Sáng tác

Huyền thoại - truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Nguyễn Thị Thu Huệ
Truyện
14:30 | 30/07/2024
Tôi ở Hà Nội - Anh ở Sài Gòn. Chẳng bao giờ thư từ, điện đóm cho nhau, thế nhưng cứ mỗi lần gặp lại, y như chúng tôi chẳng hề xa nhau, lại xa lắc xa lơ nữa.
aa
Huyền thoại - truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ
Huyền thoại - truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Anh hỏi: Em vô đợt này bao lâu? Tôi nghĩ ngợi, nhẩm tính: Khoảng tám ngày. Anh cũng ngây ra tính toán, và lẩm bẩm: Chốc, mình đi ăn. Ăn món gì em thích. Rồi em về khách sạn. Mai, anh phải gặp bọn đầu tư. Mốt, đi Vũng Tàu kí hợp đồng... Phải rồi, bốn ngày nữa mình gặp nhau. Anh chở em đi mua đồ, rồi tặng em một món gì em thích... Anh cười, ngó tôi: Còn ngón nào đeo nhẫn không? Tôi xòe tay ra trước anh. Sáu ngón tay có thể đeo được nhẫn đều đã kín, còn vài cái cất ở nhà. Mỗi năm vào Sài Gòn có một cái dây. Tôi cười: Bốn ngày nữa, mua cho em một con chó, thật đẹp. Anh cười: Mua cho em cả ba con.

Rồi, tôi việc tôi, anh việc anh. Tôi cắm đầu cắm cổ làm những việc cơ quan giao, vì họ thanh toán tiền tàu xe và lưu trú sáu nghìn đồng một ngày cho tôi. Ăn cơm chúa, múa cho đẹp mà. Anh chắc cũng giống tôi, ngược xuôi để hoàn thành những bản hợp đồng đã kí. Bốn ngày sắp qua. Cô bạn tôi hỏi: Sao bảo bồ ruột của mày ở đây? Tao toàn thấy mày độc thân? Tôi cười: Bồ ruột tao bận. Cô bạn bĩu môi: Thế cũng đòi là bồ. Có vài ngày, không Đà Lạt, Vũng Tàu mà toàn công chuyện? Yêu kiểu gì vậy, hả đồ kinh tế thị trường? Tôi im lặng, bị những lời khích bác của nó, lại lao vào những công việc để lấp đầy giấy đi đường, giấy giới thiệu thủ trưởng kí.

Anh đến. Đúng hẹn. Mặt mũi anh có vẻ mệt hơn hôm đón tôi ngoài phi trường. "Đi, ăn gì hả em, anh đói mấy ngày." "Toàn nhậu sao anh?" "Toàn nhậu. Rồi xỉn, rồi kí. Rồi nhậu. Anh chưa có hột cơm nào suốt mấy ngày xa em." Chúng tôi xông vào một hàng ăn ở ngoại ô Sài Gòn. Mới chín giờ sáng mà gọi toàn lẩu mắm, cá kho tộ, tôm chiên và cơm. Anh cắm đầu cắm cổ ăn như thể bị đói đã vài năm. Tôi cũng ăn, tự nhiên và ngon lành như ở nhà. Vả lại, họ làm đồ ăn ngon quá, cộng với mấy ngày toàn hủ tiếu, và các loại bánh.

No say xong, anh bảo: "Uống nước nhé, em?" Tôi lắc: "Không còn chỗ nào mà chứa nữa." "Thế thì đi mua đồ." Tôi gật. Anh phóng như bay đến khu siêu thị. Dừng ở tầng một, anh bảo: "Bây giờ mua cho ba hay mẹ trước? Còn em, phải để sau cùng. Vì chỉ mua chó khi chuẩn bị lên máy bay thôi." "Cho mẹ trước."

*

Ngày mai, tôi về. Ngày mai, trước khi lên máy bay, anh sẽ tặng tôi một con phốc con, cụt đuôi. Bảy rưỡi tối, anh đến: Đi em. "Em mặc bộ gì?" Tôi may sáu bộ quần áo, váy vung để diện với dân Sài Gòn, với anh. Nhưng chỉ có tối nay được mặc thôi. Bao lần trước cũng thế, xách đi, xách về đâu có mặc hết nhưng vẫn không chừa. Anh lật qua lật lại trong đám váy áo, chọn bộ váy ngắn, màu đen: Màu đen đang mốt, em trắng, trông huyền bí." Và lần đầu tiên, sau bảy ngày tôi gặp lại anh, anh hôn nhẹ lên tóc tôi một cái, nhẹ nhàng lắm, chỉ đủ để thấy anh ở bên tôi, rất gần.

Hai đứa về khách sạn, ra đường. Đêm mùa thu ở Sài Gòn hơi lạnh. Hầu hết người ta khoác áo ngoài nhẹ. Đường phố sạch, không khí tinh khiết, và sáng lung linh. Anh bảo: Anh đổ đầy xăng, đi bao giờ hết, mình về. Tôi cười và nhẹ đặt tay vào hông anh.

Tôi ôm con phốc con. Anh bảo đặt tên nó là Si. Tiếng loa gọi mọi người vào phòng chờ chuẩn bị lên máy bay. Anh ngồi bên cạnh, im lặng hút thuốc, chẳng ra buồn hay vui. Rồi đến lúc, còn mình tôi ở phòng đợi, mọi người đi hết rồi. Tôi bảo: "Em về đây." Anh bảo: "Ừ, đến giờ rồi." Và đẩy cho tôi chiếc valy. Đến gần cửa ra vào, nơi mà tôi sẽ đi một mình tôi, anh đứng lại một mình, tôi dè dặt: "Em nghe nói, anh sắp lấy vợ?" Hỏi xong, mới biết là mình đàn bà và dại dột. Hỏi để làm gì cơ chứ? Anh nhìn thẳng vào tôi, khẽ gật như thể tôi không phải là bồ của anh, đã hơn chục năm. Như thể chúng tôi đã từng có những kỉ niệm vừa đẹp, vừa buồn và thơ mộng hết sức chứ không mang bản sắc của nền kinh tế thị trường mà cô bạn tôi nói.

"Anh cũng nghe người ta đã ăn hỏi em rồi, chỉ đợi ngày lên xe hoa thôi?" Tôi lại nhìn thẳng vào mắt anh, và gật. Hóa ra, tôi không phải là đàn bà khi hỏi anh điều đó, tôi và anh yêu nhau, và những người yêu nhau đều có thể hỏi nhau như vậy.

Anh ngập ngừng: "Nhà anh ấy có đông không?" "Có tám người." "Em sẽ ở riêng chứ? Mẹ anh ấy có quý em không?" "Em có một phòng 6,5 m. Mẹ anh ấy quý em, bây giờ thôi, còn mai kia, em không dám nói trước." Tiếng gọi người ra máy bay và tiếng động cơ máy bay rú lên. Còn sáu phút nữa. Tôi vội vã quay đầu kéo chiếc valy, và giữ chặt con phốc hơn. Nó bắt đầu sợ. Anh nắm lấy vai tôi, nói nhỏ. "Anh yêu em. Mong em hạnh phúc. Sang năm, lại vào nhé." Tôi gật. Và bỗng nước mắt tuôn rơi. Sang năm. Tôi không còn là tôi nữa, chính tôi cũng không biết tôi có thế này được không?

Máy bay vút lên sau khi chạy vòng trên đường băng. Sài Gòn còn lại sau ô cửa kính bé xíu. Có một cơn mưa đang đến. Không biết anh về, có ướt mưa không? Anh lấy ai nhỉ, người ấy có xinh không? Tại sao, chúng tôi đã có những lúc đi với nhau cả mấy tiếng và nói đủ mọi chuyện sau một năm xa cách, và đủ để hiểu và nhớ về nhau đến sang năm. Tôi không hỏi anh và anh không hỏi tôi để giờ đây, tôi chẳng hiểu anh sẽ đâm đầu vào lấy ai làm vợ?

Anh hẹn sang năm. Đời người đâu có dài gì mà mỗi lần hẹn xa quá. Liệu có ai, trên thế gian này, hẹn hò như chúng tôi?

Tôi nhìn qua ô cửa, cố tìm dưới kia một cái gì tôi cũng chẳng rõ. Chỉ có mây và mây vẫn về bao lấy máy bay. Tôi đang ở cõi hư vô. Chẳng có nghĩa gì khi đã ngồi ở đây, giữa trời xanh thăm thẳm. "Mẹ anh ấy có quý em không?" Anh lo cho tôi, khi về nhà chồng và đối mặt với cái sự "mẹ chồng nàng dâu", một cái lo của người yêu, hay người anh? Tôi bỗng trào nước mắt, và tưởng tượng rằng, dám lắm, sang năm, tôi bắt đầu nói dối, để vào với anh. Và anh, dám lắm, cũng nói dối, để chở tôi đi ăn, đi mua đồ, và tối nào trước ngày tôi về, cũng đi khắp Sài Gòn bằng bốn lít xăng.

Còn 35 phút nữa máy bay hạ cánh, 35 phút đủ để tôi tưởng tượng rằng, giờ này, sang năm, tôi lại gặp lại, giữa đất Sài Gòn, và lại bắt đầu, một tình yêu huyền thoại.

Nguyễn Thị Thu Huệ | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Đêm ấy, chuyến tàu ra mặt trận - Truyện ngắn của nhà văn Khuất Quang Thụy Bạn đường - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trí Huân Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam
Văn nghệ Trẻ, số 13/1995
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.