làng tấu lên âm i vang vạng. Chiều nay, tối nay lại thêm cuộc liên hoan mừng nhà rông mới. Họa sĩ Phạm Luận và tôi trở về làng khi những chén rượu đã được cột xong vào những cây cọc. Trong nhà rông, tiệc rượu đã bắt đầu.
*
Hành trang của chúng tôi có ba chai rượu A-ra-rát, món rượu mà ông bạn già của tôi ưa thích. Ông bảo tôi lấy ra chiêu đãi dân làng. Họa sĩ Phạm Luận rưng rưng rót rượu ra cái ly nhựa lớn, trong ánh lửa từ những đống củi cháy nhập nhòe. Ông trao cho già Bim. Già Bim trao cho các già làng và lũ trai trẻ mỗi người nếm thử một ngụm nhỏ. Ai cũng khen ngon. Trong thoáng chốc đã hết một chai. Tôi có sáng kiến, để mọi người cùng được hưởng cái hương vị lạ, đem đổ vào các ghè rượu, mỗi ghè một ít. Duy ghè rượu của các già làng và họa sĩ, tôi đổ ưu tiên. Thế là vui vì có công bằng. Bà con Ba Na rất chuộng sự công bằng.
- Ê hề, rượu ngon có uống chung, thằng Bình, mày còn khá đấy!
Già Bim lại khen tôi, rồi kéo cần. Tôi và già Bim cùng họa sĩ Phạm Luận uống chung một can(1). Các ghè rượu được vít cần. Tiếng chinh chiêng, tiếng hát, tiếng hú, tiếng nói chuyện cười đùa, vừa có vẻ trang nghiêm nhưng lại vừa thoải mái. Tôi rất nhanh bị cuốn vào cuộc vui của cánh trai làng. Chúng tôi chuốc nhau, đố nhau, thách nhau và thi nhau uống, thi nhau ăn thịt heo rừng nướng. Những tảng thịt to nóng hổi từ tay các cô gái ngực đầy, ôm choàng qua vai, ép chúng tôi ngoạm một miếng rõ to. Thế là cười vui. Tôi ngây ngất tự thả mình trong cộng đồng, tự để cho tôi trôi theo khói thịt nướng cay xè và men rượu nồng nàn. Đã lâu quá rồi, nay tôi mới trở về với bà con. Tôi được thả sức nói tiếng Ba Na, hát tiếng Ba Na, đựng tay vào đùi vào ngực các cô gái, và vít đầu vò tóc các chàng trai bè bạn. Tôi có đủ điều kiện để tự cho phép mình hòa nhập, bởi tôi đã hòa nhập từ cách đây hai chục năm rồi. Ngày ấy làng cũng ở đây, trên sàn cửa nhà rông, tôi làm lễ ăn thề cùng dân làng xin được làm con Ba Na. Cũng những ghè rượu và những đống lửa, tôi uống và tôi hát, Book Phới đứng trên sàn cửa ra cho tôi ba điều, ba điều tôi làm trọn trước hàng trăm con mắt chĩa vào tôi nghiêm nghị: bắn một phát tên trúng đích. Phóng một mũi lao trúng đích. Và sau đó là tùy tôi thể hiện lòng thành thực và tinh thần dũng cảm. Tôi hăm hở vào trong bếp lửa, chọn một cành củi Kơ Răk bằng cổ tay, than đỏ, rừng rực. Tôi đứng ưỡn người trước sàn cửa, hú lên một tiếng thật lực, rồi bỗng dưng đưa gộc củi lên, dí mạnh vào khuôn ngực trần trai trẻ. Tiếng hú cổ động của dân làng kích thích tôi cùng men rượu và cùng với máu bốc đồng. Tôi nghe rõ tiếng than lửa ngún da thịt mình xèo xèo, và làn khói bốc lên mắt khét xè. Tôi ôm già Phới trong tiếng chinh chiêng và hò, reo, hú, hét. Máu từ ngực tôi in sang ngực già. Chuyện ấy làng Bung ai cũng biết, và cho tới nay, lũ trẻ lớn lên đều được nghe lại. Chúng xoa vết sẹo trên ngực tôi trầm trồ. Tôi có cảm giác, giá như hôm nay già Bim có yêu cầu điều gì khắc nghiệt, hẳn tôi vẫn còn đủ sinh lực, và cái máu bốc đồng trong tôi chưa nguôi. Lại một miếng thịt nóng nhẫy và một khuôn ngực lớn chồm lên vai tôi, tôi há miệng rõ to. Cánh tay cô gái vòng qua ngực tôi xoa xoa cho tôi nuốt miếng thịt rừng. Tôi ngửa đầu áp vào ngực cô. Hai ba cô gái cùng một lúc kéo tôi dậy múa. Tôi nắm tay các cô vừa múa, vừa hát, đùi sát đùi, tay nắm tay, ngực sát ngực, như thể cả lũ chúng tôi là một cơ thể, một sự chuyển động, không phải giữ ý tứ nhập nhằng.
Cứ như thế cánh trẻ chúng tôi vui thú với nhau cho tới sáng.
*
Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã xế chiều. Những cọng cỏ cứa vào da thịt, khiến tôi ngứa ngáy. Tôi rủ Lơ Tít và mấy trai làng ra suối Đak Kơ Piar tắm. Suối Đak Kơ Piar nước trong leo lẻo, với những tảng đá lớn và những cây Kơ Răk đại thụ trùm cả xuống, hoa nở vàng rực, cánh hoa vàng bay lả tả cùng những vạt bướm lớn nghỉ chiều trên bãi cát. Lũ thanh niên chặt cây lấy con dạ ngó (con nhộng) hàng gùi, hàng gùi. Tôi và Kơ Tít nằm phơi trên bãi cát, chân đau của nó ghếch lên tảng đá. Nó mới mười sáu, mười bảy mà nom như một cụ già. Lúc nào cũng ngậm ống điếu. Ngày xưa tôi chơi thân với cha nó là anh BTàu thọt chân, anh khỏe như con hổ, con heo thọt. BTàu chết vì địch càn năm bảy tư. Cái chân thọt làm hại anh. Lũ thanh niên tắm ùm ùm dưới sông. Mấy cô gái xuống múc nước, thấy chúng tôi nồng nỗng thì ré lên, chạy. Họ leo con dốc lên ngọc suối. Trên ấy là thác Đak Kơ Piar, quanh năm nước đổ ào ào xuống thung lũng Đak Xút, nơi đấy là đồng lúa của các dân làng. Nước mát làm tôi tỉnh hẳn. Giờ đây tôi mới nhớ tới người bạn già, họa sĩ Phạm Luận của tôi. Không rõ trong đêm qua và ngày qua, ông đã uống, đã ăn, đã vui đã đời chưa? Tôi đóng khố, lững thững trở về tìm ông.
Ông đang đứng ngẩn ngắm pho tượng gỗ trước cửa nhà rông. Một pho tượng bình thường, theo con mắt của tôi. Đó là chú khỉ già ngồi ôm đầu, vui không ra vui, buồn không ra buồn, đôi mắt lóe sáng tựa như nó đang chuẩn bị lao vọt lên, lại có cảm giác như nó đang định nhào xuống. Nét chạm thô mộc nhưng rõ là chú khỉ đang động chứ không phải ngồi một chỗ. Những pho tượng kiểu này tôi đã gặp nhiều lần, chẳng có gì đặc biệt. Ấy vậy mà ông bạn già của tôi lại như bị thôi miên. Ông đi quanh pho tượng, ngồi xuống, đứng lên, gãi đầu gãi tai, như thể đấy là một kiệt tác. Vệt nắng chiều chiếu xiên xuống gay gắt. Người ông ướt nhèm, dáng ông phờ phạc. Tôi nắm vai ông, nói:
- Đi tắm cho mát, bác.
Ông già thảng thốt nhìn tôi, nói run run:
- Đẹp quá!
Tôi cười:
- Thiếu cha gì, nếu bác thích, mai cháu bảo già làng làm cho một cái.
- Già Bim làm đấy à?
- Chắc thế. Ở đây ai chả làm được.
- Cậu nói đùa! Cái này chỉ có thiên tài mới làm được.
Ông nói nghiêm trang. Tôi bông lơn với nét mặt nghiêm trọng của ông;
- Thế thì cả cái làng này đều là thiên tài, trong đó có cháu.
Tôi kéo ông đi. Vừa ra tới bìa làng, chợt ông ngập ngừng nói:
- Cậu hỏi xem ai làm pho tượng này, nhờ đích người ấy làm cho mình một cái, mình sẽ trả nhiều tiền, hoặc cần thì ta mua đồ vật gì đó trao đổi. Tốt nhất là chính pho tượng đó, thế cái mới vào. Mình hứa là sẽ giữ cẩn thận, dù có ai trả một triệu đô cũng không bán.
Tôi phì cười nhìn ông. Nhưng thấy ông chân thành và để tỏ rõ cái “mẽ” của mình trước người bạn già, tôi nói:
- Ngay bây giờ cháu có thể giúp bác gặp người tạc pho tượng ấy.
Thế là tôi nhảy tâng tâng trên con đường mòn vào sân làng. Cảm thấy dây khố vung vẩy, và lòng tôi cũng vung vẩy một niềm tự hào thơ trẻ. Tôi dừng lại trước pho tượng một lần nữa. Vẫn chẳng phát hiện ra điều gì đặc biệt. Có tiếng nói rì rầm trong nhà rông. Tôi nhảy lên sàn cửa, ló đầu vào.
- Ơ Bình, uống với lũ tôi một can chứ.
Tôi ngồi xuống sàn đón cần rượu của các già làng. Già Bim xoa xoa lưng tôi, nói:
- Mày còn được khá đấy, con ạ.
Tôi chuyển cần rượu cho già, hỏi như sự tình cờ:
- Cái pho tượng con khỉ trước nhà rông ai làm đẹp quá!
- Còn ai nữa, thằng Kơ Tít nhà mày đó. Nó giỏi hung.
Tôi bị bất ngờ. Nhưng rất mừng vì nếu đúng thằng Kơ Tít thì tôi chẳng khó khăn gì bắt nó phải làm cho ông bạn già của tôi một cái. Tôi cao hứng uống thêm một can nữa, rồi một can nữa. Các già làng giờ đây chừng đã mệt, người nằm, người ngồi phả khói thuốc, người hát khan(2) ề à. Tôi đứng dậy xin phép ra ngoài. Phía núi bên kia hừng lên một mảng nắng chói ngời. Họa sĩ Phạm Luận đã lại ngồi trên sàn cửa nhà rông, quẩn quanh ngắm pho tượng không chán.
- Bác ngồi đây, cháu gọi người làm tượng lên liền.
Tôi nhào xuống suối dựng thằng Kơ Tít dậy. Nó đã lại ngủ, còn đám trai làng đang cùng các cô gái đùa giỡn bên vòi nước.
- Dậy thôi Kơ Tít, về có việc cho mày đấy.
Tôi nói hách dịch và dìu “thiên tài” của tôi lên dốc. Kơ Tít chẳng rõ chuyện gì, nó tấp tểnh theo tôi về nhà rông. Họa sĩ Phạm Luận ngớ ra trước chú bé, ông hỏi nó và tôi dịch lại:
- Cháu làm tượng này đấy à?
- Đâu phải mình làm. Tầm bậy tầm bạ!
Đột nhiên, nét mặt ngô ngố của nó tối sầm lại giận dữ. Tôi lấy giọng kẻ cả, nói tiếng Ba Na với nó:
- Già làng biểu tui, mày làm mà.
Thằng Kơ Tít nhíu mày một cái. Nó nổi khùng với tôi:
- Tầm bậy quá! Mình làm sao được?
- Tao muốn mày làm cho book Luận một cái để kỷ niệm, giống thế này, được không?
Nó nhổ nước miếng vào lòng bàn tay rồi vung lên, xỉ vả tôi:
- Chú nói tầm bậy tầm bạ. Tui ưng thì tui làm. Thần linh mách tui làm chớ chú tầm bậy quá, sao hiểu tui được?
Ông già họa sĩ không biết chúng tôi nói với nhau những gì, nhưng ông hiểu rằng thằng Kơ Tít đang giận dữ và tôi cũng đang giận dữ. Các già làng nghe tiếng cãi vã đều ra sàn cửa. Họ biết ngay chuyện gì đang xảy ra. Già Bim cười vang, mắng tôi:
- Nó làm được một cái thôi, mày ngu lắm con ạ. Ai biểu mày đòi nó làm thêm. Thần linh phạt đấy!
Tôi cúi mặt nhận ra sự hợm hĩnh của mình. Họa sĩ Phạm Luận bối rối và run lên khi nghe tôi dịch lại. Ông níu tay Kơ Tít xin lỗi nó, xin lỗi già làng, rồi buồn bã thả bộ xuống suối. Tôi vỗ vai Kơ Tít làm lành rồi đuổi theo ông.
- Nghệ thuật là thế đấy cậu ạ.
Ông nói và ngồi trên tảng đá. Đêm đã tràn xuống núi rừng, nhanh đến mức tôi không nhận ra là đêm tự lúc nào.
*
Đã khuya lắm rồi mà họa sĩ Phạm Luận vẫn ngồi đó. Tôi phải nhắc vài lượt ông mới chịu về ngôi nhà nhỏ của thằng Kơ Tít. Bên ghè rượu cần, Kơ Tít đơn côi gục đầu phả khói thuốc. Nó say rồi đấy. Ngàn xưa cha nó cũng hay say. Nhưng BTàu hễ say là tập tễnh tới nhà các cô gái, ngồi trên sàn cửa gảy đàn đinh goong. Còn thằng Kơ Tít chỉ biết quấn váy mẹ. Giờ đây mẹ nó không còn, cha nó cũng không còn. Nó ở một mình, nuôi ong làm rẫy. Họa sĩ Phạm Luận nằm bên tôi, với cái vẻ chán nản hoang mang của kẻ thất bại. Tôi an ủi ông:
- Bác cứ để đấy, mai cháu lại thuyết phục nó cho.
- Ấy chết, cậu đừng làm thế!
Tôi vô tình ngủ như chết. Đêm qua, trong căn nhà sàn nhỏ bé, tôi đâu có biết rằng, tôi đã ngủ trong khi hai nhà nghệ thuật thiên tài của tôi cùng thao thức.
Sáng hôm sau, khi giọt nắng rọi qua chái nhà chiếu thẳng vào mắt làm tôi bừng tỉnh. Thằng Kơ Tít đang ngồi trùm tấm dù hoa của cha nó để lại, gần như bất động. Ông họa sĩ không còn nằm bên tôi. Tôi vùng dậy hỏi nó. Nó đáp cộc cằn: “Không biết!” Tôi nhào ra cửa. Cả làng còn đang ngủ say. Tôi chạy tới nhà rông, cứ ngỡ ông già mê pho tượng ra đó ngắm, nhưng chỉ có con khỉ ôm đầu nhìn tôi. Hình như hôm nay nom nó dữ tợn hơn vì hai hàm răng chợt nhe ra. Tôi khiếp đảm chạy xuống suối. Không thấy ông bạn già! Ông đi đâu? Tôi hú, tôi la, tôi gọi ông. Vừa gọi tôi vừa lao lên dốc. Có thể ông già ham ngắm cảnh thác rừng. Tôi leo lên, leo lên. Tôi đoán chắc ông già lên trên ngọn thác ngắm nhìn thiên nhiên buổi sáng. Hôm nọ tôi dẫn ông lên vào buổi trưa, ông bảo ngắm thác vào sớm mai hoặc ban chiều mới mới thưởng thức hết được vẻ đẹp huyền bí của nó.
Ông già ngồi trên mỏm đá nhọn chìa ra khoảng trống hun hút, nơi ấy tôi đã kể cho ông nghe câu chuyện rùng rợn khi tôi và BTàu chế được quả pháo lép thành quả bộc phá. Hai anh em đứng trên đó, một đứa vác quả pháo trên vai, đứa kia giật dây kíp và giúp sức đẩy quả pháo xuống vực thẳm trắng xóa. Một cột nước khổng lồ dựng lên. Tiếng nổ vang động. Cả vùng hồ xoáy dưới chân thác, cá chết cơ nam nào là cá. Ba, bốn làng cùng kéo nhau tới vớt cá về ăn, có tới hai, ba chục gùi.
Tôi bắc loa tay gọi. Ông già nhận ra tôi. Ông giơ tay vẫy vẫy rồi đột nhiên hú lên một tiếng, lao xuống vực thẳm, như một làn chớp vừa lóe lên rồi tắt.
Tôi ôm đầu gục xuống trước cảnh tượng phi thường ấy cho tới lúc người ta đưa được xác ông lên bờ. Toàn thân ông mềm nhũn không một mảnh vải nhưng còn nguyên vẹn.
Thằng Kơ Tít cũng biến mất!
Tây Nguyên, tháng 3 năm 1992
1. Dụng cụ làm bằng que, dùng để đo lượng uống trong văn hóa rượu cần của đồng bào Tây Nguyên.
2. Một hình thức kể chuyện sử thi của các nghệ nhân Tây Nguyên.