Sáng tác

Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan

Thu Loan
Truyện
15:00 | 26/09/2024
Baovannghe.vn - Anh Hiến lại lên cơn điên như thể chu kì của bệnh sốt rét. Anh bị cột vào chân giường, rũ rượi như đống thịt èo uột
aa
Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan
Người ở lại - truyện ngắn của Thu Loan

Bình thường muốn anh ngủ phải tiêm thuốc. Còn không anh hát è è. Hai ngày một lần dọn rửa mà mùi thuốc, mùi mồ hôi, mùi xú uế thỉnh thoảng vẫn bốc hực lên theo hơi nóng nồng nặc. Ngày đầu chuyển về đây mỗi lần anh trở bệnh hàng xóm kéo đến vòng trong vòng ngoài, trẻ con tranh nhau nhòm qua hàng rào. Tíu tít người chào người hỏi. Đầu giường anh lúc nào cũng có nải chuối, vài lon sữa, mấy quả cam, chục trứng. Bây giờ xóm làng quen tiếng la hét của anh như quen với bệnh cảm bệnh cúm. Bệnh của anh thường tái phát khi mùa thu đến - khi cái nắng hanh hao vàng rực phủ lên khắp núi đồi làm hoa cúc quỳ cũng vàng lên theo. Lúc nào thằng Quang cũng có thể xẹt về, ló cái đầu bù xù vào hét: "Bà ơi, ba cháu đang bốc phân kìa." Lập tức cả nhà tôi tán loạn như bị bom. Chúng tôi chạy túa ra đường tìm kiếm, dụ dỗ, nạt nộ, thuê người thuê xe. Nhiều lần, ba bốn ngày mới áp tải được anh về sau khi phải đền hơn chục cái li, mấy cửa kính, một số đồ đạc anh đã vác đá ném vỡ.

Mẹ tôi thường dậy rất sớm, cắt một gánh rau đi chợ bán. Thấy mẹ lúc nào cũng tất bật, bước như chạy, nói như sợ ai giựt lời, chân tay lấm lem lấm luốc tôi bảo: "Hay nghỉ nuôi heo nấu rượu đi mẹ, làm có lời được bao nhiêu đâu?" "Có còn hơn không. Tiền đâu mua thuốc, chi tiêu cúng quải một phần, cái chính phải bồi dưỡng cho anh mày. Còn sống tao còn làm. Tao già nhưng bệnh thằng anh mày không già." Chẳng rõ từ lúc nào chân tôi cũng bước gấp gáp, chưa xong việc này đã nghĩ tới việc khác. Tôi đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, uống nhanh. Có người bảo: "Con bé đảm đang giống mẹ." Có người lại bảo: "Tướng con bé khổ." Lúc nào mệt quá, tôi ngồi phệt ngay trước hè, nhìn ra xa. Đang là mùa thu, nắng vàng như mật ong, hoa cúc quỳ vàng như màu nắng. Cơ man là hoa. Trên đèo, lòng thung, ngóc ngách những con đường đâu đâu cũng rực sắc màu tươi thắm. Tôi nhớ những tháng ngày xa xưa khi tôi và anh còn cắp sách đến trường. Học xong ngày nào anh em tôi cũng kéo xe cải tiến ra đồi. Một loáng anh đã chặt xong và chất lên xe đầy ắp hoa và lá. "Chúng mày chặt làm gì nhiều dữ vậy?" "Làm phân xanh má à. Đây là loại cây làm phân rất tốt. Mấy năm nữa cà phê thu hoạch ba má chỉ việc ngồi không dưỡng già. Tụi con đi dâu xa cũng yên lòng." Mẹ tôi mắng yêu: "Mồ cha mày! Lo xa quá thành ông cụ sớm đấy con ạ." Ba tôi bảo: "Đàn ông phải thế, như cái trụ nhà, biết làm và biết lo." Tôi nhớ mùa thu cuối anh còn hái cho tôi những chùm lá xanh non nấu một nồi nước xanh hắc, đắng nghét bắt tôi tắm để trị ghẻ. Anh không quên cắt đầy mấy xe lá vùi xuống hầm anh đã đào sẵn sau nhà rồi nhảy tàu trốn theo đoàn tân binh. Chưa đầy năm sau gia đình tôi nhân điện báo anh bị bệnh nặng "Sốt rét ác tính có khả năng ảnh hưởng đến thần kinh." Tôi chẳng dám nhớ lại cảm giác bàng hoàng hãi hùng của mọi người lúc ấy cũng như chuỗi ngày phiền muộn sau đó. Nhà tôi như có tang. Mẹ đưa anh đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Hà Tây, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, hết chữa thuốc tây đến thuốc ta, rước những thầy biết phun lửa phì phì đuổi ma dù nhà tôi chẳng bao giờ tin trên đời có ma quỷ, cả làm lễ lên chùa lạy các sư cô cho những lá bùa yểm tà... Trở về, anh lúc thường, lúc điên đổi thay như mưa nắng. Tôi càng không dám nhớ tới ngôi nhà xinh xắn với những khoảnh vườn cà phê xanh um lần lượt theo về các chủ khác để có tiền chạy chữa cho anh.

Mẹ chở hai thùng nước cơm sau cái xe đạp cọc cạch trở về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, gặp tôi ngồi thần bên cửa nhăn mặt "Làm gì ngồi đực ra đấy. Mơ mộng hả con? Chỉ chuốc họa thôi, như thằng anh mày...".

Tôi lang thang ra đồi hoa vàng, lòng không buồn cũng không vui chỉ man mác một cảm giác miên man khó tả. Y như lúc tôi đem trả lại lễ hỏi cho nhà Nam, lòng tôi dửng dưng khi thấy anh vò mãi cái mũ két trong tay, mắt chăm chăm nhìn xuống đất nói lúng búng: "Hiền, Hiền hiểu cho anh. Anh vẫn thương em, rất thương. Nhưng anh là con một. Bệnh của anh em thế, bố mẹ anh sợ.” Đã lâu, tôi không còn quen với người đàn ông nào nữa. Tôi tìm một chỗ khuất, lặng nhìn mặt trời như lò lửa đang chìm dần xuống núi, chỉ còn lại màu hồng rực rồi dần dần chuyển sang màu tím nhạt. Không gian ngập tràn ánh sáng êm đềm và cũng nhạt nhòa theo sắc màu dịu dịu của thiên thể kì vĩ ấy. Đôi lúc tôi cảm tưởng anh tôi như mặt trời, bố mẹ tôi đều hướng về anh, quay theo anh và có thể sáng lên hay tối đi cũng vì anh. Tôi mải mê nhìn những bóng người vội vã, những cánh chim hấp tấp trở về trong ánh chiều chạng vạng và một làn khói nào đó lờ lững bốc lên từ xóm nhà phía xa xa. Tôi quên hết mọi điều phiền muộn, quên cả những lời ca cẩm mẹ gõ mãi vào đầu tôi đến nỗi chỉ cần nghe một tứ đầu tôi đoán hết những tứ sau mẹ nói gì. Bóng tối nhập nhoạng. Tôi rẽ vào nhà anh Hiến - cách chỗ tôi một con đường. Chị Thạch - vợ anh đi bỏ thuốc dưới huyện rồi mua gom hàng nông sản về bán lại. Vì thế mọi lần anh bệnh ba mẹ tôi đều phải đón về nuôi. Chẳng rõ công việc làm ăn thế nào, dạo này thấy chị đi từ sáng đến tối mịt, thằng Quang thảy ở nhà cho mẹ tôi trông, tiền chợ chị góp từng ngày. Lúc tối bước vào chị mặc bộ đồ mỏng nằm căng cứng trên giường, sấp người mặt quay vào tường. Các đầu ngón tay ngón chân miết chặt vào tấm mền bông. Dưới bộ đồ mỏng tang thân hình chị như nuột nà hôi hổi sức sống. Tôi cảm tưởng chúng đang rung lên, run rẩy, chờ đợi... Thấy tôi, chị thở hắt ra, xẹp xuống như quả bóng xì, ỉu xìu xiu: "Hiền đấy à? Tối nay không đi đâu à?” Tôi lắc đầu. Chị uể oải ngồi dậy vớ cái lược cào qua loa mái tóc. Mùi lá chanh phảng phất khêu gợi. Chị lại ngồi thẫn thờ, một lúc mới bảo: "Em rảnh không? Ghi giúp chị một tay, chia thuốc theo đơn đặt hàng này." Trên sàn các loại thuốc vứt la liệt, có nhiều gói to gói nhỏ khác nhau, có gói đã buộc dây, có gói vứt chỏng chơ. Tôi lặng lẽ nhìn vào tờ giấy và sắp thuốc ra. Quán Hương Sen một cây ba số, bốn cây zét, hai du lịch. Quán bà Thẹo: 5 cây zét, 3 cây Đà Lạt. Quán Cốm quê: 2 cây ba số, hai cây zét. Hàng bà Lan 10 cây zét, 3 du lịch. Chị Thạch bảo gói xong nhớ cài tên họ bên ngoài để đưa cho nhanh, rồi đánh dấu vào tờ giấy này coi như xong. Hai chị em làm một lúc chị Thạch bỗng thở dài: "Thời nay kiếm được đồng bạc không dễ, phải đổ mồ hôi sôi máu mắt." Chẳng biết để ngầm biện bạch cho sự hay vắng mặt ở nhà hay lòng chị có nỗi niềm dồn nén. Một lúc chị lại bảo “Hiền thấy không, phận đàn bà chúng mình khổ nhỉ. Ở với bố mẹ phải lo dọn dẹp cơm nước, lấy chồng cũng đem thân ra hầu con, hầu chồng. Gia đình chồng kha khá còn đỡ bằng không cũng lần lưng ra lo miếng cơm manh áo - Tội nợ đổ lên đầu cả." Im lặng một chút chị Thạch thở dài: "Người ta có số cả. Con Lan bạn chị, lấy chồng làm máy kéo, hồi đầu chê ỉ chê ôi. Ai dè nông trường cà phê phát triển chồng nó làm bí thư đoàn, rồi chủ tịch công đoàn rồi đùng phát nữa lên giám đốc ngon ơ. Bây giờ đi đâu cũng xe đưa xe đón. Nó chẳng phải làm gì, cơm nước có người ở, con sinh ra có vú nuôi. Uống bia chê to bụng, uống rượu ngoại, thỉnh thoảng phải đi nhà hàng đổi món. Thế mà lúc nào cũng than buồn chán. Mình mong bằng góc nhỏ của nó không xong." - Chị lại bảo "Nhiều lúc chị nghĩ chả lẽ đời chị cứ thế này mãi. Ngày nào cũng như ngày nào? Chẳng lẽ sống chỉ để lo miếng ăn? Buồn vậy sao?” Bất giác tôi ngước nhìn chị xót xa. Gương mặt sạm đen, mệt mỏi, có giây phút ánh lên sự chán chường buông thả. Tôi bảo: "Chị nghĩ ngợi lung tung thế làm gì. Có ích gì đâu?" "Ừ, chị lẩn thẩn phận hèn mà nghĩ cho cao." Từ lúc đó hai chị em lặng lẽ xếp hết đống thuốc.

Lúc tôi về nhà, ba tôi đang ngồi trên giường đẩy võng và hát ru anh Hiến. Giọng ông trầm ấm và buồn buồn. Mái tóc bạc xõa xuống gương mặt cũng ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Mặc mẹ rầy la, tôi nhăn nhó ông vẫn xung phong nhận làm hội trưởng hội bô lão, bí thư chi bộ, tự vệ phường, tổ trưởng... họp hành liên miên, đi vận động, du thuyết hết chủ trương này đến chủ trương chính sách khác dù không có một đồng bồi dưỡng. Ông gạt ngoài tai sự dèm pha. Ông lầm lụi làm việc như một cỗ máy già nua, chậm chạp nhưng bền bỉ. Dưới bếp mẹ tôi đang lấy ấm thuốc bắc chắt ra chén, đổ bã, thay vào đó một thang thuốc mới. Tay mẹ run run xách ấm thuốc đầy, đặt lại lên bếp than. Ánh lửa đỏ hực hắt lên gương mặt mẹ nhăn nheo khắc khổ. Tôi bỗng nhận ra mẹ đã quá già. Tim tôi thót lại, nước mắt rưng rức trên mi.

Tôi vào buồng và nằm vật xuống giường cảm thấy mệt mỏi rã rời. Tôi thiếp đi, tôi mơ thấy mình là cô bé con bé tí cùng anh Hiến chạy tung tăng khắp đồi hoa vàng. Xung quanh anh em tôi bạt ngàn xe chất đầy hoa và lá. Anh tôi như người khổng lồ kéo phăng phăng hết chuyến xe này đến chuyến xe khác, có cả tôi ngồi ngất ngưởng trên đó. Chúng tôi cười vang. Ba má tôi đứng đợi từ bao giờ, nhìn anh, nhìn tôi, lại nhìn nhau, gương mặt tràn trề hạnh phúc. Giấc mơ đứt quãng vì tiếng hét bất ngờ của anh Hiến. Tôi bần thần cảm giác mình vừa mất cái gì rất quý, rất đẹp mà không sao nhớ ra được. Mãi sau hoàn cảnh thực tại mới từ từ hiện về trong tâm trí tôi. Tôi lại chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị.

Khi tỉnh dậy, bóng nắng đã là lỗi bên cửa, tôi nằm ráng thêm chút nữa lắng nghe âm thanh cuộc sống mỗi lúc ồn ào náo động - Có tiếng lục cục sau nhà, chắc mẹ tôi đang xếp mấy cái xoong vào cũi hoặc múc cháo ra chén. Tôi chợt nghe tiếng dép loẹt quẹt của chị Thạch ngay đầu phòng tôi. Tiếng chị vọng xuống "Má à, hay mình đưa anh Hiến vào bệnh viện Biên Hòa. Dù sao..." "Không, không đi đâu hết - mẹ tôi gạt phắt. Bệnh điên ở đâu cũng chữa một phương cách nghỉ ngơi bổ dưỡng, thuốc ngủ. Nó ở đây mình chịu khổ một tí mà được chăm sóc kĩ càng hơn - Chồng mày lúc điên lúc tỉnh. Lúc tỉnh nó là người. Người sống với một lũ điên thì điên luôn thôi con ạ". "Tuần trước dưới An Phủ có ông Hòa tâm thần cột vợ vào gốc cây đổ xăng dầu đốt. Hôm kia ở Hoa Lư có bà điên dìm con xuống giếng. Để ảnh ở nhà lỡ ra..." "Bậy nào - mẹ gắt lên toàn những chuyện tao không nghe. Nhưng không đi là không đi. Vào đấy chúng nó đánh nhau xé quần xé áo chưa kể ghẻ lở, giành giật, xót lòng lắm con ơi. ""Tùy má! Má giữ ở nhà thì má lo. Giờ con bận bịu lắm." Chị thở dài sõng sượt, tiếng dép lọet quẹt xa dần. Căn nhà như chìm đi trong sự im lặng tuyệt đối nghe rõ tiếng nước thau. Một lúc sau tôi nghe tiếng chảy róc rách từ rô-mi-nê xuống thau. Một lúc sau tôi nghe tiếng chân mẹ tất bật chạy vào chỗ ba - chắc ông đang uống trà và đọc báo. Mẹ tôi nôn nóng: "Ông có nghe không, con Thạch chắc là có bồ. Lần này nó chẳng phụ thêm tiền thuốc còn đòi đẩy thằng bé đi Sài Gòn. Con mình thì như tờ giấy. Trở trời: điên. Hờn giận - điên. Uất ức - điên. Vợ như thế có chữa bằng giời cũng không khỏi. Tư tưởng không thoải mái nó bị đi bị lại là lẽ đương nhiên. Để nó về đây tôi và ông cho nó một trận, dâu với con.”

Tôi không kịp nghe ba tôi trả lời. Tiếng thằng Quang đang léo nhéo ngoài cổng. Nó nhảy phóc vào giương khẩu súng nhựa bắn pằng pằng ra lửa hét: "Giơ tay lên" và cười khanh khách. Chỉ nghe tiếng khẩu súng bị ném bộp xuống đất vỡ tan và tiếng mẹ tôi riết róng: "Hết trò rồi hả, ai khiến mày chơi súng với đạn." Tôi nghe thằng Quang ngã lăn xuống đất giãy đành đạch và gào tướng lên nhưng chẳng ai dỗ.

Buổi chiều ba tôi đi họp mặt trận. Mẹ tôi ra chợ, tôi đóng cửa để anh Hiến ở nhà, chạy ù ra mua tờ báo. Lúc về cánh cổng đã mở toang hoác. Ngạc nhiên tôi hoảng hốt lao thẳng vào trong nhà và sững sờ nhìn anh Hiến. Anh cởi truồng nhồng nhỗng bước đi khật khừ, dãi dớt lòng thòng nhưng cứ thế lừng lững tiến về phía chị Thạch. Áo chị bị xoạc một bên. Chị nép vào góc nhà vẻ hoảng hốt và kinh sợ. "Không, tôi không...". Thấy tôi về chị mừng như bắt được vàng: "Đấy, em xem, hở ra là đòi tòm tem." Chị quay ngoắt lại phía chồng đập mạnh vào vai: "Có thôi đi không, rõ dơ. Mặc quần áo vào." Chị vớ lấy bộ quần áo vứt lên giường hối hả mặc vào cho anh với vẻ nôn nóng giận dữ nhất. "Em không biết đâu, nhiều hôm đi về mệt muốn chết, buôn bán đã chật vật, còn lục rục đòi cả đêm không ngủ được." Tôi nhìn vẻ mệt mỏi chán chường ánh lên nét mặt và giọng nói của chị, cổ họng tôi đắng nghét.

Vết xích ở chân anh Hiến bị tuột da, phồng rộp nước mấy con nhặng bu đến đập cánh vù vù. Buổi chiều anh tỉnh táo hơn, ba tôi thường dẫn anh đi dạo trên vỉa hè cho phảng phất. Phải uống thuốc an thần nhiều anh đờ dẫn chân tay co quắp, mỗi bước đi là mỗi bước khó nhọc như thể bị gắn chặt vào cái bật lò xo. Nước dãi nhễu ra như đứa trẻ đang mọc răng, không sao ngăn được. Thỉnh thoảng bố tôi lại phải lấy mùi xoa lau miệng cho anh như đang chăm đứa bé sáu tháng tuổi. Ông làm việc ấy với vẻ im lìm nhẫn nại như thể đó là việc đương nhiên. Ba tôi dúi anh ngồi xuống ghế đá, điếu thuốc run rẩy giữa ngón tay xanh mướt chực rơi, anh lập bập mãi không xong câu: "Cho-em-xin-tí lửa". Trước kia anh học giỏi nhất trường. Ước mơ thành nhà triết gia của anh chẳng làm ai ngạc nhiên - Mọi thứ với anh đều dễ dàng như ngay trong tầm tay. Bây giờ chỉ mong anh là người bình thường nhất - lặng lẽ ngồi nhổ cỏ trước Hiền nhà hoặc thu lu một xó để mọi người yên tâm làm việc nuôi anh cũng trở thành một ước muốn xa vời. Tôi cầm li nước định tránh chuyến xe khách, chợt sững lại ngay bậc lên xuống chị Thạch đang trân trân nhìn tôi nửa muốn bước xuống, nửa muốn đi lên. Một gã đàn ông nhỏ thó mắt xếch, da đen quay ngoắt lại, kéo tay chị xềnh xệch. Giọng gã cao vút và chát chúa: "Nhanh lên, nhìn cái gì nữa mà nhìn." "Chị ấy bỏ đi rồi! Không phải đi buôn chuyến như chị đã nói." Ý nghĩ nhức buốt xuyên qua tôi. Tôi nhớ tới mẹ, đôi lần vẫn hỏi: "Mày xem thử con Thạch dạo này thế nào? Hay anh mày ốm đau nó chán." Tôi thường lấp liếm: "Mẹ khéo lo! Xưa nay chị ấy vẫn đi suốt ngày đó thôi." "Nhưng lần này thái độ nó khác lắm, hờ hững, dửng dưng, gia cảnh thế nó cũng chán chứ con, lòng người biết đâu mà lường." Tôi chỉ biết vỗ về cho mẹ yên tâm, giấu kín cả chuyện anh Hiến trước đây thường đầu trần, gò lưng đạp xe dưới trời nắng chang chang xục vào các ngõ hẻm đường cụt "tìm vợ" dù chuyến xe từ huyện về sớm nhất cũng bảy giờ tối. Mấy ngày trước tôi thấy chị soạn đồ rất lâu. Chị đi ra đi vô cất cái này, bỏ cái kia, hôn thằng Quang rồi lần thần sắp đồ lại. "Chị Thạch ơi chị Thạch!" Tôi bật kêu lên nhưng cái xe đã chạy ra xa, bụi đỏ tung mịt mờ. Tôi ngồi thụp xuống, nắng thu vàng tung tóe thành trăm ngàn cánh hoa tả tơi trước mắt. Bầu trời vẫn cao xanh vời vợi. Bao giờ tôi mới được như đám mây kia lững lờ trôi như thể ngàn năm vẫn thế, vẫn ung dung thanh nhàn không hề biết đến buồn vui lo lắng của kiếp người.

Đêm đến cả nhà tôi lại tỉnh giấc vì tiếng la hét đập phá mà mới cách đây ba ngày anh Hiến cũng lên một cơn như thế. Anh xé hết quần áo, mồ hôi chảy nhễ nhãi trên da thịt bẽo bợt miệng anh gào: "Đả đảo đế quốc Mỹ. Anh em ơi xung phong!" Tay anh quơ mọi thứ có thể với được trong tầm tay làm súng bắn đạn nổ.

Mẹ tôi lập cập bưng chén thuốc lại van vỉ: "Nghe lời mẹ uống thuốc đi con. Uống cho khỏi bệnh. Lần này không khỏi con Thạch nó bỏ đi đấy con ơi." Nhưng anh Hiến không hiểu. Anh giãy giụa hất đổ chén thuốc và gào lên theo thói quen. "Mang súng lại đây! Lựu đạn đâu! Mũi thứ hai tiến!" Ba tôi bảo: "Thôi thôi để tôi và con Hiền giữ tạm nó một lúc. Bà chạy sang hàng xóm tìm hai cậu thanh niên đến giúp rồi xuống nhờ cô Minh y tá lên tiêm cho nó ngủ đi." Bình thường anh bấy bớt là thế nhưng lúc lên cơn anh khỏe kinh khủng. Mỗi cái hất hay đập chân của anh vào người làm tôi đau điếng, ba tôi xây xẩm mặt mày.

Hơn mười hai giờ đêm mẹ tôi mới tìm được người đến. Trước lúc thuốc ngủ ngấm anh kêu: "Dưa hấu đâu, dưa hấu đâu." Cả nhà tôi nhìn nhau. Mùa này một quả dưa hấu bằng tiền ăn của bốn người một ngày. Tiền đâu? Mẹ khóc: "Đừng phá nữa con. Ngày mai nhất định mẹ sẽ mua." "Hứa, hứa bao nhiêu lần!" Anh vung tay lên nhưng thuốc ngủ đã ngấm cánh tay anh thòng xuống, đầu ngật sang một bên. Miệng lảm nhảm những câu gì không rõ. Ba tôi lẳng lặng đặt anh nằm ngay ngắn trên giường, khe khẽ mở dây xích ra. Sớm mai ông phải dậy sớm hơn tất cả mọi người, hơn cả anh để khóa nó lại như cũ.

Tôi và mẹ mải miết dọn lại mọi thứ cho gọn ghẽ. Mẹ tôi vấn mái tóc sổ tung rầu rầu bảo: "Này ông, nếu con Thạch nó về đừng nói gì nữa ông ạ. Nó lấy phải thằng chồng như con mình cũng khổ một đời. Nó có theo trai, bỏ con bỏ cháu thì mình cũng phải quên đi mà vui vẻ. Trách làm sao được." "Tôi cũng nghĩ vậy." Ba tôi nói chậm rãi rồi tìm chỗ dựa lưng vào mép giường. Tôi cảm giác tóc ba bạc hơn rất nhiều, mặt cũng đầy nếp nhăn. "Ngày mai phải bán cặp heo thôi ông ạ. Nó đang sức lớn. Bán cũng tiếc nhưng hết tiền mua thuốc rồi. Số tiền một triệu vay xóa đói giảm nghèo mới đó đã hết trơn hết trụi.” Mẹ tôi thở thõng thượt. Không gian yên ắng, tiếng côn trùng kêu i i. Đâu đó mọt đang nghiến gỗ kèn kẹt. "Ông lên nhà ngủ đi. Đêm nay tôi trông cho, ông thức mấy đêm rồi nhỉ?" "Mười hai đêm, riết rồi thành quen. Giờ nó cựa mình tôi cũng tỉnh giấc - Tuổi già ngủ mấy đâu bà." Ba tôi mở mắt "Ngày mai có thể đỡ nắng, may ra con mình bớt đau đầu." "Sao ông biết?" "Bà cứ nhìn cái tán trăng kia kìa." Tất cả chúng tôi đầu nhìn lên nền trời đen thẫm chứa chan hi vọng. Mảnh trăng cuối tháng đỏ quạch và mỏng lét như lưỡi liềm móc ngay vào ô cửa.

Mấy ngày sau bệnh của anh Hiến đã đỡ hơn. Anh lờ mờ nhận ra những người thân, chân tay đã cử động lại dù còn gượng gạo tuy vậy ánh mắt câu nói vẫn còn dài dại, ngây ngô. "Nhớ trông nó cẩn thận. Chữa thì chữa dứt đợt, đừng để nó bị đi bị lại liên tục thì khốn..." Một buổi sáng thức dậy chúng tôi không thấy anh đâu, chỉ có cái chiếu thêm một khoảng thấm nước đái và dây xích chỏng chơ trên đất. Nhà tôi bấn loạn như bị bom. Mẹ tôi quần ống thấp ống cao chạy đi miệng mếu, chạy lại miệng mếu gặp ai cũng hỏi: "Các ông các bà có thấy thằng cháu nhà tôi khoảng bốn mươi tuổi, mặc áo xanh quần dài nâu, đi dép Lào bị tâm thần ở đâu không?" Những cái lắc đầu, những vẻ mặt ái ngại, những cái nhìn lơ đãng. "Các ông các bà ơi thằng con tôi tháo xích trốn rồi, hóa ra lâu nay nó toàn giấu thuốc trong áo gối..." Mẹ túm lấy tay tôi khóc nức: "Anh mày bị lại rồi. Bao giờ mày mới lấy được chồng, Hiền ơi". Tôi cười mếu máo. Từ lâu tôi không còn bận tâm về chuyện ấy. Mùa thu thứ ba sáu đi qua trong đời mang theo những rạo rực sôi nổi tôi chỉ thấy rầu rầu xót xa khi nhìn bóng mẹ nhỏ bé lúc gần lúc xa. Khắp nơi nắng đang nhạt dần, mùa thu đang đi xa hoa cúc quỳ cũng bớt vàng. Từng cánh, từng cánh rũ xuống để lại những đài hoa đen sẫm để rồi khô cong lại. Gió tẽ ra từng cọng một tung tẩy khắp nơi. Cứ thế loài hoa này sinh sôi nảy nở mãi khắp núi đồi Tây Nguyên mùa sau nhiều hơn mùa trước, thu sau vàng hơn thu trước. Mỗi mùa hoa về tôi chỉ mong thấy anh như xưa - người đàn ông cao lớn khỏe mạnh kéo những chuyến xe cải tiến đầy ắp lá hoa vàng, vừa làm vừa hát say sưa: "Đoàn quân ra mang theo tuổi trẻ lên đường...".

PleiKu 12.1996

-------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
Văn nghệ Trẻ, số 25/1997
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói