Sự kiện & Bình luận

Phỏng vấn một cô nuôi dạy hổ - Trần Thị Vui Vẻ thực hiện

Trần Thị Vui Vẻ
Bút ký phóng sự
13:00 | 03/11/2024
Baovannghe.vn - Cuộc phỏng vấn được tiến hành tại nhà trẻ Hoa Cỏ May.
aa

.V: Thưa chị, nhà trẻ ta rất nhỏ, nhưng số cháu lại quá đông?

CNDH: Không có vấn đề gì. Bao nhiêu cũng chấp hết. Chúng tôi vốn từng làm nghề bán vịt ở chợ Hôm, nhồi bánh đúc quen rồi. Nay chuyển nghề.

P.V: Và nhà trẻ lại sát đường, xe cộ chạy suốt ngày.

CNDH: Càng ồn càng tốt, đỡ phải nghe chúng nó khóc, điếc tai bỏ mẹ.

P.V: Cả nhà trẻ đến hai, ba trăm cháu tôi chỉ thấy có một, hai cái đồ chơi?

CNDH: Chủ trương của chúng tôi là như vậy. Bọn trẻ muốn có đồ chơi thì phải lao vào cấu chí, đấm đá nhau, cần thiết thì cắn. Như vậy, nhà trẻ chúng tôi tạo cho bọn trẻ có bản lĩnh, có ý chí cạnh tranh, lớn lên các cháu có đủ khả năng chống chọi với cuộc đời. Nhà báo ơi, thời nay, không mạnh không sống nổi đâu.

P.V: Các chị thật vất vả khi phải trông nom các cháu ở lứa tuổi như thế này. Các cháu thường hay quấy khóc. Có đứa trẻ rời bố mẹ là khóc, gặp trường hợp như thế, các chị dỗ các cháu như thế nào?

CNDH: Sau nhiều năm công tác, chúng tôi đã suy nghĩ tìm ra được biện pháp hữu hiệu đối với những đứa trẻ như thế. Phương pháp đó là: MÀY KHÓC BÀ CHO MÀY KHÓC. Khóc lắm mỏi mồm, hết hơi thì bảo khóc nó cũng chẳng khóc. Phương pháp này, chúng tôi nâng lên thành công trình khoa học cấp thành phố. Còn cháu nào khóc dai quá thì dùng phương pháp XỬ LÝ THẦN KINH.

P.V: "Xử lý thần kinh", nghe khoa học quá, vậy nó như thế nào?

CNDH: Tống cho nó một viên sêduxen, ngủ ngay. Ngủ một hơi từ sáng đến chiều, tỉnh dậy bố mẹ đến đón là vừa. Hiệu nghiệm lắm. Ngủ thì không ăn, lấy tiền ăn đập vào tiền thuốc. Làm thế hoá ra có lời, tăng thu nhập, cải thiện đời sống khó khăn của cán bộ, nhân viên nhà trẻ.

P.V: Chế độ ăn uống của các cháu ra sao?

CNDH: Tuỳ thuộc vào tiền đóng góp của cha mẹ. Tiền nhiều thì con khoẻ mạnh, tiền ít thì con suy dinh dưỡng, bụng ỏng đít meo, mắt trắng, môi thâm, da vàng như nghệ.

P.V: Nhà trẻ nấu nướng, chế biến cho các cháu như thế nào?

CNDH: Chúng tôi nhận một bà trước kia bán cơm bụi nhưng không có ai ăn. Tuyển bà này vào là nằm trong chính sách giải quyết công ăn việc làm cho chị em đang thất nghiệp. Chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với bà ta hẳn hoi, 20 năm.

P.V: Chỉ một người nấu ăn cho các cháu thôi à?

CNDH: Một thôi, cần gì nhiều, quĩ lương có hạn. Hơn nữa, chúng tôi nấu một bữa gộp ba và cho ăn một lần.

PV: Trời ơi! Thế thì các cháu ăn uống làm sao được?

CNDH: Ba bữa ăn một mới tài. Không ăn thì đói, thế là phải ăn. Đến bữa ăn, mỗi cô cầm một cái roi. Bọn trẻ nhìn thấy roi là ăn ngon miệng ngay. Quen rồi. Chị ơi, hổ báo còn dạy được, huống hồ là mấy đứa trẻ con. Đến giờ ăn là phải ăn. Đến giờ đái là phải đái, không đái bắt phải đái. Rèn thật mạnh tay là được. Bây giờ tôi chỉ cần hô: "Các em đái" là tất cả lao đến chỗ để bô đái rào rào. Thử hỏi, chị đi nhiều, có nhà trẻ nào được như nhà trẻ chúng tôi không?

P.V: Đúng thế, đúng thế. Tôi quan sát thấy nhà trẻ được ngăn đôi, các bé gái một bên và các bé trai một bên. Làm như vậy là để...

CNDH: Để "Biển một bên và em một bên" mà chị. Chúng tôi làm thế để chống tai họa HIV, AIDS. Quan hệ nam nữ cầm phải nghiêm khác.

P.V: Đây chỉ là các em nhỏ, cô giáo ơi!

CNDH: Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy lũ trẻ từ thuở lơ ngơ mới vào... nhà trẻ.

P.V: Chúng tôi nghe một số cha mẹ kêu ca là các cô bớt xén tiêu chuẩn ăn của các cháu, có đúng thế không?

CNDH: Đúng. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Mà thực tế, chúng tôi thì làm, lũ trẻ thì chơi. Chị không nhớ câu ca dao à: Con ăn một thì mẹ ăn hai/ Con đừng khóc nữa điếc tai láng giềng.

P.V: Các chị giải thích như thế đối với bố mẹ các cháu à?

CNDH: Với phụ huynh phê phán chúng tôi, chúng tôi không giải thích mà chỉ xử lý.

P.V: Xử lý thế nào?

CNDH: Xử lý theo phương châm Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Bố mẹ kêu ca cô giáo, cô giáo cho con họ nhịn uống nước cả ngày, sòng phẳng.

P.V: Nhà trẻ có tổ chức sinh hoạt văn thể cho các cháu chứ?

CNDH: Đầy đủ cả. Về thể lực, chúng tôi tổ chức cho các cháu vật nhau. Mùa đông không cần giữ ấm, đái ướt quần áo, cứ mặc, không thay. Các cháu phải thích nghi với thời tiết khắc nghiệt. Sau này, nếu bố mẹ chúng bỏ nhau, chúng có thể đi bới rác, đánh giày và bán báo trong mua dầm, gió rét và có thể ngủ bờ ngủ bụi không bị cảm lạnh. Về văn hoá văn nghệ, cháu nào cũng phải mua báo. Không đọc được cũng phải mua. Mua về bố mẹ đọc. Trường nào bây giờ chẳng thế. Hiện nay, các cháu đang tập văn nghệ để đi thi. Phải có huy chương vàng, nhà báo ạ. Không có huy chương vàng, không dễ dàng ăn nói. Chúng tôi cũng có nhóm tam ca 3C hẳn hoi. Nhóm này gồm ba em: Nguyễn Thị Ca Cẩm, Nguyễn Thị Cắn Cấu và Nguyễn Thị Cùng Cực. Nói tóm lại, thế giới có gì, nhà trẻ chúng tôi có cái đó, yên tâm chưa.

P.V: Chị tin tưởng trong tương lai các em do nhà trẻ này dạy dỗ sẽ là người như thế nào?

CNDH: Các em sẽ trở thành những công dân thập cẩm. Vì nhà trẻ giáo dục một kiểu, trường học giáo dục một kiểu, gia đình dạy dỗ một kiểu, xã hội giáo dục một kiểu. Chị thấy có đúng là thập cẩm không.

P.V: Nhân dịp đầu xuân, chị có muốn nhắn gửi gì với bạn đọc không?

CNDH: Ứ ừ, em ngượng nắm. Thôi, em xin hát một bài về nghề của em.

Mùa xuân ai đi hái hoa

Còn em ra tay trị trẻ

Em không muốn đàn em mau khỏe

Em không muốn đàn em chăm ngoan

Chỉ bởi vì em tức, em căm

Những đôi mắt trẻ,

Long lanh như mắt hổ con

Long lanh như mắt hổ con.

Phỏng vấn một cô nuôi dạy hổ - Trần Thị Vui Vẻ thực hiện
Ảnh của Markus Spiske.
Phỏng vấn một phụ huynh
Văn nghệ Trẻ, số 3+4+5/1998
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.