Shane Ewen, giáo sư ngành Lịch sử đô thị tại Đại học Leeds Beckett, Anh Quốc trong cuốn sách Lịch sử đô thị hiện đại (Trung tâm IPER, Nhà xuất bản Dân trí, 2022) cho rằng: “Nền tảng truyền thống của sự đoàn kết xã hội hình thành bởi gia đình và họ hàng đã bị xói mòn do quá trình cá nhân hóa và sự biệt lập ngày càng gia tăng trong xã hội đô thị...” Từ góc nhìn nghiên cứu, ông chỉ ra sự kém bền chặt trong liên kết giữa các cá nhân sống trong đô thị hiện đại khi con người “bị quản lý bởi các bản hợp đồng thay vì phong tục tập quán của cộng đồng xã hội”.
Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng những chất vấn về sự đơn độc và bất an của con người đô thị được đặt ra từ tập truyện Thành phố đi vắng vẫn hiện diện như một vấn đề mang tính thời sự của hôm nay. |
Vấn đề đô thị, đặc biệt là những đứt gãy trong quan hệ giữa con người với con người cũng được đề cập tới trong sáng tác của các nhà văn Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư. Đặc biệt, Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn đã lựa chọn đô thị làm chủ đề nổi bật, xuyên suốt tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của mình, tập truyện đã nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Điều đáng nói ở tập truyện ngắn này là nhà văn sớm nhận diện những vấn đề gai góc, phức tạp của đời sống đô thị đương đại, đặc biệt là nỗi cô đơn và bất an của mỗi cá nhân trong ồn ào giữa biển người. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng những chất vấn về sự đơn độc và bất an của con người đô thị được đặt ra từ tập truyện Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn hiện diện như một vấn đề mang tính thời sự của hôm nay.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ |
Sớm thành danh từ những sáng tác đầu tay, Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhanh chóng xác lập vị trí của mình trên văn đàn với các tập truyện ngắn thể hiện dấu ấn cá nhân đậm nét như Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), Tân cảng (1997), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2010). Chị cũng là nữ nhà văn đã giành được nhiều giải thưởng văn chương trong nước. Sống và viết chủ yếu ở Hà Nội, có thể là một trong những lý do khiến chị quan tâm sâu sắc đến đời sống đô thị và tái dựng không gian đô thị cũng như đời sống thị dân ở hầu hết các tác phẩm.
Trước 2010, truyện ngắn của Thu Huệ phần lớn xoay quanh những câu chuyện tình yêu, cuộc tìm kiếm những “thiên đường” (ẩn dụ về tình yêu) và bi kịch vỡ mộng của những cá nhân đi tìm thiên đường nhưng nhận ra thiên đường chỉ là ảo ảnh, “hậu thiên đường” mới là điều có thật, là đời sống chát đắng, hỗn tạp, dung chứa đủ mọi hiện trạng khó có thể gọi tên. Năm 2012, Thành phố đi vắng được xuất bản đánh dấu nhiều thay đổi trong lối viết và những thụ cảm về đời sống đô thị của Thu Huệ. Lớp sơn hào nhoáng của đô thị dưới ngòi bút của nhà văn bị bóc bỏ, thay vào đó là bức tranh thành phố với những mảng màu phối trộn ngổn ngang sáng tối khác nhau.
Từ ngoại quốc trở về sau hơn hai năm xa cách, cô gái trẻ, nhân vật chính trong truyện ngắn Thành phố đi vắng ngỡ ngàng vì không thể nhận ra thành phố thân thuộc của chính mình. Phố vẫn phố, “dài sau mưa, mùi hơi mát, hăng hăng lá cây dập vỡ”, nhưng con người của phố trở nên xa lạ, hệt như “những diễn viên phim câm”. Cả thành phố “như người đông máu, vô cảm dửng dưng”. Thì ra, cảnh vẫn đó, người vẫn vậy nhưng linh hồn thành phố và những gắn kết giữa con người và con người đã bị hóa lỏng hoặc tháo rời, chia cắt. Bằng trực giác bén nhạy của một nhà văn nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ sớm nhận ra sự “vắng lạnh” của hơi ấm con người giữa thành phố ngày càng triển nở về không gian, đầy lên về vật chất và lấp lánh muôn ánh đèn màu.
Từ cảm quan của truyện ngắn Thành phố đi vắng, tên truyện được đặt cho cả tập sách, có thể thấy nhà văn đã hữu hình hóa không gian đô thị như một cá nhân cụ thể. Cá nhân đó từng hiện diện như một con người bằng xương bằng thịt, có hơi thở, sự sống, có tâm hồn ấm áp, nồng nhiệt nhưng giờ đây, con người ấy “đi vắng”, nói chính xác hơn, linh hồn, tâm hồn của cá nhân đó “đi vắng”, nên ngoại diện tồn tại ở đó chỉ còn là cái vỏ, cái bóng đẹp đẽ, hào nhoáng mà hơi ấm và tình yêu thì đã không còn. Suy tư này của Nguyễn Thị Thu Huệ có sự gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi chị Tư viết rằng đôi khi nhìn gáy những cuốn sách còn có thể thấy chút hơi ấm hơn việc gặp gỡ những con người, bởi Gáy người thì lạnh (tản văn Nguyễn Ngọc Tư, Nhà xuất bản Trẻ, 2012).
![]() |
Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái |
Với giọng điệu tiết chế tối đa cảm xúc, tác giả tường thuật như một nhà quay phim hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau và tỉ mỉ ghi hình. Mỗi truyện ngắn trong tập sách đưa độc giả tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị đương đại cùng những vấn đề của nó. Dễ nhận thấy, nhân vật thường được đặt trong những không gian cá nhân nhỏ, hẹp như những căn phòng mười bốn, mười sáu mét vuông hoặc không gian của một ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ, nhiều gia đình chung sống (Chủ nhật được xem phim hoạt hình; Trong lúc ăn một bát phở gia truyền; Không thể kết thúc).
Trái ngược với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sự phình đại của không gian đô thị chung, không gian dành cho mỗi cá nhân ngày càng teo tóp và bức bối. Trong không gian hẹp, nơi con người dễ va chạm, dễ tương tác, oái oăm thay lại là nơi các nhân vật thấy mình hoàn toàn mất kết nối với xung quanh. Xây dựng những không gian nhỏ, đồng thời cắt rời mối liên hệ giữa những không gian cá nhân với không gian công cộng, không gian cộng đồng, Thu Huệ kiến tạo những không gian “hoang đảo” giữa lòng đô thị, tồn tại biệt lập và tách rời mọi vang động xung quanh (Sống gửi thác về; Của cha, của con và những cành vạn niên thanh). Bằng trực cảm phụ nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ nhận ra con người thành phố ngày một thờ ơ, xa lạ với không gian sống, thậm chí với tổ ấm của chính mình.
Trước Thành phố đi vắng, Thu Huệ thường xây dựng những nhân vật sắc nét, ấn tượng, đặc biệt là nhân vật nữ với nhiều cảm xúc, trăn trở trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc trong các truyện ngắn từng vang bóng của chị: Hậu thiên đường, Cát đợi, Biển ấm, Tân cảng. Ở Thành phố đi vắng, tác giả trưng ra một thế giới nhân vật khác. Phần lớn đó là những nhân vật lát cắt đang hiện diện trong một trạng thái sống cụ thể nào đó như cô gái khiếp đảm trong quán phở vì sợ bọn cướp có vũ khí (Trong lúc ăn một bát phở gia truyền); một chàng trai đợi ngày dài trôi bằng việc xem những bộ phim hoạt hình (Chủ nhật được xem phim hoạt hình); một trạng thái dật dờ đợi xuân, hạ, thu qua để đón mùa đông tới của nhân vật có tên là “Bố cục chặt” (Rồi cũng tới nơi thôi)...
Dường như nhà văn đã sớm ý thức về thực trạng sống vô cảm, bên cạnh cô đơn, bất an, vô cảm cũng là một cách thức sống mới của thị dân đang hiện diện khắp không gian thành phố. Con người “tự động hóa” chối từ những giao cảm ấm áp, tự nhiên giữa người và người, giữa con người và thiên nhiên để bảo toàn khối cô đơn đông đặc cũng như sự an toàn cho chính mình là một đề xuất mới mẻ, mang hơi thở hiện đại trong tập truyện Thành phố đi vắng của Thu Huệ. Các truyện ngắn vì thế có thể gửi gắm một cật vấn: Điều gì đã khiến con người ngày một trơ lỳ, chai sạn với không gian sống, với những người xung quanh và thờ ơ với cảm xúc của cá nhân mình? Tốc độ làm việc, áp lực đời sống, sự dư dả của vật chất hay chính con người đã tự cắt lìa mình với không gian? Hoặc nữa, có thể đời sống thị dân vốn sẵn tiện nghi, hầu hết mọi sở thích cá nhân đều có thể thỏa mãn bằng tiền nên con người dễ đánh đổi sự gắn kết giữa người và người, giữa con người và nơi chốn vốn luôn cần nhiều thời gian để chăm lo, vun đắp, thay vào đó chiều nịnh những sở thích, thói quen, sự hưởng thụ cá nhân dễ được thỏa mãn bằng tiền, bằng mua sắm, giải trí mà ít cần đến thời gian và tâm trí?
![]() |
Bìa cuốn sách "Thành phố đi vắng" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ |
Từ vô cảm đến “cái chết” của tâm hồn là những điều khó tránh khỏi khi băng giá thay thế cho hơi ấm tình người. Hình ảnh cái chết, những thông tin về cái chết trực tiếp và gián tiếp hiện ra dày đặc trong tập truyện (14/16 truyện), như một vết đen bình thản, ngang nhiên phủ bóng lên đô thị hiện đại. “Cái chết” của không gian, “cái chết” của tình người làm đầy lên ý nghĩa của ẩn dụ về một “thành phố đi vắng”, khi cô đơn, bất an và băng giá ngày một lan rộng, thấm lạnh và “hóa đá” những con người. Chủ đề của tập truyện vì thế kích thích suy tư và mời gọi đối thoại với nhiều bạn đọc.
Đô thị Việt Nam hiện đại vẫn đang trong quá trình kiến tạo. Sự ngổn ngang của nó tạo nên mảnh đất màu mỡ cho sự khám phá của nhiều cây bút khác nhau. Nếu những trang viết của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn... mang tới một hình dung về đô thị xô bồ, bát nháo; của Nguyễn Ngọc Tư gợi ra sự lưỡng phân, chênh vênh trong tâm hồn con người thì Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ mang đến một hình dung khác. Một cấu trúc văn hóa đô thị mới đã sinh thành trong lòng đô thị cũ đang không ngừng thoái triển, một đời sống thị dân mong manh, như đứng bên bờ vực của đổ vỡ, tan biến mà bề ngoài tưởng chen chúc, ken đặc trong một khối vững bền. Cái thành phố (trong tâm tưởng) một thời đi vắng, để thế vào chỗ của nó, là thành phố khác, một thành phố không đi vắng, hiện diện với băng giá đang tranh chấp không ngừng với ánh sáng và hơi ấm, đô thị ấy có lẽ vẫn tiếp tục được kiến tạo theo cách rạn nứt và sinh thành những giá trị và cả phi giá trị cũ mới khác nhau.