![]() |
Nông dân áp dụng hệ thống nuôi thủy sản thông minh mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Ảnh: Trang Công nghệ thủy sản. |
Từ mô hình nuôi trồng thông minh, bán hàng qua mạng xã hội, đến việc truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử và hỗ trợ chính sách - mọi mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần được số hóa, mở ra một “nông thôn số” năng động, sáng tạo và đầy triển vọng.
Mô hình nuôi trồng thủy sản thông minh của ông Bùi Đức Thịnh (Gia Viễn) là minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có thể tạo ra những đột phá lớn. Từ chỗ nuôi cá theo cách truyền thống chỉ đạt 3 tấn/năm, sau khi áp dụng hệ thống điều khiển từ xa và các thiết bị thông minh, sản lượng đã vọt lên 80 tấn cá mỗi năm. Mức thu nhập hơn 3,6 tỷ đồng/năm, với lãi ròng khoảng 500-600 triệu đồng, đưa ông Thịnh trở thành một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. Ông không chỉ ứng dụng công nghệ mà còn chủ động thay đổi tư duy sản xuất, từ mô hình đơn lẻ sang mô hình tuần hoàn, bền vững và hiệu quả cao.
Không riêng gì ông Thịnh, nhiều nông dân và doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực khai thác các nền tảng số để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Chị Tống Thị Thủy - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú (Kim Sơn) - cho biết: sản phẩm Cơm cháy Cung Đình của công ty hiện tiêu thụ mạnh nhất thông qua Facebook và Zalo, chiếm đến 70% doanh thu. So với phương thức truyền thống, bán hàng trực tuyến giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí mặt bằng và nhân sự, đồng thời linh hoạt trong cách tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chị Thủy cũng thẳng thắn thừa nhận: thương mại điện tử đòi hỏi sự cam kết cao về uy tín, đặc biệt trong việc duy trì chất lượng và minh bạch thông tin sản phẩm. “Khách hàng không nhìn thấy trực tiếp sản phẩm, nên nếu mình không trung thực, họ sẽ không quay lại”, chị nói.
Bên cạnh các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cũng đã bước vào sân chơi công nghệ. HTX Mật ong núi đá Xích Thổ (Nho Quan), dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để chiết xuất mật ong, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nam cho biết: sản phẩm hiện không chỉ bán tại chợ hay hội chợ, mà còn được tiêu thụ mạnh qua TikTok, Zalo, Facebook… với lượng mật ong bán qua kênh trực tuyến chiếm tới 60-70% sản lượng mỗi năm. HTX cũng đang xây dựng hồ sơ để đạt chuẩn OCOP, hướng đến một thương hiệu nông sản có giá trị và truy xuất minh bạch.
Để hỗ trợ quá trình này, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Kế hoạch số 142/KH-UBND (ngày 31/8/2021) nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, trong đó chú trọng tạo điều kiện để doanh nghiệp làm chủ công nghệ, xây dựng mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.
Cùng với đó, Kế hoạch số 150/KH-UBND (ngày 24/9/2021) tập trung hỗ trợ các hộ nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các địa phương để quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, và triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho người dân nông thôn.
Tính riêng năm 2024, đã có 1.085 sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn; 22.877 giao dịch thành công với tổng doanh thu đạt 3,62 tỷ đồng. Những con số này cho thấy tiềm năng lớn nếu các mô hình được nhân rộng, nâng chất và kết nối bài bản hơn.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 244 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%, doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%, và khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ứng dụng các nền tảng số theo danh mục của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đã đạt 11,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 10,54% - một con số ấn tượng cho một tỉnh nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, khi nông dân và HTX không chỉ trồng lúa, nuôi cá, làm mật… mà còn biết vận hành gian hàng trực tuyến, phân tích dữ liệu người dùng, quản lý vận đơn, livestream giới thiệu sản phẩm, thì nông nghiệp truyền thống đã thực sự chuyển mình. Và nếu được tiếp sức đúng lúc - từ hạ tầng mạng, đào tạo nhân lực, chính sách tín dụng và thương mại - “nông thôn số” không chỉ là khẩu hiệu mà sẽ trở thành một không gian sáng tạo, nơi hình thành những doanh nghiệp số, nông dân số, HTX số, tạo nguồn lực bền vững cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Kinh tế số trong nông nghiệp không còn là tương lai xa, mà đang hiện hữu trong từng ao cá, từng chai mật ong, từng gói cơm cháy. Điều quan trọng là tạo môi trường thuận lợi để nông dân, HTX và doanh nghiệp nông thôn tiếp tục bước đi, không đơn độc, mà có sự đồng hành của chính quyền, cộng đồng và công nghệ. Nông thôn Ninh Bình vì vậy không chỉ “xanh” về cảnh quan, “giàu” về sản phẩm mà còn “thông minh” và “số hóa” để bước vào kỷ nguyên mới.