Năm 2024: Nhà văn Hàn Quốc Han Kang (sinh năm 1970), được trao giải Nobel Văn chương vì sáng tác cần mẫn, các tác phẩm của bà bám sát đời sống xã hội đương đại, "phô bày nỗi đau kép - nỗi đau tinh thần và thể xác, song có liên hệ mật thiết với những tư tưởng phương Đông", đồng thời "văn xuôi giàu chất thơ mãnh liệt khi đối diện với những tổn thương trong quá khứ và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người". Bà là tác giả nữ đầu tiên ở châu Á vinh dự thắng giải này.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Người ăn chay (NXB Trẻ, 2011); Trắng (NXB Hà Nội, 2016); Bản chất con người (NXB Hà Nội, 2019)...
Năm 2022: Nhà văn Pháp Annie Ernaux (sinh năm 1940) thắng giải Nobel Văn chương với các tác phẩm về thân phận người phụ nữ. Theo đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển, "Với lòng dũng cảm và một trí tuệ sắc lạnh, bà đã bóc trần cội rễ, sự ghẻ lạnh và hạn chế của tập thể qua hồi ức cá nhân".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Hồi ức thiếu nữ (NXB Hội Nhà văn, 2021); Một chỗ trong đời (NXB Hội Nhà văn, 2022); Nỗi nhục (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023); Một người phụ nữ (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023); Cơn cuồng si (NXB Văn học, 2023)...
Năm 2020: Nhà thơ người Mỹ Louise Glück (1943-2023) giành giải Nobel Văn chương bởi những tác phẩm có "âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên một điều phổ quát", mô tả những khía cạnh của sang chấn, khát khao và bản thể, với đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắn nỗi buồn và sự cô độc; đậm đặc cảm xúc và thường xuyên dựa vào những huyền tích, lịch sử hay tự nhiên để truyền tải những trải nghiệm cá nhân và đời sống hiện đại.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Aubade (NXB Hội Nhà văn, 2021)...
Năm 2018: Nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk (sinh năm 1962) được trao giải Nobel Văn chương vì "lối kể chuyện giàu sức tưởng tượng, cùng niềm đam mê kiến thức to lớn vượt qua các biên giới như một hình thức của cuộc sống". Các tác phẩm của bà gây tiếng vang bởi ngôn từ hấp dẫn, tông màu huyền thoại thú vị, cũng như những quan điểm sâu sắc về đạo đức và triết học...
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Bieguni, những người không ngừng chuyển động (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020)...
Năm 2015: Nhà văn Belarus Svetlana Alexievich (sinh năm 1948) được trao giải Nobel Văn chương bởi "những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (NXB Đà Nẵng, 1988; NXB Hà Nội tái bản, 2016, 2018, 2019; NXB Hội Nhà văn tái bản, 2023); Lời nguyện cầu từ Chernobyl (NXB Phụ nữ, 2016); Những nhân chứng cuối cùng (NXB Phụ nữ, 2018); Lời nguyện cầu từ Chernobyl - Biên niên sử của tương lai (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020); Zinky Boys - Những cậu bé kẽm (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020)...
Năm 2013: Nhà văn Canada Alice Munro (1931-2024) được coi là "bậc thầy về truyện ngắn đương đại. Ủy ban Nobel Văn chương đánh giá: "Những câu chuyện của bà thường xảy ra trong bối cảnh những thị trấn nhỏ, nơi cuộc đấu tranh để có được sự tồn tại được chấp nhận về mặt xã hội thường dẫn tới kết quả là những mối quan hệ căng thẳng và những xung đột đạo đức, những vấn đề xuất phát từ những khác biệt về thế hệ và xung đột giữa các tham vọng trọng cuộc sống".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Trốn chạy (NXB Văn học, 2012); Cuộc đời yêu dấu (NXB Trẻ, 2015)...
Năm 2009: Nhà văn Đức Herta Müller (sinh năm 1953) được Ủy ban Nobel Văn chương đánh giá bà là "người, với sự tập trung, cô đọng của thơ ca và sự thẳng thắn của văn xuôi, đã miêu tả phong cảnh của mảnh đất bị tước quyền sở hữu".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Nhịp thở chao nghiêng (NXB Hội Nhà văn, 2022)...
Năm 2007: Nhà văn người Anh Doris Lessing (1919-2013) được trao giải Nobel Văn chương bởi "những trang viết giàu tính sử thi về trải nghiệm của nữ giới, người đã khai phá kỹ lưỡng một nền văn minh chia cắt bằng sức mạnh của cái nhìn hoài nghi, nồng nhiệt nhưng có tầm bao quát xa rộng".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Cuốn sổ vàng (NXB Văn học, 2006)...
Năm 2004: Nhà văn người Áo Elfriede Jelinek (sinh năm 1946) giành giải Nobel nhờ có nhiều tác phẩm phê phán bạo lực đối với phụ nữ. Các tác phẩm của bà tập trung vào giới tính và quyền con người nhưng vẫn thể hiện được quan điểm chính trị và khả năng sử dụng ngôn từ tài tình.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Cô gái chơi dương cầm (NXB Hội Nhà văn, 2006); Tình ơi là tình (NXB Đà Nẵng, 2008)...
Năm 1996: Nhà thơ Ba Lan Wisława Szymborska (1923-2012) được mệnh danh là Mozart của thơ. Bà giành giải Nobel "cho những áng thơ ca có độ chính xác mỉa mai khiếp những bối cảnh lịch sử và sinh học được đưa ra ánh sáng trong những mảnh hiện thực của con người".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Thơ chọn lọc Wisława Szymborska (NXB Hội Nhà văn, 2014)...
Năm 1993: Nhà văn Mỹ Toni Morrison (1931-2019) theo nhận định của Ủy ban Nobel Văn chương là "người trong các tiểu thuyết đặc trưng bởi sức mạnh viễn kiến và tầm quan trọng của thơ ca, đã thổi hồn vào một khía cạnh thiết yếu của hiện thực Mỹ".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Mắt biếc (NXB Trẻ, 1995); Người yêu dấu (NXB Văn học, 2007); Yêu dấu (NXB Văn học, 2018); Nguồn gốc của ngoại tộc (NXB Hội Nhà văn, 2018); Mắt nào xanh nhất (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022)...
Năm 1991: Nhà văn Nam Phi Nadine Gordimer (1923-2014) đoạt giải Nobel Văn chương vì tất cả các tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận của bà đã tạo thành một tác phẩm duy nhất về ý chí chiến đấu cho nhân phẩm và bảo vệ giá trị văn hóa trong thời kỳ khắc nghiệt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Nadine Gordimer là nhà văn Nam Phi đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.
Năm 1966: Nữ nhà thơ người Đức gốc Do Thái Nelly Sachs (1891-1970) nổi tiếng với những tác phẩm mang thông điệp nhân đạo, kể về nỗi đau và mất mát của dân tộc Do Thái trong chiến tranh; lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lãng mạn Đức, thơ truyền thống của dân tộc Do Thái và tôn giáo Thiên Chúa.
Năm 1945: Nhà thơ Chile Gabriela Mistral (1889-1957) được đánh giá là hộ vệ trung thành của dân chủ, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người nghèo. Những vần thơ trữ tình xuất phát từ xúc cảm mạnh mẽ đã đưa tên tuổi bà trở thành một biểu tượng cho khát vọng lý tưởng của thế giới Mỹ Latinh. Viện Hàn lâm Thụy Điển tôn vinh bà là "một ca sĩ vĩ đại, hát về tâm hồn con người và tặng cho chúng ta một loại đồ uống thơm ngon từ trái đất, làm dịu đi khát khao trong trái tim chúng ta".
Năm 1938: Nhà văn Mỹ Pearl Buck (1892-1973) được trao giải Nobel Văn chương vì "những miêu tả chân thực và đặc sắc về cuộc sống nông dân Trung Quốc". Bà cũng viết nhiều bài báo và sách chống lại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Sống vì đất (NXB Như Nguyện, 1959); Nhớ cảnh nhớ người (1966); Đất lành (NXB Khai Trí, 1972); Một lòng với em (NXB Khai Trí, 1972); Gió đông gió tây (NXB Khai Trí, 1972); Người cung nữ (Từ Hi thái hậu) (1989); Đất lành (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024); Đời con (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024); Ly tán (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024)...
Năm 1928: Nhà văn Na Uy Sigrid Undset (1882-1949) đã cung cấp thêm một góc nhìn, quan niệm lý thú về người phụ nữ trong thời đại của mình trong bối cảnh xã hội trước đây. Bà giành được giải Nobel vì những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc sống phương Bắc thời Trung cổ.
Năm 1926: Nhà văn Ý Grazia Deledda (1871-1936) giành được giải Nobel Văn chương bởi "những tác phẩm được truyền cảm hứng duy tâm, mô tả rõ nét về cuộc sống trên hòn đảo quê hương của bà và giải quyết các vấn đề của con người nói chung với chiều sâu và sự cảm thông".
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Người mẹ (NXB Hội Nhà văn, 2023)...
Năm 1909: Nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf (1858-1940) là nữ văn sĩ đầu tiên trên thế giới được nhận giải Nobel Văn chương danh giá. Bà giành được giải thưởng vì những tác phẩm kết hợp được sự trong sáng và giản dị của ngôn ngữ, vẻ đẹp của văn phong và trí tưởng tượng phong phú với sức mạnh đạo lý và độ sâu của các cảm xúc tín ngưỡng.
Các tác phẩm đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam: Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils (NXB Trẻ, 2017); Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson (NXB Kim Đồng tái bản, 2022)...
Hoàng Linh | Báo Văn nghệ
(Nguồn ảnh: Internet)
------------
Bài viết cùng chuyên mục: