Sáng tác

Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp

Nguyễn Hiệp
Truyện
11:00 | 30/09/2024
Baovannghe.vn - Biển đỏ. Thủy triều đỏ. Sắc đỏ man dại anh ánh cả dọc biển dài. Cá chết nhiều vô kể. Xác cá táp vào đầy mép nước ùn tràn cả lên bờ. Những cặp mắt cá bất động trắng hếu.
aa

Sa nói một tràng dài tên những con cá cơm làm nước mắm thượng hạng: sọc tiêu, sọc phấn, phấn chì, cơm than, cơm đỏ, cơm lép… An tròn xoe mắt rồi ngúng nguẩy giận dỗi: Đồ mộng du! Tự dưng đứng với “người ta” lại đọc tên cá… Tháng tám cá áp lộng, Sa lại nói tiếp, mắt nhìn ngây ngây ra vùng biển đỏ man dại. An bỏ chạy, cát bay mù sau những dấu chân. Từ ngày người ta khai thác cát đen ráo riết, bãi biển cứ mù bụi, làng biển cứ ngập ngụa bụi. Những chiếc thùng lều hình trụ cao to đến hai ba mét rỗng rênh bị gió thổi lăn tròn theo trong đám mù do dấu chân An vừa khuấy động. Từ những thùng lều to lớn ấy, chốc lại rơi ra những khúc xương cẳng tay có bàn tay năm ngón còn nguyên vẹn làn da nhăn nheo, rơi ra những khúc ruột người vòng vèo xoăn xoắn trắng nhợt. Sa thấy mình đang gồng lên kéo niền những thùng lều bằng gỗ bời lời, càng xoắn những sợi dây mây niền, các thanh gỗ bời lời càng ép kín vào nhau. Ánh sáng xiên qua các khe hở biến mất để lại một vùng tối tăm đặc sệt kinh hoàng. Chiếc thùng lều há miệng, bên trong chứa bóng tối hun hút, không đáy hút mạnh Sa vào, nuốt chửng Sa cùng những tiếng u u ghê rợn. Một cơn đau buốt tận óc, ngực bụng căng rách dần, tay chân căng rách dần, cơ thể Sa đang rã ra thành hành triệu triệu hạt cát nhỏ li ti…

Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp
Minh hoạ của Nguyễn Đăng Phú

Sa ú ớ tỉnh thức. Ú ớ không thành tiếng được. Nó không thể thoát ra khỏi cơ thể bất động của Sa.

“Gì vậy trời! Sao nó nhìn tui bằng hai con mắt ghê vậy?!”

Bà Tuất vừa đứng bật dậy, nhấc từng bước chân thụt lùi vừa lầm bầm. Ánh mắt Sa vẫn đỏ trừng trừng, man dại như màu biển đỏ. Khi cái lưng tom tom của bà Tuất lùi lũi mờ khuất dần trên bãi cát trắng lóa cũng là lúc hai mắt Sa từ từ khép lại, hai hốc mắt đầy gió, chỉ đầy gió.

Sa lẫn lộn giữa những âm thanh trong cơn mơ màng, mê sảng giữa ban ngày và những lời nói the thé bên cạnh của bà Tuất. Thiệt ra mọi chuyện được mất với Sa giờ đây chẳng mấy ý nghĩa. Lẽ nào những cơn ác mộng là thứ được duy nhất của Sa bây giờ? Lẽ nào nỗi tuyệt vọng là thứ mất duy nhất của Sa bây giờ? Sa giận, khinh dì Tuất vì là người mình đã từng tin tưởng, dì ta đã lấy mất niềm tin vốn mong manh của mình. Không ngờ lòng tham đã biến một con người hiền lành, dịu dàng như dì Tuất bỗng chốc thành kẻ đay nghiến, tráo trở, bất lương như vậy. Lòng người thiệt không có ranh giới thiện ác, nó là những vùng man dại, độc địa như khi biển bệnh chuyển sang sắc đỏ, là tảo độc nở hoa, nở rộ, đỏ bùng, lan nhanh, thoáng chốc mà đỏ hực man dại cả vùng biển. Từ khi cha đi bước nữa với dì Tuất, Sa cố dằn hết những tổn thương trong tim, cố gắng giấu kín những uất ức trong lòng để lễ phép gọi người mẹ kế nhỉnh hơn mình hai tuổi này bằng dì với tất cả sự tôn trọng và tin cha mình cần lắm một người để được ấm áp mỗi khi tối lửa tắt đèn. Hồi mới dọn về ở chung, dì ấy quan tâm đến hai cha con bằng thái độ dịu dàng, trìu mến lắm, từ chu đáo chén cơm, ly nước đến thức khuya dậy sớm tất tả gánh cá trên vai những bữa chợ vội khi cha đi biển vào. Sa đi ca ở hợp tác xã nước mắm về, mùi trên người, trên áo, trên quần đậm lắm, dì lăng xăng gom quần áo Sa ra giếng làng múc nước giặt riêng, giặt ngay, xả mấy chục gàu nước để bớt mùi mắm thúi. Sa ái ngại giải thích: Nước mắm luôn bao gồm đạm dinh dưỡng và đạm urê, đạm urê có mùi thúi. Dì Tuất vui vẻ nói: Có sao đâu, nghề nghiệp mà… Nhìn cái cách sống hết lòng hết dạ của dì khiến Sa rất yên tâm về mái ấm vừa trải qua tang thương của gia đình mình. Má không qua khỏi cơn bệnh nặng. Đau. Trái tim Sa đau lắm! Không gì có thể bù đắp nổi tình thương của má trong lòng Sa nhưng dù sao có dì nhà cửa cũng đỡ lạnh lẽo, Sa nhiều lần tự an ủi mình như thế.

Và rồi khi đã vùi dập thì định mệnh quyết truy cùng đuổi tận, họa vô đơn chí, họa đổ ập bất ngờ, tai họa không chỉ đến một lần, cha đột ngột nằm lại với biển sau cơn bão dữ. Sa vừa chạy vừa gọi hoảng loạn trên bãi biển, hết chạy lại bơi ra bơi vô vòng vèo, lặn hụp lên xuống cuống cuồng, căng mắt nhìn ngó từng ô nước đùng đục ven bờ, từ đêm sang ngày, từ ngày sang đêm. Kiệt sức thì nằm lăn ra trên bãi cát thiếp đi. Tỉnh lại là chạy, là lặn, là gọi “Ba ơi, ba hỡi!” cho đến khi lại thiếp đi. Bất lực. Biển trống. Biển chỉ đầy gió. Xác ba đã cô quạnh nằm đâu đó giữa mênh mông ngoài kia? Đâu phải cuộc tìm kiếm nào cũng gặp. Mất ăn. Mất ngủ. Cơ thể nhợt nhạt suy sụp chỉ trong ba ngày ba đêm. Trái tim bơ vơ. Tâm hồn bơ vơ. Ánh mắt Sa bơ vơ, lạc thần.

*

Sau biến động khủng khiếp đó, mọi chuyện đã không còn như trước nữa. Sa đang chạy trên bãi biển thì bị ngã quỵ và nằm liệt luôn. Người ta nói Sa bị chấn động quá mạnh. Người ta thì thầm Sa bị kiệt sức. Người ta dị nghị do ba của Sa tục huyền nhanh quá, mộ vợ chưa kịp khô, gặp đại họa là phải, tội nghiệp thằng con! Người đời độc miệng độc mồm xưa nay không thiếu… Bỏ hết mọi điều tiếng ngoài tai, đạp qua hết dư luận, chiếc khăn tang trắng toát trên đầu dì Tuất biến mất sau tuần cúng đầu tiên.

Dù hàng ngày phải giật mình, cơ thể co giật liên tục vì những cú dằn mâm xáng chén, đá nồi đá niêu và những lời chửi rủa độc địa của dì, dù dì hằn học gọi thẳng Sa là “cục nợ”, Sa vẫn thầm biết ơn dì. Trong lúc Sa bệnh tật nằm liệt không có dì thiệt chẳng biết làm sao. Nhưng chuyện dì ta tự ý bán đi nơi che nắng che mưa cuối cùng của Sa và nơi thờ ba má Sa thì quả là quá đáng. Lòng dạ con người thật không có đáy cùng! Mà không riêng gì sự thay đổi của dì Tuất, từ ngày khu làng biển này rùng rùng biến thành những dãy resort, nhà nghỉ nối nhau, con người cứ nháo nhào cả lên, đồng thau lẫn lộn, mọi giá trị đời sống, tình cảm gia đình, hàng xóm giờ chỉ đo bằng cây thước “tiền”. Người ta thờ tiền, ca ngợi tiền, làm nô lệ cho đồng tiền và bất chấp tất cả miễn có tiền. Tiền sai khiến. Tiền làm mù mắt. Tiền hút hồn người. Chưa bao giờ con người trở nên phức tạp và vô cảm vì tiền như bây giờ! Sa thở ra một hơi thườn thượt cùng với ý nghĩ ấy. Hơi thở thườn thượt chỉ tan loãng trong mơ hồ, không hình không bóng, không chút âm thanh gợn gợi. Dường như tâm hồn thế giới này đã bất động, đã tan loãng, đã nát vụn từ lâu chứ không riêng gì hơi thở thườn thượt của Sa.

Sáng ấy, không như mọi khi, Sa không phải giật thót bởi những âm thanh đay nghiến, đập, đá vào đồ vật ám ảnh hàng ngày. Sự im ắng dễ chịu vừa đến đã vội đi. Chống cánh cửa lợp lá lên trước khi ra khỏi nhà, dì Tuất nhắc ghế ngồi xuống cạnh Sa, khuôn mặt tươi rói. Có lẽ không tin lắm cái xác bất động với tâm trí chập chờn là Sa nghe hiểu bao nhiêu phần câu chuyện nên dì ta nói có phần thoải mái và coi việc nói với Sa như một thủ tục, như nói với khoảng không cho lương tâm khỏi cắn rứt vậy thôi:

- Cậu biết đó, tình trạng của cậu liệt chiếu liệt giường như này chẳng biết bao lâu nữa cậu mới chết. Tui còn phải lo cuộc sống của mình. Giờ đất mặt tiền bãi biển đang có giá, tui đã bán cho người ta rồi. Khi nào cậu chết, người ta sẽ phá nhà.

Một người nữa bán lương tâm cho thứ ma lực có tên là tiền đó, Sa loáng thoáng nghĩ, loáng thoáng đau, loáng thoáng hình dung người đời đang nắm tay nhau xuống địa ngục.

Đôi mắt Sa giờ đã đầy gió nhưng không hoàn toàn lạnh lẽo, bên trong vẫn còn âm ỉ ngọn lửa của những dòng nghĩ suy, phân định. Gió biển mằn mặn, ram ráp, Sa vẫn cảm nhận được thực tại, cố xua trạng thái buồn, rất buồn ra khỏi con người mình, tự trấn an mình bằng những ý nghĩ: Biết đâu ngoài kia vẫn còn người thiệt tốt! Biết đâu do sức cám dỗ của đồng tiền và do khổ sở với bệnh nhân “liệt giường liệt chiếu” này mà “người ta” thành vậy, chớ bản chất vẫn là người tốt… Cũng không dễ dàng gì, mãi lâu sau, người Sa mới hơi hạ nhiệt được. Những con sóng bạc đầu lại lần hồi rõ dần, ì oạp gần gũi, vang vọng vào tận tâm trí. Tiếng sóng biển vỗ về Sa và hình ảnh những con sóng trườn lên nhau chạy vào bờ, chạy về bờ cũng dần chiếm hết mọi quan tâm của Sa, người thanh niên đang nằm “chăn sóng biển” này.

Chăn đếm. Dõi theo. Ngẫm ngợi. Ngày ngày, Sa trìu mến trò chuyện với từng con sóng, từ khi chúng duềnh lên đằng xa với sắc xanh như ngọc, rồi vươn người lớn mạnh, chứng tỏ mình cho đến khi lao vào bờ và vỡ vụn thành đám bọt trắng xóa. Cứ chín con sóng ngăn ngắn vỗ bờ lại có một con sóng sức dài vai rộng, lực trườn lên mạnh mẽ hơn, tiếng đổ ập vào bờ cũng hào hứng, ấn tượng hơn. Có con sóng mang gương mặt buồn triền miên như là định mệnh. Có con sóng vừa sinh ra đã hớn hở, vui khỏe đến lúc chết. Có con sóng yếu hèn, luồn luồn cúi cúi cả một đời. Có con sóng trong trẻo nhưng rụt rè, rụt rè, để lỡ mất bao cơ hội vươn lên cho đến khi về với đất không một tiếng động nhẹ. Và cũng có con sóng ngang tàng, chẳng sợ mích lòng ai, cứ chồm lên vạm vỡ, lấn át, dồn hết sức vào cú vỗ bờ đẹp đẽ của định mệnh… Sa nhận ra nơi từng con sóng biển chính là mình trong bóng dáng mong manh, trong lạnh lẽo yếu hèn, trong nóng ran nhiệt huyết và trong từng hơi thở tơ nhẹ, từng nhịp tim run rẩy. Vẫn biết rằng sóng cũng là nước, có gì rồi cũng là nước nhưng cuộc sống của những “chú ngựa - sóng” băng băng, ì oạp nơi góc bãi biển thân thương kia chính là thế giới thu nhỏ mà Sa trao trọn nhận thức và cảm xúc của mình trong những ngày chạy trốn nỗi buồn từ trong tâm tưởng này. Mà đời cha Sa rồi đến đời Sa, nghĩ cũng lạ, gắn kết với biển, là một phần của biển, tách ra là chơi vơi. Sa nhớ lại những năm trước…

… Mất ngủ. Trị miết không được. Trị khắp nơi không bớt. Về quê nhà lại ngủ ngon ngủ lành, giấc ngủ sâu như người được ngả lưng buông bỏ tất cả sau hơn thế kỉ, hơn thiên niên kỉ thèm ngủ. Mãi lâu sau, Sa mới phát hiện là bởi tiếng nhật triều chớ không phải do bệnh tình gì. Nếu nằm gần mặt đất, lắng, thật lắng trong đêm khuya, Sa sẽ nghe được nhịp điệu thủy triều, âm thanh rền động nhưng ở tầng thấp kiểu như sóng hạ âm. Nhịp sóng hạ âm được tạo bởi nhật triều ấy ì oạp mải miết, truyền lan không ngơi nghỉ vào bờ bãi, vào đất liền một nhịp điệu võng đưa ru giấc. Người nào được sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, nhịp sóng hạ âm ấy sẽ tác động đều đặn đến nhịp sinh học tạo thành thói quen của cơ thể, của tâm hồn và của cả linh hồn. Nhịp hải hà chẳng phải cao xa diệu vợi gì đâu, nó ở ngay bên trong chúng ta, đó là nhịp quê hương đã “ăn vào máu” chúng ta một cách tự nhiên. Sa nghĩ ở khúc đoạn nào của đời người và phải bầm dập sao đó thì mới đủ tĩnh lặng để nhận ra. Sa xúc động nhận ra phần đời sống tinh tế đó. Hồi ấy, Sa bỏ việc ở cơ quan trên thị xã về làm công nhân cho hợp tác xã nước mắm huyện. Sự thay đổi khi trở về này đã giúp Sa nhận thức nhiều điều. Quan trọng nhất của thế giới này là năng lượng chứ không phải hình thể, mọi thứ mà ta thấy được bằng mắt chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Trong việc tạo sinh ra con người cũng vậy, là năng lượng, là hồn vía, là thần thái, là tư duy, là cảm xúc, là ấm lạnh, là ý chí…

Vậy đó mà Sa sống lay lắt trong cơ thể bất động, cảm giác về cuộc đời, rất nhiều thứ vô hình lại chi phối Sa nhiều hơn cả.

*

Mắt Sa lại quay về chăn đếm những con sóng thân thương của mình, cứ chín con sóng ngắn lại đến một “anh chàng” sóng bạc đầu sức dài vai rộng. Sa nghe sóng, nhìn sóng như nghe nhìn một phần cơ thể mình, tâm hồn mình. Thiệt gần gũi mà cũng thiệt mơ hồ! Thiệt âm vang mà cũng thiệt im yên! Nó ấn tượng như cái phút mà Sa thấy được khuôn mặt người cha vào buổi khuya sáng ông cầm cây đèn pin đi chuyến biển cuối cùng, khuôn mặt sạm nâu rạng giãn một nụ cười hiền lành, nụ cười nhận chân thật sự thế giới mà ta đang sống, đã sống, ấy là sự mong manh của đời sống con người, vạn vật. Nụ cười ấy đã tan vào biển cả. Những con sóng thứ chín ấn tượng như bước chân vang vọng ấu thơ của Sa mỗi khi chập chững những bước đi đầu đời, mỗi khi ào vào lòng má, như sự nương tựa run rẩy của yêu thương máu thịt, huyết thống không nói được bằng lời…

“Không chạy được sẽ đi chầm chậm, không đi được nữa sẽ bò chầm chậm, có một điều chắc chắn tôi sẽ không quy hàng, tôi sẽ không dừng lại, tôi sẽ không kết thúc ước mơ được tìm gặp ba, không bỏ ba một mình!” Mới đây thôi, trong những ngày hoảng loạn, Sa còn nghĩ, còn tin, còn tự hứa, tự lệnh cho mình như vậy mà giờ… thì… Hai giọt nước mắt trườn ra ươn ướt, âm ấm trên đôi má.

Biển vẫn ngàn năm ì oạp những con sóng theo nhau trườn lên bờ cát. Gió vẫn thổi mù như khói cả dọc bãi ngang lượn dài sau cái thời khai thác cát đen điên cuồng. Một nỗi cay đắng dâng ngập hồn Sa. Những giọt nước mắt cứ thế mà tuôn ra giàn giụa. Sa nghiêng nghiêng đầu cho nước mắt bớt đọng trên hốc mắt. Những con sóng đầu bạc nhòe nhoẹt trước cặp mắt đẫm lệ, Sa rùng mình mấy lần, cố căng mắt đếm, cố điểm danh những con sóng thương thuộc lên lên xuống xuống theo nhịp điệu nhật triều nhưng giờ ngay cả nhìn thấy thôi cũng đành bất lực. Hai mắt cay xè. Nước mắt đã che mờ cả ý chí mãnh liệt của Sa. Nước mắt đã che mờ cả khao khát cháy bỏng của Sa. Ngay cả việc nhỏ nhoi nhất là đưa mắt chăn những con sóng bạc đầu mà cũng không thể. Phải đợi cho nước mắt bốc hơi, khô se trở lại. Đó, là do An hay nói: “Dân biển về già cũng không sợ thất nghiệp, tệ lắm là về chăn sóng biển”, lời nói đùa đã vận vào đời Sa rồi đó An. Giờ thì mọi khát khao vĩnh viễn rời bỏ Sa rồi, không thể nào nữa rồi An ơi! Nước mắt tuôn rồi nước mắt tự khô, lớp này rồi lớp khác, những ngấn lệ như đường vẽ ngoằn ngoèo của muối, như đường vẽ ngoằn ngoèo của sóng, như đường vẽ nghiệt ngã của trần ai dành riêng cho mỗi phận người. Sa muốn nghiêng mạnh cái đầu cho nước mắt ra khỏi hết hai hốc mắt thôi mà cũng không được. Hơn năm nay chứng cứng cơ đã đánh gục Sa. Thoạt đầu là đang chạy thì trời tối sầm lại, Sa đột ngột quỵ xuống, cơ thể rút căng, đau đớn. Sa ngỡ chuột rút bình thường khi người ta khiêng Sa về nhà. Sau thì cơ thân, cơ bụng bị co cứng từng cơn, thân thể co rút nhiều lần trong ngày, đau đớn vô cùng, ai đó phải gọi bác sĩ đến chích thuốc giãn cơ. Và ông bác sĩ ấy phải đưa ánh mắt u buồn mà giải thích Sa đã bị hội chứng cứng người, đây là loại bệnh rối loạn thần kinh tự miễn dẫn tới co cứng các cơ trên cơ thể. Một căn bệnh rất hiếm gặp!

Từng lời của vị bác sĩ như cơn gió nhẹ nhưng bén ngọt cắt cứa trái tim đang hừng hực bao nhiêu khát khao, trái tim đang tràn trề sinh lực, trái tim đang thổn thức bởi những tổn thương dồn dập. Sa đã đột ngột trở thành người cứng, người gỗ, người đá, chỉ còn biết nằm “chăn sóng biển” bằng mắt, bằng tai bất động và những chập chờn, khi có khi không, khi hiện khi biến của những màu sắc, âm thanh, ý nghĩ sâu thẳm, không thành lời bên trong tâm hồn mình.

Sa rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến sự tan rã của chính mình như đụn cát bay mong manh trong gió với những ám ảnh dày lên từng ngày, chồng lớp không nguôi. Cũng có lúc Sa khao khát muốn kết thúc cuộc sống đau đớn và tưởng chẳng còn ý nghĩa gì của mình. Mâu thuẫn trong những “cơn gió” oằn nặng trái chiều ấy gặm nhấm tâm hồn vật vã của Sa. Có những ngày, giữa trưa mà Sa đã gặp ác mộng. Thường chứng cứng người chỉ biến mất khi Sa đi vào giấc ngủ nhưng ác mộng lại khiến cho nỗi đau đớn không buông tha, chiếm luôn cả sự an yên cuối cùng ấy. Trong cơn ác mộng, những con sóng nổi chướng ấy dường như có cả mắt mũi, cứ lớn dần lên, dựng cao ngất trời như những tòa nhà chọc trời rồi đổ ập xuống nhấn chìm tất cả, cuốn trôi tất cả. Cả làng biển bỗng chốc chìm xuống đáy nước. Sa thoi thóp bất lực trong đáy nước. Và hình ảnh cái bọt khí cuối cùng vừa phồng lên từ đôi môi giá lạnh đã làm cho tâm hồn Sa tê tái, điếng đau không cùng.

Không biết khi mình ngủ có còn mở mắt không, Sa hình dung đến cảnh mình ngủ mở cặp mắt trắng dã, xung quanh râu ria đâm tua tủa mà muốn rùng mình. Có lần Sa hơi gợn chút nhận biết trong đầu là mình mở mắt mà gặp ác mộng, thật ra là chuyện thiệt, nó vốn ám ảnh Sa cả mấy năm liền cho đến khi sự việc được đưa ra ánh sáng. Ngay cả bây giờ, Sa vẫn còn day dứt vì sự im lặng ghê tởm của mình. Hôm ấy, cũng vào những ngày trở gió, biển bệnh. Tảo độc nở hoa. Biển đỏ. Thủy triều đỏ. Sắc đỏ man dại anh ánh cả dọc biển dài. Cá chết nhiều vô kể. Xác cá tắp vào đầy mép nước ùn tràn cả lên bờ. Ngư dân kháo nhau: Điềm trời! Sẽ có họa khủng khiếp ập xuống làng. Nghe thôi đã dựng tóc gáy. Sa đi vội từ bãi biển về hợp tác xã vì đến ngày “đôn đạm”, tức đưa độ đạm trong nước mắm cao hơn cho đúng với hợp đồng của công ty phân phối. Sa dùng nước hoa cà, là nước mắm chưa ngấu, làm nước châm để kéo rút lần lượt qua nhiều thùng lều liên tiếp, mỗi một thùng sẽ làm tăng vài độ đạm. Chính vì công việc đặc biệt này mà Sa phải cầm cây sào leo lên khua khuấy từng thùng lều một. Khi khuấy tới thùng thứ chín, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, định trèo xuống nghỉ chút, hớp ly trà, thì cây sào khựng lại. Rõ ràng là làm theo kế hoạch, làm gì có thùng nào đến ngày “kéo” mà cạn chỉ còn xác mắm trong thùng. Sa đưa tay dụi mắt, nhìn chăm chăm vào thùng lều thì thấy có gì đó khiến Sa rùng mình, một dòng điện lạnh đột nhiên chạy dọc xương sống. Trong thứ nước sóng sánh màu cánh gián vừa được Sa khuấy lên ấy là một khuôn mặt người chập chờn chìm nổi. Bàng hoàng. Sững sờ. Lạnh sống lưng. Kinh hãi tột độ. Lồng ngực Sa như có ai đó đang khua trống thình thịch. Sa nghi ngờ mình mệt nên bị ảo ảnh sao đó. Lấy hết can đảm Sa dồn sức khuấy một đường nữa, lẫn lộn trong mớ mắm ngấu vừa trào lên là một cánh tay lòi xương trắng hếu nhưng các ngón tay vẫn còn nguyên vẹn. Sa vứt luôn cây sào nhảy xuống nền, vừa lảo đảo cho thăng bằng trở lại vừa lao đi. Không hiểu chạy như thế nào mà Sa đứng thở hổn hển ngay trước cửa phòng giám đốc Khánh. Nghe trình bày mới hai câu thì Khánh tái mặt, láo liên nhìn ngó xung quanh, kéo Sa vào phòng đóng cửa lại. Khánh liên tiếp hỏi vặn Sa có nhìn kĩ không, chợt Khánh đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu cho Sa dừng lại rồi thì thào dặn: Dù thế nào thì… anh cũng không nên nói chuyện này với bất cứ ai! Chuyện này mà um sùm lên hợp tác xã này sẽ phải đóng cửa ngay, nước mắm bị trả lại, bao nhiêu công sức của mọi người đổ biển hết. Đói. Cả công ty đói. Anh hiểu không? Khi đã bình tĩnh, Khánh cùng với Sa lẳng lặng xuống trại nhìn vào thùng lều ấy lần nữa. Quan sát khuôn mặt trồi lên, chìm xuống chập chờn, chỉ loáng thoáng thấy da mặt nhăn nheo, hốc mắt sâu hóm, cái cằm hơi nhọn nhưng Khánh buột miệng ngay: Trời! Thằng Viễn ở đội Sáu… Cứ tưởng nó bỏ việc đi biệt tăm, ai ngờ… Chắc nó té xuống, lại không biết bơi… Vừa khuấy cho Khánh xem lần nữa thì trúng phải phần bụng, từ chiếc áo kaki tim tím cũ cả ổ ruột phèo bung ra lều phều, nổi lềnh bềnh trong thùng nước mắm, Sa chợt nghĩ tới bao nhiêu là nước mắm đã rút từ thùng lều này phân phối đi khắp nơi, có khi chính mình cũng đã ăn mà đột ngột bụm miệng chạy đi ra một góc, ôm bụng ọc ói ra đến mật xanh mật vàng…

Giám đốc Khánh đúng là người máu lạnh, một tay che trời, ông ấy thản nhiên kéo áo, rỉ tai Sa về lại phòng giám đốc. Sau khi súc miệng, rửa mặt xong, Sa được giám đốc Khánh rót cho ly rượu Tây rồi nhỏ nhẹ:

- Đây là chuyện hệ trọng! Vì sự sống còn của hợp tác xã, yêu cầu anh giữ kín việc này, sống để bụng chết mang theo, tuyệt đối, cả người thân cũng không nói.

Công nhân toàn hợp tác xã được nghỉ ba ngày có hưởng công điểm. Một đám tang công nhân bị “tai nạn lao động” được Khánh sắp xếp hoàn hảo, chu đáo diễn ra thật bình thường. Không có gì liên quan đến các thùng lều nước mắm. Vài người thắc mắc tai nạn gì, trả lời té, thế là êm.

*

- An! Khi nào chán Sa thì nói Khương mang trầu cau đến nhà An nghe!

Thằng bạn ba trợn hay bỡn cợt của Sa đưa tay choàng vai An, nói nửa đùa nửa thật khiến Sa trợn tròn mắt:

- Khương! Bỏ tay ra!

Sa vừa hất mạnh tay bạn vừa bực dọc lên tiếng. Khương bỏ tay ra thật và quay đi, cái đầu kênh kênh, nghiêng nghiêng trông dễ ghét, đã vậy còn huýt sáo nữa chứ.

Chỉ vậy thôi mà vết rạn ngày càng lớn dần, Sa đâm nghi ngờ Khương và An đã có gì đó với nhau. Ở đời, chính cái ghen tuông bóng gió mơ hồ làm cho những những lâu đài bị sụp đổ cũng nhiều. Sa không ngờ mình lại rơi vào trường hợp đó. Sau những giận hờn vô cớ của Sa, An đành nén nước mắt vào lòng, lẳng lặng xách gói nhập học vào trường Y mãi tận trên phố. Ngày đó, chỉ những học sinh thật xuất sắc mới thi đổ vào đại học Y. Sa lên huyện nộp đơn đi làm cơ quan, những bước chân quyết liệt lao ngay vào công việc chứng minh mình ấy còn chứa cả nỗi tủi thân mình sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo khổ và chứa cả những cơn điên ngắn xuất phát từ nỗi hận tình. Vậy đó mà cả hai mất liên lạc đến hơn năm năm trời. Ngày gặp lại cũng khiến An thất vọng, khi An đã tốt nghiệp về nhận nhiệm sở tại bệnh viện huyện nhà, là An chủ động tìm gặp Sa. Khi ấy, Sa đã bất mãn cơ quan trên huyện bỏ về làm cho hợp tác xã, người lúc nào cũng nồng nặc mùi mắm thúi. Sau những lời hỏi thăm qua lại, Sa quay mặt, cay đắng hát vu vơ “Năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng…” rồi lạnh lùng chào An bước vào những hàng thùng lều to lớn chạy dài trong trại mắm. An cúi đầu, hai dòng lệ lại lăn nhòe trên má. An không nói gì khiến Sa càng tin hơn là An và Khương đã có gì với nhau và không muốn gặp mặt An nữa.

Mọi chuyện cứ như có sự xếp đặt của định mệnh. An lại là bác sĩ được cơ quan chấp nhận điều trị cho Sa tại nhà, đúng hơn là “thăm bệnh” trong những trường hợp nan y, bệnh nhân lại không có điều kiện chi trả khi nằm viện. Tất nhiên, An là người phát hiện và đề xuất về trường hợp của bệnh nhân đặc biệt này.

Ngày đầu đến nhà, bác sĩ An khựng lại, sững sờ, đứng lặng rất lâu, hai hàng nước mắt tự dưng trào ra. Không ngờ một người to khỏe như Sa giờ chỉ như một cái xác ốm o, còng queo bất động nằm trân mắt nhìn sóng biển. Bất ngờ Sa lên cơn co giật như người bị động kinh, phản xạ tự nhiên, An thả túi thuốc nhào đến ôm Sa xoa xoa tay khắp cơ thể nhằm giúp cho bệnh nhân an yên trở lại. Không ngờ khi đụng vào người, Sa càng co giật mạnh hơn. Một thoáng suy nghĩ, trở về vai trò của một bác sĩ, An nhanh chóng chích ngay cho Sa một liều thuốc chống động kinh. Khi đã nằm im, từ hai khóe mắt Sa chợt lăn nhòe hai hàng lệ khiến trái tim An đau nhói. An nhiệt tình trao đổi với dì Tuất về phương án điều trị cho Sa nhưng Tuất giãy nãy “Khéo bày vẽ! Gần chết rồi, cứu nỗi gì!” Nói vậy nhưng trước khi quay mặt đi hờ hững, Tuất chìa chiếc chìa khóa nhà cho An: “Bác sĩ muốn làm gì thì làm, gia đình không có tiền đâu… Chìa khóa nhà đây, đến thì tự mở cửa. Dạo này tôi bận quá, thường xuyên không có nhà! Mà chắc cũng không mấy ngày nữa…” Tuất vừa cười mỉm vừa bỏ đi như đã trút được một gánh nặng sang vai người khác. Nghe vậy, biết tình hình dì ghẻ con chồng lạnh nhạt, An càng nung nấu trong lòng quyết tâm điều trị cho Sa. An cũng không hiểu điều gì khiến mình có niềm tin như vậy.

Đêm về, An nghiên cứu sâu thêm về hội chứng người cứng và biết rằng đây là chứng bệnh hiếm gặp, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, não hoặc tủy sống. Triệu chứng đặc hiệu của hội chứng là sự co cứng các cơ trục thân mình như các cơ lưng, cơ bụng, dần dần sẽ dẫn tới cứng hai chân và các cơ khác của cơ thể như cơ hô hấp, cơ mặt...

An hội ý với bác sĩ giám đốc về việc dùng thuốc giãn cơ baclofen và truyền tĩnh mạch immunoglobin kết hợp với liệu pháp massage. Giám đốc ủng hộ ngay nhưng tỏ vẻ ngại ngần khi nói bệnh viện không có nhân viên massage. An đỏ mặt quay đi một lúc rồi nói: Được rồi, để… em tự lo.

Mấy ngày nay, Sa cứ nhìn sóng biển là thấy hình ảnh người cha của mình. Sa nhớ như in từng kỉ niệm, từng lời của ba.

- Khai nhãn cũng là… khai tâm… cho chiếc ghe con à! Lời nói ba bị gió bạt mạnh, tiếng được tiếng mất, Sa phải cố vừa nghe vừa nhìn vào miệng ba mới ráp thành câu nói trọn vẹn. Dáng ba còng xuống nhanh quá! Sa nghĩ nhiều về sự lao lực của ba, đời ngư phủ đâu dễ dàng gì, biển cả, biển giả mà, giữa mênh mông trời nước, con người thật nhỏ bé, mong manh. Mười năm trở lại đây, ba dành dụm đóng được chiếc ghe gắn máy thay cho đi thúng. Ba lầm lũi, mắt lúc nào cũng dán vào bàn chân. Ba đang đứng cạnh mũi chiếc ghe vừa đóng xong, đã trít dầu rái kĩ lưỡng, thợ đã nhậu rửa đục, rửa cưa, ba nói với Sa bằng giọng hơi khàn khàn của người một đời ăn sóng nói gió nhưng nay đã về già. Việc cuối cùng là khai quang điểm nhãn, ba phải sắm sanh đủ rượu trà bánh trái, phải nhang khói khấn vái, xưng cả tên mình cả tên con trai, nghiêm trang nhắc đi nhắc lại quê quán, nơi ở. Trong niềm tin của ba, chiếc ghe có linh hồn, có mắt nhìn, có đủ lực vượt sóng, che chở cho cha con ông được tai qua nạn khỏi, được an toàn trở về nhà sau mỗi chuyến ra khơi. Hơn một lần cha giải thích phải vẽ mắt lên đầu mạn ghe không chỉ để ghe thấy đường đi đến nơi về đến chốn mà còn để các loại thủy quái thấy mà kiêng nể, không tác oai tác quái hại người trên ghe.

Và rồi ba đã cùng với chiếc ghe mới đã nằm lại vĩnh viễn đâu đó ngoài những lớp sóng kia. Giờ đây, chắc con mắt ghe ấy không còn cần thiết nữa…

Tuất dường như không về nhà từ khi giao được “gánh nặng” cho người tự nguyện là bác sĩ An. Mọi việc từ chăm sóc, vệ sinh cho Sa đến dọn dẹp nhà cửa An tự lo liệu. Cứ hết giờ trực ở bệnh viện là An đến thẳng nhà Sa tự mở cửa bước vào. Ngay cả cánh cửa sổ cũng phải tự chống lên. Nhờ sự chăm sóc đúng cách và tận tụy của An, cơ thể Sa đang dần lấy lại sinh khí. Khuôn mặt được An cạo sạch những sợi râu tua tủa và da cũng hơi hồng lên nên dễ nhìn hẳn. Tuy vẫn bất động nhưng ánh mắt Sa đã không còn u uất như trước. Dạo này, Tuất biệt tăm, không một lời dặn dò, nghe đâu cô ta có tình nhân mới ở làng bên.

Mưa. Cơn mưa do ảnh hưởng bão nên dai dẳng, nước đổ xuống như trút. Bên ngoài, bầu trời tối sầm xuống. Tiếng mưa đùng đùng bộp bộp vang động trên mái tôn thiết đã cũ. An lấy cây cài ngang cánh cửa sổ và chốt luôn cả cửa trước cửa sau cho mưa gió khỏi giật, khỏi tạt vào. Khâu vệ sinh và tiêm thuốc đã xong, An tiếp tục xoa tay xoa chân. Từ tuần trước, Sa đã không còn bị co giật khi có người đụng vào cơ thể nữa. Trong con mắt nghề nghiệp của An thì đó chính là sự tiến triển đáng mừng.

Mưa vẫn đang nặng hạt. Cơ thể Sa được lật ngửa lên. Hai bàn tay An xoa đều từ vai đến ngực rồi xoa đều hai bên sườn, các ngón tay mềm mại của An mơn man trên từng ô da thịt của Sa. An cảm nhận chút hơi ấm từ cơ thể tưởng chừng đã lạnh lẽo này, càng ngày hơi âm ấm đó càng rõ ràng hơn. Sa vẫn mở to hai mắt nhìn lên trần nhà. Các bài massage hàng ngày gần như đã xong, chợt thấy ánh mắt Sa hơi là lạ nên trong An lóe lên một ý nghĩ táo bạo, sao không kích thích thần kinh từ thị giác, Sa nhìn thấy mà. An hơi gợn chút rụt rè nhưng rồi nhờ cơn mưa càng lúc càng gào thét ngoài kia tạo sự an tâm trong không gian riêng nên chiếc nịt ngực cũng được cởi ra, An ngồi lên cơ thể Sa chồm tay xoa bóp từ vai đến ngực, cố tình cho Sa nhìn thấy đôi nhũ hoa vồng lên căng tròn của mình…

Những ngày sau đó, trên đường đến nhà Sa, An cứ hay nhìn trời, một cơn mưa phủ mờ mịt làng xóm sẽ tạo được không gian riêng tư luôn được An ngóng đợi. Hình ảnh đôi mắt Sa nhìn chăm chăm vào ngực mình chợt hiện khiến An thấy rạo rực trong lòng, hai gò má nóng ran.

Tuất vẫn biền biệt. An vào nhà đóng cửa lại. Giờ thì không cần cơn mưa An vẫn biết không ai quấy rầy công việc của mình.

An khỏa thân hoàn toàn mà không còn ngần ngại gì nữa, con người ta gì cũng khó nhất là lần đầu, hễ vượt qua được đến lần sau thì mọi chuyện đã trở thành bình thường. Cơ thể Sa cũng trở nên thương thuộc gắn bó, không còn xa lạ. Dần dần An trườn mình lên cơ thể trần truồng của Sa với một niềm khoái cảm chứ không còn thuần công việc nữa.

Đang trườn người cọ nhè nhẹ phần dưới cơ thể, hai mắt An nhắm lại, miệng há hốc vì một nguồn điện gì đó còn hơn cả sự rạo rực thông thường vừa được đánh thức. An nhớ đến lần giận hờn của mình ngày ấy… Hôm ấy biển đỏ, thủy triều đỏ. Cá chết nhiều nhiều, xác cá tắp vào đầy mép nước ùn tràn cả lên bờ. Sa và An cùng đi ra bãi coi. Đi cạnh Sa, trái tim An rộn lên, hồi hộp. An đợi một lời tỏ tình. Khi Sa nắm tay, trái tim An như muốn vọt khỏi lồng ngực. Hồi hộp chờ đợi nhưng đột nhiên Sa nói một tràng dài tên cá: sọc tiêu, sọc phấn, phấn chì, cơm than, cơm đỏ, cơm lép… An tròn xoe mắt rồi ngúng nguẩy giận dỗi: Đồ mộng du! Tự dưng đứng với “người ta” lại đọc tên cá… Tháng tám cá áp lộng, Sa lại nói tiếp, mắt nhìn ngây ngây ra vùng biển đỏ man dại. An thất vọng quá bỏ chạy, chạy mãi, chạy mãi trên bãi biển vắng…

Càng chìm đắm trong những kỉ niệm đẹp đẽ, cơ thể An càng trườn lên trườn xuống nhanh hơn. Hai cơ thể cọ xát vào nhau. An quấn quýt, rạo rực. Hai bầu vú cạ xát từ mặt Sa xuống đến tận phần bụng dưới. Có lúc An cong bật cả người lên, miệng liên tục lẩm nhẩm điều gì đó không rõ. Đang trong cơn đê mê, chợt An khựng lại, có gì đó rất kì diệu vừa xảy ra. An nhìn chăm chăm. An đợi. Và mí mắt Sa khẽ nhúc nhích. Rõ ràng là mí mắt Sa khẽ nhúc nhích. “Sa hết bất động rồi!” An muốn hét lên vui mừng. Mi mắt Sa khe khẽ nháy chầm chậm rồi mở to nhìn An. Đôi mắt giờ đây đã nói được rất nhiều. An cảm nhận được. An cảm nhận được tất cả những gì từ Sa. “Sa hết bất động thật rồi!” An trào nước mắt thốt lên thành lời. An chợt nhìn lại cơ thể trần truồng đang nóng rực của mình, luống cuống, luống cuống, An trụt người xuống quơ vội vàng bộ quần áo bên mép giường…

*

Một năm đã trôi qua thật nhanh nhưng chất chứa trong đó bao thay đổi của làng biển này. Nếu như đám cưới của người chăn sóng biển và cô An bác sĩ là sự vỡ òa kì diệu của hạnh phúc thì sự kiện tòa án phán quyết trả lại nhà cho Sa là sự khẳng định công lí có thật.

Hôm lễ cưới của Sa với An tổ chức ở khu resort mới, Khương, thằng bạn ba trợn của hai người mang cả vợ con về chung vui. Lần đầu tiên Khương nói một câu không bỡn cợt mà lại nghe rất được: “Mọi chuyện rồi sẽ qua, chỉ tình yêu còn lại. Chúc hai bạn thân của mình thiệt… thiệt hạnh phúc!”

Sa cười rạng rỡ ôm vai bạn, mắt nhìn ra xa về phía những con sóng mà nhắc lại mấy lần: Chỉ tình yêu còn lại, phải, chỉ tình- yêu- còn- lại, chỉ- tình- yêu- còn- lại.

Nguyễn Hiệp | Báo Văn nghệ

--------------------

Bài viết cùng chuyên mục

Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.