Sáng tháng mười tôi về Mạo Khê. Cái thị trấn khốn khó vẫn nằm im dưới góc núi Đông Triều. Góc thôi, bởi từ nhà tôi nhìn lên vào những ngày rạng trời chỉ nhìn thấy khoảng nham nhở pha trộn giữa xanh, xám và đỏ của đất đá, cây cối bị máy móc thổi nhao lên múc than bên dưới không lấp lại. Còn ngày mù trời thì khỏi nói, tuyệt mù, nhờ nhờ đen trắng. Nhưng dù gì tôi vẫn nhớ nó vào ngày đẹp trời, mang cái hình ảnh đẹp trời lên thành phố, ở nơi tôi đang sống, và thi thoảng từ tầng mười tám chung cư nhìn xuống dưới đường cảm thấy vừa vặn nhớ nhung.
Nay mười lăm, tháng mười, năm… là ngày đẹp trời như thế. Nắng lên từ sớm xua tan mọi váng vất sương ẩm từ đêm, hoe vàng phảng trong hơi bấc, gần giữa trưa nắng gắt hơn, da trời vắt xanh. Tất nhiên cái góc núi từ nhà tôi nhìn lên vẫn vậy - nó không suy chuyển mảy may sau ngần ấy năm, nó im lặng, nỗi im lặng vỡ hoài của những run rủi buồn bã - xanh xám và đỏ.
Lần này về của tôi là cùng anh trai chuyển mộ cho bố mẹ từ nghĩa địa Dân Chủ về khu mới trong Bốn Linh Chín. Khu Dân Chủ người ta lấy lại đất để xây khu chợ dân sinh. Mộ cũ nhiều nhà cũng đã mang đi, nhà tôi ở trong những hộ cuối cùng chưa nhận tiền đền bù chuyển mộ, chủ đầu tư đã vài lần liên hệ với tôi bảo họ đến nhà không thấy ai ở nhà, điện thoại anh Khang thì không liên lạc được. Ừ hữ, tôi hứa với họ là sẽ về sớm giải quyết dứt điểm. Rồi tôi nấn ná quên đi. Thành phố có cái nhịp cuốn riêng khiến đầu óc con người trở nên lú lẫn, lão hóa nhanh chóng, chưa kể tôi làm phó phòng hành chính của một cơ quan xuất nhập khẩu hàng hóa, công văn giấy tờ, khách khứa liên miên, việc định làm mười mươi còn chưa chắc làm chứ kể gì đến việc ở tuốt xa hơn trăm cây số.
Bẵng đi thời gian họ lại gọi, tôi lại hứa chắc chắn sẽ về. Từ tháng ba mà giờ đã tháng mười. Mức độ nghiêm trọng trong những cuộc điện thoại tăng dần lên, ngôi nhân xưng chuyển từ anh sang ông, mật độ gọi từ tháng một lần sang tuần một lần rồi ba ngày một lần, các giả định “nếu” nhiều thêm khiến chính tôi cũng sốt ruột. Nhịp thành phố khi này không xóa được hình ảnh hai ngôi mộ chơ vơ mọc lẫn trong cỏ, giữa là lam nham các hố đất hình chữ nhật đã được lấy cốt bên dưới, chiếc máy xúc lừ lừ tiến vào vung gầu lên, gương mặt bố mẹ tôi nghiêm nghị trên bia vỡ tan thành nhiều mảnh. Ừ, thì cũng phải về một lần xem thế nào. Con trai tôi khóc ti tỉ vì biết tôi không về vào cuối tuần, có nghĩa nó sẽ không được bám càng đi theo. Vợ tôi giật remote từ tay thằng con chuyển từ một kênh review game sang kênh review phim tổng tài Trung Quốc, mặt dửng dưng khi tôi nói sẽ về thị trấn. Cô ấy sợ không khí ảm đạm nơi đây - thực ra sợ hơn nữa là cảnh chiều chiều người già vác ghế ra trước cửa ngồi chờ tối, lưng gập còng xuống, tóc trắng xổ ra. Ánh mắt người già phản chiếu ánh đèn màu vàng nhòa đùng đục. Bóng tối rủ nhau đổ xô khắp các con đường. Vài ba con cú đậu trên đỉnh ngọn bàng rúc lên hòa cùng tiếng mèo ngoeo ngoeo dai dẳng. Thi thoảng, chỉ thi thoảng thôi có chiếc xe máy bấm còi pim pim lướt qua nhưng vẫn không sao phá đi được bầu không khí ảm đạm lưu cữu vốn có từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, mà nói đúng hơn từ đời này sang đời khác. Tôi đã từng chứng kiến cụ Vạng ngồi từ chiều ghếch sang tối, qua đêm thăm thẳm, sáng sau người ta mới biết cụ đã đi. Cụ đi lúc mấy giờ chẳng rõ, các cụ già xung quanh bảo chiều qua thấy cụ vác ghế ra ngồi, đầu tựa tường tưởng ngủ nên cũng chẳng ai để ý. Lúc chiều, khi đi đá bóng tôi thấy cụ ngồi đúng như thế, sáng sau, khi đi mua bánh cuốn vẫn dáng ngồi đấy - mắt nhắm, tóc trắng gió thổi xòa nửa khuôn mặt bên trái. Dĩ nhiên tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều cho đến khi tin cụ mất loang ra khắp xóm. Con gái của cụ đi làm tuốt tuột trên mạn ngược Hà Giang, Lào Cai nghe hàng xóm báo vội vàng rồng rắn kéo nhau về chịu tang. Hết tuần đầu nhà khóa cửa, qua bốn chín ngôi nhà đã sang tên chủ mới - một cặp vợ chồng quê miền trong ra lập nghiệp. Sau tôi biết cặp vợ chồng nọ đã chuyển tiếp đi đến miền đất gần biển hơn. Nhà cụ Vạng bán qua tay vài ba chủ cuối cùng chẳng rõ ai ở nữa, mỗi lần về đi qua tôi lại như thấy loáng thoáng bóng cụ gục đầu vào tường nửa ngủ nửa thức, lòng tự hỏi sang thế giới bên kia cụ có chiều chiều ra trước cửa ngồi…
Giờ tôi đang đứng trước cửa nhà mình, dưới tán bàng trồng năm sinh tôi 1991, trong thị trấn chỉ trồng duy nhất một loại cây, đó là bàng. Mùa đông bàng rụng lá, thân bàng trơ khấc vươn lên trời như người chết cháy cố với ra phía cửa, mùa hè thì sâu róm bò lổm ngổm trên tường, trên đường, lông sâu theo gió găm vào tất cả các khoảng da người mà chúng bắt gặp nơi vệt bay - người lớn trẻ con đều gãi, mùi cao sao vàng, mùi dầu gió xanh Trường Sơn nôn nao - nhưng chưa ai từng nghĩ đến việc chặt hết bàng đi để trồng vào một loại cây mới như sấu chẳng hạn. “Nhân bàng từng cứu đói người dân vào những năm phỉ.” Bố tôi bảo vậy, cũng bảo thêm bố nghe ông nội, tôi tin bố về chuyện phỉ, còn anh Khang thì không: “Lịch sử địa phương con dạy trên lớp có phần nào nói về phỉ đâu, Mạo Khê cũng cách vùng biên viễn với Trung Quốc hơn hai trăm cây số, cách biển sáu bảy mươi cây, nằm sâu trong nội địa thì lấy đâu ra phỉ, phỉ nếu vào đi đường nào ra…” Bố trầm ngâm thở dài: “Có những chuyện chẳng sử sách nào ghi được.”
Nhà tôi vẫn giữ lệ cúng xôi bàng vào ba mươi Tết, quả bàng đập khéo lấy nhân, rửa sạch luộc qua với chút muối cho hết chát rồi nấu với gạo nếp, nhân bàng bùi dẻo, xôi hơi ngả xám; bố tôi mất trước mẹ hai năm, ngày bố mất gần Tết, tôi nhớ Tết ấy anh Khang nấu xôi lạc, mẹ đọc hai thời kinh Địa Tạng một thời kinh Di Đà im lặng chẳng nói gì, mẹ cũng chẳng phải người sinh ở thị trấn, mẹ từ dưới Thái Bình làm ăn phiêu dạt sang đây, ban đầu làm phân xưởng sàng tuyển, sau về nhà đèn, cuối cùng về nhà ăn chuyên làm bánh ông sao - thứ bánh bột mì hình tròn to cỡ bàn tay mở, dày hai phân rưỡi ba phân, trên mỗi chiếc bánh đều được vẽ hình ngôi sao năm cánh, rắc thêm chút vừng trước khi đem nướng, mỗi người thợ mỏ khi tan ca được một bánh ông sao, một bánh mì mỏ cùng hộp sữa đặc nhỏ, đến giỗ bố năm sau vợ chồng tôi về định nấu xôi lạc nhưng chính anh Khang gạt đi bảo nấu xôi bàng, nhân bàng khô bố để dành đã mốc, thế là hai anh em mang túi bóng đi dọc xóm gom bàng về trước cửa nhà kê gạch gõ lấy nhân, anh gõ cẩn thận hơn tôi, mười quả được tám chín quả nguyên…
Chìa khóa vẫn theo quy ước - để trong u bàng gần gốc - nói thêm về u bàng, là kho báu riêng của hai anh em, cả hai đã khoét phần giữa u sâu và rộng thêm để có thể để bi, ảnh in hoạt hình, hòn đá có hình thú và tỉ tỉ những thứ trẻ con nghĩ là kho báu, sau nó từ bí mật của hai anh em thành bí mật của gia đình, để chìa khóa mỗi khi là người cuối cùng ra khỏi nhà để về khỏi chờ nhau, chỉ khác chìa khóa lần này được bọc trong túi nilong nhỏ, kèm theo đó là mảnh giấy nhắn: “Chú về, tìm anh đến hỏi nhà chị Vấn trong khu Ba La.” Chị Vấn là chị nào? Khu Ba La, đó là khu lâm trường giáp với núi. Lớp tôi học xưa có thằng Vinh nhà trong đó, tôi đã từng vào nhà nó chơi, quanh nhà ươm toàn thứ cây bạch đàn còi cọc trong bầu đen, nó bảo đây là bạch đàn giống, phải lớn tí nữa mới đem đi trồng được. “Mày chắc trồng xuống đất nó sống được chứ?” “Mẹ tao bảo được.” Rồi nó chỉ lên rừng bạch đàn thoai thoải kéo mãi về phía bên kia núi - dĩ nhiên, khoảng núi sau nhà nó cũng là một phần của dãy Đông Triều, xong không phải là phần ngày đẹp trời tôi nhìn thấy từ trước cửa nhà mình…
Minh họa của Họa sĩ Vũ Đình Tuấn. |
*
Cho đến tận lúc này, có nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu được anh Khang dù cả hai là anh em ruột. Anh hơn tôi ba tuổi, đẹp trai, cao ráo, học cao đẳng sư phạm ra, dạy sử ở trường cấp hai Cống Trắng gần quốc lộ 18A, và đột ngột bỏ ngang sau gần chục năm cần mẫn đi dạy, đạt đủ các thành tích từ chiến sĩ thi đua đến giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tổ trưởng tổ bộ môn, đang cơ cấu làm phó hiệu trưởng.
Bố khi biết anh bỏ dạy đã trách cứ rất nhiều, nặng có nhẹ có. Thậm chí gọi điện cho tôi từ trên phố về nói chuyện với anh. Anh im lặng trước mọi lời trách cứ, không có bất cứ bao biện gì cho việc mình làm. Bố khó chịu trước thái độ nửa câng câng chống đối, nửa gàn dở chịu đựng đó. Trong cuộc họp gia đình, với bố mẹ bên kia ghế, tôi và anh Khang bên này trong lúc không kìm được bố đã ném mạnh chén nước chè xuống đất đuổi anh đi, rằng bố không có đứa con nào ngỗ ngược không nghe lời mình thế, bao năm nuôi cho ăn học đàng hoàng thì lại bỏ, mà bỏ vì gì - chỉ vì không tin vào chính điều mình đang dạy, bỏ rồi làm gì mà ăn, ruộng vườn không có, hay lại xin vào mỏ làm công nhân, mà công nhân cái ngữ anh người ta cũng chẳng tuyển… Anh Khang vẫn im lặng. Mắt nhìn chằm chằm xuống mảnh sứ vỡ hình hoa hồng màu đỏ. Lúc lâu, bố mệt lệt bệt đi vào nhà trong nằm thở, húng hắng ho.
Mẹ nhìn sang tôi. Tôi biết nói gì với anh lúc này. Vệt nắng từ ngoài xuyên qua tán cây rơi toẹt lại giữa bàn. Anh ngồi ngửa cổ nhìn lên trần nhà. Quạt trần khô dầu ọc ạch quay. Con thạch sùng đang rình con chuồn chuồn ngô bay lạc vào nhà để ra đòn kết liễu. Phía bên kia là tổ ong vàng to bằng nắm tay mà ong đã bỏ đi hết từ bao giờ. Thời gian này bố chưa phát hiện ra mình bị hen phế quản mãn tính, hậu quả của nhiều năm làm lò - khi thứ để che mặt mũi chỉ là chiếc khăn tay có cũng như không.
Anh Khang thở dài. Người như trượt xuống thấp phè chán chường trên ghế gỗ. Mắt vẫn nhìn đắm lên trần nhà. Mẹ nhìn anh, nhìn tôi. Ngoài kia người ta đang rục rịch đi chợ chiều, nấu cơm tối. Nắng vẫn xiên qua tán cây vào nhà. Bọn trẻ con lác đác đi học về. Buổi chiều đọng lại trong đáy mắt tôi, một buổi chiều của nhiều buổi chiều thị trấn, giữa có và không, giữa biết và không, liệu tôi có thực sự cần biết nguyên nhân chính xác anh Khang bỏ việc dạy sử ở trường không - chắc là không. Nhưng bố tôi thì cần, thế hệ của bố tôi mọi thứ đều rõ ràng mạch lạc đen trắng, nghĩa là chỉ có đen hoặc trắng chứ không nhờ nhờ, dù rằng nhiều khi chính ông cũng hiểu đời sống này vốn chẳng phân định rõ ràng giữa trắng và đen được, có những khoảng hở loang màu để con người ta len vào sống tiếp, dù rằng nhiều khi sống cũng chẳng dễ chịu gì, và chính bố cũng nhiều lần lờ mờ tin vào sự không chính xác của đời sống, như việc phỉ chẳng hạn, có phỉ hay không, vào năm nào, lấy đi bao nhiêu lương thực thực phẩm, giết bao nhiêu người, còn ai nhân chứng – nhưng để làm gì, bố có cần biết chính xác điều ấy, hay bố chỉ cần tin việc mình làm - cúng xôi bàng vào ba mươi Tết là đủ…
“Để mẹ đi chợ mua gì ngon mấy bố con uống rượu.”
“Để con đưa mẹ đi!”
Tôi vừa nhổm đứng dậy thì anh Khang níu tay lại cương quyết.
“Ở nhà tao đi cho.”
Anh và mẹ đi khuất thì bố từ trong giường lạch bạch đi ra. Lâu rồi mới về tôi không ngờ sức khỏe bố xuống nhanh thế, ông xin tôi điếu thuốc rồi ra cửa ngồi xuống mấy cái rễ bàng trồi đất vươn lên, dựa lưng vào thân cây thong thả rít. Khói bảng lảng, tóc ông giờ quầng trắng nhiều hơn quầng đen, nếp nhăn chằng chịt hút mọi thứ vào đôi mắt đùng đục xám. Tôi ra ngồi cùng ông, tiện tay nhặt nửa viên gạch tìm bàng chín rụng đập lấy nhân. Đập được hạt nào tôi bỏ vào chiếc lá bàng khô nửa tím nửa vàng đã phủi sạch đặt trước mặt bố. Ông vừa hút thuốc vừa nhón nhân bàng ăn, khuôn mặt giãn ra đôi chút.
“Để con tìm việc cho anh trên thành phố bố đừng lo.”
Bố nghe, nhân bàng đưa lên miệng ngưng vài giây rồi tiếp tục hành trình trở thành thực phẩm của mình. Xong bố cười. Có cơn gió vừa qua đưa thêm vài ba chiếc lá rụng xuống đường. Bầu trời ửng vàng lên lần cuối trước khi nhạt dần trôi về phía đêm. Ở thị trấn bao năm tôi đã thuộc lòng nhịp vận hành của trời đất. Nhưng có những thứ mãi mãi tôi chẳng thể nào hiểu được, như câu nói của bố sau đó.
“Có những người chẳng thể bỏ thị trấn mà đi. Có người ngay từ khi sinh ra đã không thuộc về thị trấn.”
*
Tôi mở cửa vào nhà, bên trong đồ đạc vẫn nguyên vẹn, chỉ khác tất cả đều được che bởi bạt nilon màu xanh da trời. Chắc cũng lâu anh Khang không về nên nền nhà phủ lớp bụi dày. Tôi đi một vòng từ nhà trên xuống bếp, mở tung các cửa cho gió ùa vào xua bớt đi mùi ẩm mốc lưu cữu. Cuối cùng, mở cửa sau ra khoảng vườn nhỏ lúc còn sống bố mẹ vẫn thường chăm tưới - giờ mọc tràn cỏ gà, hoa xuyến chi vàng trắng, mào gà, lau lách…, hàng rào nứa mấy bố con đan đề phòng chó hàng xóm nhảy vào phá, đồng thời làm giàn leo cho mùng tơi, bầu bí, đậu cove giờ đổ sụm. Mấy cây đu đủ gầy nhổng cao vót lưa thưa quả xanh. Chỉ có cây vối là xanh tốt. Phía bên kia khoảng vườn là mương nước đã được xây bê tông, có nắp đậy làm đường đi, và phía nhau nhà của gia đình nào đó nối ống nước thải đổ thẳng xuống mương. Tôi nhớ trước đây phía bên kia mương cũng là khoảng vườn rộng như bên này, thi thoảng thiếu vài cái lá lốt, quả ớt nấu canh cà hay tía tô nấu cháo tôi vẫn nhảy qua mương sang xin. Chủ nhân khu vườn bên đó cũng là những người già, họ xây nhà bỏ lại khoảng trống vài ba mét phía sau làm vườn để nhớ về một thời quê kiểng. Họ nhọc nhằn cuốc đất trồng luống cải, luống dền, luống khoai lang ăn lá, dãy rau ngót, vài ba cây cà tím, lá lốt, tía tô, cây chanh, ớt, hành, mùi tàu… chẳng phải để ăn, vì người già có ăn mấy đâu, nếu có ăn thì ở đây là ăn kí ức. Vùng mờ xanh của những cánh cò lả bay từ ca dao bay đến đời thực hiện diện trong từng lá rau, trong giọt nước máy xách ra tưới mỗi chiều, trong cái xuýt xoa kể nhau nghe con sâu xanh to quá cắn nát bao nhiêu rau. Dĩ nhiên, cái vùng mờ xanh ấy ngày càng thu hẹp, ở thành phố thì chẳng nói, còn như thị trấn tôi vài ba năm trước còn bắt gặp những thửa ruộng gầy mòn xiêu vẹo, bị lấn đủ các góc nằm chơ trong phố, lúa cấy chẳng đủ cho chuột ăn - nhưng dù sao đó cũng là dấu vết thiên nhiên, dấu vết của lưu dân đồng bằng đổ về đây làm thợ đã mang theo nghề lúa nước của mình, giờ dấu vết dần mất hẳn, nhà cửa đua nhau xây lên, cái sau lấn cái trước, từ hai ba tầng lên đến năm sáu tầng. Người già ở thị trấn cũng ít dần, tay chân run rẩy, việc duy nhất họ làm được là nhìn nhau mỗi buổi chiều ngang qua trước mặt. Cho đến khi cái nhìn cũng vắng đi liệu có lớp người già mới làm việc đó? Thị trấn vẫn có người đi và người đến, đơn giản nghề mỏ là nghề bạc, nghề không giữ người, nói đúng ra hết sức hết tiền, ráo mồ hôi là nhẵn túi. Những đứa trẻ sinh ra ở thị trấn hiếm đứa nào chịu ở lại ngay từ đầu, cũng nhao đi học đông học tây, cao đẳng này đại học kia, vài đứa may mắn thoát ra, còn lại cũng xoay xở bươn chải mãi, cuối cùng chán nản buộc phải quay về tạo thành lớp cư dân mới, rồi lấy vợ sinh con, ở trên chính ngôi nhà mình lớn lên, dần già đi, lẫn cẫn với các kí ức đắp đổi qua ngày về thị trấn, như anh Khang tôi vậy.
Với tay hái nắm lá vối đun nước uống. Vào nhà đóng cầu dao. Ấm điện vẫn còn đun được. Xoong nồi để ngăn nắp trong tủ cạnh bếp ga, mở khóa ga tôi bật bếp nấu mì, may thay hai gói mì tôm vẫn còn hạn sử dụng đến tháng ba sang năm, ít mộc nhĩ ngửi thấy còn ăn được - tôi đem ngâm nước rửa sạch thái nhỏ; đặt nước sôi cho gói gia vị vào, tiếp đến mộc nhĩ, cuối cùng là mì rồi tắt bếp. Xong xuôi, tôi mang cả xoong lên nhà ngồi gắp ăn chứ không đổ ra bát, mì hơi nhạt, giá có thêm quả trứng hay cái xúc xích thì ngon hơn. Tránh không mở quạt trần đề phòng bụi đọng trên cánh theo đà quay rơi xuống. Bật quạt đứng góc phòng, mở hết cửa sổ cửa chính. Vừa ăn tôi vừa nhắn tin zalo cho vợ báo mình đã về đến nhà, cô ấy xem nhưng không trả lời, giờ này hẳn cô ấy đang tập yoga với đồng nghiệp dạy cùng trường cấp ba Cao Bá Quát. Cô dạy toán, thật may, toán luôn cho ra kết quả chính xác, toán không có các khoảng mờ như văn hay sử.
Tôi tính ăn xong sẽ quét qua nhà, tìm cái chiếu rải xuống ngủ chút cho đỡ mệt chứ không vào giường nằm lỉnh kỉnh chăn chiếu, đến đầu giờ chiều sẽ bơm căng bánh xe đạp cào cào của bố dưới bếp đạp sang khu Ba La hỏi nhà chị Vấn nào đó…
*
Đường vào khu Ba La bao năm vẫn thế, lổn nhổn ổ gà to nhỏ, bụi lầm tức thở, những chiếc xe ben chở đất đá từ trong núi ra hùng hổ di chuyển như thể đang đi trên mặt trăng. Tay lái không vững, hoặc đơn giản không nhường đường, cương lên đôi chút là nằm dưới bánh xe tắp lự chứ chẳng chơi. Thằng Vinh bạn tôi chết vào cuối năm lớp mười hai, lúc học ôn toán lý hóa đại học ở trường cấp ba Hoàng Quốc Việt. Nó bị một tay xe ben say xỉn loạng choạng cán ngang qua người vào quãng tám giờ tối. Lúc bọn tôi cùng cô chủ nhiệm đến viếng nó thì người nhà tay xe ben cũng kéo nhau đến xin gia đình viết đơn bãi nại, để hai bên tự thỏa thuận chứ không đưa ra pháp luật, không để công an can thiệp vào.
“Đ… mẹ, cút, giờ cứ thấy ben là chém, con chó nào nhắc đến ben tao cũng chém.”
Bố thằng Vinh chửi, dao quắm phát cây vung lên chém phập vào bàn uống nước, chẳng hiểu sao bao năm tôi vẫn nhớ như in câu chửi đó dù có rất nhiều sự kiện liên quan đến đám bạn xưa đã quên. Ben là chém, ben phải chém, chém để trả thù, để giũ hết cơn lũ uất hận trong lòng. Sau đó tôi cũng đi học đại học, chẳng rõ rồi bố thằng Vinh có chém được ai không. Nhà nó có còn trồng bạch đàn?
Thằng nhỏ tôi hỏi nhà bảo cả khu này chỉ có một người tên Vấn, chồng chết nghiện mấy năm nay rồi - nếu đòi nợ chỉ còn cái nịt, còn không cứ đi, đến ngã ba phía trước quẹo trái, thấy nhà nào có cây dừa trước cổng thì dừng lại, nhớ đừng gọi nhầm nhà có bụi hồng gai - bởi nhà ấy có mấy con chó béc giê khủng bố lắm. Tôi đi theo lời chỉ, đến nhà có cây dừa gọi với vào dăm câu. Chờ lúc lâu mới có người phụ nữ mặc bộ đồ ngủ màu tím than, tóc buộc sau gáy, đi dép tổ ong màu trắng ra mở cổng, hỏi có việc gì. “Tôi tìm anh Khang, tôi là Hòa em trai anh ấy!” Người phụ nữ nghe thế mở cổng cho tôi vào nhà. Để ý kĩ chị ta vẫn còn trẻ, chỉ có điều từ cách ăn mặc đến việc để mặt mộc không trang điểm khiến cho chị già đi.
Điều lạ, trong ngôi nhà ngói tuềnh toàng tôi không thấy dấu vết gì chỉ ra từng có người đàn ông - là anh Khang tôi từng sống ở đây. Như đọc được ý nghĩ của tôi, chị bảo anh Khang lên núi hái thuốc chưa biết lúc nào mới về. Lần nhanh thì một tuần, lần lâu thì cả tháng, có khi cả năm không chừng, cũng dặn người ở nhà đừng đợi, có gì cứ tự quyết tự làm. Anh Khang tôi nghỉ thầy giáo (thì đã rõ), chuyển sang thầy thuốc năm nào sao tôi không biết, hoặc giả anh vào núi cởi trần trát bùn ngụy trang, tập bắn súng, ném lựu đạn làm phỉ chờ ngày quay về tái chiếm thị trấn cũng nên - để phác thảo một lịch sử hiện đại mới cho thị trấn, ai mà biết được. Từ khi nào anh em tôi chẳng còn liên hệ với nhau. Do mối liên hệ chung là bố mẹ đã mất, hay do tôi, hoặc do anh nữa chưa biết chừng. Tết năm ngoái, năm kia vì dịch Covid - 19 cách li không về được, gọi điện vài lần không liên lạc được tôi cũng chẳng biết anh thế nào, rồi khi dịch qua đi trở lại guồng quay công việc tôi cũng quên bẵng anh luôn. Nếu không có việc di dời mộ của bố mẹ, có người gọi thúc giục thì cũng chẳng biết đến bao giờ tôi mới đặt chân về thị trấn, mà có xa xôi gì cho cam, chỉ hơn trăm cây số, hai tiếng ngồi xe.
Lần về thị trấn này mọi thứ đều vuột ra ngoài tầm kiểm soát của tôi, mọi thứ tưởng mười mươi rồi hóa chẳng có gì, chỉ có kỉ niệm là dồn về đầy ứ, ở mỗi góc đi qua góc nào cũng có kỉ niệm. Mà kỉ niệm thì hữu dụng gì trong thời đại này cơ chứ. Dấu vết về vài ba con người, về đôi ba mối quan hệ đã từng gắn với nhau trong đời có ích được cho ai. Nỗi chán nản dâng lên, cũng chẳng hỏi quan hệ giữa chị và anh Khang tôi là thế nào. Bởi có quan trọng gì đâu, thế nào thì chị cũng đang ở trong ngôi nhà của mình…
Chị Vấn mời tôi ở lại ăn cơm rồi hẵng về.
Tôi từ chối, gửi lại chiếc xe cào cào ở đây, ra cổng gọi điện thoại cho bên chủ đầu tư bảo rằng tôi đang ở trong khu Ba La có thể cho người vào đón được không, tôi muốn chuyển mộ bố mẹ ngay trong tối nay để mai kịp về thành phố, mọi công việc di dời tôi ủy thác cho họ hết, làm thế nào nhanh gọn, đúng thủ tục lễ nghĩa là được…
*
Đêm ấy, sau khi làm xong thủ tục chuyển hài cốt bố mẹ từ khu Dân Chủ về Bốn Linh Chín, về nhà thắp tuần hương xong tôi đi bộ ra đường 18A bắt xe sớm ngược lên thành phố. Nhớ lại, bên chủ đầu tư có ý định thay hai bia mộ mới, xong phải đến chiều hôm sau mới có, hỏi tôi có đợi được không, chẳng cần suy nghĩ, tôi bảo cứ giữ nguyên hai bia mộ cũ, lau rửa sạch sẽ gắn vào là được. Trên bia, mẹ nhìn tôi nửa thương nửa trách, bố nhìn tôi nửa trách nửa thương. Chủ đầu tư thở phào đưa tôi thêm hai triệu sau khi trừ đi chi phí chuyển mộ. Nhà tôi là hai nhà cuối cùng di dời, còn số mộ đạo của người Pháp từ thời khai thác thuộc địa sẽ được tập kết sau cùng, đưa vào hàng riêng khi đã di dời hết mộ bên ta, gói số tiền ấy lại túi bóng, nhét sâu trong u bàng - đó sẽ là bí mật của hai anh em.
Và đêm ấy, lần đầu tiên về thị trấn tôi không ngủ đêm ở nhà…
Tôi cũng không nhìn được góc núi Đông Triều từ nhà của mình bởi trời vẫn tối.