Tôi “nhặt” lão từ công viên nhỏ trước nhà trong lần mẹ đòi qua hong nắng sau giãn cách. Gần ba năm hoành hành, phần tồi tệ nhất của đại dịch Covid đã qua, nhưng cuộc sống vẫn chưa thường trở lại, ngổn ngang chấn thương, mất mát. Thấy quí một ngày ngõ xóm không giăng dây, phố xá tấp nập, dòng người cuồn cuộn hối hả sống. Tôi thèm ngửi mùi thức ăn đường phố, thấy nụ cười, nhìn mắt bình yên. Hai năm đeo khẩu trang chỉ chừa mắt, tôi bị ám ảnh bởi những đôi mắt. Mắt bác sĩ đầy cảnh giác, trĩu buồn bất lực. Mắt F0 khát sống, nuối vọng. Mắt F1 thấp thỏm phập phồng. Mắt người nghèo nơm nớp cái ăn. Hiếm thấy đôi mắt bình yên.
Minh họa Ngô Xuân Khôi |
Mua hai ổ mì xíu bên đường, tôi ngất ngây với hương vị ngày thường gặp lại, thấy nụ cười người bán qua khẩu trang. Chị cười bằng những nếp nhăn chuôi mắt.
Mắt mẹ mờ vì chứng tiểu đường, đi lại khó khăn vì thoái hóa khớp, nhưng giác quan còn tinh nhậy. Mẹ ngửi được mùi lá cây, mùi nắng mới, mùi người... Vào công viên, ngang qua lão, mẹ bảo tôi:
“Mẹ ngửi thấy mùi buồn.”
“Có một đống ngồi thu lu trên ghế đá. ”
“Chắc từ biển đau dạt về. Xe tả tơi chở người tơi tả. Cột một chùm số phận lên đường…”– Mẹ ám ảnh cuộc tháo chạy kinh hoàng của đoàn người hồi hương trốn Covid.
Lão không bắt chuyện với chúng tôi, nhìn vô định. Đeo khẩu trang, chỉ chừa mắt. Chạm vào mắt lão, tôi rùng mình. Như thấy lại mắt F. Hoang vu. Tắt nắng. Hơn cả nỗi buồn. Vượt cả nỗi đau. Đói khát không có cái nhìn như thế.
“Ngồi chơi với kiến.”- Tôi buột miệng.
“Con nói ai thế?”- Mẹ hỏi.
“Cái lão mẹ ngửi thấy mùi buồn đó.”
Khi tôi nhặt một con kiến bỏ lên mẩu bánh vụn rơi vãi trên ghế, lão đột ngột lên tiếng:
“Cô thả mẩu bánh xuống cho chúng khiêng về tổ thì tốt hơn. Kiến không thích đơn độc, không hưởng thụ một mình.”
“Thế mà cháu hay nhặt kiến bỏ vào thùng rác, cháu nghĩ thế là cho nó tới thiên đường.”
“Thiên đường một mình cũng không chịu nổi.”
Tôi nhìn lão. Lão nhìn kiến.
“Tụi nó có gì mà ông nhìn hoài thế?”
“Đông vui, nhẫn nại, trật tự, hạnh phúc…toàn thứ người không dễ có.”
“Hôm nay lão làm gì?” – Mẹ tò mò với “cái đống” âm thầm tỏa mùi buồn.
“Ngồi chơi với mèo. Chắc nhặt từ thùng rác.” – Tôi trả lời.
Con mèo đói màu tro khói, nhem nhuốc như lão. Lão vuốt nó bằng những ngón tay bẩn.
Hôm sau ra công viên, mẹ đem hộp sữa cho mèo còn tôi mua thêm ổ bánh mì cho lão. Không ai nói với ai, chỉ nghe tiếng mèo con hối hả nuốt sữa trong lòng bàn tay lão. Lão ngồi xổm trên mặt đất, năm ngón tay khum khum làm chén. Sữa chảy xuống từ kẽ tay, lão bảo cho kiến.
Lão vẫn còn đó khi mẹ con tôi quay lại. Tôi ái ngại đặt ổ bánh mì và chai nước của mình bên cạnh, lão cám ơn và bảo đã ăn rồi. Lão không đói. Khi đói mắt sẽ sáng rực bởi thức ăn chứ không thờ ơ thế. Nhưng lão lạnh. Ôm khư khư túi dết trong lòng. Dần dần hai mẹ con tôi quen với sự có mặt dễ chịu của lão. Không xin, không tò mò. Nói năng cũng ra vẻ hiểu biết. Và hơn cả là lão biết thương. Tôi cho mèo ăn, xem mèo vồ lá rơi. Trời trong veo. Mắt mèo trong veo. Buồn lắng, lòng cũng trong veo. Mẹ con tôi ngồi ngắm con đường lác đác người bịt kín khẩu trang qua lại. Nó từng vắng tanh ngóng chân người bước. Những hè phố buồn thiu không mùi hàng quán. Còn lão chẳng thiết tha với cuộc sống đang hồi sinh chung quanh.
Một ngày trời trở gió, mây đen kịt, lá rụng bời bời, tôi kéo mẹ về nhưng lão vẫn dửng dưng ngồi ôm túi dết cho gió quất từng roi dài.
“Sắp mưa lớn, lão không về à?” – Tôi hỏi nhưng lão cứ nhìn vào vô định.
“Nói lão về nhà mình trú mưa. Chắc không nhà, cũng không bình thường.”- Mẹ quyết định. Đại dịch dạy con người băng qua sợ hãi mà thương. Có lẽ thế nên mẹ không còn sợ người lạ. Đại dịch cũng dạy mẹ nhìn xuống, nhìn quanh để thấy nỗi đau mình bé mọn.
Lão và con mèo không trú một cơn mưa mà cả mùa đông ở garage bỏ không từ ngày cha tôi mất. Cái chết nói cho cùng ngoài mất mát còn là giải thoát. Giải thoát sự rạn vỡ âm thầm mấy chục năm và lúc bể nát cũng không một tiếng kêu. Mẹ không khóc khi người ta trục vớt chiếc xe trong đó cha gục chết trên volant cạnh người đàn bà lạ. Mẹ câm lặng ngay cả lúc làm đám tang, hạ huyệt. Đó là một đám tang lạnh tanh, không trống kèn, không tiếng khóc. Họ được khen là đôi bồ câu đi đâu cũng có nhau. Chỉ tôi mới biết: “Mới trông thì tưởng bồ câu. Ở gần mới biết diều hâu, cú mèo.” Cha vô cảm như robot nhưng chạm vào chửi hơn cả Chí Phèo! Cha đóng cửa, tuôn những tràng rủa sả, mà dư chấn là những đêm mất ngủ và bệnh trầm cảm của mẹ. Hôn nhân của họ thật sự thất bại dù có vá víu bằng nhiều cách. Chung nhà mà có biển cạn. Tiếng gào thét cứ vút ra từ câm lặng ngay cả khi họ không gây nhau, đánh mắng. Nó buồn thảm đến nỗi tôi rùng mình khi nghĩ chuyện lập gia đình. Tại sao phải trói buộc hai con người xa lạ hoàn toàn trái ngược nhau bằng hôn nhân, con cái, bằng cái gọi là gia đình? Mà cũng chẳng ai ép tôi lấy chồng cả. Tôi thong dong làm gái ế, làm việc, đi chơi, cặp bồ. Lâm là người tình hiện tại của tôi.
“Thời buổi này cho người lạ ở như rước cướp vào nhà.” - Lâm càu nhàu khi thấy lão.
Có gì mà cướp? Chút tiền gửi ngân hàng. Đồ đạc tối thiểu vì mẹ cần trống trải. Mẹ bảo người biết buồn, biết thương là người thiện lương. Cho lão ở vừa giúp chỗ trú ẩn vừa có người đàn ông trong nhà. Mẹ loạng quạng còn tôi bận bịu. Có lão tôi đỡ lo khi mẹ ở nhà một mình. Ngôi nhà lạnh lẽo giờ có đến bốn sinh linh - ba con người, một con mèo và nhiều sách. Ngổn ngang. Bụi bặm. Thỉnh thoảng mẹ lôi những thứ trong tủ ra và ngồi thừ. Những giọt lệ khô âm thầm lộp bộp trên những quyển sách ố vàng.
Sau những ngày mưa, thoảng mùi ẩm mốc, mẹ bắt tôi hong sách. Sách nằm la liệt trong nắng, phơi nỗi tàn phai. Lâm bảo: “Thời nay giữ sách cũ như nhà em là lạc hậu. Sách ảo sạch, gọn nhẹ. Tất tần tật trên net. Mẹ em mắt mờ, chân yếu. Em thì không đọc sách chữ, giữ đống này gì cho dễ cháy nhà lại ngửi bụi mốc.”
“Nhưng đó là thời của mẹ...”
Nói thế nhưng mỗi lần dọn sách tôi lại lén quẳng một ít. Lần này, lão chìa tay.
“Lão bán mua thuốc lào à?”
Lão không trả lời, cầm những quyển sách xộc xệch, gián mọt gặm xuống garage. Mấy ngày sau lão trả lại cho tôi những quyển sách nát đã xin.
“Giống mấy mụ đàn bà đi thẩm mỹ viện về!” – Tôi kinh ngạc.
“Cô cất vào tủ cho bà.”
“Lão biết đóng sách?”
“Từng bán sách cũ lề đường nên biết. Tôi làm nhiều việc để sống. Có việc có ích. Có việc có tội…
Tôi nhờ lão dọn đống sách quí báu của mẹ. Việc nhiều nhưng lão nhẩn nha làm. Sắp xếp theo từng loại. Xộc xệch, lão đóng lại. Không bìa, đóng bìa. Chưa bọc, xin tiền mua nylon bọc. Lão đụng tay vào, thế giới sách của mẹ khác hẳn. Chỉnh tề. Trật tự. Ngăn nắp. Trầm mặc.
Tôi nhìn lão ngạc nhiên. Người đàn ông vô gia cư, tay trắng này hóa ra không như tôi nghĩ. Ông ta phải biết nhiều, sống nhiều, gặp bão tố nhiều. Đời ông ta rách nát như những quyển sách tôi định quẳng, tưởng là vô giá trị nhưng bên trong đầy ẩn mật.
Tôi chỉ cho lão những Ebook trên Ipad và bảo: “Sách giấy đã hết thời không biết mẹ cháu giữ cái đống ấy làm gì. Mẹ chết cũng bán cho sách cũ thôi!” Lão nhìn lướt thứ tôi chỉ rồi lại chăm chú vào đống sách cũ. Tôi biết khi ấy, tâm hồn lão đã đóng sập cửa. Tôi vẫn lấy làm lạ lão ở garage, ngoài con mèo, cái túi dết, điếu thuốc lào lão chả có gì cả. Nhưng chẳng ai dám sai bảo lão. Lão tự làm, tự biết giới hạn.
Một ngày mẹ mở tủ sách, kêu lên:
“Ôi chúng không thoảng mùi ẩm mốc nữa mà thơm long não, vỏ quýt khô. Chúng rạo rực, hăm hở như được sống lần nữa dưới tay mẹ. Ai làm thế này?”
“Lão Nhặt. Lão làm sách giỏi như làm vườn.”
“Con gọi lão vậy à?”
“Thì chẳng phải ta nhặt lão từ công viên à?”
“Mình mời lão về nhà chứ không nhặt. Đừng coi thường lão. Lão có cái nhìn thâm trầm về cuộc đời, toát lên sự đau khổ, tự trọng khiến người khác không coi thường. Mẹ phải cám ơn lão về món quà tuyệt vời này.”
“Mẹ cứ trả tiền cho lão mua thuốc lào là được.”
“Không ai có thể biết nhiều về kẻ khác đâu con!”- Mẹ nói nhỏ.
Lão không nói tên, ai muốn gọi gì thì gọi. Tôi gọi“ lão nhặt”, Lâm gọi “lão chán ngắt”. Mẹ gọi “lão bí ẩn”. Thật ra khi không khẩu trang, lão chưa đủ già để gọi lão. Nỗi buồn biến lão già.
*
Sau mưa, những lối đi nhỏ trong vườn nở rộn ràng thứ hoa hồng hồng của loài dã thảo có tên huệ mưa. Tôi tha về một chậu lá xanh như ngọc, lá gối lá.
“Nó tên gì lão nhỉ? Hơi giống loại lá cháu thường hái ép vào vở hồi nhỏ với niềm tin dễ thuộc bài. Nhưng loại này mọc vô trật tự quá! Không đối, không cách chi cả!”
“Gọi nó là cây rối rắm” - Lão bảo.
Tôi kể, mẹ trầm ngâm:
“Lão này nhìn thấu hoa lá để đặt tên.”
Lão ít nói đến khó chịu. Chỉ tiếng động lịch kịch hoặc mùi thuốc lào lên tiếng. Nhưng đôi khi tôi có cảm tưởng nhặt được vàng vì việc gì lão làm cũng được. Cứ lặng lẽ làm. Mảnh vườn xơ xác đầy cỏ dại thực sự hồi sinh dưới đôi tay người lạ. Lão hùng hục xới, bón, phát bụi, xén rào. Tôi chưa thấy ai làm vườn như lão, miên man, thành tâm như lão là tội đồ bỏ vườn hoang, cây chết, cỏ tràn. Mẹ bảo lão làm để quên nỗi đau nào còn tôi bảo lão hâm. Không hâm sao lại làm hùng hục cho vườn người dưng. Nhưng kỳ diệu thay cuộc thức dậy màu xanh của lão. Mầm, chồi vùn vụt lớn trên luống đất vun xới. Chậu sắp hàng, khoe những nụ hoa kiều diễm. Rào được xén thẳng tắp, huệ mưa khoe sắc trên lối đi. Tôi hào hứng theo, mua hạt cải, vãi hạt ngò, đem giống, đem cây về cho lão. Chẳng mấy chốc có hoa ngắm, có rau ăn. Mẹ trả công cho lão bằng lương thực vì tiền lão không lấy.
Nhánh quỳnh tôi đem về lão cho tựa vào cọc tre nhỏ, dưới chân tua tủa rễ cau, trên cao nguyệt quế xòe bóng. Quỳnh lách qua đám rễ cau, ưỡn mình nhận từng tia mặt trời hiếm hoi rọi qua kẽ lá, mảnh khảnh tự tại kề bên cây cau cao vượt mái một sáng bung ra một tràng pháo hoa xanh nhạt, thơm khiết đến lặng người. Cây nguyệt quế già được tưới cũng đơm hoa. Chi chít những chùm trắng nhỏ, mỏng mảnh mà hương dày, ngát cả giấc ngủ, sâu tận giấc mơ, thơm cả ngọn gió và ánh trăng. Rồi một ngày nách lá quỳnh cựa quậy, hai nụ bé bỏng trồi lên. Một rụng, một thành hoa. Đóa hoa độc nhất chọn đêm rằm hé nở. Trong thinh lặng, dưới ánh trăng, quỳnh hoa khai, từ tốn duỗi từng cánh trắng muốt đẫm hương và ánh trăng. Lão chắp tay vái. Còn mẹ thì thào: “Khán hoa như kiến Phật.”
Lão tự nấu rồi ăn một mình trong garage. Lọ muối mè, hũ chao, chai nước tương, niêu cơm nhỏ. Có mời thịt cá, lão cũng lắc đầu. Lão bảo ăn chay để cầu nguyện, sám hối, không can dự vào sự sống của sinh linh khác. Cái mùi thanh đạm từ cái bếp chụm bằng lá khô, củi nhặt, mùi gạo quê thỉnh thoảng quyến rũ tôi. Có lần bước vào tôi thấy lão xới đến ba chén cơm, chắp tay vái rồi lặng lẽ ăn hết.
Lão không nói gì về cuộc đời mình. Dường như lão đã đóng sập nó lại và quẳng chìa khóa tận đáy ký ức. Nhưng cứ rằm là trước garage lập lòe những đốm hương tỏa mùi buồn. Mắt lão cũng buồn vô tận, ầng ậc nước giá khơi là tuôn. Tôi chỉ thấy người đàn ông vô tâm, phũ phàng như cha, bạo lực như chồng hàng xóm, phù phiếm như những người tình của tôi. Giỏi giang, câm lặng và ngập buồn như lão quả là lần đầu. Lão cũng không hề hỏi về gia đình tôi, về căn nhà rộng thiếu vắng đàn ông, người mẹ mắc chứng sợ hãi mọi thứ từ tiếng ồn, tiếng người, đám đông, bóng tối, độ cao... nhưng nhạy cảm đến độ kinh ngạc.
Garage bỏ không trở thành mái ấm của lão với con mèo. Nhìn lão chăm mèo như chăm con mà cảm động. Một gia đình hạnh phúc gồm người và mèo. Không cằn nhằn, cấu xé, đau khổ, bực bội, chỉ tràn đầy tận tụy, yêu thương. Con mèo thích mẹ vì mẹ hay cho nó ăn cá. Người đàn bà từ lâu quên cười, gương mặt mùa đông lạnh lẽo giờ đã le lói nắng. Họ không nói gì về nỗi đau, về quá khứ nhưng âm thầm thiết lập một thứ thấu cảm. Nhà tôi, vốn đã lặng lẽ khi chỉ còn hai mẹ con nay thêm lão vẫn lặng lẽ. Dường như với lão ngôn ngữ không còn giá trị thể hiện. Tôi hỏi tại sao lão ít nói thế, lão bảo: “Loài vật không biết nói nên chúng sống đơn giản, không đau khổ, nặng nề.”
Một lần vào garage, tôi thấy lão ôm túi dết nói một mình. Nói với gì trong đó hay với mèo? Nghe tiếng chân tôi, lão quay lại, mắt đỏ hoe. Sau chiều ấy tôi thường dõi theo lão. Thứ lão không rời là cái túi. Thứ lão hoảng loạn là còi xe cứu thương. Tiếng hú dài như tiếng khóc xé bầu trời bình an, xé nát tâm can lão. Nó cũng từng ám ảnh tôi bao tháng dài. Nó xé toang những gia đình. Đưa đi là người về là hũ tro.
Áp thấp nhiệt đới rồi thành bão nhỏ. Cây mận trong vườn ngả nghiêng như muốn bật gốc, đổ về một phía. Mẹ kêu người chặt nhưng lão ngăn. Lão tự làm giá đỡ cho cây, tỉ mỉ, chăm chút, gương mặt đắm đăm đến ngại.
“Đã bảo kêu người chặt, làm chi để rồi khóc bằng im lặng.”- Tôi ái ngại.
“Khóc bằng im lặng?” Lão ngẩng lên lập lại.
Không những cứu cây thoát án tử, lão còn vun gốc, trồng cây leo bò quanh giàn đỡ. Tôi khen:
“Lão đúng là người thương cây.”
“Tôi từng ác với chúng. Những thân cây vạm vỡ, cao vút chạm trời xanh bị cưa máy đốn ngã để tùng xẻo, cưa, róc. Chúng giữ cho núi khỏi lở, suối không cạn thế mà... Con người bội bạc với thiên nhiên nên bị trừng phạt. Đại dịch này cũng vì đâu mà nên nỗi... – giọng lão nghèn nghẹn rồi tắt.
Tháng Chạp trời lạnh như cắt. Mẹ bảo lên nhà cho ấm, lão vẫn gối đầu lên cái túi vải, ôm mèo nằm ghế bố. Tôi phải đem thêm chăn cho lão. Từ lâu nhà tôi không có Tết. Khi chỉ còn hai mẹ con, vẫn không ai nhóm Tết. Thế mà năm nay lão đề nghị nếu muốn gói bánh tét, lão gói cho.
Lão lụi hụi dọn vườn, vặt lá cho cây mai đã mấy mùa không trảy, quét mạng nhện, lau cửa... Tết thập thò theo lão vào nhà. Đề nghị của lão làm mẹ con tôi nhớ Tết. Mẹ bảo tôi mua gừng làm mứt. Có bánh tét phải có dưa món ăn cùng. Thế là gọt, xắn, tỉa củ, phơi nắng, nấu mắm. Thế là làm luôn thẩu thịt dầm. Hương Tết từng chút tràn vào căn bếp lạnh. Đi làm về, thấy người đàn bà vác một cành mai xuống phố, tôi dừng mua. Chị gầy guộc mà cành mai trong tay chị nụ căng mẫm, xanh bóng. Tôi không bớt còn thêm. Chị rối rít cám ơn.
28 Tết, lão rửa lá, ngâm nếp, đãi đậu rồi gói. Đêm đó lão thức canh lửa, chêm nước. Mẹ con tôi cùng thức, háo hức với cảm giác Tết lâu rồi mới có. Con mèo lim dim bên cạnh. Lão ngồi cời than. Ánh lửa bập bùng soi gương mặt trầm tư khắc khổ tạc bằng nỗi buồn.
Mẹ phá tan im lặng:
“Năm nay nhiều nhà không có Tết vì Covid lão hè!”
Chỉ một câu vô tình mà chạm thương tâm, người đàn ông thả que cời lửa, mặt nhăn nhúm, môi giật giật rồi òa khóc. Khóc như mưa. Nước tràn như lũ, rơi lộp bộp xuống những thanh củi kêu xèo xèo. Buồn vỡ toang, mảnh đau tung tóe vào đêm.
Mẹ bối rối nhìn tôi. Tôi nhẹ nhàng bảo lão:
“Khóc cho nhẹ lòng. Mẹ con cháu không cười đâu!”
Tháo nỗi buồn, tuôn cả tô nước mắt, lão đứng dậy vớt bánh. Tôi mừng khi thấy lão khóc. Nước mắt chảy vào tim mới là điều đau đớn nhất.
Lão không kể. Nước mắt đã kể. Chúng tôi không hỏi. Đứng trước nỗi đau lời nói thành thừa. Khi im lặng, tôi lắng nghe cảm nhận của riêng mình. Nỗi đau lão nhập vào vạn niềm đau khác, thành một biển đau. Trong biển đau tôi thấy cánh tay mập mạp của người đàn bà giàu có giơ lên tuyệt vọng: “Em ơi, cứu chị! Chị cho em cả nhà, cả xe nếu chị được về với con.”.“Nhà em nghèo lắm, không tiền chi trả, bao giờ em chết hở bác sĩ?” “Người đàn ông đứng dưới mưa 2 ngày trước bệnh viện vì không tin vợ là hũ tro. “Ảnh con cô đây! Xinh chưa? Nó cần mẹ, gắng lên cô ơi!” – người mẹ trẻ thu hết sức tàn nhìn tấm ảnh đứa con sơ sinh rồi hắt ra hơi thở cuối, nước mắt còn tứa...Biển đau nhấn chìm những đôi mắt F0 nuối vọng, khát sống, nhấn chìm những đôi mắt F mang số hoang lạnh thẫn thờ. Nhấn chìm bao con người cần có nhau.
Đêm cuối năm không chỉ ba chúng tôi mà còn nghìn nghịt người lạ. Họ lặng lẽ lướt qua để lại những vệt đau bầm đêm. Mẹ đưa cho lão hai đòn bánh mới vớt. Tôi biết mẹ dành cho người đã khuất. Mùi Tết từ bánh mới nấu, từ bếp lửa tàn làm tôi muốn khóc. Mùi của nỗi niềm, của năm cạn đáy, mùi ấm áp của những con người trước đây còn xa lạ. Con người cô đơn giữa mọi người, càng hòa trộn càng tản ra nhưng biết đâu khi không cố gắng hòa trộn, kết nối ta bỗng gặp người không xa lạ.
*
Thế mà khi cuộc sống dần thường trở lại, khi người lạ đã thành quen, lão thưa với mẹ con tôi lão cần đi. Khi đó tôi mới nhận ra rằng lão chỉ là khách ngụ cư. Lão cám ơn cho lão trú ẩn trong thời gian tâm hồn vất vưởng nhất, nhờ chăm sóc mèo và hứa trở lại nếu còn duyên.
Khi vào cái garage trống lạnh bởi con mèo đã theo mẹ lên nhà, tôi hình dung lão trong một căn phòng trống hoác khác với hương tàn, tro lạnh, nước mắt khô. Căn phòng ấy trước kia hẳn ấm hơi người và tiếng cười nói. Lão trốn chạy Covid hay sự trống trải và im lặng rợn người ấy?
Buồn đi, xanh ở. Cây mận vẹo cột sống đã đứng thẳng, hoa lá li ti bò lên giàn đỡ thành một tác phẩm tưng bừng hoa lá. Mẹ con tôi chăm sóc vườn không để cỏ dại mọc tràn nữa.
Sự sống vẫn tiếp diễn, không sức mạnh, nỗi buồn nào khiến nó dừng lại. Dưới ánh mặt trời, mầm mới sẽ mọc lên trên vết nứt, luống đau tâm hồn, khép lại tháng năm buồn của đời người và thế kỷ...
VN5+6+7/2024