Sáng tác

Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh

Bùi Tuấn Minh
Truyện
06:00 | 25/09/2024
Baovannghe.vn - Trông đám người ấy thật chẳng khác gì một tộc người nguyên thủy, suốt ngày lộc ngộc, trần trùng trục giữa cái nóng như rán mỡ của nắng biển, khuân khuân vác vác. Họ đã ở đây từ sau mùa bão năm trước đến tận bây giờ.
aa

1.

Trông đám người ấy thật chẳng khác gì một tộc người nguyên thủy, suốt ngày lộc ngộc, trần trùng trục giữa cái nóng như rán mỡ của nắng biển, khuân khuân vác vác. Họ đã ở đây từ sau mùa bão năm trước đến tận bây giờ.

Hinh tỉnh dậy, vệt sáng nơi chân trời lan dần lên cao, từ từ gặm nhấm bầu trời màu chim ngói. Liền sau đó, chỗ ấy ửng lên màu mỡ gà, dường như có một thế lực siêu nhiên bí ẩn nào đó đang đổ màu cho một tấm áo xám khổng lồ. Viễn cảnh diễn ra trong tầm mắt, Hinh nằm đó, gối đầu lên cánh tay sần sùi, cục mịch mà ngắm nhìn tĩnh tại, đôi mắt sau giấc ngủ đủ dài lại trong veo như chưa từng đục ngầu, cáu bẳn. Có vẻ Hinh đã quên biến cố chiều qua, cơn bão sớm đã làm sụp đổ, phá tan hoang công trình được xây nên bởi mồ hôi, công sức bao ngày của anh và những người khác. Khi ấy, anh nguyền rủa cái đám dự báo sai hướng đi của cơn bão, anh căm ghét cái giọng ông ổng trên radio, vừa chạy bão vừa chửi đổng, cơn giận ấy chẳng hề kém cạnh sự cuồng nộ của mây trời. Hinh mất cảm giác trước những hạt mưa liên xiên cắm vào da thịt, khuôn mặt anh loang lổ, nhếch nhác như một chiến binh bước ra khỏi trận đánh. Đó là câu chuyện u tối hôm qua, hôm nay trời lại sáng. Nhìn những tia sáng đang vút lên tua tủa xuyên qua những mảng màu vàng vọt báo hiệu lại một ngày bỏng rát, Hinh sẽ cho anh em nghỉ ngơi, còn mình trở về trụ sở để giải trình với ban giám đốc.

Ngay lập tức, anh dộc dậy, vục tay xuống xô nước táp lên mặt, hai bàn tay như chiếc lược cào cào bới bới mái tóc bê bết thành nếp thành luống, vớ lấy chiếc áo K82 đã bạc phếch, thừ người một lúc. Suy tính, đắn đo thế nào Hinh lại cởi ra thay bằng chiếc áo công nhân vắt ngay đó. Khi ấy trời sáng rõ, mấy người trong lán trông thấy ai như Hinh đang đi vào khu rừng cui với trang phục sặc sỡ, dưới là chiếc quần bộ đội màu xanh lá, trên áo công nhân xanh coban, đội chiếc mũ nhựa bảo hộ màu vàng và đi đôi dép rọ màu đất. Mất độ đôi tiếng men theo cánh rừng ngập mặn với lớp lớp những cây cui, cuối cánh rừng có chiếc lán của vợ chồng lão ngư phủ, đến đó nhờ đi thuyền vào bờ.

Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Minh hoạ Vũ Đình Tuấn

Hinh từng là trung đội trưởng một đơn vị chiến đấu trong đội hình sư đoàn bộ binh cơ giới ngang dọc khắp chiến trường K, từ Kandal, Takeo đến Kampot. Hết chiến tranh đơn vị nhận lệnh chuyển sang làm kinh tế, nhiều anh em quen với việc cầm súng, giờ được đi đào tạo cấp tốc, làm quen với máy xúc, máy ủi, học mấy chữ tiếng nước ngoài xì xà, xì xồ. Giám đốc, vốn là sư trưởng, một con người dày dạn trận mạc, ông miệt mài đến từng đơn vị với đôi chân tập tễnh, nói với đám lính áo còn ám mùi thuốc súng rằng, hết chiến tranh chả nhẽ cứ cầm súng mãi, rồi “xây dựng cũng là bảo vệ Tổ quốc”, “phải phấn đấu lấy danh hiệu anh hùng lao động thời kì đổi mới” vân vân các kiểu. Đám chính trị viên cũng theo đó đêm ngày ra rả quán triệt, tuyên truyền, nhiệm vụ xung kích làm kinh tế chẳng kém quyết tâm thắng trận ngày nào.

Có vài anh em chọn con đường xuất ngũ. Hinh lúc đầu cũng hục hặc, tỏ thái độ không đồng tình chủ trương mới với thủ trưởng.

“Khác gì bảo thợ gạch đi tỉa hoa, thôi em chọn ra quân.”

“Đừng tưởng tỉa hoa mà dễ, không phải việc gì cũng làm được.”

Chỉ có dùng kế khích tướng mới hướng được lựa chọn của người lính dưới quyền bao năm theo ý mình, giám đốc biết rõ như thế. Ông khâm phục người cấp dưới này, ở Hinh có tính cách can trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công ty cần những người như anh. Họ đôi co mãi.

Sau lần ấy, Hinh chọn ở lại cùng với mười đồng đội đã từng sống chết tại trận đánh ở 400. Chưa ông nào có vợ, già nhất là Hải ba chục, hơn Hinh hai tuổi, trẻ nhất là Đáng mới hai tư. Mọi người thắc mắc, Hinh bảo “Chúng ta vẫn là lính, những người lính công nhân.”

Trận đánh tại điểm cao ngày ấy diễn ra trong những năm cuối cuộc chiến tại Campuchia. Thay vì tập hợp tàn quân tại các cứ điểm dọc biên giới với người Thái để chờ bộ đội Việt Nam tới đánh, quân Pôn Pốt đã di chuyển vào sâu trong nội địa, tiến hành quấy phá, khủng bố, bắt bớ, giết hại dân thường và đánh úp bộ đội. Chiến thuật gây khá nhiều khó khăn và tổn thất cho quân tình nguyện. Tình hình da báo nghiêm trọng y như những năm đầu cuộc chiến. Một hôm, đơn vị triệu tập mười một người giao Hinh phụ trách thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đưa một liệt sĩ về bệnh viện dã chiến ở thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc Zin130 chở di hài với gần tiểu đội hộ tống lăn bánh hướng cửa khẩu Xa Mát xuất phát từ sáng sớm, dự kiến cuối ngày đến nơi.

Campuchia đang vào mùa khô, dọc đường các cánh rừng ảm đạm, tiêu điều, có dòng suối cạn đáy, trơ lên những tảng đá quái dị nhìn như những chiếc sọ người. Hinh từng nhìn thấy những chiếc đầu lâu được xếp chồng lên nhau tại Kan Dal. “Chúng có thể cao hơn nếu chúng ta không tới đây.” Một người đồng đội nói với Hinh. Cam như một đất nước trong bóng tối, đâu đâu cũng toàn chết chóc, mỗi lần hành quân mọi người luôn có cảm giác rờn rợn. Có người nói đi theo họ là những linh hồn.

Trên xe, chiếc quan tài mới đóng bằng những tấm gỗ mỏng kê chính giữa thùng xe, người chết chắc được mấy ngày, bắt đầu bốc mùi, thứ mùi xác chết đặc trưng dường như đang thấm qua lớp gỗ. Khi xe đi qua chỗ ổ voi, ổ gà, quan tài cùng chiếc xe nảy lên nảy xuống, anh em ngồi cạnh đó còn nghe được tiếng thân thể lịch bịch đập vào thành. Con đường đầy rẫy hiểm nguy, có thể bị phục kích bất cứ lúc nào, Hinh ngồi trên cabin căng mắt quan sát, cảnh giới. Một vài người thắc mắc, sao không gọi máy bay trực thăng đưa về, sao không chôn tại chỗ, sau này quy tập... Hinh không lăn tăn gì về nhiệm vụ, quân lệnh như sơn, trong chiến tranh có những điều không nên cố tìm hiểu.

Gần trưa, chiếc xe vẫn lầm lũi lăn bánh trên con đường đất quanh co. Giữa không gian tưởng chừng chỉ có tiếng động cơ, bỗng một tiếng nổ bất ngờ làm chiếc xe nát bánh trước, cầu trước sập xuống.

“Trúng mìn rồi.”

Sau giây phút bất ngờ, Hinh định thần nhảy xuống xe kiểm tra, không ai bị thương, phía dưới quan tài va vào thành xe bật tung nắp, lộ ra thi thể được bọc kín bằng ni lông quân nhu. Một loạt đạn từ phía trước bắn tới tấp vào xe, mọi người tìm chỗ ẩn nấp bắn trả. Hai tên Pôn Pốt hung hăng xông đến bị Hinh bắn gục, kêu quằn quại, phía sau chúng còn rất nhiều bóng áo đen khác đang xông đến, có cả xe cơ giới.

“Có khi không về được cửa khẩu.”

Hải nhìn Hinh lo lắng. Đạn quân thù bắn rát, anh em túm tụm sau xe, chỉ một quả cối là hi sinh hết, thấy thế, Hinh nhìn điểm cao 400 bên cạnh lừng lững và nảy ra một ý định, anh bảo Hải bắn chế áp, còn mình chạy ra phía thùng xe thống nhất với mọi người. Lúc sau, bộ đội vừa đánh vừa rút lên điểm cao, họ khiêng theo cả bọc thi thể liệt sĩ đang phân hủy.

2.

Cánh rừng thòi ra một dải đất dài đâm vào đại dương gọi là doi biển, khi thủy triều lên doi tách hẳn với đất liền, trông lạc lõng và cô độc. Nơi này thời tiết khắc nghiệt, đón sóng, đón gió, ngoài mấy bụi sim dại, hiếm thấy loài nào hiện hữu.

Cuối doi, mười một con người trông như những miếng khoai deo nhăn nhúm nhưng kiên cường, họ vừa phải lao động, vừa phải sinh tồn tại đây. Ngày làm việc, đêm chui rúc vào căn lều dã chiến chật chội. Những đêm gió to, căn lều lay lắt, kêu phần phật như có người vỗ vào tai. Sáng hôm sau, ai cũng lờ đờ bởi mất ngủ. Sau đó họ làm cái lán lợp bằng những tấm pờ lô xi măng, chấp nhận sự nóng nực như cái lò thiêu gấp đôi nơi ở cũ. Mọi người đều cố gắng, vì nghĩ cùng lắm chỉ vài tháng. Một cặp gà nuôi thêm đợi ngày tổng kết.

Hải lớn tuổi nhất được giao trọng trách nuôi người, chăm gà, nhưng cũng chỉ được nghỉ chuẩn bị cơm nước trước độ tiếng, còn lại phải lao động bình thường. Sáng là tay ghita, chiếc đàn mang theo được một thời gian, giờ trông bạc phênh phếch. Ở nơi góc biển hoang vu, tối nào cũng rộ lên khúc quân hành, hôm nào hắn không vui y như đêm ấy doi biển lặng như một bãi tha ma. Hinh là đội trưởng, anh nói hôm nay đắp xong ngần này là phải xong ngần ấy. Ở nơi địa hình không phù hợp dùng máy móc thì sức người phải như kiến cần mẫn, miệt mài mới có hi vọng hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ. Ngày của họ kết thúc với đôi tay xước xát, đôi vai tím bầm, khi ấy mặt trời đã trốn vào lòng biển. Một ngọn hải đăng cần phải được xây ở đây, nhưng trước mắt các bờ kè kiên cố cần được dựng lên để chắn sóng, nhất là chỗ nước sâu, nơi cuối cùng của doi đất. Ngoài khơi kia, cách doi vài hải lí có một bãi đá ngầm, nỗi kinh sợ của những con tàu. Hồi mới đến, mọi người đã tận mắt chứng kiến những người trên tàu sợ hãi nhảy xuống biển khi con tàu mắc cạn, bị nghiêng rồi lật úp. Vì trách nhiệm, danh dự và cả lương tâm nên khổ mấy cũng phải ở lại, phải làm cho xong, với họ chẳng khó khăn nào gian khổ bằng những ngày ở chiến trường.

Không ai ngờ, sau khi công trình bị cơn bão đầu tiên đánh vỡ tung, mọi việc trở nên xấu đi. Khi Hinh tiếp tục đốc thúc mọi người đổ đá vá vào, nhưng càng vá càng lở. Một sự bất mãn âm ỉ, nhen nhóm, từ tư tưởng cho tới quyết tâm, sự rệu rã, chán nản trong khuôn mặt mỗi người hằn sâu vào từng viên đá. Họ càu nhàu với bữa ăn thường xuyên hơn, có người còn ý kiến thay đầu bếp, khi miếng cơm trở nên cứng như thóc, họ thắc mắc, khó chịu, tìm đủ lí do hục hặc lẫn nhau. Hinh biết mà kệ, xã hội phát triển vốn xuất phát từ mâu thuẫn con người, cãi cọ là bản tính, căng quá thì nạt cho vài câu áp đặt, kiểu như: “Có im ngay không?” “Các ông đừng để thất bại ở nơi này, nhục lắm.” “Làm đi, đừng ý kiến!” Nhưng không khí doi biển vẫn trầm uất, u ám.

“Đánh đàn đi!”

Hinh nói với Sáng vào một tối sau bữa cơm, anh cần phải xốc lại tinh thần cho mọi người, không thể để rệu rã như quân thất trận thế này. Chỉ có âm nhạc mới làm khuây khỏa con người, anh nghĩ. Khuôn mặt dài như cái bơm, Sáng nặng nhọc cầm cây đàn vẩy tay đánh phừng một cái vào mấy sợi dây, tưởng chừng như muốn đứt ngay. Hinh lừ mắt, giật phăng cái đàn quăng ra ngoài bãi đất, cả đám há hốc mồm kinh ngạc. Hinh quát tháo, anh không nhịn được nữa, anh lần lượt túm cổ áo Sáng, rồi Long, rồi Thắng... Tất cả bọn họ, những người đã theo Hinh đến đây.

“Các người là một lũ chống đối!” Hinh nói như quát.

“Phải sống cho ra cái con người, đồ hèn, điều gì đã làm các cậu thành những kẻ như thế này?”

Cuộc họp diễn ra ngay sau đó, Chung làm thư kí, ghi chép biên bản đàng hoàng, ai cũng phải có ý kiến.

“Cơm, gạo có thế thôi, ai làm được thì làm, tôi không làm nữa, suốt ngày bếp núc, báu bở gì.”

Hải lớn tuổi nhất phát biểu trước.

“Tôi đề nghị thành lập tổ văn nghệ, không thể dồn trách nhiệm lên vai một người.”

Ý kiến thứ hai của Sáng.

“Đề nghị tập trung ý kiến vào vấn đề chính.” Hinh ngắt lời.

“Chúng ta không thể cứ mãi cù lần như thế này, không thể cứ cắm đầu vào bê bê, vác vác, đắp đá vào một nơi đất mềm, bùn nhão, sóng to vài đợt sẽ lại bung bét, công sức anh em ta lại đổ bể.” Long đứng lên với giọng điệu gay gắt.

“Tôi nghĩ chờ biển lặng chúng ta sẽ đóng cọc, nhưng cần có máy móc, sức người không làm được, ai cũng biết chỗ đó nước phải 3m.” Thắng ý kiến tiếp theo.

“Tôi không đồng tình với ý kiến đồng chí Thắng, một phát biểu không có tư duy, không phù hợp với thực tế. Ta không có phương tiện nên phải xin thêm người, thêm công để vác đá ném xuống ấy làm nền vững chãi, rồi mới tính làm kè.”

“Đồng chí nói ai không có tư duy, xin thêm người thì nói làm gì!”

Cuộc họp kéo dài đến tận khuya, biên bản dài gần hai chục trang, tay Chung mỏi nhừ. Cuối cùng đi đến thống nhất, Hải vẫn làm đầu bếp, Hinh sẽ đến gặp ban giám đốc xin thêm vật liệu và gia hạn thời gian nghiệm thu công trình ba tháng.

3.

Cuộc tử thủ đã bước sang ngày thứ ba, Hinh và đồng đội căng mình chống trả và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của kẻ thù. Lối đi độc đạo cộng với địa hình công khó, dễ thủ khiến quân Pôn Pốt không thể tiến lên được, cối và hỏa lực mạnh không phát huy tác dụng giữa không gian chật hẹp của cây rừng, chúng quyết định bao vây, để cho đám bộ đội chết đói, chết khát mà ra hàng.

Mùi tử khí từ chiếc bọc ni lông đã bốc lên nồng nặc, cái mùi chỉ nghĩ đến thôi cũng dễ làm con người ta phải nôn ọe, lan trong không gian chật hẹp, ám vào quần áo, vương trên da thịt người sống. Lương khô chuẩn bị cho chuyến đi đã cạn, cái đói bắt đầu giày vò, cơ số đạn không còn nhiều, Hinh ra lệnh chỉ bắn khi cần thiết. Có lẽ khi nhìn thấy anh em khiêng chiếc túi, chúng cứ nghĩ bộ đội mang theo đạn dược dự trữ nên tấn công dè dặt. Mọi người bắt đầu nói về việc phá vòng vây.

“Ông nào tốt số may ra còn sống, chứ ở đây là chết cả đống.”

Người thì bảo: “Tử thủ cũng được nhưng phải chôn cái xác đi, không thì cái mùi làm mất hết sức chiến đấu.”

“Không được, phải tử thủ, cái xác cũng không được chôn.”

Hinh cương quyết, anh nghĩ, nhất định phải mang được liệt sĩ về nước, kiểu gì không sớm thì muộn sẽ có quân ta đi qua đây và đụng độ với đám quân bao vây, lúc ấy cứ nghe tiếng súng mà xông xuống. Anh bày mọi người xé cánh tay áo, đi tiểu vào đó rồi bịt lên mũi để giảm mùi tử khí.

Ngày thứ tư, đói thì chớ, cái mùi làm mọi người nôn khan liên tục, nước đái bắt đầu khan hiếm, ông nào đái được thì ới người khác mang vải ra hứng, nhưng chỉ được lót thót. Những đôi môi bong tróc nứt nẻ trắng bệch, lưỡi tìm đến mùi khai nồng, tanh ẩm của mảnh vải mà nhấm nháp, liếm láp. Đáng trẻ nhất, không chịu được, định xông ra ngoài, mới nhô cái đầu lên đã bị đạn bắn tới tấp lại phải nằm rạp xuống.

“Nằm im ngay, đồ hèn.” Hinh quát.

“Em xông ra mà bảo hèn?”

“Thế là hèn, cấm ông nào chết kiểu đấy.”

4.

Hinh trở lại doi biển vào buổi sáng hôm sau, cả đám đã nháo nhào từ xa, bầu trời thuần khiết trong veo như chưa từng biết tới mây đen và bão tố. Nắng mới trườn qua doi, rải những lấp lánh từ biển đón bước chân cô gái.

“Đúng rồi, là một cô gái các ông ạ.” Giọng ai đó thốt lên.

Quả thực, một sự khai hoang tâm hồn, từ một nền văn minh thuần khiết, trắng trong xuất hiện trong buổi sáng ấy. Đã lâu lắm họ chưa nhìn thấy đàn bà, nói chi một cô gái trẻ đẹp, phơi phới. Trong con người họ đang tồn tại những mâu thuẫn, một sự bưng bít, kìm nén dục tính đến rồ dại. Mấy tháng ở doi, thi thoảng lại cải thiện những bữa tôm, cua, hàu đầy đạm, lại toàn một đám chưa vợ, dương khí tích tụ lâu ngày, nhiều lúc tự giải phóng trông người cứ ngây ngây, dài dại, ánh mắt lảng tránh nhau không muốn thừa nhận. Có bận ngủ dậy, Hinh thấy mấy ông loang lổ đũng quần, rồi đang đêm có ông dậy nhảy ào xuống biển.

Cô gái là một trong những lứa kĩ sư đầu tiên tốt nghiệp đại học xây dựng được nhận vào công ty, họ có khoa học, có kiến thức kết hợp với sự chăm chỉ của công nhân thế nào chả thành việc.

“Cô ấy đến đây để giúp chúng ta, cấm các cậu trêu ghẹo quá đáng.”

Hinh nói rồi cùng cô gái tên Na đi khảo sát công trình. Na mặc chiếc áo trắng, cầm chiếc bút và quyển sổ ghi ghi chép chép. Đôi mắt Na lấp lánh, cô cười với tất cả mọi người. Sau một hồi tính toán, Na nói với Hinh cần phải dùng lưới sắt ép trên dưới lớp đá thì khả năng chống sóng sẽ đảm bảo, không lo sạt lở.

Phải nói sự xuất hiện của Na khiến mọi thứ gần như bị đảo lộn, không ai bảo ai, những chiếc áo xanh công nhân tươm tất được mặc lên người, tuyệt nhiên không thấy ai mặc quần đùi, cởi trần như mọi ngày. Không công khai thì lén lút, họ tự làm sạch chính mình, râu cũng đã cạo, tóc chắc phải chờ đến chiều mát, xuất hiện thường xuyên những bàn tay đưa lên mặt, vẩy vẩy mái tóc. Một sự chỉn chu không điều kiện. Gần trưa Hinh bảo Hải bắt cặp gà. Phụ nữ đúng là liều thuốc diệu kì.

“Để em giúp anh.”

Na nói rồi ngồi xuống dui củi phụ bếp cùng Hải. Bữa cơm thịnh soạn được chuẩn bị có thịt gà, cá khô, rau sam biển và lạc rang. Ngồi 2 mâm 6, Na ngồi cạnh Hinh, chỗ bên cạnh còn lại Đáng định mon men thì Hải đuổi khéo.

“Xê ra, công sức cả sáng nay của tôi đấy ông trẻ ạ.”

Vừa hết bữa cơm, Sáng đã vác đàn ra đánh, chiếc đàn còn nguyên sau khi bị Hinh quăng quật.

“Để tối, hát hò gì buổi trưa, rửng mỡ.” Hinh nói. Cả đám khúc khích.

Năm nay bão sớm, cơn bão trước mới qua, cơn bão sau lại tới. Chiều nào chân trời cũng âm u, nắng chưa tắt mây đã sầm sì, biển ngả nghiêng thốc gió, sóng xô mình vỗ mạnh vào doi. Hôm nay, có lẽ không ai quan tâm đến thời tiết, họ mải tất bật chuẩn bị dọn dẹp chỗ ngủ cho cô kĩ sư nghỉ lại.

Đêm ấy, bên đống lửa, giữa những tiếng dọa nạt của đất trời, họ vẫn ca hát, nhảy múa cho tới quá khuya. Hinh và một vài người đi ngủ trước, Sáng vẫn hát nghĩa là cô gái vẫn thức, Hinh chắc thế, nhưng đêm nay tiếng hát của Sáng nghe sao da diết và sâu lắng, một bài hát như chưa từng được cất lên ở nơi này.

Hoa sim… hoa sim...

ta yêu từ ấu thơ,

trong trang sách học trò,

trong những câu hẹn hò.

Hoa sim… hoa sim…

nơi đây dù bão giông,

không phai màu trong ta...

sắc lá… vẫn xanh, cánh…

tím… nhớ mong,

hoa sim, ôi màu sắc quê hương,

ôi màu tím yêu thương,

ôi màu sắc quê hương…

ôi màu… tím… yêu… thương…

5.

Sáng hôm sau, mặt Hinh lầm lì, gay gắt, sấn sổ đến từng người, bão chưa về mà trông ai cũng lộ vẻ bối rối.

“Ai, ai đã làm gì cô ấy, các người mau nhận tội đi.” Hinh bắt đầu chất vấn từng người.

...

“Có phải anh không, hôm qua tôi thấy ánh mắt anh gian lắm.”

Hinh nắm chặt tay và nhìn thẳng vào mắt Hải nói như đinh.

“Đồ điên!” Hải giật phắt.

“Ông Sáng, đêm qua hát hò xong hai người còn đi đâu?” Hinh quay sang Sáng hất cằm.

“Em với Thắng, Long đưa Na về lán ngủ rồi về đây, ai biết được sau đó Na đi đâu, làm gì.” Sáng giải thích. Mọi người lại nhìn nhau soi xét.

“Lúc tối, em thấy Na khóc.” Một giọng nói phá vỡ im lặng, cả đám quay sang nhìn Đáng.

“Sao, ai làm cô ấy khóc?” Hinh vội vã bước tới, sốt sắng.

“Sau khi nghe em kể trận đánh ở 400, lúc quân ta đến, anh em đều kiệt sức, mình anh vác cái xác đang thối rữa thì cô ấy khóc.”

“Ai khiến ông kể, hay ho gì mà kể, có biết đàn bà con gái sợ súng đạn, máu me lắm không. Đúng là cái hạng ăn mày quá khứ, lần sau tôi cấm.” Hinh gắt gỏng.

6.

“Tôi đang định tìm cậu.” Giám đốc gọi khi nhìn thấy Hinh. Anh nhanh miệng:

“Báo cáo đồng chí sư trưởng, xin lỗi, báo cáo đồng chí giám đốc, nếu là chuyện của cô Na, tôi xin chịu trách nhiệm về việc cô ấy bỏ về.”

Giám đốc mỉm cười, tập tễnh bước đến trước Hinh, kéo anh ngồi xuống, sự điềm tĩnh của thủ trưởng khiến Hinh có phần an tâm.

“Na có gặp ban giám đốc sáng nay, trình bày muốn ở cùng ngoài đó với mọi người cho đến khi xong công trình, công ty sẽ sớm chuyển sắt thép để làm phên lưới.”

Hinh ngạc nhiên, anh nói đó là nơi không phù hợp với phụ nữ ở lâu dài.

“Con người cứ vô tư mà sống thì chả khó gì.”

“Ý em nói là ngoài đó vất vả.”

“Cô ấy rất quyết tâm, ban giám đốc đã đồng ý, mà chắc cậu chưa biết về cô Na này phải không?”

...

Hinh vội vã trở về doi ngay trong ngày, bão đã quét qua đây khi anh vắng mặt. Một cơn bão bí ẩn, cũng như đến giờ anh mới biết Na là con gái của người liệt sĩ, là chính ủy cấp trung đoàn mà Hinh và đồng đội đã sống chết bảo vệ đưa về nước mấy năm trước.

Cánh rừng cui nghiêng ngả đang trở lại chính mình sau bão. Những cây cui nhỏ bé kiên cường, chúng kết lại với nhau thành bức tường vững chắc trước biển hàng chục, hàng trăm năm qua, mặc đổi thay của tạo hóa. Vừa ra khỏi rừng, dường như Hinh nghe thấy những í ới, nói cười rôm rả thân quen từ phía doi vọng tới. Dưới bóng nắng hắt lên của hoàng hôn, doi biển trông chẳng khác gì ngọn hải đăng vạm vỡ.

Bùi Tuấn Minh | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Bóng nhẫy lời khen/ Bài thơ/ Thiếu dòng mồ hôi nhễ nhại mặt người/ Thiếu hoa vân tay trong hồ sơ lưu trữ
"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

Ca khúc "Đổi tư thế" của Bình Gold và Andree Right Hand vừa ra mắt vào ngày 2/10/2024 đang gây sốc và tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, MV nhanh chóng xuất hiện trong danh sách âm nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận tích cực, sản phẩm âm nhạc này lại bị lên án vì phần ca từ mang tính tục tĩu và phản cảm, dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở