Sáng tác

Một hoàng đế cô đơn, độc sáng

Lê Hoài Lương
Sáng tác
15:00 | 24/07/2024
Phượng Hoàng Trung đô đã xây dang dở. Sau khi Quang Trung băng hà, triều Cảnh Thịnh đã không thực hiện di ngôn hoàng đế. Tây Sơn sụp đổ năm 1802.
aa

Còn kể từ khi anh em nhà Tây Sơn xây dựng lực lượng, 1771, vương triều Tây Sơn tồn tại trên dưới 30 năm nhưng là khoảng thời gian biến động lớn nhất trong lịch sử đất nước với hàng chục những trận chiến bi hùng, xóa bỏ việc phân chia đất nước Trịnh - Nguyễn hơn 200 năm, đánh tan những đạo quân xâm lược lớn Xiêm, Mãn Thanh. Trong thời gian ngắn ngủi này, vai trò của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ rực sáng không chỉ uy danh bách chiến bách thắng mà còn là một hoàng đế trí lược, nhìn xa trông rộng mọi mặt.

Thời tiền khởi nghĩa và khởi nghĩa, vai trò của vua anh Nguyễn Nhạc là quan trọng. Nhưng càng về sau, những chiến công hiển hách của Tây Sơn đặt nền tảng cho thống nhất đất nước, đánh tan những thế lực ngoại xâm hùng mạnh, thanh thế Đại Việt lẫy lừng, chính là vai trò của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

1. Tây Sơn thượng - Tầm nhìn của sự nghiệp lớn

Nơi giao du, quy tụ anh hùng hào kiệt chính, là từ vùng quê quanh bến Trường Trầu; mật khu ở chân đèo An Khê, vùng núi Ông Nhạc, Ông Bình. Nhưng xây dựng lực lượng, rèn quân, rèn vũ khí, tích trữ lương thảo là vùng Tây Sơn thượng đạo rộng lớn, nơi được trường lũy tự nhiên An Khê sừng sững che chắn, nơi thực chất nhà Nguyễn chưa thể kiểm soát. Từ năm 1771 đến 1773, chính thức phất cờ nghĩa, các sử gia ghi nhận lực lượng Tây Sơn đến 150.000 quân và 2.000 chiến mã, 100 thớt voi. Không có căn cứ địa còn lưu dấu tích trải 4 huyện thị An Khê, Kon Ch’ro, K’Bang, Đăk Pơ: An Khê Trường, An Khê Đình, cánh đồng Cô Hầu, rừng Mộ Điểu, lũy Ông Nhạc, gò Chợ, miếu Xà, kho tiền…, không thể chuẩn bị được lực lượng chiến đấu như thế.

Đáng chú ý, trong đạo quân Tây Sơn từ thời đầu đến nhiều năm sau chinh Nam phạt Bắc, các đơn vị người miền núi thiện chiến luôn được duy trì, đạt hiệu quả cao. Chiến đấu đã đành, họ giỏi đường rừng và những cuộc hành quân bất ngờ theo dãy Trường Sơn rồi đổ bộ xuống đồng bằng tập kích với chiến tượng luôn là một trong những yếu tố quyết định chiến trường. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chẳng hạn. Ngoài sự hậu thuẫn của đồng bào miền núi Bana, Xê Đăng… với căn cứ địa Tây Sơn thượng đạo, nhà Tây Sơn còn liên minh chặt chẽ với các tiểu vương miền núi: Vua Thủy xá (Pơtau Ea), Hỏa xá (Pơtau Apui) phía Tây Phú Yên. Chỗ dựa lưng phía Tây, ngoài trợ giúp lực lượng còn chuyện mượn đường hành quân rất an toàn, quân Tây Sơn có những cuộc thăm dò, đánh bại các cánh quân Nguyễn từ Phú Yên đến Bình Thuận. Cuộc hành quân của Trần Quang Diệu đánh bại liên minh Xiêm-Vạn Tượng và tướng nhà Lê, Trần Phương Bính ở Trấn Ninh, Quy Hóa, Viên Chăn, chiếm xong Vạn Tượng (1791), đường tượng binh ra Bắc 1788 trong chiến dịch đánh Thanh v.v… Có thể nói, việc vận dụng được các thế mạnh miền núi của Tây Sơn là một tầm nhìn xa có tính chiến lược cho một mưu sự lớn, bền vững.

Lực lượng này, căn bản dưới sự huấn luyện, chỉ huy của Nguyễn Huệ, vị tướng trẻ mới 22 tuổi nhà Tây Sơn! Từ đây, những cuộc hành quân thần tốc, mưu trí, táo bạo của đạo quân do Nguyễn Huệ chỉ huy: mấy lần đánh chiếm Gia Định, đánh chiếm Phú Xuân, bình định đất bắc, phá Xiêm, dẹp Thanh… uy danh Long Nhương tướng quân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ rồi hoàng đế Quang Trung bách chiến bách thắng vang dội đến mức, chỉ cần nghe con người này và quân đội ông chuẩn bị ra quân là kẻ thù khiếp vía…

Xuyên suốt sự kiện lịch sử của vương triều Tây Sơn, Tây Sơn thượng đạo không chỉ là căn cứ địa thời tiền khởi nghĩa. Trong việc đặt tiền đề cho thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt, nhà Tây Sơn là những người đầu tiên đã thực sự huy động đồng bào miền núi và lực lượng cát cứ Tây Nguyên vào sức mạnh chung của dân tộc.

2. Núi Bân - Tột đỉnh hào vũ

Ngày 25/11 năm Mậu Thân 1788, với lý do vua Lê đã bỏ nước, rước giặc Mãn Thanh về, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho đắp Đàn tế trời đất trên núi Bân, bờ Nam sông Hương, lên ngôi hoàng đế để có danh hiệu chính thống, xuất binh đánh giặc. Chiếu lên ngôi là một áng hùng văn, quang minh lỗi lạc. Đỉnh núi Bân là tột đỉnh hào vũ. Từ đất Thuận Hóa này, 2 năm trước Nguyễn Huệ đã chớp thời cơ, theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh hành quân ra Bắc, nhanh chóng đập tan thế lực nhà Trịnh. Cũng từ đây, 2 quyết định khẩn cấp dẹp nội loạn Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, bình định Bắc Hà. Phú Xuân - Thuận Hóa chứ không phải Quy Nhơn, mới là trung tâm chính trị, là tột đỉnh quyền lực đất nước và hào khí Tây Sơn, dù giặc Mãn còn nghênh ngang Bắc Hà. Mỗi thời, mỗi chiến công một khác, nhưng chưa bao giờ khí thế ngút trời quân dân, chủ tướng một lòng như trên đỉnh núi Bân, cuộc đăng đàn và xuất binh ngay sau đó với lời hịch tiến binh thần vũ đến vậy: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Các sử gia mấy trăm năm qua còn tốn giấy mực trận Ngọc Hồi - Đống Đa: Về kế hoạch hành binh, vận chuyển quân lương, hợp đồng tác chiến các binh chủng của quân đội Đại Việt, trận đánh lịch sử này. Chỉ căn bản thống nhất một điều: 5 cánh quân của vua Quang Trung vừa hành tiến đánh giặc, hoặc nghi binh, uy hiếp ngang sườn, chặn hậu… tất cả rập ràng tuyệt vời theo ý chí chủ tướng. Đỉnh cao nghệ thuật quân sự của vua Quang Trung còn là, dù cách xa hàng trăm cây số thời không dễ truyền thông nhanh chóng, các đô đốc đã độc lập tác chiến trong cuộc hòa hợp tinh thần chiến dịch, chính xác ngoạn mục. Chỉ một điều không chính xác: Những quân đoàn thiện chiến ấy đã cùng hoàng đế của mình vào Thăng Long sớm hơn lời hẹn đến 2 ngày!

Từ trận đánh đầu tiên hạ thành Phú Yên 1775 đến trận Ngọc Hồi - Đống Đa, Quang Trung - Nguyễn Huệ cầm quân đánh hàng chục trận lớn nhỏ, trận nào cũng thắng vang dội…

Sau khi đánh tan quân Thanh, Lê Duy Chí (em vua Lê Chiêu Thống) câu kết với các tù trưởng Vạn Tượng nổi dậy ở Cao Bằng, Tuyên Quang; cựu thần nhà Lê, Trần Phương Bính nổi dậy ở Trấn Ninh, Quy Hóa, Nghệ An, 1791. Không cần xuất chinh, Quang Trung sai hoàng tử Nguyễn Quang Thùy từ Thăng Long ra quân là dẹp yên biên giới phía Bắc; Trần Quang Diệu hành quân diệt Trần Phương Bính, một trận hạ Viên Chăn, những tướng lĩnh chủ chốt Vạn Tượng tử trận, đuổi vua tôi Vạn Tượng đến biên giới Xiêm La…, dẹp yên biên giới phía Tây. Yên mặt Bắc và mặt Tây, Quang Trung chuẩn bị một trận chiến cuối cùng với đối thủ lớn nhất phía Nam…

Núi Bân - Phú Xuân, nơi kinh kỳ hơn 200 năm nhà Nguyễn, lại là tột đỉnh vương triều Tây Sơn, nơi tích tụ tinh thần và ý chí của dân tộc trong công cuộc dẹp nội loạn, ngoại xâm.

3. Núi Quyết - Luận anh hùng

Kế hoạch xây dựng Phượng hoàng Trung đô của vua Quang Trung hẳn đã nung nấu từ trước chiếu chỉ gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, 1788. Nhiều lần đau đáu về chuyện dời đô về Nghệ An, một vùng đất rộng người đông, lại cân bằng Bắc - Nam, từ Thăng Long vào Phú Xuân, thuận lợi việc cai quản, phòng thủ. Ngay trước khi mất, hoàng đế cũng triệu Trần Quang Diệu đang trấn thủ Nghệ An về kinh và dặn: “Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc tang làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp sớm lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân” (Đại Nam chính biên liệt truyện).

Phượng Hoàng Trung đô đã xây dang dở. Sau khi Quang Trung băng hà, triều Cảnh Thịnh đã không thực hiện di ngôn hoàng đế. Tây Sơn sụp đổ năm 1802.

Vì sao vị hoàng đế dũng lược có ý định dời đô về Nghệ An ngay lúc đỉnh cao sức mạnh và quyền lực? Nhiều giả thuyết đặt ra. Chuyện Nghệ An “đất rộng người đông”, bằng chứng là việc dừng binh lấy lính mới của Tây Sơn cuộc ra Bắc đánh giặc Thanh đã rõ. Trung tâm giữa Thăng Long và Phú Xuân là một lẽ, kinh đô một nước không nhất thiết phải kiểu vị trí địa lý đơn giản này. Vậy lập đô ở Nghệ An là đất gốc, đất tổ tiên xưa? Tổ 4 đời Hồ Phi Long của vua, từ Hưng Nguyên - Nghệ An đã theo quân chúa Nguyễn vào Tuy Viễn từ 1672. Đời tổ thứ 3 Hồ Phi Tiễn lập nghiệp ở Tây Sơn. Cha và anh em nhà Tây Sơn sinh ra lớn lên ở Bình Định, cũng là nơi phát tích phong trào, “Trẫm là người áo vải ở đất Tây Sơn…”, sao không chọn nơi này lập đô lâu dài mà về tận quê gốc xa xôi Hưng Nguyên?

Lịch sử đế đô Việt Nam nhiều nơi. Từ Ngàn Hống (Hà Tĩnh), Phong Châu (Phú Thọ), Cổ Loa, Thăng Long (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc), Hoa Lư (Ninh Bình), Tây Đô (Thanh Hóa), Phú Xuân (TP. Huế)… Chọn Phượng Hoàng Trung đô (Nghệ An) cho vương triều mình cũng là toan tính bình thường của Quang Trung.

Cho tới khi đứng trên núi Dũng Quyết (Phượng Hoàng), viếng đền thờ vua Quang Trung. Ra các phía, rẽ cây lá nhìn ba bề bốn bên, thấy dòng sông Lam uốn quanh ôm 2 mặt vùng thành xưa, xa xa là chòm núi Mèo (Kỳ Lân) vốn là cái núi nhỏ làm một phần bờ thành, cùng với núi Quyết trường lũy… Quả là một địa thế rất thuận lợi cho phòng thủ. Nước sông Lam sâu, cảng biển Cửa Lò khá gần, thuận lợi cho thủy binh rất mạnh của Tây Sơn phòng thủ hay xuất binh đi đánh nhau. Chuyện đi đánh nhau nơi khác không bàn, với dòng Lam 2 mặt và thủy binh mạnh cùng thế núi Phượng Hoàng, Kỳ Lân, việc bảo vệ kinh đô, tức vương triều mình, sẽ yên tâm nhiều. Chữ nghĩa thì nói, đặt đô nơi đây là kế sách bền vững lâu dài. Còn đơn giản hơn, tôi nghĩ, thẳm sâu trong toan tính của mình, vị hoàng đế bách chiến bách thắng đã biết… sợ!

Kẻ thù lớn nhất, dai dẳng của Quang Trung là Nguyễn Ánh: ông lại tiếp quản Phú Xuân, đất nhà Nguyễn. Không đợi đến lúc nói thẳng với vị tướng soái tâm huyết, tin cẩn Trần Quang Diệu; là người dũng lược, hoàng đế biết rõ đánh bại Nguyễn Ánh thì dễ, nhưng tiêu diệt mầm họa này khó đến nhường nào! Bao lần Nguyễn Ánh thua tan tác, có lúc trốn chui trốn nhủi trên đảo nhỏ, trong mưa bão với vài chục tùy tùng, gia quyến, lúc “tá túc” tận Xiêm La… nhưng chỉ một vài năm sau, ông ta trở lại với một đạo quân hùng mạnh. Rồi hùng mạnh hơn. Thêm Tây dương giúp đỡ. Bọn này dù bị đánh bại ở Cần Giờ nhưng ưu thế kỹ nghệ của nó không thể coi thường… Trong khi Quang Trung bao mối lo đối nội đối ngoại với từng ung nhọt lớn nhỏ, Nguyễn Ánh chỉ một bận tâm duy nhất, là diệt Tây Sơn, đòi lại cơ nghiệp tiên tổ…

Gia Long - Nguyễn Ánh đã thắng, chung cuộc. Nhiều người thương tiếc nhà Tây Sơn, nhất là vị vua Quang Trung anh hùng. Tiếc rằng, giá như kế hoạnh quy mô đánh Nguyễn kịp thực hiện; rồi nếu hoàng đế không đột ngột băng hà, lịch sử đất nước đã khác. Đương nhiên, khác nhiều thứ… Nhưng ai dám chắc rằng, trận ấy nếu xảy ra, quân Nguyễn có thể tiếp tục đại bại, nhưng còn diệt được Nguyễn Ánh hay không lại là chuyện khác. Con người đầy ý chí và cũng thừa cơ mưu này không dễ diệt. Hiểm họa này sẽ còn nguyên: sự sống còn một vương triều, một thế lực, sâu thẳm tựa vào lòng dân. Tây Sơn có sức mạnh, có uy danh trong việc đánh dẹp ngoại xâm, nhưng chưa thể dẹp bỏ phần lòng dân với nhà Nguyễn…

Nhà Hồ nhanh chóng sụp đổ vì không có lòng dân. Hào quang những chiến thắng của Tây Sơn là chói lọi nhưng chưa thắng hẳn trong lòng dân, huống chi còn phạm những sai lầm.

Gia Long - Nguyễn Ánh đã thắng, nhưng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã không bại. Nguyễn Ánh chưa bao giờ có vinh dự đánh bại Nguyễn Huệ, kẻ thù đáng sợ nhất của ông. Nhưng xét cho cùng, ông đã giành lại cơ nghiệp tổ tiên và cả đất nước không còn chia cắt. Vận mệnh đất nước đã trao cho nhà Nguyễn.

Phượng Hoàng Trung đô là điểm sáng cuối cùng của vị hoàng đế trí dũng song toàn, biết mình biết ta. Lịch sử không có giả định. Triều Tây Sơn đã kết thúc phần huy hoàng của nó một cách chóng vánh và bi thiết.

Nhìn xa trông rộng và đầy tham vọng về một đất nước tự chủ, tự cường nhưng Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng không giúp vương triều mình tồn tại bền vững lâu dài. Ông, một hoàng đế cô đơn, độc sáng.

Lê Hoài Lương | Báo Văn nghệ

Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương Đà Nẵng, đón bằng công nhận “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng” là di sản tư liệu ký ức thế giới Trưng bày 200 tư liệu quý về "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" Một số dữ liệu khả tín về Hội văn hóa cứu quốc qua tư liệu mới tìm thấy Tìm lại tư liệu thực cho truyện “Năm anh hàng thịt” (1945) của Nam Cao
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Baovannghe.vn- Về tới đầu làng. Tôi ngơ ngác như lạc vào vùng đất lạ. Nhà cửa san sát, tườ bao khiến không gian bị chia cắt thành những ô vuông.
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương