Chào các bạn 10A. Tuần sau Danh về. Hẹn tất cả ở bar Thằng Mọi. Bia. Bi-a xuyên đêm. Các bạn gái có sô cô la. “Mặt cười”. Tin nhắn của Danh hiện lên trong group chung của lớp phổ thông có khoảng hai mươi đứa cùng học từ cấp một. Mọi việc có liên quan như sinh nhật từng người, nhóm, thăm viếng thầy cô ốm, hay mất, các cuộc tụ tập bia rượu, hội lớp hay cưới con, ai cần bán hàng hay bạn nào khó khăn để nhóm chung tay giúp đều nhắn lên group này. Đặc biệt, nhóm sống ở nước ngoài tham gia để cập nhật tình hình trong nước, quốc tế. Danh định cư ở Thụy Điển mấy chục năm. Những năm tám mươi thế kỷ trước, bố Danh là bác sĩ giỏi của một bệnh viện nên có tiêu chuẩn cho con đi học ở Nga. Tốt nghiệp đại học, thay vì về nước, cậu lang thang từ Đức, sang Tiệp Khắc, rồi quyết chọn Thụy Điển ở hẳn. Danh hay về vào dịp Tết vì bố mẹ anh chị ở Hà Nội.
Lần này. Hơi lạ. Danh về vào đầu đông, còn xa mới đến Tết. “Về ăn Tết sớm thế” Liên còi còm. “Về tìm vợ” Danh mặt cười. “Cô vợ Nga đâu rồi” Thúy lùn mặt hoảng hốt. “Cô ấy chê cả Nga lẫn Việt, sang Mẽo rồi” Danh mặt khóc. “Bạn ấy quá dại, đánh rơi soái ca Danh” Phi mặt đỏ tức giận. “Danh cho tiêu chuẩn đi, chúng tớ tìm cho”. Dung voi mặt cười toét. Lần lượt mọi người xuất hiện mặt cười, trái tim chào đón Danh về tìm vợ. Chi im lặng, không thả mặt cười, không tán dóc. Lặng lẽ đọc.
Bên khung cửa nơi Chi ngồi. Hàng cây bàng vào đông nhuộm nâu vàng rực trong nắng quái, lá rụng như trải thảm dưới gốc sau cơn mưa ban trưa. Góc phố. Hai cái xe rác chất đầy những thanh gỗ, hộp giấy. Gần đấy. Một nhà chuyên bán rượu, xì gà và đồ ăn nhập khẩu có đám nhân viên phá những thùng gỗ đựng rượu vang, xách từng chai xếp vào tủ. Thỉnh thoảng, Chi mua rượu của hàng này, uống thấy ngon do tin, không phải vì biết thẩm rượu. “Phần nhiều rượu ở đây rởm, về theo đường Campuchia hoặc tự chế. Em phải biết, nước ngoài làm ra chai rượu kỳ công thế nào. Lấy đâu ra bạt ngàn rượu bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm thế”, Danh tợp một hơi hết phần rượu cho là rởm Chi vừa rót vào chiếc ly pha lê to. Ballantines 21 năm cô lấy ở hàng quen trước mặt, trong một đêm hai người gác chân lên thành ban công phòng khách sạn bên hồ Ngọc. “Cũng tùy. Không phải tất cả rượu bán trong nước đều rởm. Anh đừng mất niềm tin thế”. “Em tập đa nghi khi chưa quá muộn. Định Mai ka từ trên trời rơi xuống đến bao giờ nữa. Năm mươi rồi tỉnh lại đi cô bé của tôi”. Mặt Danh chợt hiền, vòng tay, hôn nhanh lên trán Chi. Hương rượu bay loang khiến cô rùng mình cảm giác phấn khích. “À...” Danh cười, bập bập môi vào điếu xì gà gộc, đốm lửa phập phù đỏ, khói đặc đục bay chậm rồi đứng nguyên như làn khói trên bức ảnh. “À... do em sống mãi một nơi. Hít thở. Nhìn và biết có thế, nên không hiểu chỗ khác, đời sống khác thế nào. Bảo sao mơ hồ”. “Không hẳn. Cũng có cái em không tin. Nhưng nghi ngờ hết như anh không đúng đâu”. “Anh không nghi ngờ bất cứ điều gì nơi anh đang sống mấy chục năm nay. Sao về đây anh lại thế? Anh cũng muốn tin chứ. Nhưng không tin nổi”. Mặt Danh thoắt nhàu nát, khác hẳn vài phút trước sà sát lên Chi. Làn khói đặc, thêm quánh khi anh rít mạnh hơn, đốm đỏ rực lên hình tròn. Chi cho thêm những viên đá tròn vào chiếc ly của cô. Lắc lắc. Màu vàng của mật ong nhạt dần khi đá tan. “Em chỉ là em khi sang kia. Dưới bầu trời văn minh tự do ấy. Sống khác. Thay đổi thói quen. Thế giới quan mới. Em sẽ vẽ khác”. “Em nghĩ. Ở đâu em cũng vẽ thế thôi. Em là em mà”. “Em nhầm. Không gian. Thói quen sống tác động rất lớn khiến ta thay đổi mà chính ta không biết. Anh luôn quặn thắt ruột khi nghĩ đến bố mẹ. Anh chị. Lũ cháu. Bạn bè. Và em. Anh muốn bứng tất cả đi khỏi chốn này. Anh xót cho mọi người đang mất đời mình”. “Mọi người đang sống rất tốt”, Chi thấy nóng hai bên má. “Sống kiểu chết chưa chôn, đâu phải là sống”. “Gia đình anh giàu có so với cả nghìn người. Bố anh vẫn bốc thuốc chữa bệnh cứu người, việc cả đời ông đam mê. Anh chả kể. bố ngày xưa đánh đuổi mẹ con anh ra khỏi nhà trong đêm đông rét buốt vì tội anh xé sổ ghi chép của ông gấp máy bay phi xuống ruộng rau muống vì với bố anh, nghề y là máu thịt, quý hơn cả vợ con. Mẹ anh vẫn có học sinh đến nhà học tiếng Pháp dù bà bảy mươi, dạy miễn phí. Bà muốn nhiều người giỏi tiếng Pháp như mình. Anh chị, các cháu đều đi làm thu nhập cao. Nhà biệt thự hết. Sao lại sống như chết chưa chôn?” “Vật chất đấy chả nói lên điều gì. Sống đúng là mình mới khó”. “Ơ, mọi người nhà anh đang làm đúng việc họ thích đấy thôi?” Danh lặng nhìn Chi, kiểu nhìn cố ghìm sự khinh bỉ của người không thể làm cho đối phương hiểu hết ý mình. Chán không thèm chấp.
Ngã tư. Nắng chợt bừng lên. Mặt trời mùa lạnh trắng vàng ló ra sau đám mây xám nặng, chiếu xiên qua tán bàng lá đỏ. Dưới gốc cây bàng già này, có chiều Chi và Danh đứng mãi. Nhìn dòng người xuôi ngược giờ tan tầm một lúc, quay sang ôm vai Chi, Danh kéo mạnh “Anh yêu em. Anh đang cố nhìn và tìm xem có gì ở đây khiến mình có thể quay về sống được cùng em, nếu em không chịu sang kia cùng anh”. “Đứng ở ngã tư quen sao thấy được hết điều đáng sống, trừ cảm giác nhớ thương nơi này nếu đi xa”. “Em lại lãng mạn rồi. Bảo sao em hay vẽ phố. Vẽ cả cột điện. Xe rác. Máy nước. Vỉa hè vỡ. Không khí ô nhiễm. Em hít quen rồi nên không hiểu nó tàn phá mình thế nào đâu”. Danh nhún vai, cố giấu sự khinh bỉ. Chi quay đi, nén cơn giận bùng lên trong lòng mỗi khi va chạm quan điểm với Danh về nơi chốn, cảm xúc. “Anh chắc mở một công ty. Chuyên tư vấn tâm lý, nhằm dạy cho mọi người sáng mắt ra về bản thân mình và đời sống trước khi quá muộn”. “Anh ở nước ngoài mấy chục năm, em tưởng điều đầu tiên là học được sự tôn trọng sự khác biệt”. “Đúng. Phải tôn trọng sự khác biệt. Xứ này có ai khác ai đâu. Nên phải dạy cho họ nhận ra thế nào là khác biệt em ạ”.
Đứng mãi ở một nơi. Lần ấy là mùa hè. Danh về nước vì mẹ ốm nặng tưởng không qua khỏi. Khi bà qua cơn nguy kịch, Danh ở thêm mấy ngày rồi bay đi do “không chịu được khói bụi, nắng nóng khiến anh nhơm nhớp mồ hôi xứ này”.
Vẫn là chiều. Danh không báo trước. Đi xe ôm từ bệnh viện đến cơ quan Chi, đứng dưới cửa sổ vẫy vẫy. Quần soóc kẻ sọc nâu trên nền vàng, áo xanh cô ban, mũ lưỡi trai đỏ, giày thể thao trắng. Trông Danh giống con Yểng nhà đối diện mỗi lần được chủ tắm xong cho đứng lên cái mắc sắt hong khô lông. Mắt nó tròn đen, mỏ quặp, nhảy nhót như bị kiến đốt liên tục lảm nhảm những câu quen: “Mỏi quá”. “Đông thế”. “Về đi”. Danh cởi mũ, khua mấy lần Chi mới nhận ra. Và hai người cùng đứng nhìn về các hướng của ngã tư. Chi luôn thấy những điều lạ, dù cô chìm ở nơi này hơn mười năm. Danh thì nhìn Chi với vẻ chịu đựng của một tình yêu, sự thương hại dành cho người không lối thoát.
*
Lần này thì Danh tự rót rượu. “Em muốn anh ở thêm không?” “Tùy anh”. Chi nhìn ra Hồ Ngọc. Mùa đông. Cây trơ cành. Trăng sáng xanh tỏa màu ma quái. Hồ lặng không sóng nhìn như bãi đất màu sẫm tối. “Anh cũng không có việc gì bên kia. Công ty tạm dừng hoạt động vì thanh tra. Bọn thuế vụ nó làm sát ván lắm. Nếu cô ấy không kiện, anh không bị gắt thế này”. “Cũng lạ. Có con với nhau, tài sản anh cho hết, vậy mà kiện anh”, Chi nhún vai, nhón quả nho xanh ăn lẫn miếng pho mát, kèm chút rượu. “Anh cũng không hiểu sao Anna thù anh thế. Suýt không được xuất cảnh lần này. May mà họ phong tỏa tài khoản, niêm phong công ty, thu hết giấy tờ, anh mới được về đấy”. “Anh phải làm ăn thế nào cô ấy mới biết mà kiện chứ”, Chi định nói anh ăn ở thế nào nhưng đổi thành làm ăn thế nào cho Danh đỡ sốc. “Bao năm anh đánh hàng Tàu, bán ở các chợ khắp châu Âu, thế mới có tiền mua biệt thự, con học trường đắt tiền”. “Còn anh thì quanh năm đánh golf, tuần qua công ty ký giấy tờ một lần”, Chi nói luôn. “Ơ em cũng nhớ chuyện đấy à”, Danh cười, mặt giãn ra. Chi im lặng, lắc ly rượu nghe tiếng đá va lanh canh. Bên hồ. Trăng suông vô hồn như ai gắn quả bóng tròn trắng lên tấm vải đen kít. “Hôm qua. Bố nhắc lại chuyện chưa giải quyết với anh hai mươi năm trước. Ông già luôn thù dai”, Danh nhăn mặt, nhún vai. “Chắc ngày ấy anh phá bố chuyện gì lớn lắm”. “Anh nói ông giả dối. Ông biết bệnh nhân bị ung thư, chết đến nơi vẫn nói có khả năng chữa được. Ông gieo cho họ niềm tin. Anh đã nói thẳng với bố, thôi lừa dối người bệnh đi, cho họ còn biết mà chuẩn bị hậu sự. Vì chuyện đấy, bố đánh anh hơn đánh thằng ăn cắp và từ anh cả năm không nhìn mặt. Anh cũng chẳng coi ông ấy là bố sau chuyện đó”. “Tinh thần lạc quan khiến người bệnh khỏe hơn. Bố anh đúng mà”. “Cả em nữa. Tự lừa dối mình. Lừa dối người khác bằng ảo tưởng. Lúc vỡ mộng mới đau”. “Anh sống cùng gia đình có mười mấy năm. Em thấy anh không có kỷ niệm nào đẹp. Có phải vì thế mà anh bỏ đi luôn không?” “Chính xác. Từ nhỏ. Anh chỉ muốn thoát ra khỏi bầu không khí giả tạo mà bố anh tạo ra. Sạch sẽ. Trật tự. Hà khắc với người thân nhưng ngọt ngào tử tế với người dưng. Em tin không, mười bảy năm anh sống cùng bố mẹ, chưa một lần thấy hai người cãi nhau. Chuyện ông bà nhiều lần mâu thuẫn do bố anh cặp với cô y tá, hay mẹ lằng nhằng với một ông người Pháp, anh biết do bạn bố kể. Lần đấy, bố đánh anh tội giấu vụ bị kỷ luật vì cãi cô, anh bỏ nhà sang nhà bác ấy. Bác ấy và anh thức trắng đêm, và anh biết mọi bí mật của bố mẹ anh. Cả hai đều siêu nói dối. Họ ly thân nhưng không ai biết. Hai người ngủ riêng, vài ngày lại dắt nhau đi dạo quanh khu công viên. Ai nhìn vào tưởng vợ chồng hạnh phúc. Thực ra, họ lôi nhau ra đấy cãi nhau, không cho anh biết. Ngày đầu tiên khi anh đặt chân ở Nga, anh cúi xuống hôn mảnh đất xa lạ đó, thề không bao giờ quay về sống ở đây”. Chi lặng ngắt, tợp ngụm rượu đầy. Cô với tay lấy điếu xì gà Danh hút dở, bập liên tục, phả khói mờ tấm kính bên hông. Danh cũng muốn chấm dứt những câu chuyện quá khứ, với tay lấy cốc rượu uống một hơi, rồi đứng dậy.
Ra giường.
Danh bỏ áo choàng tắm, nằm dang thẳng chân tay bốn phía giường ga màu xanh đen khiến da trắng càng nổi. Loáng thoáng thấy cả xương chậu nhô lên trên vùng bụng lép. Danh luôn tự hào người không có nổi nửa ký mỡ thừa do chơi golf quanh năm. Chi ngả người vào chiếc ghế lớn đủ cho hai người ngồi vừa, uống hết phần rượu lạnh. “Lên đây với anh”, giọng Danh tha thiết. “Mới vào đêm. Sớm mà”, Chi rót tiếp rượu vào cốc cho mình. Đứng lên, đi ra mép giường, ngồi xuống đưa vào miệng Danh. “Em muốn dừng lại thế này. Mãi mãi”. “Anh cũng muốn. Ước gì đây là phòng ngủ của anh, ở bên kia. Anh sẽ yêu em qua đêm dài này sang ngày ngắn khác. Đêm trắng là điều kỳ diệu, em mà trải qua một lần sẽ nhớ mãi”. “Mình đang ở đây, nơi chốn của mình, cứ hưởng luôn đi, nghĩ xa làm gì”. “Anh muốn em thật trọn vẹn bên anh”. “Em đang trọn vẹn đây”. “Chưa đâu. Còn ở xứ này là chưa trọn vẹn”. Chi ghìm hơi thở dài, đứng lên, sau khi Danh uống một hơi hết phần rượu mới rót. Quay ra ghế ngồi. Quá quen với nỗi Danh đau đáu muốn mang Chi sang Bắc Âu nên Chi không tranh cãi vì tiếc rượu đang mềm môi.
Trên giường. Danh vẫn nằm dang rộng tay chân. Không một mảnh khăn vắt ngang. Lặng ngắt nhìn quạt trần cánh tròn quay nhẹ như thể không phải để tạo gió, nhưng là thứ duy nhất chuyển động trong cái hộp sặc mùi nhục dục.
Danh ngủ. Da trắng. Người mỏng. Tay chân dài duỗi thẳng trong ánh sáng mờ hắt từ chiếc đèn hình quả trám góc phòng như người bị phanh thây. Ngủ không mặc gì để giải phóng mình đến với tự do tuyệt đối là thói quen của Danh từ nhỏ. Hay chuyện cả đời không uống thuốc dù ốm đủ bệnh. Tắm gội chỉ bằng nước máy, không dùng bất cứ loại dầu gội, tắm. Ai ở cùng Danh cũng phải như vậy. Chi thì không thể.
Chi dốc ngược chai thứ nhất. Nhặt mấy viên đá chìm trong xô nước lạnh buốt, thả vào cốc rượu. Tiện tay, cô vốc nước vuốt khắp mặt. Trăng co gọn, chuyển màu đục cao dần lên đỉnh trời. Nhớ lần đầu gặp lại Danh sau gần ba mươi năm, Chi mới chia tay chồng, may chưa kịp có con. Mấy chục năm từ ngày tốt nghiệp phổ thông, cô gần như không tham gia hội lớp dù thỉnh thoảng vẫn gặp bạn cũ vì việc này việc kia. Chi đồng ý đi một ngày nhân có sáu bạn sinh nhật, và thầy chủ nhiệm cũ ở Mỹ về. Cô cũng là người duy nhất không nói chuyện với Danh, cũng không biết chuyện Danh đi nước nào sau tốt nghiệp phổ thông. Đám bạn lại thường xuyên giao lưu với Danh. Ai cũng khen Danh tốt tính, sòng phẳng, không từ bất cứ việc gì khi bạn bè nhờ. Vô số chuyện thì thầm sau lưng Danh khi anh cùng đám con trai bày đồ uống ra bàn, giúp nhóm nữ xếp các khay trái cây chuẩn bị tiệc tối. “Thằng Danh chơi đẹp. Tính nó hay. Đã có mặt nó không ai được trả tiền. Hồi con cái Hòa sang học ở Đức, bị ốm, nó bay sang chăm nửa tháng vì con bé ở một mình. Ai sang bên đấy, nó đều dành thời gian đưa đón đi chơi, chăm sóc tận tình. Có nó, sang kia vô tư như về nhà mày ạ. Mỗi tội, nó ngang. Muốn yên thân, đừng tranh luận với nó. Nó đã nghĩ cái gì, có giời thay đổi được. Vì cái tính ấy mà từ ngày đi học, không tuần nào mẹ nó không phải lên gặp cô giáo do nó luôn nói ngược lại những điều thầy cô giảng trên lớp. Nó bị bố từ mặt nhiều năm, mới chấp nhận cho nó quay về thôi”.
*
Cái bar hiếm hoi ở thành phố này dành cho khách tự chơi nhạc, hát theo ý thích, quy định chỉ hát hay đàn những bản nhạc jazz. Danh lần nào về, nếu chưa tới giờ quán đóng cửa cũng hẹn Chi và các bạn qua đấy ngay sau khi xuống máy bay. Lần này Chi tới sớm. Chọn bàn góc, ngay cạnh khuôn cửa hẹp, nhìn ra mảnh sân sau, có chiếc vòi nước và những cây khoai nước lá to như cái rổ. Sau cơn mưa. Những chiếc lá cây nặng trĩu những hạt nước tròn, lăn qua lăn lại như viên bi ve. Trên sân khấu bé bằng cái chiếu, một cô gái phong cách Digan, tóc rối trắng pha tím, váy hai dây khoe đôi vai thanh nữ ngang với xương quai xanh như hai bàn tay gỗ như chiếc giá đỡ thanh mảnh nhưng chắc chắn. Khuôn mặt đẹp, đôi môi bợt son trắng. Lim dim, cô nhả từng câu một ca khúc jazz buồn. Chi thấy như đang lắc lư trên chuyến xe về miền Trung nước Mỹ, xứ Iowa ngày nào.
Ngoài cửa. Danh đến. Bên kia đang âm nhiều độ nên Danh khá cồng kềnh. Áo khoác cam buộc ngang bụng, khăn xanh quấn cổ, áo thun đỏ và quần ka ki xanh thẫm. Con Yểng (biệt hiệu Chi đặt cho Phan) tay kéo va li, một tay ôm chiếc bình gốm. Danh nhìn quanh. Chi đặt ly Brandy, ra đón Danh. Danh nhún vai, mặt ửng đỏ, buông tay kéo va li ôm hôn lên tóc Chi, rồi theo cô vào góc tối. Đặt chiếc bình gốm ngay ngắn vào góc trong cùng sát mép tường, Danh vẫy tay gọi thêm ly cô nhắc từ bồi bàn người nước ngoài. Cả hai lặng lẽ nghe thêm mấy vị khách lên đàn hát, như thể họ cùng ở nơi chốn này từ lâu, như không phải Danh vừa bay rất dài về đây. Chi muốn quay lại khách sạn cũ, vào đúng phòng họ đã từng có một đêm trắng bên nhau. Danh không chịu, nói muốn ở nơi khác. Đường khác. Để Danh đi rồi, mỗi lần qua phố đó, Chi sẽ nhớ Danh. Lần này. Họ chọn một phòng khách sạn trung tâm thành phố. Ngã sáu. Khách sạn được cải tạo từ tầng áp mái của một biệt thự cổ. Cầu thang sắt đi từ sân chung lên. Chủ căn biệt thự này cải tạo mỗi phòng một kiểu. Cũng nhìn ra Hồ. Nhưng là Hồ Tây. Bày rượu và trái cây mang theo. Từ tối, lúc Danh xuống taxi, tay kéo va li, áo khoác buộc ngang bụng, tay kia luôn ôm cái bình gốm. Thận trọng đặt cái bình chính giữa bàn, Danh xếp ly cốc rượu vây quanh đúng kiểu quây chắn. Rời bar. Về khách sạn, Danh vẫn ôm cái bình. Chiếc bàn nhỏ được Danh kéo vào sát tường, đặt chiếc bình vào góc giữa hai bờ tường. Cửa sổ lớn, được chủ nhân hạ sát xuống sàn. Chi hì hục kéo cái đệm ném xuống, nằm lăn ra ngắm sóng hồ Tây rất gần, chỉ qua con đường nhỏ là đến.
Từ phòng tắm ra, người Danh lấp lánh nước. Chiếc áo tắm buộc hờ hững. Sà xuống bên Chi đang chống cằm ngắm sóng, anh kéo cô xuống, môi kéo riết. Hương rượu cuốn Chi chìm vào cơn mê trong thoáng chốc. “Anh mong từng phút được ôm em. Làm vợ anh Chi nhé”. Toàn thân Chi bốc nóng, rồi lạnh. Rời Danh, Chi gạt nhanh những giọt nước mắt đang trào ra. “Anh cần em Chi ạ. Đời anh thực sự bình yên khi có em. Anh hứa, sẽ không làm em cáu. Anh nghe em hết, kể cả về đây sống. Khi nào em muốn sang bên kia, anh đưa em đi. Em sẽ vẽ. Anh phục vụ em. Chúng ta phải lo về kinh tế. Em sẽ chỉ làm những điều em muốn”.
Chi nằm sấp, tỳ mặt lên hai mu bàn tay, nước mắt chan hòa trên khuôn mặt nước da nâu nâu. Đôi môi bầm đỏ do Danh cắn nhẹ khiến toàn thân cô như có luồng điện chạy. Danh ngồi lên. Ân cần, “Em tắm không? Anh pha rượu nhé?” Chi lắc đầu, “Thôi. Em muốn uống luôn”. Và họ yêu nhau trên sàn gỗ, bên dưới là chiếc đệm bông lau lẩn sẩn như bãi cỏ khô mùa đông. Đúng lúc Danh cuống cuồng tìm tai Chi trong đám tóc xõa dày, cô thấy lóe lên từ cái lọ gốm. Chi chợt bị hút về chiếc bình đang ngày càng phát sáng. Thoáng quên hiện tại khi cô vừa căng bụng đón chờ Danh, thì thào: “Cái bình gốm đẹp quá. Em thấy bảy sắc cầu vồng hiện ra. Chưa bao giờ em thấy cái bình nào đẹp thế này”. Danh hơi khựng lại, áp mặt vào bên má Chi, người chợt mềm. Danh thở mạnh, thả lỏng trên người Chi, “Thằng Hiển đấy. Chắc nó vui vì anh được em yêu. Anh hết cô độc rồi”. Chi nhìn sững chiếc bình chập chờn sáng rực nhiều màu. Hơi lắc đầu, cô né ra khỏi mặt Danh đang kề sát, giọng khàn như chợt vướng cục gì ở họng, “Anh Hiển ở Đà Nẵng tặng anh cái bình này à?” Danh dừng lại, thả lỏng rất nhanh. Dịch nửa người nghiêng xuống đệm, dúi mặt vào bên tai Chi, hơi rượu phả trùm lên cô, “Hiển ở trong ấy đấy. Một phần rất ít. Nhưng là nó”.
Chi rét run. Vớ cái áo tắm bằng sợi bông, đắp ngang người, ngồi lên. “Em không hiểu”. Chi vùng phắt dậy. Loạng quạng ra góc phòng. Có bao nhiêu công tắc đèn. Bật hết. Ánh sáng vàng ấm bừng lên.
Chi đứng im ở cửa, vô thức quay lại nắm móc chiếc xích an toàn. Lay kiểm tra thêm lần nữa. Rồi đi ven ven phía bên tường, tránh cái bàn có chiếc bình gốm. Danh cũng xỏ nhanh áo khoác tắm, buộc dây ngang bụng, vụt đứng dậy ôm lấy Chi đang run bần bật. “Anh xin lỗi. Em chưa quen với chuyện này. Anh thì quá quen nên vô ý quá. Ngồi xuống đây, anh kể em nghe. Hiển chết do tai nạn, một mình bên ấy chôn ở nghĩa trang chẳng ai thắp hương. Không ai làm giỗ. Sau khi thả phần lớn xuống biển, anh mang chút tro về đưa cho bố Hiển. Nhưng ông già bị phế quản mãn tính, nói một câu ho một tràng như bị ai bóp cổ. Thấy anh, ông tươi tỉnh hỏi về thằng con trai độc nhất như nói về Chúa. Anh lại ôm cái bình gốm về. Đưa cho ông già tập tiền, nói Hiển khỏe, làm ăn bận nên ít gọi về cho ông, nó gửi con tiền nói ông bồi dưỡng, đừng lo cho nó. Nó đỡ việc, sẽ về thăm ông. Việc Hiển rời cõi tạm hay đang đánh quả ở đâu đó bận không gọi điện cho bố hay bay về thăm ông liên tục, như nhau thôi. Rời nhà bố Hiển, anh mang bạn theo. Ăn uống đều để ra cốc rượu, cái bát, đôi đũa. Không dám để ở nhà vì bố mẹ hay xếp dọn. Tính bố anh sạch, mở ra thấy tro đất lại rửa đi thì tội Hiển. Đi đâu anh mang bình theo, như mang cái điện thoại. Ra khỏi khách sạn, sợ dọn phòng không biết lại làm gì, chả may đánh vỡ hay hứng lên ăn trộm mất vì cái bình trông có vẻ đắt tiền”.
Chi uống rượu mạnh như uống nước dừa khi nghe Danh kể về Hiển và cái bình gốm. “Trước, anh và Hiển nói với nhau. Quan trọng lúc sống. Chết còn nắm tro, thả xuống sông cho mát. Người chết sang thế giới khác, sướng hơn người sống. Người sống sẽ khổ vì nhớ người chết và nghĩ đủ thứ về thế giới bên kia trong suy luận”. Danh cười, mắt lấp lánh nước. Cầm cốc rượu, Danh đi ra góc bàn, tưới lên cái bình. Khẽ chạm cốc rượu nhẹ như sợ bình đau. Giọng ân cần, “Uống với tao và Chi mày nhé”. Nước mắt Chi giàn giụa đầy hai má, “Anh nên quay về sống gần bố mẹ, anh chị. Làm việc và có bạn bè thay vì bên kia thăm thẳm một mình. Có vài mối quan hệ chỉ thuần túy làm ăn, em nghĩ, họ coi anh là người nước ngoài. Trong khi ở đây mới chính là nơi chốn, cội rễ của anh”. “Em nhầm. Anh là người Thụy Điển mấy chục năm rồi”. “Chả ai coi anh là người nước họ. Sao anh có thể ảo tưởng đến thế nhỉ?” Chi nhăn mặt, hai má đỏ bừng. “Anh không nghĩ một người trình độ như em mà thiển cận thế. Em biết, anh có bao nhiêu tài sản bên Thụy Điển không? Chấp cho người bên đấy, vùng anh sống ai giàu bằng anh chưa? Có nói em cũng không hiểu vì em có ở bên đấy đâu mà biết anh là ai?” “Là ai thì cũng không nên chối bỏ mảnh đất sinh ra mình”. “Em nói y như mấy thằng khóa mình sang định cư. Vợ chồng chúng nó lúc nào cũng mong được nghỉ để về cho đỡ nhớ quê, nhớ bố mẹ. Duy nhất chỉ có anh là khác, nên chán chẳng muốn tụ bạ với chúng nó nữa”. “Có rất nhiều người Việt sống ở các nước, họ luôn đau đáu hướng về quê hương, làm được gì giúp Tổ quốc là làm. Anh sao thế?” “Xì, em đáng yêu mọi nhẽ, trừ quan điểm này. Anh là anh. Anh không giống ai hết. Em chưa biết chuyện anh đòi đổi tên vì không thể chấp nhận cái tên sáo rỗng bố mẹ đặt à?” “Anh vẫn là Danh đấy thôi” “Ôi giời, về đây thì anh chịu cái tên này. Sang kia, anh xóa nó luôn. Có cái lối ở đâu bố mẹ áp đặt điều mình muốn vào tên con mình như vậy. Thành Danh. Sáo rỗng, giả tạo phát ngượng em ạ”.
Cãi nhau. Cả hai cùng muốn tẩy não nhau. Không ai chịu ai. “Danh. Em yêu anh. Muốn sống cùng anh. Nhưng em không tin mình có thể ở cùng nhau ba ngày vì quan điểm sống như hai đường thẳng song song, vĩnh viễn không bao giờ gặp được nhau”.
Đêm trắng trôi qua khi Danh trần truồng đơn độc nằm trên chiếc sô pha góc phòng ngủ. Chi thì ngồi trên đệm, quấn áo tắm kín từ cổ, đăm đăm nhìn Hiển chui từ cái bình gốm xanh ra, đi lại trong phòng. Uống cả rượu và hút xì gà. Còn cười. Và, ngồi bên cạnh Chi, ngắm mặt hồ có vệt sóng trắng dưới ánh đèn cao áp.
Họ chia tay nhau ngày hôm sau. Chi cũng không biết lúc nào Danh bay sang Thụy Điển. Mọi liên lạc với Danh, Chi đã chặn.
Việt Nam có ca Covid đầu tiên. Dịch đến. Chi bỏ chặn Danh và nhận được ào ạt nhắn tin hỏi thăm.
Chi im lặng.
Rồi Danh cũng im lặng.
*
Năm Covid thứ hai.
Đời sống thản nhiên thay đổi theo sự trồi sụt của dịch. Dịch tăng. Giãn cách. Đường phố hoang vắng hơn thời chiến tranh. Những cánh cửa nhà hai bên đường đóng kín. Không thấy ai đi bộ. Thỉnh thoảng có người xe máy che kín, mặc áo mưa đeo kính chống giọt bắn giữa ngày đầu thu nắng ong vàng hoảng hốt phóng xe như có cướp đuổi đằng sau. Mùa thu thành vô nghĩa. Trời đẹp chả để làm gì. Cũng phố xá đấy, ngày không dịch kin kít người đi, giờ như chui xuống hầm lo bom bỏ trúng.
Dịch lắng. Đời sống trở lại bình thường trong trạng thái phập phồng. Dịch quay lại. Giãn cách. Loanh quanh vài lần đóng mở. Hạ qua. Thu về. Thỉnh thoảng Chi vào nhóm lớp 10A, thấy Danh nhắn hẹn về. Rồi im lặng. Năm Covid thứ nhất. Tết. Xuân qua. Hạ đến. Trật tự đời sống toàn cầu thay đổi. Những câu chuyện của nhóm cũng nhạt. Mọi người đối mặt với những lo toan bất ngờ xảy ra, niềm vui dần biến mất. Không còn sự dịch chuyển dễ dàng như trước. Nhà nọ sang nhà kia còn khó, huống hồ ở nước ngoài về. Những đợt giãn cách, Chi có thêm tranh dựng san sát chân tường vì hết chỗ treo lên. Hà Nội chưa bao giờ lộng lẫy trong tranh của Chi như vậy. Lâu lâu, vào nhóm, một số người đóng Facebook, một số người ở chế độ đọc nhưng không comment. Năm thứ nhất. Nhóm Việt Nam chíu chít nhắn tin hỏi thăm nhóm châu Âu, Bắc Âu. Các bạn nói, Danh chưa về được, không có máy bay. Danh đang trầm cảm vì bị cách ly. Mọi người không bị sao, còn Danh bị, do không chấp nhận những luật mới như đeo khẩu trang, không tự do đi lại, không chơi golf, phải ở nhà. Danh luôn đề cao việc con người được phát triển tự nhiên, tắm gội nước máy, ốm tự khỏi, uống rượu và nước lọc... Không nước trái cây. Không thuốc chữa bệnh... Tóm lại con người là tự nhiên nhất trong các loại tự nhiên. Khu phố nhà Danh bị phong tỏa. Danh cứ ra đường, không đeo khẩu trang vì thấy giống như bị rọ mõm. Chống đối gào vào mặt cảnh sát. Chả ai bắt tao phải làm theo mấy cái lệnh xâm phạm quyền con người của chúng mày.
Chiều cuối thu đầu đông. Hà Nội sau đợt giãn cách thứ hai. Đường phố người đi lại vẫn dè dặt. Rồi cũng quen với kiểu sống mới thôi. Covid khiến mỗi người tự thấy thêm những khả năng lâu nay mình có mà chưa phát lộ. Việc đầu tiên khi ra khỏi nhà của Chi là đến phòng làm việc có cửa sổ nhìn sang nhà Yểng. Những lọ cây khô nước lá nhợt màu dưa muối. Căn phòng tĩnh lặng. Mở cửa sổ. Chàng Yểng bảy màu đang trầm ngâm ngủ gật trong ánh nắng xiên chéo khiến lông nó ánh lên như rắc bột vàng. Điện thoại của Chi vang lên, phá vỡ sự tĩnh lặng trong căn phòng đầy mùi sơn dầu. Chi ngây mặt ra nghe điện thoại. Đến bên khuôn cửa sổ. Dưới đường. Chỗ Danh hay đứng vẫy gọi cô mỗi lần anh đến, bố mẹ Danh đang nhìn lên. Chi bật chào, “Cháu xuống ngay ạ” khi thấy mẹ Danh giơ tay vẫy. “Ui hai bác sao phải đến tận đây mà không gọi cháu về nhà bác ạ”. Chi luống cuống. “Giãn cách lâu, hai bác cũng muốn ra phố. Nhất là lên đây, nơi có nhiều kỷ niệm ngày xưa”, bố Danh nhìn Chi, tình cảm. Bà mẹ run run nắm tay cô, mắt đầy nước. “Cháu mời hai bác lên phòng cháu uống nước ạ”. “Thôi, hai bác cũng có việc phải đi. Gặp cháu thế này là mừng rồi”. Bố Danh giống anh từ mái tóc đen dày dù ông đã ngoài tám mươi. Bà mẹ lưng hơi còng, nhưng cốt cách như cô gái. Bà đưa một chiếc túi bằng nhung the đỏ thẫm bưng bằng hai tay cho bố Danh. Ông giơ hai tay ra đỡ như đỡ một vật mỏng manh dễ vỡ. Rồi bà lại lấy trong cái túi đeo bên hông chiếc phong bì khá lớn, nâng hai tay đưa cho Chi. Cô cũng đón bằng hai tay. “Danh nhờ bác chuyển tận tay cho cháu”. Chi khẽ cảm ơn, rồi mở ra. Một tập ảnh Danh lén chụp Chi mỗi lần uống, ngồi nói chuyện xuyên đêm hay góc nghiêng bên thân cây bàng. Danh đã lén chụp và in ra. Đằng sau mỗi bức ảnh, Danh đều ghi ngày giờ chụp bằng giọng yêu thương: “Chi của anh đêm... bên Hồ Ngọc”, “Chi của anh say rượu đêm...” Chi mặt đỏ bừng, ngẩng nhìn bố mẹ Danh, cười hiền, “Anh Danh hẹn cháu đỡ Covid, được đi lại sẽ bay về. Bên ấy bắt đầu lắng rồi, chắc anh ấy sắp về hai bác nhỉ”. Bố Danh như gồng người lên, cố không run hai tay, nâng chiếc túi nhung đỏ, đưa ra trước mặt Chi, “Nó gửi cháu này. Nó về đây rồi” và chìa ra chiếc bình gốm được lấy rất nhẹ nhàng. Một chiếc bình gốm xanh ánh lên trong nắng. “Danh luôn khiến chúng ta nhớ về nó, kể cả khi giận nó nhất cháu nhỉ”. Bố Danh nói, giọng lạc đi.
Có một cái gì đó xoẹt qua đầu Chi. Chạy lan xuống toàn thân khiến cô run rẩy muốn quỵ ngã. Đứng không vững, Chi cố bước sát lại cây bàng, tựa hẳn vào thân cây hơi nghiêng nghiêng. Vài cái lá đỏ chao nghiêng rụng xuống. Ôm cái bình gốm trong tay, vừa nặng, lại nhẹ khiến Chi sợ hãi nếu tuột tay rơi xuống. Ghì vội vào bụng, cô giữ thật chặt, quay nhìn sang quán rượu nắng chói chang, nước mắt tràn đầy mặt.
Bố mẹ Danh lần lượt ôm Chi trước khi quay đi. “Lâu lâu về nhà với hai bác con nhé. Bác vẫn nhớ con, hồi lớp bảy, sinh nhật Danh. Nó đưa cả lớp về ăn bún chả”.
Chi ngơ ngác im lặng nhìn hai ông bà chậm chậm đi trên vỉa hè gạch vỡ. Đến ngã tư, cái ngã tư lần nào Danh cũng nhìn và thắc mắc tại sao Chi hay vẽ góc đó thế, có gì đáng vẽ đâu, thì hai người dừng lại. Cả hai cùng quay lại, vẫy vẫy chào Chi. Rồi lập cập rẽ sang phố khác. Đây là lần thứ hai Chi gặp bố mẹ Danh. Khuôn mặt, tác phong hai người gần như không thay đổi, chỉ nhỏ bé hơn xưa. Cách ông bà dùng mắt thay lời nói, khăng khít bên nhau đầy tình cảm dù ly thân mấy chục năm và chọn đứng giữa trời đất trao tro cốt của con mình cho một người dưng khiến cô rùng mình.
*
Chi cay đắng nhớ Danh. Và tiếc. Giá mà Chi đừng găng lên với Danh như những lần gặp cuối cùng. Mà đời, chả ai biết sẽ gặp ai lần cuối cùng để không cãi vã, giận hờn hay căm thù. Chấp nhận. Nhượng bộ Danh dần dần bởi anh cần được tẩy não - như Danh nghĩ Chi mới là người phải tẩy não.
Cay đắng dù sau vài chục cuộc tranh luận, nhắn tin về ý nghĩa của nơi chốn của mỗi người, Chi luôn là người thắng, hoặc do Danh chán không thèm cãi. Lần này. Chính xác Chi đã thắng Danh, vì anh muốn tro cốt của mình quay lại nơi chốn đã rũ bỏ bằng mọi giá. Mà thắng, giờ cũng chẳng ý nghĩa gì. Sâu thẳm trong Chi, cô muốn cùng anh đi khắp thế giới nhưng trong một tâm thế - ta đến nơi này, cảm nhận hết mọi điều và về với những kỷ niệm chứ không đi trong suy nghĩ phủ nhận nơi mình sinh ra với sự thù hận. Danh chưa bao giờ nhận mình quá cô độc ở chốn mà anh nghĩ mãi là của mình trong khi, từ những chi tiết nhỏ nhất của Danh cũng toát lên điều đó. Chọn golf làm môn thể thao duy nhất, nhưng đến đó cũng chơi một mình. Về nhà. Uống rượu một mình. Tự do là ngủ không quần áo. Mọi thông tin từ quê hương Danh biết qua vài trang mạng. Chỉ những trang đó. Trang khác. Nói khác. Danh chửi, không đọc lần hai.
Chi biết, sẽ chẳng ai yêu cô hơn Danh. Nhưng cũng không ai khiến cô điên khùng vì cảm thấy bị xúc phạm khi tranh luận như với Danh. Và cô cũng hiểu vì sao những người đàn bà qua đời Danh đều yêu và chia tay anh trong sự căm thù. Giết được chắc giết vài lần rồi. “Vợ hai của Danh nhờ người mang về cháu ạ. Cô ấy là người phát hiện ra Danh tự tử. Sau khi đưa Danh hỏa táng, tro cốt chia mấy bình theo di chúc của Danh. Bên kia cô ấy thờ một phần. Hai bác một phần. Bác đã đưa Danh về cùng khu mộ của dòng họ rồi cháu ạ. Phần này, của cháu. Danh muốn cháu mang bình này ra sông Hồng thả cho nó thỏa chí chu du khắp quê mình...”
Phát điên vì Danh bỏ đi kiểu không giống ai này. Có lúc, Chi nghĩ Danh đã lấy vợ vì không thể sống một mình, đêm không mặc quần áo và ôm cái gối ngủ. Giữa việc có mặc một đồ gì đấy, cởi trần quần sịp cũng được, còn hơn không mặc gì với việc không có ai để ôm qua một đêm dài thật kinh khủng. Giá Chi bay cùng Danh sang Thụy Điển, đi hết Bắc Âu, sang châu Âu. Và, Danh về Việt Nam sống cùng cô, làm gì đấy có ích, để được yêu nhau. Bi kịch của cuộc tình này, và chắc là những cuộc trước của Danh với những người đàn bà, là cả hai đều muốn đối phương hiểu tình yêu mà họ dành cho mình, phải rũ bỏ đời sống cũ, để đi cùng nhau.
Cuối cùng thì Danh cũng có một nơi chốn để về. Trời đẹp thế này, bên nhau và say có phải đời đáng sống không anh. Chuyện gì cũng có thể giải quyết được, trừ chết. Không chấp nhận sống kiểu mất tự do vì chống dịch nên chọn cách chết để thoát. Suy cho cùng, anh hèn, Danh ạ. Chi giàn giụa nước mắt lẩm bẩm.
Sông Hồng cạn trơ lô xô đá. Nếu vào mùa nước lên, chỗ cô đứng sẽ mênh mông sóng táp. Ôm cái bình trên tay, Chi thấy nhẹ bẫng. Sau cú sốc khi đón nhận Danh theo cách này, giờ cô như người mất cảm giác. Và hiểu, tại sao Danh bình thản ôm Hiển đi khắp nơi như cắp theo thằng bạn vô hình. Phía xa. Hai chiếc xà lan chở cát đang đến khiến sóng nhẹ nhẹ xô bờ. “Ờ, mà sao lại phải làm theo ý Danh nhỉ? Sống còn chả nói được ai, giờ biến vào hư vô, càng bất lực”. Rất nhanh. Chi quyết định không thả chiếc bình xuống sông. Chợt nhoẻn cười, như Danh đang bên cạnh. “Sẽ không còn những cuộc tranh luận trắng đêm nữa. Giờ em làm gì, anh cũng phải chịu thôi. Anh chưa bao giờ tự do, kể cả khi chọn cái chết để đến với nó”.
Bệt xuống mép sông. Chi ngồi mãi. Cho đến khi bóng tối buông phủ. Phía xa. Đèn trên cầu bừng sáng. Lác đác, mưa về sau những ánh chớp.
Lên xe. Giọng ngàn ngạt, Chi nói địa chỉ cho người lái taxi. Ông lớn tuổi, có vẻ nghễnh ngãng, nhắc lại ba lần, “Gì cơ? Bà thằng chọi á?” “Không. Bar Thằng Mọi”. Chi hét lên. “Sao? Bà thằng Mọi? Sao lại bà thằng Mọi?”...
Mưa đêm. Phố vắng. Chiếc cần gạt nước kêu quành quạch điên cuồng sang phải, sang trái xua đuổi dòng nước rào rạt tuôn xối xả.
“... Đúng rồi. Thằng Mọi. À tôi biết rồi. Chẹp. Có lần tôi chở một anh từ sân bay về đấy. Quán Bar Thằng Mọi”.
Chi thở hắt.
A lê...
Đi thôi!
Mùa thu, năm Covid-19 thứ hai