Tôi từng sống ở khu vực này nhiều năm, năm nào vào những ngày lễ trọng đều thấy cảnh tương tự nhưng lần này là lần đầu mục sở thị một đám đông vĩ đại đến thế! Thì ra về tiềm năng thể hiện đức tin ở ta cũng chẳng kém cạnh nếu so sánh với bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới! Thận trọng chen chúc giữa dòng xe cộ, cũng như mọi người đang tụ tập dưới kia, lòng tôi cũng thầm cầu mong một điều may mắn gì đó, nhưng là điều gì thì không thật rõ ràng, có lẽ do nỗi mong đừng tắc đường lấn át.
Tôi rẽ vào đường ven sông Tô Lịch, lại rẽ vào một con phố xương cá rồi rẽ vào một ngõ gân lá, và cuối cùng rẽ vào một ngách nhỏ không tên... nghĩa là sắp về đến nhà: Mức độ huyên náo bớt dần theo mỗi chặng đường đi và lòng tôi cũng dần dà thư thái. Ngước nhìn lên khoảng không trước mặt, giữa hai hàng mái nhà khập khễnh tôi lại giật mình: Trên nền trời mờ ảo tròn trịa một vầng trăng. Thì ra thiên nhiên vẫn bình thản trước bao nhiêu tất bật của con người. Vầng trăng ngon như một cặp môi gần tương phản với những cảnh nhộn nhạo, chen lấn mà tôi vẫn thường gặp trong cuộc đời...
Đấy là vầng trăng của tôi. Từ ngày tôi đi gian díu với đô thành vầng trăng của tôi trở thành lưu lạc. Người bạn cũ hiền lành lặng lẽ của tuổi ấu thơ tôi côi cút, của những đêm không đèn mẹ tôi còn lặn lội thân cò chưa kịp về với anh em tôi, người bạn mơ mộng của đêm sông La như một dòng thủy ngâm lấp lánh lặng lờ trôi dưới tiếng sáo diều, người bạn sẻ chia và minh chứng của những đêm hẹn hò tuổi hoa niên tươi thắm... bỗng trở thành xa ngái, hiếm khi được gặp. Không thể nói rằng ở thành phố không có trăng, chỉ có điều trăng thành phố thường bị dạt ra ven đô, dạt ra những con đường vắng thưa thớt bóng cây, thưa thớt bóng người. Hơn thế nữa, còn là vì tôi luôn bận bịu, lầm lũi mưu sinh, quanh năm đầu tắt mặt tối đến nỗi ít có khi ngẩng mặt lên để mà kiếm tìm bạn cũ...
Mỗi lần gặp lại, vầng trăng thành phố với tôi là một lời nhắc nhở hãy trở về với thiên nhiên, với cội nguồn ngay cả khi đã quá được nuông chiều bởi những tiện nghi của đời sống đô thị. Cho nên dù có thế nào, hằng năm tôi cũng lại lăn lội mà về quê. Mỗi lần về thắp hương đền Chợ Củi/ bến Giang Đinh vẫn ngời vầng trăng/ đò có ghé Thọ Tường cho tôi đi với/ kẻo về quê lại nhỡ đêm rằm... Không phải về chỉ để gặp lại vầng trăng, nhưng mỗi lần về, vầng trăng luôn đồng hành với tôi đi trên những nẻo đường, vẫn như những ngày nào làng quê còn chưa có điện... Trăng vẫn như ngày xưa, dịu dàng lên từ phía Hồng Lĩnh. Không còn sự ồn ào phố thị, trăng lặng yên như để cho ta suy nghĩ về những tháng năm xa cách, để ta dần dà hiểu hơn thế nào là lưu lạc mỗi khi được trở lại quê nhà. Tôi bỗng nghĩ về nỗi niềm của cụ Nguyễn Tiên Điền mấy trăm năm trước, khi chàng mới ba mươi xuân trong bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu: Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên/ Y y bất cải cựu thiền quyên/ Nhất thiên xuân hứng, thuỷ gia lạc? (Đêm rằm tháng giêng, sân trống, trời đầy trăng/ Trăng không thay đổi gì, vẫn đẹp như thuở nào/ Một trời xuân nồng ấm, mà nhà có người còn lưu lạc). Đấy là cái thời mà thi hào cũng như nàng Kiều sau 15 năm lưu lạc, trở về quê cũ. Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán / Bạch đầu đa hận tuế thời thiên. (Hồng Lĩnh nhà tan, anh em li tán/ Bạc đầu vì hận năm tháng và thời cuộc sao quá đổi thay)... Bao giờ cũng thế, thi sỹ luôn sinh bất phùng thời, chính vì thế mà ta có được Truyên Kiều bất hủ chăng.
![]() |
Ảnh pixabay |
Tôi lẩn thẩn giở Truyện Kiều tìm những lần Nguyễn Du nhắc đến trăng và chợt nhận ra rằng trăng ở đây đẹp và buồn, và luôn là người chứng kiến, kẻ đồng hành trên những bước đường lưu lạc của Kiều. Vầng trăng trong đêm Thanh Minh, vầng trăng tuổi cập kê gương nga vành vạnh dòm song/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân tưởng tròn trịa như niềm hạnh phúc sau lần đầu ngẫu nhĩ gặp Kim Trọng thì đã là vầng trăng nghĩ ngợi rộn đường gần với nỗi xa bời bời để rồi chỉ một lúc sau, khi chênh chênh bóng nguyệt xế mành Kiều đã thiu thiu đi vào giấc chiêm bao định mệnh với lời báo mộng hãi hùng của Đạm Tiên về kiếp đoạn trường ... Trong cái đêm Kiều trốn nhà xăm xăm bằng lối vườn khuya một mình để sang với Kim Trọng, trăng cũng là người chứng kiến, nhặt thưa sương gội đầu cành và bóng trăng đã xế hoa lê lại gần, đấy là lần cuối vầng trăng đồng điệu, vầng trăng đồng lõa với Thúy Kiều, còn về sau này, vầng trăng lưu lạc...
Đấy là trăng trên đường về Lâm Tri, sau khi Kiều bán mình chuộc cha, sau khi thất thân với Mã Giám Sinh: Dặm khuya ngất lạnh mù khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông; Đấy là đêm liều mình đi trốn cùng tên Sở Khanh lừa đảo: Đêm khuya khắc lậu canh tàn/ Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương...
Cuộc đời lưu lạc của Thúy Kiều đến hồi Thúc Sinh ngọt ngào thì ít, đắng cay thì nhiều và đầy rẫy bi ai. Sau chút bình yên giữa muôm trùng sóng gió, là người lo xa, Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả để tự thú chuyện mình những mong được yên thân làm lẽ mọn. Đoạn này có những câu tả cảnh đẹp mê hồn nhưng riêng vầng trăng không một lần viên mãn. Nếu sau màn đưa tiễn Thúc Sinh, vầng trăng (mới là) ai xẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường thì trong những đêm cô quạnh vầng trăng đã hao mòn và như vỡ thành bao mảnh. Có người nói Kiều cố nhìn thành chữ Tâm trong hai chữ Kỳ Tâm là tên của Thúc khi đêm thu, gió lọt song đào/ nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời. Nhưng phải đến khi Kiều trèo tường bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư thì trăng mới trở thành chút le lói cuối con đường lưu lạc. Cất mình qua ngọn tường hoa/ lần đường theo bóng trăng tà về Tây... Trăng còn lẽo đẽo theo Thúy Kiều cho đến ngày tái hồi Kim Trọng nhưng khi cuộc đời “có hậu” thì cũng đã muộn màng: tình duyên ấy hợp tan này/ bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao...
Tôi không có được nỗi niềm như cụ Nguyễn, điệu tâm hồn cũng như trí lực không dám so sánh với người xưa đã đành, cái sự lưu lạc trong thế gian biến cải cũng không được nhiều từng trải, nhưng nào có ai cấm tôi thấu hiểu, liên cảm và đồng điệu với người xưa khi đối diện với vầng trăng cố hữu trên quê hương xưa cũ.
Rồi tôi lại trở về thành phố, cuộc sống hối hả lại cuốn tôi đi với bao lo toan phiền muộn. Người ta bảo cuộc sống càng bất ổn, càng chen lấn, chụp giật bao nhiêu thì con người càng cầu mong vào các thế lực siêu nhiên bấy nhiêu. Trong những đám đông ở các tụ điểm “tâm linh” không phải ai cũng đi hành lễ cho sáng đức tin mà rất nhiều người đi tìm một nơi bấu víu, một cánh bèo hy vọng giữa dòng chảy hoang dã cuộc đời. Người ta nhẩm tính chờ cho đến ngày đầu tuần trăng và ngày trăng tròn để đi cầu một vận may dẫu biết rằng điều mong ước ấy rất xa vời. Còn tôi tin rồi sẽ có lần tôi lại được gặp vầng trăng lưu lạc...