Bãi chém được dựng ở phía Tây, giữa một khu đất trống trải ngay sau chợ. Chợ họp một tháng sáu phiên, chỉ diễn ra từ sáng sớm đến gần trưa thì tan hẳn. Khác với khu chợ phía trước, bãi đất trống này từ các triều đại trước đã được dùng làm nơi hành hình nên lúc nào cũng mang vẻ âm u, hơi lạnh từ đất thốc lên rờn rợn quyện với thứ mùi mùi như từ cõi khác thốc lên khiến người ta luôn có cảm giác rùng mình lạnh sống lưng.
Minh họa Lê Thiết Cương |
Chỗ này còn cách bờ sông một quãng xa. Nếu tôi nắm tay Anh Vũ chạy thật lực, không dừng lại nghỉ thì cũng phải một lúc lâu mới tới sông. Tôi thèm được chạy quá. Gió ở phía ấy chắc hẳn mát lành, thơm mùi cỏ dại. Đã lập thu. Mặt trời bệch bạc chứ không phừng phừng gay gắt như độ mùa hè. Vậy mà nắng vẫn bỏng rát. Từ sáng đến giờ, nắng hun da thịt tôi cháy khét. Mồ hôi túa từ chân tóc, bết lại nhớp nháp rồi chảy xuống mắt cay xè. Nghĩ đến làn nước sông xanh mát, mắt tôi hoa lên, váng vất. Tôi cúi đầu, mồ hôi nối nhau chảy xuống đất, cháy xèo xèo như miếng mỡ lợn rán trên chảo nóng.
Lúc nào tôi cũng muốn được cha cho lên kinh thành chơi. Kinh thành nhộn nhịp, xa hoa, đủ các loại hàng hóa. Kinh thành tấp nập người qua, kẻ lại. Ở kinh thành có những người quyền quý, ra đường có kiệu, có võng lọng đưa rước, có lính theo hầu. Nhưng bây giờ tôi chỉ muốn về nhà. Mấy ngày rồi không gặp, không biết con Hĩm có nhớ tôi không. Nó khoe buồng chuối ở góc vườn đã gần chín, mấy trái bưởi trên cành cũng đã vàng, chờ đêm rằm nó mang sang nhà tôi hai đứa cùng ăn. Đêm qua rằm tháng tám mà tôi không có ở nhà, chắc nó sẽ để dành cho tôi. Con Hĩm vốn thảo ăn, đã dành cho ai cái gì là nhất quyết không đụng đến dù có thèm thế nào đi nữa. Giá tôi có thể nhắn cho nó cứ ăn hết phần của tôi đi, đừng để phần, chuối nẫu, bưởi ủng ra thì phí. Đêm rằm Trung thu năm nào nó cũng ước được lên kinh thành xem một lần cho biết. Người làng về kể, Trung thu ở kinh thành treo đèn lồng, đốt đèn kéo quân, thả đèn trời rực rỡ, múa lân rộn ràng. Đêm qua, tôi áp vào tường, lắng nghe mọi âm thanh có thể lọt vào để sau này nếu còn có thể về kể cho con Hĩm nghe. Nhưng tôi chẳng nghe được gì ngoài tiếng chuột cắn xé nhau, tiếng thạch sùng tặc lưỡi. Đêm đặc quánh và ngột ngạt. Tường cao, hào sâu, ánh trăng cũng chẳng lọt vào được để tôi so sánh. Mấy người lính nói chuyện với nhau, chép miệng, lắc đầu lo sợ những điều gì chưa rõ sẽ ụp xuống. Họ sợ hãi bảo nhau đêm rằm mà trăng quầng lên màu đỏ ối như máu thế kia chắc chẳng phải điềm lành. Cha tôi ngồi bó gối trong góc, nhắm nghiền mắt. Anh Cả cũng im lặng. Trên khuôn mặt sáng láng thông minh của anh tôi đọc được sự không cam lòng. Nhưng biết làm sao được. Số phận đã định đoạt xuống chúng tôi cái điều thảm khốc của việc chung tộc, chung dòng máu với người chỉ cách đây ít lâu còn là anh hùng, là huyền thoại, là niềm tự hào của cả dòng họ.
Đêm qua, như dự cảm về cái chết không thể tránh khỏi, cha rì rầm nói chuyện với anh Cả. Anh Cả đã thành người lớn chỉ trong một chớp mắt, thành người mà cha tin tưởng, chia sẻ những điều thầm kín. Chắc cha chẳng muốn anh mang theo điều không cam lòng xuống lòng đất. Đừng trách ngài, ngài cũng chỉ là nạn nhân thôi. Phe phái, quyền lợi, danh vọng, bạc tiền. Ai cũng phải nghiêng về một thứ. Ngài như cây thông khí khái đứng một mình giữa đất trời, đề cao lòng nhân nghĩa, ngay thẳng. Thời thế ấy, làm sao mà không có kẻ oán thù đến bầm gan sôi máu, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nếu được. Biết là oan đấy mà ngoài giãi bày với trời xanh còn có thể kêu được ai nữa!
Còn bà ấy thì sao!
Cha im lặng. Tin hay không tin cách nhau một ranh giới mỏng manh. Cha không nghĩ bà ấy là người như thế. Bà ấy có học thức, có lễ nghĩa, với người trong họ bà ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng và chu đáo. Một người đàn bà như thế, chẳng lẽ nào lại làm điều trái luân thường đạo lý.
Nhưng lòng dạ con người, làm sao đoán được. Từ ngày bà ấy không theo chồng về quê, những lời đồn đại đã nổi lên. Không có lửa làm sao có khói.
Lòng người chưa phải điều đáng sợ. Đáng sợ hơn là những lời nói sắc hơn dao cứa người ta dựng lên để dồn một con người đến bước đường cùng con ạ.
Những âm thanh thì thào bị đêm đặc quánh nuốt trọn. Chỉ còn tiếng chuột chít, tiếng xích sắt loảng xoảng theo cái trở mình ê ẩm. Mùi nước đái chuột, phân gián, mùi ẩm mốc lưu cữu bốc lên nồng nặc, cuộn tròn lấy từng chiếc bóng bị giam hãm, xiềng xích. Chúng tôi thức trắng. Biết còn được thức mấy đêm nữa nên chẳng thể nào ngủ được.
Thẻ nhang trên hương án bùng cháy lên rừng rực tựa quả cầu lửa. Mùi nhang quyện mùi đất khô, mùi cỏ cháy hòa với tiếng quạ oang oác trên ngọn cây trơ trọi cuối khu đất gợi mùi tử khí lẩn quất. Khi ở nhà, mỗi khi nghe tiếng quạ kêu tôi đều sợ đến co rúm người lại. Anh Cả và Vũ hay trêu tôi là đồ chết nhát. Bây giờ mà Anh Vũ nhìn thấy từng đàn quạ đen xì, đậu trên ngọn cây ngó chằm chằm vào dãy người phía dưới bằng con mắt chờ đợi, liến láo như nhìn thấy miếng thịt ngon thì không biết còn dám chê tôi hay không. Tôi nhìn hàng người để quên đi bầy quạ đang chờ đợi. Tôi bị xếp gần cuối hàng, căng mắt ra nhìn cũng chỉ thấy hình bóng những người đứng đầu nhỏ xíu, nắng trưa in bóng thành vệt đen sẫm dưới chân. Lúc ngài bị đưa ra, tôi cũng chẳng nhìn rõ mặt. Nắng chói quá. Nhưng có lẽ như vậy lại hay. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh khuôn của ngài ở thời khắc hiền từ, bao dung với cái nhìn thấu suốt mọi lẽ ở đời.
Tôi gặp ngài lần đầu tiên khi vừa mới biết được vài chữ vỡ lòng. Biết cha lên kinh thành tìm ngài bàn việc họ tộc, tôi nài cha được đi theo để gặp người mà tôi được nghe kể từ lâu. Ngài khác với tưởng tượng tôi hồi hộp vẽ lên suốt dọc đường từ nhà tôi đến kinh thành: áo mão cân đai, mũ cánh chuồn uy nghiêm, sống trong dinh thự rộng lớn, xa hoa. Ngài ở phủ Tây Hồ, trong một căn nhà nhỏ giản dị, mặc áo lam, đi giày cỏ, đầu chít khăn nhiễu tam giang. Tôi khoanh tay chào rồi rụt rè nép sau lưng cha, chỉ dám lén nhìn ngài. Cha tôi vội đỡ lời:
- Thưa, cháu nó là con út, mất mẹ từ nhỏ nên được cha và anh chiều chuộng, thành ra hơi nhút nhát.
Ngài bày tích nước chè lên bộ bàn ghế đơn sơ, mỉm cười hiền hậu:
- Mình là anh em trong nhà, thưa bẩm gì cho xa cách.
Rồi ngài vẫy tay gọi tôi đến gần:
- Nào, đến đây cạnh bác. Cháu đã đi học chưa, đã học được những chữ gì rồi.
Bước chân tôi lâng lâng như thể đã rời khỏi mặt đất vươn tới những chòm mây trên bầu trời cao vợi. Tôi vừa trả lời câu hỏi, vừa ngắm ngài thật kỹ để về kể cho con Hĩm nghe. Biết tôi được theo cha, mấy ngày liền nó cứ xoắn xuýt bên tôi, vừa tò mò, vừa ghen tị lại vừa cầu khẩn, bắt tôi hứa lúc về phải kể thật chi tiết cho nó nghe về kinh thành, về người đã thành huyền thoại trong mắt lũ trẻ con chúng tôi. Khéo tôi kể nó sẽ không tin mất. Con Hĩm là chúa hay nghi ngờ, sau mấy lần bị tôi lừa đến nỗi phải chịu đòn, tôi nói gì, nó cũng bắt tôi phải thề thốt đủ kiểu. Nếu tôi mà là nó, nghe kể lại chắc tôi cũng chẳng tin. Người khóc tiễn cha lên Mục Nam Quan, người nếm mật nằm gai tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa, nghĩ kế “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”, người dụ Vương Thông ra hàng, người viết Bình Ngô Sách, người được ca ngợi là tài năng và trung nghĩa mà lại giản dị, gần gũi đến nhường này.
Tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Tiếng ai đó hộc lên, đau đớn. Trời ơi có thấu chăng trời. Trẻ con có tội tình gì mà phải chịu cảnh này. Tiếng than bị át đi bởi những lời quát tháo, tiếng roi vun vút vào da thịt. Rồi bất chợt im lặng. Những cặp mắt đổ dồn về phía hai người mới được đưa ra. Uất ức, căm phẫn, nghi ngờ. Từng cái nhìn xoáy sâu vào tâm khảm. Hình như ngài ngửa mặt nhìn trời. Mái tóc bạc xổ tung, từng sợi tóc run rẩy, buông xuôi. Tiếng khóc con trẻ lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn. Chỏm tóc trái đào gục xuống bất động nhưng không ngã quỵ vì thân còn đang bị trói chặt vào cọc gỗ. Phơi mình dưới nắng chờ đợi, người lớn còn chẳng chịu nổi, huống hồ là những đứa trẻ con khát sữa. Ngài đau xót nhìn những khuôn mặt tiều tụy xung quanh mình, già, trẻ, lớn bé, quen và không nhớ. Không ai còn đủ sức thốt lên lời trách móc nhưng ánh mắt như khoan vào ngài nỗi tủi hổ, tội lỗi. Và kia nữa, tất cả nhìn phu nhân của ngài bằng ngọn lửa hận thù bừng bừng cháy. Sợi dây trói ngăn cản ngài nhích lại che chở bà trước sự uất hận của những người bị liên lụy vì chung dòng máu với ngài. Phu nhân gục xuống, mái tóc đen nhưng nhức xõa xượi. Tên lính đi cạnh giật dây thừng kéo bà lê đi trên nền đất lạo xạo sỏi đá. Lính trói hai người quay đối diện nhìn chúng tôi.
Nắng xiên vào mắt tôi, lóa thành những mảng sáng chập chờn. Hiện tại và ký ức trong tôi đan nhập vào nhau không tách ra được. Những khuôn mặt ẩn hiện. Dòng sông êm đềm. Ngọn gió thổi bên hè nhà mát rượi. Không hiểu sao, tôi chợt nhớ đến cảm giác mát lành, mềm mại của đôi bàn tay khẽ xoa má tôi dịu dàng.
Tôi chưa thấy ai đẹp như phu nhân của ngài. Chỉ cần bà đứng ở cửa, mấy gian nhà đơn sơ bỗng như bừng sáng, cứ như thể có phép tiên vậy. Chị Na đẹp nhất làng tôi, người đã có hẹn ước với anh Cả cũng không đẹp bằng bà. Lúc nghe tôi nói, anh Cả cốc đầu tôi đau điếng. Anh bảo tôi là trẻ con, hiểu gì mà khen này khen nọ. Khi nào tôi thấy thích một ai đó, tôi sẽ thấy người đó đẹp nhất thế gian này. Tôi hỏi thích là gì, anh cười mắng tôi là chúa hay hỏi. Thích tức là chỉ không gặp một lúc đã thấy nhớ, lúc nào cũng muốn ở cạnh người đó. Tôi không nhớ phu nhân của ngài, tôi đã gặp bà bao giờ đâu mà nhớ. Lúc ấy, tôi chỉ nhớ con Hĩm thôi, ở kinh thành có nhiều điều lạ lẫm thật nhưng chẳng có ai chơi cùng. Giá mà cha tôi dẫn nó theo được thì tốt. Chắc là tôi cũng thích nó nhưng đến mức lúc nào cũng muốn ở cạnh thì chưa.
Ngài ngồi nói chuyện với cha tôi đến đêm. Phu nhân chuẩn bị trà sen thơm ngát, chuẩn bị cả cháo ăn khuya. Cháo cá rắc thì là thơm phức. Bà múc cho tôi một chén con, ngồi bên cạnh nhìn ra phía Tây Hồ mênh mông sóng bạc dát đầy ánh trăng. Hương sen đầu mùa thanh khiết theo gió tràn ngập mấy gian nhà.
Tiếng nói chuyện rì rầm. Tôi nghe loáng thoáng những tài đức, công thần, những công bằng và chưa công bằng, những vỗ về và trấn an, củng cố ngôi vị mà buồn ngủ ríu cả mắt. Chẳng biết từ bao giờ, tôi tựa vào lòng bà, trôi đi trong giấc mơ trẻ thơ êm đềm. Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc chào đời, lần đầu tiên biết rằng những đứa trẻ được mẹ ôm lại có thể an lòng mà ngủ ngon đến thế.
Hình như có con kiến bò từ ống chân tôi lên tới lưng nhồn nhột. Nhưng tôi chẳng bận tâm. Chị Na lúc này có đang lên kinh thành tìm anh Cả tôi không nhỉ. Chị Na đẹp gái nhất làng còn anh Cả tôi là người nổi tiếng hay chữ khắp vùng. Ai nhìn anh chị cũng tấm tắc khen đúng là đôi trai tài gái sắc. Hai nhà đã hứa hẹn với nhau chờ xong khoa thi anh sẽ đón chị về làm dâu nhà tôi. Thi thoảng các chị trong làng trêu đến ngày “võng anh đi trước võng nàng theo sau đừng quên chị em nhé Na ơi”, chị Na lại đỏ mặt. Tôi và con Hĩm hay trộm theo anh Cả lúc anh gặp chị Na. Họ chẳng nói gì, chỉ lén cầm tay nhau, chị tựa đầu vào vai anh, anh khẽ vuốt tóc chị mà có thể ngồi cả nhau cả tối, lưu luyến chẳng muốn rời. Người lớn vừa rắc rối vừa chán ngắt. Nhớ thương nhau thế sao mà không cưới ngay đi, cha tôi cũng chẳng bảo “cưới vợ phải cưới liền tay” là gì, nhà tôi lại neo người, có chị Na về đỡ đần bao nhiêu việc. Nhưng anh Cả bảo anh muốn chị Na được nở mày nở mặt khi gả cho anh. May mà anh đợi xong khoa thi, nếu không giờ này, chị Na bị xung thành nô tì. Chị đẹp như thế, liệu thành nô tì có yên thân được không.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nắng cháy rát như muốn lột da người. Nắng ở làng nhờ có rừng thông, có sông, có suối tắm mát nên dịu dàng hơn chốn kinh kì. Bước chân của nắng cũng chậm chạp rọi từ mái nhà rồi lan xuống từng con ngõ nhỏ chứ không xộc thẳng xuống một cách phũ phàng như ở đây. Sáng sớm, tôi và con Hĩm hay rủ nhau nằm xuống bãi cỏ, chờ nắng đậu xuống mặt mình âm ấm, thơm dịu như mùi mật hoa. Cả nhà tôi bị lôi đi lúc trời còn chưa sáng hẳn. Những tiếng khóc, tiếng kêu than phá tan sự yên tĩnh của ngôi làng vốn quanh năm bình yên và lặng lẽ. Những đứa trẻ con bị giằng khỏi bầu vú mẹ, khóc thét lẹt. Những người mẹ đưa bàn tay trống không lên kêu trời rồi ngất lịm, sữa chảy ướt hết vạt áo nâu lấm lem đất. Lúc đi qua ngõ nhà chị Na, bàn chân anh Cả bị kéo về phía trước mà cổ anh cứ ngoái nhìn lại. Mặt anh bị một vệt roi quật trúng, rớm máu mà hình như anh chẳng thấy đau. Chị Na chạy theo anh, bàn chân vấp phải những mô, những ụ tóe máu. Chị ngã. Mái tóc dài xổ tung. Tấm khăn trùm đầu rơi xuống đất bị dẫm lên chuyển sang màu bụi đất. Tiếng khóc của chị như dao cắt sương sớm thành từng khối ném vào anh lạnh buốt. Người nhà chị chạy ra, xốc nách chị lôi về. Tôi còn ngái ngủ cũng bị giật dậy, kéo đi. Con Hĩm không chạy theo tôi. Chắc nó ngủ chưa dậy. Không biết khi hay tin, nó có khóc như chị Na không. Con Hĩm cũng sắp mười ba tuổi rồi, từ năm ngoái, nó không còn rủ tôi và Anh Vũ tắm sông chung, không còn cười vô ý vô tứ cùng tôi như trước nữa. Mẹ nó bảo, “nữ thập tam, nam thập lục”, dặn nó không được nhong nhong chạy theo tôi đi chơi mà dân làng dị nghị.
Tôi run rẩy trong nỗi khát bốc cháy thiêu đốt cổ họng. Cơn sốt ập tới, lạnh lẽo, rúm ró. Mắt tôi hoa lên những quầng sáng tối đan xen lúc gần, lúc xa. Máu cam từ hai lỗ mũi chảy xuống ồng ộc. Khát quá! Tôi le lưỡi liếm sạch máu chảy xuống. Tanh và mặn. Không biết Anh Vũ đi hái thuốc về chưa. Tốt nhất là nên chạy đi thật xa, đừng quay về nữa. Cứ kệ tôi, máu chảy hết thì khắc ngừng. Mà cũng không biết tôi còn sống đến lúc máu chảy hết không.
Anh Vũ nhỏ hơn tôi một tuổi, đúng ra ở vai anh nhưng từ bé đã bắt tôi gọi bằng tên. Cùng phận mồ côi mẹ từ lúc chào đời nên thân nhau. Anh Vũ không về kinh thành mà sống ở quê nhà cùng bà vú và lão bộc già tận tụy. Con nhà quan mà Anh Vũ nghịch chẳng khác gì tôi với con Hĩm, cũng vào rừng tìm quả dại, lên am nhổ cỏ, trồng rau rồi xin cơm chay. Chỉ có trò tát cá, mò ốc suối là Vũ nhất định không tham gia. Nhiều lúc, tôi nghĩ cậu không phải là người của cõi này bởi sự hiền lành quá mức khiến tôi phát bực. Chẳng thấy cậu giận ai bao giờ. Con Hĩm bảo nhiều lúc nó sờ sợ. Sợ Anh Vũ đang chơi với bọn mình tự nhiên bay đi đâu mất. Sư thầy ẩn tu trên am quý ba đứa chúng tôi, có gì cũng để phần. Tháng trước, thầy cứ bấm đốt ngón tay, lầm rầm tình toán rồi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vừa xót thương vừa buồn bã. Thầy xoa đầu Anh Vũ, buông một câu khó hiểu:
- Chẳng có lẽ trời lại đành lòng… mà thôi… thế sự, biết sao được.
Thầy niệm Phật. Anh Vũ quỳ xuống chắp tay niệm Phật theo sư thầy. Tôi kéo tay con Hĩm nhảy nhót như con khỉ nhỏ chạy đi tìm quả dại quanh am. Anh Vũ bảo với con Hĩm, khi nào lớn lên được quyền làm theo ý mình, cậu sẽ theo thầy vào núi dựng một cái am và sống ở đó đến hết đời. Cậu không thích những nơi náo nhiệt, lúc nào cũng trầm ngâm, im lặng trong cõi riêng của mình. Anh Vũ thích nghe kinh kệ, thích theo sư thầy đi tìm thuốc nên tránh được số phận hay nhờ trời cao mở đức hiếu sinh. Còn tôi, ham vui nhất định đòi về xem mọi người bày biện đón vua cùng con Hĩm, sư thầy giữ thế nào cũng không được, lúc chạy lên tìm thì am đã vắng bóng người, sư thầy đưa Anh Vũ lên tận non cao hái thuốc nên đành lủi thủi quay về.
Chắc trời chọn Anh Vũ làm người ở lại để sau này minh oan cho dòng tộc. Không biết Anh Vũ sống có dễ dàng không khi mà chẳng còn một ai nữa. Ba đời, chỉ còn trơ lại một mình Anh Vũ. Sống bằng hận thù hoặc hi vọng, ngày ngày tìm cách giải oan có được gọi là sống không. Rồi khi mối oan được giải sẽ còn lại điều gì để níu kéo sự sống. Dài và rộng, sâu và xa như thế, tôi không thể nào nghĩ giúp Vũ được.
Người ngồi tít trên cao kia, cặp mắt rừng rực lửa oán hờn nhìn xuống vợ chồng quan Thừa chỉ chắc là Thái hậu đã ra lệnh tru di tam tộc. Không biết Thái Hậu có từng được phu nhân dạy bảo khi bà vào cung nhận chức Lễ nghi học sĩ không. Ngày quan Thừa chỉ về Côn Sơn một mình, tôi tiu nghỉu khi không thấy phu nhân đi cùng ngài. Tôi muốn cho con Hĩm thấy phu nhân đẹp đến mức nào, có đúng như lời tôi kể hay không. Nó vẫn nhất định không chịu tin lời tôi nói. Trong mắt nó, chẳng ai đẹp bằng chị Na. Hoàng hậu, công chúa hay tiên nữ chắc cũng chỉ đẹp như chị là hết. Tôi cùng con Hĩm và Anh Vũ những khi không chạy lên am lại lẽo đẽo theo chân quan Thừa chỉ. Không dám chuyện trò, không dám làm ồn, lặng im như một cái bóng đi theo cho thỏa lòng được ở cạnh người từng cùng nhà vua đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.
Ngài không đuổi, không quát, không lấy làm phiền về những cái đuôi lẽo đẽo đi theo sau. Ngài cũng thường trầm ngâm không nói, lúc nào cũng ngồi trên tảng đá nghe tiếng lá thông vi vút, tiếng suối rì rào, tiếng lá trúc khua xào xạc. Khuôn mặt ngài bình lặng, ánh mắt phảng phất nỗi buồn nhưng thanh thản, nhẹ nhàng. Có lẽ, những ngày ấy là những ngày tôi thấy ngài được thư thái hơn cả.
Máu mũi tôi chảy ồng ộc, tôi không thể liếm hết được, chảy bết cả ngực áo, đọng thành vệt đỏ bầm dưới đất. Đàn kiến đỏ kéo đến. Chúng bò lên, thi nhau đốt. Da tôi mỗi lần bị kiến đốt lại sưng lên một cục rồi mưng mủ, con Hĩm hay kiếm lá cây, vừa nhai đắp, vừa càu nhàu tôi mải chơi không bao giờ để ý tổ kiến. Tôi nhận ra lúc nhớ đến con Hĩm mới thấy nó cũng xinh xắn. Nhất là dạo này, nó hay đỏ mặt những lúc tôi trêu một điều gì đấy. Má nó hồng lên như lúc ngồi bên bếp lửa mùa đông khi tôi ngỡ ngàng hỏi nó dạo này tắm nước gì mà da trắng bóc chứ không đen nhẻm như hồi còn bé nữa. Hình như bây giờ, tôi thấy nó đẹp hơn phu nhân thật.
Tôi không nghĩ con Hĩm đẹp hơn phu nhân lúc kéo nó chạy theo bờ sông cố nhìn bóng con thuyền xuôi theo dòng về lại kinh thành. Phu nhân không ở lại mà đi theo hầu nhà vua. Con Hĩm bảo với tôi, nó thấy phu nhân khóc. Nếu bà buồn như thế sao không ở lại. Tôi cốc đầu nó, lệnh vua làm sao mà trái được. Con Hĩm le lưỡi. Nó bảo phu nhân đúng là đẹp thật, tôi không nói dối. Người đẹp luôn khiến người ta đồng cảm. Con Hĩm bảo, thấy phu nhân rơi nước mắt, nó cũng thấy buồn ngơ ngác. May mà tôi kịp kéo nó chạy theo để nó nhìn phu nhân một lần chứ không cả đời nó sẽ cho rằng tôi nói dối mất. Lúc con Hĩm bảo nó buồn, tôi thấy lòng mình thoáng se sắt, chẳng hiểu tại lý do gì. Nhưng chuyện đấy giờ cũng chẳng quan trọng nữa.
Chính ngọ. Dân chúng rủ nhau kéo đến đứng chật kín, chen chúc nhau, xô đẩy nhau. Từng cái tên được đọc lên. Tên của tôi gần cuối cùng. Một hồi trống rền ầm ĩ. Tai tôi ù đi. Chỉ còn nghe tiếng “chém” đanh gọn, lạnh lẽo. Tôi không cách nào nhắm mắt được, trừng trừng nhìn những lưỡi đao lóe lên như ánh chớp. Máu vọt ra thấm đỏ mặt đất. Những chiếc đầu lăn lông lốc, mắt còn mở to kinh ngạc. Một chiếc đầu lăn tới chân tôi. Cha! Sao tôi đọc được trong ánh mắt của cha lời nhắn nhủ đừng sợ, đừng trách cha, đừng trách ngài, đừng hối hận vì đã chảy trong mình dòng máu của dòng tộc con nhé. Anh Cả bị chém sau cha. Tôi ngơ ngác nhìn chiếc cổ cụt ngủn của anh cố với lên trời như muốn đặt ra muôn vàn câu hỏi. Một ánh chớp lóe lên. Tôi chẳng còn biết gì nữa. Điều cuối cùng đọng trong mắt tôi là cái nhìn đau đớn của ngài.
Khi mái đầu bạc và dòng tóc đen như thác cùng rơi xuống, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã. Kinh thành chìm trong bóng tối âm u. Người đứng xem kéo tay nhau bỏ chạy toán loạn. Tiếng gió vẫn vũ như lời khóc than. Mưa trút nước gội sạch những vết máu đọng trên nền đất. Mưa làm vết chém ở cổ bớt nhức nhối. Tôi ngửa tay hứng nước mưa cho dịu cơn khát. Từ những ngón tay tôi mọc lên đôi mắt. Mưa kết thành đôi cánh mát lành nâng cha, anh Cả, tôi và mọi người bay về phía quê nhà.
Tôi thấy chị Na treo sợi dây trắng lên cành bưởi nơi chị và anh Cả thường hay ngồi hò hẹn. Anh Cả lao tới ôm chị. Nhưng anh loạng choạng sượt qua. Rồi chị Na bay lên như chúng tôi. Chị ôm anh Cả bật khóc. Nước mắt chị nhỏ xuống chỗ cần cổ trống không của anh, từ nơi ấy mọc ra một chiếc đầu mới, nguyên vẹn, lành lặn. Lá bưởi rụng ào xuống gốc. Trong chớp mắt, cả cây bưởi đang xanh tốt chỉ còn trơ lại những cành gầy đen đúa.
Con Hĩm cầm mấy quả chuối chín nẫu, mấy múi bưởi ủng chôn xuống khu vườn tôi và nó hay bày trò nghịch ngợm. Tôi đưa tay lau nước mắt trên má nó mà không thể chạm vào được. Tôi thấy mình cứ bay lên cao mãi, cao mãi, đến tận đỉnh núi cao nhìn xuống rừng thẳm. Anh Vũ đang múa kiếm. Kiếm sắc phạt ngang những cành cây quanh chỗ cậu đứng. Cậu ngẩng đầu nghe tiếng gió, trong đáy mắt hiền lành vằn lên những vệt đỏ. Những vì sao lấp lánh trong mắt cậu đã lịm tắt.
Hôm nay là ngày mười sáu tháng tám.