Mới đây, tác giả Trường Lê đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên Nghiệp chướng. Sách do Linh Lan Books và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Nghiệp chướng xoay quanh câu chuyện một gia đình bị cuốn vào vòng xoáy của nhân quả báo ứng bởi chính những tội ác họ gây ra. Mọi chuyện bắt đầu từ một sự kiện bất ngờ đến khó tin: Ông Hải tìm được vàng dưới đáy giếng nước trong nhà. Vừa vui mừng vừa sợ hãi, ông Hải và vợ là bà Hoài vội vã nghe ngóng khắp nơi, cố gắng tìm mọi cách lý giải những hiện tượng siêu nhiên mà mình gặp phải. Ngay lúc này, một thầy phong thủy xuất hiện, xoa dịu nỗi lo sợ của hai vợ chồng và giúp họ ngày càng ăn nên làm ra, cuộc sống nghèo khó dần trở nên sung túc, của ăn của để không hết.
Tuy nhiên, khi gia đình ông Hải, bà Hoài hạnh phúc nhất cũng chính là lúc những tai họa bất ngờ ập đến: những tin đồn thất thiệt, những hiện tượng siêu nhiên đáng sợ, những cái chết liên tiếp đầy uẩn khúc... Cuối cùng, cả một cơ ngơi giàu có bỗng chốc lụn bại, tiêu tan, tất cả đàn ông trong nhà đều chết bất đắc kỳ tử. Rốt cuộc những tai ương ấy bắt nguồn từ đâu?
Cuốn sách "Nghiệp chướng" của tác giả Trường Lê - Ảnh: Linh Lan |
Ngay từ tên gọi, Nghiệp chướng đã đề cập đến một khái niệm tồn tại lâu đời trong đời sống tâm linh của người Việt: cái nghiệp. Như chính tác giả viết ở lời mở đầu: "Nghiệp được hình thành trong cuộc sống hằng ngày, những tội ác gây ra sẽ báo ứng vào con cái, anh chị em, người thân của họ với các mức độ nặng nhẹ khác nhau". Không phải tự nhiên gia đình ông Hải, bà Hoài phải hứng chịu những tai họa "từ trên trời rơi xuống". Sự kiện nhặt được vàng như một phép thử dành riêng cho họ, song hai người đã bị lòng tham vô đáy và những đố kỵ, ganh ghét che mờ mắt để rồi gây ra bao điều ác. Chính những ác nghiệp ấy đã gieo vào cuộc đời họ những tai ương mà sau này họ phải trả giá không chỉ bằng tiền của mà còn cả tính mạng của chính mình. Nhân quả báo ứng là chủ đề xuyên suốt cuốn sách, nhắc nhở người đọc về ranh giới giữa thiện và ác, về những giới hạn đạo đức của con người.
Lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc Việt Nam, cũng như nhiều tác phẩm kinh dị khác của tác giả Trường Lê, Nghiệp chướng đã tái hiện sinh động đời sống làng quê những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà cuộc sống của mỗi người đều bị chi phối bởi cái nghèo. Chính cái đói nghèo ấy dường như là một phần nguyên do gây nên những mục ruỗng trong lương tâm con người, là cái cớ để con người tự cho phép mình trầm luân trong những ích kỷ, hèn mọn, những nhẫn tâm, cay độc. Nghiệp chướng không chỉ mang đến nỗi sợ từ những hiện tượng, thế lực tâm linh mà còn khiến người đọc rùng mình bởi những tội ác tàn độc đến không tưởng mà con người gây ra.
Những hình ảnh, chi tiết như giếng nước, bụi tre, làng nghề truyền thống... tạo nên nền cảnh bao quát toàn bộ câu chuyện. Những yếu tố kinh dị, linh dị như xác chết dưới giếng, con rắn lạ quấn quanh xà nhà, con gà cúng tím thâm, bị ruồi nhặng bu kín hay câu hát ru văng vẳng trong đêm được khai thác triệt để. Yếu tố tâm linh đặc trưng trong đời sống người Việt được tác giả Trường Lê miêu tả từ những nét văn hóa gần gũi nhất như tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thăm mộ, xây miếu cho đến những hiện tượng siêu nhiên chưa có lời giải như hiện tượng báo mộng hay sự tồn tại của thần, quỷ, vong hồn. Tất cả những yếu tố ấy là tổng hòa của một tác phẩm linh dị, kinh dị không chỉ khiến người đọc rợn tóc gáy theo từng trang sách mà còn nhắc nhở người đọc những ý niệm về nghiệp chướng, nhân quả báo ứng, đạo đức và lương tâm của con người.
Trường Lê, sinh năm 1990, là tác giả chuyên viết truyện kinh dị, linh dị với các tác phẩm viral trên mạng như: Miếu hoang (thuộc series Thầy Tàu ly kỳ truyện); Hầm mộ; Giả diện hoàng kim... Các cuốn sách đã xuất bản: Quỷ ấn (NXB Dân Trí, 2022); Vong hồn (NXB Dân Trí, 2024). |
Hân My | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: