Sáng tác

Người đàn bà tắm trăng. Truyện ngắn của Trịnh Tuyên

Trịnh Tuyên
Truyện
11:00 | 23/10/2024
Baovannghe.vn- Cả làng ai cũng bảo nhà lão Tiện có phúc mới có được nàng dâu ngoan. Khi anh Tình, chồng chị hi sinh, chị mới tròn hai mươi tuổi. Cưới nhau được một tuần, anh nhập ngũ
aa

Không thể có sự trùng lặp ngẫu nhiên như thế được! Lần nào làm giỗ anh, khi chị bưng mâm cỗ từ trên bàn thờ xuống, con gà cúng chỉ còn trơ hai cái hố mắt. Từ lỗ sọ trống hoác trên đầu con gà, nước rỉ ra, rươm rướm như còn đau đớn lắm. Có một con chuột thập thò trên bàn thờ anh mỗi khi chị thắp hương. Con chuột lông vàng như tơ, hai con mắt như hai hạt cườm vằn những tia đỏ. Chính con chuột này đã hỗn xược leo lên bàn thờ, ung dung khoét hai mắt con gà cúng. Nó cứ thấp thoáng như một cái bóng, khi chị chắp hai tay rì rầm khấn vái thì nó xuất hiện, bỏ tay, nó lại tụt xuống. Đã mấy lần chị thủ sẵn cây gậy, thế mà nó cứ thò cái đầu rung rung mấy cái ria như trêu ngươi, vì biết chị không thể giáng cái gậy đó xuống bát hương đang nghi ngút khói.

Nó chỉ xuất hiện trong ngày giỗ anh, mọi giỗ khác thì không!

Người đàn bà tắm trăng. Truyện ngắn của Trịnh Tuyên
Tranh Đặng Can. Nguồn: Internet

*

Cả làng ai cũng bảo nhà lão Tiện có phúc mới có được nàng dâu ngoan. Khi anh Tình, chồng chị hi sinh, chị mới tròn hai mươi tuổi. Cưới nhau được một tuần, anh nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Đó là những năm cuối của cuộc chiến giải phóng miền Nam. Anh là con trai độc, sau anh còn đứa em gái. Bây giờ đứa em anh lấy chồng xa, gia thất cũng khá giả. Sau khi bố mẹ chồng “quy tiên”, toàn bộ cơ ngơi ông bà Tiện để lại, giao quyền quản lí cho người con dâu cả là chị. Một năm có mấy lần giỗ, một tay chị lo liệu. Thường thì đến kì giỗ ông bà, cha mẹ con cháu mới về tề tựu đông đủ. Còn giỗ cố kị, cứ theo ngày mất ghi trong gia phả, chị cơm canh thắp nhang cúng vái tươm tất.

Thế mà thoáng cái đã mấy chục năm trôi qua, tóc chị giờ bạc trắng. Nhớ cái ngày được tin anh hi sinh, chị như người mất hồn, đêm nào cũng thức chong chong, hai mắt thâm quầng, trũng xuống, bước đi lảo đảo. Nhiều đêm chị mơ thấy anh về, hai con mắt cứ nhìn chị đăm đăm, rồi từ hai con mắt biến thành hai cái lỗ sâu hoắm, rỉ ra từng giọt, từng giọt, đỏ như máu. Hay anh bị thương vào mắt? Chị hoảng hốt kêu lên: Máu, máu! Mắt anh bị thương rồi, mau băng bó lại! Ai cứu chồng tôi...

Mãi một năm sau, người bạn cùng với anh tham gia trong một trận đánh đã đến nhà kể cho chị nghe về trường hợp hi sinh của anh.

“Đó là một trận đánh cực gay cấn, có ý nghĩa quyết định thành công hay thất bại của chiến dịch. Trận đánh chiếm căn cứ quân sự của ngụy quân, mở cánh cửa sắt phía Tây Bắc Sài Gòn. Quân ta ào ào qua cửa mở, xốc tới. Hướng triển khai đang thuận lợi thì bị một chiếc xe tăng địch bất ngờ từ chiến lũy đất bò ra, bắn thẳng vào đội hình quân ta. Các mũi tấn công lập tức bị chặn lại. Trung đội trưởng Lê Thanh Tân đã dũng cảm hi sinh. Anh vừa vác khẩu B41 lao lên thì bất ngờ một quả đạn cối địch bắn tới. Cả người anh cùng với khẩu súng bị hất tung lên cao, trông như thiên thần đang bay. Đồng đội chạy lại, anh nằm sấp bất động, lật lên, cả khuôn mặt thường ngày đẹp trai đầm đìa những máu. Hai con ngươi của anh bị sức ép của quả đạn cối móc đi, còn trơ hai hố mắt…”

Trời ơi! Có phải vì thế mà mỗi lần giỗ, anh lấy đôi mắt gà để bù cho đôi mắt anh đã mất? Anh tuổi con chuột! Đúng rồi! Chị nhớ lại. Khi mới yêu nhau, anh đã nói thế! Anh cầm tinh con chuột. Anh nói với chị là thịt gà luộc, anh chỉ thích mỗi cái “thủ cấp” của nó thôi. Người ta thì ăn những phần ngon của con gà, còn mình thì giành lấy cái đầu, cái cánh. Khổ thân anh! Lần nào cúng giỗ, chị cũng vừa khấn gọi tên anh, vừa nức nở. Có năm, chị đặt lên đĩa mấy cái đầu gà liền, nhưng duy nhất, chỉ có cái đầu gà trên đĩa xôi là bị mất hai con mắt…

Nhiều đêm không ngủ, chị nằm bồi hồi nhớ lại ngày anh chị mới cưới nhau…

Nhớ khi nhập ngũ, sau kì huấn luyện, anh được nghỉ phép. Về nhà, nhìn quanh giếng nước, thấy bốn bên bờ rào trống hoác. Anh bảo: “Còn ba ngày nữa mới hết phép, để anh xây cho em cái nhà tắm!” Chị cảm động, hai mắt cứ rưng rưng: “Anh sắp lên đường rồi, để dành thời gian thăm bạn bè, nghỉ ngơi, giữ lấy sức khỏe để vào chiến trường. Em tắm ở ngoài trời đã quen, không cần nhà tắm đâu!” Nghe vợ nói thế, nghĩ đến những ngày mưa lạnh, gió bấc tràn về, anh càng thương. Nhà quê nghèo, vợ trẻ, thiếu vắng bàn tay đàn ông, anh đi rồi, nay mai ai lo? Mà cũng có thể, nhìn thấy vợ mình trẻ xinh như thế, nhà lại vắng chồng, biết đâu có kẻ xấu thói ngó dòm? Ngay chiều hôm đó, anh mua sắm vật liệu, một mình cặm cụi xây cho chị cái nhà tắm. Gọi là nhà tắm, nhưng chỉ có bốn bức tường sơ sài trát vôi vữa, do chính tay anh đảo hồ, đặt gạch. Chỉ một mét rưỡi vuông thôi, cũng đủ cho chị tự nhiên, thỏa sức kì cọ cơ thể mà không ngại có con mắt của kẻ tò mò nào ngó vào. Đêm cuối cùng của đợt nghỉ phép ngắn ngủi, chị cứ gục vào ngực anh, nước mắt chảy tràn.

“Sao thế em?” Anh xoa lên tóc chị.

“Em sợ!”

Anh biết chị sợ điều gì. Trong làng mấy tháng qua đã có hai cái giấy báo tử. Tiếng khóc của mẹ già, vợ trẻ vọng trong đêm. Anh cảm động, xoa lên suối tóc êm mượt của vợ, lựa lời an ủi.

“Không sao đâu em! Sống chết, con người ta đều có số cả mà!” Đợt ấy, huấn luyện xong, có một lần anh đột ngột về trong đêm. Đơn vị anh trên đường hành quân vào chiến trường, được lệnh dừng chân nấu cơm ăn ở đầu làng. Anh xin phép thủ trưởng cho ghé qua thăm cha mẹ già và vợ mới cưới. Thủ trưởng cũng trưởng thành từ lính chiến, trải đời, cảm thông cho người lính trẻ đang dấn thân vào chiến trận, đồng ý cho anh về, nhưng giới hạn chỉ một tiếng đồng hồ. Nửa đêm, anh đẩy tung cái liếp bằng tre đan trước cổng, chỉ kịp nói, bố mẹ ơi, đơn vị con hành quân qua làng, con chỉ được về thăm nhà một tiếng thôi. Nói rồi anh lao vào phòng vợ như một cơn lốc. Trớ trêu thay, hôm đó chị lại đang đến chu kì của người đàn bà. Thương anh, chị không nỡ nói, chỉ ra cái nhà tắm anh xây, tắm rửa qua loa rồi vào với chồng. Anh đâu có biết chị đang đến kì, cứ hùng hục đòi yêu. Một giờ sau, anh lại lao ra ngõ, nói với lại, bố mẹ ơi con đi đây! Chị lao theo, anh chỉ kịp dừng lại hôn vội lên mái tóc đổ xuống bờ vai còn rối tinh chưa kịp chải: “Em ở lại nhà, gắng chăm bố mẹ thay anh! Anh đi đây!”

Chị quay lại, đoạn đường chỉ vài chục mét mà chị cảm thấy dài hơn cả con đường lầy lội vượt qua cánh đồng. Vào đến giường, chị gục đầu xuống gối, hít hít như tìm lại hơi ấm của anh còn vương lại. Linh tính, có một cái gì đó, khiên chị run lên. Đêm ấy, chị ngủ mê mệt, lại gặp phải ác mộng, khiến chị hoang mang và lo sợ. Trời sáng rõ, chị mang chiếc chiếu ra giặt. Chị sững sờ nhìn, giữa mặt chiếc chiếu trải hôm đêm tân hôn như đang còn mới, lênh loang những máu. Chị đứng lặng hồi lâu. Nghĩ đến giấc mơ, biết đâu, đây là lần cuối cùng anh về bên chị? Không nỡ đem giặt, chị nhẹ nhàng cuộn chiếc chiếu lại, lấy dây buộc cẩn thận rồi gác lên kèo nhà, trên chiếc giường cưới, coi như kỉ vật gửi lại. Lần ấy, khi viết thư về, anh kể với chị, khi anh ra đến đầu làng thì đơn vị được lệnh tiếp tục hành quân. Anh bước theo với cái dạ dày rỗng tuếch. Nghĩ càng thương anh, chị cứ rấm rứt khóc, nước mắt đẫm gối. Khi được tin anh hy sinh, tự nhiên nhớ đến cái lần anh về trong đêm ấy, chị lật đật bắc ghế, hai tay đỡ cái chiếu xuống. Giở ra, giữa mặt chiếu, chỗ ngày ấy anh về nhầy nhụa máu, giờ đã bị một con vật thuộc loài gặm nhấm khoét hết, để lại khoảng trống, hình thù giống hình một hài nhi đang nằm trong bụng mẹ. Chị thét lên, gục đầu vào cái đám chiếu thủng ấy. Như một kẻ tâm thần, chị cứ gọi thầm, con ơi, con ơi…

Sau ngày đoạn tang anh, chị vẫn còn trẻ lắm. Hai mươi hai tuổi, vừa độ chín mọng của người con gái, xuân sắc đậm đà. Có duyên kiếp gì không mà mấy người đàn ông có địa vị xã hội đàng hoàng, đến ngỏ lời, lại toàn tuổi mão nên bị chị từ chối thẳng thừng. Trong số đó có một lần người đàn ông giàu có và uy quyền đến ngỏ lời yêu chị. Anh ta nhập ngũ cùng đợt với anh, nhưng một năm sau, trở về hậu phương với bàn chân khập khiễng. Chị đã thấy nao lòng. Đêm ấy, chị mơ thấy anh về, nhưng làm sao anh cứ lấy hai tay che mặt. Chị bảo anh hãy bỏ tay ra cho chị nhìn rõ mặt. Chị nghe tiếng anh thào thào bên tai như tiếng gió: “Số phận anh đã không may, bỏ mình nơi chiến trận, không hãm duyên em, nhưng em lấy ai thì lấy chứ đừng lấy hắn. Cái thằng vừa đi với em khi đầu tối đó, hắn tự thương để giải ngũ đấy! Đừng trao thân cho một kẻ hèn nhát!” Nói xong, anh buông tay, trên khuôn mặt đẹp trai ngày xưa khiến chị yêu mê mệt, giờ chỉ còn hai con mắt trống hoác, máu me, từng giọt từng giọt chảy xuống. Chị hét lên: “Anh ơi! Anh đừng nhìn em như thế! Em sợ lắm!” Anh buồn bã quay mặt sang hướng khác. Từ hai hố mắt trống hoác ấy, từng giọt máu vẫn thánh thót rơi. Anh khoát nhẹ hai tay rồi đi, hình bóng cứ mờ dần, mờ dần ngay trước mắt chị. Giấc mơ gặp anh, đã khiến chị từ chối thẳng thừng cái người tuổi mão ấy, không cần cân nhắc. Sau này chị nghĩ, với lại người ta tuổi mão, mèo ăn thịt chuột, lẽ nào chị lấy chồng để ám hại anh một lần nữa sao...

Hôm nay là giỗ lần thứ bốn mươi sáu, ngày anh hi sinh. Một mình chị với một mâm cơm cúng đặt trên bàn thờ anh. Hương cháy gần hết mà chị không làm sao cất nổi thành lời. Chị cứ gục đầu lên bàn thờ nức nở: “Anh ơi! Nếu ở cõi âm, có phải vì không còn đôi mắt, mà anh phải mượn con mắt của gà để thay thế không? Con gà cũng là một sinh linh của Chúa! Nếu anh lấy đi đôi mắt của nó, thì sang thế giới khác, làm sao nó còn nhìn thấy gì mà canh bới để kiếm ăn? Nếu anh cần đôi mắt để đi lại trong cái thế giới cõi âm mờ mịt ấy, thì em xin hiến trọn anh đôi mắt của em đây. Bốn mươi sáu năm qua, em có mắt cũng bằng thừa! Nhìn về phương nào cũng mờ mịt, tăm tối, thăm thẳm sương giăng. Anh hãy biến thành con chuột về mà lấy mắt của em đi! Đôi mắt của một người đàn bà đã yêu anh, để rồi chịu suốt một đời góa bụa. Còn nếu đủ bản lĩnh, anh hãy móc mắt kẻ nào đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu này! Chính nó đã cướp đi đôi mắt của anh và tuổi thanh xuân của chúng ta.” Trên bàn thờ bỗng nhiên bát hương bốc cháy đùng đùng. Con chuột lông vàng xuất hiện. Nó đứng bằng hai chân sau, hai cái chân trước xoa xoa vào nhau, đầu cúi gục xuống một cách buồn thảm. Từ hai con mắt nhỏ như hạt cườm của con chuột, nhỏ ra hai giọt nước đỏ lòm như máu.

Khi chị ngẩng mặt lên thì con chuột đã biến mất. Trời đã chạng vạng. Bốn bề lặng ngắt như tờ. Chị run run bưng mâm cỗ cúng đặt xuống chiếc giường cưới. Chiếc giường mà từ ngày xa anh, đã cùng tồn tại và chứng kiến suốt bốn mươi sáu năm tuổi thanh xuân của đời chị. Lần này, chị không tin vào mắt mình, trên cái đầu gà cúng vẫn còn nguyên hai con mắt gà trắng lồi ra, trân trân nhìn chị… Chị thập thững bước ra cái nhà tắm anh xây. Bốn mươi sáu năm, trớ trêu thay, cái nhà tắm anh xây là nơi chứng kiến một cơ thể thanh xuân tràn đầy sức trẻ dần trở thành già nua…

Bây giờ thì chị đã già lắm rồi, bước đi chậm chạp. Nhiều khi đến ngày giỗ anh, chị cũng không còn nhớ nữa. Trên bàn thờ hương khói lạnh tanh. Không còn ai cúng bái, con chuột màu lông vàng cũng lặn mất tăm. Tuổi tác và thời gian đang xóa nhòa trí nhớ của chị. Mấy gian nhà xuống cấp, nhưng chỉ một điều rất lạ là cái nhà tắm anh xây bằng vôi vữa, gần nửa thế kỉ đã đi qua, chịu bao sương gió nắng mưa, bão táp, vậy mà vẫn còn nguyên vẹn. Mọi con đường mờ dần trong trí não của người vợ liệt sĩ ấy, nhưng con đường từ cửa gian buồng cưới ngày xưa dẫn ra giếng nước, cạnh bên cái nhà tắm anh xây không bao giờ nhòa trong kí ức của chị. Có nhiều người vào nhà, bảo, đã từng chứng kiến, thấy chị cả ngày cứ thơ thẩn, đi ra đi vô trên con đường ngắn chưa đầy chục bước chân ấy. Vừa đi, chị vừa khe khẽ hát những câu hát từ ngày còn là thiếu nữ, ngày chưa cưới anh: “Tuổi xuân xưa ta ra đi vui phơi phới…” Hát chán thì chị lại ngồi thụp xuống nền nhà tắm, hai tay sờ nắn những viên gạch do chính tay anh đặt như tìm về cái đêm hạnh phúc hiếm hoi của đời làm vợ. Những viên gạch sau bao nhiêu mưa nắng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Bàn tay phải của chị cứ nâng lên nâng xuống như động tác múc nước từ giếng lên, dội lên đầu…

*

Sau khi người đàn bà ấy qua đời, người em gái chồng một lần về, rao bán nhà nhưng không có người mua. Người ta bảo, đất ấy có ma. Từ xa, nhìn qua dãy bờ rào trống hoác, chỉ còn thấy cái nhà tắm gần bên giếng nước, vôi vữa bong tróc hết, trơ ra những viên gạch đất nung, gió mưa phân hủy, lở loét, chảy thành vệt đỏ lòm như máu. Trong làng, người ta truyền miệng nhau, cứ vào những đêm trăng thanh gió mát, ai có việc đi ngang qua, thấy bên thành giếng nước hiện lên một người con gái xinh đẹp đang múc từng gầu nước dưới giếng lên, tay nâng cao quá đầu, từ từ dội dòng nước lung linh, óng ánh như ánh trăng, chảy tràn trên suối tóc đen dài chấm gót, trên thân thể nõn nà. Từ thân thể ngọc ngà ấy, nước tóe ra từng giọt, từng giọt, ánh lên như ngọc…

VN22/2024

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Nửa chừng một nốt la. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Đọc truyện: Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Của trả cho người. Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân Bụi mịn. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú
Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Baovannghe.vn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) vừa ban hành quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng cơ sở thứ 2 cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Baovannghe.vn- Bên ghế đối diện mới chỉ có một hành khách, một phụ nữ khoảng ngoài 40. Chị ta chiếm luôn phần ghế trống để nằm, hai chân bắt chéo gác lên mặt chiếc bàn ăn nhỏ.
Tự do của con cá nhỏ

Tự do của con cá nhỏ

Baovannghe.vn- Dino Buzzati (1906-1972) là nhà văn lớn của Italia, xứng đáng được coi là một trong những trụ cột của nền văn học đất nước hình chiếc ủng ở nửa cuối của thế kỷ XX. Xin được giới thiệu với bạn đọc Văn nghệ truyện ngắn dưới đây của ông.
Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Baovannghe.vn - Bàn tay em mềm mại, bé nhỏ. Không biết khi đó trông tôi thế nào, chỉ thấy em quay nghiêng người, cố xòa mái tóc che nụ cười tinh nghịch.
Chuyện kể từ chiếc bánh cắt

Chuyện kể từ chiếc bánh cắt

Baovannghe.vn - Có lẽ tôi nên bắt đầu bài viết này từ câu chuyện về chiếc bánh cắt của một họa sĩ nổi tiếng, được nhiều người yêu quý.