Văn hóa nghệ thuật

Bùi Thạc Chuyên: “Tôi thích những câu chuyện có tính thử thách giới hạn con người, chiến tranh thể hiện điều đó rõ nhất”

Dương Dương
Điện ảnh 08:00 | 02/05/2025
Baovannghe.vn - 20 năm sau ngày “Sống trong sợ hãi” thắng Giải thưởng lớn tại LHP Châu Á Thái Bình Dương, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt thêm một tác phẩm về chủ đề chiến tranh, đó là “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất.
aa

Bền bỉ nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác vô tận về cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam, nhà làm phim lật mở những câu chuyện nguyên sơ nhất bên dưới những đường hầm địa đạo Củ Chi.

PV: Mang ‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’ ra rạp, anh trăn trở những điều gì?

Bùi Thạc Chuyên: “Tôi thích những câu chuyện có tính thử thách giới hạn con người, chiến tranh thể hiện điều đó rõ nhất”
Đạo diễn Bùi Thạch Chuyên

Bùi Thạc Chuyên: Quá trình hậu kỳ của phim, nhiều người nhận xét phim nặng quá. Thú thật, tôi lo cách phim tiếp cận lịch sử có phần khó xem với khán giả đại chúng. Đã có những sự thỏa hiệp nhất định, tôi cố gắng đẩy nhịp phim nhanh hơn nhưng tự thấy không ổn về mặt cảm thụ. Phim chiến tranh không nặng làm sao được? Đây không đơn thuần là một sản phẩm giải trí.

Nếu khán giả có thể tìm hiểu về bối cảnh có thật trong lịch sử của câu chuyện phim thì khi xem, họ sẽ hiểu hơn. Nhưng tôi cũng khó đòi hỏi việc này. Tôi nghĩ qua một phần ba thời lượng đầu tiên, khi phim vào mạch truyện chính, kịch bản có nhiều hành động, tình huống hơn, mọi người sẽ dễ theo dõi hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng khá phấn khởi vì qua một đợt khảo sát, một bộ phận GenZ rất thích phim. Hy vọng các bạn học sinh, sinh viên sẽ đón nhận tác phẩm này.

PV: Với bằng ấy nỗi lo cá nhân và nhận xét của các nhà đầu tư, nhà sản xuất như vậy, anh đã cân đối ngôn ngữ điện ảnh riêng với xu thế của thị trường như thế nào trong bản phim phát hành thương mại của ‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’?

Bùi Thạc Chuyên: Tôi đã cố gắng dựng một bản phim thương mại phát hành tại rạp với nhiều tình tiết về tình yêu. Tuy nhiên, yếu tố này được làm vừa phải thôi. Tôi cho rằng chiến tranh có nhiều thứ để thể hiện tình yêu hay hơn cả nói thành lời, chẳng hạn như nhân vật sẵn sàng chết, vượt qua đám phục kích để gặp người mình yêu, ôm một cái rồi vĩnh biệt. Với tôi, đó đã là yêu nhau lắm rồi. Nếu có nhiều tuyến truyện về con người quá, phim sẽ rối.

Tôi còn một bản dựng khác của Địa đạo, dự tính gửi tới các liên hoan phim. Trong đó, chuyện tình cảm giữa Tư Đạp (Quang Tuấn đóng) và Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) bị cắt hết, chỉ giữ lại những tương tác lạnh lùng giữa hai nhân vật. Bản phim đó hoàn toàn lạnh lùng đậm chất chiến tranh. Khán giả Việt Nam cần sự phát triển tình cảm từ tốn, có nắm tay, tâm sự. Còn khán giả quốc tế sẽ tiếp cận theo xu hướng khác, họ không thích sến đâu. Julie Beziau, người dựng phim của tôi, là người Pháp, hiểu rất rõ gu của công chúng phương Tây. Tôi nghĩ mỗi bản phim có sự thú vị riêng.

PV: Tác phẩm này được ra mắt sau 20 năm anh thực hiện phim ‘Sống trong sợ hãi’ về đề tài hậu chiến. Dường như, cuộc kháng chiến chống Mỹ cho anh nguồn cảm hứng sáng tác rất lớn. Vì sao vậy?

Bùi Thạc Chuyên: Xuất thân là diễn viên kịch, tôi thích những câu chuyện đặt ra giới hạn cho con người và chiến tranh thể hiện điều đó rõ nhất, đặt ra những giới hạn không thể tưởng tượng nổi, đẩy giới hạn con người lên rất cao. Dân tộc Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến. Riêng kháng chiến chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm, là cuộc chiến tranh dài nhất thế giới trong thế kỷ 20, hơn cả thế chiến. Cuộc chiến kết thúc cũng chưa lâu, cảm giác như vừa mới đây thôi. Phim chiến tranh là môi trường bộc lộ bản chất con người, xây dựng những khuất tất, đi tìm câu trả lờ cho những câu hỏi còn bị bỏ ngỏ. Củ Chi là một câu hỏi thú vị, độc đáo, đặc biệt của chiến tranh. Người làm phim chúng tôi vẫn mong cầu tìm được câu chuyện như vậy, mà tìm được rồi thì rất phấn khích.

PV: Theo thói quen nhiều năm, trước khi làm một phim truyện dài, anh thường thực hiện một phim tài liệu có đề tài tương tự. Với dự án lần này thì sao?

Bùi Thạc Chuyên: Tôi cũng làm một chuỗi phim gần như phim tài liệu, một phần nhỏ trong đó được đưa vào phần credit của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Các đoạn phim phỏng vấn những người du kích Củ Chi năm xưa được tôi bắt đầu ghi hình vào năm 2014. Mục đích của việc này không gì khác ngoài sưu tập dữ liệu.

Khoảng 10 năm, tôi vào miền Nam, xuống Củ Chi liên tục, tìm hiểu rất nhiều về địa đạo. Cứ có thời gian, tôi lại tới thăm nhà của anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực (nguyên mẫu của nhân vật Tư Đạp trong phim), bật máy quay lên và trò chuyện cùng chú, hỏi tới hỏi lui về đội du kích ngày xưa. Mỗi lần như vậy, tôi thu nhặt được rất nhiều thứ. Tôi phỏng vấn hơn 10 cô chú cựu chiến binh, có người khi ấy đã rất yếu, có người hiện giờ đã không còn. Hành trình đó cho tôi góc nhìn về chiến tranh và địa đạo Củ Chi qua lăng kính phim tài liệu. Và khi làm Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, tôi cũng chọn cách kể mang hơi hướng tài liệu.

PV: Khoảng 10 năm qua, phim chiến tranh Việt Nam không còn được sản xuất nhiều. Phim nhà nước quả thực còn ít được quan tâm, trong khi hãng tư nhân thì không đủ sức đầu tư, lại lo ngại nhiều bình phẩm, đánh giá của công chúng. Vậy điều gì cho anh động lực để đi đến cùng dự án này?

Bùi Thạc Chuyên: Tôi không nghĩ đề tài chiến tranh không thu hút khán giả, chủ yếu do cách kể chuyện của từng bộ phim. Nhưng rõ ràng, dòng phim này cần kinh phí rất lớn, ngân sách nhà nước không thể đủ. Nhà nước thường chi tiền làm phim theo gói một lúc mấy phim và chia đều từng phim. Kịch bản Địa đạo từng được nhà nước ngỏ ý đầu tư, nhưng số tiền được cung cấp chỉ bằng khoảng 30% dự tính của tôi, do đó tôi đành từ chối.

Tôi viết kịch bản năm 2014, sau hai năm thì xong. Có hai lần, tôi tính làm rồi đấy chứ, nhưng không làm được vì không tìm được nguồn tiền. Năm 2022, tôi thuyết phục được các nhà đầu tư thiên thần.

Ngoài ý nghĩa hướng tới 50 năm thống nhất đất nước, tôi nghĩ gọi vốn tư nhân thành công còn bởi Địa đạo có hướng đi phù hợp, đưa ra một mảnh ghép để lý giải hành trình đi tới chiến thắng của dân tộc. Trong phim, chúng ta chỉ thấy người Việt Nam chống lại giặc ngoại xâm và lịch sử đúng như vậy.

Phim Địa đạo nói về người dân, bởi đó là bản chất, là biểu tượng của chiến tranh du kích. Các nhà đầu tư nhận thấy đây là một dự án chính xác cho một ngày lễ kỷ niệm. Bộ phim cần có tính khiêm nhường, chừng mực, chủ yếu nói về những con người hy sinh thầm lặng.

PV: Với thực trạng khó khăn của làm phim chiến tranh, khi bắt tay vào dự án này, anh đau đầu vì những vấn đề gì?

Bùi Thạc Chuyên: Đau đầu nhất là Việt Nam ít làm phim chiến tranh quá, không có được ekip làm phim chiến tranh trọn vẹn, không có ai làm hiệu ứng đặc biệt một cách đúng nghĩa. Ngày xưa thì có một anh làm hiệu ứng phim trường giỏi lắm, nhưng anh đã mất sau một tai nạn. Chúng tôi đã mời về các chuyên gia nước ngoài để làm hiệu ứng kỹ xảo, hóa trang, âm thanh.

Địa đạo có những vụ nổ chỉ cách máy quay 1,5m, ngay sau lưng diễn viên nhưng mọi thứ được tính toán an toàn. Sắp xếp, chỉ đạo 8 chiếc xe tăng trong cùng một cảnh quay không đơn giản. Người lái xe tăng cũng không phải diễn viên, mới đầu họ chưa thể bắt nhịp với cách làm việc của một đoàn phim. Nhưng được cái, người Việt Nam học rất nhanh, nói một, hai lần là hiểu ngay.

Cũng có nhiều sự cố, ví dụ như đứt dây micro bộ đàm, người trong xe tăng không nghe được chỉ đạo của tôi. Có lúc hô xe tăng tiến mà 8 xe thì chỉ có 5 xe lăn bánh, ba xe còn lại đứng im (cười). Mỗi lần sắp xếp, dàn cảnh lại cũng đâu có dễ. Cả chiếc xe 52 tấn muốn tiến muốn lùi rất mất thời gian, chưa kể xe đi trên bùn lầy. Ngoài trời 40 độ C nhưng xe tăng phải nóng đến 79-80 độ C. Các diễn viên ngoại quốc đóng lĩnh Mỹ ngồi trong xe muốn bỏng rát.

Điều khiển tàu thuyền trên sông càng khó khăn. Tàu to đùng, không phải muốn lùi là lùi. Lỡ tàu đi không đúng hướng hoặc gặp sự cố gì, dàn dựng lại cảnh quay khó kinh khủng. Thông thường, mỗi cảnh chỉ được quay một, hai đúp. Bộ Quốc phòng cho đoàn phim mượn xe tăng và tàu thuyền trong hơn 10 ngày, nhưng chúng tôi cũng phải hoạt động hết công suất mới hoàn thành hết các cảnh phim.

PV: Nhiều phim chiến tranh của điện ảnh Đông Á khắc họa tập trung một nhân vật trung tâm để ca ngợi chủ nghĩa anh hùng. Đó cũng là cách xây dựng kịch bản thường thấy ở phim thương mại để dễ tiếp cận khán giả. Tại sao với ‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’, anh chọn ‘nhân vật’ trọng tâm là địa đạo thay vì một con người?

Bùi Thạc Chuyên: Vì địa đạo quá độc đáo, không nhân vật nào đủ mạnh bằng địa đạo. Địa đạo gần như chiếm hết suy nghĩ của mọi người: từng vị trí trong địa đạo tương đương chỗ nào trên mặt đất, cấu tạo địa đạo như thế nào, du kích trong địa đạo chiến đấu với kẻ thù ra sao... Câu chuyện chung của phim là câu chuyện của 21 thành viên đội du kích Bình An Đông bám trụ Củ Chi trong gần một tháng khói lửa. Tôi muốn tập trung vào câu chuyện này hơn là các xung đột.

Cấu trúc phim của Địa đạo không phải A chống lại B để giành phần thưởng, cũng không đi theo lối phim điệp vụ, mà là dạng phim thảm họa. Thảm họa ở đây là chiến tranh, là người Mỹ tàn phá và những người du kích cùng trải qua thảm họa, cùng hoàn thành nhiệm vụ dưới sự dẫn dắt của một người.

Bản chất của chiến tranh du kích là cuộc chiến của nhân dân. Nhân dân là những người vô danh. Nếu tôn vinh một người nào đó thì sai tinh thần mất rồi. Đó là lý do tôi dàn trải câu chuyện cho các nhân vật. Dù là vai chính, Bảy Theo cũng chết một cách lặng lẽ. Các cô chú cựu chiến binh cũng kể thời chiến, nhiều người hy sinh rất thầm lặng, thậm chí không có bia mộ.

Cũng có người thắc mắc tại sao phim không có bóng dáng tướng lĩnh của Mỹ. nếu đưa các nhân vật đó vào, cấu trúc phim sẽ thay đổi. Mỹ mạnh quá, làm sao mình đánh nổi. Du kích ta chỉ cần tồn tại thôi là thắng rồi. Khẩu quyết của chiến tranh du kích là địch tiến thì ta lùi, địch dừng thì ta quấy phá, địch lùi thì ta đánh. Trong cuộc đối thoại với đám lính Mỹ, nhân vật chú Sáu có nói mấy câu rất hay: “Bọn tao chia thành lực lượng nhỏ. Đánh bao lâu, đánh như thế nào là do bọn tao quyết định. Đánh bao lâu cũng được”.

Tôi làm Địa đạo không phải để người xem khóc. Khóc lóc là một cách giải tỏa. Khóc xong, người ta thấy thoải mái và dễ quên. Tôi thì không muốn vậy, tôi muốn người xem nhớ đến bộ phim dù đã xem xong. Cảm giác muốn khóc mà khóc không nổi sẽ làm người ta bức bối và nhớ đến tác phẩm lâu hơn.

PV: Một trong những thành công của bộ phim này là dàn diễn viên sống với nhân vật, lăn xả với bộ phim. Anh tìm ra họ như thế nào?

Bùi Thạc Chuyên: Họ làm được vậy vì họ không đặt nặng lợi ích cá nhân. Họ hiểu vai trò của mình nên mới có thể tận hiến. Giống như những con người trong địa đạo, bộ phim này không có chủ nghĩa cá nhân, mỗi người đều có sứ mệnh. Chỉ có những người vai trò lớn hơn thì đảm nhận nhiệm vụ cao hơn. Đó là lý do ở credit, tôi không cho hiện tên từng người, mà để tên của dàn diễn viên xuất hiện chung.

Nhân vật nào của Địa đạo cũng khó tìm diễn viên hết. Thái Hòa ban đầu tưởng đâu không thể tham gia vì bận phim khác. May sao sau này, lịch quay của Địa đạo có thể điều chỉnh, Thái Hòa nhận lời chúng tôi. Đúng là một cái duyên!

Hơn hai tháng tập quân sự, dàn diễn viên nếm trải vất vả. Có những bạn nữ đuối sức, vừa tập vừa khóc nhưng về sau ai cũng cứng rắn lên. Sinh hoạt tập thể, họ gắn kết, yêu thương nhau. Đến giờ, họ vẫn rất thân nhau, gọi nhau bằng tên nhân vật. Họ là từng mảnh ghép tạo nên bức tranh tổng thể. Có 1 vài bạn mới nên hơi yếu nhưng cũng cho mình rất nhiều bài học về casting.

PV: Anh từng chia sẻ phim ‘Tro tàn rực rỡ’ được làm trong 10 năm, phim này cũng vậy. Anh phân chia bản thân thế nào để chăm chút cùng lúc cho dự án?

Bùi Thạc Chuyên: Tôi viết kịch bản Địa đạo năm 2014, hai năm sau thì viết Tro tàn rực rỡ. Viết phim này, tôi quên phim kia và khi quay trở lại với mỗi dự án, mọi thứ lại được làm mới. Có nhiều phim lúc đầu tôi rất hào hứng nhưng sau đó nhanh chán nên tôi quyết định từ bỏ. Riêng hai phim này tôi giữ được cảm hứng qua nhiều năm.

PV: Nối tiếp ‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’, anh đang có hứng thú với đề tài gì?

Bùi Thạc Chuyên: Tôi chưa chắc chắn lắm. Tôi cũng có ý định làm phim truyện về Covid-19, tôi có nhiều dữ liệu khi làm series phim tài liệu Không sợ hãi, nhưng chính vì từng tiếp xúc trực tiếp với những người trong lòng tâm dịch, tôi sợ mình không còn nhiều sự khách quan, tôi cần có độ lùi để tỉnh táo.

Bùi Thạc Chuyên: “Tôi thích những câu chuyện có tính thử thách giới hạn con người, chiến tranh thể hiện điều đó rõ nhất”
Hình ảnh trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
NXB Giáo dục Việt Nam lý giải về lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh

NXB Giáo dục Việt Nam lý giải về lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh

Trước một số thông tin gần đây liên quan đến lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), đơn vị này đã chính thức lên tiếng nhằm làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm.
"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

Baovannghe.vn - Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 khép lại khi đạo diễn người Iran Jafar Panahi được trao Cành cọ vàng cho bộ phim “It Was Just an Accident”. Đây cũng là chiến thắng Cành cọ vàng thứ sáu liên tiếp của nhà phát hành Neo.
"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

Baovannghe.vn - Nhà phân phối 3388 Films cho biết Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, sẽ được chiếu ở 12 rạp trên thế giới, hứa hẹn mang về doanh thu kỷ lục.
Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Baovannghe.vn - Sáng 25/5, thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với lực lượng chức năng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành xác minh vụ việc ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) nghi vấn bị du khách xâm hại
Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành văn bản số 2258/BVHTTDL-VHCSGĐTV, yêu cầu triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường số.