Sáng tác

Quán Tươi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân

Nhà văn Nguyễn Tuân
Danh tác văn học
21:05 | 06/07/2024
Ông cụ em kêu chữ “Quán Tươi” ngô nghê cọc cạch... Chả là vì em cứ thấy các anh ấy qua lại đây lúc nào cũng nói đến chữ “tươi” nên em đặt luôn cho quán.
aa

Khâu đeo ba lô vào tỉnh sớm quá đấy. Mấy dãy lều chợ thị xã chưa ai ngồi. Nhưng không hề gì. Chẳng mấy chốc sẽ tắt nắng, chợ chiều sẽ họp. Khâu nhớ câu của anh bạn về đây chuyến trước:

- Mình bây giờ nhiều hơn thời Đế quốc. Chiến tranh mà lại hóa ra đông người thêm thế có lý thú không! Cứ chiều đến là các nơi ngồn ngộn người đi, người đứng người ngồi, chợ phố ê chề miếng sống miếng chín và ngùn ngụt hơi người tiếng người.

Qua dãy hớt tóc, Khâu đều nhô đầu vào cười một cái, ngắm bóng mình trong gương to của mỗi gian. “Xin mời anh cứ soi tự nhiên”. Tất cả bấy nhiêu anh thợ xén nhếch mép theo Khâu, cái tay rỗi việc vẫn lách cách chiếc kéo nghề. Khâu đi thẳng ra ngoài tỉnh, ngắm nghía một quán cà phê không có gì là “máy chém” lắm. Cô bán cà phê không lộng lẫy, phích phiếc, cốc kiếc, thủy tinh đều sạch sẽ một vẻ trung bình.

- Không, tôi không uống cà phê. Chị cho tôi một cốc trứng đường.

Thế rồi Khâu lại chồm luôn ra đường cái reo to:

- Hay quá lại sẵn hiệu vá dép ngay đây.

Miệng nói tay tháo phăng dép đưa luôn cho ông cụ đeo kính ngồi giữa một thế giới da, ruột lốp cao su đen, cao su đỏ:

- Xin cụ cho cháu mấy mũi vào hai chỗ quai gần đứt này. Cháu lấy ngay đấy ạ.

Đằng sau lưng Khâu, một người nói qua vai chàng, nói vào trong hiệu dép:

- Cụ làm sớm cho tôi, tôi đi ngay đấy cụ ạ.

Khâu chợt để ý đến một cỗ yên ngựa giữa hàng lòng thòng mấy sợi chỉ gai đính dở vào các bàn đạp. Cô cà phê nói vọng sang:

- Mời ông về xơi trứng kẻo nguội.

Có tiếng ầm ầm ình ình gần mãi lại. Khâu lắng. Không khéo lại tàu bay!

- Thưa ông tiếng xe bò đấy ạ. Vâng xe bò.

Cô hàng không nói đùa, nhưng Khâu cứ bước ra ngoài. Đoàn xe bò thật, nhưng cái xe rất mới, thùng xe ăm ắp áo quần đồng phục mới tinh màu lá cơi và chăn kháng chiến thì vô kể là bó đang nhảy nhảy theo đà xe. Anh Vệ quốc mặc quần áo mới đẩy xe mới chạy băng băng, anh nào cũng có vẻ phởn. Ra đều thông thạo, anh đồng chí có cỗ yên ngựa khâu dở, cắt nghĩa ngay cho mọi người:

- Chả là năm nay rồi cái gì cũng đều tiến tới chính quy kết. Quân trang, quân lương phải là xe bò mới được. Không thể gánh được như trước nữa. Gồng gánh trông không khoa học một tý nào. Ấy, bây giờ là mình đều đắp lại, nắn lại những đường đào mà lại! Này khéo không mà dép của ông cụ đâm ra hỏng kiểu đấy nhá. Ông cụ không thấy các cấp chỉ huy bây giờ toàn đi giày da, có cổ cả đấy à! Cuối năm nay, cả binh nhì chúng tôi cũng đều là tiến tới đi giày mà hành quân tất cả kia đấy.

Ông cụ cứ khâu tiếp, nhìn anh đồng chí nửa ngờ nửa tin.

Ở dưới này, ra cái gì trông cũng hay cả. Đến cái nắng buổi chiều vàng nhạt trên mái gianh cũ gianh mới, trông cũng lung linh tệ. Ở chỗ cơ quan trên ấy, Khâu nhớ hình như nắng buổi chiều nó loãng, nó tái hơn chứ không vàng lòa thiết tha như ở trên phố dưới xuôi này. Nắng lóe nhảy trên những chiếc ca có quai, chiếc đèn bão con lắp kính, chiếc loa thông tin một cửa hiệu thợ thiếc. Khâu không thể ngồi im được nữa, tu vội cốc trứng, nhảy luôn sang cái khoảng nắng tắm tràn trề cả một bên đường. Khâu mân mê đèn, ca, loa và hộp sơ-ranh đựng ống tiêm.

- Cái loa này mang về làm quà cho Thông tin xã thì anh ấy thích lắm đấy. Cái hộp này mua đựng ống tiêm để bảo vệ sức khỏe cho anh em nhà. Còn cái đèn này bỏ vào ba lô có thể làm việc đêm ở trạm nghỉ được tiện quá đi mất. Làm thế nào mà tha được hết cả về nhỉ!

Ông cụ thợ thiếc đều tay kéo, luôn tay cắt các mảnh sắt tây. Giữa lò lửa, cái mỏ hàn nằm chờ vẩy thiếc hàn. Nhanh như khía kim cương, cạnh nét những phoi sắt tay xoắn cong nhấp nhánh nắng.

- Không cần nhiều, giá cứ rủ được độ một ông thôi, lên trên ấy bán đèn bán loa thì chợ vùng núi sẽ đông thêm.

Có đến ba, bốn con ngựa hí giống như đánh hơi cái, có con đá vung cả lên và xô gần mã vào hiệu thợ thiếc. Khâu lại chạy sang hiệu lò rèn bên cạnh, chống tay vào đầu gối, đứng xem người ta bắt móng ngựa. Bễ thụt hiệu rèn đều đều tiếng. Trên giá vách lem luốc, vài mẫu mã tấu dao găm đầu mắc búp đa, lại cả kiếm rèn theo kiểu Nhật. Bên những vật sắc nhọn chống giặc, lưỡi và mũi láng chảy theo ánh lửa lò nhô lên vài chiếc lưỡi liềm quá mùa gặt. Khâu thấy mến tất cả những cái gì quanh đấy. Hiệu rèn vùng vài gió than đen bẩn lổn nhổn. Nhưng Khâu yêu ông cụ lò rèn, cảm tình với cái đe, cái kìm, cái búa, với cô bé lênh khênh kéo bễ với con ngựa ngoan ngoãn đương co chân sau cho bắt móng ngoài cửa hàng. Cái đồng chí khâu yên ngựa ban nãy đứng ngay bên con ngựa đóng móng, chào Khâu, nét cười mở rộng. Hai người nói chuyện theo kiểu quen nhau lâu rồi lại cùng kéo nhau về ngồi bên quán trứng. Bây giờ, ông mới biết quán có một cửa con ăn thông sang hiệu dép. Và cô cà phê lại đi từ cửa bên ấy về bên này mà bảo chàng:

- Thưa anh, dép khâu xong rồi đấy ạ.

Anh đồng chí yên ngựa vui vẻ:

- Anh Kha có hay về nhà không hả chị Vinh.

Bỗng dưng Khâu biết tên người bán cà phê. Chị Vinh đưa thêm một đĩa bánh ngọt:

- Anh Kha em hôm nọ cũng có về đây. Về có một lúc, vứt dép cũ đấy, rồi lấy của ông cụ em đôi giày da lộn bày mẫu hàng. Ông cụ em khôi hài bảo sao không đi mà tước giày của Tây mà lại về tha giày nhà đi.

Đồng chí yên ngựa chen vào:

- Ông cụ khâu yên ngựa khâu dép cho chúng ta ở bên kia là đẻ ra anh Kha và chị Vinh. Anh Kha trước hoạt động ở Hồng Quảng và lập nhiều chiến công ở Tây Bắc. Tôi trước ở đơn vị anh Kha. Anh Kha hay cho tôi sách và giấy để sinh hoạt.

Thế là Khâu biết hết cả. Khâu thấy càng mến thêm ông cụ chữa dép và người em gái “anh cán bộ Kha” hồn nhiên linh lợi như một cô học sinh trung học các vùng tự do.

Bên lò rèn gọi với sang:

- Mời đồng chí về lấy ngựa. Xong móng rồi.

Khâu nài anh đồng chí ăn thêm cái bánh ngọt, anh đồng chí xin khiếu vì “vừa ăn cơm xong”, đứng thẳng người chào, tạt nhanh sang bên kia đường. Khâu quyến luyến nhìn theo, nhớ lại những ý kiến của anh đồng chí vừa rồi về “lúc vào phố, có khu trục đến bắn, không gì khổ bằng có dắt ngựa theo. Nó khổ hơn cả cái nông nổi đi mua thóc hằng ngày cho nó trong suốt cái thời kỳ ăn độn khoai hạn chế dạo nọ”. Nhiều quang gồng, nhiều gánh hàng xén, nhiều người đi vội theo một chiều vun vút lướt qua quán.

- Đồng bào đi đâu mà đông thế chị Vinh nhỉ?

- Thưa anh, đi họp chợ đấy ạ. Chợ tỉnh vui lắm. Gia đình nhà em tản cư sang dọn hàng đến đây là chặng thứ mười sáu, mười bảy mà chưa thấy nơi nào đông vui như đây. Chiều đến cứ như là hội. Ban ngày thì vắng, sợ tàu bay.

- Tôi cũng ra chợ bây giờ. Ban nãy tôi qua chợ sớm quá.

- Vâng, bây giờ thì đang đông lắm. Dép của anh xong từ ban nãy. Ở dưới gậm bàn ấy.

Người và nhiều người quá ở ngoài đường. Ban nãy, Khâu vào tỉnh chỉ thấy vẻn vẹn có vài anh công an, dăm bảy bóng cao đen ở đơn vị Bắc Phi, ít anh thợ cắt tóc, còn thì là gạch vụn ngói rêu và trùm lên tất cả là những vòm cây xanh um rậm dày, khiến người đi qua có cảm tưởng đây là cửa rừng để riêng cho chim làm tổ. Tiến theo mọi người về phía chợ, Khâu thấy tất cả những chấm đậm nhạt gồng gánh mang xách nhấp nhô vào chợ chiều lúc này cũng vẫn là những thứ chim đang về tổ. Tiếng nói rào rào âm ấm vang rộng đến quãng đường. Dép cao su trắng, cao su đen, dép da sống da chín quẹt mạnh, quẹt nhanh trên nhựa, tiếng đều hơn, miết hơn các tiếng chổi quét lá sớm mai của người phu lục lộ ngày xưa. Có người hối hả quá, lại đi tắt qua những đống gạch tiêu thổ, đổ ra phía sau những cửa hàng lộ thiên bán quần áo cũ của một góc chợ giời con con. Chết chết, người gì mà đông như là đi biểu tình nghe Tuyên ngôn độc lập thế này: xe đạp đưa theo vào chợ, ngựa cũng đi theo vào chợ, ngựa thồ, ngựa cưỡi lóc cóc bước một, len qua khối già trẻ gái trai đông đảo nghìn nghịt. Cũng lơ thơ một số bóng chậm chạp nhưng mà sao bò ở đâu mà đi mãi, dắt mãi qua chợ làm người ta sốt ruột thế này! Ba, bốn lái bò chạy theo bộ đội giắt bò nằn nì:

- Các anh mua ở vùng trên ấy có bảy nghìn cả chỗ ba con này. Em xin giả ngay là một vạn hai. Lãi gần gấp đôi rồi, đồng chí bán lại bò cho em.

Anh đồng chí dắt chỗ ba con bò cười nhe bộ răng đen nói lại cái câu đã nói rồi:

- Không được, đã bảo không bán mà. Của đơn vị đấy. Sức khỏe của đơn vị đấy, không ai bán đâu.

Ngựa, áo chàm, bò Đông Bắc, chợ Trung Du gợi một chút gì biên giới. Người đi chợ xuôi ngược thành hai dòng rõ rệt. Khâu thấy hai tay mình đâm ra cồng kềnh. Khâu nhìn, nhìn rất nhiều, nhìn rất kỹ. Một anh bạn cũng về xuôi đi lớp huấn luyện bị tụt lại sau, hẹn chiều nay gặp Khâu ở chợ. Trước gian hàng bán thuốc Âu Mỹ có mấy người trông ngờ ngợ đang ngồi xổm khảo giá thuốc. Tý nữa Khâu vỗ vai nhầm. Chắc lại cũng cán bộ đường ngược hoặc quản lý cơ quan vùng trên ấy đấy. Cuối chợ, chất tươi nhiều quá. Rau xanh, củ trắng, cà chua đỏ mọng, muối lấp lánh phau phau, lợn gà cựa quậy xao động nhốn nháo hơn cả người đi chợ. Khâu đi xuống, đi lên, đi xuống rồi lại đi lên nữa. Người bán người mua ai cũng trợn mắt múa tay nhăn nhó kêu oai oái về tiền rách, nhưng rốt cuộc, ai cũng đều bỏ tiền ấy vào túi, vào ruột tượng cả. Ai cũng mè nheo kêu thóc gạo cao vút, nhưng Khâu thấy trong chợ không có một người ăn mày nào. Vải len nhan nhản, giấy ngoại hóa, giấy bản chồng chất và sao lại có thể nhiều tấm khăn mặt nội hóa sạch sẽ nõn nà đến nhường này! Ánh sáng kéo vàng, phai nhạt trên các màu đồ ăn thức dùng. Đèn đóm thắp lên trong các gian hàng từ lúc nào Khâu không nhớ nữa. Khâu chỉ còn mang máng là cái lúc nhọ mặt người vừa qua, dân chúng, quân đội, cán bộ chen lách nhau, hình như nhiều hơn lúc đỏ đèn chợ cày. Khâu nghe tiếng leng keng, bèn tìm đến cái hòm ảnh ống nhòm đặt ở giữa phố chợ kê lên một đôi mễ đường hoàng và lão chủ hòm nhòm ngồi nghễu nghện giữa chợ đông như là bất chấp tất cả đang đun đẩy lẫn nhau qua hai dãy lều quán. Lão khoe lão làm ăn với cái hòm nhòm này từ ngày Đế quốc vẫn còn mạnh kia. Khâu bỏ ra hai đồng, chổng mông nhòm vào hòm ánh sáng rực, xem một “bài” những mười hai cảnh, nào là cảnh “đánh Nha Trang, bắn tàu chiến Pháp”, nào là “mặt trận Lào Việt bên sông Mê Kông, đánh Hồng Gai, đồng bào Mọi kháng chiến ở Tây Nguyên - đốt mỏ, chém đồn điền cao su Nam bộ”. Nghĩa là cứ theo lời giải thích của chủ ống nhòm thì những cảnh, những ảnh có thật ấy người Việt Nam chân chính nào lúc này đều cũng phải bỏ tiền ra mà xem cho nó hả. Lão láu cá, ảnh ở đâu đâu chụp một đằng, lão chú thích một nẻo, lão bịa đặt chuyện, lão xuyên tạc ảnh để ăn dỗ tiền của tất cả những công dân giữa chợ. Khâu biết thế nhưng lâu lắm, không được sống lại những phút sống còn trẻ, chàng thấy thu thú ghé mắt vào ống nhòm để ông lão đánh lừa mình. Sự thật nghe lão nói thích hơn là xem của lão. Lão nói nhăng nói cuội, cũng nhớ thời sự ra phết, lão giải thích cả những tấm ảnh mà lão gọi là “ngày mùng Sáu tháng Ba”; lão hát giọng ê a như là giọng chạy bài tổ tôm điếm. Chợ vợi người. Nhiều tiếng hỏi nhau to, nhỏ xem đêm nay đã có chỗ ngủ chưa. Khâu chợt nhớ là mình cũng chưa biết ngủ đâu và đồng thời càng thấy đói. Anh đồng chí yên ngựa ban nãy mách Khâu nên tìm cái hiệu cơm gần cột đèn, thì có nước mắm ngon, có dưa giá và hay có tôm cá nữa. Khâu đến trước một cái quầy sáng có mấy bát tôm rang đỏ mướt đầy vút ngọn và ngờ ngợ trước một người đang chặt thịt quay trên thớt hàng. Nhận ra người chặt thịt là ông cụ vá dép ban chiều, chàng vui sướng:

- Cụ ở đây à?

- Kìa đồng chí! Mời đồng chí vào xơi cơm. Chả là cứ đến chiều tối thì tôi không khâu vá giày dép nữa, giao cho cháy Vinh hạ cửa xuống và ra chợ đỡ tay cho u cháu Vinh ở đây.

- Vui quá nhỉ. Cả nhà ta thành ra dọn những ba cửa hàng. Tôi chưa thấy mấy gia đình chịu khó tháo vát như gia đình ta đấy. Mỗi cụ lại ở một góc phố, kể cũng có điều diệu vợi đấy?

- Thì mỗi người cũng phải xoay xở cho nó đủ ăn đủ mặc. Mới trông thì thấy là phân tán ra nhiều sở, chứ chúng tôi vẫn thống nhất đấy ạ. Chốc nữa hết khách ăn là bà cháu lại dọn cả về quán cà phê cháu Vinh. Hai gánh thôi. Được cái miếng chín ở hàng tôi hôm nào cũng bán hết.

Cái bàn ăn bên cạnh có tý rượu thành ra vui nhộn gớm. Đúng rồi, lâu ngày họ mới tình cờ gặp lại nhau trong buổi chợ tối. Anh trong cùng nói chuyện công tác ở khu Ba. Anh ngoài cùng kể những mẩu sinh hoạt dốt dẻo của Bắc Giang chạy khủng bố chống càn quét, có những nhận xét rất quý về việc gạt thóc giấu thóc tháng Mười. Còn anh ngồi quay lưng lại Khâu thì đang tả cảnh bên Cây Đa Nước Chảy và lên án cái thằng “có răng vàng bị bắt bí khách ăn cơm bữa nhỡ độ đường ở Châu Tự Do”. Cái đám người ăn nhanh ở đầu ghế sát đường thì đang xỉa răng, bàn nhau nên thuê đò riêng hay là đáp đò chợ xuôi về kè Đức Lâm. Ở đây là một cái ngã tư lớn của vùng tự do Việt Bắc có khác. Ngoài đường, người ta đốt đuốc, đốt ruột cao su, đốt mép lốp ô tô sáng rực cháy bùng bùng, mùi khói nứa mùi khét lốp và bóng người lũ lượt múa động ơi ới gọi nhau, chẳng khác gì cảnh nhân dân liên hoàn với bộ đội sau những đêm nhổ đồn Tây trên đường số 4, Khâu có dự một vài lần.

Khâu gợi chuyện với ông cụ về vấn đề tìm chỗ ngủ.

- Nếu ở đây mà không quen ai, thì vào giờ này cũng hơi khó đấy. Nhà ai cũng có người ngủ nhờ đã dặn từ chiều. Chỗ hiệu dép của tôi không được rộng sạch, nhưng anh em đi công tác qua, cũng có nghỉ lại vài bận.

Khâu nhận ngay, yên trí đeo ba lô xin về trước và ra đường mua hai đồng hai bó đóm. Đường phố sáng trưng, từng đống gạch hiện rõ dưới ánh đuốc tan chợ. Chị Vinh lại chào Khâu trước:

- Anh đi chợ về.

- Tôi có ăn cơm ở quán nhà ta. Lâu không được ăn tôm, vừa rồi tôi ăn nhiều quá. Và may hơn nữa. cụ lại dặn về bên hiệu dép nghỉ đêm nay.

- Anh có cần đèn làm việc tối thì để mua thêm dầu ta. Thỉnh thoảng những anh em Kha em đi công tác nghỉ lại đây, anh em cũng thức thật khuya và ngồi viết cả đêm ấy.

- Chị cho tôi một quả cam Bố Hạ. Cam trông thích quá thế này mà anh em ở quân y được một quả mà ăn thì sướng lắm đấy. Hồi mới đánh nhau còn có ai là dám nghĩ đến những thứ này, có phải không chị Vinh?

- Chẳng cứ cam, đến cả nhiều thứ khác nữa, như là ảnh chẳng hạn. Cái năm nó ào ạt lên, thật là không ai dám tưởng đến còn có ngày góp nhặt ảnh kỷ niệm. Năm nay thì lại nhiều ảnh quá. Anh Kha em bảo mỗi người cán bộ, trong túi dết bây giờ ai cũng có một quyển an-bom dán ảnh gia đình, ảnh mặt trận, ảnh hậu phương. Ở thị xã đây cũng có đến ba, bốn hiệu ảnh. Em thấy họ phơi những phim ảnh mặt trận của cán bộ đi qua đưa rửa nhiều phim trông đẹp và lạ lắm.

Khâu tiến lại phía bàn con, nó nhỏ như cái bàn học, có một cậu em đang thong thả lật trang sách dưới đĩa đèn. Vinh nhìn theo Khâu và gọi:

- Em Lai đứng dậy để anh ngồi. Em đưa cam vào.

Khâu giữ Lai cứ ngồi nguyên và ghé vào cuốn an-bom ảnh Lai đang giở xem. Một tấm ảnh to in hình ông cụ bà cụ, Vinh, em Lai và một thanh niên ca-lô khỏe đẹp; tất cả đứng chụp chung trước quán, cái biển “Quán Tươi” rõ từng nét.

- Có phải đây là anh Kha không hả chú Lai?

- Anh có biết anh Kha em à? Nghe nói anh Kha em sắp đi mở chiến dịch mới phải không anh?

Khâu lảng ra ngồi vào cái bàn vuông giữa quán, khách vừa đứng dậy. Người quân nhân ngoại quốc còn đứng chờ giả lại tiền kia đang dở câu chuyện với một cán bộ người mình:

- Nếu người ta cứ kêu mãi về họ tức là không biện chứng tý nào. Lòng tay những người tiểu trí thức ấy đã có chai. Những người chuyên môn ngồi xe cao su dạo phố ấy đã có những thành tích hành quân xéo lấm qua đá, qua gai Việt Bắc. Tôi còn nhớ hồi ấy là khoảng giữa năm 1947, tôi ngồi nhìn họ hành quân qua bến Bình Ca. Buổi sớm một tốp khiêng cái bộ phận chính khẩu đui-xết. Mãi đến trưa mới thấy cái nòng trổ dua diễu qua. Gần chiều mới thấy mấy người khiêng cổ chân đang ngơ ngác tìm hai tốp trước. Tôi đã dè dặt không dám phát biểu ý kiến hồi ấy. Nay thấy họ nền nếp lớn mạnh sau ba năm chiến đầu càng dẻo dai càng gân guốc, tôi phục cái đơn vị ấy trong công việc xây dựng chung của quân đội Cách mạng Việt Nam. Thần tình và khả quan lắm!

Quây lấy cái bàn giữa, Lai và Vinh và Khâu chụm đầu lại xem cuốn an-bom. Khâu nhấp cốc nước cam. Có tiếng trống ếch nhi đồng vọng từ xóm xa về. Không, trống nghe cũng gần đây thôi. Nghe rõ cả tiếng hát đồng ca nữa, Vinh cười với Lai:

- Đám Thiếu sinh quân về đóng gần đây rồi. Chắc lại sắp có lễ kỷ niệm.

- Thế nào chị cũng nói với anh Kha lần sau cho em đi Thiếu sinh quân khu, chị há. Ở nhà chỉ bưng cà phê và trứng, chả bao giờ được hát to cả.

Khâu nhìn Lai, buột miệng gọi Lai là chú:

- Chú Lai thích hát thì rồi đi với anh.

Lai ra vồ ngay lấy câu chuyện học hát, hỏi dồn Khâu là đi có xa không và đi bao nhiêu ngày. Khâu cười bảo Lai là thế nào cũng xin phép anh Kha cho Lai đi. Chàng ngắm Vinh, trỏ vào cái biển nền giấy:

- Này chị Vinh này, sao quán nhà lại đặt tên là “Quán Tươi”? Nghe hay đấy.

- Thưa anh trước gọi là “Thủ đô”. Tên này là mới đặt. Ông cụ em kêu chữ “Quán Tươi” ngô nghê cọc cạch nhưng anh Kha em thì bằng lòng lắm. Chả là vì em cứ thấy các anh ấy qua lại đây lúc nào cũng nói đến chữ “tươi” nên em đặt luôn cho quán. Cái tên cũ thấy nhiều quá rồi. Nhiều “Thủ đô” quá.

Ông cụ bà cụ ở chợ về, đóm đuốc rừng rực trước quán. Vinh ra đỡ gánh cho mẹ. Và Lai thì chạy vù sang gian dép bên thắp sẵn đèn. Chắc mọi ngày vẫn thế. Ông cụ nhìn Khâu cười cười, rủ luôn Khâu cùng sang gian bên cạnh:

- Đồng chí sang bên này. Hôm nay cứ kể còn tôm rang thì còn bán được nhiều. Ngày mai ta đi mua nhiều tôm mà làm hàng, u con Vinh ạ. Hôm nay đồng chí nằm giường kia với tôi. Còn Lai thì nằm chõng kia.

Khâu hơi tiếc. Giá được nằm một giường với “chú Lai” thì thích hơn. Chàng vụt nhớ đến những chú giao thông liên lạc của cơ quan trên ấy, hay nằm chung với Khâu hay ủ cho Khâu những đêm núi đá toát lạnh nhiều quá.

Còn ít thịt luộc mang về ông cụ mang ra đánh chén ở cái bàn bừa bộn dùi, kéo, chỉ dao. Chú Lai đặt một chai rượu và hai cái chén. Ông cụ lại cười cười:

- Đồng chí lại đây. Tôi cứ xong hàng tối nào về nhà cũng làm mấy chén trước khi đi ngủ.

Khâu xin kiếu nhưng cũng lại ngồi gần bàn có chú Lai ngồi sẵn đấy, chầu hẫu nhìn ông cụ đang nói. Trong này ông cụ nói, bên gian cà phê bà cụ nói. Vinh và bà cụ đang nhẩm tiền hàng và thu dọn nhiều thứ. Ông cụ uống rượu vui tính. Chuyện đang xoay quanh vấn đề dép cao su. Khâu không nhớ rõ tại sao lại sang đến vấn đề cao su. Lúc đầu nói về trống ếch, ông cụ bảo “trống ếch bây giờ thay cho trống đình trống cái”, thế rồi không biết nó chuyển sang giày dép từ lúc nào. Ông cụ chỉ cái lô dép và cái đám lốp, ruột lốp còn nguyên chưa pha cắt, vuốt râu:

- Ấy, chính vì cái thứ hàng này mà tôi dọn nhà lên thị xã. Bắc Cạn giải phóng không đầy một tháng là tôi về làm ăn ở đây. Bây giờ nhiều săm, nhiều lốp quá chứ hồi ấy, chiều chiều ra bến đò Sông Cầu mà nhìn thuyền tải săm lốp từ Chợ Mới về, chuyến nào cũng chỉ có bánh ô tô, bánh cơ giới, là tôi cứ mê tơi cả người, bỏ cả ăn. Chỗ cầu bê tông, đã có lúc gọi là bến Cao Su đấy. Lắm quá đi mất. Thế này thì còn gì là “nó”. Chết cứ như rạ.

Thái độ ông cụ phân minh, hơn nữa khi ông cụ cầm những chiếc dép bên cạnh chai rượu giơ lên kéo dài giọng ra:

- Đây là ruột non, ruột già chúng nó đấy. Đây là ruột đen ruột đỏ quân giặc đây!

Khâu chen vào:

- Thưa cụ vâng ạ, đây là những kết quả cụ thể các trận truy kích phục kích đường số 3, đường số 4. Nhưng thật ra, đây cũng còn là máu mủ của đồng bào Nam bộ nữa.

- Hà, thế này thì cũng hơi khó hiểu đây.

Ông cụ ngừng chén chớp chớp mắt chờ Khâu cắt nghĩa thêm. Khâu mới trình bày cho ông cụ dép nghe về câu chuyện các đồn điền cao su Nam bộ, Cao Mên, sự bóc lột thặng dư giá trị cần lao trong ấy và vấn đề tiêu thổ của Nam bộ, một phần lớn là phá hoại các đồn điền cao su, chém gãy hàng trăm triệu gốc cao su xanh tươi rườm rà và đốt cháy cơ man là bát mủ thùng nhựa ra gió ra than. Chiến tranh cao su kích thích chú Lai và Lai lờ mờ tìm ra một mối tương quan giữa “chiến tranh mủ” và cái súng cao su chàng nạng gỗ ổi chú dắt dưới đáy bị từ hồi mới theo mẹ, theo chị chạy về các thôn xóm ngoại thành. Lại giục Khâu:

- Anh Khâu nói chuyện về chiến tranh cao su nữa đi anh!

Riêng đối với ông cụ, “chiến tranh cao su” làm tốn rượu thêm mấy chén nữa, quá hẳn cái mức uống mọi tối.

Ngoài cửa liếp, nhiều tiếng giày đinh lộp cộp trên đường đá. Tiếng xe bò. Tiếng móng ngựa thồ, hàng đoàn ngựa thồ. Ông cụ nhấp chén rượu cuối cùng để đi ngủ, trỏ trỏ ra ngoài đường, hạ thấp giọng:

- Mình đấy! Bộ đội mình lại chuyển đấy. Rầm rập cả đêm cả ngày. Lâu nay là cứ liên miên như thế. Tôi khâu vá kể cũng đã nhiều cho anh em mà cũng chẳng còn biết đằng nào mà nhận ra ai với ai nữa. Người nào trông cũng tài hoa lỗi lạc, nói năng lễ phép. Ông nào cũng nhận là Con Nuôi của phố này cả. Hay thật. Tây mà cứ nhảy dù xuống đây là có chầu dừ đòn.

Khâu lách cửa ra ngoài. Đã khuya thế mà vẫn còn nhiều nhà có đèn. Khâu dạo một tua. Trong các nhà sáng, nổi lên nhiều tiếng máy may rền đều như không bao giờ ngừng hết. Khâu vào đến ba, bốn hiệu giả vờ hỏi giá may. Ba, bốn hiệu đều nhất loạt:

- Chúng tôi không dám nhận thêm của ai nữa. Và còn bận đến mấy tháng liền nữa. Ấy toàn của bộ đội địa phương cả đấy. Lại còn bao nhiêu bộ kaki phải làm ngay nữa. Nghe đâu là sắp có phái đoàn các nước tới thăm, ai cũng may sắm chờ đón tiếp cả. Nghĩa là chúng tôi may cả ngày cả đêm, cứ tối mắt tối mũi lại đấy anh ạ.

Tiếng máy khâu sè sè vui đều trong phố thức khuya. Khâu nhớ lại những tiếng máy may năm bốn nhăm đâu đâu cũng hối hả may cờ, mua cờ, làm cờ. Mấy nhà sáng đèn góc phố, không có tiếng máy khâu, nhưng nhiều bóng người đang còng lưng cúi xuống hàng đống công việc. Đây là một hiệu khắc gỗ, khắc tranh, vẽ báo tranh áp-phích, dao trổ linh động ý nhị tỉa gỗ mềm như là gọt thủy tiên Tết ấy. Đằng kia là một cửa hàng thêu có nhiều phụ nữ thùa mép kim tuyến cho phù hiệu sao vàng của năm chính quy. Khâu trở về thao thức cả đêm vì những hình ảnh kỳ diệu dồn dập của sinh hoạt quanh mình và cả ngay trong lòng mình. Tiếng giày đinh lộp cộp mãi, tiếng ngựa tiếng xe bò ngắn dài loang rộng mãi qua thị xã đã từ lâu không còn mảnh tường đứng nào. Khâu dào dạt cảm xúc và chuyến này về núi, buổi lửa trại thân mật trong cơ quan cũng kết quả khi chàng đứng ra nói chuyện Trung Du cho toàn thể anh em nghe.

Khâu chợp có một lúc mà gà đã gáy sáng. Ông cụ ho. Có tiếng ù ù như gần như xa. Khâu ngồi nhổm dậy chăm chú. Ông cụ khuyên cứ ngủ tiếp đi:

- Bố nó cũng chả dám dù chỗ này. Tiếng xe goòng của công đoàn ra lấy than đấy mà.

Ngoài tấm liếp đóng, lại vẫn rất nhiều tiếng người đi, tiếng giày đinh, tiếng móng ngựa trượt trên đá. Hình như cả đêm, có rất nhiều người không ngủ nối nhau mà đi trên đường cái.

Sáng đã lâu. Khâu ngồi uống cà phê mắt không rời mặt phố. Người nào đi qua, túi cũng dắt một cái bút máy hoặc cắm một cái bút chì vào sắc-cốt da bên cạnh. Rồi là kĩu kịt loang loáng qua “Quán Tươi” không biết bao nhiêu là gánh bột tre, bột dó. Nắng sớm mai nhấp nhánh trên nhiều phiến đá li tô trắng bóng buông vắn ấp trên vai một đoàn người vận tải áo nâu. Tất cả bút mép túi, bút sắc-cốt, gánh bột giấy và đá in, tất cả những người gánh mười đi linh tinh ngẫu nhiên nối lẫn vào nhau kia đều như là một bức hoạt cảnh có sự xếp đặt để tuyên truyền cho một phong trào học tập sôi nổi. Khâu ít hút thuốc lá nhưng các gói thuốc bày hàng có những tên đặt dễ ưa. Bắc Sơn, Lô Giang, Công Đồn, Công Kiên, Công thành, Phản công. Khâu thở khói thuốc nhìn nắng hửng trên đường. Thôi chàng không đợi người bạn chậm nữa, chàng xóc ba lô chào ông cụ, chào chị Vinh và quyến luyến nhiều với chú Lai. Cả nhà ai cũng đều bảo Khâu lần sau đi công tác qua thì cứ đến “Quán Tươi” mà nghỉ đêm.

Qua bãi rộng ngoài tỉnh, Khâu đứng lại xem bộ đội mặc quần cụt đá bóng tròn. Tiếng còi trọng tài, tiếng chân sút bóng đá bình bình trên cỏ ướt. Khâu thấy lạ tai lạ mắt. Mấy năm đánh nhau với Tây, giờ Khâu mới lại nhớ lại những biểu diễn này và quả là sự sống kháng chiến đến năm thứ tư này đã được bình thường hóa một cách thú vị. Giá biết là có đá bóng vui thế này thì lúc đi Khâu đã rủ em Lai cùng ra bãi chơi. Bây giờ quay về thì cũng không tiện. Chàng nhẩm tính độ đường cho ngày hôm nay, nhất quyết lần sau về qua đây, thế nào cũng cố nèo ông cụ cho Lai mình về cơ quan. Khâu tin chắc sẽ rủ được Lai, đem Lai về văn thư cơ quan, nâng đỡ Lai, Lai chỉ ở với cơ quan trong một thời kỳ là sẽ “trưởng thành” trước lứa tuổi. Cái phố nhỏ chặng đường này cũng nhộn nhịp lại dáng. Lại xe đạp vận tải lại quang gánh, ba lô, bị cói, địu nâu. Khâu đi miết trên đường còn những hai chục cây số nữa mới đúng chặng nghỉ, nhất định không nghỉ vặt. Nhưng cái hiệu bán cơm và bán cả sách trông hay quá. Dây gai giăng đầy mặt hàng, lòng thòng báo chí sách mới và phơ phất nhiều tấm lịch 1950. Khâu bật bật những tờ a-dăng-đa rộng khổ in ngày tháng bên cạnh. Lại có cả những khẩu hiệu mới và những tranh to để ghi thành tích thi đua. Khâu mua một cuốn, ký tên lên bìa bỏ ngày vào túi.

- Năm bốn bảy, tưởng như là kháng chiến thì không còn làm gì có ngày tháng nữa, tưởng không còn in được lịch đâu nữa, ông hàng nhỉ!

- Vâng, bây giờ lịch in nhiều và đẹp. Người mua cũng nhiều. Tôi có cái ý kiến là càng lúc gần thắng lợi, ngày tháng càng được chú ý hơn. Tâm lý ai cũng thấy là cần ghi chép, tính toán ngày giờ để xếp đặt công việc.

Ngoài hè quán có mấy gánh vừa đỗ xong trông khác thường. Khâu ghé gần, sờ mó, cần xem những mảnh sắt nhẹ đuy-ra, chặt cắt ra từng miếng nhỏ sáng bóng, cạnh rất sắc. Mấy anh gánh nhôm thân tàu bay nhìn Khâu không nói gì, chỉ tủm tỉm rất là hóm hỉnh. Không khi nào Khâu lại còn đi hỏi mấy anh vận tải Xê Bê Ích này xem nhôm kia lấy ở đâu, gánh đi đâu, để làm gì. Khâu nhớ lại, cố nhớ lại những cột báo để đăng về tin hạ máy bay gần đây. Người gánh nhôm và người xem những mảnh vụn thân tàu bay đang gặp nhau trên khóe mắt phản chiếu một nỗi hãnh diện thầm, một sự tự tin hể hả không cần nói ra ngoài. Khâu thân mật “mời các anh ăn cơm” để năm, bảy người gánh đuya-ra ngoài chõng vui vẻ nói vào: “Xin mời đồng chí”. Tay vẫn cầm bát đũa, đôi lúc Khâu đãng trí. Đuya-ra! Đích thị dùng làm đầu đạn moóc-chiê đấy.

Việt Bắc, xuân 1950

Hai số phận “nhoằng” đến cái tên Nguyễn Tuân Vẻ đẹp con người Hà Nội trong một tùy bút của Nguyễn Tuân Đọc lại “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân Đôi mắt - Truyện ngắn của nhà văn Nam Cao Làng - Truyện ngắn của nhà văn Kim Lân
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...