Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng KTS Nguyễn Hữu Thái vẫn còn nhớ như in thời khắc lịch sử vô cùng quan trọng của dân tộc và cũng là một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời mình. Bởi lẽ thời tuổi trẻ sôi nổi của ông gắn liền với phong trào thanh niên, đấu tranh cho chính nghĩa, vì độc lập, thống nhất đất nước.
Cách đây hai năm, tôi được gặp KTS Nguyễn Hữu Thái tại Hội thảo Kiến trúc với phát triển bền vững do Hội Kiến trúc sư tổ chức tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Dáng người gầy nhỏ, đôi mắt sáng và tác phong nhanh nhẹn, dù lúc ấy ông đã 83 tuổi. Tôi nhận ra ông với chiếc khăn rằn quàng cổ đen trắng và mái tóc bạc cùng giọng nói miền Nam, rất quen thuộc, bởi ông cũng chính là một trong những nhân chứng phát ngôn trong bộ phim tài liệu Chuyện thật trưa 30/4/1975 của đạo diễn Phạm Việt Tùng.
![]() |
KTS Nguyễn Hữu Thái (thứ 2 từ phải sang). |
KTS Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu thành thị. Năm 1955 ông vào Sài Gòn học trung học. Trong thời gian học Đại học Kiến trúc & Luật khoa Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái đã tham gia trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam 1960-1975, cuộc sống chia đều giữa xuống đường, nhà tù và hoạt động giữa hai làn đạn. Nguyễn Hữu Thái từng bị bắt vào tù các năm 1964, 1966-1968 do liên quan đến phong trào đấu tranh hòa bình của sinh viên. Thời gian này, tên tuổi của ông cũng được nhiều người biết tới trong vai trò tác giả nhiều bài báo phản ánh các quan điểm bất bạo động, chống chiến tranh. Năm 1965, trong một chuyến đi thực tế miền Trung, Nguyễn Hữu Thái được tham quan một vùng do ta kiểm soát tại phía Nam Đà Nẵng trong giai đoạn quân Mỹ đang tiến hành những cuộc hành quân “lùng và diệt” đầu tiên ở miền Nam Việt Nam. Ông nhớ mãi cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những người du kích và cán bộ Mặt trận giải phóng: “Có đi về vùng giải phóng ở Quảng Nam năm 1965, khi người ta đang đánh nhau với Mỹ, mới hiểu và khâm phục những người du kích. Tôi được thấy những người bộ đội trẻ măng, ôm súng đạn, vào Nam chiến đấu với tinh thần hồ hởi và trong số đó, không ít người đã hi sinh. Họ đã thực sự gây ấn tượng mạnh nơi tôi nhưng đồng thời cũng làm tôi băn khoăn về viễn tượng chiến thắng của cuộc cách mạng nông dân. Nhưng rõ ràng ‘chính nghĩa’ đã nằm về phía họ”. Cũng từ giây phút đó, Nguyễn Hữu Thái đã tìm được hướng đi cho cuộc đời mình, đấu tranh vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Những ngày cuối tháng 4/1975, lực lượng cảnh sát cũ đã giải tán, guồng máy hành chính cũng tan rã, vì thế, Thành Đoàn đã nhờ Nguyễn Hữu Thái, trong vai trò cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đứng ra tập hợp thanh niên, sinh viên, học sinh về các trường và nhất là tại trụ sở 4 Duy Tân để cắt đặt người quản lý và duy trì trật tự thành phố với cán bộ cách mạng.
Ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái cùng giáo sư Huỳnh Văn Tòng (ở Pháp về, dạy báo chí) và nhà báo Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng (Thông tấn xã Việt Nam) đã vào Dinh Độc Lập. Giây phút đáng nhớ trong cuộc đời KTS Nguyễn Hữu Thái chính là khi chứng kiến khoảnh khắc cắm cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập; thay cờ Việt Nam Cộng hòa và kéo cờ giải phóng để xác định từ nay chủ quyền thuộc về cách mạng. “Từ chỗ kéo cờ nhìn xuống thấy quân mình đã dàn sẵn để bắn chỉ thiên khi kéo cờ lên. Khi giật được lá cờ cũ, kéo cờ cách mạng, tôi chợt nhớ câu thơ trong bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Sự kiện kéo cờ giải phóng có ý nghĩa chấm dứt không chỉ 30 năm chiến tranh mà là 117 năm đô hộ của thực dân, đế quốc, mở ra một kỷ nguyên thống nhất và phát triển độc lập của đất nước” - KTS Nguyễn Hữu Thái kể.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cũng là người chứng kiến khoảnh khắc lịch sử vô cùng quan trọng khi Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng. Trong bức ảnh chụp Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn, chàng thanh niên đứng bên phải mặc áo trắng, tay cầm tập tài liệu, xung quanh là các cán bộ Quân Giải phóng chính là Nguyễn Hữu Thái. Trong tình thế gấp gáp, ông được giao làm “MC bất đắc dĩ” giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của vị Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa tại Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc ấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết thông tin đã tự đến đài, được anh em sinh viên cho vào, cùng tham gia buổi phát thanh và hát ca khúc Nối vòng tay lớn. Bài hát được nhạc sĩ sáng tác trước thời điểm đất nước thống nhất mấy năm, như một dự báo về ngày trọng đại của dân tộc, giang sơn thu về một mối. Lời bài hát giản dị, đầy hình ảnh, kết nối muôn triệu trái tim cùng chung một nhịp đập, hướng về Tổ quốc thân yêu nay được nối liền một dải.
“Sau buổi phát thanh đặc biệt ấy, vào khoảng 4h chiều, cán bộ Thành Đoàn là anh Lê Công Giàu (nguyên sinh viên, phó tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1966, ở chiến khu ra) đến đài mời tôi lên trường Petrus Ký (trường Lê Hồng Phong ngày nay) gặp ông Mai Chí Thọ, chỉ huy lực lượng tiếp thu vùng Sài Gòn - Gia Định, để bàn việc tập hợp thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố vào sáng mai 1/5 ở trụ sở sinh viên cũ 4 Duy Tân (nay là Nhà văn hóa thanh niên số 4 Phạm Ngọc Thạch). Lúc đó mọi người đang hăng say làm việc nên cũng không ai để ý đến chuyện ăn uống nữa” - KTS Nguyễn Hữu Thái chia sẻ trong cuốn sách 30.4.75 Sài gòn - Sự kiện và đối thoại của tác giả Nguyễn Hữu Thái, Trần Tuyết Hoa, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Nguyễn Hữu Thiên Nga. Ông cũng kể thêm: “Cả đêm 30/4 đó tôi đâu có ngủ yên. Không phải vì những thao thức về thân phận, toan tính đối phó với kẻ thù mà suy nghĩ về một ngày mai từ đây phải tươi sáng vì rõ ràng là từ nay ta đã thực sự làm chủ vận mệnh mình”.
Sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái tiếp tục công tác trong Thành Đoàn với nhiệm vụ tập hợp lực lượng thanh niên, sinh viên, giúp đỡ chính quyền cách mạng. Ông cũng quay về trường học tiếp, đến năm 1976 mới tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Ông nói vui: có lẽ không ai như mình, học Kiến trúc 18 năm mới tốt nghiệp. Sau đó, ông về công tác tại Viện Quy hoạch kiến trúc thành phố. Dẫu vậy, quãng thời gian đáng nhớ nhất cuộc đời, Nguyễn Hữu Thái vẫn luôn tự hào khi được hoạt động trong phong trào thanh niên, được sống đúng với lương tâm của mình.