Sáng tác

Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Mai Linh
Truyện
06:00 | 19/10/2024
Baovannghe.vn- Thương ngồi bệt trên hè nhìn những quầng sáng đỏ vàng xung quanh. Đó là ánh sáng của bóng đèn dây tóc phát ra từ những gia đình có điện. Cô thở dài.
aa

1.

Thương năm nay hai mươi chín tuổi, tóc rễ tre vàng hoe lúc nào cũng buộc túm lên. Khuôn mặt vút lưỡi cày với đôi lưỡng quyền cao và lấm chấm những đốm tàn nhang. Hai mắt luôn mở to, trong suốt và vời vợi như cái hang sâu. Đáng lẽ, với kết cấu đó thì cái trán chỉ cần tròn lại một chút là đã ổn. Nhưng không, nó vuông vắn nam tính quá mức, gồ lên và chiếm tới phân nửa khuôn mặt, làm cho lúm đồng tiền duyên dáng ở má trái trở nên thừa thãi, vô duyên hết sức. Khổ nỗi ngoài lỡ làng ra, nhà Thương lại còn nghèo nữa, nghèo xác xơ. Mẹ Thương mất vì băng huyết lúc sinh cô. Người bố mù lòa bởi chứng thoái hóa võng mạc mò mẫm bế đứa con gái còn đỏ hỏn đi khắp làng xin nước cơm.

Trong khi người làng đã có nhà ngói ba gian với cửa làm bằng gỗ mít, hai bố con Thương vẫn chui ra chui vào túp lều ọp ẹp xây vội bằng gạch xỉ lò. Mùa hè còn đỡ chứ mùa mưa, mùa đông đến, ở trong nhà mà gió quẩn dưới chân, mưa rơi rột rột trên đầu như đang ngồi ngoài trời. Hai bố con Thương vật lộn với mùa mưa không khác gì người ta đương đầu trong cơn sóng dữ.

Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh
Minh hoạ Vũ Đình Tuấn

Thương muốn xây nhà lắm. Không cần to như người ta, chỉ cần bốn phía đều xây tường mười, mái lợp bờ lô xi măng, nền lát gạch bát đỏ, có hiên nhà cho bố cô ngồi hóng mát là Thương thỏa nguyện rồi. Nhưng muốn xây nhà thì phải có tiền hoặc có chồng. Mà buồn thay, tiền khó kiếm đã đành, đến một ông chồng Thương cũng không biết lấy đâu ra.

Đúng là đàn ông con trai ở làng Đông này không thiếu. Thương xòe bàn tay ra nhẩm tính. Anh Chí mới chết vợ năm kia. Thằng Mùi bị thọt một chân đi phải chống nạng, lúc nào người cũng bốc lên mùi khăm khẳm vì nhà nó muối mắm moi. Hay ông Đồng Sĩ hành nghề thầy bói có hai mắt lác đông lác tây. Xét về hoàn cảnh, họ cũng ngang ngửa với Thương. Suy nghĩ chán chê, cô lân la nhờ thím Đang bên nhà đánh tiếng. Tất nhiên họ đều từ chối. Mà lý do đối phương đưa ra là tại cái gò má cao như bà mụ xẻo hai mắt cá chân mà đắp lên đó. Thầy bói Đồng Sĩ còn ra vẻ có chút chữ nghĩa nhờ thím Đang nhắn lại với Thương rằng “Đàn bà gò má cao, giết chồng không cần dao.” Thương ôm lấy gương mặt mình và nghĩ, giá mà đúng như lời lão Đồng Sĩ nói, hai gò má này là hai lưỡi dao thật thì tốt biết mấy. Cô sẽ giết chết Lâm mà không cần phải chuẩn bị dây, thuốc chuột, hay một cái chày.

2.

Thương ngồi bệt trên hè nhìn những quầng sáng đỏ vàng xung quanh. Đó là ánh sáng của bóng đèn dây tóc phát ra từ những gia đình có điện. Cô thở dài. Một mình cô với ba sào lúa, tám chín thước trồng đậu ở Đồng Màu tích đến mọt kiếp cũng chẳng đủ tiền làm nhà.

Nhưng…

Nếu có hai người chung lưng đấu cật, dành dụm dăm mười năm… Mà có người đàn ông trong nhà đi vay tiền cũng coi như có thêm một thứ đảm bảo. Bất giác Thương nghĩ tới người đàn ông có đôi mắt buồn với bốn đứa con nheo nhóc mình gặp lúc chiều…

- Bố, bố có biết anh Hai cháu ông bà Thắm Lơ không?

- Hở?

Ông Ná hơi chồm người về phía trước, ngơ ngác hỏi lại Thương.

Bà Thái nói ông bà Thắm Lơ có một người cháu bỏ đi biệt tích trong Nam từ lúc mười ba, mười bốn tuổi, hôm nay anh đó về quê còn dắt theo mấy đứa con nữa.

Thế vợ hấn mô?

Giọng ông Ná gắt nhẹ như biết tỏng ý nghĩ của Thương đang rậm rịch chạy trong đầu. Ừ nhỉ, nhỡ anh ta có vợ rồi thì sao, mà chắc chắn mười mươi là anh ta có vợ rồi. Bốn đứa bé với những đôi mắt tròn và cặp lông mi đen nằm rạt về phía đuôi mắt như lá me giống anh ta như lột.

Thương bẽ bàng. Cô vung tay búi lại mớ tóc khô trên đầu, môi dưới khẽ run run:

- Không thấy vợ anh đó mô cả, nhưng cãi nhau với nhà bà Lơ Thắm to lắm, con nghe nói đất nhà bà ấy đang ở ngày xưa là đất của bố mẹ anh đó.

- Kệ người ta, mi lo làm chi. Muốn lấy ai thì chọn một đứa tử tế rồi lấy…

Ông Ná lần cái bàn đứng dậy rồi chui vào màn. Thương ngửa mặt lên nhìn bầu trời đen sẫm, tiếng cười vỡ ra như tiếng thủy tinh rơi xuống đất:

- Có lấy con cũng phải lấy người làm được nhà được cửa chứ, bố cứ khéo lo xa.

3.

Không ai biết Lâm đã dùng cách gì để dụ người đàn ông không nhà không cửa với bốn đứa con thơ dại tạm thời từ bỏ ý định giành lấy mảnh đất đáng ra là của mình để xách níu nhau ra đầm Dài Ứng mênh mông nắng gắt ở tạm. Dưới đó chỉ có trơ trọi một cái lều mà trước đây người ta dựng lên để trông vịt. Nhưng nó còn không xứng được gọi là cái lều nữa, mái tranh đã giòn như bánh tráng và một bên tường đất đã đổ sụp xuống, nếu không kịp sửa lại trước khi cơn giông ập tới thì nó sẽ nhanh chóng bị gió mưa nhấn chìm.

Bốn giờ sáng, trời đã hừng đông.

Thương chui vào chuồng gà, lôi đống vắt tranh xuống.

Tranh đánh từ năm ngoái mà vẫn còn thơm mùi cỏ mới, từng múi tròn, đều nhau tăm tắp. Không có cỏ tranh, Thương lội ì oạp dưới đầm Dài Ứng để cắt cỏ lác đem về phơi khô. Ông Ná coi sóc chúng như chăm lũ gà mới nở. Ông phân loại, sắp xếp cẩn thận. Để tối đến, hai bố con ngồi cắm cúi bên cạnh ánh đèn dầu tù mù vừa đánh tranh vừa nói chuyện làng.

Thương ngắm từng vắt tranh, cặp mắt sâu thăm thẳm phát ra những tia ánh sáng long lanh. Người ta làm móng, làm nền, xây tường, đóng kèo đóng cột rồi mới tính đến lợp nhà. Còn Thương thì ngược lại. Chất vắt tranh vào quang gánh mà lòng Thương đau xót như đang dứt ruột bán đi mấy đứa con của mình.

Căn lều của năm bố con anh Hai nằm trên một gò đất cạnh dãy bạch đàn ướt đẫm sương đêm. Thương dựng đòn gánh vào bụi chuối, bật cười khi nhìn thấy bốn đứa con anh ngồi xếp hàng lần lượt trên một gốc cây dừa đã mục ruỗng. Đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem, ngái ngủ, khóe mắt đầy gỉ vàng. Chúng chống tay vào cằm, ngoan ngoãn như lũ chim sẻ cụp cánh kiên nhẫn đợi xuân sang.

Anh Hai từ sau lều bước ra, nhìn Thương chòng chọc như người ta nhìn một tên trộm. Ánh mắt buồn bã hôm trước giờ có thêm vài tia khó chịu lẫn khinh miệt và thù hằn. Thương băn khoăn tự vấn mình, chả nhẽ anh ta nhìn thấu được cái mong mỏi có một tấm chồng của cô hay sao và nghĩ rằng mình đến đây chỉ để ve vãn?

- Tôi tên Thương, con ông Ná…

- …

- Nhà tôi còn ít vắt tranh chưa làm chi, tôi mang xuống nhỡ bố con anh có cần. Mà chắc chắn là cần rồi, ai làm nhà cũng cần có tranh để lợp cả.

Sự im lặng của người đàn ông làm Thương ngại ngùng tới đỏ cả mặt. Cô cố gắng không để ý tới điều đó, vừa cười vừa lôi tranh ra nhanh nhảu như con buôn vội vàng nhét đồ vào túi của người mua trong lúc họ còn đang phân vân nên lấy hay là không.

- Này cô…

Thương ngây người. Lần đầu tiên có người gọi Thương là “cô”. Dù tiếng “cô” đó thốt ra từ đôi môi mím chặt khó chịu, từ một gương mặt quạu quọ và chỉ chực chờ để nổi xung mà sao nghe nó dịu dàng và dễ chịu biết bao nhiêu, khác hẳn với cách gọi giật giọng lâu nay như khi người ta nạt con gà, con chó. Bây giờ, dù chẳng dát vàng, dát bạc lên người hay có sẵn một căn nhà ngói ba gian lát gạch bát đỏ mà tự dưng Thương thấy mình như đã rũ sạch những nghèo đói, tổn thương để được sống điềm nhiên, ngang hàng với tất cả mọi người.

- Tui không có mua, cô mang giùm đi.

Bị đuổi mà Thương cười hớn hở, lúm đồng tiền lộ ra cùng với những vết chân chim mờ mờ nơi khóe mắt:

- Rứa anh định lấy cái chi lợp nhà? Ngói ngoài Cống Đọ bán đắt hơn vàng thỏi, mà còn phải vôi vữa xi măng nữa… Tôi nói thật, tôi không lấy tiền mô. Một gánh tranh ni đổi lấy hai ngày công nhật. Bữa mô tôi làm nhà, anh cũng đến trả công cho tôi… Bây giờ thì anh dỡ hết mái mục xuống đi…

- …

- Mà anh còn đứng như trời đày ở đó làm chi rứa? Nắng như thiêu ở ri chỉ một hai hôm nữa là giông mưa kéo đến, không sửa soạn cho nhanh thì bốn đứa con anh biết chui vô mô?

Thương xắn ống tay áo, mặc kệ người đàn ông oán giận nhìn mình, phăm phăm bước về phía trước. Cô nhặt cái chổi cọ đã cụt gần hết bắt đầu quét tước xung quanh. Tiếng chổi ma sát với mặt đất kêu soàn soạt, bụi từ dưới chân cô bay lên mù mịt.

Mặt anh Hai sầm ra vì khó chịu, nhưng anh phát hiện ra những điều người phụ nữ kia nói đều đúng cả. Anh thì sao cũng được nhưng còn bốn đứa con thơ… Dù sao cũng phải cho chúng một mái nhà.

- Vậy thì… Nhờ cô!

Anh bực bội đỡ lấy cái thang rồi đi về phía rặng bạch đàn. Thương hơi ngẩn ra, gương mặt khắc khổ chợt bừng lên, tươi tắn như bông hoa sắp héo khô bất chợt được tưới tắm đầy đủ nước và ánh sáng mặt trời.

Người đàn ông trèo lên mái lều, nắng phủ đầy mái tóc dài trùm kín cổ của anh. Anh nhón lấy đinh trong túi, đóng dứt khoát từng nhát, ghim chắc đầu thanh xà gồ bằng tre tươi với vì kèo gỗ. Bàn tay với những ngón dài cứng và khẳng khiu như múa cùng cái búa. Anh làm nhanh, chuẩn xác hơn tất cả những người thợ mộc mà Thương đã từng thấy. Như một người vô tình nhặt được một hòn đá bình thường rồi phát hiện ra nó là một viên ngọc quý, Thương thấy tim mình đập rộn rã. Phải rồi, một người đàn ông đã có con, lại khéo léo biết việc nhường này, chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa xôi nữa!

Thương nhìn ra ngoài cánh đồng hoang vắng, nước đang bốc hơi nhòe nhoẹt, như làn mưa đổ dài sau tấm cửa kính. Lâu như vậy rồi, vết thương ngày xưa đã kéo vảy, đã lên da non hồng hào tươi mới mà nỗi đau cứ mãi âm ỉ, cứ mãi không chịu cũ là sao?

Sau hôm đó, thỉnh thoảng Thương vẫn qua thăm bố con anh Hai với cái rổ nhỏ cắp bên hông. Khi là nắm tép mới kéo te được ở trước Đình, khi là mấy củ ráy non tim tím, rồi chai dầu gió Phật Linh, có khi là vài ba ống lạc khô đã chảy dầu đỏ sẫm.

Dần đã quen, bốn đứa con anh Hai mới thấy bóng Thương thấp thoáng sau rặng bạch đàn đã reo lên sung sướng:

- Cô Thương! Cô Thương tới nè ba ơi!

Tiếng reo vang lanh lảnh, ngọt ngào chảy vào lỗ tai Thương, khiến cô lâng lâng.

Nhưng khác với mấy đứa con, thái độ người bố lại đề phòng, tránh né Thương như người ta tránh xa một người có bệnh lây nhiễm. Anh lang thang quanh những bờ ruộng thấp khi nghe Thương hỏi bâng quơ “Làm nhà xây tường mười hay tường hai mươi anh nhỉ?” Anh bỏ đi xẻ đất san vườn khi thấy Thương cặm cụi nhổ cỏ quanh sân, tóc mai rơi xuống trán, lộ ra vành tai trắng hồng, tròn trịa như lá sen. Hay những đêm tối trời, khi lũ trẻ xúm xít quanh Thương xem cô nhóm lửa luộc khoai. Lửa bập bùng soi sáng đôi mắt rực rỡ của người phụ nữ trước mặt. Lá chuối khô bén lửa kêu lách tách như tiếng quả điên điển già cong bung mình trước gió. Hồi anh còn ở trong Nam, vợ anh không phải lom khom thổi lửa, cời tro như kia. Tằn tiện mấy tháng, anh mua cho vợ cái bếp ga cho cổ tập nấu cơm. Cơm sống nhăn sống nhở, canh mặn chát xít cả cổ họng anh mới la vợ đừng có vừa nấu cơm vừa xem tivi mà vợ giận anh bỏ luôn chuyện tập tành nấu nướng. Anh nghĩ giá như vợ anh tập trung vào nồi cơm như Thương chăm chú vào nồi khoai luộc, có lẽ con anh còn có mẹ…

Anh Hai nhìn bốn đứa con thơ quây quần bên người phụ nữ nửa phần xa xạ, lòng như có ai thò tay vào mà bấu chặt. Khói thuốc lại càng đậm hơn, quằn quại bay trong ánh lửa bập bùng.

Nhưng cũng có những hôm đi mới đến cống Vòm, Thương quay lại bỏ về giữa chừng.

Đó là khi đứng từ xa, cô thấy trong sân nhà anh Hai có thêm một người đàn ông nữa. Lâm mặc áo sơ mi màu xanh, quần tây thẳng thớm xách chiếc cặp da màu đen đứng dựa vào chiếc xe máy đê đê đỏ đắt tiền. Thương giật mình nép vào bụi dứa dại như con nai bất ngờ trông thấy cặp nanh của loài thú dữ. Một cơn buồn nôn quặn lên từ bụng, nó lờm lợm, kéo tràn cổ họng. Hai chân cô bất chợt run lên mất kiểm soát như cái hôm cô đứng trên tòa án huyện trước bao nhiêu người, hoảng sợ nghe thẩm phán tuyên án cô tội “vu khống và làm nhục người khác”. Thương ngồi bệt xuống đường, mặt xám ngắt như bị ai đó tròng sợi dây thòng lọng quanh cổ rồi siết chặt. Cô lầm bầm trong miệng câu thần chú đã giúp cô trụ vững hơn mười năm qua “Đừng sợ! Thương ơi đừng sợ!” nhưng hơi sức trong người cứ cạn kiệt đi, như chiếc khinh khí cầu đang bay giữa không trung đột nhiên bị vật lạ đâm thủng một lỗ. Dưới nắng hè chói chang, mắt cô hoa lên, sống lưng lạnh buốt như trúng cơn gió độc. Cô vội vã đi về, vừa đi vừa chạy, mà nắng vẫn đổ theo, bám chặt lấy bước chân trật nhịp của người đàn bà khổ sở.

4.

Trời lại sắp sang đông.

Cái nắng héo hon, ốm yếu kèm theo những cơn gió gai gai đầu mùa len lỏi vào từng góc nhà, xó bếp. Nhưng khác với trong làng, ở đầm Dài Ứng, gió đã thổi từng cơn thông thống, thổi ầm ầm, ù ù suốt cả ngày. Bốn đứa trẻ co ro ôm nhau trong căn lều bốn bề gió lộng tả tơi. Anh Hai dựng rào tre, đan phên nứa, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu.

Vào những đêm mưa phùn, Thương trở mình liên tục. Chốc lát cô lại mở cửa sổ, nhìn trân trối vào khoảng không gian tối tăm. Giá như có một mái nhà với tường xây mười và nền lát gạch bát đỏ, cô lẩm bẩm, cho cả mình và tụi nó thì tốt biết bao nhiêu.

Một hôm trời trở gió dữ. Anh Hai ấp đứa con út đang lên cơn co giật vào ngực mình, hối hả chạy qua những bờ ruộng lở lói. Anh không biết nhà Thương, nhưng có lúc như vô tình nhìn theo, anh thấy bóng cô đi về hướng đó. Nơi có ngôi nhà nhỏ, lợp mái tranh nằm thoi loi phía rìa làng.

- Thương! Thương ơi!

Tiếng anh gấp gáp. Anh không biết trạm y tế, hay hiệu thuốc gần nhất ở đâu dù đã có lúc Thương càm ràm bên tai anh rằng phải đưa thằng nhỏ đi tiêm phòng, rồi đi làm đăng kí tạm trú tạm vắng trên xã để tụi nó còn đi học. Nhưng anh đâu có để tâm, lúc đó anh còn suy nghĩ làm sao có thể khiến gia đình Lâm đồng ý cắt cho anh mấy thước đất, còn bận trốn tránh, bận gỡ bỏ những cảm giác lạ lùng như gỡ một thứ nhựa bám dính chảy ra từ vết thương còn mới.

Thương đỡ lấy thằng út trên tay anh, vụng về nâng niu tấm lưng bé bỏng.

- Trời ơi trán nó nóng quá, phải đi trạm xá thôi.

Thương bẻ đôi viên thuốc hạ sốt, thả vào nước rồi đút từng thìa nhỏ vào đôi môi nứt nẻ của thằng út, miệng ầu ơ. Ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Mưa rào rầm rập bủa vây dù cái lạnh của mùa đông đã rục rịch tràn về. Thương đặt thằng út xuống giường, nói với anh Hai:

- Anh xuống đưa mấy đứa nhỏ lên đây.

Nói rồi cô quay sang quỳ sụp dưới chân ông Ná, nước mắt lưng tròng:

- Bố ơi! Bố giúp con con với!

Đôi mắt mù lòa của ông Ná đau rần rật, như cái đêm trăng sáng ông run run rẽ đám người đang đứng quanh bụi chuối. Đứa con gái mới mười bảy tuổi của ông nằm chết ngất, trần truồng. Nó cũng đưa tay ra thều thào nói với ông bằng giọng của người sắp chết: “Bố ơi! Bố giúp con với…”

5.

Đã vào vụ lúa đông xuân. Cánh đồng trắng phau nước đang chờ cày bừa, gieo cấy.

Thương ngồi thõng hai chân xuống nước đám ruộng còn phẳng lì. Anh Hai đã tìm được việc ở một xưởng gỗ ngay cống Đọ, cuộc sống dần ổn định mà cô vẫn dậm chân tại chỗ. Cô đã nhẩm tính từ rất lâu, muốn nhận thêm ruộng về làm, nhưng với sức của hai bàn tay thì không đủ. Vừa hay cô nghe nói hội gì đó trên xã đang tài trợ bò giống cho phụ nữ nghèo, mà xét chỉ tiêu nghèo thì đừng hòng có ai qua nổi được nhà Thương!

Cô để nguyên quần áo bám đầy bùn đất, chạy tới nhà bà Thắm - chi hội trưởng hội phụ nữ thôn.

Người đàn bà có gương mặt nhọn hoắt và lớp da khô héo nhìn Thương, cười nhạt:

- Cô không đủ tiêu chuẩn.

- Còn ai nghèo hơn tôi nữa?

- Nghèo chưa đủ, còn phải khổ nữa. Tôi thấy cô không khổ, cô vẫn cười được, vẫn còn tán tỉnh đàn ông được, cô khổ chỗ nào?

- Rứa phải câm lặng, nhẫn nhục, đi trên đường gặp người không dám ngẩng mặt lên nhìn người mới là khổ đúng không?

- Đúng là vậy! Nên cô còn lâu mới đủ tiêu chuẩn.

- Nếu nói rứa thì đúng là tôi không đủ tiêu chuẩn rồi, vì người không dám ngẩng lên mà nhìn người, nhìn đời phải là mẹ con bà chứ không phải tôi. Con trai bà làm nhục tôi, còn bà thì tiếp tay cho nó hãm hại tôi. Người nghèo là tôi, nhưng người khổ là mẹ con nhà bà.

Thương nhìn bà Thắm, tự hỏi vì đâu mà con người ta có thể thay vai đổi phận nhanh tới như thế. Mới hôm nào, cô từ viện về, bà ta còn mặc bộ quần áo gấm đen, tóc búi cài hoa nhung đem gương mặt khô gầy với hai hàng nước mắt tưởng như có thể chảy trong vô tận tới nhà Thương. Bà ta mang tới đủ thứ đồ đạc: thịt thà, trứng sữa, cả một chiếc đài cát sét mới tinh cứ kêu rèn rẹt như bị chập điện rồi nắm lấy bàn tay chi chít vết bầm tím của răng người và kim tiêm của cô, sụt sùi khóc. Con trai bà tuy đã gây ra việc trời không dung đất không tha nhưng bà tin đó chỉ là một phút thiếu kiềm chế của người đàn ông khi nhìn thấy cô gái mình hằng khao khát. Chứng cớ là hai đứa đã tặng tín vật cho nhau, còn người trong làng đã đồn ầm lên cả. Chẳng qua Lâm quá hấp tấp nên mới làm bậy. Bây giờ để bù đắp cho những thương tổn mà Thương đang phải chịu, bà ta hỏi cô có muốn làm con dâu bà không.

Thương nghĩ lại lúc Lâm mới tốt nghiệp đại học Luật về quê. Anh ta trông trí thức, đẹp trai và lại giàu có. Nhìn thấy người đàn ông như vậy, con gái trong làng khi ấy có ai chưa từng mơ tưởng? Nhưng Lâm lại đặc biệt chú ý đến Thương, còn nhờ Hồng tặng cô một cái kẹp tóc nạm đá rất đẹp. Sau nhiều lần hoài nghi, có lúc cô gái nghèo khổ đã nghĩ đến một tình yêu bền chặt. Giờ đây ảo ảnh đó đã biến mất và trước mắt cô đều là những con đường cùng. Phải đối mặt với những lời đàm tiếu của người làng và sống một cuộc đời tủi hổ. Nhưng nếu Thương trở thành vợ hợp pháp của Lâm, lâu dần sẽ chẳng ai còn nhớ nữa.

Thương cắn môi, nước mắt chảy dài trên hai gò má nham nhở vết cào, lí nhí trả lời:

- Vâng ạ.

Mặt bà Thắm sáng bừng như cái xác khô bất chợt bắt được mảnh hồn lạc:

- Bác biết mà, hai đứa con thực sự yêu nhau. Được rồi, con cứ an tâm tĩnh dưỡng. Hôm khác bác đến nói chuyện người lớn với bố con.

Một tuần sau, lúc Thương đang tập tễnh bước từng bước trong nhà thì công an huyện mang giấy triệu tập tới. Họ nói có người tố cáo cô “tội vu khống và làm nhục người khác” và mang cả cái đài cát sét, cái kẹp tóc đó đi làm bằng chứng.

6.

Thương dè dặt nhìn gương mặt xa lạ trong gương, nhăn mặt nói:

- Đậm quá.

Cô giật cái khăn tay lau vội vàng, lại một gương mặt nữa hiện ra, như một trò đùa, Thương nhăn mặt. Hồng kéo vai bạn, bắt Thương ngồi yên trên ghế:

- Đi hỏi chồng, phải trang điểm thật đẹp chứ. Còn phải mặc cái ni nữa…

Hồng đặt lên đùi Thương một cái váy màu xanh, đính kim sa lấp lánh như ánh trăng chảy tràn trên mặt đất. Hồng đã qua một lần đò, nhưng vẫn đẹp như thuở còn mười tám. Hai đứa thân nhau lạ lùng, dù xét về hoàn cảnh hay vẻ bề ngoài đều khác nhau một trời một vực.

Thương nhìn cái váy tỏ ý có lỗi với bạn.

- Đẹp thật, nhưng tớ không quen mặc kiểu ni.

- Đàn ông, ai chả như nhau…

Hồng cười.

- Nhưng ai Hai không phải loại đàn ông như rứa.

Thương lau vết son đậm trên môi.

- Loại đàn ông như rứa?

Hồng lẩm bẩm, khuôn mặt trắng ngần chợt tái nhợt.

Đêm ba mươi trời tối đen như mực. Thương cẩn thận bước từng bước, cô đã đi trên những bờ cỏ này không biết bao nhiêu lần rồi kể từ ngày còn thơ dại đến tận lúc lớn khôn, nhưng hôm nay lạ quá. Đất dưới chân mềm hơn, trơn tuột như bôi mỡ làm cô suýt ngã mấy lần. Hay là tại cái quần lụa đen với đôi guốc gỗ lập cập này? Còn cả mái tóc được thả xõa sau lưng mà cứ mỗi khi gió thổi lại che lòa xòa kín mặt? Cô dừng lại một chút, chỉnh lại quần áo, sắp xếp một lượt những lời mình định nói rồi mới bước vào nhà anh Hai. Đáng lẽ ra, cô sẽ lựa chọn một dịp khác, khi mình đã có thể khắc chế những cơn đau. Nhưng cái hôm ở nhà bà Thắm, khi vừa bước ra cửa cô đã chạm mặt anh Hai. Ánh mắt vừa tức giận lại buồn vời vợi của anh đã khiến Thương phải nói. Trước khi có ai đó tước mất của cô cái quyền được nói đúng sự thật về mình.

Nhưng hóa ra ngay cả việc cứ ngồi yên để kể về những chuyện đã qua dường như cũng trở nên quá sức với Thương.

Lúc ở nhà cô nghĩ cứ nhắm mặt lại rồi nói một hồi, dù có bị hỏi, bị nhìn thương xót cũng đừng dừng lại. Cứ thế nói khơi khơi, chuyện tôi bị Lâm xâm hại lúc mười bảy tuổi, rồi lại bị chính người đàn ông đã cưỡng bức mình kiện ngược vì tội “vu khống và làm nhục người khác”. Tạm giam hơn chục ngày rồi đưa ra xét xử ở sân vận động huyện, người tới xem đông lắm, đông hơn cả lúc có hội hay họp chợ Thiều. Tôi đứng một mình trước bao nhiêu con mắt của người đời, cảm giác đau như bị cưỡng bức thêm một lần nữa… Dù là vậy, nhưng vết thương của tôi đã liền lại rồi, anh nhìn xem, sạch sẽ, nguyên vẹn như bao người bình thường khác. Anh đừng ngại nếu tôi nói thương anh…

Nghĩ là vậy mà khi ngồi trước mặt anh Hai, trước đôi mắt buồn thê thảm đó Thương lại không sao mở miệng ra được. Cuối cùng, khi ngọn đèn dầu đã gần cạn, căn lều trở tối âm u không nhìn rõ mặt người, Thương mới khe khẽ nói một câu không đầu không cuối:

- Hay anh trả công cho tôi trước đi.

7.

Chiều ba mươi Tết, nắng hanh vàng.

Trên những tán cây khô trơ trọi quanh làng chồi non đã bắt đầu nhú lộc. Gió còn hơi se nhưng dễ chịu hẳn thổi khe khẽ qua khu vườn vàng rực bông cải già.

Anh Hai sửa soạn đồ lề, bốn đứa con háo hức đứng xung quanh chỉ trỏ. Một con cá chuối mới úp được ở đầm Dài Ứng, cây giò lụa vừa được luộc lại còn nóng hôi hổi, đôi bánh chưng thơm mùi gạo nếp, lại thêm cân thịt lợn và mấy cây cải bắp cắt trong vườn. Một túi khác anh Hai cẩn thận để riêng, đó là đôi giày vải bảo hộ cho ông Ná và một tấm vải satin xanh để Thương may áo.

Anh bế đứa nhỏ nhất, tay xách làn, ba đứa còn lại nắm tay nhau líu ríu chạy theo bố về phía nhà Thương. Giá mà anh cứ thế đi, mặc kệ Lâm với với chiếc xe máy đê đê đỏ như màu máu và cái phong bì thư lạnh ngắt ném trước vườn thì có lẽ Tết năm đó các con anh và Thương sẽ có chung một tổ ấm.

Anh Hai run rẩy lật tờ giấy cuối cùng của bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đầy đủ chữ kí của anh. Hôm đó Lâm xuống nhà anh, mang theo một chai rượu đế. Hai anh em ngồi nói chuyện với nhau tới tận khuya. Có lẽ loại rượu quê này được nấu bằng gạo nếp và men ủ kĩ nên chỉ mới ba chén anh Hai đã ngồi không vững. Trong cơn say chuếnh choáng, anh Hai thấy Lâm khóc nức nở nói ngoài mẹ ra em chỉ còn có anh thôi. Con cái của anh cũng là cháu của em, phải làm thủ tục nhập khẩu cho nó. Lâm đưa ra mấy tờ giấy bảo anh chỉ việc kí thôi, mọi việc cứ để Lâm lo hết.

8.

Máu! Nhiều máu quá! Máu chảy từ bụng Lâm, từ cái cọc nhọn cắm xuyên từ lưng anh ta, thấm đỏ cả mống mắt của Hồng. Hồng không biết tại sao lại đến cơ sự này. Người đàn ông tên Hai đó xông vào cửa tiệm lúc Lâm đang hổn hển trên bụng Hồng. Không nhiều lời, anh ta túm lấy tóc Lâm, lôi xềnh xệch vào xó nhà như người ta lôi một con lợn ra khỏi chuồng để cắt tiết. Lâm vớ được cái kéo cắt tóc trên bàn hung hãn đâm một nhát vào bắp tay anh Hai. Máu tóe ra, vẩy đỏ tường. Nhân lúc anh Hai còn đang sốc, Lâm mở cửa sau tháo chạy ra vườn. Nhưng cách cửa chừng mấy bước chân lại có một cái hố, trong cái hố đó có cắm một cái cọc cao hai gang tay được vót nhọn hoắt. Hồng đã từng thấy thằng con trai mình hì hục đào để bẫy mấy con chó hoang cứ ỉa bậy trong vườn. Vì cánh cửa đó ít khi đi lại, nên Hồng không để tâm và cô ta nào đâu có biết để giết mấy con vật nhỏ thằng con trai lại đào cả một hố to như cái huyệt bẫy người cơ chứ. Lâm ngã úp mặt xuống hố, cái cọc xuyên qua bụng, chết ngay tức khắc.

Máu đỏ lan tới chân, Hồng điên cuồng nhảy lên ghế, mặc kệ tà áo ngủ cài lệch một bên để lộ ra gò ngực trần trắng bóc. Nhưng máu vẫn chảy ra, lan tràn như ánh trăng đỏ quạch đêm hôm đó. Cái đêm cô ta, Thương và đám trẻ chơi bắn đùng khóa (một trò như trốn tìm) trăng cũng đỏ thẫm chết chóc và kinh hãi như bây giờ. Trước lời dỗ dành hứa hẹn của Lâm và nỗi ghen tị ác độc đã tồn tại không biết từ bao giờ (có thể là khi cô ta phát hiện ra mọi người dần đã thích sự lương thiện của Thương hơn gương mặt đẹp như tranh vẽ của mình, hoặc là từ khi Lâm nhờ cô tặng cho Thương cái kẹp tóc nạm đá chăng?), Hồng đã chỉ cho Lâm chỗ Thương đang ẩn nấp. Cô ta run rẩy nhìn theo bóng lưng khật khưỡng vì hơi men của Lâm rồi vội vàng chạy trốn. Nhưng ánh trăng máu cứ đuổi theo Hồng, chui vào trong cả giấc ngủ hằng đêm và gào thét bắt cô ta khai ra nơi trú ẩn cuối cùng của mình.

Tiếng người khóc lóc, tiếng chửi bới vang lên quanh tiệm cắt tóc của Hồng. Thương hớt hải bước vào trong nhà, mắt chớp đỏ như ngọn đèn không tắt. Cô nắm lấy vai Hồng mà lay.

- Rứa anh Hai mô rồi? Hồng ơi! Anh Hai mô rồi?

Hồng đẩy tay Thương ra, giọng lào xào như người sắp lìa đời.

- Người ta bắt đưa đi rồi!

Thương đau khổ ôm lấy đầu. Dưới chân cô, cây giò lụa còn bọc lá chuối nằm lăn lóc trên tờ “Chứng nhận quyền sử dụng đất” photo lem mực đen sì. Một con cá chuối phơi bụng chết xung quanh những hạt lạc đỏ hồng vương vãi. Đôi bánh chưng còn xanh bị giẫm nát bét ở góc tường. Đó đều là những thứ sáng nay, anh Hai mua lúc đèo Thương đi chợ. Anh nói tối sẽ dẫn bốn đứa nhỏ qua nhà cô chào ông Ná một tiếng.

Nước mắt nóng hổi tuôn rơi trên hai gò má lốm đốm tàn nhang. Đã lâu không khóc, Thương tưởng như mình đã quên cách thức biểu đạt dễ dàng nhất của nỗi đau. Nhưng khi nước mắt bật ra, cô lại thấy vết thương cả cũ lẫn mới thi nhau ứa máu.

Thương bổ nhào ra sân, bước qua cái xác trần truồng đang nằm trên trên đất mà không liếc mắt. Gió đã thôi gào thét như mấy bữa đầu mùa, xung quanh đường làng thắp điện sáng trưng, không gian thơm mùi hương trầm và đùng đoàng pháo tết. Thương giữ chặt chiếc áo khoác chần bông đã cũ, chạy chân trần trên những lớp đá dăm lởm chởm. Tóc cô bung ra, mồ hôi rịn quanh chân tóc. Nỗi đau phập phồng thở trong lồng ngực và đôi mắt được rửa bởi cơn thổn thức, rực sáng một thứ sức mạnh ngoan cường không gì đánh gục được.

Chạy tới Cống Đọ, Thương đã trông thấy đám người đang dẫn anh Hai lên ủy ban xã. Anh bị trói quặt bằng dây thừng, áo bà ba rách tơi tả, hai vai anh đầy máu. Mắt trái thâm tím và sưng vù làm gương mặt anh như bị lệch hẳn sang một bên. Khóe miệng còn đọng hai vệt máu đỏ tươi kéo dài xuống dưới tận cổ. Đám người đẩy Thương lùi lại, nhưng vừa ngã xuống cô lại chồm lên, níu lấy sợi dây đang tròng qua cổ anh Hai.

- Cho tôi gặp ảnh! Tôi nói với ảnh mấy câu!

Ấy thế mà khi đứng trước anh Hai, trước đôi mắt buồn thê thảm vừa ứa ra giọt nước mắt Thương lại chỉ biết ôm lấy anh và nói:

- Anh cứ yên tâm đi với người ta, bốn đứa nhỏ ở nhà… Còn có em…

VN22/2024

-------------

Bài viết cùng chuyên mục

Giếng hình nhân. Truyện ngắn dự thi của Hiếu Trung Long Đọc truyện: Mây trôi rừng chiều. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 42/2024 Mây trôi rừng chiều. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.
Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Baovannghe.vn - Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy trong Gia đình có bốn chị em gái là: viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...