Đất sinh ra đã gắn với cây rồi, và sông và biển nữa ở đâu có đất có nước ở đấy có ngàn cây xanh lá, nở dậy chồi tơ. Cây mọc trên đỉnh non cao chót vót, cây mọc thăm thẳm sâu dưới đáy đại dương. Cây là linh hồn đất, cây là linh hồn nước. Nước và đất hòa hợp tạo nên nhựa sống muôn đời, sức bật trường tồn muôn thuở của cây. Cây tầng tầng lớp lớp, đa dạng dòng tộc, đa dạng họ tên. Từ lim, trắc, gõ, sến, pơ mu… những loài cây quý hiếm giữa đại ngàn nguyên sinh đến đến mít, cam, chanh, na, ổi, bưởi… trong vườn ở đâu cũng có đội hình cây sung mãn đứng bên cạnh con người.
Cây yêu đất và đất yêu cây, cây yêu người và người yêu cây. Bóng cây xanh mướt hồn hậu từ trong ca dao, bóng cây huyền diệu từ trong chuyện cổ tích thần thoại. Cây làm cung, làm nỏ cho chàng Thạch Sanh “bắn mã xà vương, giết đại bàng” để cứu nàng công chúa. Cây làm đẹp mảnh vườn nơi ta ở, cây làm đẹp đường làng ngõ xóm nơi ta đi. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình là hình ảnh suốt đời ta mắc nợ tình cảm thiêng liêng nơi chôn rau, cắt rốn. Có gì hạnh phúc bằng tuổi thơ được ngồi dưới gốc cây đa làng để nhìn ra bốn phía là những cánh đồng lúa vàng mơ, để nhìn lên bầu trời xanh ngổn ngang mây trắng, để tận hưởng tiếng chim sáo sậu làm tổ trên cây đa làng. Chổ ta ngồi dưới gốc cây đa làng xa xưa ấy cũng là chổ ngồi của mẹ ta, cha ta, bà con cô bác ta mỗi lần nghỉ chân lúc trưa hè nắng lửa, lúc những cơn dông ập tới bất thần. Có gì hạnh phúc bằng mỗi sáng mai thức dậy, ta bỗng gặp trong mảnh vườn của mẹ sực nức mùi hương hoa bưởi, hoa cau giữa tiết thanh minh, trong âm thanh bủa vây của đàn chào mào lảnh lót, của đàn chích chòe thanh tao, của đàn bồ chao dồn dập, sôi nổi. Ngày mở đầu làn hương của cây, ngày mở đầu bản giao hưởng chim muông là ngày thanh bình yên ả nhất để con ong siêng năng tìm mật xây tổ, để con người được khát vọng vào niềm tin cuộc sống tươi xanh với một môi trường xanh. Cây quang hợp ánh sáng mặt trời cho rễ thêm bền, cho lá thêm tươi, cho thân thêm cường tráng. Cây tắm ánh trăng cho lung linh kiều diễm để suốt đời thi nhân mắc nợ những câu thơ đẹp viết về trăng về cây. Đúng rồi! nếu con người còn yêu cây thì suốt đời mắc nợ với cây, bởi cây sinh ra trên trái đất này chỉ có một lý tưởng sống duy nhất: gìn giữ, bảo vệ và dâng hiến cho con người theo dòng thời gian luân hồi. Từ thuở hồng hoang khi loài người chưa biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải thì vỏ cây rừng đã thành nguyên liệu quý giá giúp con người làm trang phục. Từ đó trải qua hàng ngàn triệu năm, con người đã hành trình tới một thế giới sống văn minh và hiện đại, thì cây vẫn thủy chung với người, như cây thủy chung với đất, như sông thủy chung với biển. Cây gắn bó với mỗi con người, mỗi số phận từ thuở nằm nôi. Chiếc nôi làm bằng nan tre ru con người lớn lên cùng với dòng sữa mẹ. Rồi khi con người nhắm mắt xuôi tay, trở về với đất chiếc quan tài bằng gỗ lại cùng người ở chốn vĩnh hằng. Điều vĩ đại của cây để con người khắc cốt, ghi xương. Cây không chỉ là điểm tựa cho mỗi cá thể, cây thành điểm tựa cho cả cộng đồng. Cây cho hoa, cho trái, cây cho cửa cho nhà, cây cho bàn, cho ghế, cho con thuyền vượt sóng vươn khơi. Từ cây mọc lên công viên, từ cây mọc lên công sở, trường học, bệnh viện… Muôn loài cây, muôn dạng thực vật tồn tại trên trái đất này đều nhận hết về mình những thiên chức khác nhau: cây xẻ gỗ, cây làm rau, cây làm thuốc. Bao loài rau không thể rời bên mâm cơm chúng ta ăn hàng ngày, bao lá cây, thân cây, rễ cây lúc con người lâm nguy hoạn nạn lại trở thành vị thuốc quý cứu người. Cây dựng nên “trí, đức, phúc” cho đại danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, để lớp lớp hậu duệ muôn đời phải ngưỡng mộ. Đất nước Việt Nam bốn ngàn năm chưa bao giờ nguôi tắt binh lửa. Từ trong máu và lửa ấy, mỗi mảnh vườn, mỗi con đường, mỗi thân cây đều đứng lên diệt giặc cứu nước, cứu nhà. Mối thù giặc nung nấu cả thân cây, mối thù giặc hằn sâu từng gân lá. Ngỡ như trong tiếng gươm khua là tiếng vọng non ngàn “Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa/ Chốn hoang dã nương mình…”. Ngỡ như trong tiếng lá reo lại gặp tiếng cười anh vệ quốc quân mừng chiến thắng, khi mỗi cuộc tấn công giặc thì muôn cánh rừng đều hóa phép nhiệm mầu “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Rừng theo anh bộ đội suốt tất cả các cuộc trường chinh vạn dặm, từ chiến khu Việt Bắc đến Trường Sơn trùng điệp. Cây làm nên anh hùng, cây làm nên dũng sĩ. Bao cánh rừng đã thành địa chỉ đỏ, bao chiến khu đã thành địa chỉ đỏ. Những địa chỉ đỏ xuyên suốt thời gian, xuyên suốt không gian, những địa chỉ đỏ thắm hồng dòng máu anh hùng đất Việt… Cây lá Việt Nam cũng hiên ngang buất khuất như con người Việt Nam. Dẫu chiến tranh tang tóc, dẫu chiến tranh hủy diệt, nhưng nhân loại xem kìa hơn hàng triệu tấn chất độc đioxin và bom napan của giặc Mỹ rải thảm, với âm mưu hòng biến những cánh rừng Tây Nguyên và nhiều cánh rừng khác trên dải đất hình chữ S thành đống tro tàn lớn nhất hành tinh. Thế nhưng lạ lùng thay, từ trong đau thương cây vẫn đứng dậy “Vạn cành lá rụng, vạn chồi mọc lên”. Thế nhưng lạ lùng thay, từ trong bom gào đạn xối, cây và người Việt Nam vẫn bình thản, hiên ngang buất khuất đến lạ lùng. Những người lính ở chiến trường vẫn mắc võng dưới tán cây rừng đọc lá thư nhà, vẫn hát tình ca cho đồng đội mình nghe. Những người mẹ vẫn mắc võng dưới tán cây trong vườn ru con, ru cháu bằng Truyện Kiều. Cả nước hành quân ra tuyến lửa, lá cây kết thành vòng lá ngụy trang dâng lên như sóng cuộn những binh đoàn. Tổ quốc chưa bao giờ đẹp thế này chăng? Khi nhà thơ Xuân Diệu thốt lên “Trái con như thách thức/ Trăm thứ giặc thứ sâu/ Thức kẻ thù sự sống/ Phá đời không dễ dâu” (Quả sấu non). Kẻ thù làm sao bóp nát được trái tim Việt Nam, kẻ thù làm sao đốt cháy được cây lá Việt Nam. Từ trong mưa gào đạn xối, hàng triệu người vẫn khắc sâu lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ấy trăm năm phải trồng người “. Trồng cây và trồng người như là một chân lý vĩnh hằng. Chân lý ấy luôn luôn thổn thức, luôn luôn đau đáu trong lòng ta: nếu không có cây xanh ta sẽ sống thế nào? Nếu con người không được giáo dục và nuôi dưỡng thì xã hội sẽ đi về đâu? Từ trồng cây đến trồng người đã trở thành lẽ sống, thành ý thức hệ trong con người Việt Nam. Thành quả của quá khứ đã giúp thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai thấm thía những lời thiêng liêng ấy. Mỗi ngày chiến đấu là một ngày vui, mỗi ngày sản xuất là một ngày vui. Niềm vui như gió mới, niềm vui như nắng mới khi mùa xuân trở thành ngày hội trồng cây của cả dân tộc. Các cháu thiêu nhi trồng cây, thanh niên trồng cây, phụ lão trồng cây. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ăn sâu trong các “cụ bạch đầu quân” vừa biết cầm súng trường bắn máy bay Mỹ, vừa biết ươm mầm bạch đàn, phi lao, phượng vĩ cho đường làng thêm thắm, đồi quê thêm xanh. Bao nhiêu cụ “bạch đầu quân” thuở trước đã ra đi nhưng họ đã để lại bóng mát cho con cháu mình, cây trái cho con cháu mình. Xanh vườn - Xanh đồi - Xanh rừng, điệp khúc xanh ấy không bao giờ cũ. Chiến lược trồng cây và bảo vệ cây xanh đã trở thành mệnh lệnh cho con người phải biết hành động vì sự sống, vì môi trường xanh. Môi trường xanh trong lành là nguồn dưỡng khí quý giá bậc nhất cho cả cộng đồng. Khi rừng giàu cây, đồi giàu cây, vườn giàu cây thì con người Việt Nam mới cơ hội làm giàu. Một kỷ nguyên mới con người trên trái đất này, không chỉ đoàn kết bên nhau để xây dựng một môi trường xanh khi hành tinh đang nóng lên, mà còn mở ra một đại lộ mới của thời đại: đại lộ du lịch xanh. Những lữ khách khắp bốn bể năm châu sẽ lần lượt tới Việt Nam để được chiêm ngưỡng, để được khám phá bao nhiêu điều lạ từ cánh rừng Cúc Phương đến đại ngàn Vũ Quang, từ Phong Nha Kẻ Bàng đến rừng đước U Minh. Ta có quyền tự hào đó là những tài sản vô giá, một thế giới thiên nhiên thần tiên do đất trời ban tặng bằng cây lá.
Đất nước hòa bình không còn kẻ thù dày xéo làng quê, tàn phá cây xanh, nhưng vẫn còn những nổi đau âm ỉ của những kẻ vô thức phá hoại rừng xanh, phá hoại môi trường. Làm sao chúng ta không thương, không xót khi những tiếng cưa, tiếng rìu lâm tặc đang ngày đêm lẻn lút chặt phá cây xanh. Rừng chảy máu khác nào thân ta chảy máu. Làm sao chúng ta không thương không xót, khi đồi cao đất cằn đá sỏi đã hóa thành rừng trồng, bất ngờ bị thiêu trụi bằng mồi lữa nhỏ của kẻ vô lương. Họ không hiểu rằng rừng bị chặt phá, rừng bị hỏa thiêu là một sự trả giá rất đắt với cộng đồng. Môi trường bị hủy diệt, lập tức những trận lũ điên cuồng dày xéo làng quê đến tiêu điều. Môi trường bị hủy diệt con người sẽ gánh chịu những trận nóng vắt kiệt nước trong lòng đất. Cổ nhân đã từng bảo “ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”. Những ai phá rừng và vong ân bội nghĩa với cây xanh đều là tội lỗi. Hãy cúi đầu tạ lỗi với rừng đi, cây sẽ bao dung, rừng sẽ lượng thứ, điều đó chưa muộn.
Chúng ta hiểu rằng mỗi hạt mầm hé lên từ mặt đất, dù chỉ là một tế bào thực vật nhỏ bé, nhưng tương lai sẽ làm nên cây nên lá, nên hoa thơm và quả ngọt cho đời. Nếu con người biết giữ gìn và chăm sóc nó. Bài học thầy giáo giảng cho các em thơ hôm nay không chỉ là khái niệm vĩ mô tình yêu quê hương nước, mà phải biến nó thành những điều cụ thể nhất, giản dị nhất: yêu con bò em chăm, yêu hàng cây em trồng. Từ đôi mắt hồn nhiên của giới trẻ, từ tâm hồn tinh khiết của giới trẻ tình yêu cây xanh, tình yêu mảnh vườn thực hành, đến tình yêu thiên nhiên bao la sẽ định hình dần về ý thức, về nhân cách bằng sự giáo dục bền bỉ, sáng tạo của những người thầy. Hãy làm cho sự sống quanh ta thêm xanh, điều tất yếu phải có những con người có tâm hồn xanh, có trái tim hồng. Mùa xuân mùa của hứa hẹn, cây hẹn với người, người hẹn với cây cùng đồng hành dệt nên những gam màu bừng sáng tương lai…
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021