Sáng tác

Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm

Ryan Phạm
Truyện
06:00 | 26/09/2024
Baovannghe.vn - Mẹ tôi thường bảo là con gái thì nên biết làm ba món canh: canh chua, canh cải ngọt, và canh súp. Đây là ba món canh mà đa phần đàn ông sẽ thích
aa

Mẹ dạy tôi rất nhiều thứ từ lúc tôi mới sáu tuổi. Đa phần là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, ngồi phải thẳng lưng, ăn phải nhã nhặn. Gọt khóm, bổ sầu, chặt dừa, lựa rau, giết gà. Nghĩ đi nghĩ lại thì ba món canh, và những lời khuyên của mẹ đều chỉ quanh đi quẩn lại việc làm sao để sống hòa thuận hạnh phúc với chồng, trở thành một người con gái mẫu mực, đảm đang.

Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm
Minh hoạ của Nguyên Đăng Phú

Mẹ tôi luôn đứng trong bếp. Đó là ký ức sâu đậm nhất mà tôi có về mẹ. Mẹ cũng từng kể, mẹ cũng chỉ thấy bà ngoại quanh quẩn trong bếp. Bà ngoại có mười hai người con. Mẹ là chị cả. Từ nhỏ, mẹ đã phụ giúp bà trong việc nấu nướng. Sau này, khi về làm vợ của ba tôi, mẹ cũng chỉ đứng ở bếp, mặc cái áo vải bông, một nách kẹp thằng Tuấn, một tay thì đảo muỗng tỏi phi trong chảo, còn tôi đứng ở cửa, nghe mẹ sai khiến lấy cái này cái kia, mẹ thì như một nữ tướng tay kiếm tay súng xông pha trận mạc.

Tôi cũng nhớ mẹ thích bày biện đồ ăn trong những cái dĩa đẹp. Mẹ xếp từng món mới nấu trong ngày ngay ngắn trong lòng mâm. Món canh ngọt để trong tô có hình con gà, canh chua trong tô hình cua hình cá, các món xào thì dĩa có hoa, các món chiên thì dĩa có gân, món kho dĩa tròn, món luộc dĩa vuông. Màu men rạn vàng xỉn, ấm áp. Ngoài mâm, mẹ để những chiếc cốc nhựa đựng một loại nước nấu trong ngày, hôm thì đậu đỏ, hôm thì mía lau, hôm thì xả chanh. Mọi thứ đều được mẹ, tôi, em Thanh hoặc em Tuấn hái, nhổ, hoặc ngắt ở trong vườn vào buổi sáng. Trong mâm, và ngoài mâm, bên cạnh mọi người, đó là những gì mà tôi thích nhất.

Sau này, nhà tôi trúng liên tiếp mấy vụ tôm, ba ít về nhà ăn cơm hẳn. Tôi chuyển vào thị trấn ở trọ để học trường chuyên. Mỗi khi về nhà, mẹ đều ra sau nhà, bắt một con cá, rồi nấu một nồi canh chua cho tôi. Lúc đó, tôi nhớ, nhà tôi đã có một cái bàn ăn khắc hoa rất đẹp. Nhưng bữa cơm cứ lặng lẽ, chẳng còn niềm vui. Em Tuấn và em Thanh hay đùa rằng, tôi đi học xa, nên mẹ buồn. Nhưng tôi biết, mẹ buồn vì mẹ chẳng còn bày biện trên những đĩa hoa rất đẹp của mẹ. Mẹ buồn, vì cũng như tôi, mẹ không thích khi ba trở về nhà khi đầy mùi rượu. Chỉ có khác là, tôi bỏ trốn lên thị trấn, dưới danh nghĩa là học sinh giỏi, được vào trường chuyên.

Rồi từ thị trấn, tôi chuyển lên thành phố. Mẹ biết năm 18 tuổi chắc chắn tôi sẽ đi. Lúc đó, nhà tôi lại lâm vào túng quẫn. Sau mấy mùa tôm thắng đậm, ba đi mượn nợ, rồi đầu tư làm một vố thật lớn. Nhưng tôm là loài đỏng đảnh, lại gặp một mùa bệnh, một mùa hạn. Ba tôi vỡ nợ, lần lượt bán hết ruộng vườn.

Ngày tôi có kết quả thi đại học, ba đi nhậu với mấy chú trên xóm trên. Người ta càng khó khăn, thì càng tìm đến hơi men để quên sự đời. Lúc về, ông đập cái chai rượu ở ngạch cửa, hét rằng không cho tôi đi học đại học. Ông muốn để tiền cho thằng Tuấn đi học. Còn tôi, ông bảo, tôi phải đăng ký vào làm công nhân của công ty xuất khẩu cá tra. Lúc đó, tôi còn nhớ rõ, tôi lấy cái đầu cá trong tô canh chua mẹ nấu ném xuống ngay bậc cửa, chỗ còn đầy miểng chai, và rồi tôi bỏ đi lên thành phố.

Nếu chọn thịt, thì phải rửa thịt. Nếu chọn cá, thì phải làm sạch cá.

Tôi chưa bao giờ nghe lời mẹ để trở thành một cô gái đảm đang, giỏi giang. Từ nhỏ, tôi đã biết mình cần phải giỏi, nhưng cái giỏi đó không phải là giỏi ở việc nấu ăn. Tôi phải giỏi hơn cả đám con trai trong lớp, phải làm được những thứ mà tụi nhóc ở trường xã ấy chưa từng mơ đến. Và tôi biết, mình phải trả giá cho những quyết định của mình.

“Mẹ đã được nhận làm việc trong nhà máy rồi. Con cố lên, có lương, mẹ sẽ gửi lên cho con.”

Mẹ gọi cho tôi qua điện thoại với một giọng rất vui vẻ, nhưng sau đó, Tuấn có kể cho tôi, mẹ phải làm việc trong kho lạnh. Tay mẹ có khi về nhà còn tím tái. Tuấn nghe tôi thúc giục, cũng đậu vào trường chuyên của tỉnh. Nhà chỉ còn Thanh, nên nó phải đứng bếp. Tôi ngồi rửa chén trong tiệm cơm tấm mà hình dung ra dáng bé nhỏ của Thanh đứng trên cái ghế để nấu cơm. Em út của tôi, đứa bé mà khi tôi lên cấp hai đã bỏ lại phía sau, không biết nó có suy nghĩ gì khi thay mẹ để chăm lo cho gia đình.

Còn tôi, trong hai năm đầu ở thành phố, tôi chỉ biết có học và làm việc. Tôi làm tất cả, từ việc chạy bàn rửa chén đến tiếp thị bia trong một quán bar. Khuya muộn tôi còn ngồi học bài và soạn bài. Căn phòng ký túc xá có mười người ngủ, đêm nào tôi cũng thức đến ba bốn giờ sáng. Lũ bạn hay trêu tôi là quái vật, chỉ biết công việc và học tập mà không biết đến cả ngủ. Chỉ có những đêm, ngồi xem thuyết trình của thầy trên lớp mà tôi đã nghĩ, đâu là cái giá để thành quái vật.

Bỏ hết xúc cảm, lột đi lớp da thường mà mặc lên một bộ vảy rồng xấu xí. Hoặc phải sống trong những đầm lầy hôi thối, từ bỏ ánh sáng tươi đẹp bên ngoài. Hoặc là cô độc, bào mòn trong những tham vọng của mình.

Chỉ là tôi biết, mình chưa đủ can đảm để bước thêm một bước.

Tôi đã thấy Lan, cô bạn cũng làm trong quán nhậu lúc mới lên thành phố đồng ý đi chơi với một anh chàng có vẻ sành điệu. Rồi Lan nghỉ việc, cả đám nhân viên kháo nhau về việc Lan trở thành tình nhân của một đại ca. Lần cuối tôi vô tình gặp Lan, cô bé với khuôn mặt vui vẻ ngày nào, giờ đã có một hình xăm hoa hồng nơi vai, làn da trắng sứ, môi tô đỏ rực.

Tôi còn nhớ rõ, mình đã vùng chạy lúc có một bàn tay sờ vào đùi trong của tôi. Tôi chỉ biết, mình đã lựa chọn thì phải theo đuổi nó đến cùng.

Cà chua bổ quả cau, thơm cắt lát, me dầm với nước ấm. Đây là ba loại chua chính để nấu một nồi canh chua ngon. Vị chua của canh chua là sự tổng hòa của vị chua đằm của thơm, vị chua bổng của me, và vị chua thanh của cà.

Năm tôi tốt nghiệp đại học, thì em Thanh mất. Tuấn gọi cho tôi, khóc bù lu bù loa. Năm đó cũng là lúc Tuấn chuẩn bị thi đại học.

Đám tang của em Thanh khá nhỏ, vì em chết trẻ. Tuấn nắm lấy tay tôi kéo vào buồng.

“Em sẽ không học đại học. Em sẽ đi làm để đỡ đần cho mẹ.”

“Không được, em phải học đại học. Chỉ có vậy, mẹ mới sống vui vẻ hạnh phúc được.”

Tối đó, ba tôi về. Ông nằm trong sân, dưới gốc cây xoài, có lẽ ông xỉn, có lẽ ông tỉnh. Tôi không biết, cũng thấy mình không còn đủ sức để quan tâm. Chỉ là đêm hôm đó, mẹ tôi cứ khóc ở sau bếp. Em Thanh đã đứng trong căn bếp đó suốt những năm tôi ở trên thành phố. Sáng hôm sau, tôi bắt chuyến xe sớm lên Sài Gòn. Khi chiếc xe chạy vào thành phố mười triệu người, ánh đèn đường ấm ấp như nuốt chửng tôi. Tôi bật khóc.

Bỏ cá/thịt vào nồi, nấu sôi, vớt bọt. Vì chúng ta cần một nồi nước trong veo tinh khiết.

Tôi nhìn tô phở thất thần. Sếp của tôi thì đang húp hì hục ở đối diện. Đây là lần thứ ba tôi đi công tác miền Bắc tới sếp. Lần này là lần lâu nhất. Đó cũng là ngày em Tuấn nhận được điểm thi đại học. Tuấn đã hoãn thi một năm, em nói muốn giúp đỡ mẹ. Nhưng tôi biết, em không muốn tôi chịu khổ. Tôi được nhận vào làm kinh doanh trong một công ty chuyên xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam qua Trung Quốc. Tôi phải đi học thêm tiếng Trung hằng đêm. Lần này, tôi có thể thể hiện những gì mà mình đã học trước mặt sếp. Nếu thành công, tôi có thể thăng chức?

Cuộc họp sau đó diễn ra tốt đẹp. Đối tác và cả sếp đều ngạc nhiên với tiếng Hoa của tôi. Sếp có vẻ rất hài lòng. Tôi nhận được tin nhắn Tuấn đã đậu vào đại học. Vậy là tôi cần phải có ít nhất một cây vàng một năm để có thể chăm cho em.

Tối đó, tôi đi tiếp khách với sếp. Lần này, sếp ngạc nhiên hơn, khi bàn tay của ông luồn vào giữa đùi tôi không bị chặn lại. Ông cười khình khịch, khi bàn tay tiến càng sâu vào người tôi. Tôi nốc cạn một ly rượu. Bất giác tôi nghĩ về dáng mẹ tôi đứng trong bếp. Có lẽ lúc em Thanh đứng trong bếp cũng giống như mẹ nhỉ.

Đêm đó, sếp còn ngạc nhiên hơn khi biết tôi còn trinh trắng. Cái ngàn vàng của tôi được trao cho ông, lấy may cho một hợp đồng hơn chục triệu đô. Sếp mạnh tay tuyên dương tôi giữa công ty. Số tiền hoa hồng của tôi tháng đó lên đến trăm triệu. Lần đầu tôi có số tiền lớn đến như vậy.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, hiểu mình phải bỏ lại con người đã cũ của mình. Bên ngoài thành phố mười triệu người lại lên đèn, dòng xe hối hả bên dưới. Tôi nhận được tin nhắn của sếp sắp xếp cho một chuyến công tác xa.

Bỏ cà chua và thơm vào nồi, cho nước me. Nêm mặn bằng nước mắm, nêm ngọt bằng đường. Ba vị chua, mặn, ngọt được điều chỉnh theo ký ức.

Tôi chuyển công tác hai lần, từ một cô gái tỉnh lẻ, tôi trở thành phó giám đốc kinh doanh của một nhãn hàng ăn uống nước ngoài. Ngày đến công ty mới, tôi gặp Liam. Liam là sếp của sếp tôi, ông 45 tuổi, đã ly dị vợ, có một cô con gái đang học trường quốc tế. Liam ngồi cạnh tôi khi mọi người tổ chức tiệc ăn mừng người mới. Trong một thoáng chốc, tôi nghĩ, ông sẽ lại đưa tay vào đùi tôi như cách mà hai người cấp trên trước đây của tôi đã làm. Nhưng không, ông chỉ nhã nhặn mời tôi một ly rượu.

Tôi không thích uống rượu. Nhưng công việc đòi hỏi phải giao tiếp nhiều trên những bàn tiệc, nên tôi đã uống. Tuy nhiên, là một cô gái, thì tôi được quyền giả vờ là mình không uống giỏi. Chỉ một ly rượu là tôi sẽ xỉn, khuôn mặt đỏ lừ do dặm thêm má hồng trong nhà vệ sinh. Ánh mắt mông lung. Tôi bắt đầu diễn để những người khách xung quanh mình tưởng là họ đã nắm được tôi.

Mẹ tôi đã dạy tôi rằng phải chinh phục đàn ông qua dạ dày bằng những món ngon. Nhưng đối với tôi, đàn ông chỉ khuất phục khi tôi nghe họ thở hồng hộc. Tôi thổi vào họ như thổi một quả bóng. Và rồi tôi buông tay, bọn đàn ông mất kiểm soát ấy sẽ chỉ còn có thể bay lên bay lên và van xin tôi cho đáp xuống.

Rồi tôi mang thai. Tôi không biết rõ đứa bé đó là con của Liam, hay là con của một người nào đó trong số những khách hàng đã đưa tôi về phòng. Mà dù là cha của đứa trẻ là ai thì tôi cũng không cần biết. Tôi đã nuôi được em trai mình đi học bốn năm đại học, ba năm thạc sĩ, một ông bố say xỉn, một người mẹ chỉ còn đứng trong bếp. Thì tôi có thể nuôi một đứa trẻ.

Bỏ bạc hà vào nồi canh chua nếu có.

Tôi quay trở lại công việc chỉ sau bốn tháng sinh con. Mẹ tôi dọn lên Sài Gòn để chăm Thảo Ly. Mẹ ít nói hẳn nhưng món ăn của bà vẫn ngon như vậy. Có mẹ, tôi càng thêm bận rộn. Năm ba mươi bốn tuổi, tôi nghỉ việc, ngủ với Liam một đêm cuối cùng, ông hỏi tôi Thảo Ly có phải con ông.

Đứa trẻ có dòng máu lai. Và tôi biết nó là của Liam, nhưng tôi lắc đầu. Liam không hỏi nữa.

Công ty mới, tôi là giám đốc ngành hàng, phía trên chỉ có các sếp ở nước ngoài. Cho nên tôi chọn một cậu trai vừa ra trường và hỏi em có muốn đi công tác với chị không? Nhìn thằng nhóc hai mươi ba tuổi ấp úng gật đầu, tôi cười thầm.

Cắt ớt bỏ vào nếu thích ăn cay.

Mẹ tôi mất năm Thảo Ly mười hai tuổi. Ba tôi mất sáu năm trước đó, vì trúng gió khi nằm ngoài gốc xoài. Mẹ tôi thì mất vì bà phải rời xa căn bếp ở quê nhà mà chuyển lên căn bếp của tôi. Bà hay than phiền rằng căn bếp đầy đủ tiện nghi mà tôi đã mời kiến trúc sư về thiết kế, lại không nấu ra được những món ăn ngon như căn bếp bằng củi gỗ của quê. Nhưng mẹ tôi không bao giờ quay về quê, tôi biết mẹ cũng sợ căn bếp ở quê, vì mỗi lần mẹ ở đó, mẹ lại chỉ nhớ đến em Thanh.

Mẹ tôi bệnh nặng lắm. Ngày gần cuối, bà gọi tôi và Tuấn đến bên cạnh giường, nói với chúng tôi: “Xin lỗi.” Tôi chỉ bật cười, thật ra tôi muốn nghe câu nói này từ người đàn ông đã ra đi cách đây sáu năm hơn. “Con hãy tha lỗi cho mẹ, và tha lỗi cho mình. Con hãy lấy một người đàng hoàng tử tế.”

Đúng là mẹ tôi, cả đến khi bà mất, bà cũng muốn tôi trở thành một người phụ nữ có gia đình. Tôi nắm lấy tay mẹ khi bà nằm trong quan tài: “Có chồng có thật sự khiến đàn bà hạnh phúc không mẹ?”. Tôi nhìn bà lần cuối, khuôn mặt của bà cũng được trang điểm tươi vui như em Thanh ngày nào. Có lẽ nếu em Thanh ra đi muộn hơn, thì khuôn mặt của em chắc sẽ giống với mẹ lắm.

Canh chua thì bày trong tô hình cua hình cá.

Tuấn nhận được việc ở Singapore, chuyển cả gia đình đi theo. Bỗng nhiên ở cái tuổi bốn mươi lăm, tôi thành kẻ mồ côi, không cha, không mẹ, không anh em. Tôi chỉ còn một đứa con gái đã mười lăm tuổi. Đứa bé mà mẹ tôi đã chăm bẵm nuôi lớn. Đứa bé mang trong mình một nửa của tôi. Ngày giỗ của mẹ, tôi không đi làm, ở nhà nấu một mâm cơm cúng.

Thảo Ly cũng về sớm, chắc nó biết mẹ nó không rành mấy chuyện nấu ăn. Tôi chiên chả giò, món duy nhất mà tôi tự tin. Thảo Ly đứng bên cạnh. Tay thoăn thoắt cắt cà chua, thơm, bạc hà. Tay dồn dập dầm một chén nước me. Tay nhịp nhàng cắt cá, lọc xương. Nồi nước sôi trào, bỏ cá, bỏ cà, rồi thơm, rồi me. Cuối cùng là bạc hà. Thảo Ly quay nhìn tôi, đôi mắt màu nhạt của con sáng lên đẹp quá. Thảo Ly nói nó thích canh chua có thêm đậu bắp, nhưng tôi nhớ mẹ tôi chưa bao giờ bỏ đậu bắp vào canh chua.

“Bà nói ông không thích ăn đậu bắp, nên bà không bỏ thêm vào.”

“Bà cũng bảo mẹ thích ăn cay. Cậu Tuấn thì thích ăn chua hơn, còn dì Thanh thì thích ăn ngọt hơn. Bà sẽ bỏ thêm một chút ớt. Bà nói: mẹ thích ăn canh chua nhất, nên dù mọi người không thích ớt lắm, bà vẫn ưu tiên cho mẹ.”

Nêm mặn bằng nước mắm, nêm ngọt bằng đường.

Thảo Ly lấy từ trên tủ chén, một cái chén sứ trắng trong có hoa văn của một con cá vẫy đuôi. Con đổ canh vào, cắt một nhành ớt trang trí. Tôi ôm cô con gái đã khôn lớn của mình từ đằng sau.

Thảo Ly vùng khỏi cái ôm của tôi. Con bé mang tô canh ra bàn.

Tôi thắp nhang. Rồi bất chợt trong làn khói thơm có mùi ớt cạy xộc lên mũi.

Ryan Phạm | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Đọc truyện: Anh trai tôi. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói