Sáng tác

Người cha thầm lặng. Truyện ngắn dự thi của Lê Thanh Huệ

Lê Thanh Huệ
Truyện
07:00 | 05/12/2024
Baovannghe.vn- Chiến tranh kéo dài, không ai chắc mình sống đến ngày hòa bình, hết sợ bom đạn. Tôi đi học, chỉ mong chóng lớn đi bộ đội giải phóng miền Nam.
aa

Lên bốn, mẹ giao tôi giữ nhà, nấu cơm. Mẹ luôn cằn nhằn ba lo việc nước, không đoái hoài vợ con.

Người cha thầm lặng. Truyện ngắn dự thi của Lê Thanh Huệ
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Vặn ngọn đèn dầu sáng hơn trong căn nhà nửa nổi nửa chìm thông ra hầm chữ A, mẹ với anh Thành chơi bài tú lơ khơ. Đến các quân bài cuối, anh nhẩm tính các con bài đã đánh ra, nghiêng ngó bài mẹ cầm trên tay. Mẹ mắng anh Thành ăn gian hoài. Một hôm, đang đánh bài, mẹ gom bộ bài xé tan. Anh Thành nước mắt đầm đìa. Ba an ủi:

- Mai ba mua bộ mới.

Mẹ tôi hầm hầm:

- Mua về, cha con ông chơi với nhau. Bênh con!

Tối về, ba đưa bộ bài tú lơ khơ, dặn anh Thành:

- Lâu lâu con cho mẹ thắng một vài trận, năm ăn năm thua mới vui...

Nhà chú Úc được phân một anh bộ đội ở cùng. Chú nói được giao khẩu Tomson và đòi bắn thử súng. Anh bộ đội lắp một viên, lên quy lát. Chú đòi cả băng đạn. Anh bộ đội giật quy lát, viên đạn AK vàng chóe rơi ra, tôi lượm bỏ vào túi, anh lấy lại rồi vào nhà lấy ra thùng đạn. Anh Thành tháo nắp hộp, lắp từng viên vào băng đạn, gắn băng vào khẩu súng AK47, kéo quy lát vang tiếng rốp, hỏi:

- Bắn phát một, bắn điểm xạ hay bắn liên thanh.

- Liên thanh - Chú Úc khẳng định.

Anh Thành kéo khóa đến nấc bắn liên thanh đưa súng, chú Úc giương súng lên trời, bóp cò, súng không nổ, anh Thành nói:

- Không bật lẫy cò răng bắn được.

Anh Thành bật lẫy cò. Chú Úc siết cò. Lửa tóe ra đầu súng cùng tiếng “roạt” chói tai, chú Úc ngã ngửa. Mùi thuốc súng làm tôi vô cùng phấn khích.

Tự vệ đội 5 đến. Ba đến sau với chú công an mặc áo vàng. Chú công an mới hỏi một câu, chú Úc đỏ mặt, ba quyết luôn:

- Anh Úc là thương binh chống Pháp, muốn biết vũ khí mới đề phòng giặc Mỹ nhảy dù xuống nông trường, cầm súng chiến đấu ngay. Xử lí theo hậu quả. Anh Úc rút kinh nghiệm. Dân phải bảo vệ bộ đội, không báo cán bộ chỉ huy. Ai hỏi, nói súng cướp cò…

Chiều đó, anh Thành cho tôi đi theo ra đồng. Các anh mang khẩu súng AK 47 còn bóng dầu bảo vệ, mở hộp đạn lắp vào băng, nhằm hố bom bắn xuống. Tiếng nổ đanh, nước nhảy lên và mùi thuốc súng tỏa ra, tôi phấn khích. Đến lượt, anh Thành kiểm tra đúng nấc bắn phát một, đặt báng súng lên vai tôi, anh bảo tay trái buông băng đạn, nắm chặt ốp gỗ, anh bật lẫy cò, bước lùi lại hô:

Giữ chặt súng… bóp cò!

Một tiếng nổ, tai ù, báng gỗ giật, tôi buông súng, không gian lặng như tờ. Khẩu súng rơi vào miệng hố bom tuột xuống, nước sôi lăn tăn quanh nòng. Anh Thành bình thản:

- Mai ra đường tàu lấy khẩu mới toanh.

Để tôi không mách lẻo mẹ, anh cho theo ra đường tàu lấy đạn từ kho dã chiến.

Em lấy được khẩu súng lục nòng to.

Anh Thành nói:

- Súng bắn pháo sáng.

Bắn chưa hết thùng đạn pháo sáng, anh Thành ngồi trên miệng hố bom kể:

- Ba tao nói với mẹ tao: dân quân phát hiện pháo sáng từ phía đường tàu bắn lên trời trong buổi chiều. Ba tao không tin có loại gián điệp ngu ngốc. Hỏi chú Úc, chú nói tao thạo súng. Ba giao mẹ theo dõi tao.

Anh Du buột miệng:

- Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng.

Anh Thành lắc đầu:

- Ba tao nói: địch có vũ khí tối tân, đào tạo bài bản, kiến thức khoa học cũng hơn. Biết địch biết ta trăm trận mình chỉ thắng vài trận thôi. Không sợ gian khổ, mình chết nhiều hơn cũng không nản chí, đánh cho đến trận cuối cùng mình thắng mới thôi. Tìm chỗ khác.

Hôm sau, mỗi người đi theo hướng tự chọn, mang súng, vác thùng đạn… lặng lẽ tập trung ở gần cửa hang lèn Áng Sơn. Thao trường xa dân, rừng hấp thụ âm thanh, đạn găm vào cửa hang, rất an toàn. Không bắn đạn vạch đường, đạn pháo sáng.

Tiếng súng chát chúa, dội lại, chim chóc bay loạn xạ. Tôi thích lắm:

- Giống cảnh quân thù tháo chạy. Chiến tranh là ngày hội của chúng ta.

Được mấy hôm, chờ anh Thành bắn loạt đầu tiên, ba từ bụi rậm chui ra thu khẩu AK47. Cả bọn xanh mặt. Ông gọi chúng tôi ngồi quanh, từ tốn:

- Chiến trường thiếu đạn. Đồng đội chia nhau băng đạn là chia sự sống. Các cháu bắn một thùng đạn, chiến trường có thêm chiến sĩ hi sinh vì thiếu đạn. Mang súng, đạn trả về kho dã chiến, để thì giờ học giỏi sau này vào nam chiến đấu. Có cháu nào không đồng ý, nói ra để cùng nhau thảo luận.

Nhờ ba giữ bí mật, không ai nhừ đòn. Anh Du nói phải đáp lại quân tử bằng quân tử, dẹp luôn trò chơi bắn súng bộ binh, các anh đồng thuận.

*

Ba tôi thường ngồi nhìn mẹ đánh con, đoạn phân tích đúng sai, khuyên con xin lỗi mẹ, hứa sửa chữa. Mẹ than:

- Ba mày sợ mang tiếng vũ phu, để tao mang tiếng ác đánh con cái. Nông trường toàn cán bộ tập kết, chỉ ba mày biết nói lời xin lỗi. Con em nông trường có đứa nào biết xin lỗi, Mỹ cút về nước ngay. Dám làm, dám chịu như mẹ đây người ta phục.

Tôi lái qua chuyện khác:

- Ba biết bắn súng không?

Mắt mẹ sáng lên:

- Ông là cán bộ quân báo thời đầu chống Pháp. Được Tây dạy bắn súng bài bản. Bị lộ, Tây đuổi theo bắn, đạn xuyên qua hông. Ông lao xuống sông, lặn một hơi, nấp dưới đám bèo. Tụi lính bắn xuôi theo dòng nước, không thấy xác nổi lên, bỏ đi.

*

Mẹ oang oang:

- Ông mần răng qua mắt tui…

Ba từ tốn:

- Tôi chỉ ghé nhà thăm hỏi.

- Ông thăm hỏi cái háng của nó phải không?

Ba tôi nói nhỏ:

- Tôi dính vào vợ bộ đội, bị điều đi nơi khác rồi.

Chiều đó ông dắt về chiếc xe đạp thống nhất mua theo giá cung cấp 300 đồng.

- Lương ông có 52 đồng, tiền đâu mua xe? “Con nào” cho ông tiền?

- Mượn tiền anh Lân - Ông đem xe để giữa nhà giảng:

- Đạp vào pê đan, bánh xe sau chạy đẩy bánh xe trước. Xe đạp, đi thì đứng, đứng thì ngã…

- Dốt hay nói chữ - Mẹ bỏ vào bếp.

Ba đem xe ra ngõ nhờ hai anh em tôi vịn đằng sau, chạy theo giúp ông tập đi xe.

Rồi ba ra Bắc học văn hóa. Mắt mẹ đỏ hoe, lấy ba lô dọn áo quần vào. Ba nói chăn màn ra ngoài đó, tổ chức lo, chỉ đem theo một bộ áo quần, bi đông nước, ruột tượng gạo, ít tiền. Ba đạp xe ra tận Hà Nội.

Tiếng rít máy bay, pháo sáng lập lòe rọi vào hầm, dậy lên tiếng nổ rất đanh của bom bi. Mẹ lo lắng:

Không biết ông đi đến đâu. Đường Một bom đạn suốt ngày đêm, mẹ như ngồi trên lửa. Yếu trâu hơn mạnh bò. Ba mày đi, nói tao cũng phải lựa lời. Tổ chức nào cho cha mày lên lãnh đạo lớn mà cho đi học. Chú ruột mày theo giặc, có điên mới tin tưởng cha mày. Dốt như ông, ăn theo, nói leo, sợ mất lòng từ to đến nhỏ, cho làm trưởng phòng tổ chức nông trường là quá lắm. Dính con đĩ nào, tổ chức điều đi nơi khác.

Tôi nịnh:

Mẹ đẹp, thông minh hơn ba, răng mẹ lấy ba chi cho khổ.

Mẹ thở dài:

Ông nội xin ông ngoại cho ba mày lấy tao, chịu ở rể. Ông ngoại nhà nho, dạy học. Cả làng chỉ có ông nội giàu có, làm nhà cho con cái học, ông ngoại ưng. Mẹ làm bí thư phụ nữ xã, lớn hơn cha mày hai tuổi, mẹ không chịu. Ba mày phụ trách quân báo thị xã nên bí thư xã mạn đàm “gái hơn hai trai hơn một”. Nếu mẹ không lấy ba con, ông tuyệt thực đến chết. Hai nhà vun vào, tổ chức ép, mẹ sai lầm. Đi tập kết, ông không chuyển sinh hoạt đảng cho tao nên chỉ làm công nhân. Từ đó tao không nhịn ai. Cứ đúng mà làm. Cây ngay không sợ chết đứng.

Do mẹ đốp chát gây ra nhiều vụ việc mất đoàn kết với công nhân trong tổ. Ba lắng nghe, không nói gì.

- Ba mày đi từng người trong cuộc nói là xác minh sự việc. Nghe họ, về nói vợ đúng cái này nhưng sai cái kia. Khuyên mẹ xin lỗi họ. Ba mày biết thân biết phận nên chịu đựng, nhẫn nhục họ mới cho làm cán bộ. Tao làm công nhân, không làm gì sai, tao không đập vào mặt là may. Ba mày khôn nhà dại chợ.

Trước khi đi học, ba gửi gia đình cho chú Úc. Mẹ nói, khi thành lập tập đoàn sản xuất Lưỡng Quảng, chú Úc là thương binh nặng, được giao ở nhà trông coi nhà. Hồi đó chỉ có nhà tập thể, mái tranh, vách đất, mỗi gia đình ở một phòng. Ăn uống có bếp tập thể, nhưng chưa có nhà trẻ. Chú trông giữ anh em tôi.

Các tập đoàn nhập lại với nhau thành nông trường, nhà tôi thuộc đội 5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chỉ đạo rằng chiến tranh sẽ lan ra miền Bắc, tách các gia đình ở riêng theo kiểu nhà vườn. Gia đình tôi và gia đình chú Úc ra phía ruộng, làm nhà cạnh nhau. Lâu lâu con cái hai gia đình đánh nhau dẫn đến mẹ tôi xích mích với vợ chú Úc, chú rào ngõ không cho chúng tôi qua nhà. Ba tôi về, thấy hàng rào, ông vào bếp lấy thức ăn ngon cho vào cặp lồng, dỡ rào mang qua cho o Hồng và các cháu. Khi về, hơi rượu bay ra. Có lần mẹ bức xúc:

- Nốc cho lắm vào. Chú Úc người Huế, khôn hơn ông nhiều, chỉ lợi dụng ông để nấu rượu lậu.

Ba nói nhỏ:

- Chú Úc tính trương phi, lòng dạ ngay thật, mất lòng bà con, chỉ thân được với nhà mình. Người tốt, do giáo dục, do rèn luyện, không phải do vùng miền, tính tình của họ. Mình cư xử thủy chung, họ đối tốt với mình. Nhà mình sơ suất, họ nói với xóm làng mình ăn cháo đá bát.

*

Các kho đầu cuối dự trữ hàng đưa vào nam bị máy bay đánh trúng rất nhiều. Chúng tôi đi lấy củi gặp đạn B40, B41, đạn pháo 155 ly văng tung tóe vào rừng. Mẹ đi họp về nói:

- Binh trạm 12 bị lộ do biệt kích nhảy dù xuống, ở trong rừng. Các con đi lấy củi, cảnh giác người lạ.

Nhìn ra cửa đã thấy ba đạp xe vào ngõ. Thị trấn mới lập cần ba về gấp làm chủ tịch, vẫn phải kiêm chức trưởng phòng tổ chức cán bộ. Mẹ nói ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, hai chức chỉ có một lương, tham danh cho lắm, đổ bệnh vợ con chịu.

Hằng đêm, ba mang súng ngắn, đèn pin ra khỏi nhà đến gần sáng mới về. Có mấy người bỏ nông trường về nam bị bắt tại sông Hiền Lương.

Máy bay OV10 lượn rè rè suốt ngày đêm. Chỉ cần để ánh đèn lọt sáng ra ngoài, hoặc đội nón trắng, một quả pháo hiệu từ chiếc OV10 lao xuống, tiếng bom vang lên, mấy giây sau mới nghe tiếng máy bay rít qua. Ba nói máy bay lướt nhanh hơn tiếng động, có OV10 trinh sát, báo tọa độ, bộ đội phòng không đánh chặn không kịp, đối phó bằng cách tích cực đề phòng.

Mẹ tôi giỏi tính toán nhưng không thích kiến thức quân sự. Mẹ ngồi bên tính nhẩm cho tôi làm toán, nói:

- Ông thầy bói rút quẻ tử vi nói ba mày có tướng bần, cả nhà phải có đứa chịu thiệt mới đúng luật trời nên cho ba mày cắt cỏ, chăn trâu. Ba mày nói phải trung thực với Đảng. Ông nội giàu nhất làng, ba mày vin vào cắt cỏ chăn trâu, khai lí lịch gia đình bần nông. Ông nội theo cách mạng. Đủ hết tiêu chuẩn mà có được cất nhắc lên cao đâu. Ba mày học lóm anh ruột nên biết chữ. Ba mày không biết khoa học khoa hò, đi họp, nghe bộ đội nói rồi nói lại cho oai. Con học giỏi sau này biết nhiều hơn...

*

Thấy anh Thành bám theo ba, tôi chạy theo. Đến bìa rừng đã thấy trung đội tự vệ đứng chờ. Ba nói giọng rõ và vang:

- Cháu Thành, cháu Du, cháu Công đi rừng thấy toán gián điệp ở hang dơi. Anh em đều là sĩ quan, chiến sĩ chống Pháp, có kinh nghiệm chiến đấu, không sợ nhưng không được coi thường biệt kích do Mỹ đào tạo. Cố gắng bắt sống được một tên để khai thác.

Ba giao khẩu col 45 cho chú công an, lấy lại khẩu AK. Ba lấy 2 băng đạn buộc ngược nhau thành từng đôi, lắp một cặp vào súng làm tôi suýt bật cười. Anh Thành bịt miệng tôi, thì thào:

- Để bắn hết băng thì quay lại. Nhanh sống, chậm chết.

Đến khe suối, anh Thành giữ tôi lại, chờ cho tự vệ đi qua một lúc mới lần theo.

Đội tự vệ bí mật bao vây toán biệt kích xong, ba ra hiệu, chú công an phát loa kêu gọi đầu hàng về với nhân dân sẽ được khoan hồng. Nghe có tiếng thì thào giọng Nam Bộ thoảng theo gió. Một người trung niên mang quân phục bộ đội, đội mũ cối từ bụi rậm trước hang bước ra giơ tay lên đầu. Ba tôi ra hiệu cho mọi người nằm yên. Ba lăm lăm khẩu AK47 bước lên, khoảng cách gần ba mét, tên biệt kích lao tới. Điểm xạ ba viên AK nổ chát chúa hất tung tên biệt kích văng ngược lại, máu, thịt bắn tung tóe trùm bụi cây. Hai loạt dài đạn AK đáp trả hòa vào nhau, đạn bay chiu chíu. Ba lăn ba vòng đến sau tảng đá, hô lớn:

- Tập trung hỏa lực tiêu diệt kẻ chống cự. Không được bắn người đầu hàng.

Phút im lặng ghê rợn trôi qua, vọng ra từ cửa hang:

- Đừng bắn!

- Chúng em xin hàng!

Ba tôi ra lệnh, rõ, to dứt khoát trong tiếng vang rền do núi đá phản âm thanh:

- Bỏ súng. Giơ tay lên trời. Đi theo hàng dọc. Bước!

Hai tên biệt kích mang quân phục bộ đội bước ra, thấy rõ áo quần vải Tô Châu của Trung Quốc viện trợ. Ba cầm súng lăm lăm chờ chú công an tiến vào còng tay từng tên, xong, dịu giọng:

- Còn ai nữa không?

- Dạ thưa chỉ có ba người - Tên biệt kích già trả lời.

- Đ. mẹ, có sống chết có số, ông nịnh thối được đếch gì - Tên trẻ quát.

Ba bình thản hỏi tên tuổi, quê quán tên biệt kích bị chết, ghi vào tờ giấy giao cho chú công an:

- Đồng chí bỏ vào lọ penixilin, chôn ở nghĩa trang đội 5, hương khói đàng hoàng - Ba quay lại nói với tên biệt kích ngoan cố - Em phải sống để sau này về quê báo cho vợ con chỉ huy biết đặng đưa xác về - Thấy mặt nó dịu lại, thằng kia cũng bớt căng thẳng, ba tiếp: - Anh đi lính cho Tây, em ruột anh bây giờ là sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa. Anh là chỉ huy của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Em có tánh anh hùng. Mình về với nhân dân làm ông chủ, tốt hơn làm tay sai cho ngoại bang. Sau này, anh em mình là chiến hữu cùng nhau chiến đấu thống nhất giang san, đem hòa bình cho bà con cô bác, làm rạng danh tổ tiên…

Hôm sau, mẹ nói:

- Ba mày coi mặt hiền khô mà hung dữ, bắn chết tươi thằng chỉ huy biệt kích. Mười đánh thắng một, họp rút kinh nghiệm ông dám khoe - Mẹ nhại điệu bộ của ba: “Chúng ta chiến đấu tới cùng, chúng nó cũng chỉ chịu buông súng ở tình thế bị tiêu diệt hoàn toàn. Trận này, chờ bộ đội đến phối thuộc lỡ thời cơ. Địch có vũ khí tốt, đào tạo bài bản, thiện chiến hơn. Chúng ta tiêu diệt được một tên bắt được hai tên là thắng lợi lớn do tinh thần chủ động tiến công…”

Anh Thành ngắt lời:

- Răng mẹ biết?

- Mấy con mẹ ở nông trường bộ nói chớ ai.

Từ đó máy bay ném bom ít gây thương vong cho bộ đội nhưng dân thường chết nhiều hơn.

*

Cậu Hữu là anh ruột của mẹ, vượt giới tuyến ra thăm, gửi Hòa, con chú Phu cho ba mẹ nuôi. Tôi kể chuyện hồi bé, chuẩn bị chiến tranh, cả đội lên rừng đào hầm, sáng sớm đàn bà, trẻ con kéo lên rừng, tối mới về. Ai cũng sợ giặc đổ quân ra giết chết cả đội 5. Được thời gian ngắn, không lên rừng trốn mà sơ tán ra chỗ này. Hòa hỏi:

- Mắc mớ chi lính Việt Nam cộng hòa ra đây để giết đồng bào mình. Quân lực Việt Nam cộng hòa đánh nhau với Việt cộng. Binh lính giết dân bị ra tòa án binh. Bom đạn không có mắt nên trúng dân.

Hòa kể lính Hoa Kỳ cho em bé kẹo cao su, đem dân bị bệnh, bị thương vào bệnh viện quân đội chữa trị. Nhà có tivi, to hơn cái radio - Bác trai gọi là đài, xem được hình, nghe được tiếng. Có cả lính Việt cộng chiêu hồi… Mẹ nghe, khó chịu, nói với ba, ông bảo:

- Cháu Hòa nói điều mắt thấy tai nghe, không phải tuyên truyền phản động, bà đừng thêm bớt cho đã nư. Bà cứ lắng nghe, nói đúng sự thật cho tôi nghe. Tôi phải có thời gian nghiên cứu đặng giải thích có lí, có tình, chúng nó mới chịu.

- Ông ngọt xớt với mấy con đĩ già. Tui còn đẻ được, mắc mớ chi gọi bà.

Mẹ cằn nhằn:

- Đến bữa ăn, cha mày chỉ biết nhắc cháu ăn.

Anh Thành nhăn mặt:

- Mẹ vừa phải thôi nha… Thằng Hòa thì cũng như bọn con.

- Cha mày không được lên chức vì cha nó theo giặc.

Anh Thành cãi lí:

- Ai làm nấy chịu. Thằng Hòa có cầm súng chống lại nhân dân đâu.

Mẹ quát:

- Tụi bây đòi đi bộ đội cho lắm. Nghe ba chuyện đó, vào Nam đi chiêu hồi, bôi tro trát trấu vào mặt tao. Nuôi chúng mày lớn lên để hùa với dòng họ cha mày…

Ba dẹp loạn:

- Mất đoàn kết trong nhà nguy hơn giặc ngoại xâm. Tối nay cả nhà họp.

Ba chủ động xếp tôi với anh Thành ngồi hai bên để ông đối diện với Hòa và mẹ, hỏi:

- Ba con làm chức gì?

- Ba làm đại úy truyền tin quân lực Việt Nam cộng hòa - Hòa hãnh diện.

Ba kết luận:

- Chú Phu làm ở bộ phận thông tin liên lạc, không trực tiếp cầm súng bắn lại bộ đội mình - Thoáng thấy mặt mẹ giãn ra, ba giải thích cho Hòa biết:

- Ở đây nói Mỹ tức là liên minh 7 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu xâm lược Việt Nam, trong đó chỉ có lính Pac Chung Hi tham chiến để Hoa Kỳ trả tiền cho Nam Triều Tiên, nên gọi là lính đánh thuê. Hòa nói bom đạn không có mắt là đúng. Người sử dụng có mắt cháu à. Đội 5 không có căn cứ quân sự, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom bừa bãi giết hại bà con đội 5 là vì bom gắn vào máy bay, khi hạ cánh có thể nổ nên không ném được vào bộ đội, ném vào dân, vừa an toàn, cộng người chết vào số lượng bộ đội hi sinh để khuếch trương chiến quả. Hòa nói, lính giết dân bị ra tòa án binh cũng không đúng đâu. Năm 1968, hai đại đội lính Mỹ tổng cộng 190 người có pháo binh, máy bay yểm trợ tiến vào Mỹ Lai giết 504 đàn bà trẻ em. Một sĩ quan Hoa Kỳ lái trực thăng cản lại, nếu không, người chết còn tăng lên. Báo chí Hoa Kỳ đăng, gây chấn động thế giới. Mãi đến năm 1971 mới kết án có một - Ba giở sổ tay đọc: trung úy William Calley thuộc đại đội Charlie tù chung thân. 3 ngày sau, Tổng thống Nixon kí lệnh cho quản thúc tại gia. Hoa Kỳ đem tự do dân chủ đến Việt Nam, cho phép tự do, dân chủ nửa vời nên mới có đàn áp người dân, bầu cử giả hiệu, kiểm duyệt báo chí... Hàm đại úy của ba cháu mới được làm chức chủ tịch thị trấn như bác, có xe Jeep, có lính hầu hạ. Còn bác là công nhân, đi xe đạp, làm đầy tớ công nhân nông trường. Bà con nông trường là người tứ xứ, cũng như Hoa Kỳ là nơi khắp thế giới đến sống. Nhưng ở đây thương yêu đoàn kết với nhau như ruột thịt, coi Hòa như con cháu trong nhà. Đó là khác biệt giữa Việt Nam cộng hòa với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhập gia tùy tục, từ nay, cháu Hòa phải học hỏi cách nói, cách sống bà con đội 5. Còn cháu không muốn, bác đưa cháu về vùng giải phóng học sư phạm tạo nguồn cho cách mạng. Tùy cháu chọn.

Hòa muốn về nam. Ba hỏi anh Thành:

- Con xung phong đi bộ đội, đã nói cho mẹ biết chưa?

Mẹ sửng sốt:

- Ông thương binh, nó đang học lớp mười, ông làm chủ tịch ủy ban, đi hay không là do ông. Mắc mớ chi ông đưa nó đi bộ đội.

Anh Thành nói lí do Mỹ về nước, sợ hết chiến tranh, muốn đi bộ đội ngay. Chậm, hết giặc, còn đánh ai nữa. Ba cố giữ cho giọng nói được bình thản:

- Ba mẹ tôn trọng nguyện vọng của con, không phải do gia đình mình muốn tỏ ra gương mẫu.

Hòa về nam học sư phạm, anh Thành vào bộ đội một thời gian, bặt tin luôn. Đến ngày giải phóng và sau đó vẫn không có tin tức gì, cũng không thấy ba mẹ nhắc đến anh Thành. Tôi vào đại học. Gia đình chuyển về quê.

*

Mẹ thì thầm:

- Bạn ba mày làm bí thư tỉnh ủy có con gái út học đại học sư phạm. Ba muốn con làm ở thị xã để sau này làm rể gia đình họ.

Nhìn làn nước bạc do lũ đổ về mênh mông bao lấy nhà, tôi quyết định:

- Con vào miền Tây công tác.

Một thoáng buồn trong mắt ba, giọng ông trầm xuống:

- Con thích tỉnh nào nói cho ba biết để lấy giấy giới thiệu của tỉnh ủy nhờ trong đó giúp đỡ con - Ba dặn tôi đến thăm chú Phu, lưu ý - Trong lí lịch của con có hai mục: chú Phu làm sĩ quan Việt Nam cộng hòa, anh Thành thì để ngày nhập ngũ và để trống. Khai lí lịch ở cơ quan, do con không rõ nên không thay đổi.

Lí lịch của tôi do ba tôi viết, tôi chỉ kí và viết tên. Hồ sơ bị niêm phong. Mọi việc quan trọng như ngày đầu đi học từ vỡ lòng đến nhập học đại học, ba đều đi theo, gặp gỡ thầy cô trao đổi về tôi để họ biết ưu nhược điểm.

Chú Phu người nhỏ, da đen cháy, khuôn mặt khắc khổ. Nhờ mẹ nên tôi biết vợ chồng chú không vào tổ hợp tác, thuộc thành phần không chấp hành chủ trương đường lối địa phương. Mấy em con chú Phu, trừ Hòa làm thầy giáo, còn lại xẻ dọc Trường Sơn đi buôn lậu. Bị bắt hoài, nhờ ba làm bí thư xã, can thiệp, bắt vào lại được thả ra. Mẹ chì chiết:

- Ba mày làm chủ tịch thị trấn, để mất lương hưu của mẹ. Chú Đáo ghé thăm nhà, mẹ nói, chú ra Nông trường làm sổ hưu cho mẹ. Ba mày chỉ biết lo cho con cháu bên ông, lo việc nước, được danh, vợ con, ông coi không bằng người dưng nước lã - Mẹ lật chiếu, chỉ vào nắp thùng đóng liền với giường: - Con Thúy đến đây, xắn quần quá bắp vế cho ông coi. Mẹ bỏ tiền bạc, gạo cơm vào thùng này, mẹ ngủ, nằm lên trên, ông chịu thua tao, tiền bạc không đội nón ra đi.

Trước khi đi bộ đội, anh Thành nói:

- Một đêm mẹ nói với ba “Tui không muốn sinh nở nữa”. Hôm sau, ba đi làm về, lấy sách báo ra đọc, ngủ riêng. Ông bà giận dỗi với nhau. Lâu dần, mẹ sinh nghi ba lang chạ khắp nơi, bỏ bê vợ. Em tin ba, đừng tin mẹ.

*

Chú Phu bảo vào thắp hương cho ông bà nội. Khuôn mặt chú hiền từ, khắc khổ. Thím Phu nhỏ thó, hồn nhiên đon đả cầm tay tôi khen lấy khen để, ước con cái chịu học hành thành đạt như tôi. Chú Phu lựa lời:

- Nghe bác cả nói cháu vô miền Tây làm việc. Tổ tiên người Nam Bộ tha hương nên có tánh muốn giúp đỡ người ở xa đến làm ăn, thương hơn bà con trong ấp. Cháu hết lòng thương cấp trên, họ sẽ thương lại. Có tình thương mến thương, thượng cấp tạo điều kiện cho cháu hoàn thành công vụ để thăng tiến cho cháu…

Tôi lãng qua, hỏi chú vì sao mẹ không ưa ba vẫn được về làm dâu ông nội. Chú Phu tròn xoe mắt:

- Bác gái là em ruột ông Hữu, lúc đó làm trưởng ga hỏa xa, có vợ mang họ Tôn Nữ là dòng dõi vua Bảo Đại. Bác gái vào ở với anh trai nuôi cháu Tín, học lỏm bỏm nói được tiếng Pháp bồi, có cha nhà nho, dạy biết chữ Quốc ngữ. Năm 45 ra quê, biết chữ, được cách mạng cho làm bí thư phụ nữ xã. Bác cả chỉ huy tình báo tỉnh, gọi là phụ trách quân báo, sĩ quan chỉ huy trung đội lính khố đỏ, mỗi lần về xã, oai hùng, bác gái mê. Ông nội giàu có, cả làng chỉ có ông làm được nhà cho con cái học, môn đăng hộ đối. Lấy nhau, có dòng dõi bên vợ, cách mạng gọi là lí lịch theo phong kiến, làm tay sai cho tây, có lợi cho bác cả hoạt động tình báo. Năm 1972, Hoa Kỳ rút quân về nước. Ông Hữu lớn tuổi, thôi hoạt động tình báo nên cách mạng đổi họ tên, phao tin bị Việt cộng bắt. Thím gửi ông Hữu đem thằng Hòa ra bắc để khỏi bắt quân dịch. Anh Tín của cháu, trung tá quân tiếp vụ, cùng ở Quân đoàn 3. Cả nhà anh Tín đi Mỹ theo diện HO, định cư ở California, về quê là ghé thăm chú. Mộ phần, thờ cúng ông Hữu giao cho bác cả lo…

- Chú kết luận quân lực Việt Nam cộng hòa gọi chiến trường là da báo. Cuộc đời giống da báo, thật giả, tốt xấu lẫn lộn nhau, thành tấm lưới ngụy trang để sống chung được với nhau. Chỉ có thật sự yêu thương nhau, mới sống sót...

*

Mẹ dặn:

- Nghe ba mày hư bột, hư đường. Con vào đó đến gặp anh Vũ Hà con dì Nhơn, chị của mẹ. Nó phụ trách báo tỉnh. Muốn làm đâu, nói nó xin cho. Tỉnh ủy ai lại lo cho con cán bộ quèn. Có giúp thì họ đưa đi vùng sâu, vùng xa.

Thay vì nộp hồ sơ, giấy giới thiệu ở Ban tổ chức tỉnh, tôi tìm đến tòa soạn gặp anh Vũ Hà. Anh em nhận nhau ngay: anh giống cậu Hữu, tôi giống mẹ.

Nhờ anh Vũ Hà làm Tổng biên tập báo tôi có việc làm ở công ty thiết kế tỉnh. Anh Vũ Hà nhờ anh Tư giám đốc công ty tạo điều kiện cho tôi làm báo, giúp đỡ tôi sáng tác văn học. Tôi gặp vô số trắc trở, nhưng phấn đấu tốt, tôi là chủ nhiệm thiết kế giỏi, có nhiều bài báo sát thực tế, có tiếng vang, hơn chục giải thưởng truyện ngắn trung ương địa phương… Tôi lập gia đình, được phân nhà tập thể cấp 4 liền kề, được hóa giá đóng tiền tương đương một chỉ vàng. Ba tôi viết thư động viên làm việc, chăm lo gia đình, nói rõ ba mẹ không muốn con về thăm nuôi, tốn kém, ảnh hưởng đến công tác.

*

Ba gọi điện vào cơ quan báo tin chú Phu mất. Chú Phu được Tổng cục 2 viếng, kết hợp trao huân chương. Ba dặn điều chỉnh lí lịch chú thím hoạt động tình báo qua ba thời kì: chống Pháp, chống Mỹ và hòa bình.

Tôi đi tàu đến quê, chú Phu đã vào nghĩa trang liệt sĩ xã.

Mẹ liệt gần chục năm. Ba đi chợ, nấu nướng, tắm rửa, đo huyết áp, cho uống thuốc… chăm sóc mẹ thành thạo. Trên bàn có mấy cuốn sách dạy nấu ăn, rau trong vườn, thịt cá ở chợ, mẹ muốn ăn gì, ba dỡ sách chế biến món ăn. Tôi thay ba chăm sóc, mẹ không hài lòng:

- Con không bằng ba.

Ba đưa tôi vào thăm nhà thờ họ. Nhà thờ cũ âm u, thắp hương lên bàn thờ xong, ba ngồi bậc thềm bảo tôi:

- Ba biết con trung thực, làm việc xuất sắc nhưng không được cất nhắc là vì con. Từ nay, đối với vợ con, anh em đồng nghiệp, tất cả mọi người, con phải lượng nếu con nói mà họ không thay đổi, con chờ dịp khác. Chỉ nói khi chắc chắn họ thay đổi, chân thành góp ý. Chân thành là bỏ qua tánh xấu, làm nhẹ hậu quả việc làm của họ, công nhận mặt tốt, thành công của đối tác. Đưa ý kiến trước hết vì lợi ích của tập thể, của họ, không vì lợi ích của con. Nếu một năm không có biến chuyển, ba đưa con về quê công tác.

*

Tôi theo lời ba dặn, chưa đầy nửa năm được kết nạp Đảng, phụ trách phòng thiết kế, năm sau được bổ nhiệm phó giám đốc, chủ tịch công đoàn công ty. Vợ chồng thu vén, hàng tháng gửi tiền về cho ba chăm sóc mẹ. Trước khi về hưu, anh Tư tâm sự:

- Mang hồ sơ của em lên gặp anh Năm bí thư đảng ủy kiêm trưởng phòng tổ chức, thấy bìa ghi Lê Thành Công, anh Năm dặn tỉnh ủy gửi em cho riêng anh có trách nhiệm giúp đỡ đào tạo với điều kiện tuyệt đối không được cho em biết. Ngày hôm sau, ông cụ điện vào nói rõ ưu nhược điểm của em để biết quản lí đào tạo giúp gia đình… Không phải anh tốt với em, nhiều người tốt với em mà đó là chỉ đạo của cấp trên.

*

Ba ra đi đột ngột, ban tang lễ do huyện ủy chủ trì. Đoàn bí thư tỉnh ủy mang bằng công nhận và huy hiệu 75 năm tuổi đảng đến viếng. Trong đoàn có một người đàn ông lớn tuổi, vóc dáng, bước đi giống ba tôi, chỉ khác, râu quai nón, đeo kính đen, mặc com lê màu đen; lặng lẽ thắp hương, chẳng nói gì.

Mẹ tôi nhìn chằm chằm hình tướng của người đàn ông đó, vẫy tôi đến bên, thì thào:

- Coi chừng con riêng của ba mầy.

Ghé tai, tôi gay gắt:

- Mẹ vừa phải thôi nha. Ba đang còn nằm đó.

Mẹ tỉnh rụi:

- Tao nghe rõ ràng ông bí thư hẹn gặp mày bàn việc riêng gia đình...

Bí thư dặn tiếp riêng tôi sau ngày mở cửa mả để trao đổi một số việc.

Xe vào cổng, tôi được đưa đến phòng làm việc của bí thư.

Anh Thành bằng xương bằng thịt, khuôn mặt giống ba hồi trẻ như đúc. Anh lao ra ôm tôi, nước mắt nồng ấm cùng chảy.

- Ba có biết anh còn sống không? - Tôi nghẹn ngào. Anh Thành gật đầu:

- Nguyên tắc công tác, ba không được phép nói cho mẹ biết. Có một số việc gia đình, anh nói để em biết, không được cho ai biết, kể cả mẹ, vợ, con của em. Ba lấy mẹ là do phân công của tổ chức. Mẹ nông nổi, cả tin, không phù hợp công tác lãnh đạo, lúc tập kết, tổ chức không chuyển sinh hoạt Đảng, nhằm tạo điều kiện cho chú Phu hoạt động nội tuyến, mẹ có thời gian lo việc gia đình để ba chuyên tâm vào công tác. Lí lịch ba ghi bần nông là do tổ chức yêu cầu. Ba ra bắc học nghiệp vụ tại Trường Tình báo Cục 2, Bộ Tổng tham mưu rồi trở về quê vừa làm chủ tịch thị trấn, quản lí vùng nóng. Hòa được bố trí ra Bắc. Do chú thím Phu không thể dạy con theo cách mạng, ba đề xuất cho em vào lại vùng giải phóng. Sau giải phóng, tổ chức điều ba về làm bí thư xã, kết hợp với chú Phu, anh Tín tạo thành lưới tình báo chống bạo loạn lật đổ, để thuận lợi cho công tác, mẹ không làm được sổ hưu. Khi mọi chuyện lan ra đủ rộng, tổ chức làm chế độ hưu trí, truy lĩnh cho mẹ. Ba nói em giống mẹ từ mặt mũi, tính tình, được mẹ cưng chiều, tâm sự mọi chuyện nên nhiễm tính cách của mẹ. Ba góp ý với lãnh đạo cơ quan em: “Lãnh đạo có tư cách nghệ sĩ, thuận lợi cho công tác nhưng có máu nghệ sĩ làm lãnh đạo không tốt. Cần phải có thời gian rèn luyện”. Em vào Nam công tác, được tổ chức giúp đỡ nhưng 15 năm không được kết nạp Đảng không phải để thuận lợi cho công tác của ba, chủ yếu chờ thời gian làm bớt ảnh hưởng của mẹ, lập gia đình sẽ trưởng thành hơn. Khi tình hình yên ổn, ba lớn tuổi, em trưởng thành cấp trên chỉ đạo kết nạp Đảng để có cơ sở đề bạt. Nếu xét về sức làm việc và tu dưỡng của em thì đến bây giờ em cũng chỉ làm đến phó giám đốc công ty, theo anh là công bằng…

Anh Thành nhắc lại:

- Mẹ quá già, không cần thiết phải cho mẹ biết. Toàn bộ tiền em gửi về nhà nuôi ba mẹ, ba giao anh gửi tiết kiệm, để đưa lại cho vợ chồng em. Anh bù thêm. Tất cả để trong cặp, em dùng làm lại nhà khang trang, đón mẹ vào. Ba dặn, nhà ở quê là nhà thờ bên ngoại, trả về cho họ ngoại.

Anh đứng lên, lấy bộ râu quai nón, hai bộ lông mày giả đính vào, đeo kính, trở lại người đàn ông mặc com lê có vóc dáng giống ba, đi theo đoàn tỉnh ủy đến viếng ba, im lặng, không nói một lời.

Anh ôm tôi lần nữa, bước nhanh ra khỏi cửa. Tôi nhìn theo bóng anh lặng lẽ đi rất nhanh, đó là hình ảnh của ba tôi nhìn từ phía sau lưng, luôn vội vã tất bật trong lặng lẽ.

*

Mẹ nói:

- Ba con làm gì cũng không nói cho mẹ biết nên mẹ sinh nghi nói bậy con à. Mẹ ở đây hương khói cho ba.

Tôi gây áp lực:

- Đây là nhà thờ họ ngoại. Mẹ nằm liệt, không hương khói được, con dọn bàn thờ ba vào Nam. Nếu ở với con, khi mẹ theo ba, con bỏ chục triệu đồng thuê xe chở về quê.

- Ông mất rồi, mẹ không thiết sống!

Vợ tôi hoảng hốt:

- Mẹ ơi, đàn ông sự nghiệp trên hết nhưng không bỏ vợ con, chỉ có vợ con bỏ họ. Mẹ ở đâu, linh hồn ba theo đó. Dương sao, âm vậy. Mẹ khổ một, ba khổ mười. Mẹ vào ở với chúng con, dưới chín suối ba không phải lo cho mẹ, dồn sức làm ăn, xây nhà cửa đón mẹ về.

Mẹ tôi gật đầu. Tôi ứa nước mắt thương vợ tôi lặp lại cuộc đời mẹ tôi theo cách hiện đại hơn…

Trắng - Thơ Nguyễn Đức Mậu

Trắng - Thơ Nguyễn Đức Mậu

Baovannghe.vn- Có cụ già đi viếng mộ chồng/ Chồng cụ hy sinh khi còn trai trẻ
Phong cảnh không quyết định sự thành công của bộ phim

Phong cảnh không quyết định sự thành công của bộ phim

Baovannghe.vn - Làm phim dựa vào thiên nhiên để quảng bá du lịch không đơn giản. Nhiều phim nước ngoài lấy bối cảnh Việt Nam nhưng hiệu ứng du lịch không tăng.
Chuyện của Tân

Chuyện của Tân

Baovannghe.vn- Phút đoàn tụ của những người lính đã từng chung chiến hào sau mấy chục năm trời mới gặp lại nhau thật ồn ào và náo nhiệt. Những lời chào, những cái ôm, những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi, khiến ai cũng cảm thấy rưng rưng hạnh phúc.
Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng vừa quyết định sáp nhập các cơ quan báo chí và giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngày 25/12/2024, tại cuộc họp quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thông qua phương án sáp nhập Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình thành phố và Cổng Thông tin điện tử thành phố, dự kiến hoàn tất trong quý I năm 2025. Đồng thời, quyết định giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng do hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua.
Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt những tranh cãi nảy lửa và những sự kiện đáng chú ý trong giới nghệ thuật toàn cầu. Dưới đây là các sự kiện được CNN bình chọn là nổi bật nhất trong năm qua. Từ những tác phẩm gây sốc, tranh cãi về AI, đến các hành động phá hoại và biểu tình, năm qua đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc về sự giao thoa giữa nghệ thuật, công nghệ và xã hội.