Càng khám phá địa đạo, càng hiểu thêm bất cứ kẻ thù nào dù vũ khí tối tân, hiện đại tới đâu cũng không thể khuất phục được ý chí và sức mạnh của những người dân yêu nước, thương nhà.
|
Chúng tôi về thăm lại địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Lĩnh, tỉnh Quảng Trị) trong một buổi sáng tháng tư.
“Trời vẫn xanh màu xanh Quảng Trị” nhưng không còn cảnh “bom gầm, đạn xối” của một buổi sáng như sáng nay cách đây bốn thập kỷ trước. Đâu chỉ có trời xanh, cả xứ sở Vĩnh Thạch đang bừng lên sức sống mãnh liệt được đang kín bằng màu xanh của những cánh rừng cao su bạt ngàn, những vườn hồ tiêu chi chít quả, những ruộng khoai môn xòe lá quạt ngọn gió khô ràn rạt trên đồi đất đỏ ba gian.
Nằm bên địa đạo Vịnh Mốc, biển xanh trùng trùng sóng vỗ, nắng càng nồng càng đượm khóm tre, khóm trúc càng ánh lên màu xanh nuột nà.
Trung úy Phạm Đình Sáu, vừa dịch chiếc ghế mời tôi ngồi hóng mát, nhâm nhi ly cà phê sữa ngay tại quán dịch vụ giải khát ở khu vực địa đạo, bất ngờ một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi cao gầy, hoạt bát đon đả chào khách.
Sáu giới thiệu: “Bác này hiện làm trưởng thôn Vịnh Mốc đấy”.
Không bỏ lỡ cơ hội tôi tranh thủ bắt chuyện: “Thế bác có biết ai người bổ nhát cuốc đầu tiên ở địa đạo Vịnh Mốc không”. Ông trưởng thôn buông một câu tỉnh queo: “Nhiều người đào lắm tui cũng lớp hậu sinh mần răng biết được. Đây là công trình tập thể của cả làng chiến đấu này mà..”. Dường như không để tôi thất vọng, ông trưởng thôn Vịnh Mốc lại hồ hởi: “Nếu như những nhân chứng lịch sử kể lại với tui địa đạo này được khởi công vào khoảng trung tuần tháng 6 năm 1965, có bốn người tham gia bổ nhát cuốc đầu tiên là ông Hồ Văn Xuyên, Lê Hồng Trí, Hồ Dơi và ông Ngô Trạn..”.
Những dòng sự kiện giống như cổ tích huyền thoại được chảy theo mạch tự sự của ông Trước khi giặc Mỹ chưa ném bom bắn phá Miền Bắc, đồng chí Trần Nam Trung cán bộ cao cấp từ trung ương cục miền Nam trên đường ra Bắc công tác, đã đến thăm làng chiến đấu xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh). Sau khi quan sát địa hình và tìm hiểu về yếu tố địa chất, ồng chí đã gợi ý “Vĩnh Linh muốn đánh thắng giặc Mỹ, muốn hạn chế tổn thất người và của phải đào địa đạo như Củ Chi mà nhân dân Nam Bộ đã làm”. Ý tưởng đó đã trở thành “hoa tiêu” thành niềm tin, thành sức mạnh cho nhân dân “Vĩnh Linh lũy thép”. Thế là đất Quảng Trị mênh mông, hầm hào Vĩnh Linh “như lũy, như thành” được mọc lên từ đấy, địa đạo Vịnh Mốc được sinh thành từ đấy.
Thuở ấy không có bất cứ một phương tiện cơ giới nào, chỉ sử dụng ven, choòng, cuốc chim, xà beng, gồng gánh và sức người, họ đã dám “khai phá lòng đất”. Bắt đầu của một ngày làm việc bằng trái tim nhiệt tình, quả cảm. Mọi người đào trong tiếng máy bay giặc Mỹ gầm rú. Ai cũng tự rèn mình bằng ý thức đề cao cảnh giác, bởi chỉ cần sơ suất một tý để lộ mục tiêu là mọi kế hoạch bị ngưng trệ đổ vỡ. Công việc đầu tiên những người đào địa đạo Vịnh Mốc là phải làm hoàn thiện giếng thông hơi, sau đó tiến hành đào các đường hầm theo nhiều hướng.
Chẳng biết ai người thiết kế công trình địa đạo, nhưng từ một bản vẽ được phác thảo trên giấy, người dân chỉ ước lượng độ dài, độ sâu bằng đôi mắt cứ thế cần mẫn như con ong xây tổ để hành trình tới đích. Mỗi tốp đào từ 4 - 5 người. Từ những đường hầm ngang, đến những đường hầm dọc cứ 50 mét đào một giếng .. Tất cả các đường hầm đều giao nhau. Những người dân tham gia đào địa đạo ngày ấy bây giờ mỗi khi nhắc lại cho lớp hậu duệ họ cảm thấy điều kỳ diệu ấy như có sự độ trì của trời đất, bởi họ phải đối mặt với bóng tối, đối mặt với thiếu không khí nhiều lúc muốn ngạt thở, đối mặt với những cơn khát se môi khi mồ hôi chảy đầm đìa cơ thể.. Không chỉ có những lớp trẻ Vĩnh Linh bây giờ mà nhiều du khách khi tới đây vẫn nhớ lời tâm sự: “Đôi khi đào mãi quá độ dài cần thiết mà không giáp mặt nhau. Họ dùng cuốc xẻng thình thình đập vào bờ đất, lắng nghe tiếng dội âm u vẳng đến, đâu đó có thể là bên trái, bên phải dưới đất hoặc trên đầu… Trong bóng đêm âm thầm đất mẹ con người khao khát gặp nhau”.
Đúng 8 giờ 30 phút, tôi cùng trung úy Phạm Đình Sáu gia nhập trong tám người khách trong đó có hai cô gái trẻ và một chàng thanh niên Nga. Chưa bước vào hầm sâu, đứng ở ngoài hầu như khách nào cũng háo hức chụp ảnh và bấm máy lia lịa. Những dãy giao thông hào chạy dài trên mặt đất giờ đã hóa rêu phong, cỏ xanh lan dài tắm sương gội nắng. Chiếc giếng trời miệng hình tròn như nong phơi thóc (lỗ thông hơi) thành giếng được trùng tu gia cố bằng xi măng, trên miệng giếng che bằng lá cọ.. Cách giếng trời khoảng một trăm mét, dưới bóng một gốc cây cao đang vươn cành xanh lá hàng chục vỏ bom "khủng" đen ngòm được dựng lên, đủ phơi bày tội ác của giặc Mỹ trong chiến tranh hòng hủy diệt địa đạo Vịnh Mốc và xóa số vùng đất Vĩnh Linh nhưng không thể nào diệt nổi.
Chúng tôi theo chân anh Phan Trường Định hướng dẫn viên du lịch bước vào cửa số 3, dầu có những bóng đèn điện nhỏ như quả ớt được thắp trên các đường hầm địa đạo, nhưng hầu như ai cũng thấy bóng tối đang bủa vây mình. Sự bức bối ngột ngạt bắt đầu xuất hiện. Chính những giây phút được thử nghiệm sống trong lòng địa đạo, chúng tôi càng thầm phục sức mạnh vô biên, trái tim hừng hực lữa của những người dân Vịnh Mốc với 2000 ngày đêm bám trụ.
Chúng tôi dò dẫm từng bước một, đi đến đâu cũng được hướng dẫn viên du lịch thuyết minh từng chứng tích lịch sử. Điều bất ngờ khiến một số hành khách thốt lên kinh ngạc, khi bắt gặp một căn hầm có tấm biển ghi dòng chữ “Nhà hộ sinh” xuất hiện một cụm tượng (làm bằng thạch cao) hình ảnh người mẹ trẻ đang nằm nở nụ cười mãn nguyện nhìn đứa con mình vừa cất tiếng khóc chào đời đang được chị y tá ôm ấp, vuốt ve.
Anh Định nhắc lại: “Hồi ấy dầu sống hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh nhưng kẻ thù không thể ngăn nổi tình cảm thiêng liêng vợ chồng. Càng yêu thương càng đánh Mỹ giỏi hơn, mạnh hơn. Trong 2000 ngày đêm lịch sử đã có 17 trẻ ra đời. Những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, thông minh ngày ấy bây giờ có người đã thành ông, thành bà, thành cán bộ, thành nông dân sản xuất giỏi...”.
Nhiều cựu chiến binh Mỹ đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, họ đã dày công để tìm cho bằng được những em bé sinh ra trong địa đạo này rồi bật khóc nói: “Chúng tôi thật có lỗi với bạn. Chúng tôi hiểu sâu sắc về quyền sống quyền được làm người của các bạn vì lẽ đó chiến thắng thuộc về phía các bạn”.
Càng đi sâu vào lòng địa đạo, chúng tôi càng hiểu thêm nguyên gốc của hệ thống phòng thủ quy mô lớn này, nó gồm ba địa đạo chính: địa đạo của đồn biên phòng 140, địa đạo của quân dân Vịnh Mốc, địa đạo của quân dân Sơn Hạ. Trước yêu cầu khẩn thiết, nhằm tạo nên một sức mạnh đồng hành trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ba địa đạo này được nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn khép kín. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701 mét với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển. Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho từ 2 người - 4 người sinh hoạt, toàn bộ đường hầm được chia làm ba tầng nối thông nhau qua trục chính dài 780 mét. Trong đường hầm có hội trường (đủ chứa cho 60 người) tham gia hội họp, xem phim, có vị trí đặt bản tin, có trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại.
Với 2000 ngày và đêm, mỗi con người trong lòng đất đã được hun đúc ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ trong địa đạo sáng lên lòng nhân nghĩa thủy chung tuyệt vời. Khi một người bị thương được cấp cứu và băng bó ngay, một người bị đau hay bị sốt cả tập thể đều cưu mang, lo lắng... Trong hầm sâu, tờ báo Đảng vẫn đến với mọi người. Trong hầm sâu vẫn diễn ra những đêm liên hoan văn nghệ đầy náo nức, tiếng hát “át tiếng bom”. Trong hầm sâu các cuộc họp chi bộ, các tổ chức chính trị vẫn diễn ra đều đặn. Mọi chiến lược, kế hoạch đều được bàn bạc, thống nhất, triển khai hành động. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là mái nhà thiêng che chở bảo toàn mạng sống cho người dân Vịnh Mốc, còn giúp họ kề vai sát cánh với đảo Cồn Cỏ tiền tiêu. Nhắc đến Cồn Cỏ anh hùng, không thể không nhắc tới địa đạo Vịnh Mốc anh hùng. Địa đạo Vịnh Mốc chính là nơi vận chuyển, tập kết lương thực, vũ khí, cấp cứu thương binh. Bất chấp những con sóng bạc đầu dữ dằn khi biển gặp thời tiết xấu, bất chấp bom ném trước mặt, đạn bắn sau lưng, hàng trăm chiếc thuyền vận tải cảm tử đầy ắp hàng từ Vịnh Mốc đã đến kịp thời với các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.
|
Chị Lê Thị Tố Hoài trưởng ban quản lý khu di tích địa đạo Vịnh Mốc vui vẻ tâm sự với chúng tôi “Đã nhiều năm nay dầu mưa hay nắng cứ mỗi sáng mở cửa, lại thấy du khách đến tham quan. Trung bình mỗi năm có khoảng 60 - 80 ngàn lượt khách. Từ ra tết đến nay có ngày lượng du khách lên tới 1500 người”. Theo chị Hoài hiểu, sở dĩ khách du lịch tăng đột biến như vậy vì địa đạo Vịnh Mốc vừa được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, hơn nữa gần tới ngày 30/4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Không chỉ có người dân Việt Nam và bao nhiêu người khác trên hành tinh này yêu chuộng hòa bình tự do, yêu chuộng công lý, lại háo hức tìm đến những địa chỉ đỏ, tìm đến cội nguồn chiến thắng như địa đạo Vịnh Mốc này.
Chị Hoài cho biết: “Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc được khai trương đón khách từ năm 1983 nhưng mãi đến năm 1996 nhà nước mới chính thức có dự án trùng tu đợt một. Dự án ban đầu đã tạo ra một bước “đột phá” nâng cấp cảnh quan địa đạo bằng phủ kín cây xanh toàn khu vực, gia cố lại các cánh cửa ở các đường hầm. Hiện nay đang tiếp tục triển khai dự án nâng cấp khu di tích địa đạo đợt 2. Với kế hoạch xây dựng lại nhà bảo tàng trưng bày hiện vật di tích lịch sử, quy hoạch diện tích mặt bằng triển khai bãi đậu xe. Mở một số dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của khách. Hy vọng 5 năm nữa, những nội dung này sẽ biến thành hiện thực.
Lo xa cho tương lai, còn hôm nay địa đạo Vịnh Mốc vẫn tạo được sự thiện cảm lớn bởi môi trường xanh - sạch - đẹp, bởi cán bộ khu du tích làm việc hết mình, bởi người dân Vịnh Mốc giàu lòng tự trọng, lịch sự, hiếu khách. Điều kỳ điệu nhất đến với địa đạo này người ta cắt nghĩa được:
“Nơi hầm tối chính là nơi sáng nhất.
Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam” ( Dương Hương Ly)
Văn nghệ số 17+18/2015