P.V: Dạ, xin chào anh, thưa anh, đây có phải...
Gia sư (G.S): Vào đi, vào đi. Xin giới thiệu với quí khách, đây là Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia sư quốc gia. Công ty chúng tôi được thành lập ở mọi nơi, mọi lúc, đáp ứng mọi nhu cầu học tập, nghiên cứu, thi cư của mọi học sinh. Đây là Ca- tô-lô gia sư trẻ, quí khách có thể chọn bất kỳ gia sư nào cho con em mình. Ví dụ, đây là gia sư trẻ Trần Văn Liều, cao 1m70, cân nặng 60, vòng eo 101, sinh viên năm thứ 2, thành tích: thi lại nhiều lần...
P.V: Dạ thưa, tôi không phải là phụ huynh...
G.S: Thế chỉ là...
P.V: Tôi là nhà báo, đến để tìm hiểu hoạt động của Công ty ta.
G.S: Ô, chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích sự năng động của các nhà báo.
P.V: Xin anh cho gặp Giám đốc Công ty.
G.S: Ôi... thật không may cho chị, Giám đốc của chúng tôi hôm nay đi công tác.
P.V: Ông ấy đi nước ngoài?
GS: Không, không, Giám đốc của chúng tôi hôm nay phải thi lại mấy môn vượt rào. Có gì chị cứ hỏi tôi, tôi là phó trực của Công ty. Xin hân hạnh đón chào quí khách.
P.V: Xin anh cho biết về các nhân viên của Công ty?
G.S: Nhân viên của Công ty chúng tôi toàn là những người trẻ khoẻ. Họ là sinh viên của nhiều trường đại học và rất cần tiền. Vì chán làm tiếp thị cho hãng xà phòng giặt gì cũng bẩn nên họ chuyển sang nghề Gia sư.
P.V: Khả năng của họ?
G.S: Đáp ứng mọi nhu cầu của gia chủ. Thị trường gia sư trẻ hiện nay rất ăn khách. Đôi lúc chúng tôi không đáp ứng nổi nhu cầu của khách hàng.
P.V: Anh vừa giới thiệu đây là Công ty trách nhiệm hữu hạn...
GS: Đúng rồi. Hữu hạn chứ, vô hạn thì có mà ăn cám, mà vào tù lúc nào không biết. Chị xem, thiên hạ có Công ty vô hạn nào đâu. Nhà cửa xây xong chỉ ba tháng là tường nứt, nước thấm, xe máy đập hộp nhưng đồ "din" được thay bằng đồ... dùng rồi, tiền của Nhà nước thì vay mười trả một, kinh doanh hai, còn chia nhau bảy. Hữu hạn cả đấy chứ. Công ty chúng tôi cũng vậy, dạy cũng có hạn thôi.
P.V: Nghĩa là?
G.S: Nghĩa là chúng tôi không chịu trách nhiệm về kết quả học tập của học sinh sau này. Gia sư dạy thế nào là việc của gia sư. Học trò học thế nào là việc của học trò, phải dân chủ chứ.
P.V: Tôi xem Ca-tô-lô thấy một gia sư trẻ của Công ty các anh, học đại học năm thứ hai, mà dạy đủ thứ; toán, văn, hoá, lý, tin học, ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Tàu... Tôi thật kinh ngạc về kiến thức của họ, nhất là ngoại ngữ.
G.S: Có gì đâu mà chị phải kinh ngạc. Gia sư trẻ chúng tôi chỉ cần học một môn ngoại ngữ mới trước học trò của mình một tuần. Sau đó họ dạy lại học trò. Cứ như thế hai thầy trò đuổi nhau. Tóm lại, chúng tôi có một chương trình đào tạo gia sư: Nhanh, tốt, rẻ nhưng không... bền.
P.V: Như thế mà gia chủ cũng thuê các anh à?
G.S: Thuê chứ. Vì ông bố bà mẹ nào mà chẳng muốn con mình có thầy kèm cặp. Mà gia sư trẻ giá cả cũng phải chăng, hợp túi tiền. Gia sư trẻ của Công ty chúng tôi còn gọi là Gia sư bình dân, Gia sư bụi. Giống như cơm bụi ấy mà. Khách hàng muốn ăn suất bao nhiêu cũng có. Đôi khi Công ty chúng tôi mở chương trình khuyến mại.
P.V: Khuyến mại? Gia sư mà cũng có khuyến mại?
G.S: Ô hô, thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng có thể khuyến mại được, kể cả tình yêu, bán một cho một, thỏa mãn chưa?
P.V: À à, tôi hiểu, nghĩa là gia chủ thuê một thầy thì các anh cử hai thầy đến.
G.S: Không phải thế, không phải thế. Riêng trong việc kinh doanh gia sư có khác các nghề kinh doanh khác. Nếu gia chủ thuê dạy văn thì gia sư dạy văn cho con họ và đồng thời làm hộ bài tập toán. Làm như vậy, chúng tôi càng ghì chặt mối quan hệ thầy trò.
P.V: Có bao giờ gia chủ phá bỏ hợp đồng không?
G.S: Có chứ. Nhưng cũng không nhiều.
P.V: Lý do? Dạy kém? Bỏ lớp? Không nhiệt tình? Đánh trò?
G.S: Chẳng có lý do nào như thế. Trường hợp hợp đồng bị phá bỏ chỉ xảy ra với các nữ gia sư thôi. Vì nhiều phụ huynh bố cứ thích nữ gia sư của con mình dạy riêng cho mình môn tiếng anh tiếng em. Và thế là, các phụ huynh mẹ đuổi nữ gia sư ra khỏi nhà ngay. Đôi khi có trường hợp gia sư tự phá bỏ hợp đồng.
P.V: Chắc là do gia chủ không tôn trọng gia sư?
G.S: Không phải thế, mà vì học trò.
P.V: Tôi hiểu, tôi hiểu. Học trò bây giờ hư lắm. Học trò nhỏ thì trêu chọc cô giáo. Học trò lớn thì tán tỉnh cô, đúng không.
G.S: Càng không phải thế. Gia chủ trọng thầy, trò thì ngoan ngoãn. Chỉ vì khi gia sư đến nhà gia chủ dễ dạy tiếng Anh cho con họ thì nhận ra học trò của mình lại là người đang học cùng lớp tiếng Anh buổi tối với mình, thế là gia sư chuồn ngay, không để lại dấu vết gì
P.V: Mỗi tuần gia sư phải dạy mấy buổi?
G.S: Công ty gia sư chúng tôi có khẩu hiệu: "Kiếm tiền chưa đủ, phải tranh thủ dạy thêm". Cho nên, cứ hở lúc nào là gia sư chúng tôi lao vào dạy.
P.V: Thế các gia sư trẻ của Công ty các anh học bài của họ vào lúc nào?
G.S: Lúc nào chuẩn bị thi là học. Cốt không phải thi lại là được rồi.
P.V: Học thế chỉ là đối phó chứ làm sao mà có kiến thức, cũng như họ học vội lấy một vài thứ rồi đi dạy bọn trẻ con.
G.S: Vâng, đấy là phương châm mục đích của các gia sư trẻ. Khi các gia sư trẻ là học sinh thì Chữ thầy lại trả thầy. Và khi họ là thầy thì Chữ thầy lại trả trò.
Ảnh của Element5 Digital. |