Sáng tác

Nhi thư. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Hà Đình Cẩn
Truyện
11:00 | 27/12/2024
Baovannghe.vn - Địch tra khảo thế nào, Nhi thư cũng nói có thế, trước sau như một. Theo định chế từ thời chiến tranh giữa nhà Minh và nhà Hồ, bên nào bắt nhầm phải dân thì thả.
aa

Trận bao vây giặc Minh ở đồn Lạc Thuỷ, Nhi thư được Trãi cắt cử đem thư dụ hàng theo Nguyễn Xí làm binh vận. Xí vốn là con ở nuôi đàn chó săn cho chủ trại Lê Lợi, dày công luyện chó biết tiến, biết lui, nên được phong làm tướng quân trong mười tám tướng quân của Bình Định Vương.

Trịnh Thị Khánh, con tri trấn miền biên viễn Kỳ Hà, xứ Thanh, đẹp long lanh, đã học đại tập, nhưng là gái, không được thi Hương, xin cha mẹ đầu quân chủ soái Lê Lợi. Gặp ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi thấy nàng là người giỏi giang, nhận cho làm nhi thư. Thị Lộ bảo, minh sư đã có muội sửa sang túi sách, có cần thêm nhi thư? Trãi nói, ta thấy Trịnh Thị Khánh có khả năng sau này làm việc cho chủ trại. Từ đó, Khánh không chỉ làm nhi thư, mà còn là học trò để minh sư dạy sử Việt, từ đời Hồng Bàng đến đời Lý. Trãi có ba bồ sách, nhưng để ở trong đầu, nhi thư chỉ đeo tay nải có cuộn giấy, hộp bút, thỏi mực và chiếc nghiên đá mài mực. Bao nhiêu chiếu biểu và thư dụ hàng giặc Minh đều từ cái tay nải trên vai nhi thư mà bay ra, nhiều binh sĩ Minh nghe thư dụ mà trễ nải gươm giáo, có kẻ lẩn trốn tìm đường về nước.

Nhi thư. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn
Minh họa Đặng Tiến

Trận bao vây giặc Minh ở đồn Lạc Thuỷ, nhi thư được Trãi cắt cử đem thư dụ hàng theo Nguyễn Xí làm binh vận. Xí vốn là con ở nuôi đàn chó săn cho chủ trại Lê Lợi, dày công luyện chó biết tiến, biết lui, nên được phong làm tướng quân trong mười tám tướng quân của Bình Định Vương. Xí yêu chó và chó cũng yêu chủ. Xí đi đâu thì thôi, về đến trại thì cả đàn chó xô ra, nhảy cả lên vai chủ mà kêu ư ử, đuôi ngoáy tít. Có thêm nhi thư, Xí bảo, muội cùng ta với đàn chó lấy đồn giặc. Nhi thư nói, muội tay không, chỉ một thanh gươm của tướng quân, e khó lấy đồn. Xí nói, muội cứ theo, để ta tính. Xí nói thế nào, việc có như thế, quyết lấy đồn bằng dụ hàng và bằng chó. Trong đêm, cả trăm con chó đeo lục lạc đồng reo như nhạc ngựa. Tiếng loa dụ hàng của nhi thư dõng dạc vang lên, bớ chiến tướng Phùng Quý, ba vạn quân tiếp viện của viễn hầu Liễu Thăng đã bị nghĩa quân của dũng tướng Trần Nguyên Hãn bao vây ở biên ải Lạng Sơn. Nay thành Xương Giang của các người đang bị nghĩa quân của chủ soái Lê Lợi vây chặt, hãy mau mau ra hàng thì được chủ ta không chỉ tha tội chết, lại còn được cấp gạo cho ăn mà về với vợ con. Nhi thư gọi loa, Xí bảo, nghe tiếng muội, ta cũng xiêu lòng. Nhi thư cười bảo, muội đâu có tài làm cho tướng quân xiêu lòng. Xí im lặng một lúc mới nói, ta cùng nhau lấy đồn giặc để báo công với chủ tướng. Trong đêm, sau tiếng gọi dụ hàng của nhi thư, Xí cho đàn chó chạy quanh đồn, tiếng lục lạc đồng như thể cả trăm con ngựa chiến được tập hợp vây thành. Xí còn cho bắn ba quả hoả hổ, như là động lệnh ba quân chuẩn bị công đồn. Quân tiếp viện giải vây đồn không còn, thân cô thế cô giữa đất phương Nam xa xôi, tướng Phùng Quý chỉ huy giữ thành đành gọi loa xin mở cửa thành để hòa đàm. Cửa thành vừa hé, đàn chó lẹ vọt qua, gây náo loạn. Xí phải nổi tù và ra hiệu cho chó dừng tấn công, để cùng nhi thư và các tráng sĩ vào thành bắt tướng giặc, tiếp quản thành nhanh như chỗ không người.

Sau trận công đồn, chủ trại hỏi tướng quân Nguyễn Xí, người lập công lớn, muốn ban thưởng gì. Xí hỏi nhi thư, ta xin chủ trại được gá nghĩa với nàng, nàng có thuận không. Nhi thư khép đôi mắt phượng mà rằng, tướng quân là bậc cái thế, muội còn kén chọn ai. Một đêm trăng vằng vặc ở bản doanh, chủ trại Lê Lợi đến dự cưới, tặng cho cô dâu nhi thư bộ đồ vải thô màu chàm, cả mũ và giày vải cũng màu chàm để từ nay cô dâu trở thành binh sĩ chủ lực của Bình Định Vương.

Nhi thư làm vợ, nhưng vẫn theo chồng đi trận làm binh vận.

Bao vây đồn Bồ Đằng, Xí nói với vợ, thế giặc đã xuống, ta đưa quân vào vây, rồi cùng muội lên hẳn thành dụ hàng. Có vợ, Xí muốn lập nhiều công tích bày tỏ lòng biết ơn với chủ soái. Xí đâu ngờ, tướng giặc ở đồn Bồ Đằng gian mưu xảo quyệt, biết được giờ xuất quân của đối thủ, nên bí mật cho nửa lính trong đồn ra ngoài, nằm vùi trong đất phục kích. Cho nên khi Xí chưa kịp đưa quân lên nóc thành, thì giặc hô lính ngoài và trong thành cùng giao chiến. Bấy giờ Xí đang ở phía sau đôn quân. Nhi thư ở phía trên thành cùng một nhóm binh sĩ bị bao vây từ hai phía. Giặc đông, ta ít, cuối cùng một nửa chết, một nửa bị bắt mà không giải vây được cho vợ. Đêm ấy, trăng trong gió mát, nhưng lửa hun đốt trong bụng Xí. Xí liều chết một mình xông thành giải vây cho vợ, Nguyễn Trãi phải ngăn.

Nhi thư bị bắt, nhưng giấu được thân phận vì vội vùi tay nải đựng giấy bút mực xuống bùn.

Giặc hỏi, con rợ làm gì trong đám giặc.

Nhi thư bảo, rợ là bần nữ, đi tìm chồng, ngờ rằng trong quân vây thành có chồng.

Địch tra khảo thế nào, Nhi thư cũng nói có thế, trước sau như một. Theo định chế từ thời chiến tranh giữa nhà Minh và nhà Hồ, bên nào bắt nhầm phải dân thì thả. Nhưng tướng giặc Bao Thao, thấy kẻ bị bắt đẹp quá, thả thì tiếc, giữ lại làm hầu rượu cho quan binh.

Một đêm, tướng giặc nói, ta nghe tiếng người Man nói ríu rít như chim, hẳn con rợ hát sẽ hay.

Nhi thư nói, bần nữ học từ mẹ cũng biết vài câu hát, tìm cho xin một cây đàn.

Lính lục lọi khắp nơi, đem về cây đàn để nhi thư hát trong đêm rượu. Đêm ấy thủ lĩnh các quan binh đủ mặt. Rượu vừa nhập, nhi thư ôm đàn nguyệt mà hát rằng:

Quê xa ngàn trùng

Trăng mờ bóng núi

Nhớ nhà buông tiếng thở dài

Nghe tiếng gió gào như có lời vợ con

Sa trường xa ngàn trùng

Chỉ thấy người chết vì gươm giáo

Máu đổ đỏ đất

Hỏi trăng xem mai kia liệu còn ngày về…

Tiếng hát của nhi thư bổng chìm, hoà quyện thánh thót mà buốt lạnh như giọt sương đêm đông. Những kẻ uống rượu lặng dần, khề khà cũng khà nhỏ dần, uống như là nuốt giọt cay, giọt đắng. Rồi người uống rượu ôm lấy nhau mà khóc vì nghe tiếng con rợ hát mà nhớ quê hương phương Bắc mịt mù, xa vời.

Chủ tướng giặc là Hoàng Cơ từ đâu tạt qua chỗ lính uống rượu, cắm đầu kiếm xuống đất mà hét, phải treo cổ con rợ, chứ để nó hát thế này thì binh sĩ của ta còn đâu lòng hăng hái mà ở sa trường.

Tướng giặc bừng bừng nổi giận định treo cổ nhi thư ngay lúc đó.

Nhưng lính nói lại, đừng giết con rợ, mà bắt nó hát bài của ta ắt sẽ lấy lại sĩ khí.

Tướng giặc hỏi, rợ có biết hát bài hát của mẫu quốc không.

Nhi thư cúi đầu thưa, rợ nghe lỏm được vài đoạn ương ca của lính, có thể hát lại.

Chủ tướng bảo, vậy rợ hát đi.

Nhi thư lại ôm đàn, năm ngón tay gảy loang loáng trên phím tơ, cất tiếng:

Núi Nam (hề) gió chướng

Sông Nam (hề) nước tràn

Người Nam (hề) như đất

Chưa thấy (hề) cười tươi

Binh lửa (hề) bao năm

Chỉ thấy (hề) mù mịt

Ai biết (hề) ngày về…

Hoàng Cơ nghe hát, soi đuốc, giật mình vì thấy con rợ hát hay và đẹp quá, nên đổi ý không giết, mà cho lính bịt mắt, dẫn về bản doanh, coi như món quà gửi biếu Hoàng Phúc, Tổng binh quân Minh ở Nam Giao.

Đó cũng là những ngày Bình Định Vương Lê Lợi đưa quân xuống đồng bằng, bao vây Đông Quan cả bốn phía. Bản doanh của chủ trại đặt ở Bồ Đề, có chòi cao chín thước trên nóc đê để quan sát thành. Chủ trại Lê Lợi một chòi. Quan Hành khiển Nguyễn Trãi một chòi. Chiến tướng Nguyễn Xí đeo gươm lên chòi Nguyễn Trãi, bẩm xin quan Hành khiển cho Xí điều cánh quân đã mặc sẵn áo tang vào đánh giặc trong thành bắt Hoàng Phúc, Mộc Thạch để hiến phù cho tướng quân Đinh Lễ vừa bị giặc giết ở cửa Tây.

Quan Hành khiển nhẹ nhàng: Không được động binh.

Ruột gan Xí sôi sùng sục, lại bẩm, vậy xin quan Hành khiển cho Xí tôi vào thành làm việc nghĩa.

Nguyễn Trãi phải kìm lòng lắm mới giữ được giọng nhẹ nhàng: Việc gì?

Xí nói cộc lốc, việc cứu nhi thư.

Nguyễn Trãi xoay người, nắm lấy tay tướng quân mà khuyên bảo, không vì tình riêng mà làm hỏng việc chung.

Nguyễn Xí không kìm được nữa, vung gươm hét, việc lớn của ba quân không thể chỉ nghe lời kẻ sĩ yếm thế.

Quan Hành khiển vẫn đứng nhìn về trấn thành, không nhúc nhích.

Vừa lúc có tiếng hô, Bình Định Vương lên chòi.

Nguyễn Trãi quay lại, đã thấy chủ trại nhô đầu lên sàn, chưa kịp bẩm báo, Lê Lợi đã cất tiếng mắng Xí, túc hạ không được hỗn với ngự sử.

Trong quân, Xí chỉ sợ có chủ tướng.

Vừa lúc, lại có tiếng hô, Nguyễn Bặc lên chòi.

Bặc không đeo gươm, chỉ đeo ống quyển, mặt mũi tưng bừng, thi lễ với trang chủ và quan Hành khiển rồi mở ống quyển, lấy ra một tấm họa đồ, nói, khải bẩm Bình Định Vương, túc hạ vừa ở thành ra nên biết, nhi thư bị ép đi hát làm vui cho binh sĩ Minh giữ thành, sáng ý lấy cắp được hoạ đồ bố phòng dọc đê sông Cái, tìm người giao cho túc hạ đem về trình báo chủ tướng.

Quan Hành khiển tự tay cuốn hoạ đồ lại, bảo, ta biết ơn nhi thư, biết ơn Nguyễn Bặc đưa hoạ đồ về bản doanh. Có hoạ đồ này, ta cứu được trấn thành, nhưng buồn thay, không cứu được một người…

Xí cắt ngang: Thưa quan Hành khiển, ta còn chờ đến lúc nào mới đánh thành?

Nguyễn Trãi vẫn bảo, không được vội. Đừng vì một người mà mất nhiều người.

Bấy giờ trên bờ đê, nhi thư bị dẫn đi hát uý lạo binh sĩ Minh. Nàng hát đi hát lại bài ương ca của lính Nước Nam (hề) đến lạc cả giọng vì muốn quanh quẩn ở đê, sợ bị đẩy đến bản doanh của Hoàng Phúc dễ bị làm nhục.

Nhưng con tù tính không bằng chủ tính. Nửa đêm, nhi thư bị dẫn vào nhà đỏ xông nước thơm, làm đẹp rồi bị cuốn mình vào chăn để lính khiêng đi hầu hạ Tổng binh Hoàng Phúc. Trong khi làm đẹp, nhi thư cố ý cài chiếc trâm bạc trên mái tóc. Trong loan phòng, Phúc ngồi uống rượu, ngắm cái cơ thể cuốn trong chăn, đặt trên giường. Đến lúc, dường như rượu bồ đào đủ độ hăng hái, Hoàng Phúc cúi xuống mở chăn, ve vuốt từng phần cơ thể nuột nà dần bóc mở. Nhi thư mỉm cười ra ý chiều chuộng, ưng thuận. Đến khi Hoàng Phúc vừa cúi mặt xuống giữa hai cặp đùi thon và trắng, thì nhi thư bất ngờ rút chiếc trâm cài, vung tay đâm vào cổ kẻ tặc dâm. Nhưng yếu liễu làm sao cự được vũ phu? Hoàng Phúc nhanh tay bóp chặt tay nhi thư, rồi vùng dậy mặc quân phục, ra sắc lệnh kẻ định sát hại Tổng binh phải chịu án thượng thành làm gương cho ai ở xứ Man dám chống đối tướng quân của mẫu quốc.

Thượng thành là đòn tra tàn độc với người chống đối chủ tướng, nhưng ít khi thực hiện vì mất nhiều công sức so với chém một nhát ngang lưng là lấp đất. Tử tội nhi thư bị treo trên mặt thành, rồi theo trống thúc mà đốt lửa dưới chân. Ngọn lửa cháy xém đến đâu, da thịt nhi thư xèo xèo lộ ra lớp mỡ trắng hếu đến đấy. Cả cơ thể bị đốt phồng lên, nứt nở rồi héo dần, xẹp xuống. Trong lửa thiêu đốt, nhi thư lấy hết sức gào, tướng quân Nguyễn Xí, cứu muội.

Cách một mặt sông Cái, Xí và ba quân không chỉ nghe thấy tiếng gào thét, mà còn nghe thấy tiếng ru em theo điệu xưởng quê hương của nàng.

Rù ru là rảy

Ngủ đi là em ơi

Ngày mai sương tan

Chị đùm cơm đi với bố

Hoàng hôn ráng đỏ quê ta

Bố đánh giặc miền xa chưa về…

Xí và quân sĩ nghe thấy tiếng ru của nhi thư lẫn trong gió sông ào ào. Rồi từ nơi tiếng ru của tuổi thơ thay mẹ giữ em, ngọn lửa mỗi lúc bốc cao. Xí cho ba quân mặc áo tang, định liều chết, lao thuyền sang công phá tuyến giặc dọc đê để cứu vợ.

Quan Hành khiển giữ tay Xí, nói, xin tướng quân chờ cho. Ta cũng dầu sôi trong ruột vì trò yêu bị hành hình. Ba quân cũng vậy, đồng lòng xông vào thành cứu nhi thư. Nhưng ta và chủ soái còn chờ vì không chỉ cứu nhi thư mà cứu dân cả trấn thành.

Hồn vía Xí đang bị đốt, gắt, lửa chỉ cháy vào da mình mới thấy bỏng.

Nguyễn Trãi nắm tay đốc kiếm Xí, nói, tướng quân cũng như ta cùng vạn binh sĩ mười năm nằm gai nếm mật mới đến trận cuối cùng. Ta nghĩ làm sao lấy được thành, không chỉ dân Thăng Long được yên lành, mà binh sĩ của ta còn đủ mặt trong ngày lễ bình Ngô. Ấy mới là chúng ta vì mọi người không chỉ một người… Ta đau đớn vì trò yêu của ta bị giặc hành hình. Nhưng trò ta đã hiến mình cho nghĩa quân như một nghĩa sĩ phi thường… Nán chờ cho vài khắc ta cùng lấy thành, trọn vẹn đôi đường.

Nguyễn Trãi tính như thần, chỉ vài khắc sau, đã nghe tiếng vó ngựa của Trần Nguyên Hãn gõ như trống khua trên mặt đường. Hãn nhảy xuống ngựa, dâng cho quốc sư bọc vải, là kiếm của viễn hầu Liễu Thăng và hổ phù của Mộc Thạch bị giết ở xứ Lạng và đồn Xương Giang.

Nguyễn Trãi quay lại Xí, nhắc, tướng quân dẫn quân sĩ vào thành cùng ta.

Nguyễn Trãi giương cờ của chủ soái Lê Lợi, dong thuyền thẳng vào bến Cửa Nam, như là đi trên dòng sông vắng. Biết tin quân tiếp viện bị giết sạch ở Nam Quan, Mộc Thạnh, Hoàng Phúc dù có ba vạn quân trong tay vẫn không dám gây hấn gì với đoàn thương thuyết mở đường cho giặc rút quân của Nguyễn Trãi.

Thuyền vừa cập bến sông, Xí nói, xin minh sư thứ lỗi, rồi nhảy xuống thuyền, chạy một mạch trên mặt đê. Xí đến nơi nhi thư bị hành hình, chỉ thấy trên mặt đê còn một đống tro tàn, gió thổi bốc muội than bay mù mịt. Xí gọi tên Khánh ơi, ta còn sống làm gì, vốc than có máu xương của vợ trát lên mặt, rồi nhanh chóng theo đoàn quân vào thành cùng Nguyễn Trãi, vào thẳng sân rồng điện Thiên An. Trãi cho hạ đòn khiêng rồi cho mời Tổng binh Hoàng Phúc đến, nói, chủ soái cho ta vào thành, dâng cống phẩm.

Hoàng Phúc đã yếu thế, vẫn cố mở miệng hách dịch, ta khen chủ tướng của các người biết lễ nghĩa.

Trãi nói, xin Tổng binh nhận cống phẩm.

Người trát mặt đen là Xí bước ra, mở hòm cống phẩm bọc vải điều. Trãi chỉ tay vào hòm cống phẩm, nói, chắc Tổng binh nhận ra thanh gươm và hổ phù là của ai.

Hoàng Phúc mặt tái như chàm, nói, hạ quan biết gươm và hổ phù là của tướng lĩnh Bắc triều, nhưng không hiểu vì sao tướng quân Nguyễn Xí lại bôi mặt đen đi thương thảo.

Trãi nói, tướng quân ta muốn lấy rượu bình Ngô rửa mặt.

Nói rồi, Trãi lên kiệu ra cửa Bắc, đến chân cột cờ dựng từ thời Lý, đặt lễ kính cáo tổ tiên, đất nước hết bóng giặc, để Hoàng Phúc đứng lại với Nguyễn Xí.

Hoàng Phúc thấy Nguyễn Xí mặt đen thì bảo, quân ta trót ra hình với nhi thư của tướng quân, mà tướng quân ra lệnh cho binh sĩ tha tội chết cho lính Ngô, cấp gạo, cấp ngựa, cấp thuyền cho về nước, nghĩa này lớn như trời biển.

Xí rút gươm chém lên gốc đại thụ cạnh góc sân rồng, cây chỉ rung rinh, nói, ta thề cùng dân ta giữ Bắc Nam hoà hiếu.

Xí nói xong, vết chém ở thân đại thụ mới ứa ra dòng nhựa trắng như sữa.

Năm đó, theo chính sử là cuối tháng mười hai, năm một bốn hai bảy.

VN13/2024

Hiệu ứng Wallenda: Khi nỗi sợ thất bại trở thành kẻ thù lớn nhất

Hiệu ứng Wallenda: Khi nỗi sợ thất bại trở thành kẻ thù lớn nhất

Hiệu ứng Wallenda là một thuật ngữ tâm lý học dùng để chỉ hiện tượng khi một người quá tập trung vào nỗi sợ thất bại, dẫn đến mất tập trung và giảm hiệu suất. Câu chuyện bi kịch của nghệ sĩ xiếc đi dây Karl Wallenda đã trở thành minh chứng điển hình cho hiệu ứng này.
Những con sóng vô hình. Truyện ngắn của Dương Giao Linh

Những con sóng vô hình. Truyện ngắn của Dương Giao Linh

Baovannghe.vn- Tôi yêu biển. Sinh cũng thế. Chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng những con sóng. Biển là bạn và cũng là nguồn sống của những ngư dân.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Sẽ có 36 tổ hợp môn thi được lựa chọn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Sẽ có 36 tổ hợp môn thi được lựa chọn

Baovannghe.vn - Từ năm 2025, thí sinh sẽ dự thi 4 môn trong đó có 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thi tự chọn tương ứng với 36 tổ hợp môn thi
Bản tin Văn nghệ ngày 27/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 27/12/2024

Baovannghe.vn - Được tổ chức lần đầu tiên vào 1988, sau hơn 35 năm, 18 người đẹp trên khắp ba miền Tổ quốc đã lần lượt đăng quang Hoa hậu Việt Nam.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI Khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 2)

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI Khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 2)

Baovannghe.vn - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở Khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 2tại TP Hải Phòng bầu đại biểu, đi dự Đại hội nhà văn khoá XI