Sáng tác

Cõi về. Truyện ngắn của tác giả Như Bình

Như Bình
Truyện
07:00 | 27/08/2024
Baovannghe.vn - Bàn tay ông Thệnh đã lạnh dần, đôi mắt mỏi mệt đã khép lại, nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời làm vợ của bà Thệnh bỗng rơi hụt vào cõi không
aa
Cõi về. Truyện ngắn của tác giả Như Bình
Cõi về - truyện ngắn của Như Bình

Khó khăn lắm ông Thệnh mới tới được nơi này. Vậy mà bây giờ ông cứ lần khần mãi. Ông nghĩ, về già con người ta càng lẩn thẩn. Suy cho cùng một đời người luẩn quẩn trong cõi dương gian cố tìm cho mình một cõi hạnh phúc mà nào có được. Với ông Thệnh, hiện tại hay quá khứ đều chỉ là một mớ kỉ niệm không có tuổi, đã rêu phong...

*

Vì sao ông tới được chính nơi này? Mọi thứ cứ tưởng như là hoang tưởng. Ông Thệnh thấy mình đã yếu lắm, rồi biết có tìm được đường về không? Ngoài kia, trắng những mồ mả lô nhô, không gian tối thẫm từng vệt hoàng hôn loang lổ. Trăng cuối tháng xuệch xoạc như một nét vẽ vội nặng nề treo ngang trời. Khói bếp nhà ai đã reo, ùn cao tầng vòng bay xòe xòe xuống đám ruộng mạ non rồi bỏ lên nghĩa địa quấn quýt lấy từng ngôi mộ. Gió thổi se se, những sợi khói mềm và dẻo như rắn quấn vào đêm. Đêm âm âm tiếng vọng của triệu triệu âm thanh dội về thành một thứ tạp âm nghe rờn rợn. Cũng thật kì lạ, nhà thằng Bính lại ở ngay nơi này, thế mà ông Thệnh cứ ngỡ nó chết trong trận đánh Cồn Cát rồi. Cuộc đời thế mà hay, gần đất xa trời rồi ấy mới biết lắm nỗi kì ngộ. Ông Thệnh đi tìm cô Mền, lại gặp được bạn chiến đấu cũ. Kẻ tình địch năm xưa nay đã con đàn cháu đống dưới quê, sống lập dị làm chóp nhà nơi đồng hoang, bầu bạn với cá sông chim trời. Thằng Bính về quê gả chồng cho cô gái út, mình ông Thệnh ở nhà, bà Thệnh mà biết ông đang ở đây trong điều kiện ăn ở thế này chắc bà tru tréo đến chết. Lâu lắm rồi trong nhà cao cửa rộng chăn ấm nệm êm lắm khi ông Thệnh không còn thiết nhớ đến quá khứ. Nhưng quá khứ là một cái hõm đầy máu nằm sâu trong tim, cố lấp đầy chỉ thêm khơi sâu, dễ gì mà quên được. Chỉ cần mình tròng trành tấm thân một chút máu ở hõm lại rỉ ra đau nhiều hơn là buồn. Ông Thệnh trọng trẹo tấm lưng còng. Ông ngồi cú rú bên bếp lửa, chân tay đau rừ không buồn nhúc nhắc. Hai bàn tay, từng ngón dài quá khổ quắp vào nhau không sao ngay ra được. Mùa đông qua rồi mà ông Thệnh không thôi rét. Đêm giao mùa, ông Thệnh thấy khó ở. Ông cắp một nắm hương gác trên giàn bếp rồi xách đóm bước ra nghĩa địa.

Lửa hắt chập choạng trên những ngôi mộ, chập choạng theo bước chân của ông Thệnh. Ông Thệnh đốt hương, sợi hương bay lác rác từng chấm đỏ. Ông cắm một vòng hết lượt những múp đất chen nhau. Chiều qua ông và Bính cãi nhau. Thằng Bính cứ quả quyết đây là mộ của các cô gái Thanh niên xung phong thuộc phân đội cô Mền, còn ông lại nghĩ rằng có thể chỉ là những múp đất người ta đào ruộng rồi tiện thể úp lên. Mà thôi, cãi nhau làm gì, biết đâu đó là chốn của những linh hồn lạc loài trú ngụ trong cõi về. Nhưng có một điều ông Thệnh biết rất rõ đây là đất thiêng, nơi ông đã tự tay chôn cô Mền. Cây cảnh giới cả Bính và ông làm dấu nay đã tỏa cành sum suê cổ thụ, dân làng đi làm đồng cấy lúa xung quanh chừa mô đất này ra. Ai đó để cái bát vỡ vào gốc cây làm thành chỗ cho bà con cầu khấn mùa vụ. Gốc cây cảnh giới đen quắt lại vì khói hương vậy mà cành vẫn đậu trái xum xuê ăn ngon ngọt. Hôm tới đây, ông Thệnh rớt nước mắt vừa tủi vừa thương. Vậy là Mền vẫn nằm đây từ bấy đến nay chẳng có ai đưa về. Ông Thệnh đã giận thằng Bính lắm, nó cãi ngang ngang. "Mả người khác họ còn cày lên làm ruộng, nhà tui ở giữa đồng, Mền cũng ở được dưới đồng." Ông Thệnh không buồn nói, vì giải thích nó cũng không nghe, tính nó vẫn bướng. Ngày xưa hai thằng thân nhau lắm, đi bộ đội cùng nhau rồi cùng yêu một người. Nó tuyên bố xanh rờn: "Nếu cả ba còn sống, tui và ông phải làm một keo vật, ai thắng thì được lấy Mền, bằng không tui chết, coi như Mền của ông và ngược lại." Ngày ấy ông Thệnh nói gở: "Lỡ Mền chết thì sao." Thằng Bính trợn mắt "Thì tui cũng chết, xuống âm phủ tha hồ cưới nhau, đỡ ông quấy quả." Ông Thệnh giận thằng Bính, ấy thế mà bây giờ nó sống nhăn răng ra đó, không thèm đưa Mền về nghĩa trang. Cái thằng thế mà tệ.

Hai tay ông Thệnh cào cào lên chóp mả. Bữa trước ông mới xủi cỏ thế mà chưa được vài ngày cỏ dại đã chóe lên xanh non phủ kín chóp mả. Ông Thệnh nao cả người không hiểu sao ông không dứt ra nổi với những công việc luẩn quẩn này. Lẽ ra ông phải đưa cô Mền về nghĩa trang sớm hơn. Ông đã có gần 30 năm chuẩn bị cho công việc này. Vậy mà khi tới đây rồi ông lại không thể. "Mền ơi!" ông Thệnh bật khóc, tiếng khóc rền rĩ của ông Thệnh trôi trong đêm trên những chóp mả. Đốm hương bắt gió xòa cháy sáng lòe.

*

Chưa sáng đã có người đến quấy. Ông Thệnh lấy làm khó chịu vô cùng. "Anh Thệnh ơi, chú Thệnh ơi! Bác Thệnh ơi!" Tiếng réo gọi tên ông Thệnh râm ran. Ông Thệnh mệt mỏi trở dậy. Nắng rọi chênh chếch qua khe cửa. Ngoài sân một đám đàn bà con gái cô mười tám đến hai mươi lăm đang tấp nập đi lại nói cười đùa giỡn. Chúng ngồi tùm tum xổ tóc ra bắt chấy cho nhau cười râm râm. Một dám thì bu xúm xít bên lu nước kê cạnh góc sân, múc nước dội ùm ùm. Đứa gội đầu, đứa tắm, vừa làm vừa chọc nhau, nước đổ tung tóe ra sân. Ông Thệnh nhấp nhóm. "Rõ khỉ cái bọn tùm lum nào vô nhà ông mà phá phách thế." Rồi ông chợt ngây người ra mà nhìn. Tiếng gọi nhau í éo. Thôi, ông phải dậy mắng cho chúng nó một trận. Gái gớm gì mà dạn dĩ thế. Chưa kịp thả chân xuống đất chợt hai bàn tay mát như đất thịt bịt lấy mắt ông Thệnh đè nghiến ông nằm xuống. "Ô hay, cái bọn nào mà quá quắt thế. "Ông Thệnh lẩm bẩm. Đôi bàn tay mát rượi luồn vào cổ ông, vào nách ông cù nhẹ. Ông Thệnh nhột oằn cả người. Một giọng đàn bà ngọt lịm thì thầm bên tai ông. "Anh Thệnh ơi, già rồi mà còn nhìn trộm đàn bà tắm là xấu lắm nhé.”

Ông Thệnh quay người lại, cô gái giấu mặt vào mớ tóc dài như suối khẽ ngượng nghịu cười. Ông Thệnh quát, giọng run run "Các cô ở đâu mà kéo nhau cả đàn về phá phách nhà tôi thế?" Cô gái vùng dậy chạy ra ngoài sân, tức thì cả đám ngoài sân chạy ùa vào nhà hè nhau vây chặt lấy ông Thệnh. Đứa tay, đứa chân thi nhau cù tiếp vào cổ vào nách ông Thệnh. Ông Thệnh trợn mắt kêu không ra tiếng vậy mà chúng cứ thản nhiên vày vò ông đến bã. Một cô trông bặm trợn nhất dí tay vào trán ông Thệnh cười cười "Gớm, biết tính ông anh cảu rảu thế này tụi em chẳng ghé vào chơi làm gì. Lâu lắm rồi chẳng có ai thèm nhớ tới tụi em, chỉ có anh là vẫn còn nghĩ tới tụi em. Mà sao ông anh dẩu người thế. Thì chính hôm qua ông anh gọi tụi em đến chơi mà." Một cô khác ló gương mặt tròn tròn, đôi mắt thập thò tinh nghịch chen vào... "Ông anh ơi, dễ chừng ông anh đuổi thì tụi em xin đi, đừng quá nóng nảy. Tụi em lâu không được tắm gội, sẵn nước mát tụi em nhờ vả tý, ông anh đừng giận nhé." Cô gái vừa nói vừa đập tay lên vai ông Thệnh. Cả bọn lại ôm nhau cười ré lên khanh khách. Cô gái có gương mặt trắng ngà và mái tóc dài như suối chạy ôm lấy cổ ông Thệnh nũng nịu: "Bác Thệnh ơi, mẹ cháu vào chơi với bác?" Ông Thênh dụi mắt, gương mặt trắng ngà chập chờn ẩn hiện. Đôi mắt đen thắm lúng liếng cười. Thôi chết, có phải Mền đó không? Mền ơi! Mền! - Ông Thệnh thấp thỏm gọi. Cô gái lại cười. "Cháu! Cháu là con gái của mẹ Mền. Mẹ cháu đang gội đầu ngoài kia kìa.” Ông Thệnh lập cập nhìn ra ngoài sân. "Có phải Mền đấy không? Thôi đúng là Mền rồi." Cái cổ trắng ngần đang cúi xuống, mớ tóc dài như suối xổ tung ra hai tay Mền đang vắt những dòng nước ở đuôi tóc. Ông Thệnh bò khỏi giường lập bập bước ra sân thều thào gọi. "Mền, Mền ơi! Cô vẫn còn sống sao?" Nghe tiếng gọi của ông Thệnh, bọn con gái lại ùa vào đứa xách tay đứa ôm chân lôi ông Thệnh vào nhà, đứa cù tai cù nách ríu ran cả lên. "Thôi mà, chẳng có bà Mền nào hết. Ông có mơ ngủ không?" mồ hôi ông Thệnh rõ từng giọt. Gió thổi qua lớp mái tranh lếch thếch trước hiện nhà. Ông Thệnh không tin ở mắt mình nữa. Rõ ràng Mền đứng đó, gương mặt lênh loang nước, đôi mắt buồn nhìn ông thăm thẳm. Đám đàn bà con gái lục cục dưới bếp thổi cơm. Những cái cổ trắng ngần, những khuôn ngực phập phồng, những mớ tóc đổ dài như suối. Những cặp mắt óng ánh ánh lửa.

*

Chiều đổ xuống nền sân nhà nắng vàng sóng sánh. Tiết Thanh Minh, đám mạ non dưới ruộng lên đầu tăm tắp xanh mởn. Lũ đàn bà con gái đã nấu chín cơm đang hí húi xới ra bát. Ông Thệnh mệt đến không nhấc nổi mình ra khỏi giường. Đám khách nữ yêu này quấy ông muốn chết. Mền đang sắp cơm ra mâm. Từng bát cơm úp bày la liệt nhiều đến nỗi không đếm xuể. Ông Thệnh gọi "Mền! cô Mền ơi!" Chẳng ai đáp lời ông. Ông Thệnh gắng gượng trở dậy tìm chiếc gậy. Ông thấp thỏm bước về phía thơm thoáng tiếng nói cười. Vừa đi ông vừa gọi "cô Mền ơi. Cô đừng giận tui, tui đi tìm cô đây... cô Mền ơi". Lần xuống đến cửa bếp thấy vắng hoe, ông Thệnh lập cập lên nhà trên. Nhà cửa vắng tanh vắng ngắt. Thấy mỗi mẹ con cô Mền đứng ôm nhau bên la liệt những bát cơm úp. Ông Thệnh run rẩy cất tiếng, "Sao? Các cô ấy đâu hết cả rồi." Cô Mền cúi đầu đáp khẽ. "Họ về nhà cả rồi." Ông Thệnh thánh thốt: "Nhà họ đâu." Cô Mền chỉ tay ra cửa. Ông Thệnh dụi mắt mãi nhưng chỉ thấy độc một màu trắng bàng bạc. Hình như sương mù dày đến độ không thấy gì. Ông Thệnh hỏi. "Các cô ấy là ai thế?" Cô Mền buồn rầu đáp: "Thì ra ông quên hết rồi. Bạn bè tui, bạn bè ông cả đấy. Bao nhiêu năm ở chiến trường sống chết với nhau vậy mà ông vội quên thế." Ông Thệnh ngơ ngác "Họ chết cả rồi mà." Cô Mền rầu rĩ "Chết không có nghĩa là mất. Nhưng linh hồn của họ đấy, họ ở quanh đây cả. Tại vì ông là người trần nên ông không thấy đó thôi." Ông Thệnh ngạc nhiên hơn "Sao họ không được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ." Cô Mền cười héo hon: “Chiến tranh, loạn lạc, biết đâu mà tìm. Bây giờ chỗ của các cô ấy, bà con đã cày ruộng trồng lúa lên rồi. Âu cũng mỗi người một kiếp, cả khi đã chết." Ông Thệnh ngồi thụp xuống ghế. "Mền ơi, thế đây là con chúng mình phải không?" Cô Mền cúi đầu. "Ngày đó thì vậy nhưng bây giờ nó đã là con của anh Bính rồi. "Ông Thệnh xanh lợt mặt mày. Cô Mền dắt tay cô con gái và đi nhanh ra phía cửa. Ông Thệnh nhìn thấy mâm cơm chưa ai đụng đũa gọi với theo. "Cô Mền ơi! Khoan đã. Sao không bảo các cô ấy ăn cơm đã. Lúc nãy thấy đứa nào cũng kêu đói mà." Tiếng ông Thệnh chưa dứt thì mẹ con cô Mền đã mất hút. Ông Thệnh run rẩy nhìn theo. Ông không hiểu điều gì đã và đang xẩy ra, ông không đủ sức để đuổi theo những bóng người kia nữa. Nước mắt ông rỉ ra, ông Thệnh thấy người nhẹ tênh như là bay trong không gian vậy.

Ông Thệnh chống gậy đi về phía gò đất. Tiết Thanh Minh, những bông cúc đất nở trắng xóa trên mộ cô Mền. Thôi ông phải từ giã Bính, từ giã Mền để về thành phố thôi. Mền bây giờ đã có Bính chăm sóc. Mà sao ông lại tới muộn thế chứ. Ông Thệnh ngồi xuống bên nấm mộ và cảm thấy mỏi mệt vô cùng. Đám hương hôm qua ông đốt đã cháy hết. Gió gào mạnh thế mà lõi hương không tàn cháy cong cong về phía mộ. Ông Thệnh thấy đầu váng vất. Ông lê bước vào nhà. Căn nhà ông ở đêm qua đã kịp mọc thêm vài đám nấm mốc. Ông Thệnh xuống bếp, bếp lạnh te, mọi thứ vẫn nguyên, nước vẫn đầy ắp, như cũ. Trước sân, vài con nhện láu lỉnh đã vội giăng tơ nơi từ cọc úp gáo nước tới thành lu, sương đọng một dải trong như ngọc.

Căn nhà ông bà Thệnh chộn rộn. Người tới đông kìn kìn. Gần một tháng nay, ông Thệnh trong tình trạng mê man. Con cháu Nam Bắc nhận được điện của bà Thệnh đã kịp về đông đủ. Ông Thệnh nằm rúm ró, người dính bệt vào chiếc nệm cao tới gần nửa mét. Xung quanh ông chất đầy sâm và thuốc quý hiếm của con cái mang về. Bà Thệnh ngồi một bên cầm lấy tay ông, gương mặt bà cũng đột nhiên vô hồn và đờ dại. Bác sĩ quả quyết là ông Thệnh đã tắt thở. Nghĩa là đã chết. Vị linh mục già được mời đến làm lễ thì chắc chắn rằng ông Thệnh đã tịnh hồn lạc vào cõi âm rồi không còn trở lại nữa. Con cháu tề tựu sẵn sàng chuẩn bị làm những công việc còn lại để linh hồn người đã khuất được an lành. Mỗi bà Thệnh là thấy vô lí. Bà biết sớm muộn gì thì ông cũng bỏ bà mà đi nhưng sao chẳng hề nói với bà lấy một lời. Cả khi bên bà, khi xa bà điều vô lí ấy luôn tồn tại không thể lí giải. Bà Thệnh thấy đau rát ở ngực. Bàn tay ông Thệnh đã lạnh dần, đôi mắt mỏi mệt đã khép lại, nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời làm vợ của bà Thệnh bỗng rơi hụt vào cõi không nghe thảng lạnh đến lạ.

Lập Xuân 1997.

N.B

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Văn nghệ Trẻ, số 10/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn