Chuyên đề

Pablo Casals – Người tạo ra chuẩn mực mới về cello

Câu chuyện văn hoá
11:35 | 26/05/2024
Với tư cách là nghệ sĩ cello độc tấu hiện đại đầu tiên, Pablo Casals đã tạo ra một chuẩn mực mới về cây đàn cello và các tiết mục của nó khi phòng hòa nhạc vẫn thường được coi là nơi độc quyền dành cho piano và violin.
aa

Với tư cách là nghệ sĩ cello độc tấu hiện đại đầu tiên, Pablo Casals đã tạo ra một chuẩn mực mới về cây đàn cello và các tiết mục của nó khi phòng hòa nhạc vẫn thường được coi là nơi độc quyền dành cho piano và violin.

Một khởi đầu chật vật

Pau Casals i Defilló, thường được biết đến dưới cái tên tiếng Anh Pablo sinh ngày 29/12/1876 ở El Vendrell, một ngôi làng cách Barcelona 70km. Charles, nghệ sĩ chơi đàn organ, piano và dạy hát trong nhà thờ ở El Vendrell, đã chậm trễ hai ngày trong việc khai sinh con trai mình với nhà thờ dẫn đến việc ngày sinh trong các giấy tờ của Casals sau này đều ghi là 31/12/1876. Chính ông là người đã dạy Pablo những bài học âm nhạc đầu tiên. Mẹ cậu, bà Pilar là một người Puerto Rico, có ảnh hưởng rất lớn đến con trai mình, đã truyền cho Pablo tính tự lập, nhân văn, niềm kiêu hãnh và không cúi đầu trước bạo lực. Bốn tuổi, cậu đã được học chơi piano, violin và flute, Lên năm tuổi, Pablo làm quen với organ và bắt đầu hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ.

Nhạc cụ gắn bó nhất với tuổi thơ của Pablo là violin. Năm 8 tuổi, cậu có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của mình. Tuy nhiên, Pablo đã bị bạn bè chế giễu là “nghệ sĩ mù” vì thói quen chơi đàn nhắm mắt. Xấu hổ, cậu đã tìm kiếm một nhạc cụ khác. Ở một mức độ nào đó, sự chòng ghẹo của những đứa trẻ làng El Vendrell đã làm thay đổi âm nhạc thế giới.

“Trong tâm trí tôi, cái tên vĩ đại nhất trong lịch sử cello là Pablo Casals”.

(Mstislav Rostropovich)

Năm 1887, Trung tâm Công giáo Vendrell đã tài trợ cho một số buổi biểu diễn hòa nhạc. Trong chương trình có sự xuất hiện của nghệ sĩ cello Jose Garcia đến từ Barcelona. Pablo, lúc này mới 10 tuổi, đã bị âm thanh tuyệt vời của cây đàn cello mê hoặc. Cậu nói với ông Charles: “Cha ơi, cha có thấy cây đàn đó không? Đó là nhạc cụ mà con muốn chơi”. Ngay trong tuần đó, Charles đã mua cho con trai mình một cây cello và dạy cậu những bài học đầu tiên. Năm 1888, bà Pilar đưa Pablo lên Barcelona và ghi danh cho cậu học tại Municipal School, dưới sự dìu dắt của chính Garcia. Ngoài ra cậu theo học đối âm và piano tại đây. Sau ba năm dạy Pablo, Garcia đã hào hứng khoe với bạn bè rằng cậu bé giờ đã chơi cello hay hơn cả mình. Để tích lũy kinh nghiệm biểu diễn cũng như hỗ trợ cho gia đình, Pablo đã chơi đàn tại các quán cà phê ở Barcelona. Năm 1890, trong một lần ông Charles lên Barcelona, hai cha con đã tới một cửa hàng âm nhạc và tại đây, Pablo đã tìm thấy tổng phổ các cello sonata của Ludwig van Beethoven và đặc biệt hơn, ẩn sâu dưới đống bản nhạc cũ, là ấn bản 6 tổ khúc cello của Johann Sebastian Bach. Casals sau này nhớ lại, ngay khi nhìn thấy tập tổng phổ này ông ngay lập tức nảy sinh cảm giác thần bí và một sức hút mãnh liệt. Sau đó, Pablo không làm gì khác ngoài việc nghiền ngẫm và tập luyện chúng trong 12 năm trước khi biểu diễn công khai tới khán giả: “Trong 12 năm tôi học và luyện tập hằng ngày với chúng và khi gần 25 tuổi tôi mới đủ can đảm để chơi một số trong đó trước công chúng”.

15 tuổi, Pablo đã cách tân nghệ thuật biểu diễn của mình bằng việc thoát khỏi tất cả những quy ước không cần thiết và sự cứng nhắc của phong cách biểu diễn thời bấy giờ. Trong khi các học sinh đều được yêu cầu chơi đàn với cánh tay phải cứng, thậm chí phải kẹp một cuốn sách dưới nách khi luyện tập, thì Pablo ủng hộ sự tự do di chuyển hoàn toàn của cánh tay phải, kể cả khuỷu tay để toàn bộ kỹ thuật cầm vĩ trở nên mạnh mẽ và dễ dàng hơn. Anh cũng sửa đổi phương pháp bấm ngón truyền thống bên tay trái để tìm kiếm những thế tay tự nhiên hơn.

Pablo Casals thu âm trọn vẹn sáu tổ khúc cello của J. S. Bach. Nguồn: EMI Classic.

Đến thời điểm đó, Pablo không có thầy dạy cello nào khác ngoài cha mình, Garcia và chính anh. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục học sáng tác và hòa tấu thính phòng. Isaac Albéniz, người đã từng rất ấn tượng khi thưởng thức tài năng của Pablo tại một quán cà phê đã kết bạn với anh và khuyên gia đình nên cho Pablo tiếp tục theo học cello tại London. Garcia chắc chắn rằng ở Madrid sẽ có người quan tâm đến tài năng của Pablo và giúp cậu có được học bổng du học. Ông viết thư giới thiệu cậu tới bá tước Murphy, thư ký riêng của vua Alfonso XII và hoàng hậu nhiếp chính Maria Christina. Murphy ngay lập tức yêu quý Pablo, sắp xếp để Pablo biểu diễn tại Royal Palace và tiếp tục theo học tại Nhạc viện Madrid. Pablo theo học đối âm với Tomas Breton và hòa tấu thính phòng cùng Giám đốc Nhạc viện, nghệ sĩ violin Jesus de Monasterio. Pablo đã dành tặng hoàng hậu Maria bản tứ tấu đàn dây mới sáng tác của mình và được hoàng hậu trả lương 250 peseta/1 tháng. Sau đó, Murphy đã bố trí một khoản học bổng để anh theo học sáng tác tại Madrid và sau đó là Brussels. Ngoài ra, Murphy còn tự mình dạy Pablo về những ngành nghệ thuật khác, triết học và toán học. Bá tước là người có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của chàng trai trẻ, ông như “người cha thứ hai” của Pablo và họ giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau cho đến khi bá tước qua đời vào năm 1900.

Cùng với bà Pilar tới Brussels, nơi đang là một trong những trung tâm đào tạo đàn dây tốt nhất châu Âu với truyền thống tốt đẹp được Henri Vieuxtemps tạo dựng. Pablo được đưa tới gặp Eduard Jacobs, giáo sư cello của nhạc viện. Jacobs tiếp chàng trai trẻ với vẻ chế giễu và thô lỗ, đùa bỡn hỏi anh có thể chơi tác phẩm này, tác phẩm kia hay không và rồi thách thức Pablo có thể chơi Souvenir de Spa của Adrien-François Servais, một tác phẩm đòi hỏi rất lớn về mặt kỹ thuật? Pablo rất tức giận nhưng đã chơi đàn một cách hết sức thuyết phục khiến Jacobs và những học trò của ông ngỡ ngàng. Ngay sau đó, ông vội vàng xin lỗi cậu bé và thuyết phục Pablo theo học với mình. Tuy nhiên, Pablo, cảm thấy bị xúc phạm đã kiên quyết từ chối. Anh rời Brussels tới Paris vào ngay ngày hôm sau. Biết được việc Pablo không theo học tại nhạc viện Brussel, hoàng hậu Maria cho rằng Pablo đã cố chấp, bỏ qua cơ hội nghìn vàng của mình. Bà đã ngừng khoản trợ cấp cho anh.

Ở tuổi 19, Casals, bà Pilar cùng đứa em nhỏ tuổi mới sinh cố gắng bám trụ tại Paris. Để có thể trang trải cuộc sống, Pilar đã phải đem bán mái tóc dài của mình. Bà mở một cửa hàng may vá và ông Charles gửi tất cả những đồng tiền có thể để hỗ trợ ba mẹ con. Casals đã thốt lên: “Ôi! Sự đau khổ và cách tuyệt vời của mẹ tôi đã làm lúc đó. Bà là một nữ anh hùng”! Casals kiếm được công việc chơi trong bè cello hai tại Folies Marigny, một nhà hát tạp kỹ. Vì nơi đó quá xa chỗ ở của anh, không có tiền đi xe, anh phải cuốc bộ nhiều giờ liền mới tới được chỗ làm để đổi lại vài franc/1 ngày. Vì căng thẳng, vất vả quá độ và thiếu dinh dưỡng, Casals đã bị ốm. Nhận ra rằng rất khó để bám trụ lại Paris, cả nhà đã quyết định trở về Barcelona nắng ấm. Tại quê nhà, Casals trở thành thầy giáo tại Municipal School, thay thế cho chính Garcia chuyển đến Buenos Aires. Anh trở nên bận rộn hơn, là nghệ sĩ cello số một của Barcelona Opera Orchestra và có một nhóm tứ tấu của riêng mình. Anh đến biểu diễn tại Madrid, giảng hòa với hoàng hậu Maria, người đã tặng anh một sapphire, được Casals gắn lên cây vĩ của mình.

Không thể đong đếm những gì mà Casals đem lại cho nghệ thuật trình diễn cello. Ông đã định hình lại và vạch ra những kỹ thuật về cầm vĩ và các thế tay bấm phím mới, mang lại sự thuận lợi nhất cho người chơi, điều đã không được thực hiện một cách có hệ thống trong thế kỷ 19.

Đem tiêu chuẩn mới cho cello

Trình độ chơi đàn và danh tiếng của Casals ngày một vang xa. Anh cũng đã trưởng thành và giàu có hơn. Anh quyết định trở lại Paris vào mùa thu năm 1899, lần này đi một mình với bức thư giới thiệu của Murphy cho Charles Lamoureux, nhạc trưởng danh tiếng, người có một dàn nhạc của riêng mình. Anh đã chinh phục Lamoureux ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên và ông đã ôm chầm lấy anh, nói: “Anh phải chơi ở buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi trong mùa giải này”. Ngày 12/11/1899, trong cello concerto của Édouard Lalo, Casals đã chinh phục khán giả Paris bằng tiếng đàn ma thuật của mình, được những nhà phê bình khen ngợi rằng khả năng âm nhạc cũng tuyệt vời như kỹ thuật. Bất chấp việc Lamoureux qua đời vào ngày 21/12/1899, Paris đã trở thành “nhà” của Casals, anh liên tục được mời biểu diễn và kết bạn với tên tuổi lớn tại đây như Camille Saint-Saëns, Maurice Ravel, Jacques Thibaud và Alfed Cortot.

Năm1901, Casals lần đầu tiên tới Mỹ biểu diễn và lưu diễn tại 80 địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong một lần leo núi tại San Francisco, ông đã bị tai nạn, gãy một số ngón tay. Thật may mắn, sau bốn tháng dưỡng thương, các ngón tay đã tìm lại được cảm giác và sự nhanh nhẹn, Casals có thể tiếp tục biểu diễn. Năm 1905, Casals tới Nga biểu diễn và kết bạn với nhiều nhà soạn nhạc ở đây như Nikolai Rimsky-Korsakov, Sergei Rachmaninov và Alexander Scriabin. Ngày 18/12/1906, cùng Thibaud và Cortot, Casals đã thành lập nhóm tam tấu, đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất cho việc hòa tấu thính phòng. Casals hồi tưởng: “Nhóm của chúng tôi, thực sự dựa trên âm nhạc và tình bạn, đã kéo dài nhiều năm. Chúng tôi đã cùng nhau đi du lịch khắp châu Âu, Tôi nhớ rất rõ điều đó và liên tưởng nó với sự tôn kính âm nhạc và tình bạn”. Kể từ đó, Casals nổi tiếng và biểu diễn trên khắp châu Âu cũng như nước Mỹ.

Pablo Casals thề sẽ sử dụng món quà từ Chúa – âm nhạc của mình – vì lợi ích của đồng loại.

Năm 1913, ông rời khỏi Paris và đến sinh sống tại Mỹ. Ông kết hôn với Susan Metcalfe, mezzo-soprano người Mỹ và khẳng định vị trí của mình là một nghệ sĩ cello hàng đầu tại đây. Họ thường xuyên biểu diễn cùng nhau với Casals đệm piano. Casals cho biết: “Một cuộc sống mới thực sự bắt đầu với tôi và nó sẽ mang lại hạnh phúc”.

Ngày 11/11/1915, ông ra mắt New York Philharmonic trong cello concerto số 2 của Joseph Haydn. Cũng trong năm này, Casals có được bản thu âm đầu tiên của mình. Khi Thế chiến Thứ nhất kết thúc, ông trở về Barcelona và bắt đầu thành lập Orchestra Pau Casals của riêng mình bởi ông luôn bị mê hoặc bởi ý tưởng điều khiển một thứ nhạc cụ khổng lồ có nhiều màu sắc khác nhau như dàn nhạc. Orchestra Pau Casals ra mắt vào ngày 13/10/1920. Ngày 7/3/1922, Casals lần đầu tiên chỉ huy tại Carnegie Hall, New York trong bản giao hưởng số 2 của Johannes Brahms. Kể từ đó, cùng với công việc của một nghệ sĩ cello, Casals cũng trở thành một nhạc trưởng được săn đón trên khắp thế giới. Ông duy trì chủ yếu hai hoạt động này song song và giảm dần đi việc sáng tác.

Không thể đong đếm những gì mà Casals đem lại cho nghệ thuật trình diễn cello. Ông đã định hình lại và vạch ra những kỹ thuật về cầm vĩ và các thế tay bấm phím mới, mang lại sự thuận lợi nhất cho người chơi, điều đã không được thực hiện một cách có hệ thống trong thế kỷ 19. Ông khuyến khích các bài tập thư giãn để nới lỏng tay, Casals cho biết: “Kỹ thuật hoàn hảo nhất là thứ mà hoàn toàn không được chú ý”. Không phải là một người có kỹ thuật thượng hạng, nhưng Casals chơi cello bằng cả tâm hồn mình, ông diễn giải tác phẩm rất sâu sắc, thành quả của việc nghiên cứu tổng phổ và luyện tập trong một thời gian dài. Phong cách của ông, cả chơi cello và chỉ huy dàn nhạc là chú ý đến từng chi tiết chứ không quá coi trọng đến tổng thể của tác phẩm. Casals tiếp cận âm nhạc một cách giản dị như chính ông trong cuộc sống. Mstislav Rostropovich đã nhận xét về ông “Trong tâm trí tôi, cái tên vĩ đại nhất trong lịch sử cello là Pablo Casals”.

Một huyền thoại sống

Casals còn được biết đến như một người yêu thiên nhiên, sống chân thành, chan hòa với những người xung quanh. Casals nói: “Với tôi, không thể tách rời việc theo đuổi âm nhạc và tình yêu dành cho những người thân xung quanh và nếu điều đầu tiên mang lại cho tôi những niềm vui thuần khiết và cao quý nhất, thì điều thứ hai mang lại cho tôi sự bình yên trong tâm hồn, ngay cả trong những khoảnh khắc buồn nhất”. Ngay từ nhỏ, Casals đã hiểu được nỗi khổ và sự bất bình đẳng của con người khi sống giữa những người nghèo trên đường phố Barcelona. Ông thề sẽ sử dụng món quà từ Chúa – âm nhạc của mình – vì lợi ích của đồng loại. Những năm 1930-1940 là thời kỳ hỗn loạn tại châu Âu với sự nổi lên của chế độ phát xít Đức. Tháng 7/1936, cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha diễn ra, Casals phải tuyên bố giải thể Orchestra Pau Casals. Ngày 19/10/1938, ông biểu diễn lần cuối cùng ở Tây Ban Nha khi biểu diễn tại Gran Teatre del Liceu. Casals là một người ủng hộ nhiệt thành của Chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha, ông thề sẽ không trở lại Tây Ban Nha cho đến khi nền dân chủ được khôi phục. Trong suốt sự nghiệp của mình, Casals đã ủng hộ những người bị áp bức và bị bỏ rơi bằng cách viết thư và tổ chức các buổi hòa nhạc. Ông từ chối biểu diễn ở các quốc gia thực hành chính trị chuyên chế và đàn áp. Ông định cư ở Prades, Pháp, chỉ tổ chức các buổi hòa nhạc lẻ tẻ và đến năm 1946 thì chấm dứt hoàn toàn. Để có lập trường chống lại các chế độ độc tài, Casals thề sẽ không bao giờ biểu diễn nữa. Việc rút lui vào im lặng là hành động mạnh mẽ nhất mà ông cảm thấy có thể làm.

“Bổn phận đầu tiên của tôi là mang đến hạnh phúc cho mọi người. Tôi sẽ cố gắng làm điều đó thông qua âm nhạc vì nó vượt qua cả ngôn ngữ, chính trị và ranh giới giữa các quốc gia”.

Pablo Casals

Tuy nhiên, vào năm 1950, được sự thúc giục của bạn bè, Casals tiếp tục chỉ huy và chơi đàn tại liên hoan Prades, Conflent, Pháp nhân dịp kỷ niệm 200 ngày mất của Bach. Ông chỉ tham gia với điều kiện tất cả số tiền thu được phải được chuyển đến một bệnh viện tị nạn ở gần đó. Năm 1955, ông định cư tại Puerto Rico, quê hương của mẹ mình và tổ chức liên hoan Casals diễn ra định kỳ, lần đầu tiên vào năm 1956. Tuy nhiên, khi tập luyện Casals đã lên cơn đau tim và phải vào bệnh viện điều trị, dẫn đến việc vắng mặt trong đêm khai mạc. Ông đóng một vai trò lớn lao trong đời sống âm nhạc tại Puerto Rico bằng cách thành lập Puerto Rico Symphony Orchestra (1958) và Conservatory of Music of Puerto Rico (1959). Mặc dù Casals đã tiếp tục biểu diễn nhưng ông đã từ chối chơi ở bất kỳ quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ Franco độc tài, kể cả Mỹ. Tuy nhiên, có một ngoại lệ duy nhất. Năm 1961, ông tới Nhà Trắng biểu diễn theo lời mời của Tổng thống John F. Kennedy, một người mà Casals vô cùng ngưỡng mộ. Đêm hôm đó, Kennedy đã trân trọng giới thiệu ông: “Tác phẩm của tất cả các nghệ sĩ – nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế và kiến ​​trúc sư – là biểu tượng cho sự tự do của loài người và không ai làm giàu cho sự tự do đó một cách nổi bật hơn Pablo Casals”.

Casals cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của ông cho hoạt động nhân đạo cũng như lời kêu gọi hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngày 24/10/1971, hai tháng trước sinh nhật lần thứ 95, ông chỉ huy một trong những sáng tác cuối cùng của mình “Hymn of the United Nations” với phần lời của nhà thơ Wystan Hugh Auden trong một chương trình hòa nhạc đặc biệt tại Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, U Thant đã trao tặng ông huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc để ghi nhận lập trường của ông vì hòa bình, công lý và tự do. Tại đây, ông đã có bài phát biểu nổi tiếng “Tôi là người Catalan”.

Không ai phản bác sự thật rằng trong nhiều năm ông là nghệ sĩ cello vĩ đại nhất thế giới. Không ai có thể tranh cãi về sự cống hiến đáng kể của ông cho âm nhạc. Ở ông hội tụ một tập hợp các thuộc tính mà ít nghệ sĩ nào sánh kịp.

Casals qua đời ngày 22/10/1973 tại Bệnh viện Auxilio Mutuo, San Juan, Puerto Rico ở tuổi 96, do biến chứng của một cơn đau tim. Cho đến cuối đời, Casals vẫn luôn luyện tập cello ít nhất ba giờ một ngày: “Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang tiến bộ”. Ông chưa một lần trở về Tây Ban Nha kể từ năm 1938 và không thể chờ đợi thêm hai năm nữa để chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Franco vào ngày 20/11/1975. Năm 1979, hài cốt của ông được an táng tại quê nhà El Vendrell.

Trong suốt cuộc đời của mình, Casals đã tôn vinh sự hiện diện thiêng liêng mà ông tìm thấy trong âm nhạc và thiên nhiên. Ông cũng tìm cách truyền cảm hứng và thúc đẩy sự hòa hợp giữa mọi người, bằng cả cây đàn cello và sự im lặng của mình. Casals là một biểu tượng. Không ai phản bác sự thật rằng trong nhiều năm ông là nghệ sĩ cello vĩ đại nhất thế giới. Không ai có thể tranh cãi về sự cống hiến đáng kể của ông cho âm nhạc. Casals là thầy giáo, Casals là nhạc trưởng, Casals là người chơi hòa tấu thính phòng, Casals là nguồn cảm hứng, Casals là nghệ sĩ cello. Chàng nghệ sĩ Catalan bé nhỏ đã mang trong mình sức nặng và nguồn năng lượng to lớn. Ở ông hội tụ một tập hợp các thuộc tính mà ít nghệ sĩ nào sánh kịp. Ông sống như một huyền thoại và ở một khía cạnh nào đó, đó là một cuộc sống tươi đẹp. □

Nguồn:

http://www.cello.org/Newsletter/Articles/casals.html

https://www.paucasals.org/en/biography/chronology

http://pablocasals.com/

https://www.nytimes.com/1973/10/28/archives/pablo-casals-18761973.html

Nguồn Tiasang
Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Baovannghe.vn - Những từ láy tạo thanh mà Hồ Xuân Hương dùng không nhiều nhưng rất đắt, rất độc đáo, và thể hiện rất đúng chức năng của nó.
Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Baovannghe.vn- Thoảng thi rưng rức thịt da/ để còn thổn thức đàn bà đàn ông
Nhà văn khoác áo lính “phức tạp nhất” và “đáng đọc nhất” hiện nay

Nhà văn khoác áo lính “phức tạp nhất” và “đáng đọc nhất” hiện nay

Được đánh giá là nhà văn đương đại hàng đầu Việt Nam hiện nay, văn chương của Nguyễn Bình Phương vẫn luôn là một bài toán khó với đa số độc giả. Nổi bật ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ, mỗi cuốn sách của Nguyễn Bình Phương xuất hiện đều trở thành một cơn cớ để khuấy động cộng đồng yêu văn chương.
Nếm mật nằm gai có thực sự liên quan đến Việt vương Câu Tiễn?

Nếm mật nằm gai có thực sự liên quan đến Việt vương Câu Tiễn?

Nếm mật nằm gai là thành ngữ Trung quốc - "Thường đảm ngọa tân". Nhưng "Thường đảm" - nếm mật - ý nghĩa là gì? Sử sách giai đoạn này, có thể kể tới Sử ký, Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư viết về Câu Tiễn đều không hề nhắc tới nằm gai.
Ra mắt sách "Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân"

Ra mắt sách "Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân"

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND, NXB Kim Đồng ra mắt cuốn sách "Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân" của đại tá, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà