Phóng viên (PV): Thưa anh! Anh có thể dành cho VNT vài phút phỏng vấn được không?
CA SỸ CHẠY SÔ (CSCS): Vài phút thì được, chứ vài chục phút là "bỏ bố" tôi. Vì tối nay tôi còn vài "sô" nữa... mà "sô" này không phải là "xô" nhôm, "xô" nhựa, "xô” sắt... múc nước mà là "xô múc tiền" nên nó cực kỳ quan trọng đối với tôi.
PV: Cụ thể tối nay anh còn mấy "sô"...?
CSCS: Còn năm "sô" nữa.
PV: Vậy cả đêm nay?
CSCS: Độ chục "sô".
PV: Mỗi "sô" anh hát mấy bài?
CSCS: Cũng tuỳ theo ông bầu, nhiều tiền thì hát nhiều bài, ít tiền thì hát ít bài... tôi nói thêm tôi hát hay hay hát dở cô cũng nên nhìn theo góc độ này.
PV: Thế nhỡ trong lần biểu diễn khán giả yêu cầu anh hát thêm?
CSCS: Khán giả á! Đâu có phải bài nào họ yêu cầu tôi cũng hát, vì còn tuỳ thuộc vào băng cát xét tôi mang theo có bài hát đó không đã...
PV: Anh nói em không hiểu?
CSCS: Có thế mà cô cũng không hiểu, nghĩa là trong băng cát xét đã ghi âm sẵn, còn tôi ra sân khấu biểu diễn mấp máy môi cho nó có. Phải làm như thế mới hát được cả chục "sô", mấy chục bài hát chứ, trong khi sức vẫn khoẻ, giọng vẫn to. Cũng nhờ thế tôi hát được đủ thứ tiếng, giống đúng như giọng phát ra từ... băng cát xét...
PV: Thế nhỡ đâu anh đang biểu diễn như vậy băng cát xét bị đứt?
CSCS: Trường hợp đó cũng có thể xảy ra, tuy nhiên các ông bầu đã đề phòng. Lúc đó lập tức sẽ cắt điện, tất cả tối om và dĩ nhiên... khán giả có nhìn thấy mặt tôi đâu mà chửi. Khi đèn bật sáng sẽ chuyển sang tiết mục của người khác...
Ảnh của Desi Mendoza/Unsplash. |
PV: Nghĩa là xin lỗi anh, anh đã "lừa" khán giả lấy tiền?
CSCS: Cô đừng dùng từ "nặng" như thế đối với tôi. Được như thế này là quá trình vươn lên không ngừng của tôi. Tất nhiên trời phú cho tôi một ngoại hình không đến nỗi nào, nghĩa là nhiều chị em sẵn sàng xin chết. Kế đến cũng trời phú cho tôi một giọng ca nghe kỹ, cũng được. Rên rỉ, sướt mướt, sến... Cộng tất cả thứ đó chia đều là ra cái giọng của tôi. Rồi tôi phải đút tiền, không ít đâu, cho thầy "dạy" hát, thầy dạy tôi trong vòng vài tháng từ một anh chàng nốt nhạc bẻ đôi không biết, trở thành một ca sỹ không biết nhạc vẫn hát được. Tiếp đến tôi lại phải đút tiền cho cả mấy tay phóng viên "nửa mùa" trên mấy tờ báo "lá cải" ca ngợi tôi như một "ngôi sao" âm nhạc lớn đang "toả ánh hào quang" lúc trời chuẩn bị sáng. Trời ơi! Số tiền để làm việc đó là lớn lắm, giờ phải cho tôi lấy lại chứ!
PV: Anh có cảm thấy "vinh dự" với nghề không?
CSCS: Rất "vinh dự", "tự hào". Tôi hỏi cô, cô tìm cả thế giới này đâu có một ca sỹ giỏi như tôi: không biết tiếng Anh vẫn hát tiếng Anh, không biết tiếng Pháp vẫn hát tiếng Pháp... thậm chí không biết nội dung bài hát đó là gì vẫn cứ hát được bằng tiếng nước ngoài. Cả sự nhảy nhót, cứ ca sĩ nào nhảy đẹp mà các bạn trẻ thích là tôi bắt chước.
PV: Thế còn đâu là "sáng tạo"?
CSCS: "Sáng tạo" là cái gì? Cô giải thích hộ tôi?
PV: Là cái của riêng anh, không giống người khác.
CSCS: Tôi hiểu rối, nhưng điều đó đối với tôi không cần thiết, bởi tôi thấy tất tần tật từ áo quần, kịch, phim, thậm chí cả xe cộ cho đến nhà mình ở giờ là cứ lai tạp nước ngoài có cái gì là riêng của mình đâu mà mình phải “sáng tạo" như cô nói.
PV: Thế anh là ca sỹ, anh có hay hát các làn điệu truyền thống dân tộc không? Ví dụ như chèo, dân ca bài chòi, dân ca quan họ Bắc Ninh...?
CSCS: Chịu, vì tôi không thấy các ca sỹ nước ngoài hát những bài hát đó để tôi “học tập".
PV: Nói thật với anh, nghe anh nói, em buồn...
CSCS: Đừng nghĩ thế cô ạ! Nghề của tôi còn khối kẻ chẳng ra làm sao chen chân vào vẫn sống được. Như mấy anh "ngôi sao điện ảnh" tỉnh, mấy chị "hoa hậu" huyện hết thời, thế là họ nhảy sang làm “ca sỹ"... Lên sân khấu nếu là nữ thì ăn mặc thật "thiếu vải", nếu là nam ăn mặc pha chút công tử mê hoặc mấy cô bé mới lớn, trả lời vung vít vài câu, hát vài bài giọng còn dở hơn tôi ngồi một mình "tự xỉ vả vì bị bồ đá", cốt để khoe cái mã bề ngoài... thế mà họ kiếm được khối tiền đấy.
PV: Nhưng quá lắm làm như vậy họ chỉ biểu diễn được một lần?
CSCS: Đấy, cái lần đầu tiên mới quan trọng, để lừa mọi người bằng những quảng cáo bố láo. Còn đến lần sau họ chuyển sang địa điểm khác. Mà ở nước mình thì cô biết rồi, vùng nông thôn có biết bao nhiêu địa diểm để họ diễn lừa mọi người. Tôi còn hơn họ, mang tiếng chạy "sô" chứ nếu hát cũng ăn đứt mấy "ngôi sao điện ảnh" tỉnh, "hoa hậu" huyện và cũng chỉ diễn trong thành phố này... chưa phải chạy trốn như họ...
PV: Diễn như thế, em không hiểu tại sao vẫn có người xem?
CSCS: Thì còn cái gì giải trí nữa đâu. Công viên không biết cô có vào không? Còn bẩn hơn chợ chiều vãn khách, rạp chiếu phim tã nát còn hơn điếm canh dê hết lụt, các đoàn văn công cứ như người bệnh đang nằm ở phòng "hồi sức cấp cứu"... riêng chúng tôi cũng còn có sân khấu, có nhạc, có trống, có ánh sáng, có người diễn... tất họ phải đến xem...
PV: Theo anh, anh có thể theo nghề này được bao lâu?
CSCS: Tôi được biết ca sỹ nổi tiếng nước ngoài họ có thể theo nghề độ hai, ba chục năm. Còn ca sỹ như tôi nếu so sánh về con số thời gian cũng được vài trăm...
PV: ... Vài trăm năm?
CSCS: Không! Vài trăm ngày, nhưng nếu được như thế tôi cũng kiếm được khá tiền. Chỉ sợ không được như thế... thì thôi, cô ạ! Phỏng vấn thế cũng là nhiều để tôi còn chạy "sô"... Chào cô, tôi đi...
PV: Ấy! Anh còn quên cái cát xét...
CSCS: Rất cảm ơn cô! Tý nữa tôi quên, lên sân khấu mà không có nó thì chết. Tôi trả lời phỏng vấn của cô có mấy phút mà mệt quá...