Sáng tác

Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Nguyễn Thu Hà SG
Truyện
17:11 | 31/10/2024
Baovannghe.vn- Cái nhà ngày xưa tay Tiến nói là dãy tập thể cũ nát, xây từ trước 1975. Nó từng là niềm tự hào của những kẻ được ưu tiên về sống trong đó. Kỉ niệm thì đúng là nhiều vô kể. Nhưng riêng với lão thì nó còn chứa nỗi nhục nhã sâu kín nhất. Nỗi nhục đóng đinh lão trong im lặng cả đời…
aa

Lão Thạch ngồi thẫn thờ. Cái điện thoại Samsung cũ nằm trên đùi lão đã lạnh ngắt mà giọng tay Tiến còn vẳng trong tai: “Này, biết gì chưa? Đã có quyết định thu hồi phá dỡ rồi đấy. Chuyến này coi như thằng Sơn tuột cả cần lẫn cá thật rồi. Chỉ tiếc cái nhà ngày xưa bao nhiêu là kỉ niệm nhỉ…”

Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG
Minh họa Lê Trí Dũng

Cái nhà ngày xưa tay Tiến nói là dãy tập thể cũ nát, xây từ trước 1975. Nó từng là niềm tự hào của những kẻ được ưu tiên về sống trong đó. Kỉ niệm thì đúng là nhiều vô kể. Nhưng riêng với lão thì nó còn chứa nỗi nhục nhã sâu kín nhất. Nỗi nhục đóng đinh lão trong im lặng cả đời…

Miệng lão tự dưng đắng nghét. Họng khô khốc và lão thèm cốc bia lạnh đến cháy cổ. Lão vươn tay quơ túi lạc ở đầu bàn. Vỏ lạc vỡ trong đầu ngón tay lão giòn rụm. Mùi lạc rang toả ra beo béo, ngòn ngọt. Lão cất giọng:

Yến đâu! Mang cho ông lon bia!

Đáp lại, chỉ là tiếng phát thanh viên trên tivi kết thúc mục điểm tin tối. Ngôi nhà lớn chìm vào im lặng. Lão nhớ ra, từ ngày vợ lão dắt theo cả đám con cháu bỏ về quê, căn nhà này chỉ còn mình lão. Không nhớ từ bao giờ, lão lười cả nhấc mình khỏi cái sô pha này. Nó vừa là giường ngủ, bàn viết, chỗ để vươn vai tập thể dục và cả nấu ăn. Đôi lúc lão nhớ đến câu ngày xưa chính lão luôn treo cửa miệng, lúc cả nhà lão ở cái buồng cơi nới nơi gầm cầu thang dãy nhà tập thể: “Ăn thì nhiều chứ ở là mấy!”

Mà giờ thì… lão chợt cười to trong bóng tối. Lẽ ra, nghe tin cái khu nhà ấy bị phá bỏ, lão phải vui mừng mới phải chứ nhỉ? Sự mỉa mai của câu nói ấy áp dụng cho cái quãng đời này của lão mới bôi bác làm sao! Giờ lão ăn đồ ăn nấu trong cái lẩu cá nhân có đế cắm điện để trên bàn kê ngay đầu cái sô pha gỗ. Cái nồi lẩu điện to bằng cặp lồng nhôm hồi xưa vợ chồng lão đựng cơm nguội với rau muống luộc ăn chung vào bữa trưa ở cơ quan, lòng lẩu đựng được được bát nước với gói mì và vài cọng rau. Lão bỏ tất rau, thịt và mì vào rồi đổ nước, bấm nút. Một bữa ăn chỉ nấu bằng một lần nhấn nút. Ấy là cái phát minh mà lão rất tự hào ngày đầu cả nhà rời đi để mình lão ở lại ngôi nhà này.

Họ đi, lão không cần phải quan tâm nhà bẩn hay sạch, không cần tưới vườn hoa của mụ vợ, chẳng cần phải nhớ trộn thịt cho con chó cảnh hung hăng của đứa con gái út. Mọi thứ ồn ào trước đây lão ghét cay ghét đắng đều biến mất. Lão thấy sướng. Lần đầu trong đời lão không cần phải theo khuôn khổ. Không phải mặc đồ cho bảnh chỉ để ra ngoài ăn sáng với vợ. Sở dĩ phải bảnh bởi mở mắt ra là vợ lão lập tức bôi trét cả tảng phấn nhằm che những mảng da mặt loang lổ thâm nám. Người duy nhất trong cái mớ người thân chẳng ra thân, ruột thịt chẳng ra ruột thịt còn hiện diện là cô giúp việc. Tuần hai lần, vào thứ ba và thứ bảy, cô ta mua thịt cá, rau quả rửa sạch rồi xếp vào tủ lạnh. Lão không hỏi nhưng ngày càng hóng để nghe cái giọng điệu dặn dò nấu cái gì với mớ thực phẩm ấy. Lão hóng nghe tiếng người chứ chả để tâm đến cái ăn. Lão chỉ cần trong tủ lạnh cái khoản bia không bị cắt và thứ nhất quyết phải có cùng bia là lạc rang nguyên vỏ. Mà phải là thứ lạc đỏ. Thứ lạc mà từ cái cảm giác đầu tiên sờ vào vỏ nó đã nhám khác biệt với vỏ những loại lạc khác. Thứ lạc mà bóp phải mạnh tay thì cái mép củ mới nổ đánh tách, còn đầu ngón tay đau nhói rồi tê tê khi lần vuốt xuống bóp cái nữa để hai mảnh vỏ tách rời ra. Những hột nhân lạc lộ ra, đỏ sầm sậm và chặt khít trong mảnh vỏ lạc mỏng nom như chiếc thuyền nan kéo mui nằm ghếch bãi. Nhìn thôi đã thấy khoái cảm. Cái khoái cảm ngầy ngậy, ngòn ngọt trên lưỡi sau tiếng răng cắn xuống giòn rụm. Chỉ nhai một chút lão đã khát thèm hớp bia lạnh, bọt khí tự nổ dần lên vòm miệng. Rồi thứ khoái cảm ấy nhắc lão thèm khát thứ khoái cảm khác. Thèm khát ngấu nghiến thân xác đàn bà. Loại đàn bà ngậy ngọt, đầy ứ, mọng căng. Loại đàn bà như những hạt lạc đỏ quê lão.

Như ngày xưa, cái hồi lão ngồi bóp những củ lạc khô trên chiếc giường của ả đàn bà goá trong căn phòng sát cầu thang tầng một ở khu tập thể ấy.

Như cái lúc lão vật ả lăn lộn trên tấm chiếu đậu xin xỉn in hình hoa sen đỏ lòm. Những củ lạc tung toé, thân hình phì nộn nẩy lên phía trên những vỏ lạc vỡ rôm rốp hoà vào tiếng rên đàn bà.

Lão lây cái nghiện ăn lạc từ ả đàn bà đó. Như lão đã nghiện cái cảm giác đau đớn của chính lão. Nỗi đau thống khoái có lẽ trên đời này chỉ duy nhất là lão khi ấy, không mảnh đất cắm dùi, không bằng cấp trình độ, ngấu nghiến vày vò thân xác đàn bà để nghe tiếng rên xiết hạ cấp át đi tiếng rên cao cấp hơn của vợ mình đang trong tay thằng đàn ông khác.

Mà sao lão cứ phân biệt về cấp bậc thế nhỉ. Có lẽ do gã đàn ông ấy cao cấp hơn lão chăng?

Lão thèm bia quá! Mà không, lúc như thế này, tin tức như thế này thì phải nhấm nháp chút rượu chứ nhỉ! Lão nhớ cút rượu cúng trên cái bàn thờ thơm trầm cạnh giường của ả đàn bà ấy. Cảm giác tê tê đầu lưỡi, nóng lan dần xuống cổ rồi bụng, mùi rượu nhắc nhớ những bữa cơm cúng giỗ ở quê, hơi chua chua của men hoà quyện với mùi nhang khói, mùi những món người ta dâng cúng. Sau này, ở quê toàn bày cúng bằng những chai rượu tây lão mang về nên lão đã gần như quên mất mùi này rồi. Lão nhớ chén rượu quê lão nốc cạn trước cái nôi tre có hai đứa bé gái xinh đẹp nằm như hai thiên thần nhỏ trong bóng tối của cái buồng tồi tàn, hôi hám. Lão đứng dậy, đi ngật ngưỡng vào gian bếp rộng thênh thang tìm can rượu. Lão nhớ con bé Yến giúp việc bữa trước có nói rượu đó để bà chủ ngâm thuốc bóp chân. Rượu nào chẳng là rượu. Lão nghiêng miệng can cho thứ nước trong suốt chảy vào cái tô lớn rồi lại ngật ngưỡng bưng cái tô sóng sánh trở ra ghế sô pha. Mùi rượu thật tuyệt. Tại sao lão lại phải nghe mấy tay lang băm lâu nay chỉ dám rón rén đôi lon bia thôi nhỉ. Mùi rượu này và vị lạc đỏ ngày xưa đã là một phần không thể thiếu trong những lúc vui buồn của lão cơ mà.

Lão Thạch lơ mơ…

Căn phòng của Hoa béo lúc nào cũng mát và thơm mùi nhang…

Phía dưới, lệch về bên trái là hốc cầu thang mà vợ chồng Thạch khó khăn lắm mới chiếm dụng được sau khi dọn đống rác thối khắm. Người ta vẫn gõ kẻng khi đủn xe gom rác nhưng cũng lắm nhà nhỡ kẻng vì không chạy kịp xuống và xe rác đi mất. Và nhiều mớ rác cơ nhỡ ấy bị quăng đại vào cái hốc cầu thang lúc nào cũng tối om. Từ ngày thành “nhà” của vợ chồng Thạch, cư dân không còn được ném rác bừa bãi nữa nên khu vực cầu thang sạch hẳn. Bao đêm trong cái khoảnh gọi là buồng ấy Thạch đã nín thở cố nhích ra khỏi người Tuyết nằm nghiêng ép sát vào chồng như úp thìa để nhường nửa chiếu cho thằng con dang tay ngủ. Cứ gần năm giờ sáng, lần lượt những nhà trên tầng hai, tầng ba rậm rịch trở dậy rồi rầm rập lên xuống. Bước chân họ như cố tình nện những tiếng thịch vào cái đầu ong ong của Thạch giờ mới lơ mơ ngủ. Khoảng trống trên chiếc chiếu chỗ vợ vừa len lén ngồi dậy để lo bữa sáng lúc đó thật quý giá. Tuyết dậy là Thạch có thể nằm ngửa, duỗi thẳng chân ra và chìm vào giấc ngủ. Kệ cho những tiếng chân, tiếng chào hỏi nhau, tiếng quát tháo cứ liên tục theo những gia đình trên hai tầng nhà lần lượt vác xe đạp xuống đi làm, đi học. Cái sự thoải mái ấy được khoảng hơn một tiếng, kết thúc vào lúc Tuyết đập bồm bộp vào vai kèm theo những lời cằn nhằn gọi chồng dậy ăn sáng để kịp đi làm. Món ăn sáng thường nhật là bát cơm nguội, hâm nóng trên bếp dầu khiến tạo ra lớp cháy giòn giòn ở đáy nồi nhôm. Tuyết hay dùng cái cùi thìa cong queo cạo sàn sạt, cố vét cho hết những hạt cơm đã vỡ vụn để được đầy bát con. Bát nước mắm Cát Hải mặn chát có sẵn mấy quả cà pháo thâm sì, ít ớt hiểm để cạnh bát cơm, chỉ việc đổ ụp vào và bới vén cái thìa vài nhát là xong.

Thạch tự hào vì vừa xuất ngũ đã lấy được cô vợ thuộc hàng xinh gái, lại nhanh nhẹn tháo vát tới nỗi xin được cho chồng chân bảo vệ xí nghiệp mình làm. Đời thằng đàn ông một lúc làm được hai việc đại sự thế rồi còn gì, chả hơn đứt bọn bạn học hay đồng ngũ cả quãng xa. Vợ bảo, chỉ cần có sổ gạo, sổ thực phẩm thì lương của hai vợ chồng để ra được ối. Rồi làm lâu, thế nào thì cũng được cấp nhà tập thể mà ở. Nhà tập thể tuy ở đông, nhưng còn hơn những cái nhà mái giấy dầu lụp xụp ở phố, hơn đứt nhà tranh mái rơm. Thạch lâng lâng và hi vọng. Mọi việc cứ để vợ sắp đặt vì Tuyết có kinh nghiệm đi làm từ khi mới học xong lớp tám. Còn trước cả thời gian Thạch đi lính cơ mà.

Giấc mơ về một căn phòng trong dãy tập thể ba tầng tan dần khi Tuyết nhum nhúm bụng bầu rồi mà vẫn chưa tới lượt. Để được xét cấp cái phòng mười tám mét vuông kèm một ô bếp hai mét ở đầu dãy ấy, tiêu chuẩn phải đạt là cả hai vợ chồng cùng làm ở xí nghiệp, thâm niên phải từ năm năm trở lên. Nhưng cái tiêu chuẩn ấy nhiều nhà đạt quá, họ nâng lên là xét từ cán bộ văn phòng, rồi tới các chức đội, tổ trưởng rồi mới tới công nhân. Mà vợ chồng Thạch thì chỉ có một người đạt thâm niên thôi, lại chưa có chức vụ gì cả nên chắc chắn là chờ cuối danh sách. Biết vợ buồn lắm nhưng Thạch bất lực chẳng biết an ủi thế nào. Hai đứa vẫn ở trong hai cái nhà tập thể chung của nam nữ độc thân và dù cưới hỏi rồi thì cũng vẫn gặp nhau như các đôi yêu nhau hẹn hò lén lút vậy.

Khi cái thai được gần bốn tháng, những cơn nghén hành hạ Tuyết nôn khan cả ngày lẫn đêm thì cái sự “tính liều” của Tuyết là ngồi chờ ở cửa căn phòng tầng ba ấy để gặp cho bằng được chủ nhân. Không biết Tuyết đã nói những gì với tay Sơn, trưởng phòng đời sống mà ngay tối hôm đó, cô hớt hải gọi Thạch cùng đi mượn cái xe rùa rồi đẩy vào chân cầu thang khu tập thể. Trong đêm ấy, Thạch và Tuyết đã hốt dọn hết đống rác lưu cữu. Khoảng không gian cha chung không ai khóc thành bãi rác trước đây bây giờ thì có mùi hoai khẳn, ẩm ướt.

- Cũng được gần chục mét đấy anh ạ! - Tuyết thì thầm, giọng phấn khích dù vẫn đang thở hổn hển vì mệt - Có sẵn hai vách tường rồi, mình chỉ cần xây thêm cái vách ngăn phía làn cầu thang đầu tiên, dựng cái cửa phía trước rồi bắt hai miếng gỗ dán đóng chéo dựa vào làn cầu thang phía trên là thành mái nhà kín rồi. Ôi, chỗ này dư sức kê cái giường mét hai này, còn chỗ hốc gầm cầu thang đầu tiên thì để bô tiểu. Bếp dầu em sẽ để vào cái thùng gỗ đựng bia chai Vạn Lực ấy. Khi nấu em sẽ bưng ra ngoài sân kia cho nó bớt mùi dầu hoả. Chỗ này anh đóng cho em cái đinh căng dây treo quần áo. Thế là ổn lắm rồi. Nhưng anh cẩn thận kẻo đụng đầu đấy…

Mặc cho Tuyết phấn khích luyên thuyên, Thạch ngán ngẩm nghĩ đến viễn cảnh ăn và ngủ trong khoảnh không gian hôi thối và ẩm ướt ấy. Cố nghĩ đến giây phút được ôm vợ, làm tình rồi lăn ra ngủ thoải mái thay vì vạ vật ở khoảng đất hoang nào đó mà nhen lên hào hứng cùng với Tuyết. Có lẽ, câu nói “ăn thì nhiều chứ ở là mấy” bắt đầu từ giây phút ấy. Sau này, câu nói ấy như câu cửa miệng của Thạch mỗi khi có ai nhắc đến chuyện nhà cửa của hai vợ chồng.

Không ai biết, mỗi khi câu nói ấy tuột khỏi miệng thì dường như thứ mùi rác ám trong vách tường căn buồng ấy đầy ngập cả phổi lẫn da thịt Thạch. Rồi tới thứ mùi bồ kết khô cháy ngún xông hoà vào mùi rác cũ, tạo ra thứ mùi thum thủm giống mùi ở những đám ma phải quàn xác lâu ngày. Hai thứ mùi lợm giọng ấy tan bớt đi thì tới mùi khói bếp dầu nồng nặc, rồi mùi nước đái trẻ con hoà cùng mùi sữa gái đẻ, mùi nước mắm rim những miếng thịt lợn cho tới đóng muối và xém đáy… Cuối cùng thì là cái rùng mình như để rũ bỏ cho hết những kí ức mùi từng lưu trên da thịt Thạch. Cái rùng mình gợi nhớ tới bệ xí xổm trong góc bếp thuộc căn phòng đặc khói nhang trầm.

Phải rồi, ngày ấy là khoảng thằng cu Tít vừa mới được nhận vào nhà trẻ của xí nghiệp ngay phía đầu hồi dãy nhà. Trộm vía, thằng bé háu ăn và dễ nuôi nên sau nghỉ sinh theo quy định, Tuyết trở lại làm việc bình thường. Mỗi ngày, ngoài giờ nghỉ ăn trưa giữa ca thì Tuyết được quyền nghỉ một tiếng về cho con bú vào chín giờ sáng hoặc ba giờ chiều. Ác nỗi, Thạch thì không được nghỉ ca nào để có thời gian mà vọt về tranh thủ với vợ một tí. Mỗi đêm, trên chiếc giường mét hai lúc nào cũng khai mùi nước đái thằng bé, Thạch chịu đựng sự va chạm với da thịt vợ như sự tra tấn âm ỉ. Làm về mệt, Tuyết cũng lăn ra ngủ vùi. Có nhiều đêm, không chịu được sự bức bối khi cứ phải nhìn vào cái gọi là mái nhà chỉ cách mặt mình đúng tầm tay với, Thạch lại trở dậy, lom khom mở tấm ván gỗ dán lách ra ngoài.

Trong một đêm như thế, mùi khói nhang trầm và hình hài phốp pháp của Hoa đã bước vào đời Thạch. Không biết do không khí yên tĩnh ban đêm khiến Thạch hứng chí đi vung vẩy dọc dãy nhà, mùi nhang thanh tịnh hay thân hình như vọng phu ngồi cheo leo trên cái thành ban công mỏng mảnh tầng hai khiến ai bắt gặp cũng giật mình. Cũng không hẳn do vô tình mà Thạch nhìn thấy những giọt nước mắt trên khuôn mặt tròn căng ấy, mà là do cái khối ruột đáng ghét của hắn đã quen với vận động mỗi sáng trong quân ngũ kèm đĩa ngọn rau lang luộc thường trực trên mâm cơm kích sữa của Tuyết. Thạch đang loay hoay vừa tụt quần vừa ngồi xuống thì vô tình ngẩng lên, thấy khuôn mặt đầy đặn của Hoa với đôi mắt mở lớn nhìn mình. Nhanh như lúc tập báo động, Thạch vừa đứng phắt dậy trong khi tay kia kéo nhanh cạp quần, tay này bứt nắm rau sam bọn trẻ con hái sót rồi giơ lên cho Hoa thấy. Mấy hôm trước, nghe Tuyết than trong bữa cơm, người ta chửi đổng không biết đứa nào cứ đi bậy lung tung khắp sân, sáng sớm bọn chó chưa được thả ra, ai đi làm ca đêm về đạp phải liên tục. Mà những lời chửi đổng ấy nhằm vào ai thì cả hai vợ chồng đều biết. Cả dãy nhà này, chỉ mình gia đình họ là không thuộc nhân khẩu được phép dùng nhà xí và nhà tắm mà thôi. Người đông, lại chỉ tập trung ở nhà vào giờ tan tầm nên hai ngăn hố xí và một ngăn nhà tắm mỗi đầu hồi dùng cho năm phòng luôn quá tải, bẩn thỉu vì thiếu nước. Do vậy, họ rủ nhau đánh chìa khoá, khoá ngoéo cái cánh cửa dẫn vào khu phụ mỗi tầng lại. Họ đề phòng người từ “nơi khác” gồm những người không thuộc danh sách năm hộ của họ và nhất là “hộ dôi ra” là vợ chồng Thạch.

- Lên đây đi!

Hoa nói không lớn nhưng trong đêm vắng lặng, nghe vang và đanh. Giọng nói hơi khàn, trầm và có quãng rè. Không hiểu sao khi ấy Thạch thấy sợ. Sợ Hoa nói to hơn hay sợ Hoa dừng cái ngoắc tay kia lại, chính Thạch không rõ nữa.

Thạch chỉ mất vài giây để vọt qua hai làn cầu thang tạo nên cái buồng của gia đình mình là đứng trước cánh cửa gỗ thông sơn xanh nhà Hoa. Cửa đang mở, giấy hoạ báo Liên Xô dán đè lên những thanh chớp nằm ngang phía trên, chắc để ngăn người ta tò mò nhìn vào. Căn phòng tối, mát rượi và thơm. Cánh cửa phía hông phòng, bên tay trái cái ban thờ đang toả khói cũng đang mở, ánh sáng vàng yếu ớt toả ra chỉ khoảng hơn ba gang tay. Thạch vừa bỏ dép, nhón chân trên sàn xi măng mát lạnh thì Hoa đứng lên từ phía đầu giường ngủ kê sát phía cửa sổ cuối phòng. Chiếc khăn mặt cũ, kẻ ca rô. Chắc của người chồng quá cố Hoa giữ lại. Thạch lẳng lặng vào gian bếp sáng đèn, đóng hờ cánh cửa không có then cài lại và xả bỏ thứ nãy giờ tra tấn trong bụng. Xô nước có sẵn cái gáo nhựa nhỏ, cục xà phòng Camay đen để bên cạnh. Không hiểu sao như ma xui quỷ khiến, Thạch cởi luôn áo, dội nước và thoa xà phòng lên khắp da thịt mình. Có lẽ sự im lặng của Hoa, không gian cái bếp nhỏ xíu nhưng gọn gàng và có cái bệ xí ngay phía trong như bỏ bùa Thạch. Cũng có lẽ, trong vô thức, cái bệ xí và xô nước tiện nghi ấy nằm trong nỗi khao khát luôn bọc bên ngoài bằng câu nói “Ăn thì nhiều chứ ở là mấy” mà Thạch vẫn nói như một thói quen. Nó xoá đi nỗi ám ảnh những tờ giấy báo, giấy vở, thậm chí là hoá đơn pô luya mỏng lét hay vỏ bao xi măng... được vò nhàu cho mềm và sau đó vứt lung tung trong những ngăn nhà xí công cộng.

Hoa vẫn lặng im nằm phía sát vách tường khi Thạch đã đi xuống máy nước xách về ba lần, sáu xô nước đổ đầy cái thùng phuy góc bếp. Loay hoay tìm công tắc tắt đèn bếp nhưng bất lực, Thạch khép cửa bếp lại và rón rén vòng ra cửa chính thì bàn tay nóng rãy của Hoa đặt lên lưng. Cả cơ thể Thạch tê cứng. Rồi cũng yên lặng như cách gần tiếng đồng hồ Thạch ở trong căn phòng xa lạ này, đôi chân hắn vồ vập bước về chiếc giường khi bàn tay nóng rãy của Hoa đã nắm ghì lấy cổ gã. Cơn khó chịu khiến hắn trở dậy khỏi chiếc giường mét hai trong căn buồng hôi hám dưới kia đã trở lại, dường như còn khó chịu hơn bởi trên người gã giờ thơm mùi xà phòng Camay và cái bụng nhẹ bỗng khỏi mớ rau lang luộc.

Thạch trở về căn buồng dưới chân cầu thang trước khi Tuyết dậy hâm cơm. Hai đầu gối gã đỏ táy, xước xát rớm máu. Căn buồng tối mờ và hôi hám nên chắc Tuyết không nhận ra cả cặp đầu gối của chồng và mùi xà phòng khác lạ. Thạch lại thiếp đi như mỗi sáng, chờ bát cơm nóng và cái đập gọi của vợ, y mọi ngày.

Ngươi ta xầm xì về chuyện ba nhà dọc cái cầu thang khu nhà tập thể ấy một thời gian dài. Mãi rồi họ cũng chán, những chuyện của ba gia đình ấy thì chuyện sau kì lạ hơn chuyện trước. Cái thời cả xóm chỉ có một cái ti vi hai râu của Nga để tối tối hàng xóm chen chúc nhau từ bắt đầu thời sự đến chương trình “Những bông hoa nhỏ” tới những bộ phim của Ba Lan, Liên Xô và Đông Đức. Trong những bữa cơm chiều nhà họ, tiếng thì thào của người lớn nói nhau về chuyện dạo gần đây khoảng sân chung sạch hẳn. Chuyện hai nhà trong số bốn nhà duy nhất có cái lô gia quay mặt ra đằng sau dãy nhà tập thể, có khoảng bếp nhỏ trong nhà và cái bệ xí họ được thợ của xí nghiệp tới làm thêm nhờ lợi dụng ống thoát nước mưa từ mái xuống cống. Bốn căn phòng ấy thuộc về bốn vị lãnh đạo kì cựu của xí nghiệp. Dân cư quen gọi tắt là bốn căn lãnh đạo. Ở căn lãnh đạo, có thể hứng nước mưa bằng cách đục rồi gác cái máng nhỏ nối vào phuy chờ sẵn, mùa mưa khỏi lo gánh nước. Và điều thích nhất là nấu trong bếp riêng của nhà mình, đi nhà xí ngay trong bếp. So với hai mươi sáu căn hộ của hơn hai mưới sáu gia đình còn lại phải chen chúc nấu nướng ở tít đầu hồi, ăn cái gì cũng bị hàng xóm soi mói, đứa con gái nào trễ tháng không phơi khố xô đúng ngày cũng có thể bị nghi đã hư hỏng chửa hoang tới nơi thì rõ là các căn lãnh đạo là thiên đường. Căn đầu tiên tầng ba thuộc về bí thư chi bộ, nay đã chuyển tên sang cho đứa con trai đầu đi Nga học nên luôn khoá cửa im ỉm, rất phí phạm. Căn thứ hai, bên dưới căn đó thuộc về bà chủ tịch hội phụ nữ, bà này về cúng nhận nhà rồi giao cho đứa cháu gái họ thọt chân ở để đi học may. Cô này hay dẫn bạn trai về, ở một thời gian rồi lại có bạn trai khác. Chắc do ban đầu các cậu bạn này ham căn phòng nhưng sau ngán đôi chân chấm phẩy và tính tình chỏng lỏn của cô nàng mà bỏ đi. Hai căn còn lại thuộc về đương kim trưởng phòng đời sống của xí nghiệp là tay Sơn râu và lão Vương hộ pháp, phó giám đốc phụ trách kĩ thuật. Sơn râu thì vợ con ở quê, còn Vương hộ pháp mới chết gục ngay trong cuộc rượu nhận nhà mới. Nhưng rồi, những câu chuyện thì thào về hai căn phòng đó ngày một dài hơn. Rằng những cái bệ xí của những căn phòng này giờ được phục vụ cho đôi vợ chồng nhà Chí Phèo ở đâu về chiếm lì cái chân cầu thang với đứa con nhỏ khóc như còi báo động. Họ thì thào rằng thằng chồng ban đêm hay cầm khăn mặt lẻn lên căn phòng tầng một còn con vợ thì buổi trưa ngực áo ướt sữa từ phòng tay Sơn râu đi ra với khuôn mặt đỏ hây hây, tóc bết rượi. Họ cũng bảo nghe đâu Sơn râu tranh cãi với tay giám đốc rất kịch liệt về quyết định kí nháy cho vợ chồng Thạch Tuyết tạm sử dụng sáu mét cầu thang vì chính sách ưu đãi bộ đội phục viên và thai sản. Họ thấy con mụ Hoa béo vợ goá lão Vương hộ pháp dạo này dịu dàng hẳn, không chửi bọn trẻ con chạy rầm rập qua cầu thang nữa mà hay ngồi vắt vẻo trên thanh lan can trước nhà.

Họ thì thầm về việc lão Giám đốc lên tổng. Tay Sơn nhảy cóc qua chức phó giám đốc lên thẳng giám đốc xí nghiệp nhờ tín nhiệm cao và vì đã tốt nghiệp cao cấp chính trị trước đám ứng viên khác. Tuyết gái một con phây phây giờ lên làm trưởng phòng hành chính. Họ xôn xao chuyện mụ Hoa béo mãn tang chồng bị tước mất căn phòng thuộc tiêu chuẩn của chồng quá cố, đổi căn phòng lấy cái buồng của đôi vợ chồng Thạch Tuyết. Ấy là lão Sơn râu đã lưu tình chồng mụ mà kí nháy cái quyết định đổi nhà cho Hoa và Tuyết đấy chứ lẽ ra Hoa chẳng có cửa ở lại khu tập thể này vì mụ là con phe thứ thiệt từ ngày chồng chết. Mụ mua rồi bán tất cả những gì có thể mua bán được, từ chiếc vé bóng đá, vé coi phim tới sổ gạo, bột mì, tem phiếu thực phẩm. Và điều họ thì thầm lâu nhất là tay Thạch bảo vệ tiến những bước như cổ tích, từ hồ sơ bộ đội phục viên với lí lịch Đảng kết nạp tại chiến trường K, hắn lên như tên bắn thành đội trưởng bảo vệ, thành trưởng phòng hành chính rồi lên phó giám đốc nội chính. Ai cũng biết tất cả là nhờ Sơn râu đứng sau tất cả những quyết định bổ nhiệm ấy. Chỉ có những câu thì thầm xa xót nhất là về cái bụng bầu của Hoa béo, về cái sự nhẫn nại dịu dàng biến Hoa con phe thành Hoa trông trẻ lúc nào cũng phây phây với cặp con gái sinh đôi có đôi mắt buồn y chang cặp mắt của phó giám đốc nội chính Thạch.

Vợ chồng Thạch Tuyết chuyển khỏi cái dãy tập thể ba tầng ấy khi thằng con đầu vào cấp hai. Miếng đất xí nghiệp hoá giá cho Tuyết ngay sau khi Sơn râu lên giám đốc thành tổ hợp nhà hàng và karaoke, chủ yếu phục vụ cho khách tới giao dịch làm ăn với xí nghiệp từ thời quốc doanh cho tới khi tách rồi cổ phần. Khi thằng bé thứ hai gọi Thạch là bố có đôi hàng chân mờ báo hiệu râu quai nón mờ xanh quanh mặt lên cấp ba thì vợ chồng Thạch Tuyết đã xây được tới căn biệt thự thứ ba, cho thuê hai căn và nhiều căn hộ chung cư cao cấp cho thuê khác. Đám con của Thạch đứa lầm lì, đứa rất hiền, đứa bất chấp xài tiền như nước. Mỗi khi chúng ở nhà cả thì mỗi đứa đều ở lì trong phòng mình, mặc kệ ông bố ngồi trước ti vi trên sô pha, lon bia trong tay và đám vỏ lon cùng vỏ lạc đỏ vung vãi đầy dưới chân. Trong bữa cơm tập trung đông đủ, Thạch hay ngắm những khuôn mặt của lũ con nhưng trong mắt lại chỉ thấy hiện lên đôi mắt của cặp bé gái tóc tết bím cầm hai bên tay mẹ nó bước vào bến xe về quê tít vùng biển Hải Hậu. Giờ chắc chúng có chồng con cả rồi, chắc chả nhớ gì về khoảng thời thơ ấu chúng ở trong cái buồng nơi chân cầu thang và lăn lê ở hai căn phòng nhà trẻ nơi mẹ nó được làm việc vài năm ấy.

...Người ta kháo nhau lão Thạch tự tử vì bị vợ con bỏ rơi. Nhà tới bốn đứa con mà lão lại ở một mình trong căn biệt thự tới hơn ba trăm mét vuông mênh mông không người chăm sóc. Có người lại bảo, nhà lão giàu thế, đất đai điền sản, công ty riêng khắp nơi mà lão lại ăn mắm mút dòi, công an tới khám nghiệm thấy tủ lạnh thì đầy đồ ăn nhưng quanh lão toàn vỏ mì tôm với vỏ lon bia rẻ tiền. Ngạc nhiên nhất là đống vỏ lạc, loại lạc đỏ chắc mẩy, đầy dầu chất đống quanh nền phòng khách. Người giúp việc khai rằng tuần trước đã đi chợ mua đồ đầy đủ cho ông chủ, mua rất nhiều lạc theo ý ông chủ nhưng bia thì không. Bà chủ dặn ông không được uống bia do cao huyết áp. Có người đoán rằng lão Thạch tự tử vì sợ công an khui ra việc trước khi về hưu lão dùng địa vị của mình ép số dân cư ở khu tập thể cũ nát kí giấy bán hoá giá rẻ bèo những căn phòng tập thể đã xuống cấp trầm trọng để độc chiếm mảnh đất toàn khu đó. Nghe đồn trên đã cho lập kế hoạch xây chung cư cao cấp và làm tổ hợp thương mại. Người thạo tin hơn thì nói, lão Thạch chắc chết bệnh thôi, nghe đâu vết thương từ hồi đi K về nằm trong não gây ra những cơn động kinh nhẹ nay tuổi già phát tác, còn cái khu đất ấy người làm chủ thực sự là sếp lớn hơn lão rất nhiều, cỡ trên Bộ gì ấy cơ. Nghe đâu sếp ấy về hưu rồi nhưng bàn tay thao túng thì vẫn dài và mạnh lắm. Hình như mới bị bắt hôm qua, ti vi chiếu nhưng không nhìn rõ mặt vì bộ râu sum suê quá…

Đám tang lão Thạch rất to. Bà Tuyết mặt đơ cứng dưới lớp phấn đắp như thạch cao, đứa con trai trưởng luôn cúi gằm, ba đứa còn lại cứ nhơn nhơn đứa dặm phấn, đứa bấm điện thoại. Duy có hai cô gái trẻ măng, giống nhau như hai giọt nước, có đôi mắt giống y như mắt người quá cố khoác tay nhau đứng xa xa nhìn vào, mắt đỏ hoe. Hai cô gái nán đợi tất cả ra về hết mới từ từ đến quỳ lạy trước mộ người quá cố, rồi đặt trước mộ một cái đĩa lớn. Trên đĩa là vốc lạc củ và cút rượu trắng. Một cô bóp vài củ lạc để lộ ra những nhân lạc đỏ sậm, cô còn lại tưới cút rượu trắng quanh bia mộ. Gió nơi nghĩa trang lập tức bốc lên mùi rượu gạo quê quyện mùi khói nhang. Thật giống mùi bữa giỗ ở quê, mùi bữa cuối cách đây đã lâu lão Thạch về đưa ma bà Hoa béo.

VN24/2024

Bản quy hoạch sau cùng. Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải Cốt nhục - Truyện ngắn của Cao Duy Sơn Bên bờ sông cụt. Truyện ngắn của Hạnh Trần Gái lớn - Truyện ngắn của Phong Điệp Đọc truyện: Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.