Sáng tác

Của trả cho người. Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân

Hồ Thị Linh Xuân
Truyện
11:00 | 21/10/2024
Baovannghe.vn- Chị Tư tròng chiếc áo mưa mỏng dờn loại mặc một lần, từ từ lui chiếc xe cà tàng đi ra. Người bảo vệ già cau mày: “Thiệt khổ”. Ông dặn với giữa rào rào mưa xé: “Nhả số thấp thôi kẻo chết máy giữa đàng.”
aa

Cú điện thoại đến vừa đúng lúc vừa không đúng lúc. Đúng lúc nồi nước lẩu vừa sôi, đứa con gái có gương mặt thiện lành và xinh đẹp nhúng ngập những lát thịt bò Mỹ tươi mềm mỏng tang xong gắp ra chén, nhoẻn miệng cười: “Mẹ ăn đi mẹ.” Còn không đúng lúc là vì ngay sau cuộc gọi đó, chị Tư phải đi.

Ngoài trời đang mưa. Bên trong cánh cửa thì ấm sực. Dưới ánh sáng rờ rỡ, mực nước triều cường đang dâng có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Điên mới xông ra đường bây giờ, đến kẻ đang có việc hệ trọng còn tỏ ra ngán ngẩm. Trong khi với chín bậc thang dẫn lên tầng trệt, một quy hoạch mang tính thích ứng, nước chẳng thể nào có cơ hội xâm chiếm để làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của nhà hàng dù chỉ ở mức bình dân này. Những nhóm gia đình, bạn bè và các đôi trai gái vẫn tự nhiên cười nói vui vẻ, xuýt xoa thưởng thức món lẩu nghi ngút khói trong buổi tối ướt át lạnh le se, chẳng có vẻ gì là lo nghĩ bên ngoài ai đang nhốn nháo hay thành phố đang dần chìm xuống.

Của trả cho người. Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân
Minh hoạ Lê Trí Dũng

Chị Tư ái ngại nhìn con gái. Vẻ hớn hở rất kín đáo ánh lên trong đôi mắt tinh khôi. Hôm nay là ngày con tròn mười tám tuổi. Như ý thức được mình đã trở thành một người lớn đúng nghĩa, có thể quyết định mọi vấn đề của bản thân và tự chịu trách nhiệm, thiếu nữ ra dáng nghiêm ngắn, chừng mực, nhất cử nhất động đều điềm đạm và thận trọng nhưng sự trưởng thành bất thình lình chưa làm mất nét thơ ngây. Vẫn còn rất xuyến xao, chộn rộn và cả hồi hộp khi chào đón một điều gì đặc biệt. Và đây, bữa tối khá tốn kém so với thu nhập của nghề thợ may chỉ đủ cho hai mẹ con sống đạm bạc tằn tiện vừa là tiệc sinh nhật vừa để ăn mừng con đậu thủ khoa vào trường y. Một ngôi trường danh tiếng bậc nhất thành phố. Hơi bất nhẫn nhưng chị Tư vẫn phải cất tiếng: “Mẹ xin lỗi nhưng bệnh viện họ gọi. Bây giờ mẹ phải đi.”

Dù đã quá quen với những tình huống như vậy khi có lần mẹ còn choàng dậy khoác áo ra đường lúc nửa đêm nhưng vẻ mặt con gái vẫn phụng phịu cố nén một chút thất vọng. “Sao lại đúng vào lúc này.” Chị Tư như đọc được từ đôi mắt đang cụp xuống. Cố an ủi: “Cứ coi như con một mình tự thưởng bản thân. Nếu nhanh thì lát nữa mẹ quay lại.”

Đó là chị Tư đang tiếc rẻ món tiền bàn đã thanh toán. Trong bụng muốn con đừng bỏ phí một bữa ngon đổi khẩu vị khi ngày thường chỉ cơm cá rau dưa đơn giản để vật vờ theo mình vào chốn đầy mùi thuốc sát trùng và móc-phin, chứ còn cái hi vọng trở về sớm chắc là không được rồi.

Trù trừ tiễn mẹ ra cửa, con gái căn dặn: “Mẹ bắt tắc xi mà đi. Lát nữa con chạy xe về phòng trọ.”

Cũng định bấm bụng nhấc điện thoại lên gọi tổng đài điều nhanh chiếc bốn chỗ coi như một lần vì người mà làm sang một bữa. Nhưng nghĩ tới học phí bảy năm đa khoa, ba năm nội trú sắp tới của con, chị Tư có chút băn khoăn. Kíp người bảo vệ già giọng ồm ồm, hỏi: “Đi đâu mà bắt tắc xi? Đang kẹt cứng ở nút rẽ vào sân bay, tụi xe con đều nằm nóp, không nhúc nhích gì được.”

May mà biết sớm tình hình như thế. Vẫn là xe mình mình đi. Chị Tư có biết một lối tắt chắc không bị ùn ứ giữa lúc ruột gan đang nóng kể dầu sôi lửa bỏng. Đứa con gái rất nhanh hiểu chuyện, bảo: “Mẹ đi cẩn thận. Lát nữa con tự đặt xe ôm về.”

Chị Tư tròng chiếc áo mưa mỏng dờn loại mặc một lần, từ từ lui chiếc xe cà tàng đi ra. Người bảo vệ già cau mày: “Thiệt khổ.” Ông dặn với giữa rào rào mưa xé: “Nhả số thấp thôi kẻo chết máy giữa đàng.”

Con hẻm nhỏ tối như hũ nút bề ngang chỉ đủ cho một chiếc honda qua lọt sặc mùi rác rưởi và cống rãnh dẫn ra bãi tha ma. Chỉ cần đi hết cái vương quốc buồn so, trườn qua bên kia ngã tư là đại lộ. Chị Tư mím môi ghì chặt tay lái. Giờ này ở đâu nhộn nhịp đèn đuốc không biết, riêng khu nghĩa địa vẫn nhờ nhờ lặng vắng như tờ. Những bia đá lô nhô, giữa màn mưa mù mịt, xe lóc xóc ổ gà nhìn vào tưởng như thấy chúng đang nhấp nhổm. Vài cái bóng vật vờ lầm lũi chẳng biết là người hay ma. Nhớ hồi mới lên phố, nơi này cũng từng là chỗ trú ngụ của hai mẹ con nhưng không hiểu sao hồi ấy chị Tư chẳng hề thấy sợ. Chị lượm tại chỗ những manh chiếu nát trải chồng lên, che một căn lều tạm bằng những tấm ni lông rách rồi hai mẹ con nằm ôm nhau co ro. Bụng đói còn sống nhờ đồ cúng. Có lẽ khi người ta phải đối mặt với nỗi sợ lớn hơn thì ma quỷ, vốn vô hại, chẳng còn tồn tại trong tâm trí mảy may. Nhưng ngay lúc này, khi một thân một mình đi qua đoạn đường quá dài, cái lạnh giá thì đang ngấm từng chút vào da thịt tưởng đang ăn mòn cả xương, nhìn chập chờn những chiếc bóng cô độc, nhớ lại hằng biết bao nhiêu đêm nằm ngủ cạnh những bộ xương khô và xác chết, chị Tư thốt nhiên thấy lồng ngực phập phồng một cảm giác khiếp đảm vô hình.

Chị lầm rầm khấn: “Tôi có việc liên quan nhân mạng phải vội đi, xin các ngài đừng trêu ghẹo.”

Mưa vẫn xối trắng ngàn hạt như kim châm vào mặt rát rạt, nhưng trong loà nhoà phút chốc đã không còn nhìn thấy gì. Chị Tư đi hệt kiểu ma đuổi, băng qua ngã tư ở những giây cuối đèn xanh. Mưa đột ngột ngớt như trời đùa rồi tạnh hẳn.

Bệnh viện bảy giờ tối vẫn lao xao như bảy giờ sáng. Chị Tư nhón người qua dãy hành lang lố nhố kẻ đi đứng nằm ngồi. Ngoài sân những chiếc xe cứu thương inh ỏi câu thúc nhau, tiếng băng ca sấp ngửa chạy rầm rập. Đều là tấc gang sống chết nên phải gấp gáp, may ra. Bởi thiên hạ mới nói ở đời ngoài chuyện tử sinh thì chẳng có gì đáng gọi là trọng sự nữa.

Chị Tư lò dò tìm lối lên. Mùi thức ăn thơm ngon vừa mới đây đã tịt không còn dấu vết. Chỉ còn lại mùi mồ hôi đặc quánh, mùi bệnh tật và thuốc men. Và giữa ô tạp ngàn mùi, nơi ngàn miệng đang phát ra tiếng cười, tiếng khóc, tiếng sặc, tiếng ho làm méo mó những khuôn diện lạ lẫm khiến chị Tư phải lấy khẩu trang đeo lên thì một gương mặt giống như tẻ hết đám đông để bước ra, xuất hiện hệt tia lửa xẹt làm cháy chiếc bao bố đựng đầy quá khứ. Một gương mặt chưa già nhưng ít nhiều đã bị thời gian tàn phá. Và dù được phủ lên vẻ gió sương hàng bao nhiêu lớp vẫn thấy có chút gì xốc nổi, bỡn cợt như có một phần con người chẳng bao giờ có thể lớn thêm. Lẽ thường các quý ông dù ở tuổi nào vẫn ẩn giấu bên trong dáng vẻ đạo mạo cử chỉ đứng đắn mực thước một gã thiếu niên ham chơi hay tệ nữa là một đứa nhóc bất cần đời luôn thèm thuồng sự dịu dàng dìu dắt và bao dung mọi lúc.

Sợ nhầm, chị Tư căng mắt cố nhìn kĩ một lần nữa. Đúng là người hôm xưa. Người gắn với khoảng kí ức lộn xộn và rời rạc. Dường như họ đang đi về cùng một nơi. Cú chạm mặt sau quá nhiều năm chẳng làm người đàn bà bốn mươi sửng sốt. Trông cái dáng vẻ bết bát, mặt mày bợt bạt cũng đủ biết người đàn ông đã và đang trải qua điều gì đó lo phiền. Chỉ riêng vẻ tiều tuỵ lúc bấy giờ là khác với nhân ảnh cái người hai mươi năm trước xách can nhựa đựng thứ chất lỏng sóng sánh đến nhà hỏi cưới Tư. Hồi ấy cha mẹ mất sớm nên Tư về ở với cậu. Không ve vãn đeo đuổi rườm rà, kẻ ấy bật tách tách cái hột quẹt zippo, nói nhẹ tênh: “Giờ em chỉ cần trả lời ưng hay không. Chứ căn nhà đúc của cậu em tôi chỉ cần năm lít xăng này là đủ.”

Sau này mỗi lần nhắc lại chuyện đi hỏi vợ bằng xăng, Tứ cười khà khà bảo tôi hù em chơi. Kẻ cứng vẫn sợ đứa liều còn với chị em yếu mềm thì chỉ cần xử sự tình cảm, bỏ ra chút vật chất và công sức. Đó là Tứ đang nhắc những lần tới làm khách, chưa xuống xe đã nghe tiếng chào; ngoài lủng lẳng quà cáp dù chẳng lấy gì làm khá giả, anh còn xách theo cặp vịt đưa mợ bảo biếu cả nhà nấu cháo ăn cho vui. Thấy mợ lui cui quần quật nấu nướng ở nhà sau, Tứ cũng nhanh tay lẹ chân xắn tay áo xông vào phụ giúp. Từ bắc nồi nước sôi, cắt cổ nhổ lông đến lúc ăn xong rửa chén, dọn dẹp đâu đó gọn gàng. Mợ hài lòng lắm, khen người biết trước biết sau. Đàn bà là thế, vốn dễ rung động trước sự quan tâm nhỏ nhặt mà số đông đàn ông vẫn bỏ qua, coi là vặt vãnh. Tứ cười đắc chí: “Ai biết đời hơn tôi.” Tư lắc đầu làm thinh. Sợ nhất những kẻ khôn lỏi mà cứ tưởng mình sành sỏi.

Hôm rước dâu, vẫn giống ngày đến vấn danh, cha chồng Tư gục gặc, tay run run đan nhau giấu vào hai đùi khép chặt lí nhí trấn an cậu: “Anh cứ yên tâm. Khẩu hiệu của gia đình tôi là không phân biệt con dâu hay con ruột. Biết cháu côi cút, chúng tôi sẽ đối xử hết lòng.”

Bà mẹ chồng có thân hình xồ xề nhão nhoét, hai mắt không ngừng nheo khó khăn lắm mới đeo được đôi bông năm phân vào tai Tư. Tứ thì cười tít mắt bắt tay mấy lượt họ hàng chúc sức khoẻ. Anh nâng ly cụng cạn từng chung chuối hột, rượu có lúc bắn tung toé vào bộ vest màu kem lợt thành những mảng lốm đốm càng quệt tay chùi càng loang ra. Đôi giày thể thao vằn vện hoạ tiết trắng đen bị những ông chú lè nhè giẫm xéo đã biến thành màu nâu xám. Tư mặc áo dài đỏ đội mấn, mặt mày thanh thoát khoát tay chồng không dám ngẩng đầu lên. Đám con nít lao nhao chạy theo để nhìn xe hoa, Tứ bảo: “Xe bà dì cho mượn, không phải mất tiền.”

Cũng ngày rước dâu, Tư mới lần đầu biết nơi mình sẽ ở lại về sau. Xe dừng ngoài con lộ cụt, từ đó vào nhà thêm mấy cây số đường đất mấp mô lổn nhổn dẫn vào một xóm nước mặn heo hút. Chiếc xe honda số nhảy còng còng như ngựa chạy khi tới chỗ thì áo xống mũ mấn cô dâu lụp xà lụp xụp, đầu tóc sứt keo rũ xuống rối mù. Tàn tiệc, khi cổng rạp nhếch nhác đều được dọn đi, chỉ còn trơ lại căn nhà lá nhỏ đìu hiu. Đã sáu giờ chiều mà đèn vẫn chưa được phép thắp. Tư ngồi nơi sàn nước giữa chồng chén dĩa xoong nồi chất cao như núi, muỗi vo ve dày đặc trong thinh lặng nghe như tiếng la dô rè. Đứa em chồng ngồi vắt vẻo trên võng cặp mé hè ăn nho, nói trổng không: “Ăn diện vô coi đẹp như tiên mà lúc ngồi rửa chén thấy cũng bình thường. Tội lỗi, tội lỗi.”

Tứ say quắc cần câu từ lúc xế trưa giờ mới tỉnh, dụi mắt xuống bếp tìm cơm nguội ăn. Thấy Tư đang ngồi xếp đặt đồ đạc anh ra chiều mãn nguyện, vỗ đùi khen câu “cái gì mình muốn, nếu không có được theo lẽ tự nhiên thì phải cướp về” của thằng bạn xã hội nửa mùa sao mà đúng quá. Tứ khều vợ: “Em với tôi tuy hai mà một, tôi là Tứ, em là Tư. Thể nào rồi cũng về số bốn. Đúng là duyên phận từ trời.” Tư nguýt: “Duyên phận cái can xăng.”

Đêm đầu tiên ở ngôi nhà lạ, căn buồng lạ, nằm bên một người đàn ông mà với Tư đến giờ này cũng lạ, buồn miên man. Mợ bảo cứ ở với nhau lâu ngày dài tháng rồi người xa lạ mấy cũng thành quen: Như hồi mợ về với cậu, có yêu thương gì đâu mà lần hồi cũng tòi ra thằng Khang, con Xuyến. Ăn thua họ tử tế, mình sống phải thì rồi cũng êm thấm mọi bề.

Cưới xong, Tứ vẫn làm xa, mỗi cuối tuần mới về. Tư thường bị gọi dậy vào quãng năm giờ sáng bởi tiếng chổi xào xạc bên buồng em chồng trong ngôi nhà nhỏ như hộp quẹt. Tiếng mẹ chồng xéo xắt: “Con gái con đứa giờ này còn ngủ thì sau này ai mà dám rước về.”

Tư uể oải bật dậy, bảo: “Mẹ cần gì cứ sai con.” Mẹ chồng trợn trừng mắt ú ớ nhưng vì bất ngờ nên không dám lớn tiếng. Tư gom hết đồ dơ ra cái thau lớn ngồi giặt, mẹ chồng bảo phải phơi trước lúc bình minh. Tục lệ trở thành thông lệ. Sau này sinh con gái, dù con khóc con gào vì đói, Tư cũng phải giặt xong đồ mới đến nấu ăn. Con nhỏ bị cột tay vào góc cột giẫm giẫm chơi với vũng nước đái dưới chân, có lúc cúi xuống bóc đất nhão bỏ vào miệng. Cô em chồng đi ngang khẽ tay, nạt: “Con học ai toàn chơi dơ.” Ngồi xuống võng dũa móng tay, Nga nhếch môi: “Tự dưng công chuyện nhà có người làm hết, sướng thiệt.”

Mỗi sáng khi Tư dậy thì cha chồng cũng lù lù cầm xô xuống bến. Ông nhìn trước ngó sau một lượt rồi biến mất sau rặng lá um tùm. Chừng mươi phút sau ông về, mình mẩy ướt nhẹp, trong xô là mấy con cá nhảy lách chách. Ông đưa cho Tư, bảo: “Đây là bữa trưa.” Tư bối rối cầm, nói: “Con nghe ông chủ dớn nhà bên than sông này không có cá.” Cha chồng lừ mắt, vào thay bộ đồ lịch sự rồi dẫn xe đi.

Ông chở hai thùng nhựa lớn gửi quán ăn quen để xin hèm cặn về cho heo. Sau khi ăn uống và nghe ngóng xem có ai nói gì mình không, ông bắt đầu một ngày làm việc lương thiện. Gần nhà có ngôi chùa cổ thời Pháp, ông chạy xe ôm chở khách thập phương vì với người lạ đường hơi khó đi. Cha chồng hay bảo: “Cũng là làm phước.” Nhưng tiền mỗi cuốc xe ông vẫn nhận đủ, có phần nhỉnh tuỳ theo cách nói năng ăn mặc của kẻ hành hương. Thường đến cúng chùa là kẻ có tiền mang tâm bố thí nên chẳng ai trả giá.

Đều đặn tám giờ đêm cha chồng về, chở hai thùng cơm cặn đầy và thức ăn dùng cho bữa tối. Khi Tư lui cui dưới căn bếp củi đóng đầy mạng nhện và bồ hóng để nấu nướng thì mọi người lên nhà trên trò chuyện, xem tivi. Thường cha chồng sẽ nói, mẹ chồng phục tùng và lắng nghe; câu trả lời cũng đồng thời là câu hỏi kinh điển của bà là “Vậy hả?” Cha chồng vốn là người kiệm lời vì như thế mới sang trọng, trừ những chuyện nghĩ có thể ảnh hưởng đến niềm tin vào hạnh phúc đang có của gia đình ông mới buộc phải lên tiếng làm cho thông suốt một lần. Nói về nghèo giàu, ông bảo: “Nhà mình nghèo nhưng thằng Ngọ cuối xóm còn nghèo hơn. Nhà mình không có nhà xí phải đi nhờ, còn nó không có cả nhà tắm toàn chạy mình ướt vào buồng thay quần áo.” Hay “Con nhỏ đó lấy chồng ngoại quốc cũng gặp hạng cùi đui sứt mẻ, mà không chừng bên đó làm chuyện không đàng hoàng mới có tiền đem về cho mẹ nó xây nhà.” Nói về kinh tế khi có ai đó phất lên nhờ mua bán, ông bảo: “Toàn làm ăn mờ ám, để coi được bao lâu.” Nói về quan hệ với xóm giềng, ông bảo: “Nó ghét nhà mình đầm ấm nên toàn nói xấu.”

Đại khái là như vậy.

Tư vừa làm cá nấu canh vừa ra chuồng heo đổ cặn. Cả ngày dài chỉ được vài xúc chuối băm chúng nó cứ kêu eng éc, mãi đến người ăn thì heo mới được ăn. Bữa tối dọn lên trở thành bữa khuya, ai nấy đều đói đến cào ruột. Lên mâm, khi đủ mặt, cha chồng mới hỏi ở nhà có khách nào đến, chủ khách có to nhỏ gì không. Ông cấm Tư sang nhà này, nhà nọ, nhà kia vì chẳng mấy ai tốt đẹp. Tư buồn ngủ nên gật gù nghe câu được tiếng mất, dọn rửa xong thì cũng đã mười hai giờ.

Đi chùa nhiều nên cha chồng cũng thường mang thuốc chùa về sắc uống, đều là thuốc nam. Tư hỏi: “Mình bệnh gì mà trị?” Cha chồng hơi khó chịu: “Không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang.” Tư bảo: “Như vậy là phản khoa học.” Cha chồng đá bao thuốc bay tứ giăng. Ông gầm gừ: “Mấy đứa có học vào nói chuyện nghe phát ghét.”

Một bữa Tư đi chợ về thì thấy trong nhà khói nhang nghi ngút. Đứa em chồng đang ngồi gục đầu xoã tóc cho một thầy pháp trừ tà. Những ngày gần đây Tư thường thấy Nga co giật, chị chạy vào giữa tràng, thưa: “Con coi biểu hiện thấy cô Út giống như bị động kinh, cha nên đưa đi nhà thương chứ đừng để tiền mất tật mang oan uổng.” Cha chồng trợn trừng mắt nhìn Tư, mẹ chồng hiểu ý mắng: “Đồ quỷ cái. Chỉ ngu dốt xấc xược là hay.” Vội vàng niềm nở, mẹ chồng xin lỗi thầy: “Con dâu con là đứa mồ côi, từ nhỏ không được dạy dỗ nên nói hỗn.”

Tư ngớ người không biết mình đã nói sai ở đâu. Giống như chuyện mẹ chồng thốt nhiên sút cân nhanh đi viện khám ra bệnh đái đường nhưng cha chồng bảo chỉ là hội chứng lo buồn chứ nhà này không ai được mắc bệnh đó. Nhưng từ ngày về làm dâu, Tư chỉ thấy mẹ chồng thực sự lo buồn đúng một lần. Đó là bữa nhà mất cái thau nhựa dẻo chu vi một vòng tay. Bà mất ngủ mất ăn mấy ngày liền bảo: “Mẹ kiểm đếm mỗi ngày làm sao mà mất được.” Cũng may đận đó Tư còn chưa về nhà cậu mợ lần nào.

Tư thắc mắc nên hỏi: “Mình gọi đúng tên bệnh thì có làm sao, cha?” Cha chồng bực dọc: “Không biết gì thì câm cái họng lại.”

Tứ về, thấy vợ mặt mày bí xị hỏi: “Làm sao?” Tư bảo: “Ở nhà anh không ai thích nghe nói thật.” Tứ như đã quen, cười lớn: “Cái gì không mấy tốt đẹp thì giấu mẹ nó đi.”

Đêm đó nằm trong buồng Tư nghe chồng và cha chồng rù rì nói chuyện với nhau. Giọng cha chồng không vui: “Mày cưới vợ khôn về tao khó dạy. Đã bảo đừng lấy đứa có học làm gì.” Tứ đáp: “Sự thành thật có sức hấp dẫn. Tôi sống với cha đã quen thói tự huyễn, giờ cũng thèm được như cổ nhưng ai cho tự tin?” Có tiếng tát tai. Cha chồng gằn: “Đồ mất dạy.”

Nghĩ đến đó thì chị Tư vừa lúc trông thấy người đàn ông già nua đang bước từng bước chậm được người con trai nhanh chân bổ tới đỡ xuống ghế. Ba chữ “đồ mất dạy” tưởng như vừa mới được thốt ra từ khuôn miệng nhỏ đang lập cà lập cập hỏi đứa con trai: “Tiên lượng mẹ con nó sao hả con?” Thật là một cuộc trùng phùng rất biết cách xếp đặt của lão Trời, chị Tư nghĩ. Đứa con trai chỉ trả lời lí nhí, chẳng nghe anh ta nói gì. Không giống những lần lớn tiếng tra hỏi Tư: “Mày còn thương thằng ấy phải không?”

Thằng ấy ở đây là Liêm. Đứa cháu hàng xóm của cậu mà với Tư cũng kể là thanh mai trúc mã. Nhưng chuyện đôi trẻ còn chưa tới đâu thì cả nhà Liêm đi Tây định cư. Sau này, biết Tư đã lấy chồng, Liêm có lần về; dù gặp gỡ nhưng cả hai chỉ xem nhau là bạn.

Mặc Tư nói gì chồng đều không tin. Cái gì ở Tứ cũng tạm chỉ có duy nhất hay ghen, mà lòng ghen là thuốc độc. Tư bảo: “Anh là người thiếu tự tin.” Nổi xung thiên, Tứ nhào tới giáng mấy đấm khiến Tư ngã nhoài ra đất. Máu họng trào ra, nhìn cha mẹ chồng trơ trơ đồng loã khi cuối cùng con trai họ cũng biết ra tay dạy vợ một bài học để sống biết điều hơn, Tư đứng dậy bắt xe ôm về nhà cậu.

Cậu bảo: “Nó từ nhỏ đã đi ở cho người ta, bị áp bức quá lại không làm gì được nên về hành hạ vợ con.” Tư ôm mặt khóc khi biết mình mang thai: “Con không muốn về đó nữa.” Cậu khuyên: “Đâu phải cứ gặp chuyện bất bình là đòi giải phóng hết. Gia đình tan vỡ thì xã hội còn gì.” Cơn giận của Tư vẫn còn ngùn ngụt. Cậu vỗ vai cháu gái kể chuyện xưa. Hồi Tư còn nhỏ, mỗi lần không vui là cậu lại ngồi tỉ tê như vậy. Cậu kể ngày trước xứ mình có nhà nọ làm nghề bán thịt heo. Lúc ấy hãy còn chiến tranh, một đêm canh ba họ thắp đèn bắt heo ra làm thì trên cao máy bay dội bom xuống. Thịt của mấy người và heo gom lại cũng chưa đầy một hòm bé tẹo teo. Cả gia đình chỉ còn lại hai chị em đêm đó ngủ chòi canh lúa ngoài đồng là thoát chết. Rồi cậu nhìn lên bàn thờ, giọng buồn đứt ruột: “Cậu biết bây quá tỉnh táo trong một gia đình u tối; nhưng là phụ nữ, an thân là được, nhịn nhục một chút mà sống chan hoà với nhau đi con.”

Bữa đó trời lâm râm mưa. Cậu chạy chiếc tam bản bằng máy cô-le đưa cháu gái về bên ấy. Tư đội chiếc nón lá rách, ngồi bó gối co ro. Và cái cúi đầu xin lỗi của cậu trước người thông gia cũng bằng nghĩa từ nay Tư không thể còn tự tiện chạy về nhà mình mà thở than với cậu nữa.

Hồi Tư sinh con gái ra tháng, ai đến cũng bảo: “Con bé Ân nhìn hổng giống cha.” Tứ bị kích động đến mức lồng lên xách ngược hai chân đứa trẻ ra hầm cá tra gầm gừ: “Tao xé nó ra làm hai cho mày biết mặt.” Tư khóc lóc quỳ luỵ mà lòng uất chẳng nói thành câu. Sau tiếng khóc xé trời của con gái khiến người cha như bừng tỉnh, từ từ thả sinh linh nhỏ xuống lòng tay mẹ. Xong Tứ lủi đi mất, đêm ấy anh uống say.

Cũng may mà lúc nãy con bé không theo mẹ vào đây. Chị Tư thoáng nghĩ rồi đến chỗ siêu âm: Sẽ có một vài xét nghiệm đơn giản. Khi trở ra, ngoài hai người đàn ông lúc nãy còn có một người đàn bà teo tóp và yếu ớt vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Là ai nằm viện mà đến mức cả nhà phải rồng rắn dắt hết lên thành phố? Chị Tư đã vào phòng chỉ định mà câu hỏi ấy vẫn còn đi theo. Nhớ hồi Tư đi sinh, chỉ có một thân một mình vượt cạn. Hôm về bắt chiếc tắc xi đi chung với người hàng xóm, cha chồng ra trả tiền phí một trăm ngàn cưa đôi mà đay nghiến suốt mấy tuần liền. Hồi sẩy đứa con thứ hai vì căn bệnh thuỷ đậu Tứ ban cho, chỉ có mình Xuyến con cậu chăm nom trong phòng hậu phẫu. Xuyến còn trẻ, nghĩ sao nói vậy, bảo: “Đời thuở em mới thấy người như anh Hai. Người ta nói “một lần sẩy bằng bảy lần sinh” mà ảnh bỏ chị đi lo chuyện “làm ăn” gì đó cho được. Có mà ong mật ăn hoa, cứ nói huỵch toẹt ra cho xong.” Tư quay mặt vào tường, im lặng.

Người phụ nữ đó, Tư có biết. Từ dạo Tứ không còn đi ở, chuyển sang mua bán thức ăn. Nguồn vốn được chu cấp từ một vị quý nhân nào đó. Anh đi sớm về khuya luôn. Chuyện làm ăn có lúc chia sẻ đôi câu, phần nhiều tự quyết. Nhưng nghe phong thanh có hàng nổi hàng trôi. Tư nhắc nhở: “Muốn bền thì đừng gian lận.” Tứ gạt đi, cười nhạt: “Mày thiệt thà quá nên chết từ trong bụng mẹ đi Tư ơi!”

Người y tá liến thoắng: “Chưa biết có giữ được đứa bé trong bụng hay không. Toàn đội ngũ đang nỗ lực.” Chị Tư lại theo hướng dẫn, trùm bảo hộ, đi về phía phòng phẫu đang sáng đèn. Ánh mắt người đàn ông vẫn chưa già bên ngoài như tối lại khi nhìn thấy một ánh mắt. Chắc Tứ chưa thể quên cái ánh mắt lần cuối cùng còn nhìn thẳng vào mắt người chồng chung chăn gối khi đặt câu hỏi: “Anh có người khác phải không?”

Lúc đó Tứ lồng lên như ai đó kề dao cắt cổ anh. Lúc nào còn chối được thì dứt khoát không nhận. Chuyện đó cũng là thường, Tư không trách. Chỉ thấy ghê tởm khi kẻ có lỗi lại lại chĩa ngược mũi dao vu cho vợ là kẻ lăng loàn. Tứ làm như nổi cơn thịnh nộ sấn tới, vớ một cái gì đó trong nhà bếp cà lên gương mặt người vợ mà anh phải liều lĩnh hù doạ mới đường hoàng được cưới về đây. Rất nhanh theo phản xạ, Tư đưa đôi bàn tay ôm mặt. Khi mở mắt, chị thấy miếng inox trăm lỗ mà ngày thường vẫn dùng để bào khoai dấp dính những miếng da. Tư lật bàn tay, máu vẫn đang chầm chậm chảy xuống.

Trong đám đông, ai đó nói: “Đây là ca rau tiền đạo sản khoa.” Chị Tư nhìn gương mặt người đàn bà cũng không còn trẻ đang mê man, nhớ tới những dòng tin nhắn lạnh lùng “anh đốt chết nó đi, không thì phân xác thả ra sông cái” sao mà ghét thế. Chỉ cần nghĩ đang sống và hít thở chung một bầu khí quyển với một người như vậy thôi đã thấy khó chịu rồi. Chị Tư nhớ hôm lâu Xuyến có nhắn: “Ông Tứ một thời bán trời không mời thiên lôi vậy mà thua con mụ dạ xoa. Giờ sống cũng ra người hẳn. Chật vật mòn mỏi lắm tuổi ấy mụ mới bầu được đứa con trai, nhà ấy chiều chuộng kể còn hơn bà hoàng.”

Giá cái hồi Tư ôm con gái ra chòi canh tôm ngủ, có ai đó thương hại bảo chuyện đâu còn có đó chắc là chị đã cảm thấy đỡ tủi thân. Cũng trách Tư ngày ấy quá dại dột, cứ nghĩ ôm khư khư thứ mình bỏ đi trong khi kẻ khác đang cần sẽ khiến họ bị giày vò, không có được hạnh phúc. Cũng trách kẻ thơ ngây còn tin lắm vào con người. Tin như cái lúc đứa con gái nhỏ dắt tay dẫn đến kẹt bụi chuối chỉ vào một can trắng bảo “cha mua”, Tư vẫn thản nhiên nghĩ chắc dùng để tát ao tôm sắp đến ngày xổ. Buổi đêm, hai mẹ con vẫn nằm đưa võng cót két nghe tuồng Quan Âm Thị Kính bằng cái máy hát cầm tay. Đứa con gái bảy tuổi nghe mẹ diễn giải cốt truyện, hỏi: “Sao chịu oan ức, bị đối xử tệ bạc mà vẫn không oán hận hả mẹ?” Chị Tư ôm con, bảo: “Đó là tâm tha thứ, bé ơi.” Đứa con gái vuốt mặt mẹ, hôn lên tay. Tuồng vãn, nó đòi mẹ cho đi ị vì bị đau bụng.

Chị Tư nhớ khi mình và con gái quay lại, lửa đang ngùn ngụt bốc lên tưởng cao mãi đến tận trời xanh. Chị lặng lẽ vào nhà thu dọn một ít đồ của hai mẹ con rồi ngay trong đêm rời đi với một tờ giấy mà Tứ cần, để lại.

Bác sĩ trưởng kíp bảo: “Sản phụ đã được đặt nội khí quản quản lí đường thở kết hợp sử dụng thuốc vận mạch để tăng huyết áp liều cao. Chỉ là máu hiếm Rh- bệnh viện đang kiệt. Bất đắc dĩ chúng tôi phải nhờ đến chị.” Trong một sát na biết mình đang nắm trong tay hai sinh mạng, chị Tư nghĩ sự từ chối bây giờ cũng rất dễ, có nhiều lí do. Và đôi vợ chồng già cùng đứa con trai của họ đang mòn mỏi ngoài kia sẽ phải đau khổ đến mức nào nhỉ. Từng có đôi lần khi bị cuộc sống dần bóp nghẹt tưởng chết, những lúc ngất đi vì làm việc quá sức và tỉnh dậy thấy đứa con gái nhỏ hoảng sợ mà không dám khóc chị Tư đã muốn một lần nhìn thấy những con người ấy đau khổ tận cùng. Ngay bây giờ, giây phút này, đó là một cơ hội tốt. Chị Tư nhếch nhẹ môi, lẽ ra là sự thoả mãn, nhưng ý nghĩ đó hoàn toàn không giúp chị thấy vui sướng hay thanh thản hơn.

Người lấy máu hỏi: “Thưa chị, không có vấn đề gì chứ?”

Chị Tư hít một hơi sâu. Tâm nghe văng vẳng một tiếng nói không âm thanh: Dùng oán diệt oán biết bao giờ diệt được. Chị từ từ nằm xuống, gương mặt vẫn còn xinh đẹp thả lỏng, nói như ra lệnh: “Hãy lấy lượng máu cần thiết cứu sản phụ. Tôi đã sẵn sàng.”

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh Nửa chừng một nốt La. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Đọc truyện: Nửa chừng một nốt la. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Đọc truyện: Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.