Diễn đàn lý luận

Nhà văn Đức Hậu với trang đời đầy đặn

Chân dung văn học
09:38 | 06/10/2021
Đọc văn Đức Hậu, tôi hay nghĩ đến chính con người anh trong đời thực. Anh không thuộc loại người đa ngôn và xảo ngôn. Bình thường anh không ưa nói nhiều, nói dài. Anh thích lắng nghe và nhìn ngắm. Rồi suy ngẫm. Có đổi khác chăng ấy là khi gặp tri âm, tri kỉ. Nhất là trong men rượu…
aa

Đọc văn Đức Hậu, tôi hay nghĩ đến chính con người anh trong đời thực. Anh không thuộc loại người đa ngôn và xảo ngôn. Bình thường anh không ưa nói nhiều, nói dài. Anh thích lắng nghe và nhìn ngắm. Rồi suy ngẫm. Có đổi khác chăng ấy là khi gặp tri âm, tri kỉ. Nhất là trong men rượu…

Ông Cam và ông Bái là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Cả hai ông đều là bạn của nhà văn Đức Hậu. Nhiều tác phẩm văn học của các ông đã đoạt giải cao trong các cuộc thi do hội văn học nghệ thuật và các ngành tổ chức. Một số tác phẩm đặc sắc của các nhà văn đã đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.

Việc viết lách đối với những người cầm bút, không dừng lại ở bất cứ tuổi nào. Các ông luôn nói với nhau rằng: “Còn thở được là còn viết được. Viết để tăng thêm niềm vui. Viết để cho thêm đẹp cuộc đời”. Hôm nay, hai ông đang thư thái, ngồi dưới bóng mát của ba cây sấu, vừa đánh cờ tướng, vừa tâm sự với nhau về nhân tình thế sự. Đang say sưa với những quân cờ thì bà Thùy xuất hiện. Bà Thuỳ lên tiếng phá tan bầu không khí tĩnh mịch:

– Ối giời ôi. Cứ tưởng là có chiến tranh. Thoạt nghe cứ thấy pháo, mã, ngựa, xe. Cứ thấy tắc, đụp, đùng, đoành, nghe đến rợn cả tai. Thì ra là hai ông tướng nhà văn chơi cờ tướng. Gớm, gớm, đánh cờ tướng mà cứ như là đánh trận ấy. À, ông Cam ơi, ông dừng chơi cho tôi hỏi câu này: Ông có cuốn sách gì mà dày thế kia? Ông Cam đưa cuốn sách cho bà Thùy mà rằng: “Đây là pho sách quý mà nhà văn Đức Hậu vừa tặng tôi”.

Bà Thùy lại nói như bắn liên thanh:

– Nhà văn Đức Hậu thì tôi biết. Đức Hậu họ Vũ, sinh năm 1947, âm lịch là năm Đinh Hợi. Vũ Đức Hậu sinh ra ở làng Tam Lộng, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy. Cuộc đời của ông đầy gian nan vất vả. Ông vào nghề thợ mỏ từ năm 1965. Là thợ mỏ nhưng ông có năng khiếu viết văn. Năm 1967, Đức Hậu tròn hai mươi tuổi viết truyện ngắn đầu tay mang tên “Niềm Vui”. Truyện ngắn niềm vui được in trong tuyển tập truyện ngắn Quảng Ninh. Tiếp theo là rất nhiều truyện của Đức Hậu được đăng trên báo Văn Nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Năm 1969, ông được chuyển công tác về ty văn hóa Thái Bình và được chọn cử đi học trường viết văn trẻ của hội nhà văn Việt Nam. Năm 1973 đến công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, làm chủ tịch hội suốt từ năm 1990 đến năm 2007. Những năm 2000 đến 2005, Đức Hậu là ủy viên ban văn hóa xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình…

Cứ thế bà Thùy nói như đọc trong sách về tiểu sử cuộc đời của nhà văn Đức Hậu. Ông Bái đã mấy lần định cắt ngang nhưng không được. Mãi đến khi bà Thùy tạm dừng để lấy hơi thì ông Bái mới nói xen:

– Chắp tay vái bà Thùy đủ mười vái, phục cái tài nhớ dai của bà. Nhớ về Đức Hậu như thế hẳn là bà quý ông ấy lắm? Ấy là tôi nói về đức tính và nghiệp văn của ông ấy. Tuy nhiên: Thưa bà Thùy kính mến, bà nói bấy nhiêu đã là dài nhưng vẫn chưa đầy đủ. Để tôi bổ sung cho bà thêm một đoạn nữa nhé:

Từ năm 2001 đến 2015: Vũ Đức Hậu là Trưởng ban Công tác nhà văn khu vực phía Bắc của Hội Nhà văn Việt Nam, 5 năm là Ủy viên đoàn chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thái Bình.

Ông Cam vừa im lặng lắng nghe câu chuyện của ông Bái và bà Thùy, vừa chăm chú vào những con chữ được in trong tuyển tập Đức Hậu. Bây giờ ông Cam mới lên tiếng:

– Để tôi đọc cho các vị nghe một đoạn mà nhà văn Mã A Lềnh đã tả về Đức Hậu: “Dáng to cao lịch lãm, tóc xoăn sóng tự nhiên, đôi mắt nhìn sâu thẳm được tô điểm bằng hàng ria đậm. Đó là hạng quý tộc thượng lưu, đầy uy quyền và sang trọng thời Phục Hưng…”. Để yên, tôi đọc tiếp đoạn này nữa, vẫn là nhà văn Mã A Lềnh viết: “Một thường dân miền núi thô mộc là tôi, lại được làm bạn với Đức Hậu là cơ may hay là duyên hữu? Có lẽ cả hai! Vì chúng tôi cùng theo một triết lí nhân sinh. Nhưng tôi thấy mình thật may mắn”. Bà Thùy bảo: “Tôi cũng vậy và cả một số khá đông văn nghệ sỹ khác đều có chung suy nghĩ như Mã A Lềnh. Nhưng, tôi vẫn chưa hiểu là tại sao Đức Hậu đang là thợ mỏ lại chuyển công tác về văn hóa Thái Bình không?”. Ông Cam nói luôn: “Phải khẳng định là Đức Hậu vừa có tài, vừa có chí. Vừa lao động, vừa học thêm và tiếp tục viết văn. Năm 1969 trong một chuyến về phép thăm quê, Đức Hậu được các ông Hồng Dương, Thanh Long gợi ý, ông xin chuyển về công tác tại Ty thông tin văn hóa Thái Bình, làm cán bộ biên tập, sáng tác văn nghệ. Ông Bái nói với bà Thùy: “Trong tập sách dày một nghìn hai trăm ba mươi trang, nhà văn Đức Hậu đã chọn lọc, đăng tải ba mươi bảy truyện ngắn, hai tiểu thuyết, mười chuyện viết cho thiếu nhi, mười một chân dung văn nghệ sỹ và bảy bài thơ đặc sắc nhất. Còn có đến mười bốn bài viết của nhiều bạn bè luôn ngưỡng mộ Đức Hậu và quý trọng con chữ của ông”.

Ông Cam bảo:

– Bài thơ “Truyền thuyết chiếc cầu đá” Đức Hậu viết trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hồi tháng 9 năm 1979. Một bài thơ tuyệt hay, một bài thơ sống cùng năm tháng. Tôi rất thích bài thơ ấy, để tôi đọc bài thơ ấy cho các vị nghe. Đọc bài thơ truyền thuyết chiếc cầu đá của Đức Hậu, tôi thấy trong lòng mình trào dâng một cảm giác hào hùng. Và không để ai phải đợi, ông Cam cao hứng ngâm thơ:

“Niên đại không còn để tính thời gian

Bàn chân trần bao lớp người mài mòn mặt đá

Con cháu bao đời ngồi nghe ông kể

Truyền thuyết về chiếc cầu dài mãi thêm ra

Dưới bóng tre làng xao xác ngàn xưa

Vó ngựa canh thâu gọi hồn non nước

Trai làng mắt sáng như gươm, lông mày lưỡi mác

Bên cầu mài kiếm dưới trăng

NƯỚC bẩn phải rửa bằng gươm

NƯỚC sạch giặc rồi, cởi áo khăn thô, tắm sông Như Nguyệt”

Bà Thùy tâm đắc, cứ tấm tắc khen hoài ý thơ hào sảng. Câu thơ “NƯỚC bẩn phải rửa bằng gươm” là nhà văn Đức Hậu lấy cảm hứng từ câu nói của người xưa: “Trăm thứ bẩn thì lấy nước mà rửa, NƯỚC bẩn thì lấy gươm mà rửa” đấy cấc ông ạ.

Ông Bái cao hứng ngâm thơ chung với ông Cam:

Ngày về xuống ngựa bên cầu

Cởi áo nâng gươm, vái cùng non nước

Đất nước bốn nghìn năm đánh giặc

Giặc kéo vào từ Nam, Bắc, Tây, Đông

Giặc vào làng qua chiếc cầu bỏ ngỏ,

Làng vắng tanh không một tiếng gà

Giặc vào làng, giặc không có đường ra

Ánh chớp căm hờn trong nghìn con mã tấu

Trai làng rửa NƯỚC bằng gươm!

Các cụ già rửa máu giặc trên cầu bằng nước của dòng mươmg

Cầu lại hiền – những đêm trăng hẹn ước

Bà Thùy giơ tay ra hiệu. Bà nói như phát lệnh: Sì -Top! Các ông quá thuộc bài thơ của Đức Hậu. Còn đoạn ba, các ông ưu tiên tôi độc ngâm nhé:

Đất nước bốn nghìn năm đánh giặc

Vợ tiễn đưa chồng nắm cơm gói mo cau

Mẹ tiễn đưa con bịn rịn bên cầu

Giữa buổi cày tha trâu đi cứu nước

Ngày trai trẻ ra đi, ngày về tóc bạc

Lại gặp chiếc cầu trước cổng làng quê

Giữ đất của cha ông quét sạch mọi kẻ thù

Để lại bên cầu những đêm trăng hẹn ước

Các vị thấy không, đọc bài thơ mà lòng ta trào dâng niềm tự hào dân tộc. Đất nước bốn nghìn năm đánh giặc

“Ôi chiếc cầu của nghìn năm đất nước

Mỗi làng quê mang dáng một chiếc cầu”.

Ông Cam nói chậm rãi:

– Nhà văn Đức Hậu viết văn, viết tiểu thuyết đã rất tuyệt vời. Chất nhân văn, tính uyên bác trong văn của Đức Hậu được thể hiện rất đầy đủ trong các truyện: Khúc giã biệt, Người đàn bà ám ảnh, Ngài Công Sứ, Cố nhân và rất nhiều truyện khác. Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Trung đã cảm nhận sâu sắc sau khi đọc truyện ngắn “Ngài Công Sứ” của nhà văn Đức Hậu: “Trong những tác phẩm quen thuộc trước nay, Đức Hậu chủ yếu phô ra sự lịch lãm trong vốn sống, còn ở “Ngài Công Sứ”, anh lại cho ta hay sự đầy đủ của vốn văn hóa. Với nhà văn, cả hai vốn ấy đều rất cần, không biết bao nhiêu và đến khi nao là đủ. Có điều: tất cả phải được soi rọi bởi một thứ ánh sáng tư tưởng cao sâu, lại phải thật sáng và thật trong. Qua truyện ngắn “Ngài Công Sứ” tôi muốn hiểu nhà văn còn là lương tri của thời đại nữa. Vai trò của nhà văn luôn được xã hội tôn vinh là vì thế…”

Ông Cam nói rất vui, giọng nói của ông có phần rất kính nể tài viết văn của nhà văn Đức Hậu: “Tôi được tặng pho sách quý này, muốn viết một cái gì đó để tặng lại nhà văn họ Vũ, nhưng: Đã có rất nhiều người viết về Đức Hậu. Phó giáo sư – Tiến sỹ Phạm Quang Trung viết: “Đọc Đức Hậu tôi hay liên tưởng đến nhà văn Paulo Coelho, người vừa được bàu vào Viện hàn lâm văn chương danh tiếng của Brazil. Lạ thay hai nhà văn của hai dân tộc đều sinh vào năm 1947. Tôi để ý đến sự tương đồng giữa Paulo Coelho của Brazil với Đức Hậu của Việt Nam ở hai nét chính: một là lối viết giản dị. Do cách viết này mà nhà văn Brazil được bàu vào viện hàn lâm văn chương… Hai là khả năng khám phá chính mình… Văn Đức Hậu thật dung dị mà cũng thật ám ảnh. Có cảm giác anh đã bước vào giai đoạn đắc đạo khi tỏ rõ sự thuần thục trong nghề viết… Đọc văn Đức Hậu, tôi hay nghĩ đến chính con người anh trong đời thực. Anh không thuộc loại người đa ngôn và xảo ngôn. Bình thường anh không ưa nói nhiều, nói dài. Anh thích lắng nghe và nhìn ngắm. Rồi suy ngẫm. Có đổi khác chăng ấy là khi gặp tri âm, tri kỉ. Nhất là trong men rượu… Trạng thái ngà ngà lại có cái hay riêng. Cuộc sống quanh ta có phần huyền ảo, lấp lánh hơn, vì vậy mà đáng yêu hơn. Nhất là ta như sống thật hơn với mình và với người. Phải chăng đó là một trong những điều đáng quý mà tôi bắt gặp trong văn và trong đời Đức Hậu”.

Nhà văn Đỗ Trọng Khơi nhớ lại cái thuở ban đầu, khi Đức Hậu vừa được bàu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và đã viết trong “Sông càng sâu càng trầm”: “Nhà văn Đức Hậu sáng tác bằng nhiều thể loại. Tiểu thuyết, kí, chân dung, phê bình, tản văn và thơ. Ở thể loại nào nhà văn Đức Hậu cũng tỏ rõ là một cây bút nhà nghề am tường, lão luyện và đều ghi được thành công… Tuy vậy: luận về sự nghiệp văn chương thì hầu hết các bài phê bình đều thống nhất một nhận định: Truyện ngắn là thể loại mà Đức Hậu đã lưu được dấu ấn nghệ thuật, an trú được sinh mệnh văn chương của mình”.

Nhà văn Võ Bá Cường khẳng định: “Anh em trong làng văn nghệ Thái Bình đều nhìn anh bằng con mắt ông thầy của truyện ngắn. Chữ trong truyện anh dồn chặt như các cụ xưa vào nống nong, nống nia, chữ nghĩa cứ chan chát, chặt như nêm cối. Câu văn ngắn mà sang, nhân vật của anh hầu hết là trí thức, am hiểu, sống trầm tĩnh, từng trải…”

Nhà thơ Trần Đức Hiền dày công viết nên bài “Chất lãng mạn và uyên bác trong tuyển tập Đức Hậu” có đoạn: “Ông đã có thành quả rực rỡ được ghi nhận và đánh giá bằng 15 giải thưởng và các huân, huy chương, các bằng khen của các cơ quan bộ, ngành và của Thủ tướng Chính phủ. Truyện ngắn là thể loại được xem là thành công hơn cả của tài văn Đức Hậu. Trong tất thảy các truyện của ông, ta luôn bắt gặp những cuộc hội thoại của các nhân vật đại diện cho mọi tầng lớp, trí thức, quyền lực, tình yêu thuở học trò, tình yêu trong chiến tranh, những mất mát, đổ vỡ, giận hờn, yêu thương, được thể hiện sinh động qua các trang viết. Hình ảnh những người nông dân thấp hèn trong đọa đày, tủi nhục được ông phản ánh thực tế cuộc sống cho cả một quá trình, một hệ thống xã hội trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Trong tuyển tập này, “Khúc giã biệt” và “Người đàn bà ám ảnh” là hai truyện ngắn rất hay được viết từ một hồi ức đau buồn của những con người cụ thể trong cả một thời kỳ tủi nhục, đau thương”. Tôi không giỏi chữ nho nhưng nghe nhà văn Võ Bá Cường chiết tự cụm từ Đức Hậu, tôi thấy vui vui: “Cái tên Đức Hậu cứ ám vào đời anh. Hậu nghĩa là dày, chữ Đức đứng trước chữ Hậu, các cụ muốn anh có đức dày. Sau này anh sinh ra một người con trai, đặt tên là Đức Hạnh. Đức là tốt, ở trong lòng có Hạnh, đem thi thố với thiên hạ. Rồi con gái được anh cưng chiều, mang cái tên là Phúc. Chữ Phúc đi liền với chữ Hậu. Phúc đức nhà anh đều dày và các con anh đều học giỏi, sống theo nền nếp gia đình. Chỉ có gia đình bố mẹ thờ chữ Tâm mới theo đuổi được ý nghĩa đó”. Nhắc đến chữ Tâm, tôi lại nhớ câu nói đầy ý nghĩa của Đức Hậu, mà bất kì người cầm bút nào cũng thích: “Mọi thứ tài năng, trí tuệ và lao động của nhà văn cuối cùng xoay quanh một chữ Tâm. Chữ tâm ấy là chất men làm nên thứ rượu riêng của mỗi nhà văn để mời bạn đọc. Nếu con mắt lệch, tất lời nói cong. Tôi coi trọng chất lượng hơn số lượng trong sáng tác. Chỉ viết ra những gì mình đã trải nghiệm, trăn trở. Bởi vì thời gian sẽ xóa sạch hàng nghìn trang nhạt nhẽo, chỉ để lại trang đời đày đặn của tấm lòng nhà văn. Có ba cách làm việc của nhà văn: Nghĩ nhiều viết nhiều; nghĩ ít viết nhiều; nghĩ nhiều viết ít. Tôi thuộc loại thứ ba”. Cách viết văn của nhà văn Đức Hậu giản dị, dễ hiểu. Có được cách viết sinh động thu hút bạn đọc là do nhà văn Đức Hậu siêng năng học hỏi, học trong trường lớp, học trong sách báo, học ở trường đời và học cách viết văn của nhà văn lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa của toàn nhân loại. Ông Cam nghĩ sao nói vậy, ông Bái và bà Thùy chăm chú lắng nghe.

Bà Thùy bảo:

– Ông Cam chỉ cần tổng hợp những đoạn văn mà bạn bè viết về Đức Hậu, như thế cũng đã dựng lên hình tượng một nhà văn mà ông và chúng tôi ngưỡng mộ.

Ông Bái gật đầu tán thành ngay.

Nguồn Vanvn.vn


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...