Sáng tác

Nhược Thủy - Truyện ngắn dự thi của Nguyệt Chu

Nguyệt Chu
Truyện
17:00 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Mẹ gọi tôi là Nhược Thủy. Tôi sinh ra từ dòng nước u buồn. Sâu và lạnh. Tôi không thấy mặt trời, chỉ thấy những vệt nắng không đủ ấm, loang loáng trên mặt nước.
aa

1.

Mẹ gọi tôi là Nhược Thủy. Tôi sinh ra từ dòng nước u buồn.

Sâu và lạnh. Tôi không thấy mặt trời, chỉ thấy những vệt nắng không đủ ấm, loang loáng trên mặt nước. Những loài thủy sinh lặng lẽ, mỗi loài gặm nhấm thứ ngôn ngữ của riêng mình.

Chúng tôi cô độc giữa tầng sâu. Từng chiếc vây mỏng mảnh và yếu bấy. Bơi trong vời vợi giá băng.

Mẹ bảo chúng tôi phải tìm dòng nước ấm.

Nhược Thủy - Truyện ngắn dự thi của Nguyệt Chu
Minh họa Lê Trí Dũng

2.

Tôi choàng tỉnh, thấy chân tay mình bải hoải như những chiếc vây vừa cố sức khỏa hết cả một khúc sông.

Mẹ giục tôi mau chóng sửa soạn lên đường.

Mẹ đưa tôi chen chân vào dòng người trẩy hội.

Sắc hồng lộng lẫy của những nón, những quạt, những đàn, những hoa ánh lên lấp lánh.

Mẹ bảo, cô Chín giếng đẹp lắm, thiêng lắm!

Mẹ đưa tôi vượt đường xa ngàn dặm xin nước giếng cô.

Tục truyền rằng nước giếng cô rửa mặt thì mặt hoa da phấn, xinh đẹp muôn phần.

Tôi cũng muốn về cửa cô xin chút lộc.

Ai cũng muốn về cửa cô xin chút lộc.

Lòng cô bao dung quảng đại, có tiếc gì những phận người bé mọn ở trần gian.

Lại có người kể với tôi rằng, ngày mùng một hằng tháng, đi lễ cô Chín giếng, lúc hạ lễ, lại quả thì xin bông hoa rồi thoa quanh mặt mà lầm rầm khấn: “Xin cô cho vía mặt hoa da phấn.” Cô đồng nào cũng đẹp, da trắng môi đỏ, chắc vì được vía mặt hoa da phấn của thánh cô.

Tôi nghe chuyện, nửa tin nửa ngờ.

Mẹ bảo, thôi thì nước giếng cô hay hoa cửa cô, tất cả đều là lộc cô ban cho phàm nhân. Phước dày thì lộc nhiều. Phước bạc thì lộc mỏng. Tôi không biết kiếp trước mình tu tập ra sao, để kiếp này phước của tôi dày hay mỏng.

3.

Giọng mẹ gọi tôi trầm buồn. Nhược Thủy! Mình phải đi thôi!

Mẹ lặng lẽ nhìn nước dưới tầng sâu. Tôi thoáng rùng mình. Hơi lạnh khiến tôi khó thở.

Tôi bơi theo mẹ vượt qua những con sóng trùng điệp. Dòng nước lạnh cuộn siết tấm thân mềm yếu của tôi. Sóng đánh tôi từng cơn choáng váng. Những chiếc vảy trắng muốt rơi rụng tan tác. Gắng lên con! Giọng mẹ lẫn vào những con sóng. Chỉ còn hai mẹ con tôi giữa màn nước mênh mông. Những loài thủy sinh vẫn ở phía sau. Chúng tôi đã xa cách họ. Chúng tôi không thể chôn vùi kiếp này dưới tầng nước lạnh giá như họ được, nên buộc lòng phải ra đi.

Tôi không biết mình đã bơi được bao lâu. Xung quanh tôi, tất cả vẫn là một màu bàng bạc u buồn. Những rong rêu lập lờ nghiêng ngả trong cơn mộng mị. Từng đôi tay dài man dại ôm chứa dòng nước lạnh. Nhoi nhói xanh. Đôi vây tôi tê cứng. Tôi ngả mình vào đôi tay rong rêu. Bải hoải. Rã rời. Mẹ vỗ về tôi. Gắng lên con! Từng tiếng đứt gãy, mơ hồ rồi tan ra thành nước.

4.

Mẹ sinh tôi thiếu tháng. Tôi không đủ sức để bật lên tiếng khóc lúc chào đời. Mẹ thiếp đi mê man, thiếu chút nữa là đã trôi theo dòng sông máu đỏ. May mà máu cầm lại được. Nếu không, vừa ra đời, tôi đã thành trẻ mồ côi.

Thế mà, độ tuần sau, bà đỡ bỗng đột ngột ra đi. Mẹ bảo là bà bị cảm. Người ta thấy bà nằm trên giường như đang ngủ. Khuôn mặt nhẹ nhõm và thanh thản. Sau này, khi lớn lên, biết được câu chuyện đó, tôi cứ băn khoăn mãi, nếu như tôi sinh ra đủ ngày đủ tháng thì liệu mẹ có qua được cửa tử khi vượt cạn mà người đỡ chúng tôi không phải là bà?

Không có sữa, mẹ ăn biết bao ngọn từ bi. Những ngọn từ bi mỡ màng, phủ một màu sương khói. Người ta bảo, từ bi là thuốc của người nghèo, nhưng nó cũng không mang đến cho tôi được dòng sữa ngọt. Tôi đói, người mềm oặt như một dải khoai. Mẹ cắn răng nặn bóp bầu ngực mình cho ra những giọt sữa rỏ vào miệng tôi. Mà cũng chỉ đủ cho tôi liếm láp chút thôi. Cơn đói kéo đến khiến tôi khóc ngằn ngặt. Mẹ vỗ về đút cho tôi từng thìa sữa bò. Tôi cố nhắm mắt, nuốt từng thìa sữa trắng đục hôi nồng. Rồi ốm. Những trận viêm phổi hành hạ khiến tôi không còn sức để mà khóc nữa. Tôi cứ triền miên trong những ngày tháng ốm đau quặt quẹo. Nhưng rồi, tôi cũng vẫn lớn lên. Mẹ thì ngày càng héo hắt.

Một chiều cuối thu, khói sương bảng lảng, có người đàn ông lạ đi ngang qua cổng, thấy tôi đang chơi ở góc sân. Ông dừng lại, buông ánh mắt lạ lẫm nhìn tôi. Tôi sợ hãi khi thấy trên khuôn mặt người đó nhằng nhịt sẹo. Chỉ ánh mắt ấy, đến sau này, tôi cũng không thể lý giải. Cái nhìn thảng thốt, run rẩy, xúc động? Đôi mắt buồn như nước, nồng đượm như lửa, hay xôn xao như gió? Sau khoảnh khắc chôn chân vào câm lặng, tôi chạy ào vào nhà tìm mẹ. Đến khi đưa mẹ trở ra thì người đàn ông đã không còn ở đó. Tôi ngẩn ngơ nhìn vào khoảng trống mơ hồ. Năm đó tôi mười tuổi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại trở nên thê thảm như vậy. Cứ tưởng rằng qua những tháng năm thơ bé khổ sở vì bệnh tật, tôi sẽ trở thành thiếu nữ, phổng phao, xinh đẹp như các chị, các bạn của tôi. Nhưng không ngờ, một cơn sốt đột ngột và quái ác ập tới. Tôi không nhớ gì cả. Chỉ thấy mình mê man giữa một dòng sông máu. Chân tay tôi biến thành vây, vùng vẫy vượt thoát khỏi dòng chảy cuồn cuộn. Ngộp thở. Nóng và khát. Tôi há miệng ra cố đớp chút không khí còn sót lại. Má tôi hóa thành chiếc mang, phập phồng. Không biết mình đã mê man bao lâu, tỉnh lại, tôi choáng váng khi thấy khuôn mặt mình biến dạng. Miệng tôi méo xệch và hai bên má phồng lên như hai chiếc mang cá. Tôi hét lên kinh hoàng. Không! Không phải tôi!

Thế là từ ấy, tôi thu mình trong xó nhà. Tôi sợ khuôn mặt dị dạng của chính mình. Tôi không biết nước mắt của mình góp lại đã thành sông chưa. Nhưng dù có bao nhiêu nước mắt cũng không thể nào rửa trôi những xấu xí gớm ghiếc trên khuôn mặt tôi. Sao lại là tôi? Sao tất cả những gì bất hạnh đều đổ dồn vào tôi? Sao những người con gái khác được mạnh khỏe, xinh đẹp, duyên dáng, còn tôi thì không? Sao ông Trời lại tước đoạt của tôi hết thảy?

Tôi biết mẹ đau đớn lắm. Nhưng vẫn phải trấn an tôi. Mẹ không quản ngại khó khăn tìm thầy tìm thuốc. Có nhiều lời đàm tiếu. Nhưng mẹ bỏ ngoài tai. Một mẹ một con chẳng tránh được sự dèm pha. Người ta thêu dệt về nguồn gốc của tôi. Rằng mẹ tôi quyến rũ chồng người. Rằng tôi là nghiệt chủng.

Tôi chỉ muốn quyên sinh. Kết thúc chuỗi ngày thảm hại của mình. Cắt đứt cái nghiệp mà mẹ phải nặng lòng gồng gánh. Tôi đã từng đưa lưỡi dao lam lên cổ tay tự sát. Nhưng cổ tay tôi bỗng cứng như vây cá, cứa mà không có chút máu nào. Tôi hãi hùng đánh rơi con dao, nghi ngờ chính đôi tay mình trước mặt.

Mẹ lao vào giằng lấy con dao trên tay tôi rồi ôm tôi khóc. Cổ tay tôi rớm máu. Là máu! Cổ tay tôi chứ không phải là vây cá. Đầu óc tôi quay cuồng. Những hình ảnh trong đầu hiện ra hỗn loạn. Cơn lạnh từ đâu xâm lấn khắp cơ thể khiến toàn thân tôi co rút lại. Tôi ngỡ cả thân mình đang hóa thành băng. Miệng tôi đông cứng, muốn nói mà không thể cất lời.

5.

Chúng tôi ngụp lặn giữa tầng sâu. Dòng nước giá băng cuộn siết và trói chặt. Hai vây tôi cứng lại, không thể nào khỏa nước. Cả một vùng nước mênh mông mờ nhòe trước mắt. Tôi cất tiếng gọi mẹ, nhưng tiếng tôi không thể thoát ra. Mẹ kìa! Tôi rối rít khi thấy mẹ thấp thoáng giữa màn nước nhạt nhòa. Nhưng không thấy tiếng mẹ gọi tôi Nhược Thủy. Những con sóng dưới tầng sâu mở ra những chiếc miệng khổng lồ, ào đến rồi nuốt chửng lấy mẹ. Tôi cố gắng vùng vẫy nhưng không tài nào thoát được gọng kìm nước để bơi đến bên mẹ, đành bất lực trơ mắt nhìn mẹ biến mất trước mắt mình. Không lẽ chúng tôi phải bỏ xác nơi đây, khi chưa thấy được dòng nước ấm? Tôi kiệt sức. Chỉ còn một khoảng trống lặng yên đến rợn người. Tôi khép mắt, để thân thể trôi vô định. Cả người bỗng như bay trên lớp sương khói bồng bềnh. Tiếng mẹ chợt văng vẳng đâu đây: “Hãy bơi đi tìm dòng nước ấm!” Tôi thấy miệng mẹ đang ngậm trăng. Trăng tan ra lấp lóa hòa vào khói sương. Đôi vây tôi hóa thành đôi cánh bay bổng trên miền trời vời vợi.

Nhược Thủy - Truyện ngắn dự thi của Nguyệt Chu
Tranh của họa sĩ Đặng Đình Ngỡ

Bỗng có một vật gì đó đập mạnh vào người khiến tôi bừng tỉnh. Trăng vụn vỡ qua những mắt lưới. Toàn thân đau ê ẩm, tôi giãy giụa trong tấm lưới ngày càng siết chặt mình. Chợt tấm lưới được nhấc bổng lên. Trăng rớt xuống trên lớp vảy tôi, ròng ròng, từng giọt. Đặc và sóng sánh. Một bàn tay chắc nịch nhấc tôi ra khỏi tấm lưới. Lần này mình chết chắc rồi! Ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu tôi. Nhưng cũng chính vào khoảnh khắc đó, tôi bỗng như được hồi sinh. Bàn tay ấm nóng ấy truyền vào cơ thể tôi một sức sống diệu kỳ, xua tan những lạnh lẽo và băng giá. Thân thể tôi ấm áp trở lại. Đôi vây nhỏ khua khua liên hồi trong lòng bàn tay người. Những chiếc vảy tôi trắng muốt chợt ánh hồng dưới phiến trăng ngà. Người nhìn tôi ngạc nhiên, ta chưa bao giờ thấy con cá nào xinh đẹp nhường này! Đôi mắt người sáng lên lấp lánh như mảnh trăng.

Bỗng có tiếng gọi từ đâu vọng tới: “Trương tiên sinh!”

Một chiếc thuyền nhỏ sơn son thếp vàng neo lại giữa dòng. Người đàn ông trung tuổi đứng trên mui thuyền vội vã nói: “Trương tiên sinh, mời ngài theo lão vào phủ tể tướng một chuyến...”

Người cúi xuống nhìn tôi. Đôi mắt dịu hiền và say mê. Tạm biệt nhé, ta phải đi rồi. Người nói và thả tôi xuống nước.

Người nhổ con sào rồi chèo thuyền theo người đàn ông. Sương giăng, mơ hồ như khói, quyện vào trăng. Hai con thuyền mờ nhòe rồi như tan vào trăng. Chỉ còn những ngọn sóng mơn man. Tôi ngơ ngác giữa một vùng nước ấm. Đây là đâu? Tại sao tôi đến được chốn này? Bóng lầu son gác tía đọng trên mặt nước khẽ lay động theo những cơn gió ấm. Tan ra rồi tụ lại. Phiêu bồng. Tỏa ra những làn hương. Tôi hít một hơi thật sâu khoan khoái. Chợt giật mình nhớ đến mẹ. Giờ này mẹ lưu lạc ở nơi đâu?

6.

Mẹ bảo tôi xuống đò. Qua dòng sông này là sẽ đến giếng cô.

Mẹ sẽ xin nước giếng cô cho tôi rửa mặt.

Tôi bước xuống đò. Hụt chân. Con đò lắc lư, chao đảo. Chiếc khăn đen che mặt của tôi bị bung ra. Người ta nhìn tôi xì xào bàn tán. Mẹ kéo chiếc khăn, che lại mặt cho tôi. Tôi ngồi nép vào mẹ, như muốn thu mình lại trước bao nhiêu con mắt dò xét đầy ác ý. Người lái đò vẫn không quay lại. Mái chèo khỏa nước nhịp nhàng. Nước trong vắt soi bóng những rong rêu.

Đi qua khúc sông, trời nước lặng tờ. Những xôn xao bỏ lại sau tiếng mái chèo khua. Những con cá vảy trắng muốt đang ngậm rong rêu hướng vào mũi thuyền.

Tới bến.

Những bậc cầu thang đá hiện ra. Người ta lũ lượt xuống đò. Cũng chẳng ai còn để ý tới một người con gái trùm khăn che mặt. Lòng người còn bận bịu với niềm háo hức bước chân tới cửa cô.

Người lái đò vẫn không quay lại.

Tôi và mẹ chờ cho người ta lên bờ hết rồi mới đỡ nhau bước xuống đò. Trong khoảnh khắc cuối cùng ấy, người lái đò quay lại. Những vết sẹo nhằng nhịt chạy dài trên khuôn mặt người đàn ông làm tôi choáng váng. Tôi mất thăng bằng, chới với, người ngả về phía sau. Một cơn gió tạt qua thổi bung chiếc khăn trùm mặt của tôi bay lên khoảng không. Tôi hét lên bối rối. Người lái đò nhanh như cắt lao theo và giơ tay ra chộp lấy chiếc khăn rồi đưa lại cho tôi. Trong thoáng chốc, ở phút giây ấy, tôi cảm nhận người đàn ông trước mặt quen thuộc như đã từng gặp ở đâu. Một đôi mắt với cái nhìn bất khả giải. Buồn như nước, nồng đượm như lửa, hay xôn xao như gió? Cái nhìn thảng thốt, run rẩy, cái nhìn ánh lên niềm vui của sự gặp gỡ, hay cái nhìn xúc động của sự hội ngộ?

7.

Lầu son gác tía chênh chao. Bóng hắt xuống lập lờ như những rong rêu ngả màu u tịch. Người thẫn thờ để mặc cho dòng nước đẩy thuyền đi.

Người không hát dưới bóng trăng.

Tiếng sáo bị khâm liệm thành từng giọt, nhỏ xuống, nhức nhối.

Chàng đứng ở mũi thuyền, hứng từng dòng trăng chảy nhễ nhại.

Khuôn mặt lấp lánh phiến trăng ngà.

Đằng sau là ánh sáng của vinh hoa, còn trước mặt là nước trời lồng lộng. Đời tự do bị giăng lưới. Kiếp giang hồ bị bủa vây. Chàng thấy mình như con cá đang giãy trong tấm lưới sắt. Không! Chàng đẩy mạnh cán chèo. Khuôn mặt bừng lên rạng rỡ. Chưa bao giờ chàng đẹp đến như thế vì chưa bao giờ có ai dám khước từ quyền thế để đi về phía tự do như chàng.

Mị Nương cũng chưa bao giờ say đắm người trai nào như say đắm chàng.

Trương Chi, chàng là ai mà lấp lánh như huyền thoại?

Mị Nương ngỡ ngàng khi nhìn thấy một chàng trai tuấn tú, đôi mắt buồn như nước, cả thân hình vạm vỡ ướt rượt một mảnh sông đêm. Trăng tan trên cơ thể chàng lai láng rồi chảy tràn thành dòng theo từng dấu chân. Ấy là người trai đã giăng lưới bủa vây nàng bởi tiếng hát mỗi đêm?

Ta muốn có chàng trai đẹp tựa ánh trăng kia! Ta muốn có tiếng hát trong trẻo như nước sông kia!

Nhưng không! Người đánh cá trên sông lại kiêu hãnh chối từ. Chàng không phải là công cụ để ai đó sở hữu.

Mị Nương thấy tim mình vụn vỡ. Từng mảnh rơi xuống tan tác như những vảy cá lấp lánh dưới chân người. Từng dấu chân xa rời, mang theo cả một mảnh sông đêm. Lấp lóa, từng dòng trăng dát bạc.

Quan tể tướng khuôn mặt biến sắc. Gọi quản gia đến, dặn dò đôi câu.

Chỉ một lúc sau, khúc sông đã ngập tràn máu đỏ.

Máu loang ra như những rong rêu vặn xoắn vào đáy nước.

Trăng vỡ như thác lũ, ào ạt.

Bầm dập. Man dại.

Chỉ còn tiếng gió mơ hồ vút lên giữa thinh không.

8.

Một vùng nước ấm! Tôi khẽ reo lên. Những chiếc vảy của tôi ánh hồng lên rạng rỡ. Cả người tôi nhẹ bẫng, khoan khoái, diệu kỳ.

Tôi nương dưới bóng thuyền, khẽ múa trong làn nước. Bóng người đổ xuống, ấm một khúc sông.

Bỗng một con thuyền từ đâu tiến lại. Một nhóm người bịt mặt, ăn vận quần áo đen nhảy xổ đến. Tiếng đấm đá túi bụi. Những nhát gươm rạch. Nát bấy. Cuồng nộ. Máu từng dòng cuồn cuộn trôi.

Trăng máu ngất ngư say. Bi phẫn.

Con thuyền lật úp. Tất cả chìm xuống lòng sông.

Đám người nhanh chóng chèo thuyền đi.

Tôi ngập ngụa trong máu nóng.

Toàn thân tôi bừng lên. Tiếng kêu của tôi tan vào nước, lạc vào gió. Từng chiếc hồng cầu thấm đẫm hơi người tuôn chảy qua cuống họng tôi. Tôi gọi người, khản đặc giọng. Chỉ nghe thấy mặn chát và cay đắng tràn qua cuống họng.

Chợt giọng nói từ đâu đó vang lên, trầm ấm thân quen: “Nhược Thủy con ơi! Chỉ có hồng cầu của người mới tạo nên dòng nước ấm để con được thành tiên. Nhưng cũng chỉ có trái tim con mới hồi sinh được người.”

Tôi hét lên gọi mẹ. Nhưng tiếng tôi chìm vào u lạc. Tim đau nhói. Từng nhịp nứt toác, vụn vỡ. Tôi giãy giụa trong cơn đau khôn cùng. Máu nóng tràn vào tim tôi rát bỏng.

Vùng vẫy. Kiệt sức.

Tôi khép mắt buông xuôi thân thể giữa dòng máu nóng trào sôi.

Những giờ khắc trôi qua.

Đột nhiên tĩnh lặng tuyệt đối.

Chỉ còn một màu đen âm u.

Phải chăng tôi đã xuống hoàng tuyền?

Bỗng một luồng ánh sáng chiếu thẳng vào mắt làm tôi bừng tỉnh. Cơ thể khỏe khoắn lạ thường. Ngỡ ngàng thấy toàn thân lấp lánh. Trái tim tôi tỏa ánh hào quang. Đôi vây tôi hóa thành đôi cánh. Kìa, cầu vồng hiện ra rực rỡ! Tôi sải cánh bay qua cầu vồng để vào tiên cảnh.

Nhưng trong giây phút ấy, tôi bất chợt nhìn thấy người đánh cá trên sông. Dập dềnh trôi cùng một mảnh thuyền vỡ. Đã không còn hơi thở trong một trái tim lặng câm. Tôi run rẩy nhớ về hơi ấm từ bàn tay người đã từng ngập tràn nơi trái tim tôi. Nước mắt tôi lặng lẽ nhỏ xuống. Tôi bay lại gần người, đau xót nhìn khuôn mặt đã bị rạch nát. Rồi nhắm mắt, dùng toàn bộ sức lực mà ép trái tim của mình ra và đặt vào miệng người.

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy trái tim mình. Một khối tinh cầu lấp lánh. Có phải được kết tụ từ tầng nước lạnh ngàn năm?

Tôi thoi thóp nhìn trái tim mình từ từ trôi vào miệng người.

Toàn thân tôi tê cứng. Lạnh buốt.

Những chiếc vảy chuyển thành trong suốt.

Nhược Thủy! Mình phải đi thôi!

Tiếng mẹ gọi tôi ở phía nào...

Cầu vồng đã tắt.

Tôi thấy thân thể mình từ từ tan ra thành nước.

9.

Chuyện kể rằng...

Ở đất xưa, có dòng Nhược Thủy, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Có chàng Trương Chân chèo đò trên sông.

Đôi mắt buồn như nước.

Chàng hát và thổi sáo rất hay. Tiếng hát chàng làm cho nước ngừng trôi. Tiếng sáo chàng làm cho cá ngừng bơi.

Rong rêu nín thở dưới mái chèo của chàng.

Nhưng khuôn mặt chàng có những vết sẹo dài, như đám rết lớn vắt ngang. Những chiếc chân tua tủa cắm ngập vào da thịt.

Bao nhiêu cô gái mê tiếng sáo, tiếng hát của chàng. Vậy mà khi nhìn thấy khuôn mặt ấy thì đều lảng tránh. Thế nên, khi chèo đò đưa khách sang sông, chàng luôn đứng quay lưng lại, chỉ để một cái âu đồng cho người ta đặt tiền vào đó. Có người quỵt cả tiền đò nhưng Trương Chân cũng không lên tiếng.

Chàng chở khách sang sông đến giếng cô. Rồi thủng thẳng mà ca rằng:

Cầu tài cầu lộc cầu danh

Mà sao để đức tan tành

mây trôi…

Những lúc rỗi rãi, chàng thường mang cây sáo cũ ra thổi. Ấy là một chiếc sáo cổ. Thấy cha chàng bảo, đó là chiếc sáo truyền từ đời của ông tổ chàng, Trương Chi.

Trong những câu ca, người ta thường hát: Ngày xưa có chàng Trương Chi/ Người thì thậm xấu hát thì thậm hay. Nhưng Trương Chân biết, đó chỉ là những lời bịa đặt. Trương Chi chưa bao giờ xấu, trái lại còn vô cùng đẹp đẽ, cho đến khi bị quân của quan tể tướng mưu sát rồi may mắn được một linh ngư cứu mạng.

Trương Chi là một huyền thoại. Có lẽ người đời sau đã vô tình hay hữu ý, nhầm lẫn ông tổ Trương Chi với chàng chăng?

10.

Tôi run rẩy cầm chiếc khăn từ bàn tay người lái đò. Khuôn mặt tôi nóng bừng. Những vết sẹo trên mặt người đàn ông cũng đỏ ửng lên, tựa hồ cả đám rết lớn đang quẫy đạp. Má tôi căng phồng nhức nhối như muốn hóa thành mang cá. Trời bỗng nổi gió, chiếc khăn của tôi lại bị tung ra. Trong phút chốc, tôi thấy chiếc khăn như một tấm lưới lớn. Những mắt lưới lấp lánh trăng bao bọc lấy thân thể tôi. Chân tay tôi hóa thành vây. Những chiếc vảy trong suốt đâm ra tua tủa.

Mỏng manh và yếu bấy.

Tôi nằm thiêm thiếp trong tấm lưới của định mệnh.

Bỗng mẹ lay gọi tôi.

Tấm lưới tan ra thành ảo ảnh. Tôi thở dốc như một con cá vừa mắc cạn.

Người lái đò lại quay mặt đi.

Níu bước chân tôi chỉ còn là tiếng sáo u trầm.

Dòng Nhược Thủy hắt lên một làn hơi ấm.

11.

Không biết giếng cô có từ bao giờ. Từ khi nàng Cửu Thiên Huyền Nữ bay xuống trần gian? Cô công chúa thứ chín của Ngọc Hoàng đã chọn nơi này để giáng ngự?

Một khe nứt giữa lòng Mẹ Trời chăng? Ôm ấp, bao dung...

Ở trên đỉnh cao bốn mùa sương giăng mà dòng nước ngọt ấm như nguồn sữa mẹ.

Nghe nói, nước từ giếng cô chảy ra dòng Nhược Thủy nên làm ấm cả con sông.

Những con cá lũ lượt bơi từ tầng sâu lạnh giá và mốc mác rong rêu, vắt kiệt sức lực mình để đến dòng nước ấm. Nhưng biết bao con đã bỏ mạng trên thủy trình nhọc nhằn và đau đớn ấy. Rồi chúng rỉ tai nhau điều đó và nhiều loài thủy sinh đã an phận, lặng lẽ nằm dưới tầng sâu của sự lãng quên. Nhưng cũng có những con cá đã liều lĩnh đánh cược cả mạng sống của mình cho một lần vượt thoát. Đến được dòng nước ấm, thân thể yếu bấy được hồi sinh. Những chiếc vảy mỏng tang, trong suốt được nhuộm hồng rồi từ đó lại tiếp tục một cuộc vượt vũ môn, bơi ngược dòng nước để lên đến giếng cô. Cầu vồng bảy sắc sẽ đón linh ngư. Linh ngư xòe rộng đôi cánh lấp lánh bay đến miền giếng thiêng.

Và đời đời bất tử cùng thánh cô.

Những nàng linh ngư lộng lẫy sắc hồng.

Duyên dáng như tiên nữ chốn thượng thiên.

Bơi lượn, nhảy múa trong những bài ca bất tận về một miền thánh.

12.

Đôi chân đã phồng rộp lên vì những con đường gập ghềnh đá sỏi.

Cuối cùng, mẹ con tôi cũng đến được giếng cô.

Trôi qua tôi là miên man sắc hồng lộng lẫy.

Người ta lũ lượt xếp hàng. Nào thùng, nào chậu, nào xô, lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ mang theo, cốt để xin nước thánh. Chen lấn, xô đẩy. Mắt tôi hoa lên, hai tay bấu chặt lấy mẹ. Dòng người đặc ken cứ đẩy tôi đi. Tôi không thể thở, phải đưa tay kéo tấm khăn che mặt xuống để hứng lấy một chút không khí. Dòng người tràn lên. Những âm thanh hỗn độn va đập vào nhau. Một tay tôi tuột khỏi mẹ. Mẹ ơi! Tôi hoảng loạn gào lên. Không nghe tiếng mẹ. Chỉ những lớp người dềnh lên như sóng cuộn trào trước mắt tôi rồi đổ về miệng giếng. Tôi ngã khuỵu, miệng đớp đớp chút không khí như một con cá mắc cạn. Chân tay tôi hóa vây, bải hoải rã rời. Bỗng chốc, dòng người tan như bọt nước. Tôi rơi thõm vào miệng giếng, hơi ấm tràn lên phủ mờ như sương. Tôi đằm mình trong dòng nước ấm ngọt như sữa mẹ. Phải rồi, là dòng sữa mà mẹ đã cố vắt từng giọt cho tôi liếm láp trong cơn đói lòng. Là dòng sữa mà mẹ dù có ăn bao nhiêu ngọn từ bi cũng không có được. Tôi đang được đắm mình trong dòng sữa ấy. Mà mẹ ở đâu? Tôi vẫy vùng đôi vây, gọi mẹ nhưng tiếng tôi tan vào nước.

Bỗng tiếng mẹ gọi làm tôi choàng tỉnh. Ngơ ngác nhìn quanh. Mẹ bảo, tôi mệt quá nên đã ngất đi. Lại còn ú ớ nói mê nói sảng.

Dần dần, dòng người cũng thưa bớt. Tôi ngồi hít thở chút không khí trong lành. Mẹ hứng những giọt nước quý giá múc được từ giếng cô cho tôi rửa mặt. Từng giọt nước ấm lan thấm trên da thịt tôi, dịu nhẹ, vỗ về.

Bỗng chốc tôi nhớ về người lái đò. Nếu nước giếng cô có thể làm khuôn mặt tôi đẹp hơn thì người lái đò hằng ngày chở khách đến nơi đây đã không phải mang khuôn mặt xấu xí thế kia? Hoặc là người ta không cần cái vỏ ngoài đẹp đẽ?

Người ta bảo, phải rửa mặt nước giếng cô bảy bảy bốn chín lần mới có công dụng. Mẹ đã chuẩn bị một cái bình thật đẹp để đựng nguồn nước quý giá đó mang về với một niềm hi vọng lớn lao. Mẹ còn xin cô vía mặt hoa da phấn, với một bông hoa hồng nhung đỏ thắm, những cánh mịn màng, ướt rượt.

Trời đã về chiều. Từng tiếng chim tao tác gọi nhau lạc giữa muôn ngàn cây lá. Ai gom mây lại cả một góc trời, phiêu bồng như một dải khăn. Mẹ giục tôi đi nhanh để ra bến thuyền. Sương đã quyện đặc vào từng dấu chân. Ánh hồng lộng lẫy đã trôi về phía sau, sắc của những đàn, những quạt, những hoa… Chỉ còn những cánh thắm trên tay tôi, phập phồng như những hơi thở.

Dòng sông dâng lên hơi ấm. Con thuyền của Trương Chân vẫn nhẫn nại neo ở bến sông. Hai mẹ con tôi vội vã bước xuống thuyền.

Không có ai đi cùng chuyến đó.

Người lái đò vẫn đứng ở mũi thuyền. Vẫn những vết sẹo như con rết ngủ quên, dịu dàng trên khuôn mặt.

Người vừa chèo thuyền vừa hát. Những rong rêu ngả nghiêng say. Một vài chú cá vảy trắng muốt dừng bơi và ngước mắt nhìn. Những mảnh bạc lấp lánh. Hơi nước bảng lảng, mặt trời dần tắt. Tiếng hát loang trên mặt sông như những vòng sóng. Rồi đọng lại từng giọt như sương, kết thành từng ngọn như khói, trùm phủ mênh mang như dải khăn phủ kín các giác quan tôi.

Chiếc thuyền lướt trên mặt sông nhẹ như một mảnh trăng non. Rồi bỗng xoay tít ở giữa dòng. Nước dâng lên, tràn vào thuyền. Tôi và mẹ chới với kêu cứu. Trương Chân, vẫn chèo thuyền, vẫn hát, như không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Thuyền đắm, chúng tôi vùng vẫy ngạt thở. Tiếng la hét tan vào tiếng hát chàng. Tôi và mẹ ngụp lặn trong nước. Bỗng trăng lên, đột ngột và rạng rỡ. Tôi giơ tay lên, hứng lấy từng dòng trăng nhễ nhại đổ xuống. Trong phút chốc, dòng sông biến thành dòng trăng rải vàng lênh láng. Những cánh hoa hồng đỏ tả tơi bay rồi kết lại thành một cầu vồng rạng rỡ. Tôi thấy thân thể mình nhẹ bẫng, như đang bay trên dòng trăng. Đôi tay và đôi chân tôi hóa vây, những chiếc vảy trong suốt và những chiếc vây mềm dẻo uốn lượn. Cầu vồng nhuộm thân thể tôi, ánh hồng lộng lẫy.

Rồi tan biến.

Chỉ còn lại vầng trăng cô độc tự ngàn năm.

Một chiếc thuyền trong vắt trôi ở giữa dòng.

Tiếng sáo phiêu bồng.

Người lái đò khuôn mặt đẹp rạng rỡ dưới phiến trăng ngà. Tôi bơi lại gần thuyền. Có tiếng rất ấm từ phía sau gọi tôi: Nhược Thủy!

VN15/2024

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt