Văn hóa nghệ thuật

Những linh hồn già

Lâm Lê
Điện ảnh
06:00 | 07/08/2024
Baovannghe.vn - Chất lượng các tác phẩm đến từ Ghibli luôn giữ được mức từ tốt đến tuyệt tác, chưa bao giờ là “tồi” hay “tệ” cả. Những bộ phim trải dài trong 40 năm ấy luôn khiến người hâm mộ của hãng phim này được mãn nguyện, giúp họ bay bổng trong những thế giới độc nhất chỉ Ghibli mới có thể tạo ra.
aa

Chất lượng các tác phẩm đến từ Ghibli luôn giữ được mức từ tốt đến tuyệt tác, chưa bao giờ là “tồi” hay “tệ” cả. Những bộ phim trải dài trong 40 năm ấy luôn khiến người hâm mộ của hãng phim này được mãn nguyện, giúp họ bay bổng trong những thế giới độc nhất chỉ Ghibli mới có thể tạo ra.

Hayao Miyazaki, Toshio Suzuki và Isao Takahata - ba cụ già tóc bạc da mồi này là những “linh hồn già”, là kiến trúc sư trưởng của Studio Ghibli, hãng phim hoạt hình (anime) mang lại cho khán giả toàn cầu một “bầu trời diễm ảo”, nơi họ được chìm đắm vào những thế giới kỳ diệu của vùng đất linh hồn, của lâu đài bay, của đám Totoro “cưng xỉu” và vô số hình ảnh kỳ thú khác nữa. Ghibli không chỉ mở ra những thế giới tưởng tượng kỳ ảo dưới bàn tay sáng tạo siêu phàm nhưng vô cùng tỉ mẩn của Hayao Miyazaki, studio này còn mang đến cho chúng ta một “mặt đất thi ca”, với những câu chuyện làm tan nát lòng (heartbreaking) về hai đứa trẻ lạc loài trong chiến tranh đổ nát (Mộ đom đóm) hoặc ca tụng vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Nhật Bản, mà Công chúa Kaguya, nàng tiên trong ống tre là tuyệt tác cuối đời của ông - một bậc “pháp sư” khác của Ghibli: Isao Takahata.

Những linh hồn già

Ba nhà sáng lập của Studio Ghibli huyền thoại. Từ trái sang: Hayao Miyazaki, Toshio Suzuki và Isao Takahata.

Vào ngày 15/6/1985, cách đây khoảng 41 năm, Studio Ghibli ra đời bởi ba “founder” (nhà sáng lập), ba người sáng tạo chủ chốt của hãng phim non trẻ này trước những đối thủ quá sừng sỏ trong thị trường phim hoạt hình Nhật Bản. Họ là đạo diễn/ tác giả Hayao Miyazaki, đạo diễn/ tác giả Isao Takahata và nhà sản xuất Toshio Suzuki, người ít tiếng tăm hơn vì đứng đằng sau để thúc đẩy thương hiệu này lan tỏa khắp toàn cầu; nếu không có ông - hai tác gia kia dễ bay bổng mà quên mất đường về, chắc gì đã có được một sự nghiệp đồ sộ với nhiều kiệt tác như nhà Ghibli đang sở hữu?

Cuốn sách về hành trình của Ghibli hay Hayao Miyazaki giúp tôi được biết thêm nhiều về một chặng hành trình chông gai, về những vật vã trauma (chấn thương tâm lý) của hai đạo diễn này lúc mới vào nghề và dựng xây Ghibli, về sự khắc nghiệt (đôi khi còn hơi tàn bạo) để theo đuổi một dòng phim hoạt hình 2D truyền thống mà chữ “mỹ” (đẹp) luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi khung hình của Hayao và Isao đôi khi giống như một bức tranh tuyệt bích. Và mỗi phút phim chúng ta xem trên màn ảnh đôi khi phải mất cả tháng trời dưới bàn tay thủ công của chính cụ Hayao và những nhân viên cần mẫn ngày đêm ở Ghibli. Áp lực làm việc dưới sự chỉ đạo và sự đòi hỏi của Hayao Miyazaki là một thứ áp lực kim cương mà nhiều người dù đam mê và tôn sùng cụ, vẫn không trụ nổi.

Thậm chí còn có người, một đạo diễn thế hệ sau, bị chết về nhồi máu cơ tim trên bàn làm việc. Vụ đó khiến thanh danh của cụ Hayao Miyazaki bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhưng đọc cuốn sách, tôi hiểu được tại sao Miyazaki phải tạo ra “áp lực kim cương” để tồn tại và để lại điều gì đó đáng được gọi là di sản cho nghệ thuật. Hayao Miyazaki đã không được coi trọng trong những hãng phim hoạt hình danh tiếng tại Nhật, đã phải vật vã đi tìm con đường riêng, đã nghiên cứu rất kỹ về thị hiếu khán giả để những sáng tạo của mình, dù cao cấp, vẫn không được xa rời đại chúng mà gần gũi với trái tim của họ. Đó là con đường duy nhất để Ghibli tồn tại trong sự cạnh tranh khắc nghiệt và không chỉ thế, chinh phục cả thế giới.

Cái tên Ghibli được Hayao Miyazaki mượn từ từ gốc trong tiếng Ý mà nguồn gốc từ nguyên của nó là tiếng Ả Rập có nghĩa là “gió sa mạc nóng”. Mượn cái tên này, Miyazaki điều hướng hãng phim non trẻ của mình đi theo con đường “cách mạng” với sứ mệnh “thổi một luồng gió mới vào ngành công nghiệp anime Nhật Bản có phần già cỗi”.

Và kể từ cột mốc đó, suốt 41 năm qua, Studio Ghibli mang đến cho chúng ta những bộ phim anime đáng nhớ nhất trong thế giới điện ảnh bao la, với kiệt tác đầu tiên của Hayao Miyazaki ra mắt năm 1988: My Neighbor Totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro) vẫn được yêu nhất của hãng phim này, với Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm) ra cùng năm của Isao Takahata, khiến bất cứ khán giả nào xem bộ phim này cũng phải “khóc một dòng sông”. Một năm tung ra hai bộ phim thu phục nhân tâm của khán giả, khiến họ đắm chìm vào thế giới hoạt hình đẹp đẽ mang lại cho họ sự tinh khôi và rung động của tuổi nhỏ - Studio Ghibli chính thức ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh.

Trên hành trình bốn thập niên ấy còn rất nhiều bộ phim mà tôi vẫn xem đi xem lại (hoặc bạn tôi, nói rằng mỗi lần stress hay căng thẳng công việc là anh chọn một bộ phim của Ghibli để “chữa lành”). Chất lượng các bộ phim của Ghibli luôn giữ được mức từ tốt đến tuyệt tác, chưa bao giờ là “tồi” hay “tệ” cả. Những bộ phim Ghibli trải dài trong 40 năm ấy luôn khiến những fan của hãng phim này được mãn nguyện vì giúp họ bay bổng trong những thế giới của Castle in the Sky, Kiki’s Delivery Service, Whisper of the Heart, Pom Poko, Only Yesterday, My Neighbors the Yamadas, Howl’s Moving Castle, Princess Mononoke, Spirited Away, Ponyo, The Wind Rises và đây nhất là The Boy and the Heron - bộ phim được tuyên bố là “cuối cùng” của cụ Hayao Miyazaki và biến cụ trở thành đạo diễn Nhật Bản duy nhất trong lịch sử thắng 2 giải Oscar cho hai phim hoạt hình.

Tại LHP Cannes vừa rồi, Studio Ghibli cũng được trao giải “Thành tựu trọn đời”, một hạng mục giải thưởng có tính tri ân và thường trao cho cá nhân, lần này LHP hàng đầu này phá lệ trao cho một hãng phim hoạt hình đến từ Nhật Bản - một studio “linh hồn” của thế giới điện ảnh hoạt hình 4 thập niên qua. Dĩ nhiên cụ Hayao Miyazaki cũng không xuất hiện, như đã không xuất hiện trong lễ trao giải Oscar mới đây. Tầm này thì Oscar và Cannes phải “mượn danh” cụ để khẳng định đẳng cấp chứ cụ thì cần gì ba cái giải thưởng này nữa?

Thời gian đó cụ chơi với mèo có phải sướng hơn không?

Lâm Lê | Báo Văn nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nét tương đồng thú vị giữa nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc Tìm nguồn thu và xác lập lại việc đầu tư cho văn học nghệ thuật Hiểu thêm về Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp 20 tác phẩm nghệ thuật về thể thao Olympic vĩ đại nhất mọi thời đại Nhà nghiên cứu mỹ thuật Shireen Narizee với nghệ thuật đương đại Việt Nam
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".